
“Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang.
Từng ngón tay buồn em mang, em mang đi về giáo đường.
Ngày Chủ nhật buồn, còn ai, còn ai.
Đóa hoa hồng cài trên tóc mây ôi đường phố dài….”
Không hiểu sao, khi những giòng nhạc trong bài Tuổi Đá Buồn của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly vang lên từ máy phát thanh ở rạp hát của Bowers Museum, lòng tôi bỗng nhiên rưng rưng.
Cho dù lúc ấy, nhân vật chính là nữ ca sĩ Khánh Ly chưa xuất hiện trên sân khấu trong buổi tối kỷ niệm Sinh Nhật 80 tuổi của bà hôm thứ sáu tuần trước.
Cho dù tôi đã nghe rất nhiều lần tiếng hát Khánh Ly từ lúc rất trẻ khi còn ở trong nước, hay những năm sau này ở Mỹ khi về già.
Có lẽ tôi xúc động vì ý nghĩa của buổi tối kỷ niệm ngày sinh nhât của một người nghệ sĩ đã hơn 60 năm ca hát cho đời và tạo cho mình một chỗ đứng riêng với giọng hát đặc biệt của mình.
Thật vậy, rất nhiều người đồng ý với tôi khi cho rằng Khánh Ly có giọng hát đặc biệt.
Và hơn nữa đối với tôi, bà là môt trong những “tiếng hát nối liền dĩ vãng với hiện tại”, cũng như khi chúng ta nghe tiếng hát của Thái Thanh hay Lệ Thu vậy.
Khánh Ly còn đăc biệt hơn nữa vì không ai có thể hát những bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tha thiết như Khánh Ly. (Dĩ nhiên đây là nhận xét của riêng tôi).
Ngay cả sau này có những ca sĩ trẻ ở trong nước như Hồng Nhung (răng khểnh) chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn đi nữa. Hay ngay cả ca sĩ Lệ Thu mà tôi rất thích, cũng chỉ hát rất hay một số ít bài của TCS mà thôi.
Chỉ một tuần trước buổi tiệc, các em trong ban tổ chức mà đầu tàu là Hòa Bình của Việt Báo và Y Sa của Hội Văn Học Nghệ Thuât Việt Mỹ-VALAA không hy vọng là Khánh Ly có thể xuất hiện vì phải vào nhà thương khi bị môt cơn ‘stroke’ nhẹ.
Thế nhưng, sau khi Khánh Ly về nhà được hai ngày trước buổi tiệc, bà nhất định đến tham dự dù còn khá yếu.
Có lẽ vì như bà có nhắc đến trên sân khấu của buổi tiệc môt câu trong bài Diễm Xưa của TCS:“ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”!
Tôi nghĩ cho đến khi bước chân đến buổi tiệc Sinh Nhât 80 tuổi của mình hôm đó, Khánh Ly càng nhận ra được tấm chân tình và lòng yêu mến của nhóm người đứng ra tổ chức sinh nhât cho bà, cũng như tình cảm của số người tham dự đông đảo dành cho bà.
Và có lẽ Khánh Ly phải cảm động lắm khi nhìn thấy môt khung cảnh ấm áp từ cổng ngoài cho đến phòng ăn bên trong. Những hình ảnh liên quan đến cuộc đời ca hát của bà được trưng bày một cách mỹ thuật qua óc sáng tạo đầy nghệ thuật, hợp cùng kỹ thuật điện tử. Nhóm tổ chức còn yệu cầu người tham dự mặc áo dài và tôi nhìn thấy khá đông nam nhân thuộc giới trẻ xuất hiện trong áo dài truyền thống Việt Nam, chứ không phải áo dài lai Trung Quốc.
Nhóm bạn trẻ này cũng sắp xếp một chương trình ca nhạc với các ca sĩ trẻ trình bày phần lớn những bản nhạc của TCS và môt vài bài của Trầm Tử Thiêng và Trần Dạ Từ để nhắc đến khả năng trình bày tác phẩm khác của Khánh Ly.
Tuy nhiên theo tôi, Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn hay hơn là hát nhạc của các nhạc sĩ khác vì sống trong từng ý tình của lời nhạc TCS.
Hơn ai hết, TCS đã giúp bà nổi tiếng và được mến mộ qua các tác phẩm âm nhạc đầy chất thơ và ca từ độc đáo của ông. (Cũng như chỉ có Thái Thanh mới có thể hát những tác phẩm của Phạm Duy với tiếng hát vượt thời gian của bà mà thôi).
Nhìn Khánh Ly run run bước ra sân khấu thật là thấy thương cho một kiếp người, nhất là kiếp người của một nghệ sĩ. Bà đã được bằng hữu và những người ái mộ trong khán phòng cùng đứng lên chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội.
“Đời ca sĩ là hát cho người mua vui
Đời son phấn là hết bao ngày thơ ngây
Rồi khi ánh đèn đêm vụt tắt…” (Ánh đèn màu” lời Việt của Phạm Duy)
Và Khánh Ly đã cầm lấy microphone để cố gắng hát một vài câu trong một số bản nhạc của Trịnh Công Sơn mà bà từng hát hàng trăm lần trong các buổi trình diễn suốt hơn 60 năm qua.
Nhìn thấy Khánh Ly, cả một quãng đời kỷ niệm kéo về trong lòng tôi.
Tôi nhớ lại lần đâu tiên tham dự buổi trình diễn nhạc của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở sân trường Đại học Văn Khoa cũ cách đây gần 60 năm, khi 16 tuổi.
Sinh nhật năm đó, tôi mới tậu được cái xe gắn máy Cady nên có thể đi học thêm Pháp văn ở Centre Cuturel Francais, gần nhà thương Grall. Mỗi khi chạy xe ngang qua Phòng Triển Lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ ở góc đường Lê Thánh Tôn và Pasteur, tôi hay ghé vào xem tranh. (Tôi để ý đến hội họa vì có ông anh ruột và ông anh rể là họa sĩ).
Hôi Họa Sĩ Trẻ là nơi anh Trịnh Công Sơn hay ngồi tán gẫu với bạn bè mỗi lần vào Saigon. (Anh TCS tạm trú ở một phòng nơi dãy nhà bỏ trống của trường Đại Học Văn Khoa cũ). Vì vậy một lần kia tôi ghé lại phòng tranh và lần đầu tiên gặp anh TCS ở đó. Biết được tôi cũng là người Huế nên anh TCS ký tặng tập Tình Khúc TCS cúa anh trong đó có bài Tuổi Đá Buồn và nhiều bài nữa mà tôi rất thích. Anh TCS bảo tôi hôm nào T đến Quán Văn nghe anh với Khánh Ly hát nghe.
Hồi đó tôi và bạn bè trung học đã nghe tiếng TCS và giọng hát KL nhưng chưa có dịp tham dự môt buổi hát nào ở quán Văn cả.
Thế rồi trong một buổi chiều cuối tuần ra phố, tôi ghé quán Văn lần đầu tiên để nghe Khánh Ly hát với TCS.
Và dĩ nhiên từ đó càng mê hơn giọng hát trầm, ấm áp và đặc biệt của Khánh Ly. Thích cái vẻ đẹp hay hay, hơi bụi đời của “nữ hoàng đi chân đất”.
Tối hôm đó vì ở lại nghe nhạc về khuya mà không xin phép, tôi bị ba me la cho một trận nên thân. Tuy nhiên, tôi thấy đáng quá vì mình được tham dự một buổi nhạc ngoài trời của TCS và KL, để khoe với bạn bè.
Tôi còn có một kỷ niệm dễ thương nữa với Khánh Lý vào năm 20 tuổi.
Hôm đó, tôi với cô bạn gái thân tên KN (học Nguyên Bá Tòng và đã mất năm 23 tuổi), và hai tên bạn trai là VQH va LVQ (bạn Hướng Đạo) mua 20 cái bánh mini patechaud ở quán bánh Bưu Điện Saigon, rồi ghé đến Quán Tre của Khánh Ly để uống cà phê và mừng Sinh nhât 20 tuổi của tôi.
Bốn đứa vừa thắp đèn cầy lên định thổi thì Khánh Ly cầm một cái hoa hồng đi đến bàn và hỏi Sinh Nhât của ai, rồi bà tặng người có SN hôm đó là tôi, cái hoa hồng đỏ thắm.
(Tôi mới hỏi lại chi tiết với anh bạn VQH về chuyện này thì anh ta kể thêm là hôm đó tụi tôi còn được KL mời ở lại dùng cơm với gia đình của bà vì cũng là Sinh Nhât Bà Mẹ của KL.)
KL còn cho biết bữa ăn còn để mừng việc KL thoát chết sau vụ nổ tại nhà hàng Bồng Lai hay Văn Cảnh gì đó.
Ca sĩ Khánh Ly ngoài tài hát hay còn có tính chịu chơi và dễ thương như vậy đó cho nên bà được nhiều người yêu mến vì cá tính đó chăng?
“Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi” TCS (Như môt lời chia tay)
Là một người yêu thích tiếng hát Khánh Ly, xin mến chúc bà chóng khỏe để còn tiếp tực ăn mừng Sinh Nhât thứ 85 hay 90.
Yến Tuyết
- Từ khóa :
- Khánh Ly khanhly khanh ly #khànhly