Hôm nay,  

Đọc ‘909 Bài Thơ Ba Dòng’ Như Vào Mật Thất Đọc Bí Kíp Thơ

17/09/202100:00:00(Xem: 1992)
909-Bai-Tho-Ba-Dong
Hình bìa tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” của Nguyễn Hưng Quốc.
 
Tôi biết đến Nguyễn Hưng Quốc như một nhà phê bình văn học kiệt xuất rất nhiều năm về trước khi tôi đọc khá nhiều tác phẩm của anh, trong đó có cuốn “Văn Học Việt Nam, Từ Điểm Nhìn H(ậu H)iện Đại,” “Nghĩ Về Thơ,” “Tìm Hiểu Về Nghệ Thuật Thơ Việt Nam,” “Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản,” “Mấy Vấn Đề Phê Bình và Lý Thuyết Văn Học,” v.v… Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ của anh qua cuốn “909 Bài Thơ Ba Dòng” vừa được Lotus Media xuất bản năm 2021.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc “909 Bài Thơ Ba Dòng” là lạ, dí dỏm và sâu. Lạ vì cấu trúc và chữ nghĩa của bài thơ. Chẳng hạn trong bài thơ số 580:
 
Anh hôn em
Đến cạn cả
Giấc mơ
 
Về cấu trúc, chỉ gỏn lọn trong 3 dòng, nó thật quá cô đọng đến mức không còn có thể rút ngắn thêm được nữa, mà như Nguyễn Hưng Quốc đã viết trong Lời Nói Đầu là “nó bị nén chặt, thật chặt.” Cấu trúc này quả thật là rất lạ trong thơ Việt Nam xưa nay. Còn chữ nghĩa trong bài thơ này nữa. “Giấc mơ” trong dòng cuối của bài thơ làm người đọc không thể đoán trước, nó rất bất ngờ. Nó đúng là mở ra một khung trời khác mới lạ cho cảm nghĩ của người đọc.

Dí dỏm, vì hầu như đại đa số các bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” đều ẩn hiện đâu đó cái nét dí dỏm rất dễ thương và cũng rất ý vị. Thí dụ, trong bài thơ số 569.
 
Để đến với trái tim
Hắn phải trườn qua
Thân thể nàng
 
Bài thơ nói lên một sự thật ít ai chối cãi nhưng cũng ít ai nghĩ ra cách miêu tả như thế. Nó có chút phàm tục trong ý nghĩa thanh cao. Nhưng đọc xong bài thơ, tôi tin chắc hầu hết người đọc đều không thể nhịn cười.

Sâu, vì rất nhiều bài trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” hàm ngụ một thứ triết lý nào đó về tôn giáo, lịch sử, đời sống, văn học, v.v… , như bài thơ 862.
 
Tôi thụ giáo những giọt sương
Bài học Bát Nhã
Sắc tức thị không
 
Nhìn những giọt sương, nhà thơ họ Nguyễn có thể giác ngộ được triết lý sâu thẳm “sắc tức thị không” của Bát Nhã (Tiếng Phạn đọc là Prajana – dịch âm là Bát Nhã, dịch nghĩa là Trí Tuệ), là giáo lý đức Phật dạy về trí tuệ quán chiếu bản chất mong manh giả tạm, không có tự tánh, không có tự ngã, chỉ là rỗng không của tất cả mọi sự mọi vật trên cõi đời này. Mọi thứ đều vô thường, biến hoại như sương mai, chợt có chợt không.

Đọc “909 Bài Thơ Ba Dòng” tôi lại có cảm nghĩ như mình đã tình cờ đi lọt vào một mật thất mà trong đó chứa đầy những bí quyết tinh mật về thơ, về việc làm thơ và về nhà thơ. Có lẽ, với kiến thức và kinh nghiệm phong phú về phê bình văn học và thơ mà nhà thơ họ Nguyễn đã nắm chặt trong tay mình những bí quyết, hay cũng có thể nói là những minh giải về thơ. Và khi đọc những bài thơ này tôi còn thấy phảng phất hình bóng và hơi hướng của một cây bút lý luận văn học chuyên nghiệp ẩn hiện đâu đó trong bài thơ.

Mật thất thứ nhất trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” chứa đựng những bí quyết hay những minh giải về thơ. Xin trích ra đây một số bài thơ để độc giả tường lãm. Những con số nằm trong dấu ngoặc ở cuối mỗi bài thơ là số bài thơ trong tác phẩm “909 Bài Thơ Ba Dòng.”
 
Thơ ra đời từ
Lãnh cung
Của những đóa hoa hồng (2)
 
Bài thơ không có gì ngoài chữ
Chữ giao cấu với chữ
Đẻ ra nhà thơ (54)
 
Ánh trăng đâm thẳng vào trái tim của hắn
Hắn mất tân
Và bài thơ tình ra đời (73)
 
Tất cả mọi người đều là những tù nhân
Thơ là sự cứu rỗi
Cuối cùng (82)
 
Thơ là lời thì thầm của trái tim
Thơ là trò chơi của chữ
Thơ là ngón tay đeo nhẫn của Chúa (98)
 
Thơ trở thành nguồn cứu rỗi duy nhất
Sau khi Thượng Đế bị
Truất phế (109)
 
Thơ là nơi tôi chôn giấu những nỗi
Không thể nói được
Với bất cứ ai (123)
 
Trong những điều kỳ diệu, ngôn ngữ đứng đầu
Trong ngôn ngữ
Thơ đứng đầu (166)
 
Một bài thơ như tiếng chó sủa vu vơ dưới trăng
Nó khiến người ta giật mình
Thấy ánh trăng đẹp (167)
 
Thơ làm mới ngôn ngữ
Ngôn ngữ làm mới cái nhìn
Cái nhìn làm mới con người (70)
 
Thơ chỉ là cô điếm già
Đứng ngắm trăng
Trong lúc chờ khách (187)
 
Bài thơ nào cũng đến bất ngờ
Khi tia nắng chạm vào ngay giữa
Trái tim hoa (205)
 
Hắn mất tích trong các bài thơ của hắn
Mọi tìm kiếm đều
Vô vọng (208)
 
Mỗi bài thơ là một đám cưới của chữ
Phần lớn đều
Tuyệt tự (213)
 
Trong khế ước của thơ
Sự thành thực chỉ là điều
Phù phiếm (214)
 
Hễ còn nỗi buồn còn nhớ nhung còn tuyệt vọng
Là còn có thơ
Thơ là tiếng kêu của sự bất toàn (216)
 
Thơ là những nụ hôn
Kín đáo
Xuyên địa lý (231)
 
Không ai ngăn được thời gian
Nhưng thơ có thể vĩnh cửu hóa
Một khoảnh khắc (264)
 
Thơ
Bí tích hôn phối
Giữa các chữ (324)
 
Thơ: Những chữ bị đánh cắp
Bởi một giấc mơ
Thủng đáy (331)
 
Thơ là tiếng thì thầm
Của những giọt sương mai
Chưa mất trinh (332)
 
Thơ là những đóa hoa
Trễ kinh
Đứng khóc (347)
 
Mỗi bài thơ là một thương tích
Từ vết cắn
Của chữ (360)
 
Thơ khuếch tán
Tiếng thở dài của những
Hạt sương đêm (407)
 
Thơ là lời tỏ tình của
Ngọn cỏ
Với một ánh sao xa (411)
 
Thơ: Lơ lửng giữa nói và không nói
Giữa từ vựng và phi từ vựng
Giữa thơ và phản thơ (530)
 
Bài thơ cởi truồng
Chữ giạng chân
Mà tất cả vẫn ẩn mật (535)
 
Mỗi bài thơ cõng một tia nắng
Chiếu sáng
Đường đi vào những giấc mộng (578)
 
Thơ chỉ thích những góc khuất thật quạnh quẽ
Nơi người ta nghe được
Tiếng cựa mình của chữ (689)
 
Thơ là những đóa hoa bị đẻ rơi
Trên đường lên
Núi Sọ (709)
 
Khi những họng núi lửa nở hoa
Và dòng sông gục đầu xuống khóc
Thơ ra đời (728)
 
Lửng lơ, tất cả các bài thơ hắn viết
Đều theo
Thi pháp của mây (786)
 
Thơ như một hạt bụi
Đậu trong mắt
Đủ làm người xốn xang (807)
 
Mỗi bài thơ là một thí nghiệm
Trên chữ
Về cái gọi là thơ (833)
 
Thơ không phản ánh sự thật
Nó tạo ra
Sự Thật (865)
 
Những bài thơ được viết
Để phụ họa
Các lời kinh của mưa (877)
 
Bài thơ cần kịch tính
Của ngọn núi lửa
Nổ bùng (883)
 
Thơ gắn liền với ý niệm phôi pha
Trong cõi vĩnh hằng
Không có thi sĩ (889)
 
Tất cả những bài thơ trên đều giúp cho người đọc hiểu thơ là gì, thơ nói về điều gì và chất liệu làm nên bài thơ. Tôi có cảm nghĩ nó giống như những khẩu quyết mà người học võ phải thuộc lòng để nắm bắt được cốt tủy thi triển của một đường võ.

Mật thất thứ hai ghi những bí quyết về việc làm thơ. Những bài thơ được trích dẫn dưới đây từ cuốn “909 Bài Thơ Ba Dòng,” là những bí quyết mà nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc nói cho chúng ta biết kinh nghiệm làm thơ của anh. Kinh nghiệm thì thường khác biệt giữa người này và người nọ do tư chất riêng và do bối cảnh tâm tư, tình cảm, nhận thức, hoàn cảnh, v.v… của mỗi người. Nhưng đây là điều hiếm thấy được các nhà thơ trình bày theo thể cách này. Xin trích một số bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” để người đọc tiện việc theo dõi.
 
Làm thơ là đánh vật với chữ
Khi chữ thắng
Tác giả cũng thắng (181)
 
Làm thơ, hắn tìm cách phiên dịch
Những bài kinh nhật tụng
Của gió (204)
 
Để bày tỏ tình yêu
Hắn làm thơ
Còn nàng thì mất trinh (233)
 
Làm thơ
Tôi tự hóa kiếp tôi
Thành chữ (286)
 
Làm thơ như đột kích
Mỗi chữ một phát súng
Bất ngờ (414)
 
Làm thơ là một cách thủ dâm
Tinh khí chữ bắn vào
Hiu quạnh (592)
 
Thử thách lớn nhất của người làm thơ là
Nghe được tiếng chữ thở
Lúc chúng tự sướng (635)
 
Làm thơ là tự hành xác với chữ
Bao nhiêu tinh dịch trào xuống
Để có được một cành hoa (647)
 
Làm thơ là phóng thích những nỗi u uẩn
Để lòng được nằm nghiêng với
Những vạt nắng chiều (708)
 
Làm thơ, hắn nhập thể vào chữ
Chữ thở phập phồng
Những tình yêu của hắn (758)
 
Làm thơ là tìm kiếm tàn tích
Những nụ hôn cháy
Trong giấc mơ (882)
 
Làm thơ, hắn ăn cắp chữ
Từ những giọt
Mưa rơi (905)
 
Làm thơ, theo Nguyễn Hưng Quốc, là “hóa kiếp tôi thành chữ,” hay “hắn nhập thể vào chữ,” hoặc một cách đầy tượng hình “hắn ăn cắp chữ từ những giọt mưa rơi,” v.v… Nhưng tôi thích nhất là câu này: “làm thơ là nghe được tiếng chữ thở lúc chúng tự sướng.” Muốn nghe được “tiếng chữ thở” thì mình ắt phải “hóa kiếp thành chữ,” hay “nhập thể vào chữ.” Và như thế thì không còn khoảng cách giữa người làm thơ và chữ. Người làm thơ là chữ và chữ là thơ.
Mật thất thứ ba viết những bí quyết về nhà thơ. Trong mật thất này chỉ gồm mấy bài thơ, là ít so với hai mật thất mà tôi vừa đi qua ở trên. Xin trích đăng để độc giả thưởng thức.
 
Nhà thơ không làm ra chữ
Chính chữ làm nên
Nhà thơ (139)
 
Nhà thơ là kẻ phiên dịch bóng tối
Để ánh sáng hiểu được
Trái tim đêm (175)
 
Tất cả các nhà thơ đều nhẹ dạ
Trước sự cám dỗ của
Những nỗi vu vơ (261)
 
Nhà thơ lắng nghe và phiên dịch
Các cuộc chuyện trò giữa
Cỏ và sương (426)
 
Bao giờ hắn cũng muốn viết một cái gì đó
Nhưng chỉ khi hắn không viết
Hắn mới thực sự là nhà thơ (649)
 
Chỉ có các nhà thơ mới dịch được
Các văn bản của mây
Viết trên trời xanh (727)
 
Nguyễn Hưng Quốc cho rằng “Nhà thơ không làm ra chữ, chính chữ làm nên nhà thơ.” Vế thứ hai của bài thơ này thì có vẻ dễ hiểu, bởi vì chính người làm ra bài thơ thì mới được gọi là nhà thơ. Nhưng vế đầu của bài thơ thì không dễ hiểu tí nào cả, bởi vì “nhà thơ không làm ra chữ,” thì nhà thơ làm ra gì? Có lẽ chúng ta nên quay lại mật thất thứ hai trong đó ghi những bí quyết làm thơ thì chắc có câu trả lời. Đúng vậy, trong mật thất thứ hai, Nguyễn Hưng Quốc nói anh “hóa kiếp thành chữ,”“nhập thể vào chữ.” Bởi thế, nhà thơ không còn đứng ngoài chữ để nói mình làm ra chữ. Nhà thơ là chữ. Chữ là nhà thơ. Và do vậy, nhà thơ họ Nguyễn mới nói “Bao giờ hắn cũng muốn viết một cái gì đó, nhưng chỉ khi hắn không viết, hắn mới thực là nhà thơ.”(649) Cao siêu! Đây quả là cảnh giới thượng thừa của nghệ thuật.

Nguyen Hung Quoc

GS Nguyễn Hưng Quốc. (ảnh của Uyên Nguyên – nguồn: https://uyennguyen.net


Trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” có nhiều điều khác mà Nguyễn Hưng Quốc cảm tác về tình yêu, chuyện vợ chồng, biển, sóng nước, mây, gió, trăng, mưa, mùa thu, lá vàng, nắng, hoa, sương đêm, các vì sao, giấc mộng, tiếng chim hót, v.v…

Có những bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” đọc lên là nghe và thấy cả một khung cảnh nghệ thuật như đang xem một bức tranh thiên nhiên sống động tuyệt đẹp. Chẳng hạn:
 
Hắn nhả khói thuốc vào mùa thu
Bầu trời trống
Treo hờ một khóe trăng non (878)
 
Hoặc có bài thơ chứa đầy âm thanh, màu sắc và hương vị:
 
Mở cửa cho tiếng chim vào nhà
Tiếng chim tròn và ngọt lịm
Như một trái cam (818)
 
Nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc khép lại tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” bằng một câu hỏi bỏ ngõ nhưng chứa đựng cả một khung trời triết lý nghệ thuật cao siêu:
 
Những bài thơ ba dòng nhỏ xíu này
Có nặng bằng một hạt sương không?
Tôi không biết. Xin hỏi những ngọn cỏ (909)
 
Chỉ những ngọn cỏ mới cảm nhận được đích thật hạt sương có nặng không thôi. Nếu dùng tâm thức phân biệt, hay nói như Trần Na (Dignāga) trong Nhân Minh Luận của nhà Phật là dùng loại tri thức tỉ lượng, để suy đoán thì sẽ rơi vào tình trạng “người mù rờ voi,” -- là một thí dụ mà các nhà hiền triết Ấn Độ thuở xưa nêu ra để miêu tả sự suy đoán chân lý tuyệt đối bằng đầu óc hữu hạn và tương đối của con người. Nhưng những ngọn cỏ thì có bao giờ lên tiếng trả lời đâu và ngay cả hạt sương cũng vậy.

Vì thế, muốn có câu trả lời thì phải là hạt sương, phải là ngọn cỏ, hay phải “thể nhập,” phải “hóa kiếp” để lắng nghe cỏ và sương nói gì, như nhà thơ họ Nguyễn đã nói đâu đó trong tập thơ này.
 
Nhà thơ lắng nghe và phiên dịch
Các cuộc chuyện trò giữa
Cỏ và sương (426)
 
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc và xin giới thiệu tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” đến với quý độc giả.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NGÔ THẾ VINH, BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG là tuyển tập đặc biệt thứ ba, do tạp chí Ngôn Ngữ hân hạnh đứng tên xuất bản và phát hành rộng rãi...
Trong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
Gọi là “Hạnh ngộ” vì đây là sự kiện thi ca hiếm có xảy ra tại Việt Nam, do một cá nhân, chính là dịch giả chuyển ngữ đề xướng và được hơn 240 tác giả thơ ở khắp nơi trong nước và 60 tác giả thơ hải ngoại, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia trên thế giới cùng “gặp nhau” trong một tuyển tập “đồ sộ” song ngữ Việt-Anh, mang tên “Nhịp Điệu Việt / The Rhythm of Vietnam”...
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ và nay chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 nên thế giới phẳng. Nhờ đó có sự kết nối giao lưu tương tác giữa những người có cùng sở thích. Trong số những tín đồ thi ca, tác giả Ngọc Trân là một trong những cây bút sáng tác nhiều thơ trữ tình. Gần đây anh có gửi cho tôi bản thảo tập thơ Tìm Lại Dấu Xưa sắp xuất bản có trên 100 bài...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.