Hôm nay,  

Kiên Giang, Dấu Ấn Của Dòng Thơ Nam Bộ

03/11/202402:27:00(Xem: 830)
Kiên Giang và nhạc phẩm
Thi sĩ Kiên Giang & nhạc phẩm Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhạc sĩ Huỳnh Anh


Trần Hoàng Vy

( Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Thi sĩ Kiên Giang: 31/10/2014- 31/10/2024)


Nhận xét về bài thơ “Vết Xe Trâu” của nhà thơ Kiên Giang, nghệ sĩ Viễn Châu đã viết: “Tuổi thơ của Kiên Giang gắn liền với đồng áng, với giếng nước, bờ tre, ruộng lúa nên vết xe trâu chính là những lát cắt thân phận đậm chất nhà quê đi vào thơ ca, sân khấu bằng ngòi bút mẫn cảm của ông. Và trên hết, bàng bạc trong tác phẩm của ông là thân phận con người, tình người, tình yêu quê hương và lòng chung thủy”. Còn nhà văn Sơn Nam, người được mệnh danh là “Ông Già Nam Bộ” đã nhận xét về người bạn đồng hương của mình là: Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi... Kiên Giang đã để lại cho đời những  câu thơ tuyệt vời mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là... ca dao Nam Bộ”


Thật vậy, nhà thơ Kiên Giang nổi tiếng trên thi đàn miền Nam từ những năm 1955, 1956 với bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” (được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc rất nổi tiếng) đã ăn sâu vào tiềm thức hầu hết những người yêu thơ ở miền Nam thời bấy giờ. Bài thơ với giai thoại về người bạn nữ sinh xinh đẹp tại ngôi trường Trung học tư thục Nam Hưng ở Cần Thơ (năm 1944), mà sau này gần cuối đời thi sĩ mới thổ lộ... Đó là một bài thơ rất mộc mạc, giản dị nhưng cũng hết sức diễm tình theo nhiều nhà phê bình đã nhận định. Song dấu ấn suốt một đời thơ của ông lại chính là những câu chữ “rặt ròng” Nam bộ, mà nhà văn Sơn Nam gọi là “chân quê Nam Bộ”. Sơn Nam còn kể thi sĩ Kiên Giang với thi sĩ Nguyễn Bính là anh em kết nghĩa, cao hơn là tình thầy trò. Do vậy, có lúc người ta lầm tưởng bài thơ “Tiền Và Lá” của Kiên Giang là Nguyễn Bính; nhưng thơ của Nguyễn Bính là “chân quê Bắc bộ”, còn Kiên Giang là “chân quê Nam bộ”. Vì chỉ có trong thơ Kiên Giang mới có những phương ngữ, khẩu ngữ của những người đi khai khẩn ở miền đất phương Nam, dọc ngang sông rạch...


Cũng trong bài thơ nói trên, câu chữ, hình ảnh rất Nam Bộ đã đi vào lòng người của thuở đó: “ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ngự trên trời...”, mà trong cuộc sống đời thường nó đã trở thành câu nói đầu môi của bất kỳ chàng trai miền Nam nào không có đạo nhưng lỡ yêu người con gái là tín đồ của Chúa. Và tôi dám khẳng định là đến bây giờ vẫn còn nhiều người dùng câu thơ này khi đã “trót yêu”. Hay câu thơ “ Thuở ấy anh hiền và nhát quá”, lời giải bày rất chân thật, vụng về nhưng lại rất dễ thương, cũng được nhiều người yêu nhau lặp lại. Trong bài còn có câu thơ “ Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông...”. Cái từ “ghiền” người Bắc gọi là “nghiện” lại rất dân dã, bình dị, và trong thơ miền Nam, chỉ có mình nhà thơ Kiên Giang dám sử dụng, và sử dụng rất thành công. Cũng giống như từ “ tóc để gáo dừa” ( có bản in “Miểng vùa”) trong bài thơ “Tiền Và Lá”: “ Ngày thơ tóc để gáo dừa”, cũng là từ đặc trưng miền Nam, để chỉ cách hớt tóc của con nít ngày trước. Kiên Giang là người duy nhất sử dụng từ đặc sắc và hình tượng này!


Thi sĩ Kiên Giang còn được biết đến là một soạn giả cải lương tài năng, được xem là bậc thầy của những soạn giả cải lương nổi tiếng ở miền Nam như Hà Triều và Hoa Phượng, với bút danh Hà Huy Hà. Những vở cải lương nổi tiếng là “Áo Cưới Trước Cổng Chùa”, “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới”, “Sơn Nữ Phà Ca”... Chính vở cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” đã đưa tên tuổi Thanh Nga trở nên một cô đào lừng danh với giải “Thanh Tâm” lúc bấy giờ.


Điều đặc biệt là trong những vở cải lương, ngòi bút của Kiên Giang- Hà Huy Hà luôn chỉnh chu, trau chuốt cho ca từ đẹp hơn, sâu sắc hơn. Ngược lại trong thơ thì ngôn ngữ lại chân quê, giản dị, gần với đời thường của những con người nghèo khổ, lam lũ ở vùng quê Nam Bộ, để lại nhiều dấu ấn cho người yêu thơ với những mỹ cảm về những vùng quê yêu dấu của mình.


Hãy thử đọc lại và chia sẻ những câu thơ ông viết: “Không kê giấy chặm em vô ý/ Để giấy tay lem vở học trò” (Đồng Xu Giấy Chặm), “ Phạt anh ngâm nước vô lu/ Bẻ tàu chuối hột che dù cho em” ( Ngựa Trúc). Những từ “giấy chặm, tay lem vở, ngâm nước vô lu, bẻ tàu chuối hột...” là cửa miệng của người Nam. Còn “rặt ròng” hơn nữa là: “ Con chờ xe lửa kéo còi/ Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi” ( Trái Gùi Bến Cát), “ Tuổi thơ tóc để gáo dừa/ Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cầu ông” (Tiền Và Lá), “Thuở con còn khóc tiếng tu oa/ Nằm bên gối mẹ trong mùng vá...” (Ngủ Bên Chân Mẹ), “Khỉ hết chuyền cành bần hái trái/ ... Ngày thơ xé mắm ăn bần chín/ Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng” ( Chậu Nhỏ Đựng Đầy Hồn Cố Thổ). Ở những câu thơ này ta thấy các phương ngữ như “ lấy gùi ăn chơi”, hay hình ảnh “tóc gáo dừa” “ đeo bùa cầu ông”, tức là tóc chừa một vá, như cái “sọ dừa”. Hay lấy chỉ màu, cuốn và thắt thành dây, để thầy chùa, hay thầy pháp, đọc kinh, vô bùa cho con nít đeo khỏi sợ ma quỷ, là niềm tin của những bà mẹ ở thôn quê miền Nam. Hay “Khóc tiếng tu oa, nằm mùng vá”, tiếng người miền Nam để diễn tả con nít khóc, mùng (màn) rách, vá của người nghèo. “Xé mắm ăn bần chín, chở khẳm xuồng” là hình ảnh và sinh hoạt của người Nam...


Những câu thơ mà Sơn Nam nói như ca dao là: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”; “Ong bầu đậu đọt mù u/Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”; “Ngày mai đám cưới người ta/Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”


Đã có một thời gian ở miền Nam, dấu ấn và phong cách thơ của nhà thơ Kiên Giang ảnh hưởng nhiều đến các tác giả trẻ miền Nam như Nguyệt Lãng. Diệp Hồng Phương, Sa Mạc Linh, Mặc Tuyền… Thơ của ông được đăng trên trang thơ của báo Tia Sáng, “Lều Thơ” của báo Điện Tín, và diễn ngâm trên chương trình Thi văn Mây Tần do chính ông phụ trách


Tiếc là cho đến nay, dấu ấn, và dòng thơ “Chân quê Nam bộ” với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, mang nét riêng của phương ngữ miền Nam dần dần phai nhạt, ít thấy xuất hiện trong các nhà thơ trẻ miền Nam. Nhiều người tiếc nuối về một phong cách thơ mộc mạc, trữ tình độc đáo của người phương Nam lớp trước...

 

Xin được giới thiệu bài thơ “Chậu Nhỏ Đựng Đầy Hồn Cố Thổ” mang phong cách Nam Bộ và rất riêng của thi sĩ Kiên Giang, một người con mang nặng tình yêu với quê hương cố thổ...

 

CHẬU NHỎ ĐỰNG ĐẦY HỒN CỐ THỔ

*Kỷ niệm một chuyến trở về thăm làng cũ
(Đông Yên, U Minh Thượng)

Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ
Đầu bạc mới tìm về cố hương
Quên mất Vàm ngoài sông Cái nước
Không nghe gà gáy giữa canh sương

Khỉ hết chuyền cành bần hái trái
Bông không còn rụng thả trôi sông
Ngày thơ xé mắm ăn bần chín
Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng

Cây cầu dừa bắc ngang đường lở
Trẻ quậy bùn sôi bến tắm mưa
Nay đã xây cầu, hai mố đúc
Mình quên là phải cái cầu xưa

Kìa sân phơi lúa thời thơ dại
Con nít đá banh gọt bặp dừa
Ai đá thua khum lưng, cõng bạn
Bây giờ lập miếu nhớ người xưa

Đã cất lâu ngôi trường lợp ngói
Trống da trâu đánh buổi đông trường
Thầy cô ở huyện vô đây dạy
Cha mẹ học trò đều mến thương

Thằng bạn cái thời tuổi tắm mưa
Dắt mình tìm lại đất nền xưa
Vẫn còn nguyên vẹn, không ai chiếm
Tràm mọc đầy sân, mặc gió lùa

Ở chợ, người giàu giành hết đất
Không nhà, tới chết vẫn long đong
Sao chưa trở lại U Minh Thượng
Hai đứa già ôm tuổi tắm mưa

Nắm chặt tay sần người bạn cũ
Gượng cười, đứng ngắm cánh diều bay
Còn mang nặng nợ văn chương đó
Khó trở về quê lúc trắng tay


Đứng giữa nền xưa sao muốn khóc
Hàng ba giăng võng, mẹ ru con
Sáu năm hồn mẹ vào thiên cổ
Tiếng võng nhà bên gợi nỗi buồn

Vẫn tiếng cu gù thời trẻ dại
Còn nghe gió hát lộng chồm tre
Bến sông lở đất khơi dòng chảy
Đông xóm xanh làng mát bóng quê

Móc đất giữa nền nhà bỏ trống
Đựng đầy chiếc giỏ cuối đời người
Đem hồn quê gởi nơi thành thị
Giữ lấy cố hương giữa chợ đời

Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ
Tiếng gà rừng gáy thuở khai hoang
Ngỡ sông quê chảy vờn hương khói
Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một tác phẩm Nghệ thuật Khái niệm gồm một quả chuối đơn giản, được dán bằng băng keo lên tường, đã được bán với giá 6,2 triệu đô-la tại một cuộc đấu giá ở New York vào thứ Tư, 20 tháng 11 năm 2024. Sự kiện này đã gây xôn xao không ít chẳng những trong thế giới nghệ thuật mà cả dư luận công chúng bên ngoài. Tác phẩm với nhan đề Comedian/ Diễn viên hài, của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan, đã trở thành một hiện tượng khi ra mắt vào năm 2019 tại Art Basel Miami Beach. Những người tham dự lễ hội nghệ thuật này cố gắng tìm hiểu xem liệu một quả chuối màu vàng đã chín có những đốm đen được dán trên bức tường trắng bằng băng keo bạc loại dán thùng gửi hàng là một trò đùa hay là lời bình luận đầy thách thức láo xược về các tiêu chuẩn đáng ngờ trong giới sưu tập nghệ thuật. Có lúc, một nghệ sĩ khác đã lấy quả chuối ra khỏi bức tường và điềm nhiên bóc vỏ ra ăn. Tác phẩm này thu hút quá nhiều sự chú ý đến mức ban tổ chức phải lấy nó xuống cất đi.
Ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ (Thanksgiving Day, ngày Thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm) được cho là khởi đầu vào năm 1621 khi những người di cư đầu tiên từ Anh Quốc đến Bắc Mỹ tạ ơn và ăn mừng với người Mỹ Da Đỏ bản xứ về một vụ mùa màng được thu hoạch khấm khá. Đây cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này. Trong bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên viết khi ra tù cộng sản sau cuộc đổi đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, có câu thơ mà tôi rất thích: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.” Hoa nở rồi hoa tàn là chuyện rất bình thường theo luật tắc sinh trụ hoại diệt của vạn vật, như nhà Phật đã nói. Hoa có biết nó nở vì ai không? Làm sao chúng ta biết được hoa nở là vì chúng ta? Nhưng nếu không có hoa nở thì làm sao nhà thơ họ Tô kia có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên! Vì vậy mà khi nhìn đóa hoa nở nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói lời cảm ơn vì cảm nhận rằng hoa đã vì ông nở.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
VFF đang cùng cộng đồng hướng đến một sự kiện trọng đại: kỷ niệm 50 năm tị nạn kể từ biến cố 30-04-1975. Không phải tình cờ khi nhiều phim đoạt giải năm nay có chủ đề liên quan đến sự hòa giải giữa các thế hệ sau nửa thế kỷ ly hương.
Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.