Hôm nay,  

Theo Bóng Thời Gian Vào Cõi Thơ Của Thy An

25/09/202000:00:00(Xem: 2384)

HINH BIA TAP THO CUA THY AN

Hình bìa tập thơ “Thơ Đi Về Một Góc Đời” của Thy An.


Dường như đối với nhiều người, thời gian chỉ là bước đi thầm lặng và quen thuộc của mọi thứ có mặt trên trần gian trong vận hành liên lỉ của xuân hạ thu đông. Nhưng đối với nhà thơ Thy An, thời gian mang ý nghĩa đặc biệt.

 

“ngày trông thế sự bi hài

đêm mang thiên cổ giải bày chuyện xưa”

 

Hai câu thơ trên được trích từ bài thơ “Lục Bát Tha Hương” trong tuyển tập “Thơ Đi Về Một Góc Đời” được xuất bản vào giữa năm 2020 của nhà thơ Thy An.

Tập thơ dày trên 220 trang với hơn 100 bài thơ. Nhà thơ Thy An đã có trên 6 tác phẩm được ấn hành từ năm 1968 đến nay. Anh có thơ đăng trên nhiều trang văn học như Hợp Lưu, Da Màu, v.v…

Trong tuyển tập “Thơ Đi Về Một Góc Đời” người đọc thấy dấu vết của thời gian có mặt khắp nơi trong các bài thơ. Chẳng hạn, “Bài thơ cho tháng mười một,” “Bài thơ tám chữ đầu năm,” “Bước chân tháng 5,” “Cái nóng bất thường tháng tư,” “Cảm tưởng lạ đầu năm,” “Chiếc xe bò chiều thu,” “Chiều tháng mười một,” “Chờ một ngày…” “Chút buồn hôm nay,” “Cúng thất tuần của bạn,” “Cuối hạ chào đêm,” “Đêm mưa âm lịch đầu năm,” “Độc thoại mùa đông,” “Gối đầu lên đá tháng tư,” “Mùa đông giấu chữ nghĩa,” “Mùa thu ngôn ngữ trụ lại,” “Mùa xuân đợi bình minh,” “Tháng ba như mộng ảo,” “Tháng bảy 2018,” “Tháng chín nhìn mặt trời,” “Tháng giêng treo nỗi buồn,” “Tháng hai, tháng ba ta trở về,” “Tháng sáu lặng lẽ,” “Tháng tám em về,” “Tháng tư giọt mưa buồn,” “Thơ tháng chín,” “Tiễn tháng mười hai,”…

Có lẽ tôi chưa bao giờ đọc một tuyển tập thơ nào mà bóng dáng của thời gian rọi dài theo con chữ như tuyển tập thơ của Thy An. Âm ba và hình ảnh của bốn mùa xuân hạ thu đông, cùng với dấu vết thời gian từng tháng, từ tháng giêng tới tháng chạp, từ Tết ta đến Tết tây dập dìu nối tiếp nhau đi mãi trong thơ của anh.

 

vì thời gian hiếm hoi còn lại

sẽ cạn dần theo năm tháng tiêu hao…

(Thy An, Lời Độc Thoại)

 

Phải chăng vì sợ thời gian “cạn dần theo năm tháng” sẽ làm “tiêu hao” những gì quý giá của đời người, nên lúc nào anh cũng không quên nghĩ đến thời gian.

Nhưng thời gian của Thy An không phải là bước đi biến dịch vô tri của không gian. Nó là bước nhảy của tâm thức quyện tròn theo vũ điệu của thể mệnh con người anh.

Thơ của Thy An chảy theo dòng thời gian đó. Có lúc êm xuôi như cơn nắng quái của buổi chiều tà nơi ngọn đồi thơ mộng. Có khi dạt dào rộn rã như tiếng sóng nơi bãi biển cô liêu. Và cũng có khi trầm lắng mênh mông như ánh trăng huyền ảo của đêm thu lành lạnh ở một góc trời nào xa xăm miền viễn xứ.

Thời gian của Thy An chuyên chở nhiều thứ lắm: kỷ niệm vui buồn, tình yêu được mất, quê hương yêu dấu một thời, hiện thực đất nước tối tăm…

 

một ngày cuối tháng tư

em hãy nhắm mắt tưởng tượng

những con sâu, con dế trên cánh đồng khô cạn

những đền đài lăng tẩm mang những khổ ải

nếu còn can đảm và tình yêu cho nhân gian

em hãy thắp lên chút lửa từ bóng tối

thấy bóng mình in trên tường

lặng lẽ và cô đơn như quê hương…

(Thy An, Nói Cùng Em Cuối Tháng Tư)

 

Quê hương trong thơ của Thy An qua cỗ xe thời gian chứa đầy những ký ức của một thời lịch sử quá khứ oai hùng và những hình ảnh rất thân thiết mà một thời nhà thơ đã cảm nghiệm.

 

nhớ chuyến xe đời cọc cạch chở thúng hoa vào chợ

những người đàn bà tay bế tay bồng

nuôi bao đứa con khôn lớn bên sông

nhớ giọng trầm trầm của thầy, của cô

của cha của mẹ

dạy bài học thuộc lòng

lịch sử anh hùng với những con người ngửa cổ xem thường cái chết

về những pho tượng đồng, khuôn mặt sống mãi với thời gian

về đạo làm người giấy rách giữ lề

tổ tiên từ ngàn xưa đã viết và sống trong nhân cách

nhớ từng khuôn mặt bạn bè ngày xưa bỡn cợt

thoáng chốc hơn năm mươi năm

(Thy An, Những Nỗi Nhớ Đầu Năm)

 

Quê hương trong thơ Thy An còn là một “đất nước điêu tàn…”

 

mảnh quê hương đất nước điêu tàn…

và rồi sẽ còn bao nhiêu cánh cửa khác

khép lại từng nỗi niềm ký ức

trầm luân điệp khúc buồn

vầng trăng buổi tối phù du?

(Thy An, Nơi Ấy)

 

Nhìn cuộc đời qua lăng kính “phù du” nên tình yêu của Thy An cũng “phiêu bồng lãng đãng.”

 

bởi vì em là người lữ hành cô độc

nên anh sẽ đọc em nghe

bài thơ viết bằng hơi thở của đêm

và sương mai buổi sớm

anh sẽ gom lửa từ vạn tinh cầu

thắp lên ngọn nến hồng tàn lụi

chứng tích của trái tim anh

phiêu bồng lãng đãng

rọi xuống đời nhau khoảng tối âm u

(Thy An, Bởi Vì Em)

 

Có lúc nhà thơ trầm tư về thân phận con người và anh đã nhìn ra cái đầu mối cơ bản mà từ đó chúng ta bị quay cuồng trong cõi trần ai. Anh đã thấy rằng tâm thức cuốn trong ngũ uẩn là căn nguyên của mọi vấn đề.

 

mai này huyễn ảo mùa trăng

nhớ chi cổ độ còn chăng bến mờ

ngắn câu, nỗi nhớ thành thơ

dài lời, trăn trở hững hỡ tiếng ca

về đâu tâm thức ta bà

cuốn trong ngũ uẩn mặn mà trần ai

(Thy An, Lục Bát Tha Hương)

 

Ngũ uẩn là năm yếu tố cấu tạo con người: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là thân thể vật chất. Thọ là cảm thọ khi năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân) tiếp xúc với năm trần cảnh (hình và màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngọt đắng cay bùi…, xúc chạm). Tưởng là giữ lấy trần cảnh đó trong tâm. Hành là khởi ý niệm. Thức là ý thức nhận biết và phân biệt. Ngũ uẩn là ngục thất giam giữ con người trong cõi trần ai. Cho nên, khi giác ngộ được bản chất không có tự ngã, hay không có tự tánh của ngũ uẩn thì tức khắc giải thoát, như trong Tâm Kinh Bát Nhã có nói rằng khi Bồ Tát Quán Tự Tại quán chiếu năm uẩn đều không thì giải thoát mọi khổ đau – “Quán Tự Tại Bồ Tát hành, thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”

 

bao năm tháng chẳng hiểu vô thường vi diệu

học tâm kinh ào ạt gió tạt đầu sông

nghe run rẩy con tim nặng chìm vọng động

nhìn áo cà sa trôi nhẹ tựa lông hồng

 

cầm hạt bụi ướt sương đi vào vườn trúc

mở cổng chùa xưa như kẽo kẹt dưới trăng

điều gì đó long lanh trong từng ánh mắt

cười vu vơ thơ gõ nhẹ xuống lưng đời…

(Thy An, Lang Thang Vườn Trúc)

 

Thời gian của Thy An không ra đi biền biệt như mũi tên bắn ra không quay lại, hay như lữ khách đi lạc đường về. Thời gian trong thơ của Thy An là con đường đi về, quay về sau những chuyến đi dài trên hành trình sanh tử trầm luân, cho dù với “nỗi truân chuyên đời.”

 

ta về ấm lại mùa xuân

mưa rơi ướt đẫm nỗi truân chuyên đời

chân như gieo tiếng gọi mời

lần theo bóng hạc mấy lời từ tâm

(Thy An, Trên Tay Kinh Rụng)

 

Hay:

 

ta về ray rứt thiên thu

chân đi xiêu vẹo bến mù cõi xưa

mở ra mấy cửa đại thừa

trên tay kinh rụng lọc lừa phù sinh

vườn em hoa nở một mình

mấy cành sương đọng an bình tâm can

leo thuyền bát nhã lên ngàn

nghe đâu chuyển tiếp muộn màng pháp luân

(Thy An, Trên Tay Kinh Rụng)

 

Dường như đây là bài thơ lục bát duy nhất trong toàn bộ tuyển tập Thơ Đi Về Một Góc Đời của Thy An. Hầu hết các bài thơ đều ở thể tự do. Thơ của anh nhẹ nhàng và không cầu kỳ nên đọc lên thì chữ nghĩa bay thẳng vào tâm ý người đọc. Có điều khá đặc biệt là thơ anh bàng bạc tư tưởng Phật Giáo nhìn thấu suốt vào bản chất cuộc đời và phảng phất hương vị giải thoát.

 

lời kinh xưa rụng xuống nhiệm mầu

bụi phấn thanh xuân bay theo gió lạnh

chợt thấy bóng ngã trên đường vắng

mấy nhịp sầu lên vạt nắng thiết tha

(Thy An, Mưa Trên Đôi Vai Gầy Đạm Bạc)

 

Cho dù cuộc đời có sầu khổ thì cũng nhẹ và mỏng như “bụi phấn thanh xuân” bay theo gió, hay như “vạt nắng thiết tha.”

Góc đời của nhà thơ Thy An là thế!

Cảm ơn Thy An.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài điểm sách của tác giả Trần Củng Sơn về Tuyển Tập "Hoa Cỏ Bên Đường" của nhà báo Kiều Mỹ Duyên. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tất cả bài viết đều bàn về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tại sao chỉ Việt Nam? Tại vì, như tác giả tâm sự, Việt Nam là nỗi ám ảnh duy nhứt trong thời gian anh sống ở xứ người. Nhưng sống ở nước ngoài và nhìn về Việt Nam như là một ‘người ngoài cuộc’ lại có cái hay, vì tác giả có thể đối chiếu, so sánh với những nơi khác mà người trong cuộc có lẽ không có được. Nói là ‘tập hợp’ thì có lẽ bạn đọc nghĩ là nhiều bài, nhưng thật ra chỉ có 7 bài viết mà thôi. Bảy bài viết nhưng dài đến 410 trang. Mặc dù độ dài của bài viết có thể chẳng nói lên điều gì, nhưng với một tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, người cẩn thận với chữ nghĩa, thì độ dài đó nói lên nội dung phong phú và phẩm chất của mỗi bài viết.
Có thể tóm tắt một lời về tập truyện “Giáo Sĩ” của Trần Vũ hay không? Tôi do dự. Trong tuyển tập “Giáo Sĩ” là 9 truyện, mỗi truyện hay một cách khác, tuy văn phong xuyên suốt vẫn rất là Trần Vũ --- nghĩa là độc đáo, kỳ ảo, như mơ như thực, từng trang là những hình ảnh ngoại sử xen vào đời thực, một bút pháp rất lạ, hoàn toàn đứng ngoài tất cả các khuynh hướng văn học thế giới hay Việt Nam. Có lẽ, nói gọn thế này sẽ thích hợp: truyện của Trần Vũ là những lời rất mực kỳ ảo để ngợi ca chữ Việt.
Điểm sách: tập Thơ và Nhạc “Sáng Mùa Đông” của thi/ nhạc sĩ Phạm Xuân Tích.
“Cứ thế, dòng văn chương của Hoàng Quân xuôi chảy như dòng suối trong trẻo, róc rách, từ lối dẫn truyện thật linh hoạt đến những tình tiết bất ngờ và thú vị, từ chuyện này thoắt nhảy sang chuyện khác như chú sóc nhỏ chuyền cành….” Đó là nhận định tổng quát của nhà phê bình văn học Lê Hữu về tập truyện mới nhất của nhà văn Hoàng Quân, một trong những cây bút cộng tác thường xuyên trên trang viết của Việt Báo, Văn Học Nghệ Thuật.
Nhân đọc cuốn sách The Surrendered Wife của bà Laura Doyle, một best-seller, tác giả Nguyễn thị Cỏ May đã viết một bài điểm sách, đúng hơn một bài phiếm dí dỏm về quan hệ vợ chồng trong cuộc sống lứa đôi. Xin mời đọc.
Trong thế giới thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, chúng ta còn nhìn thấy những bài thơ viết về cha, về mẹ, hay về những người bạn thân như nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ … Một thế giới được tái hiện bằng chữ. Nơi đó, Đỗ Hồng Ngọc quyện vào một màn sương của hồn dân tộc. Tôi xin thú thật, tôi không biết hồn dân tộc cụ thể là gì, vì chữ này trừu tượng quá, mơ hồ quá. Nhưng tôi đã mơ hồ nhận ra trong bài Lagi Ngày Con Về, khi Nguyễn Thị Khánh Minh viết tặng nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc năm 2017, nơi đó họ Đỗ về thăm căn nhà của ngoại ở Lagi
Cuộc thư hùng nhằm tranh ngôi vị bá chủ hoàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, kinh tế, quân sự, chạy đua vào không gian, v.v. Một trong những mặt đó, và nổi bật trong thời gian vừa qua, là mặt giao thương. Trong bối cảnh đó, để cho những ai muốn tìm hiểu thêm về cuộc thương chiến này, tiến sĩ Nguyễn Văn Chữ (Chu Van Nguyen) cùng hai đồng tác giả, Nguyễn Phi Hiệp và Nguyễn Bá Lộc, đã phân tích một phần cuộc thương chiến Mỹ-Trung qua cuốn khảo luận "Một Góc Nhìn về Chiến Tranh 'Mậu Dịch' Mỹ-Trung và Hệ Quả Đến Việt Nam". Dưới đây là bài điểm sách của tác giả Nguyễn Hiền. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Như Không? Bút hiệu này gợi cho tôi liên tưởng ngay đến ngôn từ Bát Nhã của nhà Phật. "Sắc bất dị Không. Không bất dị Sắc". Giản dị mà nói: "Có tức là Không. Không tức là Có". Đứng trước cái có, cái không, như không, như có, nhà thơ Như Không đã thể hiện tinh thần Bát Nhã Ba La Mật một cách khá rõ nét:
Tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường của nhà báo Kiều Mỹ Duyên đã chính thức phát hành tại Quận Cam. Tuyển tập dày 500 trang đã gói trọn tấm lòng của một người rất mực yêu thương cuộc đời, và với quê nhà.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.