Hôm nay,  

Giới Thiệu Sách Mới: Sống Với Tâm Nhàn

23/09/202115:53:00(Xem: 2361)

Graphical user interface

Description automatically generated with medium confidence

SỐNG VỚI vô ưu hưởng phước đời

TÂM NHÀN buông xả trí nhàn lơi

VĂN THƠ xướng họa hòa mây gió

LẠC VIỆT thi ca quyện đất trời...


Bốn câu thơ trên đây trích trong bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú có tựa đề “Sống Với Tâm Nhàn” cùng với tựa sách, được trình bày bằng những nét thư pháp mượt mà, lả lướt, của nhà văn Đỗ Dung, một cựu Dược Sĩ thời VNCH, cũng là bài thơ mở đầu giới thiệu Tuyển Tập văn thơ chủ đề Thiền “Sống Với Tâm Nhàn” do Thi Đàn Văn Thơ Lạc Việt vùng Thung Lũng Hoa Vàng San Jose California thực hiện.

Người Việt Nam hải ngoại chắc không ít người biết đến Văn Thơ Lạc Việt (VTLV), một diễn đàn văn học có số tuổi đời và uy tín khá cao ở California. Thi Văn Đàn “Văn Thơ Lạc Việt” được thành lập từ năm 1992, bởi 5 nhà thơ nhà văn tiền bối: Cố thi sĩ Hà Thượng Nhân, cố thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, cố thi sĩ Chu Toàn Chung, thi sĩ Dương Huệ Anh, thi sĩ Thượng Quân, và với sự cố vấn của cố nữ sĩ Trùng Quang, cố Bình Luận Gia Sơn Điền Nguyết Viết Khánh, và cố Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm. Trải qua ba thập niên, nước Mỹ đã kinh qua bao thế sự thăng trầm, nhưng VTLV vẫn còn đứng vững, và ngày càng phát triển mạnh theo thời đại. 

Những năm trước thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19, hàng năm VTLV đều tổ chức cuộc thi văn thơ có phát thưởng bằng hiện kim, đã quy tụ hàng nghìn tác giả tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới gửi bài dự thi. Thêm vào đó, mỗi năm, kể cả năm vừa qua 2020, trong thời điểm toàn quốc Hoa Kỳ và thế giới thực hiện biện pháp cách ly, nhà nhà đóng cửa, thì VTLV vẫn tiếp tục thực hiện Tuyển Tập “Quê Hương Và Nỗi Nhớ.” Rồi đến đầu Xuân năm 2021, VTLV đã hoàn thành Đặc San Xuân Tân Sửu, một Đặc San Xuân in toàn màu với bài vở rất phong phú, giá trị và đã được rất nhiều văn thi sĩ cùng đồng hương khắp nơi khen ngợi ủng hộ.  Sau sự thành công của ĐS Xuân Tân Sửu,  VTLV tiếp thực hiện Tuyển Tập Sống Với Tâm Nhàn, 2021, và mới vừa hoàn thành, trong tháng 9/2021, còn nóng hôi hổi thơm mùi mực mới.

Nhà báo Lê Văn Hải của hệ thống tuần báo “Thằng Mõ” San Jose, cũng là chủ tịch VTLV, đã viết trong lời giới thiệu Tuyển Tập Sống Với Tâm  Nhàn (SVTN), “Hy vọng sau khi đọc xong trên 400 trang sách này, không ít thì nhiều, mùi Thiền của thơ văn, sẽ thấm vào tim, để tâm hồn bay cao, cuộc sống được vui tươi, hạnh phúc hơn...”

Quả thật đúng như vậy.  Mở ra vài trang đầu, đọc bài viết “Duyên Khởi Thơ Thiền” của nhà văn Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng, tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà văn, “... sức sống Thiền trong thi ca vô cùng bền vững, là tiếng nói từ cõi lòng hòa cảm nỗi yêu thương. Hãy trân quý từng lời, từng vần điệu bởi chính nó đã giải tỏa phần nào cái tinh thần stress trong cơn đại dịch, xóa tan mọi tạp nhiễm xô bồ, giành giựt hơn thua rồi mặc kệ cái thịnh suy giữa trần gian mà chúng ta đang sinh hoạt.” (Sống Với Tâm Nhàn, Tr. 14)

Đến bài viết “Quán Tâm Chính Là Tu Tâm” của Thượng Tọa Thích Tánh Tuệ, tôi đọc mãi mê từng chữ, từng lời vàng ngọc của Thầy, và cố gắng ghi nhớ những điều vi diệu, “Trong cuộc sống hằng ngày, con người bị tâm tham, sân, si chi phối thường xuyên.”  Và “Nếu chánh niệm đầy đủ, ta ngăn ngừa được sự sanh khởi của chúng hay có thể phát hiện, đoạn trừ chúng ngay từ lúc vừa mới khởi sanh.” (SVTN tr.17). Đặc biệt nhất, là bài thơ “Vội” nổi tiếng của Thầy đã được loan truyền khắp mọi nơi:

“Vội đến, vội, đi, vội nhạt nhòa

Vội vàng sum họp, vội vàng xa

Vội ăn, vội nói, rồi vội thở,

Vội hưởng thụ mau, để vội già...” (SVTN tr.20)


Nhiều bài viết về Thiền khác của Thầy Thích Tánh Tuệ bài nào cũng chứa đựng những lời những giáo huấn quý giá, những điển tích rất nhiệm mầu của Phật, và thú vị hơn nữa, nhiều bài thơ về Thiền của Thầy đã được các thi nhân Phật Tử cùng xướng họa, dẫn người đọc lạc vào chốn rừng thơ bát ngát mênh mông, trăm hoa đua nở đủ sắc màu, những bông hoa tâm lành ý thiện, lòng trong dạ sáng... thấm đẫm hương vị Thiền và vô ưu vô uý…

Trong tuyển tập này, có một bài viết rất công phu, tỉ mỉ của Giáo Sư Đỗ Quang Vinh, bài “Thái Cực Dưỡng Sinh” chỉ dẫn môn thiền khí công: “Thiền cũng như Thái-cực-quyền đều là lưỡng diện của nhất điểm dưỡng sinh. Nói khác, cả hai phương-thức này đều nhằm giải-quyết những bế-tắc về tâm sinh lý ngõ hầu giữ-gìn sức khoẻ, ngăn ngừa và chữa trị bệnh tật mà tăng thêm tuổi thọ.” (SVTN tr. 53), GS Đỗ Quang Vinh viết. Giáo sư còn vẽ minh họa chỉ dẫn rõ ràng cách tập luyện, những huyệt đạo của con người, cách vận khí, điều tức, và khai thông kinh mạch.

Nhà thơ tiền bối Dương Huệ Anh đã góp mặt với nhiều bài thơ rất thanh thoát về Thiền, những câu trích dưới đây chứng minh cho sự hiểu biết mênh mông về Thiền Đạo của nhà thơ:

“Thế nào là Đạo là Thiền

Tân bình thường: Đạo

Ưu phiền sạch không

Nằm, Ngồi, Ăn, Ngủ, khoan dung

Sống trong Tĩnh Thức ngoài vòng chấp tranh (SVTN tr. 81)

Cựu nữ Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ, nhà thơ gốc lính Phạm Phan Lang đã trải lòng thiền khi nhìn hoa súng trắng chờ nắng sớm bên sông, và nhờ thấm mùi Thiền nên nhà thơ buông xả hết cả những đợi chờ, trải lòng vô ưu trong nhiều bài thơ khác nữa. Và tôi thích thú đọc từng lời từng chữ những bài thơ xướng họa của thi sĩ tiền bối Thiền Sư Xóm Núi Ngô Đình Chương, một trong những giám khảo các cuộc thi Văn Thơ của Văn Thơ Lạc Việt, cùng các nhà thơ hậu bối, những bài như “Chiều Đông Trên Đỉnh Trường Lục” “Am Vắng,” “Chốn Ẩn Cư” và nhiều, rất nhiều bài thơ xướng họa khác cũng hay vô cùng mà nếu được phép, tôi sẽ “mượn tạm” mấy câu của cụ Tiên Điền để diễn tả những bài thơ này, “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.”

Điều rất đặc biệt là, TT “Sống Với Tâm Nhàn” đã quy tụ rất nhiều Thi Văn Đàn bạn khắp Hoa Kỳ và thế giới tham gia.  Tác giả Kim Oanh là trang chủ Diễn Đàn Long Hồ Vĩnh Long từ Úc Châu cũng góp những ý Thiền nhẹ nhàng trong bài thơ “Khúc Hát Sai Mùa”.  Còn văn thi sĩ Nguyễn Phương Thúy, Hội Trưởng Diễn Đàn Cô Gái Việt từ Miền Đông Hoa Kỳ cũng mở rộng lòng từ, khi người ta xin thì cứ thoải mái cho, cho hết một nửa và còn cho mãi cho hoài, nhưng nếu người ta còn xin nữa thì vẫn cứ... cho tiếp, vì sự cho đi sẽ không bao giờ hết:

“Hỏi thêm một nửa, cho ngay

Nửa đi thêm nữa… vui thay vẫn còn

Cho hoài chỉ nửa hao mòn

Niềm vui san sẻ…. vo tròn phúc duyên” (SVTN tr. 141)


Khi đọc bài “Bên Bờ Tử Sinh” của nữ văn sĩ Đỗ Dung thuộc Ban Điều Hành diễn đàn Minh Châu Trời Đông, tôi cũng thấy lòng nhẹ nhàng theo, tác giả bị căn bệnh hiểm nghèo bác sĩ nói chỉ sống thêm vài năm nữa, mà nhờ nhiếp tâm thiền định, chẳng những thoát khỏi cây cầu sinh tử mà tác giả còn sống yêu đời và trở thành một nhà văn với nhiều sáng tác đi vào lòng độc giả.

Thật là một ngạc nhiên đầy thú vị khi “Sống Với Tâm Nhàn” chủ đề Thiền còn “quyến rủ” được một nữ văn thi sĩ người theo Đạo Chúa. Kim Loan cây viết trẻ từ tận xứ rừng phong Canada cho độc giả thưởng thức tấm lòng tha thứ và yêu thương như Đức Chúa của cô:

“Nếu biết đời này rồi sẽ qua

Mang nặng lòng chi, hãy thứ tha

Sống nhẹ nhàng cho lòng thanh thản

Yêu thương người như gương Chúa Ta” (SVTN tr. 155)


Đến bài viết hừng hực niềm tin, sự yêu đời của nữ ký giả lão thành Kiều Mỹ Duyên “Tình yêu, Tình Yêu, Tình Yêu Ơi,” đã đưa tôi quên hết muộn phiền, chỉ giữ lại lòng yêu người, yêu đời, ngắm hoa, nhìn chim hót…. Và khi đọc tới 66 bài thơ Thiền của cựu nữ Giáo Sư Giác Đạo sưu tầm và nhuận sắc, tôi như lạc vào cõi Thiền muôn lối nghìn phương, miên man học hỏi dù còn nhiều điều chưa hiểu hết.  Cũng vậy, bài viết “Thiền Trong Sinh Hoạt” của nhà thơ Minh Thuý Thành Nội và rất nhiều bài thơ Thiền khác của thi nhân, tôi đọc xong tâm đắc lắm, nhưng đáng chú ý nhất là những điều đơn giản mà hữu ích sau đây khi một người muốn sống tốt:

“Lo ít, ngủ nhiều

Giận ít, cười nhiều

Ngồi xe ít, đi bộ nhiều

Nói ít, làm nhiều

Tham lam ít, bố thí nhiều” (SVTN tr.192)

Một nữ tác giả có cái bút hiệu ngồ ngộ làm người ta ...khó quên, “Thúy M,” từ miền Đông DC đã gửi gắm cho độc giả những kinh nghiệm về thiền, khi đã nhập định thì quên hết phòng thiền, quên cả... người ngồi bên, để “Hồn trong trạng thái tĩnh nhiên/Số không tròn trĩnh tâm thiền trống trơ...” (SVTN tr. 201)

Câu chuyện “Ở Trọ” của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thanh Dương và bài thơ Thiền của tác giả đã cho tôi mở lòng ra và tin vào cái suy nghĩ: “...nhà to đẹp hay nhà cũ xấu cũng chỉ là quán trọ ven đường đời cho ta dừng chân và một ngày nào đó ta sẽ về nơi yên nghỉ sau cùng đó mới là căn nhà vĩnh cửu của riêng ta.” (SVTN, tr. 212)

Còn đối với thi sĩ Như Thu, thì hình như thiền đã in đậm vào tâm trí. Rất nhiều bài thơ trong Tuyển Tập Sống Với Tâm Nhàn của Như Thu đưa độc giả đến cõi thiền, từ “Niết Bàn Chẳng Xa” đến “Ở Đây, Bây Giờ” rồi “Tuổi Đời”... đến bài “Tĩnh Lặng” đã hấp dẫn nhiều bạn thơ cùng xướng họa. Tác giả Như Thu đã nhận chân ra đời là vô thường, không nên mơ mộng huyễn hoặc mà chỉ nhìn vào hiện tại:

 “Ngày mai, chuyện của ngày mai

Mong cầu gác lại tương lai đừng chờ

Hôm nay, hiện tại, bây giờ

“Ở đây” chỉ có “bây giờ” mà thôi (SVTN tr.216)


Nữ văn thi sĩ Sao Khuê cũng từ Canada, tự xưng là mình đang “Mon Men Cửa Thiền,” mà đã viết nên một câu chuyện liêu trai “Bến Mê” thật kỳ lạ, thật liêu trai, nhưng những nhân vật trong truyện cũng đều học được thế nào là nhân quả luân hồi, qua lời giảng dạy của sư cụ thiền sư.

Kế đến là bài biên khảo “Thiền Có Thật Sự Cần Thiết Cho Con Người” của nhà thơ Lê Tuấn. Có thể thấy đây là một bài biên khảo được tác giả dành nhiều tâm huyết và công phu để thực hiện.  Nhiều phương pháp thiền được phân tích rất chi tiết, và các tư thế ngồi khi thiền định cũng được tác giả minh họa rõ ràng. Thêm vào đó, rất nhiều bài thơ về Thiền của tác giả Lê Tuấn đã được các nhà thơ khác đồng cảm và cùng chung tay xướng họa, chắc chắn sẽ làm độc giả thích thú .

Nữ văn sĩ Hồng Thuỷ, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ với hai bài viết rất hay, nhưng cảm động nhất là bài “Chiếc Phong Bì Tím Ngày Đầu Xuân” kể về một bà mẹ Mỹ có con trai sang chiến đấu rồi mất tích bên Việt Nam, đã chuyển sự kỳ thị, sự ghét bỏ người Á Châu, khi biết tác giả là người Việt Nam, và từ đó hết lòng giúp đỡ, kể cả việc mỗi lần Tết Âm Lịch đến bà đem tặng tác giả phong bì lì xì màu tím trong đó đựng bì lì xì đỏ với tiền mới để chúc may mắn theo phong tục người Việt Nam.  Riêng thiền giả Nguyễn Thị Yến trong bài “Đêm Diệu Nhân” và một bài viết, bài thơ khác đã chia sẻ nhiều điều rất bổ ích từ những khóa thiền mà tác giả tham dự.

Nổi bật là, nữ sĩ Cao Mỵ Nhân từ trang Hải Ngoại Phiếm Đàn cũng đã đóng góp nhiều bài thơ trích từ tác phẩm “Đưa Người Tình Đi Tu” như “Sắc Tức Thị Không,” “Thiền Động” và nhiều bài thơ tình yêu mà rất thoát tục. Tôi thấy có chút xao xuyến bâng khuâng khi đọc những dòng thơ trong bài “Đứng Trước Ngõ Hạnh” này:

“Ngõ hạnh vẫn nhờ người nhổ cỏ

Để hoa nhân ái nở chan hòa

Tam quan buồn bã chờ năm đó

Giờ đã như là chẳng ghé qua” (SVTN tr. 323)


Gần cuối sách có bài “Quét Lá Sân Chùa” của tác giả Nguyện Thị Thêm, đó là những tưởng nhớ nhẹ nhàng nhưng đầy thử thách của việc tu hành và xây dựng một ngôi Tam Bảo, nhưng “Yêu Thương” mới là câu chuyện cảm động rất đáng phải đọc cho kỹ để cảm nhận cái hay, cái tình cảm yêu thương chân thật kiếp người. Văn thi sĩ Sương Lam là trang chủ “Một Cõi Thiền Nhàn” ở Portland, Oregan, đã có bài viết “Một Chữ Tâm” đầy ý nghĩa...và bài “Dòng Sông Cuộc Đời” cùng những bài thơ Thiền rất thoát tục, rất an nhiên, mà tôi mãi mê dõi theo từ đầu đến cuối. Còn bài viết thật đặc biệt về triết lý sống “Wabi Sabi” của người Nhật do Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết biên khảo cũng vô cùng thú vị, và rất lạ lùng, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác...

Tóm lại, trong tuyển tập này còn rất nhiều văn, thi, nhạc, họa, sĩ tham gia. Thơ của các nhà thơ Trần Cẩm Thành, Thanh Hòa, Hoàng Mai Nhất... đều chứa đựng tâm thiền, trí không, khiến người đọc cảm thấy thật nhẹ nhàng.  Và thi sĩ Mặc Khách với nhiều bài thơ cũng đầy thiền vị. Đọc xong những bài thơ của tác giả Mặc Khách, tâm tôi đọng lại mấy lời này, “Ta về ngồi đếm hư hao/Chìm trong bể khổ thương đau kiếp người/Lợi danh nhường lại cho đời/Đường về cõi tịnh buông rơi nhẹ lòng.”  

Ngoài ra còn có một ca khúc “mới toanh” của nhạc sĩ, cũng là trưởng Ban Biên Tập VTLV, Thái Phạm, phổ từ bài thơ “Nếu Tình Là” của thi sĩ Lê Tuấn, và nhạc sĩ Từ Nguyên đóng góp một bài viết về Thiền cùng khúc ca Đạo Nguyện. Nhiếp ảnh gia Lê Đức Tế cũng góp mặt với bộ ảnh chụp nghệ thuật sống động và điêu luyện. Và câu chuyện cuối, “Một Thoáng Di Linh” rất dễ thương, viết về mối tình trong sáng của chàng lính trẻ VNCH, mơ thầm một người con gái nhưng lặng lẽ để nàng vào Dòng Tu dâng đời cho Chúa, của văn thi sĩ Chinh Nguyên, cựu chủ tịch VTLV, làm cho tôi bồi hồi, gấp sách lại mà lòng vẫn cảm thấy bâng khuâng... 

Sau cùng, Tuyển Tập “Sống Với Tâm Nhàn” là một quyển sách rất giá trị, rất hữu ích, đáng để đọc trong thời điểm khắp nơi vẫn còn lo âu vì dịch bệnh hoành hành. Đọc để giúp cho lòng thanh thản và để cuộc sống được tự tại an nhiên hơn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả khắp nơi.  

Sách sẽ được VTLV ra mắt độc giả vào Chúa Nhật này, 26 tháng 9, 2021, tại San Jose California.

Địa điểm: COFFEE LOVER 1855 ABORN ROAD, SAN JOSE, CA, 95121


Phương Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả Hồ Ngọc Bảo không có ý làm văn chương. Anh viết về cuộc đời của anh, cũng gần như cuộc đời của rất nhiều người dân mình. Anh kể từ chuyện thời thơ ấu ở Quảng Ngãi, chứng kiến những cuộc thanh toán Quốc-Cộng trong làng, được cha gửi vào học ở chủng viện Kontum, thi Tú Tài xong là vào Sài Gòn học bậc đại học, trải qua nhiều gian nan sau 1975, cùng với vợ và con nhỏ đi đường bộ vượt biên sang Lào nhưng bị bắt giữa rừng, vào tù, tới khi ra tù là buôn chợ trời rồi về làm ở nông trường, chuyển sang một hãng sành sứ, may gặp cơ hội vượt biên sang Canada định cư, làm việc ở hãng xưởng Canada, tới khi tóc bạc trắng xóa thì ngồi viết lại đời mình. Không phải là hồi ký về một cá nhân, nhưng là từ kinh nghiệm và cái nhìn của một người có cơ duyên trải qua nhiều diễn biến lịch sử.
Đọc suốt cả quyển sách, tôi tâm đắc nhất có thể nói là bài “Thị Hiện Độ Sanh” từ trang 123 đến trang 177. Đây là bài viết dài nhất về cuộc đời của Đức Phật, đa phần là chuyện kể ngắn gọn, không có thơ đi kèm; nhưng với tôi, là một tuyệt tác. Bởi lẽ, Võ Đình Cường đã viết về cuộc đời của Đức Phật qua tác phẩm Ánh Đạo Vàng hay như thế nào, thì phần Thị Hiện Độ Sanh nầy cũng không kém chất liệu thi vị hóa cuộc đời của Đức Phật, qua tài sử dụng văn chương và câu cú rất chuẩn mực, khiến cho người đọc cứ phải lần mở hết trang nầy đến trang khác, đọc cho đến lúc chấm hết chuyện mới thôi.
Trong tập sách nầy có bài “Thiên Lý Độc Hành” ở trang 47 bằng tiếng Việt và được Tác giả dịch sang tiếng Anh ở trang 51. Bài nầy có tất cả 13 đoạn do Thầy Tuệ Sỹ sáng tác và đã được Tác giả cho dịch sang tiếng Anh, kèm theo những bài của tác giả khác cũng đã dịch những vần thơ nầy ra tiếng Anh nữa. Qua đó tôi nhận thấy có lẽ khó nhất là từ “mắt biếc” không phải đơn giản để dịch được từ nầy, nếu không thâm hiểu ý của tác giả bài thơ.
Ngay cả khi họ thích dùng các thuật ngữ khác hơn ("chiến tranh lạnh", "hòa bình nóng"), ngày càng có nhiều nhà bình luận ngầm chấp nhận điều này - có nghĩa là, họ chấp nhận rằng Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang hành xử theo những cách gợi lại các đặc điểm của Churchill về "các khuynh hướng mở rộng và cố gắng thu phục" của Liên Xô dưới thời Stalin. Không phải chỉ mọi thứ ở phía đông bức màn sắt bị nằm dưới sự kiểm soát của Moscow; ở Tây Âu, đạo quân thứ năm của Cộng sản hoạt động miệt mài, trong khi các tham vọng của Stalin cũng đe dọa Thổ, Iran và Trung Quốc. Như Churchill đã nói, Liên Xô không muốn chiến tranh "nóng". Họ muốn hòa bình nhưng theo cách "bành trướng vô thời hạn về quyền lực và giáo điều của họ".
Bất chấp những rủi ro, sự tấn công và phải trả giá bằng cả sự nghiệp, cựu Trung Tá quân lực Hoa Kỳ Alexander Vindman - cựu nhân viên an ninh quốc gia Hoa Kỳ vẫn giữ được khí phách mà anh đã được huấn luyện và hun đúc từ trong quân đội để nói ra sự thật. Hồi ký "Here, Right Matters" của Trung Tá Vindman phát hành tuần này đang nằm trong danh sách bán chạy nhất trên Amazon. Cuốn sách kể về những điều gì?
“Kể chuyện mà chơi” dày 420 trang, gồm 65 “câu chuyện”, được tác giả thể hiện qua hình thức truyện ngắn và tản văn, với lối viết giản dị, có phần chân chất và mộc mạc qua góc nhìn của một người có khá nhiều kinh nghiệm về ứng xử và suy xét tế nhị, mang dấu ấn của người Việt và là tín đồ của cửa Phật, đó là sự bù trừ và luật nhân quả của thiền môn.
Từ những ngày còn trẻ chưa biết lo là gì tôi đã tình cờ đọc tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn” của nhà thơ Phạm Công Thiện, mà trong đó không biết vì sao tôi cứ nhớ mãi câu thơ này, “Cửu Long ca từ Tây Tạng!” Cũng từ đó Sông Cửu Long không bao giờ ngừng chảy trong ký ức của tôi. Và bây giờ tôi nhận được cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh như một tình cờ kỳ lạ mà tôi có với dòng sông lịch sử này.
Trong Đạo Phật có cả Pháp Học lẫn Pháp Hành và trong học đường cũng vậy. Nếu chỉ có nói, mà không ngồi xuống để đếm từng hơi thở để thực tập Thiền thì khó mà tiếp thu được. Tuy không được đem niềm tin tôn giáo vào trường học của chính phủ để dạy, nhưng Chánh Niệm vẫn là một danh từ, một khái niệm thực tập sự yên tĩnh cho nội tâm, mà Thiền Sư Nhất Hạnh đã rất thành công khi hướng dẫn người Tây phương trở về với nền Đạo Học Đông Phương, bằng con đường chuyển hóa nầy.
Lotus Media đã xuất bản SỐNG VỚI CHỮ vào đầu năm 2021, nay có duyên lành được xuất bản quyển sách thứ 2 của anh, 909 Bài thơ Ba Dòng. Một thể loại thơ tự do, không gò bó, nghiêm túc và mỹ học như thơ Hài cú, nhưng phóng khoáng và thoải mái như gu và con người thật của anh Tuấn: rất đẹp, rất riêng, rất thật, rất chay như trong Huế chay, thàng, ngông, rượn… và rất người.
Sàigòn, những ngày xao xác cùng chiến tranh, những lửa đạn kinh hoàng Khe Sanh, Quảng Trị... Đạn lạc tên bay tận những nơi xa vời để bảo vệ cho Sàigòn. Một Sàigòn không tiếng súng. Và tôi, trốn hết học hành trường lớp. Tôi mê muội theo những hương thơm ngát của sơn dầu, tôi bàng hoàng bên những nét cọ sắc sảo. Nét cọ mà khi dào dạt cùng tranh, đã phải óng ánh hơn những nét bút rời rạc; chữ nghĩa lơ mơ chợt quên, chợt nhớ của tôi trong trường thi, lớp học.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.