Hôm nay,  

Khánh Ly: 80 Tuổi Đời, 60 Năm Chuyên Chở Kỷ Niệm

12/03/202511:59:00(Xem: 2059)

 

Hình hà giang
Khánh Ly thổi bánh sinh nhật 80 tuổi trong khán phòng Bowers Museum hôm 7/3/2025 (Hình: Hà Giang)

 

 

Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?”


Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ NTM với Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu, Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.

60 năm đi hát là 60 năm Khánh Ly trở thành người đồng hành thầm lặng của biết bao thế hệ người Việt, giúp chúng ta chuyên chở biết bao kỷ niệm. Tiếng hát Khánh Ly không chỉ ở cạnh chúng ta trong khi vui, mà còn sát cánh bên ta trong lúc buồn, khi phải đối diện với niềm tuyệt vọng, hay sự cô đơn trơ trụi nhất của phận người.

Thật vậy! Hình như ít kỷ niệm nào của chúng ta không thấp thoáng tiếng hát Khánh Ly. Và biết bao câu hát của Khánh Ly đánh thức được trong ta những kỷ niệm tưởng đã vùi sâu trong tâm trí?

480735799_10222805999339062_7122648150309530112_n
Khánh Ly vừa bước vào Scupture Garden của Bowers Museum, với Jimmy Nhựt Hà và Patrick Hoàng. 

  

Khi chúng tôi đến với “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi”, thì khu được gọi là Scupture Garden của Bowers Museum ở Santa Ana đã khá đông. Ánh sáng lung linh làm ấm bầu trời sáu giờ tối California, dù đã vào Xuân, nhưng vẫn lạnh. Chào đón mọi người là bức “scupture” lớn, gồm những mẫu tự làm nên tên Khánh Ly, trên đó dán đầy hình ảnh và bài viết ghi lại sinh hoạt và hành trình của người ca sĩ vừa tròn 80 tuổi đời. Một tác phẩm trang nhã góp phần tạo nên không khí đặc thù của buổi tiệc.

Theo đề nghị của ban tổ chức, đa số khách đến dự, cả nam lẫn nữ, đều mặc áo dài Việt Nam. Mọi người hoặc xúm xít trò chuyện, hoặc bận rộn chụp hình với nhau và với nhân vật chính. Nhưng trong không khí lễ hội ấy, chẳng hiểu sao tôi thấy bần thần với cảm nhận hình như có nét đăm chiêu thấp thoáng đâu đó trên khuôn mặt của cả Khánh Ly lẫn vài người trẻ trong ban tổ chức.

Thính phòng chật ních khi mọi người kéo nhau vào để nghe Khánh Ly hát và “hát cùng Khánh Ly”. Nhìn những tấm phông lớn trước mặt, tôi chưa hết bần thần thì tiếng hát Khánh Ly thời còn là “nữ hoàng chân đất” bỗng vang lên, khi ban tổ chức cho chiếu khúc phim ngắn, mở đầu bằng một buổi trình tại Quán Văn vào đầu năm 1968.

Không gian chùng lại một giây rồi tiếng hát đầy âm hưởng ngày xưa phủ thính phòng, mang đến cho khán giả cảm giác dễ chịu. Chất giọng quen thuộc: khàn khàn, trầm ấm, chậm rãi và bình thản chỉ có ở một người từng trải của Khánh Ly, đặc biệt đêm nay như ném tung người tham dự vào vùng kỷ niệm. Kỷ niệm của từng người và ký ức của tập thể. Ký ức mà chúng ta, có lẽ từ ngày rời xa Việt Nam, dù chỉ trong vô thức, đi đâu cũng mang theo trong tâm khảm. Ký ức tưởng chừng ngủ yên, nhưng chỉ chờ đúng dịp là bất thần trỗi dậy. Quanh tôi, nhiều người nhắm mắt như muốn đắm hẳn mình vào cái thời thanh xuân xa xưa của cả mình lẫn người ca sĩ mình yêu mến.

Nhưng chỉ vài phút sau những đôi mắt ấy mở lớn, cùng hướng lên sân khấu, khi màn trình diễn những bản nhạc Trịnh Công Sơn đã làm nên tên tuổi Khánh Ly của Hân Holidays và các bạn trẻ được vỗ tay nồng nhiệt...

Khanh lyVà khán giả sững sờ khi được MC Lê Đình Ysa cho biết ban tổ chức và gia đình Khánh Ly vừa trải qua những ngày lo âu, vì Khánh Ly vừa bị tai biến mạch máu nhẹ, phải nằm bệnh viện từ sáu ngày trước, mới được xuất viện cách đó hai hôm.

Mọi người đồng loạt đứng lên chào khi Khánh Ly được hai người đỡ hai bên dìu lên sân khấu. Dáng dấp vẫn thanh lịch, nhưng bước chậm vì chân đi chưa vững, Khánh Ly cúi đầu chào khán giả, rồi chu đáo ra dấu mời mọi người an vị, trước khi ngồi xuống ghế.

Tôi không biết mình phải bắt đầu như thế nào? Vì có quá nhiều điều mình muốn nói và không muốn nói...”

Vừa nói vừa ngừng lại để thở, vẻ mệt thoáng trên khuôn mặt, nhưng giọng Khánh Ly vẫn rõ ràng, dù có lúc run run... đứt quãng vì xúc động.


Hôm nay tôi được 80 tuổi...” Khánh Ly bắt đầu.


Ở cái tuổi này... chỉ mới cách đây một tuần lễ thôi, tôi tưởng là tôi không được gặp các anh chị nữa.”

Tôi nói với con tôi, nói con ở đây với mẹ, tại vì mẹ có thể đi bất cứ lúc nào. Và tôi đã nằm trong bệnh viện được sáu ngày rồi. Ngày hôm nay con tôi nó cũng không muốn cho tôi đến, nó sợ là tôi chịu không nổi. Thì tôi mới nói với con tôi tôi nói tôi chỉ muốn cho con tôi nó hiểu... Một người phải như thế nào thì mới được mọi người thương...”

Tôi muốn các con tôi phải hiểu điều đó bởi vì không phải một mình tôi mang ơn mọi người mà tôi muốn các con tôi cũng phải mang ơn mọi người đã góp tất cả những gì đẹp đẽ nhất cho mẹ nó trong suốt 60 năm... Hôm nay tôi phải đến, sống chết cũng phải đến, hát được hay không hát được thì tôi cũng phải đến...


Tôi nói thật là đứng còn chưa vững nữa, nhưng mà tôi sẽ cố gắng, tại vì các anh chị nghe tôi cũng 60 năm, 70 năm rồi, nghe nhiều cũng chán… cho nên thôi ráng đi, chúng ta nghe nhau lần nữa...”

Tôi phải đến, sống chết cũng phải đến...” Những lời trần tình ấy lại thêm một lần làm không gian trùng xuống.

-“Mới xuất viện hai ngày mà vẫn cố gắng đến. Khánh Ly trân trọng khán giả quá!” Một người ngồi cạnh tôi phàn nàn mà giọng nghe đầy trân quý.

Không chỉ trân trọng, mà Khánh Ly, dù mới qua cơn thập tử nhất sinh, tối hôm ấy đã đến với mọi người để tỏ lòng tri ân. Đó là tấm lòng, là cách sống của một người đã cùng Trịnh Công Sơn mang thông điệp “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” reo rắc khắp nơi và đi vào lòng hàng triệu người.

Khánh Ly ơi, người cần phải tri ân chính là chúng tôi, những người đã nhờ lời ca của Trịnh Công Sơn và tiếng hát của Khánh Ly mà thấy lại được góc phố Sài Gòn, con đường đất đỏ, mái tranh ở làng quê, tìm lại được những lúc da diết nhớ người yêu, những đêm lo âu nghe tiếng đại bác... Tiếng hát Khánh Ly với chúng tôi không chỉ là một phần của ký ức, mà là một phần của cuộc đời.

Tâm sự xong, Khánh Ly bắt đầu hát, lúc một mình, lúc cùng người phụ họa.

...Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng...


Nếu chúng ta đưa nhau về mà biết xa, xa nghìn trùng thì chúng ta có đưa không?”

...Ru từng ngọt bùi đã qua
Ru người lận đận héo khô
Yêu em, yêu thêm tình phu.
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ
...
 

Tôi nghĩ là có lẽ chỉ có người khi đưa người, biết xa nghìn trùng mà vẫn đưa, chỉ có những người có tấm lòng như thế thì mới có thể yêu em yêu thêm tình phụ, mới thể yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ...”

Ngày xưa mỗi khi đi hát Khánh Ly hát một hơi mười mấy bài không nghỉ. Đêm nay Khánh Ly cũng hát nhiều dù chỉ điểm qua mỗi bài vài câu. Giọng không còn được như xưa, nhưng Khánh Ly đã vận hết sức bình sinh để làm tròn từng câu từng chữ. Xen kẽ với tiếng hát là những lời tâm sự, là chia sẻ nhân sinh quan, là nói như chưa bao giờ được nói, như sẽ không còn dịp để nói...

Khán giả có người hát theo, có người cố cầm nước mắt khi thấy giọng người ca sĩ mình hâm mộ và quý yêu ngập ngừng... đứt quãng. Người bạn ngồi bên tôi nãy giờ thừ người lạc vùng ký ức, giờ kín đáo lấy khăn lau nước mắt, và trong bóng tối của thính phòng tôi thấy những đôi mắt khác cũng long lanh...

Không khóc, nhưng đêm ấy nghe Khánh Ly hát tôi lần lượt sống lại cảm xúc của nhiều giai đoạn cuộc đời.

Như lần nói dối nhà để theo bạn đi nghe nữ hoàng chân đất hát ở Hội quán Cây tre ngày nào.

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
...

Như ngày bố đi làm về muộn, mang cho chúng tôi cái máy cassette và cuốn băng Ca khúc Da vàng. Rồi buổi tối hôm ấy, thay vì bắt mỗi đứa ngồi một góc để làm homework, bố cho tụi tôi xúm xít nghe đi nghe lại những “Người con gái Việt Nam da vàng,” “Huế, Sài Gòn, Hà Nội,” “Đêm nghe tiếng đại bác,” rồi cười vui khi cả bọn chúng tôi cùng nghêu ngao hát theo Khánh Ly bài “Những vòng tay lớn”.

...Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
...

Như ngày bơ vơ trong trại tị nạn Indiantown Gap vào cuối năm 1975, tôi lịm người trong nỗi nhớ nhà, khi được nghe Khánh Ly hát trên sân cỏ với một người Mỹ mà sau này tôi mới biết tên là Richard Fuller, có tên tiếng Việt là Phú.

Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui
Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Đêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh
Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
Ru me một mình
Ru mẹ một mình ôm bóng đêm
...

Trong không gian trang trọng và đẵm ấm tình người, “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” không chỉ là sự tri ân khán giả dành cho một giọng ca huyền thoại, mà còn là dịp để những ai mang trong tim tiếng hát đó được nhắc nhở những kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời mình.

Dù vừa trải qua cơn bệnh, Khánh Ly vẫn cố đến với mọi người, vẫn hát, và quan trọng hơn, tâm sự và nhắn nhủ với chúng ta về ý nghĩa của cuộc đời, ý nghĩa đó chính là tình người.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi

Vâng! Chỉ để gió cuốn đi.

Gió ơi, đêm nay và những đêm sau nữa, hãy tiếp tục đưa những lời trần tình của Khánh Ly, một người trong tim tràn ắp tình thương yêu và lòng tri ân đến khắp nơi...

Và cũng xin gió luôn gửi đến người ca sĩ đã 60 năm chuyên chở kỷ niệm cho đời lời tri ân sâu sắc nhất, của những người có dịp và không có dịp tham dự “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi”...

Vì “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!


Tháng Ba, 2025

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
Lần đầu tiên tôi có cơ hội được một mình ngồi trò chuyện với cô Khánh Ly là một ngày của Tháng 3 cách đây tròn 15 năm – khi được sếp phân công phỏng vấn viết bài về sự có mặt của cô trong một đêm nhạc mang tên “Du Mục” của nhóm The Friends. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ đó – giữa Khánh Ly – người được xem như một trong những huyền thoại của làng âm nhạc Việt Nam, và tôi – một phóng viên mới bước vào nghiệp cầm bút chưa đầy 2 năm. Nơi cô hẹn tôi là quán phở Nguyễn Huệ của chú Cảnh ‘Vịt’ (chú Cảnh đã bỏ trần gian đi rong chơi ở chốn xa lắc xa lơ nào cũng đã vài năm). Hôm đó, chồng cô, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chở cô tới. Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã hỏi cô nhiều câu – phần lớn chả ăn nhập gì đến chương trình cô sắp tham gia – mà chỉ là những câu hỏi tôi tò mò muốn biết về Khánh Ly – một người được bao người ngưỡng mộ, bao người mơ ước được gặp mặt – lại đang ngồi đối diện tôi, cùng tôi uống cà phê trong quán phở, và làm tôi bị say thuốc lá
Người đàn bà ấy, đứng trên sân khấu với mái tóc buông dài, đôi chân trần và một ánh mắt không có gì ngoài sự thản nhiên. Người ta gọi bà là "nữ hoàng chân đất," nhưng bà không phải là hoàng hậu của bất cứ điều gì ngoài nỗi buồn nhân thế. Đó là sự thản nhiên của một người đã thấy hết những gì cuộc đời có thể mang lại: những đỉnh cao, những vực sâu, những ngày tháng của ánh hào quang và những đêm dài của sự cô đơn tuyệt đối. Nếu có một người nào hát về sự mất mát mà không làm cho nó trở nên ủy mị, nếu có một người nào hát về những điều tan vỡ mà không cần phải gào thét lên, thì đó là Khánh Ly.
Và đêm qua, chân dung ấy đã mang bao tâm hồn, bao thế hệ cùng trở lại bên nhau. Anh biết không, trong khuôn viên rộng lớn của Bowers Museum, em đã nhận ra, và tìm về với bao nhiêu gương mặt thân quen mà đã từ lâu em không gặp. Họ là những tên tuổi lớn của mọi lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc cho đến điện ảnh... Họ là những vị đã bước qua tuổi tám mươi, đến những em nhỏ chưa tròn đôi mươi. Họ là những nhân chứng của cuộc chiến tranh. Như một định mệnh, những tâm hồn ấy lại ngồi bên nhau để cùng nghe tiếng hát vang lên: “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng, Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng” (Trịnh Công Sơn)
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Không hiểu sao, khi những giòng nhạc trong bài Tuổi Đá Buồn của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly vang lên từ máy phát thanh ở rạp hát của Bowers Museum, lòng tôi bỗng nhiên rưng rưng. Cho dù lúc ấy, nhân vật chính là nữ ca sĩ Khánh Ly chưa xuất hiện trên sân khấu trong buổi tối kỷ niệm Sinh Nhật 80 tuổi của bà hôm thứ sáu tuần trước. Cho dù tôi đã nghe rất nhiều lần tiếng hát Khánh Ly từ lúc rất trẻ khi còn ở trong nước, hay những năm sau này ở Mỹ khi về già. Có lẽ tôi xúc động vì ý nghĩa của buổi tối kỷ niệm ngày sinh nhât của môt người nghệ sĩ đã hơn 60 năm ca hát cho đời và tạo cho mình môt chỗ đứng riêng với giọng hát đặc biệt của mình.
Nhìn lui lại kỷ niệm. Khánh Ly với nụ cười đồng cảm những lời văn vẻ tôi đang chia sẻ với 800 khán giả những tâm sự của Trịnh Công Sơn qua những ca từ mà Khánh Ly đã chọn để gửi đến người nghe trong chương trình nhạc “Khánh Ly và Từ Công Phụng” do Việt Art Production tổ chức ngày 6 tháng 3 năm 2011. Phần một, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và Phần hai, Từ Công Phụng hát nhạc của ông. Hai nhạc sĩ cùng với Vũ Thành An, Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên tạo ra một chân trời âm nhạc mới cho những thế hệ trẻ trong thập niên 1960-1975 và kéo dài sang hải ngoại.
Năm 2016, một vụ án xảy ra ở Little Saigon, California, gây chấn động cộng đồng hải ngoại, các hãng thông tấn cũng như báo chí truyền thông địa phương. Bảy năm sau, tình tiết và những nhân vật trong câu chuyện ly kỳ về ông Mã Long, tài xết taxi, bị ba tù vượt ngục bắt cóc, bước lên bục vinh quang ở Sudance Film Festival, dành hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất của phim The Accidental Getaway Driver – Tài Xế Đêm. Hai năm sau nữa, vào ngày 27/2/2025, cuốn phim sẽ chính thức được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Cuối tuần qua, ở nhà hát Majestic, New York tràn ngập tiếng vỗ tay khi cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff bước vào. Đoạn video đăng trên broadwayworld và danh khoản Twitter Latina for Kamala cho thấy, vợ chồng cựu phó tổng thống đến thưởng lãm buổi nhạc kịch GYPSY của đạo diễn sáu lần đoạt giải Tony George C. Wolfe. Khi cả hai bước vào, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hô vang “Kamala” cho đến khi dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc mở đầu của GYPSY. Cuối buổi biểu diễn, Harris và Emhoff đứng lên, gửi tràng pháo tay dài cho nghệ sĩ Audra McDonald và các bạn diễn. Chỉ vài ngày trước đó, bà Deborah Rutter, giám đốc của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy – John F. Kennedy Center for the Performing Arts, thường được gọi là Kennedy Center, bị sa thải. Thay thế bà, không ai khác hơn chính là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.