Hôm nay,  

Nguồn Gốc Từ “Nhạc Sến”

15/05/202306:34:00(Xem: 4103)

nhạc sến
Ngày nay tôi vẫn thấy nhiều người thắc mắc nguồn gốc từ “sến” hoặc “nhạc sến”. Thỉnh thoảng cũng thấy vài bài trên Internet có một số cách giải thích khác nhau, và mỗi tác giả nào đều có cái lý của họ.

Trong một lần ngồi nói chuyện với ba tôi, tôi cũng đưa thắc mắc nguồn gốc chữ “sến”. Ba tôi là người Phước Lý-Long An, lên học và sinh sống ở Saigon từ nhỏ. Ông có đưa ra lời giải thích khá hợp lý về nguồn gốc của chữ “sến,” mà cho tới giờ tôi chưa thấy lời giải thích nào tương tự như vậy trên Internet. Lời giải thích này cũng khá thuyết phục, nên tôi chia sẻ với bạn đọc, xem như thêm một nguồn tham khảo.  Ba tôi chỉ giải thích ngắn gọn thông qua sự biến thể của các từ ngữ liên quan, lồng trong bối cảnh Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước. Tôi ghi lại bằng lối hành văn viết của chính mình, nên chắc chắn có vài chi tiết chủ quan.

=========================

Từ “sến” nguyên thủy xuất phát với ý nghĩa kỳ thị, đố kỵ, trêu chọc đối với một thành phần trong xã hội thời Pháp thuộc, và kéo dài cho tới ngày nay.  Thời đó, trong một xã hội mới thoát ra từ chế độ phong kiến, có một tầng lớp con người thường bị xã hội xem thường, khinh miệt. Đó là các cô gái nhảy, các cô gái làm trong các bar rượu chuyên phục vụ cho những người lính, quan chức Tây.  Họ thường xuất thân từ nhà nghèo, hầu hết là thành phần ít học, đến từ tỉnh lẻ lên Saigon hoặc các thành phố lớn để kiếm sống, và vì lý do nào đó trở thành “chị em ta” chuyên phục vụ khách làng chơi Tây. 

Để tiện việc giao dịch làm ăn, các “chị em” thông thường thích lấy tên Tây, nhưng phải dễ phát âm để tiện giao tiếp với khách hàng phần đông là dân Tây. Một trong các tên thông dụng mà các “chị em” hay lấy nhất là “Marie,” vì dễ phát âm đối với trình độ học vấn của họ. Trong tiếng Pháp, có tiếp vĩ ngữ (suffix) “-ien” (giống đực) hay “-ienne” (giống cái,) đi phiá sau danh từ thì có nghĩa là “người” hoặc thuộc về một dân tộc/thành phố , giống như  “ -ian” trong Canadian, Californian, ... của tiếng Anh vậy. Thí dụ như Parisien/Parisienne là người dân thành phố Paris. Từ cấu trúc từ ngữ tiếng Pháp đó, người dân thành thị thời đó cố tình muốn châm chọc, ám chỉ khinh miệt, gọi các cô gái này là “Marisienne.” Thí dụ như “con nhỏ đó là dân marisienne đó nha!” 

Nhưng đâu phải ai cũng phát âm tiếng Pháp chuẩn xác. Có nhiều người phát âm sai, có thể ban đầu là ma-ri-zien (marisienne), sau thành mari-sen, và từ từ lâu ngày cuối cùng biến thành dị bản “Ma-ri-sến.” Chắc rằng những người ở miền Nam trước 1975 đều từng nghe qua từ này.  Vì vậy, từ “sến” được trích tự từ Marisienne, hay Mari sến.

 

Trở lại với âm nhạc, vậy từ “nhạc sến” từ đâu mà có? Các “chị em ta” thời đó (bây giờ cũng vậy thôi), bận tiếp khách thì thôi, còn ế khách thì ngồi chò hỏ trong các bar rượu hoặc nhà thổ. Và trong thời gian chờ khách đến, mấy “em” bắt đầu ... “rên” những bài nhạc mình ưa thích.  Mà chắc rằng các “em” không ca “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Cung Đàn Xưa”, hay “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay” ... rồi! Vì lời nhạc của những bài đó thật mơ hồ khó hiểu đối với họ, chỉ làm họ thêm nhức đầu. Những bài nhạc bình dân đại chúng, ngôn từ dễ hiểu, nhất là những bài hợp với hoàn cảnh của “chị em ta” thường được ca nhiều nhất. Những bài hát này viết đơn giản về từ ngữ lẫn âm nhạc, vì vậy các cô cảm nhận và hát một cách dễ dàng. Tội nghiệp cho điệu Boléro và Habanera! 90% những bài hát mấy cô thường hát thuộc 2 thể điệu này, và thế là bị chết tên thành “nhạc sến,” ám chỉ nhạc dành cho tầng lớp “ma-ri-sến” hát đó mà! 



Ngày nay, “nhạc sến” vẫn còn chút ít nghĩa kỳ thị, nhưng đã nhẹ hơn nhiều so với ngày xưa. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn dị ứng, thậm chí bị "kích động" khi người ta nói mình hát “nhạc sến.” Cách đây khá lâu, khoảng thập niên 90, trong một chương trình "phỏng vấn nghệ sĩ" của đài Litle Saigon Radio, nhạc sĩ Việt Dũng hỏi ca sĩ Duy Khánh: "Anh nghĩ sao khi người ta cho anh là ca sĩ của dòng nhạc sến?" Ca sĩ Duy Khánh lúc đó như quên mất mình đang “on-air,” nổi giận đùng đùng: " Âm nhạc là âm nhạc, làm gì có sến với sang ? Tui xin ai đó nói câu đó giải thích cho tui biết thế nào là nhạc sến, thế nào là nhạc sang dùm cái đi?” Thế đó! Một ca sĩ nổi tiếng bị ghép là ca sĩ của dòng “nhạc sến” mà còn nổi cơn tam bành, huống hồ ... 

Trong khoảng thập niên 80, giới văn nghệ hải ngọai cố tình né chữ "sến," đặt cho nó cái tên nghe khá mập mờ: “nhạc quê hương!” Đây là cụm chữ mà nhạc sĩ Trường Kỳ đã chọn, nhưng nghe ra cũng không ổn lắm! Bài hát "Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè," hay "Lý Con Sáo Bạc Liêu" thì nói là “nhạc quê hương” nghe còn có lý.  Chứ "Đời Tôi Cô Đơn", “Đắp Mộ Cuộc Tình” thì quê hương chỗ nào?!  Và hai thể loại nhạc cũng khác hẳn nhau về cấu trúc âm nhạc lẫn ca từ, làm sao mà nhập chung được?


Ngày nay, trong nước Việt Nam, người ta vẫn dùng chữ “nhạc sến” với ý nghĩa  chê bai hay châm chọc. Nhưng trên các chương trình TV ca nhạc,  họ cũng né chữ “sến,” gọi dòng nhạc đó bằng một cái tên “mới” nhưng không mới: “nhạc Bolero.” Cách gọi này cũng không ổn, vì dòng “nhạc sến” không phải bài nào cũng điệu Bolero! Nhưng mà thôi kệ đi, ít nhất nó cũng ít mang ý nghĩa kỳ thị châm chọc hơn từ “nhạc sến,” và khán giả cũng dư sức biết nó là dòng nhạc gì.

Nhưng không phải ai cũng nổi giận đùng đùng như ca sĩ Duy Khánh khi bị nói mình hát “nhạc sến” đâu!  Có lần party ở nhà người bạn, có karaoke. Sau khi tôi hát một bài, có một cô bạn đề nghị: " Anh T. nè, anh với em song ca với anh một bài nha. Em đây là chuyện trị nhạc "sến" nè! Cho em bài Liên Khúc Nghèo đi…"  Cô bạn tôi hãnh diện nhấn mạnh từ "chuyên trị,"  đủ thấy cô hổng có chút tự ái tí nào với dòng nhạc cô ưa thích, thậm chí hảnh diện nữa là khác! Theo yêu cầu của bạn, hai chúng tôi song ca một bài “nhạc sến” thật hồn nhiên…

Hồi tôi vượt biên bị bắt và ở tù ở Cần Thơ gần hai tháng. Tối tối trong tù nghe mấy giọng hát khàn đục của các bạn tù rên "…Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngã xế tà...” (Chuyến Tàu Hoàng Hôn - Minh Kỳ Hoài Linh), nghe thấm tới ruột tới gan luôn!  “Nhạc sến” hát và nghe đúng chỗ, đúng người, đúng hoàn cảnh cũng đi vào lòng người tha thiết lắm!  Lúc ở tù chung với mọi thành phần xã hội, ai mà hát nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến … tui… thưa công an bắt liền à!

Hiện nay, cái gì người Việt mình cũng có thể gắn mác “sến” được hết, chứ không chỉ dùng cho âm nhạc: ăn mặc sến, trang điểm sến, trang trí sến, lãng mạn kiểu sến, đạo diễn dựng phim sến, tỏ tình sao mà sến quá…

Chuyện dài chữ "sến" chưa chấm dứt đâu!!!

 Nguyễn Chánh Trung

Ý kiến bạn đọc
07/08/202321:30:16
Khách
dòng nhạc tình cảm điệu Boléro và Habanera còn sống mãi với thời gian
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chương trình ca nhạc Tình Ca Sau 1975 được thực hiện để góp phần khôi phục lại những hoạt động của sân khấu ca nhạc hải ngoại. Còn người nghe, còn người hát tình ca Việt Nam, thì tiếng Việt còn, và văn hóa Việt Nam ở hải ngoại còn.
Cuộc triển lãm có phần tham dự của hơn 30 họa sĩ và điêu khắc gia Pháp và châu Âu, cùng các nghệ sỹ địa phương tham dự. Các nghệ sĩ đặc biệt được mời tham dự trong kỳ triển lãm này là các họa sỹ Pascal Gauthier và Isabelle Primault chuyên về tranh phấn tiên (pastel) cùng một số họa sỹ, điêu khắc gia thuộc khối "Arts Formes Couleurs" tham dự, với các họa sỹ điêu khắc gia Di Meo, Bachelet, Meskar, Pecot và Phạm Xuân Tích, một họa sỹ thuộc phái ấn tượng, đã từng đoat giải hội họa Prix de Peinture de la Ville du Bourget của Pháp vào năm 2016...
* Nhân dịp Trung Tâm Nghệ Thuật Đương Đại Orange County Center For Contemporary Art mở cuộc triển lãm tranh "The Butterfly Effect" của hai họa sĩ Ann Phong và họa sĩ Beverly Jacobs khai mạc chiều thứ Năm ngày 2 tháng Sáu, lúc 4 PM và triển lãm kéo dài cho đến hết ngày 25 Tháng Sáu, tại OCCCA, (117 N. Sycamore, Santa Ana, CA 92701), Việt Báo trích đăng lại bài thơ "Hiệu Ứng Bươm Bướm" của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp vừa đăng lại trên http://phovanblog.blogspot.com/.
Dĩ nhiên, tôi muốn các bạn phân biệt rõ ràng giữa những hình ảnh khiêu dâm, bày hàng lộ liễu với mục đích kích động và những hình ảnh khỏa thân trình bày nét đẹp về kỳ quan phái nữ. Theo tôi hiểu, không có đàn bà nào tồn tại lâu dài, nhưng vẻ đẹp của thân thể đàn bà tồn tại cho đến khi nhân loại bị tiêu diệt. Và đóng góp hàng đầu trong hành trình lịch sử này chính là những họa sĩ và nhiếp ảnh gia. Kế tiếp mới là thi sĩ và văn sĩ. Tuy nhiên, những câu thơ về đồi núi, thung lũng, đường hầm của thi sĩ Pablo Neruda diễn tả cô tình nhân, có khả năng bám vào trí nhớ, gỡ không ra, thỉnh thoảng lại phất phơ từ ký ức
Nhạc sĩ Thanh Sơn, người được giới âm nhạc ở Việt Nam sau này thường gọi ông là “Ông Hoàng của nhạc quê hương”, nhất là với những ca khúc mang âm hưởng của miền Tây sông nước, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long Nam bộ...
Một buổi nhạc Thiền trang nghiêm, cảm động đã thực hiện hoàn mãn hôm Chủ Nhật 15/5/2022 tại Tu Viện Đại Bi, Garden Grove, California. Nội dung buổi nhạc Thiền là để Tưởng nhớ Thầy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong dịp tròn 100 ngày viên tịch của Thầy. Và cũng trùng hợp: hôm Chủ Nhật cũng là ngày Lễ Phật Đản.
Nhân dịp 30 Tháng Tư, Ngày Chủ Nhật 1 tháng 5, 2022, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã tổ chức một buổi triển lãm tại Bowers Museum ở Quận Cam, California.
Ɲếu em không là người уêu của lính/ Ai đem cánh hoa rừng về tặng em/ Ai băng gió sương cho em đợi chờ/ Và những lúc anh về/ Ai kể chuуện đời lính em nghe...
Bẫy Ngọt Ngào (Naked Truth), tác phẩm điện ảnh cuốn hút, gợi cảm của một nữ đạo diễn đã chinh phục khán giả Việt Nam để lên ngôi quán quân phòng vé Việt Nam năm 2022, đang thu hút sự chú ý của khán giả Hoa Kỳ khi ra rạp vào thứ sáu, 22.04.2022. Dự kiến ​​khởi chiếu tại hơn 50 rạp trên toàn quốc, Bẫy Ngọt Ngào (Naked Truth) đạt kỳ tích đáng nể với số lượng rạp khởi chiếu nhiều nhất tại Hoa Kỳ cho một bộ phim Việt Nam.
Vào đầu thập niên 1970, một tạp chí ở miền Nam Việt Nam (hình như là Thời Nay) có một bài về trứng Phục Sinh kèm theo ảnh của những quả trứng có họa tiết, hoa văn linh động, màu sắc rực rỡ. Những quả trứng này là pysanka (số ít) hay pysanky (số nhiều) có nguồn gốc từ Ukraine. Thật ra có rất nhiều quốc gia Đông Âu, như Ba Lan, Cộng Hòa Czech, và Belarus cũng có nghệ thuật vẽ trứng, nhưng Ukraine được xem là nguồn gốc nghệ thuật pysanky. Ukraine trong hơn trăm năm bị sát nhập vào Nga, không được sử dụng ngôn ngữ Ukraine, bị cấm đàn bandura, bị tàn sát diệt chủng, ngay cả pysanky cũng bị ngăn cấm đến suýt nữa nghệ thuật này cũng biến mất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.