Nhìn lui lại kỷ niệm. Khánh Ly với nụ cười đồng cảm những lời văn vẻ tôi đang chia sẻ với 800 khán giả những tâm sự của Trịnh Công Sơn qua những ca từ mà Khánh Ly đã chọn để gửi đến người nghe trong chương trình nhạc “Khánh Ly và Từ Công Phụng” do Việt Art Production tổ chức ngày 6 tháng 3 năm 2011. Phần một, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và Phần hai, Từ Công Phụng hát nhạc của ông. Hai nhạc sĩ cùng với Vũ Thành An, Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên tạo ra một chân trời âm nhạc mới cho những thế hệ trẻ trong thập niên 1960-1975 và kéo dài sang hải ngoại.
“Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…” Không phải con ma, cũng không phải thiên thần, con tinh là một con vật thần thoại, có hành vi kỳ quặc. Đôi khi hung dữ, biến bộ mặt ghê gớm, Đôi khi diệu hiền, chân dung hình dạng dễ thương, gây ra si mê đắm đuối. Đúng là con yêu. Tình yêu có nhiều nhan sắc khác nhau mà những kẻ yêu nhau không mấy ai có thể ngờ trước. Đột nhiên, con tinh đó gọi ai, thì người đó trở thành kẻ mộng du để “Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.” Tôi và Khánh Ly là hai người bạn văn nghệ, yêu âm nhạc, yêu cuộc sống thăng trầm khi cưỡi lên những ca từ thâm thúy bay cao. Nhưng mỗi người bị thổi bởi ngọn gió hoang vu khác nhau.
Chiều Chủ Nhật đó, chúng tôi hẹn nhau trên sân khấu của hí trường đại học Houston, một chương trình nhạc với dương cầm, vỹ cầm, guitar phối khí với ban nhạc the Beat.
Một người bạn chương trình đẩy chiếc bàn có bánh xe lăn ra giữa sân khấu. Trên bàn có chiếc bánh ba tầng, nhưng là bánh giả, một hộp giấy được trang điểm kem và hoa.


Tôi nói: “Thưa quí khán giả, chương trình nhạc hôm nay đặc biệt với hai tiếng hát đã gắn bó với chúng ta từ Việt Nam qua đến Houston, nhưng còn đặc biệt hơn nữa, có thể nói là có một không hai, hôm nay là ngày sinh nhật thứ 66 của ca sĩ Khánh Ly…” Ôi trời, tiếng vỗ tay, reo hò, huýt sáo vang ra tận ngoài sân trường đại học. Hôm sau, vị giáo sư quản lý hành chánh hỏi tôi, “Chắc phải có chuyện gì vui lắm, các bạn đã làm kinh động toàn thể đám chìm rừng đang trú ngụ trên những tàng cây xung quanh sân trường trong mùa nắng ấm. Chúng nó bay lên ào ạt náo loạn rồi đậu xuống bên kia khu nhà thờ.” Tôi liên tưởng đến một thời đàn chim bỏ tổ ào ạt ra khơi, náo loạn cả chân trời, rồi một số chim đã đậu xuống Houston, đậu vào buổi nhạc, thời đó hiếm hoi, những buổi nhạc nghệ thuật, không thương mại. Dù bán hết 800 vé, ban tổ chức vẫn lỗ 2000.
Nhưng vui, nhưng hay, nhưng nhớ mãi khó quên. Tôi nói: “Chúng tôi muốn cảm ơn Khánh Ly đã nhận lời đi xa trình diễn trong ngày sinh nhật. (Thay vì ở nhà để ngọn gió hoang vu quấn quít.) Ban tổ chức đã suy nghĩ cả tháng để tìm một món quà xứng đáng, phù hợp với tiếng hát ‘làm băn khoăn người nghe’”. Một món quà ý nghĩa? Một món quà “Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” Một món quà để nhớ nhau trong những tháng ngày buồn vui còn lại.
“Khánh Ly đoán thử là món quà gì?”
Khánh Ly đã quá rành cách tổ chức nhạc của mấy anh bạn nghệ sĩ chơi bất cần thân thể này, luôn có chuyện gì mới lạ xảy ra trên sân khấu, đôi khi dưới sân khấu, bất ngờ, khán giả yêu thích và nhớ hoài, nhắc hoài mỗi khi có dịp gặp nhau.
Nàng cười nhẹ. Nhìn vào hộp bánh. Suy nghĩ. Lanh như sóc, đưa tay ra muốn chạm vào hộp bánh hoặc muốn gõ vào nắp hộp. Ôi, không được vì có tiếng động món quà sẽ sống lại nhảy múa. Tôi vội vàng đưa tay, nhanh như sóc, cầm lấy tay nàng. Ôi, khán giả lại reo hò vì họ cho rằng “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi,” nhưng không phải, “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn, để sớm mai đây lại tiếc xuân thì…”


Nhìn tấm hình, bạn có tin Khánh Ly 66 tuổi không? Tôi không tin. Nàng ấy dường như còn trẻ hơn tôi, buổi chiều hôm đó, tôi đang độ 60. Sinh nhật đó, dường như nàng nhiều lắm là 50. Bạn biết không, tôi ít tin vào con số, nghệ sĩ tin vào tưởng tượng. Những con số toán học và khoa học chỉ làm buồn cuộc đời. Chỉ có tưởng tượng mới có thể bật ra “Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại…” Nghe chưa? Con số là thứ tầm thường. Chiều đó, không chừng Khánh Ly còn trẻ hơn tôi nghĩ.
Khánh Ly hát hay, ai cũng biết và ai cũng biết Khánh Ly có tài nói. Chiều hôm đó, chúng tôi thay phiên nhau gửi đến khán giả những trận cười hơn mười thang thuốc bổ, tổng cộng có thể lên đến cả ngàn thang.


-“Nào, Khánh Ly tôi cho cô vài thông tin về món quà, để thử thể đoán ra không?”
Dĩ nhiên, khán giả còn đoán dữ dội hơn cả Khánh Ly. “Điều quí nhất trong đời sống là thời gian. Hầu hết mọi thứ mất đi đều có thể thay thế, nhưng thời gian mất đi là biền biệt. Món quà này dính líu đến thời gian.”
Ôi, khán giả la to, nhiều câu trả lời. Khánh Ly khôn ngoan , lắng nghe.
-“Món quà này sẽ nhắc cô nhớ hoài mỗi khi cô nhìn lên bầu trời mà lòng hoang mang một chút, “Lại thấy trong ta hiện bóng con người.” Khán giả cùng phe với Khánh Ly, họ cùng reo lên: “mở quà, mở quà, mở quà…”
Thôi thì đã đến lúc, không thể kéo dài sự hồi hộp, kẻo lòng tò mò nổi giận vì đợi chờ. Con tinh yêu thương sẽ đổi mặt hung dữ. Tôi cùng khánh Ly mở nắp hộp. Ôi, ôi…


“Như là chim xa đàn
Giấu nỗi buồn trong cánh
Hẹn hò với giấc mơ… (Cánh Chim Cô Đơn.TCS.)
Một con chim bầu câu trắng từ trong hộp bay lên. Nghẹt thở. Im lặng. Vui quá. Chưa kịp nghĩ. Khánh Ly rạng rỡ tự nhiên muốn bắt lại con chim, bắt lại thời gian, bắt lại kỷ niệm, đôi tay nàng với lên, cao dần và cánh chim vút đỉnh trần trời xanh. Chim bay xa, để lại trên tay tôi một chiếc lông đuôi, trắng màu những ngày vui qua mau.
Giờ đây, khán giả reo hò hả hê. A, con chim. Món quà biết bay, biết sống, biết lên cao như những niềm hy vọng, như những ước mơ.
Tôi viết bài này khi nghe tin Khánh Ly sắp liên hoan sinh nhật 80 tại quận Cam, vào ngày 6 tháng Ba sắp đến. Mới đó, đã 14 năm. Tôi vẫn còn cảm giác chiếc lông trắng cầm trên tay. Lạ lùng. Một cảm xúc.
Không hiểu cánh chim buổi nhạc đó rồi đã bay về đâu, nhưng chắc rằng mỗi khi nhìn lên trời thấy cánh chim bay, lòng băn khoăn, hẳn nhớ lại một lần vui đã qua với bạn bè nay kẻ mất người già.
Khánh Ly à, chúng ta đã sống khá lâu, vượt tiêu chuẩn trung bình, đã nghe quá nhiều lời chúc, tôi thật không biết chúc nàng điều gì. vậy thì xin chúc nhau còn lại một đời vui. Happy Birthday, my dear friend.
Gửi ý kiến của bạn