
Z, Anh thương,
Em không hiểu, tự bao giờ, em đã bỏ lại sau lưng thói quen nghĩ về anh. Một thói quen vẫn thường đem cho em những rung động thắm thiết. Em đã từng nghĩ về anh, khi nghe một bài nhạc cũ, khi đọc một câu thơ, hay thoáng thấy đâu đó một màu xanh cổ tích. Khoảng thời gian qua, đầu em rỗng, tim em đông cứng…
Môi nào hãy còn thơm cho ta vơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên. (TCS)
Giữa sự tịch lặng của khán phòng, tiếng hát cô vang lên, thanh thoát. Và thế, sau bao năm hiu hắt, màu xanh cổ tích, dịu dàng, đằm thắm, lại quay về bên em. Anh có nhớ tấm hình em khoe anh, xúng xính trong chiếc áo dài. Anh nói bằng ngôn ngữ của anh, áo em đẹp quá, thật hợp với mái tóc của em. Lúc đó em chỉ tủm tỉm cười cảm ơn anh. Thật ra, em không thú thật với anh rằng, đó là hình ảnh em bắt chước cô Khánh Ly, một hình ảnh đậm nét Việt Nam mà em hằng ngưỡng mộ.
Anh thương,
Trong suốt khoảng thời gian chúng ta, với nhau… Dù anh luôn tò mò, nhưng em rất ít chia sẻ về quê hương em. Dù chúng ta lớn lên trên cùng mảnh đất, chúng ta không bị giới hạn ngôn ngữ, chúng ta cùng được hấp thụ chung một nền văn hoá, chúng ta cùng học chung dưới một ngôi trường… Nhưng em vẫn luôn mang mặc cảm của một cô gái ở trọ, trên mảnh đất của anh, mỗi khi em nhìn sâu vào đôi mắt xanh màu cổ tích.
Những câu chuyện em kể anh nghe, luôn được chọn lọc. Đó là những câu chuyện về hồn thơ Mai Thảo, cõi nhạc Phạm Đình Chương, hay hình ảnh lịch lãm của bác Cảnh, một công tử Hà Thành, luôn hào sảng trong mọi tình huống. Và lẽ dĩ nhiên, Trong đó, có những mẩu chuyện mang tên Khánh Ly. Thời đó, khi chỉ là một cô gái ở tuổi đôi mươi, em phải cố gắng khoe với anh về huyền thoại Khánh Ly. Anh phải hiểu rằng, ẩn sâu dưới những mặc cảm, tự ti, trong thế giới của em, đã có một chân dung, một nhan sắc bất diệt mang tên Khánh Ly. Tiếng hát đó đã vượt rào cản thời gian, không gian, để ở mãi với dân tộc em cho tới ngày hôm nay.
Và đêm qua, chân dung ấy đã mang bao tâm hồn, bao thế hệ cùng trở lại bên nhau. Anh biết không, trong khuôn viên rộng lớn của Bowers Museum, em đã nhận ra, và tìm về với bao nhiêu gương mặt thân quen mà đã từ lâu em không gặp. Họ là những tên tuổi lớn của mọi lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc cho đến điện ảnh... Họ là những vị đã bước qua tuổi tám mươi, đến những em nhỏ chưa tròn đôi mươi. Họ là những nhân chứng của cuộc chiến tranh. Như một định mệnh, những tâm hồn ấy lại ngồi bên nhau để cùng nghe tiếng hát vang lên:
“Tình ngỡ chết trong nhau
nhưng tình vẫn rộn ràng
Người ngỡ đã quên lâu
nhưng người vẫn bâng khuâng” (Trịnh Công Sơn)
Bỗng dưng, em thấy nhói đau lồng ngực trái. Em hiểu ra rằng, những người hiện diện đêm hôm qua, không phải để nghe tiếng hát Khánh Ly, mà họ muốn được sống lại với những kỉ niệm của bảy mươi năm thăng trầm với huyền thoại Khánh Ly. Kỉ niệm đó có thể là hình ảnh của quán Văn, của khuôn viên trường đại học, của chiến tranh, của tình yêu, và cả của cái chết. Kỉ niệm đó là hình ảnh của một cô gái đôi mươi, với mái tóc dài kín bờ vai, thao thao bất tuyệt kể về những huyền thoại của dân tộc mình, cho người thanh niên với ánh mắt xanh màu cổ tích.
Cuối cùng, em đã nhận ra, tại sao, dù không liên hệ máu mủ, em vẫn không cho phép người nào có những lời lẽ khiếm nhã về Cô. Em cũng không cho phép những lời khen tặng dành cho người khác mà không phải là Cô. Như em đã từng nổi giận khi nghe những câu khen ngợi như: “hình ảnh bọn trẻ hát nhạc Trịnh thật dễ thương, bọn trẻ làm sống lại dòng nhạc Trịnh Công Sơn.” Anh biết không, em đã lỗ mãng quát lên: “Có chết đâu mà làm sống lại.” Với em, cõi nhạc Trịnh Công Sơn mãi mãi bất tử với tiếng hát Khánh Ly. Đối với em, đó không chỉ là tiếng hát, mà là một chân dung, một tấm lòng của người mẹ, một trái tim người con gái Việt Nam máu đỏ da vàng, một nhan sắc bất diệt.
Đêm khép lại bằng những lời chúc sức khoẻ đến với cô và những lời cảm ơn. Riêng em, em nợ cô một lời xin lỗi, em đã sử dụng hình ảnh cô như một vũ khí để tấn công anh, người con trai có đôi mắt xanh màu cổ tích. Em xin lỗi anh, vì cuối cùng, cho dù chúng ta có nói chung một ngôn ngữ, được hít thở chung bầu không khí an lành trên mảnh đất tự do, anh sẽ không làm sao có được sự nhói đau bên lồng ngực trái mỗi lần tiếng hát ấy vang lên:
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” (Trịnh Công Sơn)
Orchid Lâm Quỳnh