Hôm nay,  

Hội Chợ Sách VietBook Fest Năm Thứ Tư – Một Bản Sắc Mới

11/04/202500:00:00(Xem: 3166)

Hình 1 chính trang nhất resize
Sinh hoạt sách vở tại Hội Chợ Sách VietBook Fest 2025 do VAALA tổ chức. Bowers Museum, Santa Ana,
Chủ Nhật 6 tháng 4, 2025. Photo: Việt Báo

  

Với mỗi người Việt tha hương, tháng Tư luôn luôn là tháng của hoài niệm. Tháng Tư năm nay, bên cạnh góc nhìn tưởng niệm, cột mốc 50 Năm còn mở ra cho người Việt chúng ta nhiều cảm xúc, suy tưởng.  Mang trong lòng “nỗi niềm tháng Tư” nằng nặng đó, bọn chúng tôi hẹn nhau sáng Chủ Nhật đầu tháng tại Bowers Museum, đến tham dự Hội Chợ Sách VietBook Fest thường niên do Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA tổ chức, để cùng đọc, cùng nghe kể, cùng nhìn lại, cùng đối thoại những câu chuyện Việt.
 
Thời gian là cái mốc đo lường nhiều thứ. 50 năm là một khoảng thời gian rất dài. Một nửa thế kỷ. Một nửa đời người. Một thế hệ được sinh ra và lớn khôn. Một nền văn học. Một cộng đồng đã định hình sau nhiều biến chuyển. Và đó chính là hình ảnh 50 năm tại VietBook Fest, nơi quy tụ một cộng đồng người Việt trẻ hơn, trưởng thành hơn, và dường như, được thổi bằng một luồng sinh khí mới lạ, mạnh mẽ, đỉnh đạc hơn, một sự chuyển tiếp xuyên thế hệ. 
 
Đến Bowers Museum trước 10 giờ sáng, tôi tưởng rằng sẽ có thì giờ hàn huyên với các bạn, vậy mà phòng sinh hoạt của Bowers Museum đã chật kín người. 

Hình 2A

Bàn sách Anh Ngữ của các tác giả gốc Việt. Photo Việt Báo
Độc giả có thể tim sách ở LibroMobile's: Bookshop.org

Phía bên trái là dãy bàn bán sách Anh Ngữ với trăm cuốn sách của các tác giả người Mỹ gốc Việt do Libro Mobile đảm nhiệm, nơi đông đảo các độc giả trẻ thuộc thế hệ thứ hai đứng sắp hàng rồng rắn thật dài rôm rả chuyện trò chờ mua sách. Nhìn cuốn sách bìa màu xanh da trời với hình những bông hoa nở ra nhiều sắc màu của họa sĩ Ann Phong minh họa cho tựa đề “The Colors of April”, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tháng tư đen, có lẽ, sau 50 năm, cũng là tháng tư của nhiều ý nghĩa khác nữa, từ đêm đen đổ nát là sự phục sinh, từ những cố gắng xây dựng là những thành tựu của người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, là những bông hoa nhiều sắc màu mà sách vở của thế hệ tiếp nối cha anh đang ghi chép lại.

 

Phía trước mặt đối diện với khuôn viên là dãy bàn dài trưng bày hàng trăm cuốn sách tiếng Việt, với đủ thể loại, văn học, lịch sử, ngôn ngữ, âm nhạc do nhà sách Tự Lực đảm nhiệm. Tại đây cũng tấp nập độc giả đọc và mua sách, đa số thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưỡi. Một số phụ huynh cũng đến đây mua sách học tiếng Việt và sách thiếu nhi cho con em.

Đối diện bên kia là dãy bàn của Vaala, nơi khách tham dự có thể đến hỏi thông tin, mua quà lưu niệm, trò chuyện và sinh hoạt với các em volunteers luôn tươi vui giúp đỡ mọi người.  Nhưng nhộn nhịp nhất là ba bàn tròn lớn đặt ngay giữa phòng với giấy, màu, bút mực… nơi các em thiếu nhi và phụ huynh ngồi cùng nhau tô vẽ những bức tranh đủ sắc màu. Chính các em là bức tranh đẹp nhất của ngày Chủ Nhật đầu tháng Tư ở Hội Chợ Sách VietBook Fest.

Hình 3A
Các em thiếu nhi vẽ và làm thủ công do hội Vietnamese American High School Alliance (VAHSA)
hướng dẫn. Chương trình này do hội VROC (Viet Rainbow of Orange County) đồng giới thiệu. Photo: Việt Báo.

Phía trước cửa phòng vào khán trường của Bowers Museum, nơi cuộc hội luận đầu tiên của ngày sắp bắt đầu, một hàng dài trên trăm người đang sắp hàng chờ vào khán phòng. Không biết mọi người có được vào khán phòng hết hay không vì chúng tôi sau nhiều phút sắp hàng, sợ trễ nên đã dùng “thẻ nhà báo” xin được vào trước, vừa kịp thấy Ysa Lê, Giám Đốc Điều Hành VAALA lên sân khấu gửi lời chào mừng đến tất cả quan khách đã đến với Viet Book Fest: “Chúng tôi vô cùng hân hoan nhìn thấy sự hiện diện đông đảo của quý vị, cùng nhau, chúng ta hội tụ hôm nay tôn vinh những câu chuyện mang tính kết nối, truyền cảm hứng và bơm sức mạnh cho cộng đồng.” Ysa nhấn mạnh:Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”

 

Tiến sĩ Thảo Hà, được Ysa giới thiệu là “a fearless leader”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VAALA, đã lên giới thiệu VAALA và tóm lược ý nghĩa của Hội Chợ Sách VietBook Fest 2025. Nói về thế hệ người Việt thứ hai và câu chuyện viết lách, Cô đề nghị mọi người không chỉ viết khi có chuyện buồn, mà hư cấu tạo ra nhiều chuyện khác nữa: 

“Trong những năm đầu, chúng ta thường kể lại hành trình tị nạn, những vết thương chiến tranh, quá trình định cư và tái định cư, cũng như bản sắc lưu vong của cộng đồng người Việt. Rồi theo thời gian, chúng ta bắt đầu khám phá đời sống, một cách tinh tế —lồng ghép các chủ đề như gia đình, ký ức, chủng tộc, giới tính, bản ngã và xung đột giữa các thế hệ. Và giờ đây, một làn sóng tác giả mới đang táo bạo tái định hình bản sắc người Mỹ gốc Việt, mở rộng khái niệm về chính chúng ta. Vậy “chúng ta” là ai?

Những cây bút tiên phong trong cộng đồng đã lên tiếng kêu gọi ngành xuất bản cần đa dạng hơn, cần ghi nhận sự phong phú trong tiếng nói người Mỹ gốc Việt—vượt ra khỏi khuôn khổ những câu chuyện nặng nề về chấn thương, về những ơn nghĩa người tị nạn ban đầu hay kiểu mẫu thiểu số gương mẫu.

Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ hơn thế rất nhiều. Ngay cả giữa khổ đau, chúng ta cũng đã kết bạn, đã nhảy múa, ca hát, cười vang, uống rượu, hút thuốc, tiệc tùng, tán gẫu, đi du lịch, yêu thầm, và yêu say đắm một cách ngốc nghếch đến điên rồ. Hãy viết về những câu chuyện vui đó nữa!”

Không khí trở nên sôi động, cuộc hội thảo thứ nhất bắt đầu ngay sau đó có chủ đề ‘50 Năm Nghệ Thuật Kể Chuyện: Sự Tiến Hóa Của Những Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt Trong Văn chương’, với sự tham dự của ba tác giả người Mỹ gốc Việt hàng đầu: Việt Thanh Nguyễn, tác giả “The Sympathizer”, cuốn tiểu thuyết giành giải Pulitzer năm 2016; Andrew Lâm, nhà báo từng nhận nhiều giải thưởng và là tác giả của “Perfume Dreams”, “EastEats West”, và “Birds of Paradise”; và Lan Cao, giáo sư luật khoa và tác giả của “Monkey Bridge”, “The Lotus and the Storm”, và “Family in Six Tones”. Cuộc hội thảo này do Tiến sĩ Thúy V. Đặng, giáo sư dạy ngành Information và Asian American Studies tại UCLA, một khuôn mặt thân thuộc với trên 14 năm gắn bó với VAALA, điều hợp.

HÌnh 4A
Hội Thảo ‘50 Năm Nghệ Thuật Kể Chuyện: Sự Tiến Hóa Của Những Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt Trong Văn chương’ với nhà văn Andrew Lâm, Lan Cao và Viet Thanh Nguyen, do tiến sĩ Thúy V. Đặng điều hợp. Photo: Việt Báo.

 

Với bối cảnh 50 năm văn chương của người Mỹ gốc Việt đã phần nào chuyển từ những đề tài chiến tranh sang những câu chuyện đời sống người tị nạn mang nhiều sắc thái đa dạng, cuộc đối thoại giữa các tác giả xoay quanh chủ đề gia đình trong văn chương. Khi được hỏi “ai” là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp viết lách của mình, hai trong số ba nhà văn đã nhắc đến một thành viên trong gia đình. Với Nhà văn Nguyễn Thanh Việt thì đó là vợ của anh, nhà thơ Lan Dương, người đã cùng anh gắn bó suốt nhiều năm trên con đường văn chương và gia đình. Riêng với nhà văn Lan Cao thì đó chính là Cha Mẹ của chị, Ô.B. Cao Văn Viên, những người đã khuyến khích con cái theo đuổi giấc mơ và ý thích của riêng mình.

Các đề tài về thể loại văn chương cũng được bàn đến, từ hư cấu đến hồi ký. Theo nhà văn Andrew Lâm, cảm xúc là thật, dù câu chuyện là hư cấu - nhà văn Lan Cao cũng đồng ý rằng dù viết dưới bất kỳ thể loại nào, cảm xúc là yếu tố thật. Nói về hồi ký, chị cũng chia sẻ những câu chuyện khi chị cùng con gái viết cuốn hồi ký song đôi “Family in Six Tones” với nhiều chi tiết cảm động và lý thú.

 

Một người Việt lớn tuổi từ khán giả đã đặt một câu hỏi lý thú cho ba nhà văn về tên gọi và bút hiệu của mỗi người – nguyên nhân và ý nghĩa của việc mỗi người giữ lại tên Việt hay thay đổi tên tiếng Anh, và điều này có liên quan, ý nghĩa gì đến nhân dạng và định hình bản sắc. Nhà văn Andrew Lâm trả lời đầu tiên rằng tên Việt của anh là Dũng, và điều này gây khó khăn cho thầy cô giáo và bạn bè từ thời tiểu học, và vì vậy quyết định lấy tên Andrew đối với anh dễ dàng, không nhức đầu. Nhà văn Lan Cao cho biết chị tên thật là Cao Phương Lan. Phương cũng tạo nhiều vấn đề cho bạn bè trung học nên chị cắt bỏ chữ Phương. Câu hỏi còn lại đối với chị là thứ tự Lan Cao hay Cao Lan cũng như những sưu tư về ý nghĩa phái tính và yếu tố xã hội qua tên gọi. Nhà văn Việt Thanh Nguyễn cho rằng đối với anh, Nguyễn Thanh Việt, hay Việt Thanh Nguyễn, hay Viet Thanh Nguyen không là yếu tố định nghĩa người Việt trong Anh, mà theo anh, chính tên gọi Viet Thanh Nguyen (không dấu) đã nêu lên bản sắc của chính thế hệ anh, một thế hệ người tị nạn Mỹ gốc Việt, lớn lên và trưởng thành ở Hoa Kỳ,  chịu ảnh hưởng của hệ thống văn hóa Mỹ, đồng thời giữ lại những ảnh hưởng bản sắc Việt từ gia đình và cộng đồng. Có lẽ ngạc nhiên và vui nhất là khi anh kể về phản ứng của anh khi anh lên 12 tuổi, cha mẹ Anh đổi tên thành Joseph và Linda và anh đã tự hỏi: “Điều gì xảy ra đây?” Theo anh, dù mang tên gọi như thế nào, cha mẹ anh chắc chắn vẫn 100% người Việt, và anh, chắc chắn vẫn là một người Mỹ gốc Việt.

 

Hình 6

Các tác giả và người điều hợp cuộc hội luận thứ hai 'Con Đường Đến với Xuất bản' 
chụp hình lưu niệm: Từ trái: Đỗ Bảo Anh, Carolyn Huỳnh, Tu Vinh Nguyễn,
và Tu David Phu. Photo từ Vaala.


Cuộc hội luận thứ Hai chủ đề ‘Con Đường Đến Với Xuất bản’ được tiếp nối sau đó, với sự tham gia của Carolyn Huỳnh, tác giả của tiểu thuyết “The Family Recipe” và “The Fortune of the Jaded Women”; Đầu bếp Tu David Phu, từng được San Francisco Chronicle vinh danh là Rising Star và Top Chef, tác giả của “The Memory of Taste”, và Vinh Nguyễn, giáo sư từ University of Waterloo, Canada và tác giả của “The Migrant Rain Falls in Reverse”, chương trình do nhà báo Đỗ Bảo Anh, Deputy Editor for Culture and Talent của tờ Los Angeles Times, điều hợp. Nhà báo Đỗ Bảo Anh nêu lên những khó khăn, thử thách khi tìm được một nhà xuất bản và các tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong con đường xuất bản đầy thử thách, đặc biệt đối với các nhà văn Việt, khi họ cố gắng trình làng những câu chuyện theo góc nhìn riêng.

 

Cùng xảy ra song song với các cuộc hội luận trong khán phòng buổi sáng là chương trình dành cho các em thiếu nhi Giờ kể chuyện (Storytime Adventures): phiêu lưu cùng tác giả và trí tưởng tượng tại phòng sinh hoạt phía ngoài. Đây là một sinh hoạt vui nhộn dành cho gia đình và các em thiếu nhi với Thái Nguyễn, nhà thiết kế thời trang và đồng tác giả của cuốn truyện tranh “Mai’s Áo Dài”, các hoa khôi liên trường của Tổng Hội Sinh Viên Nam California, cùng người dẫn chương trình là “cô Phở” (Jennifer Trần). Nhìn các em thiếu nhi say sưa cùng cha mẹ ngồi xoay quanh lắng nghe chăm chú khi chú Thái đọc truyện, không biết mọi người nghĩ đến điều gì, riêng tôi, có lẽ vì là người từng trải qua nhiều khó khăn khi đi gõ cửa xin tài trợ  cho các chương trình văn hóa nghệ thuật, tôi lấy điện thoại gõ chữ VAALA và bấm vào https://vaala.org/get-involved/donate/ để gửi đi chút đóng góp nhỏ bé, thiết thực.

 

Hinh 8
Giờ kể chuyện (Storytime Adventures): phiêu lưu cùng tác giả và trí tưởng tượng với Thái Nguyễn.
Photo từ VAALA.

 

Cuộc hội thảo cuối ngày với chủ đề ‘Hướng Đi Của Văn Chương Và Sách Báo Việt Hải Ngoại’ kết thúc một ngày BookFest với nhiều thông tin hữu ích. Câu hỏi đặt ra là văn chương và sách báo Việt hải ngoại biến chuyển ra sao và tương lai sẽ như thế nào, với sự tham gia của các nhà văn Cung Tích Biền, tác giả của “Thằng Bắt Quỷ”; nhà văn Đặng Thơ Thơ, tác giả “Ai”, nhà văn Trịnh Y Thư, tác giả “Đường Về Thủy Phủ”, và Kalynh Ngô, dịch giả của “My Vietnam, Your Vietnam” – (“Việt Nam Của Con, Việt Nam Của Cha”).

 

Hình 5A
Hội thảo ‘Hướng Đi Của Văn Chương Và Sách Báo Việt Hải Ngoại’ với nhà văn Cung Tích Biền, Đặng Thơ Thơ, Kalynh Ngô, Trịnh Y Thư do Ysa Lê điều hợp.

 

Nhà văn Cung Tích Biền kể nhiều chuyện lý thú về cuộc hành trình của văn chương sách báo từ thời Việt Nam Cộng Hòa, trong khi nhà văn Đặng Thơ Thơ và Trịnh Y Thư tập trung về đề tài văn chương Việt hải ngoại và quá trình xuất bản cũng như tìm kiếm những phương cách và phương tiện xuất bản mới. Trong bối cảnh văn chương hải ngoại, những khó khăn thử thách trong việc bảo tồn tiếng Việt và phát hành sách Việt cũng được nhà văn Trịnh Y Thư đề cập đến, với các giải pháp được nêu ra. Dịch giả Kalynh Ngô chia xẻ kinh nhiệm của Cô về quá trình dịch thuật, cách thức liên lạc tác giả và nhà xuất bản, đồng thời nêu ra những uyển chuyển trong bối cảnh văn hóa mới. Nhà văn Đặng Thơ Thơ lạc quan đưa ra những kế hoạch và công việc sắp tới mà chị tin rằng với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức văn hóa trong cộng đồng như Vaala, Da Màu và Việt Báo, sách vở sẽ tiếp tục được in ấn và phát hành đến tay độc giả Việt.

 

Một ngày VietBook Fest khép lại với độc giả đến quầy mua sách và xin chữ ký của các tác giả. Trước khi ra về, tôi ghé lại hỏi thăm nhà sách Tự Lực về “tình hình buôn bán”, được anh Eric Cường Nguyễn cho biết, số sách bán hôm nay thật nhiều hơn dự định, sách bán nhiều nhất là sách song ngữ, sách thiếu nhi, và sách văn học. 

 

Khi những thùng sách đã được đóng lại chuẩn bị “dọn hàng”, một phụ nữ và hai cô con gái cỡ đôi mươi ghé đến xin được mua sách giờ cuối. Người Mẹ tìm mua cuốn “Đường Về Thủy Phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư và đi tìm tác giả xin chữ ký, trong khi hai cô con gái mua nhiều sách văn học và sách thơ tiếng Việt. Tôi hỏi các cháu làm sao đọc được những cuốn sách này, cô chị vừa cười vừa trả lời, mẹ đọc cuốn dày, chúng em đọc cuốn “mỏng” hơn.

 

Mọi người lần lượt ra về, nhìn các bạn trẻ volunteers của VAALA vẫn vui tươi dọn dẹp cuối ngày, tôi không khỏi nhớ về một cảm xúc của ngày này, nhiều năm trước, tại VietBook Fest năm thứ nhất ở Thư Viện Santa Ana, nơi quy tụ vài chục người dưới táng cây bàng, nơi Ysa Lê đã chia sẻ về tầm nhìn và hướng đi của Cô về một VietBook Fest với ước mơ mở rộng và kết nối.

thiêu nhi thu cong
Thiện nguyện viên VAALA hướng dẫn các em thiếu nhi. Photo:  VAALA.

 

Bước vào năm thứ tư, VietBook Fest 2025 với gấp bốn lần số lượng người tham dự, gấp 4 lần các chương trình hội luận - đã khẳng định một sự trưởng thành và nhu cầu văn hóa lớn mạnh của cộng đồng người Việt sau 50 năm thế hệ cha anh bỏ công bỏ sức làm ăn nuôi dạy con cái nên người.
 

Người ta có thể nói “nỗi niềm tháng tư” năm nay là một trong những làn gió thổi VietBook Fest 2025 lên một tầm vóc mới. Riêng tôi nghĩ chính nhờ VAALA, một tổ chức văn hóa nghệ thuật Việt-Mỹ vô vụ lợi, hiện thân của một thế hệ chuyển tiếp ở hải ngoại, sau nhiều nỗ lực của nhiều năm tháng và chiều dày công sức của một nhóm người ôm ấp hoài bão, hôm nay Hội Chợ Sách Việt đã có thể đứng dậy tự khoác lên mình chiếc áo Phù Đổng, với bản sắc 50 năm của một cộng đồng Việt đa thế hệ, tự hào lớn mạnh và vững vàng - cùng hướng tới tương lai.

 

Nina HB Lê

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tổ khúc Bohemian Rhapsody do ban nhạc Queen trình bày và phát hành từ năm 1975, đến nay vẫn còn rất nhiều người hâm mộ.
Nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là 50 năm xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại, Khoa Lịch sử trường Đại học California, Irvine tổ chức một chuỗi sự kiện trong 3-ngày: từ ngày 7 tới ngày 9 tháng Năm năm 2025.
Thương nhớ. Cảm động. Ngậm Ngùi. Và ước mơ một ngày quê nhà sẽ có dân chủ, khi đó Sài Gòn sẽ được hồi phục tên cũ. Đêm nhạc Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm vào chiều Thứ Bảy 19/4/2025 đã chạm rất ngọt ngào và cay đắng vào trái tim của những người con Sài Gòn.
Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức rầm rộ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.
Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước..
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
Lần đầu tiên tôi có cơ hội được một mình ngồi trò chuyện với cô Khánh Ly là một ngày của Tháng 3 cách đây tròn 15 năm – khi được sếp phân công phỏng vấn viết bài về sự có mặt của cô trong một đêm nhạc mang tên “Du Mục” của nhóm The Friends. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ đó – giữa Khánh Ly – người được xem như một trong những huyền thoại của làng âm nhạc Việt Nam, và tôi – một phóng viên mới bước vào nghiệp cầm bút chưa đầy 2 năm. Nơi cô hẹn tôi là quán phở Nguyễn Huệ của chú Cảnh ‘Vịt’ (chú Cảnh đã bỏ trần gian đi rong chơi ở chốn xa lắc xa lơ nào cũng đã vài năm). Hôm đó, chồng cô, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chở cô tới. Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã hỏi cô nhiều câu – phần lớn chả ăn nhập gì đến chương trình cô sắp tham gia – mà chỉ là những câu hỏi tôi tò mò muốn biết về Khánh Ly – một người được bao người ngưỡng mộ, bao người mơ ước được gặp mặt – lại đang ngồi đối diện tôi, cùng tôi uống cà phê trong quán phở, và làm tôi bị say thuốc lá
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.