Hôm nay,  

Lão Giuốc-Đanh Thời Nay Của Kennedy Center

21/02/202500:00:00(Xem: 2030)

tn-500_kamalaharrisandthecastandcrewofgypsyonbroadway-photobyjennyanderson

Ảnh: Vợ chồng cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ biểu diễn của GYPSY (Ảnh: Twitter Harris Democrat)

 
Cuối tuần qua, ở nhà hát Majestic, New York tràn ngập tiếng vỗ tay khi cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff bước vào. Đoạn video đăng trên broadwayworld và danh khoản Twitter Latina for Kamala cho thấy, vợ chồng cựu phó tổng thống đến thưởng lãm buổi nhạc kịch GYPSY của đạo diễn sáu lần đoạt giải Tony George C. Wolfe. Khi cả hai bước vào, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hô vang “Kamala” cho đến khi dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc mở đầu của GYPSY. Cuối buổi biểu diễn, Harris và Emhoff đứng lên, gửi tràng pháo tay dài cho nghệ sĩ Audra McDonald và các bạn diễn.

Chỉ vài ngày trước đó, bà Deborah Rutter, giám đốc của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy – John F. Kennedy Center for the Performing Arts, thường được gọi là Kennedy Center, bị sa thải. Thay thế bà, không ai khác hơn chính là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump.

Quyết định sa thải diễn ra nhanh chóng trong một cuộc điện thoại, khi bà Deborah Rutter đang họp với đội ngũ nhân viên dưới tầng hầm của Kennedy Center. Trước đó, Trump đã sa thải hàng loạt thành viên hội đồng quản trị để đưa vào những đồng minh của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư Pháp Pam Bondi, Đệ Nhị Phu Nhân Usha Vance, cựu Bộ trưởng Giao Thông Elaine Chao. Hội đồng quản trị mới đã không chần chừ, bầu tổng thống lên làm chủ tịch của Kennedy Center – điều chưa từng có tiền lệ.

Kennedy Center là “cái nôi nghệ thuật” của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được biết đến như một đài tưởng niệm sống động dành cho cố Tổng thống John F. Kennedy, người đã thúc đẩy nghệ thuật như một phần quan trọng của bản sắc Mỹ. Với khán phòng Opera House; Concert Hall, Eisenhower Theater, Terrace Theater, Family Theater, và Millennium Stage, The REACH, mỗi một nhà hát dùng để biểu diễn một thể loại nghệ thuật khác nhau, từ nhạc thính phòng, nhạc kịch, cho đến các buổi diễn tập cho mục đích giáo dục.

Đối với bà Deborah Rutter, Kennedy Center là “ngọn hải đăng cho nghệ thuật trên khắp nước Mỹ.” Bà nói với NPR: “Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, đạt được rất nhiều thành tựu trong thập kỷ qua để thực sự mở rộng nhiều chương trình, mời gọi các loại hình nghệ thuật và nghệ sĩ đến với sân khấu của chúng tôi. Khán giả đến với Kennedy Center ngày càng nhiều là nhờ như thế. Tôi cầu nguyện cho điều đó có thể được duy trì. Nhưng đó lại chính là mối quan tâm lớn nhất của tôi.”

Không quan tâm sao được, khi tân chủ tịch của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy, người kinh doanh bất động sản và sòng bài, tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nói với truyền thông trên chuyên cơ Air Force One ngày ông ta đến New Orleans xem Super Bowl LIX: “Tôi có thông tin báo lại rằng (Kennedy Center) rất tệ.” Chính vì vậy nên, “Không. Tôi đã không muốn đến đó xem. Chẳng có gì để tôi phải xem.” Đó là câu trả lời cho câu hỏi của một phóng viên, “tổng thống đã xem bất kỳ buổi biểu diễn nào ở đó chưa?”

Cựu chủ tịch của Kennedy Center là tỷ phú David Rubenstein, do Tổng tống George W. Bush bổ nhiệm năm 2004. Ông là một nhà từ thiện nổi tiếng trong việc quyên góp tiền để phục chế các hiện vật của lịch sử Hoa Kỳ, đóng góp cho Viện Smithsonian. Ông cũng là chủ tịch của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia. Chính tỷ phú Rubenstein là người đã phỏng vấn Donald Trump năm 2014 tại Economic Club of Washington, chỉ sáu tháng trước khi Trump mở đầu chiến dịch tranh cử, làm ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Trong buổi phỏng vấn đó, Trump đã khẳng định “rất nghiêm túc trong ý định tranh cử 2016.”

Không ai không biết, trước khi Donald Trump bước vào con đường chính trị ngày nay thì ông ta đã dùng ngành công nghiệp giải trí để đầu tư sự nghiệp trong nhiều thập kỷ, bao gồm nhiều vai trò khác nhau. Từ talk-show, khách mời trong phim ảnh, các giải đấu vật, cho đến nhà sản xuất chương trình. Vai trò đa diện của Donald Trump trong các lĩnh vực đó không có gì khác hơn là thu về lợi nhuận. Thực tế là Donald Trump cũng từng thành công. Cùng với gia sản $413 triệu đô-la thừa hưởng từ người cha quá cố, Trump nghiễm nhiên là một quý tộc giàu có, được thế giới biết đến là tỷ phú Donald Trump. Dinh thự Mar-a-lago của Trump dát vàng khắp nơi, từ sảnh lễ tân cho đến phòng ngủ.

Thực tế là Donald Trump sống đời quý tộc. Không như lão Giuốc-Đanh (Monsieur Jourdain) của đại văn hào Pháp Jean-Baptiste Poquelin, nhờ tài sản cha mẹ để lại mà trở nên giàu có. Khao khát muốn trở thành nhà quý tộc, lão kiếm hai tên hầu nhưng chẳng biết sai bảo chúng làm gì. Lão mời thầy về dạy nhạc, dạy múa. Để ra dáng nhà quý phái, lão phải mặc bộ áo dài để nghe nhạc. Hàng tuần Giuốc-Đanh đều tổ chức một buổi hòa nhạc tại nhà vì lão được biết những người sang trọng đều làm như vậy. Bác phó may mang tới cho Giuốc-Đanh bộ lễ phục may hoa ngược, khiến lão tức giận. Nhưng khi nghe giải thích rằng quý tộc đều mặc như vậy, lão tỏ vẻ rất hài lòng. Giuốc-Đanh cùng bộ quần áo mới với đám quân hầu của mình. Bà vợ ngạc nhiên trước những trò hề của chồng, tìm mọi cách can ngăn nhưng đều vô ích.

Rõ ràng mười mươi lão Giuốc-Đanh là “quý tộc giả,” còn Donald Trump là “quý tộc thật” – nếu hiểu theo nghĩa đen. Donald Trump cũng là người “yêu ánh đèn sân khấu” – nhưng chỉ là ánh đèn phản chiếu soi rọi chính gương mặt của mình.

Nguồn gốc của nghệ thuật có từ hàng chục ngàn năm trước, như một cách căn bản để con người thể hiện bản thân, giao tiếp và hiểu được thế giới. Nghệ thuật đã phát triển qua các nền văn hóa và khoảng thời gian, qua nhiều hình thức, thể loại. Lĩnh hội nghệ thuật, đòi hỏi không chỉ trái tim, mà còn ở tri thức. Trái tim cho sự đồng cảm. Tri thức cho sự nhận xét. Cả hai đều không tìm thấy ở Donald Trump.

Jonathan Guthrie của Financial Times mô tả ông ta là một “ám ảnh ái kỷ,” một dạng người quá yêu mình rồi từ đó đánh giá quá cao năng lực của mình, thiếu sự đồng cảm, chối bỏ bằng chứng và đánh đổi rủi ro của người khác. Những đặc điểm này thường dẫn đến các cuộc đàm phán đầy thách thức và coi thường giải pháp hợp tác hòa bình. Dạng người này sẽ không chấp nhận sự khác biệt, mà ngược lại, họ phán xét người khác dựa trên chủ nghĩa cá nhân cực hữu của chính mình. Dạng người này, sẽ ngồi nghe một bản giao hưởng với lon Coke trên tay, hoặc xem một vở nhạc kịch như xem những đồng token nhảy múa, hoặc nhìn chiếc mặt nạ của Phantom Of The Opera như miếng giấy tô màu bị lỗi.

Khi đặt mình vào vị trí chủ tịch của Kennedy Center, Trump tuyên bố nơi này sẽ không còn các chương trình “drag show” hoặc “tuyên truyền chống lại nước Mỹ” nữa, mà “chỉ những thứ tốt nhất.” Đáp lại điều này, cựu giám đốc Deborah Rutter nói với NPR:

“Tôi là một theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi là một người tin tưởng vào tác phẩm của nghệ sĩ. Tôi không phải là người tuyên truyền. Tôi không phải là một chính trị gia. Nghệ thuật tự nói lên điều đó. Nghệ thuật đôi khi không khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhưng nó đang kể câu chuyện về con người chúng ta và tất cả các nghệ sĩ, như tất cả người Mỹ, đều có quyền tự do ngôn luận.”

Theo bà Rutter, rất nhiều người đã đến xem các buổi biểu diễn ở Kennedy Center vì họ được chào đón ở nơi ấy. Bà thật sự lo lắng làm thế nào có thể duy trì những gì trung tâm đã làm để thực sự mở rộng cánh cửa và bảo đảm rằng Kennedy Center không chỉ chào đón tất cả mọi người, mà còn nhìn thấy chính họ, lắng nghe câu chuyện của họ trên sân khấu?

Qua nhiều thập niên, Kennedy Center không chỉ là trung tâm biểu diễn nghệ thuật địa phương nữa. Nó là hình ảnh đại diện cho nước Mỹ với thế giới, mời gọi thế giới đến với thủ đô Hoa Kỳ để nơi này trở thành ngôi nhà cho tất cả các nền nghệ thuật. Nhưng chỉ ngay sau khi Kennedy Center có chủ tịch mới, nghệ sĩ Renée Fleming, người có giọng ‘soprano’ nổi tiếng, đã thông báo cô sẽ từ chức cố vấn nghệ thuật. Diễn viên và đạo diễn Issa Rae cho biết cô sẽ hủy bỏ chương trình “An Evening with Issa Rae” đã bán hết vé ở Kennedy Center trong tháng tới.

Rae viết trong một bài đăng trên Instagram: “Do những gì tôi tin là vi phạm các giá trị của một tổ chức luôn trung thành tôn vinh các nghệ sĩ của mọi loại hình nghệ thuật, tôi đã quyết định hủy bỏ sự tham dự của mình tại địa điểm này.” Rae cho biết người mua vé sẽ được hoàn trả tiền.

Trở lại với New York city, cuối tuần qua, cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris lại có thêm một ngày đắm mình vào khuôn nhạc và chuyển động kỳ diệu của “A Wonderful World: The Louis Armstrong Musical” trên sân khấu Broadway với sự đón tiếp nồng hậu của các nghệ sĩ. Còn tổng thống đương nhiệm Donald Trump thì sao?

Sau cùng thì người ta có thể tống giam người ca sĩ, nhưng không thể giam cầm bài hát*. Trung tâm nghệ thuật quốc gia Kennedy Center có thể tạm thời lọt vào tay buôn, nhưng tinh thần nghệ thuật và những con người thực sự làm nên văn hóa sẽ không bao giờ lẫn lộn bộ trang phục của Giuốc-đanh với giá trị nghệ thuật đích thực.
 
Kalynh Ngô
* "You can cage the singer but not the song." Harry Belafonte
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
Lần đầu tiên tôi có cơ hội được một mình ngồi trò chuyện với cô Khánh Ly là một ngày của Tháng 3 cách đây tròn 15 năm – khi được sếp phân công phỏng vấn viết bài về sự có mặt của cô trong một đêm nhạc mang tên “Du Mục” của nhóm The Friends. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ đó – giữa Khánh Ly – người được xem như một trong những huyền thoại của làng âm nhạc Việt Nam, và tôi – một phóng viên mới bước vào nghiệp cầm bút chưa đầy 2 năm. Nơi cô hẹn tôi là quán phở Nguyễn Huệ của chú Cảnh ‘Vịt’ (chú Cảnh đã bỏ trần gian đi rong chơi ở chốn xa lắc xa lơ nào cũng đã vài năm). Hôm đó, chồng cô, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chở cô tới. Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã hỏi cô nhiều câu – phần lớn chả ăn nhập gì đến chương trình cô sắp tham gia – mà chỉ là những câu hỏi tôi tò mò muốn biết về Khánh Ly – một người được bao người ngưỡng mộ, bao người mơ ước được gặp mặt – lại đang ngồi đối diện tôi, cùng tôi uống cà phê trong quán phở, và làm tôi bị say thuốc lá
Người đàn bà ấy, đứng trên sân khấu với mái tóc buông dài, đôi chân trần và một ánh mắt không có gì ngoài sự thản nhiên. Người ta gọi bà là "nữ hoàng chân đất," nhưng bà không phải là hoàng hậu của bất cứ điều gì ngoài nỗi buồn nhân thế. Đó là sự thản nhiên của một người đã thấy hết những gì cuộc đời có thể mang lại: những đỉnh cao, những vực sâu, những ngày tháng của ánh hào quang và những đêm dài của sự cô đơn tuyệt đối. Nếu có một người nào hát về sự mất mát mà không làm cho nó trở nên ủy mị, nếu có một người nào hát về những điều tan vỡ mà không cần phải gào thét lên, thì đó là Khánh Ly.
Và đêm qua, chân dung ấy đã mang bao tâm hồn, bao thế hệ cùng trở lại bên nhau. Anh biết không, trong khuôn viên rộng lớn của Bowers Museum, em đã nhận ra, và tìm về với bao nhiêu gương mặt thân quen mà đã từ lâu em không gặp. Họ là những tên tuổi lớn của mọi lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc cho đến điện ảnh... Họ là những vị đã bước qua tuổi tám mươi, đến những em nhỏ chưa tròn đôi mươi. Họ là những nhân chứng của cuộc chiến tranh. Như một định mệnh, những tâm hồn ấy lại ngồi bên nhau để cùng nghe tiếng hát vang lên: “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng, Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng” (Trịnh Công Sơn)
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Không hiểu sao, khi những giòng nhạc trong bài Tuổi Đá Buồn của TCS qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly vang lên từ máy phát thanh ở rạp hát của Bowers Museum, lòng tôi bỗng nhiên rưng rưng. Cho dù lúc ấy, nhân vật chính là nữ ca sĩ Khánh Ly chưa xuất hiện trên sân khấu trong buổi tối kỷ niệm Sinh Nhật 80 tuổi của bà hôm thứ sáu tuần trước. Cho dù tôi đã nghe rất nhiều lần tiếng hát Khánh Ly từ lúc rất trẻ khi còn ở trong nước, hay những năm sau này ở Mỹ khi về già. Có lẽ tôi xúc động vì ý nghĩa của buổi tối kỷ niệm ngày sinh nhât của môt người nghệ sĩ đã hơn 60 năm ca hát cho đời và tạo cho mình môt chỗ đứng riêng với giọng hát đặc biệt của mình.
Nhìn lui lại kỷ niệm. Khánh Ly với nụ cười đồng cảm những lời văn vẻ tôi đang chia sẻ với 800 khán giả những tâm sự của Trịnh Công Sơn qua những ca từ mà Khánh Ly đã chọn để gửi đến người nghe trong chương trình nhạc “Khánh Ly và Từ Công Phụng” do Việt Art Production tổ chức ngày 6 tháng 3 năm 2011. Phần một, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và Phần hai, Từ Công Phụng hát nhạc của ông. Hai nhạc sĩ cùng với Vũ Thành An, Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên tạo ra một chân trời âm nhạc mới cho những thế hệ trẻ trong thập niên 1960-1975 và kéo dài sang hải ngoại.
Năm 2016, một vụ án xảy ra ở Little Saigon, California, gây chấn động cộng đồng hải ngoại, các hãng thông tấn cũng như báo chí truyền thông địa phương. Bảy năm sau, tình tiết và những nhân vật trong câu chuyện ly kỳ về ông Mã Long, tài xết taxi, bị ba tù vượt ngục bắt cóc, bước lên bục vinh quang ở Sudance Film Festival, dành hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất của phim The Accidental Getaway Driver – Tài Xế Đêm. Hai năm sau nữa, vào ngày 27/2/2025, cuốn phim sẽ chính thức được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.