Hôm nay,  

thơ tình của Đán – một người tình. làm thơ tình. hát tình ca

06/09/202114:40:00(Xem: 3583)
20210906_150701
Tập thơ "thơ tình của Đán"

 


Chờ đợi từ vài tuần nay, chiều thứ Sáu, mở cửa thấy “nó”. Chẳng hiểu những nhà in, tiệm sách có cố ý hay không, nhưng bao giờ tập thơ, cuốn sách cũng đến vào thứ Sáu, thứ Bảy, để ngang nhiên chiếm trọn thời giờ của những ngày nghỉ.

 

Và như thế “nó” đến, “nó” nhỏ bé màu xanh lơ, “nó” tự xưng là Một người tình, làm thơ tình, hát tình ca -  “Thơ Tình Của Đán” đến, với lời nhắn: “Trong một thế giới thật buồn, người ta cần những bài thơ tình làm cho lòng mình dịu dàng lại trong sự oi bức nực nồng của trời đất.”

 

Và như thế “” vào nhà, lẻn và tim óc, dẫu đã bao lần cái đầu dặn trái tim không được đụng đến thơ tình.

 

Đôi khi Chàng gần, đôi khi Chàng xa

Chàng vẫn ngồi đâu đó từ hôm qua

Cho đến hôm nay, và ngày mai nữa

Dòng sông vẫn đầy và trôi đi xa.”

 

            (trích “Đôi Khi Không”, bài mở đầu tập thơ, trang 3)

 

Những hàng chữ, trang thơ tiếp theo là những mong nhớ, đợi chờ, nhưng trên hết vẫn là một sự tràn ngập mà chỉ khi yêu và được yêu người ta mới thấu hiểu:

 

“Khi đã yêu thì đất trời gần lại

Khoảng các bàn tay cũng bị san bằng

Sẽ chẳng ai thấy hai người chung bước

Vì chỉ còn một bóng giữa mênh mang

 

Khi tôi yêu thì chỉ còn hơi thở

Chỉ còn thơ, và lời hẹn thiên thu

Tôi và người và một mơ và thực

Và con đường đi trở lại nguyên sơ.”

 

            (trích Và Nỗi Niềm Bảy Tỏ, trang 33)    

 

 “Tình” trong thơ tình của Đán là thứ tình yêu lãng đãng, an bình, ngay cả nỗi buồn, nỗi nhớ cũng lác đác, nhẹ nhàng. Nhà thơ không yêu để “thấy bao đêm dài” như Y Vân, cũng không yêu “như con giun ngước lên trời” như Phạm Duy, và chắc chắn không yêu kiểu Xuân Diệu “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, ngược lại:

 

“Trong tâm hồn tôi buổi sáng chúa nhật

Có mặt trời có Chàng đi ngang đường

Có bông hoa lặng lẽ không nhìn thấy

Tôi vẫn nghe chim hót lời yêu thương

 

Tôi quyết định không mặc áo mầu tím

Ngày xinh đẹp không chi phối vì mưa

Trên cửa sổ vẽ một đường mây trắng

Tôi vẽ những nốt nhạc trên đàn xưa

 

Chàng vòng ngang tôi một vòng tay ấm

Tôi ngã vào Chàng quên cả đất trời

Biết ơn một dòng sông ngày thơ ấu

Nhớ một biển tình mênh mông sóng vui

 

Tôi đã được dựng nên  từ vô tận

Từ những ngày không biết được cội nguồn

Tôi đã được yêu mà không thể hiểu

Vẻ đẹp không lời khi nắng thôi buông

 

Tôi vẫn thế và tôi vẫn cứ thế

Chàng vẫn là Chàng yên lặng ban mai

Một buổi sáng mà tôi không buồn nữa

Khi tay Chàng nhất định chẳng rời vai

 

Tôi đã trở lại con đường tôi đã tới

Đã đi qua, và trở lại nhiều lần

Giữa không gian hoàng hoa đầy cánh bướm

Chàng, mặt trời trong dáng vóc thanh xuân.”

           

            (Chàng, Mặt Trời Trong Tâm Hồn Tôi, trang 21)

 

 

Tôi còn nhớ có một lần đọc ở đâu đó trong “chữ nghĩa của Đán”, ông viết: “Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó. Có lẽ, một phần lớn trong “thơ tình của Đán” được viết để nói về “người ấy”, giới thiệu “người ấy”, nhà thơ viết về một thứ tình yêu tinh khiết, dâng hiến, một niềm tin yêu tuyệt đối không bao giờ xa cách của mối tình đầu, tình cuối, “người ấy” chỉ “Một Người Thôi”:

 

“Tôi sẽ nói về người mà tôi yêu

Người là J, là dòng suối trong veo

Ở trên ngàn người là hoa dại nở

Là nắng ban mai là gió đổi chiều

 

Người là J, là tình yêu ban đầu

Sóng biển xanh, và mây trời rất cao

Từ muôn màu người trở thành duy nhất

Người trở thành huyễn hoặc của trăng sao

 

Người là J, đến từ không hẹn trước

Khi gió bay không ai biết về đâu

Tôi sẽ nói về người như bạn thiết

Một người thôi, và gần với ban đầu

 

Tôi tựa người hôm qua còn mộng mị

Ngày hôm nay đã vươn tới bến bờ

Như cánh én chao mình trên biển sóng

Vẽ lên bầu trời nhiều những bài thơ

 

Người là J, còn tôi là buổi sáng

Từ bình minh tôi rạng rỡ bay về

Tôi hy vọng bằng chiều cao của núi

Giấc mộng đời tôi hát những say mê.”

 

            (Một Người Thôi, trang 42)

 

Nhưng đâu đó trong “thơ tình của Đán” còn ẩn hiện một bóng hình khác, một bóng hình dường như đã vĩnh viễn đi xa:

 

“Khi tôi đến dòng sông không thấy nắng

Khi lòng tôi khô tựa lá không mùa

Tôi tìm nắm bàn tay người trong mộng

Bàn tay người ướt lại trái tim khô...”

 

            (trích Giữ Người Trong Mộng, trang 45)

 

Hình bóng này trong thơ tình của Đán là hình bóng của một “Người đã rời xa, và khuất bên trời”, khiến nhà thơ “trái tim còn thầm thì hổn hển”:

 

“Và đâu đó tiếng ngày xưa vang lại

Bỗng dập dềnh một nỗi nhớ khôn nguôi

Muốn giữ lại, mà sao trôi đâu mất

Những bông hoa trời đất vụt tan rồi.”

 

            (trích Những Bông Hoa Cho Biển Cả, trang 54)

 

Và như bất cứ người tình làm thơ tình nào trên đời, thơ tình của Đán dù trong vắt, tinh khiết, cũng không tránh được những ngổn ngang trong lòng:

 

 “Tại sao buồn, tại sao không thể buồn

Tại sao mưa trong ngày nắng rưng rưng

Tại sao câm nín, tại sao không nói

Tại sao im lặng, em còn nhớ không

 

Tại sao bỗng dưng lặng lẽ nơi này

Tại sao bỗng dưng nỗi buồn trên vai

Tại sao buổi sáng mặt trời lặng tắt

Tại sao hồng hoang trôi về đường dài

 

Tại sao hôm qua không là hôm nay

Tại sao phố đông mà không còn ai

Tại sao chiều đi mà đêm không tới

Tại sao nắng mà còn nghe mưa rơi

 

Tại sao em đi tại sao không về

Tại sao đường tình ngày ấy mà chi

Tại sao tôi không thể buông hình bóng

Tại sao em không nói lời biệt ly.

 

Tại sao tôi cứ hy vọng mình tôi

Tại sao tôi vẫn còn mơ đứng ngồi

Tại sao trong dư âm ngày tháng ấy

Tại sao nước mắt làm tôi nghẹn lời.”

 

                        (Nỗi Buồn Bỗng Dưng, trang 116)

 

Một người tình sẽ không bao giờ làm thơ nếu không mang trong lòng những câu hỏi không có câu trả lời – thơ tình của Đán dẫu tràn ngập tin yêu vẫn không ngoại lệ. Nhưng với một tình yêu, niềm tin vững chắc vào một đấng “mặt trời trong tâm hồn”, tập thơ đóng lại bằng một lời chia tay với một mảng nhọc nhằn của một quãng đời mà mỗi người trong chúng ta đều có lúc sẽ phải trải qua, và sẽ “Lại Bắt Đầu”.   

 

“Tôi sẽ chấm dứt khi quay trở về

Nỗi nhọc nhằn tôi mang trong cơn mê

Tôi bắt đầu bằng bài ca tôi hát

Một bài tình ca có tự chia lìa.”

                        (Lại Bắt Đầu, trang 158)

 

Cảm ơn nhà thơ cho một ngày Chúa Nhật “Có mặt trời có Chàng đi ngang” -  và xin giới thiệu tập “thơ tình của Đán” đến với bạn đọc.

 

Độc giả muốn tìm mua sách có thể e-mail tác giả tại kienlu@aol.com.

 

 

Nguyên Yên / Việt Báo



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.