Hôm nay,  

Đọc Đuổi Bóng, Tưởng Nhớ Trần Tuấn Kiệt (1939-2019)

13/12/201900:00:00(Xem: 2740)
Tran Tuan Kiet (2)
Tác giả Trần Tuấn Kiệt

Hiếu Nguyễn



TIỂU SỬ

Tên thật là Trần Tuấn Kiệt, còn ký bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 1/6/1939 lại Sa Đéc. Thuở bé sống tản cư ở Đồng Tháp Mười, mẹ mất lúc lên 8, cha bỏ đi giang hồ, ông sống với bà ngoại cho đến lớn. Có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc, bị lính Ma-rốc đánh nên rất thù bọn Ma-rốc. Ông bỏ lên Saigon sống lang bạt lúc 11 tuổi, học âm nhạc rồi bỏ dù đậu hạng Nhất về thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc. Về sau ông làm huấn luyện viên võ Thiếu Lâm môn phái Tây Sơn Nhạn.

Ông bắt đầu lành thơ lúc đọc được quyền Việt Thi của Trần Trọng Kim. Ban đầu Trần Tuấn Kiệt nhờ Nhất Linh, Nguyễn Vỹ, Tam Ích giới thiệu viết báo. Cho đến năm 1975 ông đã cộng tác với các báo Sinh Lực của Đồng Tân, Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Vui Sống của Bình Nguyên Lộc, Sống của Chu Tử, Nghệ Thuật của Mai Thảo. Vào thập niên 70, ông chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh cùng với Mặc Tưởng, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn; chủ yếu in các tác phẩm của mình và bè bạn.

Ngoài bút hiệu Sa Giang và tên thật Trần Tuấn Kiệt dùng cho thơ và biên khảo thơ, ông còn dùng nhiều bút hiệu khác để viết sách võ thuật, ông còn viết truyện thần thoại dân tộc cho nhà sách Khai Trí và các nhà xuất bản do người Hoa làm chủ và đặt mua bao gồm khoảng hai trăm cuốn truyện kiếm hiệp, truyện dã sử tình cảm, ký các bút hiệu Lan Sơ Khai, Xuân Thu, Hồng Lĩnh Sơn; sách võ thuật ký tên Hồng Lĩnh, Phi Long, Đại Tâm; sách về tư tưởng dưới bút hiệu Việt Thần, Duy Thức, Việt Hoàng…

Truyện dài đã xuất bản: Tiếng Đồng Nội, Sa Mạc Lan Dần, Mê Cung, Màu Kỷ Niệm...

Tác phẩm biên khảo: Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965), dày 1,200 trang.

Dù viết nhiều thể loại, sáng tác chính của Trần Tuấn Kiệt vẫn là thơ. Những trường ca chính mà ông đã viết như Bài Ca Thế Giới, Ngôi Đền Cổ, Trường Ca Đất, Triền Miên Ngâm Khúc Hồng Hạc, Niềm Hoan Lạc của Thần Linh và Địa Ngục, Lạc Đạo Thi... có bài dài cả ngàn câu. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, tiêu biểu có các tập Nai, Cổng Gió, Cỏ Nội, Mê Cung, Màu Kỷ Niệm, Lời Gởi Cây Bông Vải (giải Nhất Văn học Nghệ thuật 1969).

Ông sáng tác thơ với số lượng lên tới năm bảy nghìn bài trong 50 năm qua. Ông làm thơ rất nhanh, gặp tờ giấy nào cũng viết lên, viết xong thì bỏ vào một cái sọt tre lớn treo trên vách nhà. Thơ đã viết ra giấy là không sửa đổi gì nữa. Khi có báo hỏi xin bài, ông quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy bài đưa cho họ.

Sau biến cố 1975, Trần Tuấn Kiệt cũng phải đi “học tập cải tạo” 10 năm, sau đó ông sống cùng gia đình tại Sài Gòn cho đến ngày 8 tháng 10, 2019 thì qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Quan niệm về viết truyện ngắn, ông nói: “Khi viết truyện, tôi có hứng hơn làm thơ. Nhất là truyện ngắn. Có thể các nhà văn ngày nay có một thái độ triết lý trong truyện. Viết truyện để phát biểu tư tưởng đã được cô đọng lại. Với tôi, truyện và thơ đều là sự lên tiếng cho Thần Linh và Sự Vật. Không có điều gì nêu lên ý tưởng của chính mình cả.”

Về truyện ngắn Đuổi Bóng, ông nói: “Sở dĩ tôi thích nó vì đó là một cuộc săn đuổi theo một thứ ánh sáng, một lằn chớp ở giữa vô cùng. Tôi nghĩ đó là tiếng vang vọng của Thần Thoại về với xã hội loài người hôm nay. Một xã hội đầu nhân tính nhưng thiếu Thần Linh.”

Trân trọng mời quý độc giả thưởng thức…

Đ U Ổ I B Ó N G

Tôi nhớ tất cả mọi sự vật vừa hiện ra kia mà. Tôi cũng nhớ là mình rõ ràng có cắn một trái đào giữa bầu trời hồng bên cạnh một giai nhân kỳ diệu... Sao lại thế nầy, tôi lại đứng chơ vơ ở trong cái bóng cây chôm chôm nầy. Oi bức quá. Tôi cởi phanh áo nhìn ra bốn phía. Ô hay, nàng bỏ tôi? Nàng có thật chăng? Miệng tôi còn thơm tho, tôi còn nghe rõ, thở rõ thật đậm đà làn hương nhẹ nhàng nồng ấm của nàng bốc ra. Ở chốn thị thành nào, tôi có thể quay về chứ? Tôi phải trở lại chứ? Đường nào để trở lại đây! Tôi chơ vơ, một hình một bóng. Cái thế giới thần kỳ đâu rồi? Ở phương xa, ồ lạ lùng ghê gớm chưa, một bầy diều hâu đang bay lên. Tôi chả lẽ đứng đây mãi sao? Nàng đã dùng một thứ ma thuật chăng? Bỗng dưng tôi nghe văng vẳng bên tai, tôi thấy mường tượng trước mắt hình ảnh tuyệt đẹp, lời vọng thiết tha của nàng – Hỡi chàng hãy đến em, hãy tìm em... Đường đi dù gian hiểm, nhưng nghị lực của chàng sẽ thắng, linh hồn chàng đủ bình tĩnh và lên đường... Chàng hãy tìm đến em để sống trùng phùng trong giấc mơ vạn đại của chúng ta... Chàng hãy từ bỏ trần gian mà lên đường, nơi gió cát không phải là cõi trú của những linh hồn trong sạch, hãy lên đường chàng ơi. IIãy yêu em, tự ngàn năm qua em vẫn chờ đợi khắc khoải ở trong tòa cổ tháp cô đơn nầy.

Rồi hình ảnh tòa cổ tháp mường tượng ở phía chân trời xa tiếng nhạc thiều huy hoàng trời và một màu trời hồng lam lớt phớt bao phủ một vùng. Hình ảnh Nữ Chúa càng lúc càng xa xôi mờ dần cùng với màu sắc nhẹ nhàng đó trước mắt tôi. Và tôi nhìn rõ thấy hình bóng một lằn chớp đang soi qua đám bụi mờ còn lại. Lằn chớp ở hướng mặt trời lặn trên một vùng sỏi khô cỏ cháy, màu đất cằn cỗi xám xệt như da người già cả.

Tôi vội mặc nhanh chiếc áo. Mồ hôi vã ra từ ngực như vừa tắm xong, tôi theo đuổi lằn chớp trước mặt. Càng lúc hồ như tôi càng quay trở về... mặc dù tôi tiến bước. Trên đường đi càng nhanh, tôi cảm thấy đường về càng gần gũi. Có lẽ tòa cổ tháp không xa, vì lằn chớp cứ xoắn tít phía chân trời Tây, và bước chân tôi đà vững vàng tiến mạnh. Tôi chưa chồn chân mà lẽ nào tôi không thể đến được cái xa vời huyền ảo đó, cái cõi mà rõ ràng tôi chiêm niệm được vài lẽ buồn vui hoặc đã cảm thấy lạ lùng vì chứng kiến bọn trần gian mê muội nọ. Tôi biết họ câm lặng, họ mê muội có lẽ nào tôi cũng mê muội như họ hay sao?

Chiều xế bớt sức nóng, tôi nghe bụng đói. Cái đói thường ngăn chặn và làm trở lui nhiều bước tiến, tôi hy vọng rằng ở cái hướng tôi đến, trên đường sẽ có nơi trọ, sẽ tìm được thức ăn. Lúc đói cồn cào tới tôi chợt thấy hối hận lúc lên đường tôi không hề chuẩn bị mang theo những đồ vật cần thiết, hoặc gạo hoặc muối hoặc lương khô. Đi giữa đường mình mới thấy cần thiết những thứ ấy vô cùng. Mệt nhoài tôi muốn đặt lưng xuống, ý nghĩ mông lung cứ xoắn trong điều tôi. Những ý nghĩ về nơi đặt lưng nằm xuống hơn là những thôi thúc bước nhanh.

Khi tới một làng nhỏ ở cận quả đồi trọc, tôi thấy xa xa có một vườn đào xanh um. Vườn đào mọc giữa bãi cát nóng, tôi chợt nghĩ ngay đến việc gặp gỡ nàng. Hy vọng có lẽ đó là nơi mà tôi tìm đến. Cái vườn đào giống như vườn đào đã biến mất trong thế giới kỳ ảo của nàng. Tôi cố nhướng đôi trong mắt đã mệt mỏi lên để nhìn rõ hơn, Trong cây lá đó, làn gió thổi rào rào. Gió như mang đến niềm tin, gió như nhắn gởi, gió như thúc giục mình mau bước đến.
Tôi lần theo bước người đi trên cát. Có lẽ ở đây có người, những dấu chân nhỏ như dấu trẻ con hay phụ nữ. Có lẽ họ vừa mới qua đây, họ để lại dấu chân trên cát.

Chung quanh tôi ngoài khu vườn đào rậm tôi không thấy bóng dáng nào nữa cả. Tôi lại lo âu, tôi lại thấy bơ vơ. Tôi cô đơn lắm. Ở phương xa, bóng tối hầu như những khu rừng cây sầm uất, bao phủ không còn thấy gì, dù là hình ảnh của ký ức, hay tưởng tượng mà ra. Tôi chợt nghĩ tới một cơn bão, có thể xua đẩy tôi nhanh hơn. Tôi nghĩ tới ánh sáng. Tới ánh sao. Tới mặt trăng và mặt trời. Rồi đầu óc tôi điên mê. Lúc tay tôi với vào một nhánh cành rậm, tôi nắm chặt cho khỏi ngã, nhưng kỳ thực thì tôi đã ngã chúi xuống cát. Tôi cố nhìn lên lờ mờ những quả đào lộn hột, không như thứ đào hồng mơn mởn mà nàng vừa cho tôi hưởng... Dù sao cũng đỡ dạ được. Tôi đưa cả hai tay, tôi chới với ngồi lên. Nhưng đành chịu thôi. Tôi đã kiệt lực... và mơ thấy hình bóng nàng. Nàng đổ nước lay tỉnh và cho tôi ăn một trái đào. Tôi nhớ những ngón tay nuột nà kia và lời sầu hận, xen lẫn lời trao gởi hứa hẹn một niềm yêu đương lạ lùng, hình ảnh sùng diễm đó, không... không bao giờ tôi thấy được lại cõi trần nầy!

Lúc đưa tay nắm được bàn tay nàng, tới lúc sắp sửa ghì chặt lấy vòng lưng, lúc sắp kề môi lên môi, ma mịn màng nọ, nàng đã tan biến, và tôi đau xót thấu tim gan. Tôi gọi to, chới với và hồi tỉnh.

Một bàn tay sạm đen nhỏ, rất duyên dáng của ai vừa khép lại chiếc cửa sổ, như đóng khung nơi tôi nằm. Tôi chưa chết ư? Tôi thấy khát nước và tội gọi lên. Tôi gọi giữa hoang vu. Ôi tiếng gọi tự nhiên chua xót vô cùng. Hỡi loài người, tôi đã bỏ người, tôi đã khinh người, tôi đã định hủy diệt tất cả những tính chất người của tôi mà đi, mà lên đường tìm nàng. Nhưng giờ phút nầy, tôi kêu gọi... tôi quá cô đơn rồi người ơi! Tôi quá khao khát nước. Tôi kêu gọi nhưng biết gọi ai đây! Giữa hư vô… Tôi nghĩ thế.

Thoạt cửa phòng mở, một người đàn bà hiện vào nói to:

– A, ông nầy đã tỉnh rồi!
Bà ta nói dường như để mọi người ở ngoài cải căn buồng nầy biết.
– Bà làm ơn cho tôi chút nước.
– Ông nằm yên đề tôi lấy cho. Nằm tĩnh dưỡng nhé ông. Một lát sẽ có cháo cho ông dùng lại sức.
Tôi bỗng ứa nước mắt gật đầu. Tôi khát quá, nói giọng khao khao có lẽ bà ta không nghe, nên tôi thều thào lại:

– Xin bà cho tôi chút nước... khát lắm.
Người đàn bà nghe rõ vội chạy đến bàn rót vào một cái tô lớn, mang đến:
- Đây ông dùng, nước mưa lâu năm đó.
Tôi ực xong tô nước, gật đầu cán ơn, định hỏi xem họ vực tôi vào đây đã từ bao lâu và bây giờ đã mấy giờ, nhưng ê chề mỏi mệt, tôi đành im bặt, cố giữ lại sức.

Trong phòng yên tịnh tôi cố giữ bình tĩnh lắm mới nằm yên được, khỏi chồm dậy. Vì tôi biết nếu tôi chồm lên tức thời sẽ ngã xuống ngay, tức thời sẽ tăng gia mệt mỏi. Tôi ráng đề tâm trí yên nghỉ. Không dám nghĩ đến màu sắc của lằn chớp rực, vì nó sẽ hiện lên khuôn mặt kiều diễm của nàng. Nó sẽ thu hút tôi trỗi dậy, lên đường trong lúc còn mê mệt. Nàng ơi nàng đẹp lạ thường! Lạ thay tôi không thể nào chợp mắt được yên tĩnh sao. Nàng, bóng dáng và thế giới thần kỳ nọ cứ hiện ra chập chờn uyển mộng! Để xua đuổi những uyền mộng vô cùng đó tôi mở mắt nhìn ra ngoài cái kẽ hở của vách phên. Tôi thấy chập chờn vài tia sáng nhạt, tôi cố nhìn nhưng nó biến mất. Tôi cố tìm nhưng hầu như là đốm bay, vừa chợp tắt đã xa xôi, trả lại cái mênh mông vô cùng của đêm tăm tối. Thời gian lúc nầy thật cần thiết cho tôi. Tôi nao nức muốn hiểu đã mấy giờ đêm, và bao lâu nữa tôi mới được thoát khỏi nơi u tối nầy, thoát khỏi cái vùng bóng tối miên man. Tôi nghĩ về những con đốm bay. Ờ, có lẽ một giây phút nào đó ta hóa thành đốm bay ra ngoài dạo chơi với cây cỏ, có lẽ thú vị biết bao nhiêu!


Nhưng đốm đã bay rồi. Nó không mang lại ánh sáng. Tôi yếu đuối, tôi cô đơn và không dám gọi. Tại sao tôi không dám hét lên. Hay là... Ồ, tại sao họ bỏ mình nằm trên giường nầy và không cho mình một ngọn đèn sáp nào cả. Họ sống âm thầm đã quen, mình đâu có thể sống âm thầm như thế được. Họ phải thông cảm một kẻ cô đơn chớ. Một kẻ đau yếu, một kẻ lạ lạc đến phương trời, đến khu vườn của họ chớ? À, mà lạ chưa, sao ta lại oán hận họ? Họ đã cứu mình mà. Họ muốn cho mình ngủ yên đây mà. Trong bóng tối, ngoài ánh sáng có khác nhau gì đâu đối với họ. Chỉ riêng có ta thôi, căn phòng sao bịt bùng quá đỗi, thu hẹp buồng ngực thở của ta. Mấy giờ rồi ? Ta muốn biết lắm! Sao thế kia, ta không yên được, ta còn thở đây mà, ta còn biết đây mà, nhưng cái biết hư vô tràn ngập thật vô ích mà thời gian hiện hữu thì quá mơ hồ, ví mà ta biết bây giờ một, hoặc là hai, hoặc ba giờ khuya, ta đỡ xao xuyến vì thao thức biết bao.

Hình ảnh người Nữ Chúa lại hiện lên trong trí não ta. Lẽ mầu nhiệm nào đó? Có lẽ là kỷ niệm chăng? Kỷ niệm của những giây phút thần kỳ đã hiện lên một lần tạo thành viễn ảnh xa xăm, tạo thành giấc mơ xao xuyến mãi linh hồn. Hình ảnh của nàng phủ vây ta trong bốn bề u tịch nầy như hình ảnh của Thượng Đế soi rọi, hiện khắp nơi trong niềm tin mãnh liệt của loài người. Ta cứ chập chờn mê loạn mãi, giữa trần gian mạc... giữa cây lá xanh um, hay giữa khoảng không gian nào ngoài cõi đời, ngoài kiền khôn ta còn bắt gặp được thế giới của nàng lại. Cái thế giới kỳ bí kia, ta chưa tường tận hiểu biết, ta chưa nghe rõ âm vang lạ lùng, ta chưa hiểu sự thật... A, có lẽ hình ảnh chói lọi của nàng đã mờ đi đã xóa đi thật nhiều sự thể mà khối óc ta cần biết, tính tò mò của ta cần được thấy rõ ràng. Và cả nàng nữa, ta chưa hiểu rõ lai lịch nàng ra sao, và cái vòng hào quang bao phủ quanh nàng có phải chăng là một màu huyễn hóa cả. Cho tới lúc ta nghe vọng một tiếng gà, tiếng gà báo bình minh thì ta mới yên lòng ngủ được. Nhưng tiếng gà báo hiệu bình minh giữa mê tâm nầy lúc nào sẽ gáy vọng. Ta đã mường tượng nghe đâu đây, nghe từ plhương trời Tây... nghe tự hướng Đông, không đúng và không phải? Đó chỉ là giọng cú rúc chứ không phải tiếng gà. Ôi tiếng gà bình minh bao giơ trỗi lại, bao giờ đôi cánh vỗ, đôi cánh tả hữu cùng vỗ một lần... để cho giọng gà kia gáy vang lên giữa vườn đào nầy... gáy vang lên giữa căn phòng tối nầy, gáy vang lên trải dài tiếng ngân trong lòng sa mạc mênh mông nầy? Chưa, tiếng và chưa vọng lên, và đôi cánh gà chưa vỗ lên... Đôi cánh vỗ thì cát bụi sẽ mù mịt, tất nhiên là cát bụi sẽ mù mịt trước rạng đông, trước giọng gáy vang đó, rồi vẻ bình minh sẽ hiện lên chan hòa.

Ta ao ước ngủ một giấc ngon lành. Thao thức mãi thế nầy sao hỡi nàng, sao hình bóng của nàng ám ảnh mãi lấy hồn ta.

Ta bị vây phủ bởi hào quang với mùi hương sùng diễm kia rồi... ta sắp choáng ngợp đây và… Ô kìa cái lằn chớp.

Bây giờ thì ta mở mắt thực sự đây, tất cả mọi cửa sổ đã mở toang, khí trời oi bức quá, làm sao đây, ta lại khát, ta lại đói, thân thể ta mỏi nhừ và mộng ảo của ta đã tan biến đi đâu cả. Ta cố gượng dậy. Dù sao cũng phải cố gượng dậy chớ? Ta một mình mà. Ta có bạn bè đâu, ta có thấy ai đâu. Cát nóng hắt vào mắt ta, gió nóng lùa vào ngực ta, bụi nóng bay mù trời. Ồ ngọn gió nào thổi qua chăng? Ta khát, ta đói quá chừng trong cái giới hạn quá tầm thường, quá nhỏ mọn của ta.

Bầy quạ khoang đã hiện ra trên nền trời phía Bắc. Bầy quạ khoang hiện nhanh và hầu như bao trùm lấy mặt trời, khiến tối sầm lại một thoáng, khiến tinh thần ta xao động, khiến ta cảm thấy một điều lạ xâm chiếm tâm hồn, da thịt ta đang bị loài quạ rỉa rã rời đây, đau buốt đây. Và mỏm sọ dừa của ta sao mà trống rỗng thế nầy?

Một giọng cười rất êm hầu như là một tiếng hát khẽ... Ờ phải, đó là một giọng cười nhỏ của người đàn bà, bàn tay bà ta đã cho nước ta uống. Ta nhớ lại rồi. Bàn tay đẹp quá, và lúc mơ mệt, ta không nhìn rõ gương mặt của bà ta. Ắt là gương mặt phúc hậu lắm. Gương mặt của bà tiên hiền, của Quan Thế Âm hiện lên để cứu khổ cứu nạn cho ta chăng?

Nhưng sao bước chân của người lại nặng nề thế kia. Ta nghe rõ là bước chân đó đang tiến về phía mình, tiến về chậm chạp, tiến về phía cửa cái căn phòng nầy. Ta chờ đợi từng bước chân đó, bước chân mang hy vọng đến cho ta trên chiếc giường nầy…

Những cửa sổ soi rọi tia nắng quá đỗi gay gắt, tôi vã mồ hôi ra và phát sợ những cơn gió khô khan thỉnh thoảng phả vào như hơi thở của mùa hạ. Tôi chờ trong chốc lát, và đinh ninh rằng thế nào cánh cửa phòng, cánh cửa cái của căn phòng sẽ được mở ra. Tôi cố gượng dậy được, dựa lưng và nhắm mắt.

Cái quả lắc khua động, tôi mở bừng mắt ra nhìn. Ờ, cửa phòng chính đã mở rồi kìa. Tôi ho khẽ để bà biết rằng mình đã tỉnh dậy từ lâu và ngồi lên ở đây. Tôi muốn kêu gọi bà một tiếng nhưng mắt tôi lại nhắm nghiền không mở ra được. Tôi không biết vì sao thế. Tôi cũng không mở miệng nói lên lời nào được nữa. Lạ chưa?

Một khắc bà đề một vật gì lên bàn, tự dưng mắt tôi mở ra được và bắt gặp đôi mắt mờ nhạt của bà, đôi mắt xa vắng hầu như mất thần vì bụi cát phủ nhòa qua tròng mắt.

Tôi bắt gặp một gương mặt đen sạm chữ điền, làn da rám nắng và loang lổ như tổ ong, mí mắt lèm nhèm bên trái, còn bên mặt bà quấn chiếc khăn màu vải nâu phủ sụp xuống đến ngang trái tai, tôi không nhìn được. Gương mặt của người giống như một chiếc lá bàng khô vàng võ, in đậm lên những dấu vết tàn phá chày ngày chày tháng. Bà im lặng một lát, rồi mở lời:

- Tối qua tôi mang cháo đến cho chú em nhưng chú em mê man không biết gì cả, bây giờ tỉnh rồi, vậy tốt lắm đó, có cháo nóng cho chú em dùng đây, đừng ngại gì cả.

- Cháu cám ơn bà lắm. Tôi gượng nói như thế.

Bà xua tay và mang tô cháo đến gần giường, đặt cạnh tôi:

– Mệt ăn vào sẽ thấy khỏe ngay, chú em đừng ngại.

Nói xong bà ngồi xuống cạnh tôi, nhìn tôi từ từ húp những muỗng cháo. Đúng là những muỗng cháo hồi sinh. Tôi cố húp hết tô cháo, mồ hôi mồ kê nhỏ ra đầm đìa. Bà ta trao khăn và nói với giọng thương cảm, tiếng nói như bốc dậy lên mối tình nhân loại thương mến nhau lúc hoạn nạn, tiếng nói tôi khó quên được:

- Chú em ở đâu lại đến khổ sở như thế nầy, chú em hãy lau sạch mồ hôi. Chắc bị cảm nắng đó. Ở đây người lạ đến dễ bị nhiều thứ bệnh hoạn lắm. Nhưng không sao đâu, có mồ hôi tươm ra sẽ dễ chịu ngay đó mà. Ráng tĩnh dưỡng và đừng nghĩ gì hết.

– Thưa bà ở đây là miền nào, xứ nào bà cho tôi được biết?

Người đàn bà lắc đầu:

– Chú em hỏi làm gì cái miền đất nầy, khô khan đá sỏi, quanh năm họa chăng mới có một đoàn người buôn lậu, hay làm việc gì có vẻ mờ ám nguy hiểm đi qua. Họ không làm khó dễ già này, và cũng chẳng ai để ý đến vùng cỏ cháy đất cằn này mà đặt cho nó một cái tên gì. Cả già nữa, có lẽ già cũng quên cả tên họ của mình rồi kia.

Tôi ngồi nhỏm dậy, cảm thấy khỏe một chút vì có chất gạo muối vào người, tôi thấy người đàn bà có vẻ lẩn thẩn, nhưng cũng không muốn để ý đến công việc gì của ai. Tôi im lặng thì thấy bà ta mỉm cười, nụ cười dung dưỡng như của một hiền mẫu.

Giây phút sau khoảng chừng vài hơi thở, người đàn bà hỏi bâng quơ:

- Rồi chú em định đi về đâu?

Tôi lắc đầu tư lự hơn lúc nào hết khiến bà ta cười:

– Tôi đoán chú em không phải là một người làm việc mờ ám gì, chú em cũng đừng ngại gì tôi hết. Nếu nay mai thấy khỏe cứ việc lên đường.
Tôi đi theo một lằn chớp... Ý định của tôi muốn trả lời như thế, nhưng thật là ảo tưởng, thật là mơ hồ, thật là huyền hoặc nếu tôi nói cho bà biết như vậy nên chỉ ậm ừ:

– Tôi đi ngắm cảnh lạc bước đến đây bà ạ. Rồi để cho vui câu chuyện, tôi hỏi thăm đến gia đình. Bà ta lắc đầu chưa kịp đáp thì bên ngoài một đứa con gái độ mười hai mười ba tuổi ẵm xề xệ trên tay nó một đứa nhỏ hầu như còn bú, nó vừa quẹt mũi rãi vừa đặt đứa nhỏ xuống chiếc giường bên cạnh tôi. Nó nhìn tôi trân trối, ánh mắt đượm vẻ buồn bã lắm.

– Đó chúng nó đó, tôi đã lượm chúng nó ngoài bìa rừng ngoài kia. Nơi đám mả loạn của dân làng dưới thung lũng. Ngoài ra không còn một ai nữa. Con lớn đó suýt bị cọp vồ đấy chớ, bây giờ nó gan lì lắm không sợ gì cả, nhiều lúc nó đi chơi rong, nó đuổi theo lũ khỉ vượn mãi trong rừng sâu cả ngày đêm.
Ba bà cháu nói xong từ giã tôi ra ngoài. Người đàn bà bảo phải đi hái củi, đứa cháu được trao cho việc tắm rửa đứa bé. Tôi chắc đâu đây có giếng nước, khi tôi hỏi bà ta lắc đầu và bảo đứa con gái lem luốc trước mặt tôi phải ẵm đứa bé đi mãi vào tít ở trong khe suối khỏi lùm cây khô khan cao chót vót bao quanh tầm mắt. Nơi đó có khe suối trong, huyết mạch của cả một vùng quanh đấy.

Tôi tin ở đâu đây còn có một vài túp nhà của dân miền sơn cước, mơ hồ tôi nghe văng vẳng trong gió có một điệu nhạc khí nào như tiếng chuông mõ công phu.

– Em bé, em đưa dùm tôi ra bờ suối, tôi tắm mát một chút nào… Ồ, sao em ngó tôi như vậy? Em làm y lời bà nọ chớ, em đưa đứa bé nầy ra bờ suối đi, tôi sẽ theo ngay, mùa xuân gì mà nóng nực thế nầy hở em.

Mặc tình tôi nói, đứa bé vẫn đứng im. Bà nọ thì bỏ đi ra ngoài từ lâu, bà đi mất hút vào cánh rừng rậm, ban đầu tôi còn thoáng thấy hình bóng nhỏ nhoi nọ lang thang, tôi còn thấy màu áo, thứ màu đất đỏ lâu ngày lấp loáng trong nắng. Rồi bông đó qua khỏi khuôn cửa sổ, tôi không thấy gì nữa hết.

Đứa bé im lìm, cho đến một lúc lâu nó ú ớ đưa tay nói gì với thằng bé con. Thằng bé con cười, tôi không biết nó có rõ cái cử chỉ nọ hay không. Nhưng tôi vừa có ý nghĩ là đứa bé gái nọ dường như là bị câm vậy.

Sao nó lại nhướng mắt nhìn tôi. Nó lại đưa tay vẫy tôi kìa. Tôi nghĩ lại – Nó biết nghe thì phải. Nhưng sao nó câm lặng và u buồn thế này. Tôi thấy chua xót cho nó quá. Tôi thấy trong lòng nhuốm lên một màu vô vọng vì nó. Thực tốt, nếu mà nó ở trong một xã hội đầy rẫy những hạng người biết nói... Ở đây thì tốt hơn, nó câm lặng, cỏ cây cũng thế. Niềm câm lặng hòa dịu, đồng điệu lắm, có lẽ cả hai đều hiểu được nhau, cỏ cây sự vật, và nó...

Giờ khắc qua tôi đi theo nó, nó đi quá nhanh, vẹt qua cỏ dại, vẹt qua bờ bụi, vẹt qua cỏ rậm và chen lẫn trong các gốc cây rậm rì, bám víu đầy những rong rêu mốc thếch. Tôi bươn bả theo nó phát mệt. Một lát thì ra đến vùng cỏ lau xanh mướt khác hẳn cái khu vườn đào và những luống cát nóng hổi ngoài kia. Tôi nghe một tiếng chim đầu tiên hót. Tiếng chim trong một nhánh hoa màu vàng ở trên chót vót cao vọng xuống ngọt ngào như hơi mát cỏ hoa…

Đứa con gái mặc tình với khung cảnh quen thuộc, nó cũng không cần nhìn tôi, nó vứt thằng nhỏ nằm chỏng gọng trên đám cỏ lún phún bên bờ suối. Thằng bẻ khóc la mặc tình. Còn nó đi tìm thứ gì đó trong bụi rậm! Tôi tắm rửa trên dòng suối một lúc lâu, sốt ruột vì nó không trở về. Lau chùi xong, tôi leo lại nơi thằng bé, thấy nó ngủ, quanh nó vài con ong bay vù vù. Thằng bé ngủ vùi trong điệu rít vi vu của bầy ong như một điệu ru êm ái mà mùa hạ vàng dành riêng cho nó.

TRẦN TUẤN KIỆT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.