Hôm nay,  

Vở Nevermore của Thắng Đào Đưa “Ngưu Lang Chức Nữ” lên Sân Khấu Ballet Hiện Đại

14/04/202300:00:00(Xem: 2427)

 

Hình 1 Hubbard Street Dancer Elliot Hammans in NEVERMORE by Thang Dao. Photo by Michelle Reid
Vũ công Hubbard Street Dancer Elliot Hammans trong NEVERMORE của Thắng Đào. Ảnh của Michelle Reid.

 

Người Việt quan tâm đến nghệ thuật tại Houston và quận Cam có lẽ đã quen thuộc với cái tên Thắng Đào, nhà biên đạo múa đầu tiên và duy nhất đã đưa dòng nhạc Trịnh Công Sơn - Khánh Ly hát “live” lên sân khấu vũ ballet Hoa Kỳ qua vở ballet Vết Lăn Trầm.
 
Mới đây, khán giả đi xem ballet hiện đại ở Chicago một lần nữa được giới thiệu với văn hóa đông phương khi nhà biên đạo múa gốc Việt lồng vào vở Ballet “Nevermore”* hình ảnh Ngưu Lang Chức Nữ** trên cây cầu Ô Thước.
 
Vũ ballet và Ngưu Lang Chức Nữ? Từ hồi nào vũ ballet lại phản ảnh câu chuyện dân gian Việt? Phải chăng vũ ballet vẫn luôn là một bộ môn nghệ thuật cao kỳ, xa lạ đối với đa số quần chúng, nhất là đối với người Á Châu vốn khó cảm, khó nhận diện được bản thân qua những câu chuyện thuần túy tây phương? Các vũ công ballet hay các “Ballerina” xưa nay vẫn là hình ảnh những cô gái mắt xanh, tóc vàng, được định nghĩa theo một nét đẹp truyền thống nhất định. Có lẽ vì thế mà một người bạn trong nhóm quả quyết: “Điều kiện nhất thiết để thành công là vũ công ballet phải có ngoại hình xinh đẹp.”  Thật sao, cái đẹp, hẳn nhiên, nhưng không nhất thiết là cái đẹp của khuôn khổ ngoại hình mỹ mãn, mà là cái đẹp tỏa sáng vượt trên mọi định nghĩa, định kiến, cái đẹp khiến tâm hồn lay động. Phải chăng đó mới chính là thứ khiến nhóm chúng tôi chín người lặn lội từ quận Cam đến Chicago xem Elements/Nevermore, và đương nhiên, mỗi người mỗi ý, mỗi mong đợi.
 
Elements là một chương trình múa hiện đại do công ty Hubbard Street Dance Chicago (HSDC) thực hiện nhân kỷ niệm mùa biểu diễn thứ 45 của công ty. Chương trình “Elements” gồm có bốn màn: 1. Coltrane’s Favorite Things do Lar Lubovitch biên đạo; 2. Show Pony do Kyle Abraham biên đạo; 3. Nevermore của Thắng Đào, 4. BUSK của Aszure Barton. Đây là bốn tiết mục được chọn và biên soạn từ các tên tuổi tầm vóc trong ngành ballet hiện đại Hoa Kỳ với tiểu sử biên đạo từ các nguồn gốc khác nhau, chẳng hạn như biên đạo múa Lar Lubovitch, từng được đề cử giải Tony®, Emmy® và Grammy®, được New York Times bình chọn là “một trong mười biên đạo múa giỏi nhất thế giới.”  Do đó, tất nhiên cả bốn màn đều được biên soạn ở mức độ nghệ thuật cao, đều có khả năng lôi cuốn, mỗi vũ điệu mỗi dáng vẻ, mỗi câu chuyện riêng, nhưng tất cả đều hướng về chung một điểm -  phản ảnh “cái đẹp”của những khía cạnh không hoàn mỹ trong đời sống.
 
Theo giám đốc nghệ thuật Linda-Denise Fisher-Harrell của Hubbard Street Dance Chicago: “Cái đẹp của nghệ thuật là tìm được sự đồng cảm, một sự đồng cảm truyền cảm hứng tức thì cho bạn, hay những cảm xúc nối kết khiến bạn nhận ra mình trong đó…” Với chúng tôi, trong 4 màn, Nevermore của Thắng Đào đáp ứng mảng này, đem lại nhiều cảm hứng, không chỉ vì mình quen thuộc với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, hay vì yêu thích bài thơ “The Raven/Con Quạ”*** của Edgar Allan Poe, mà ở một khoảnh khắc nào đó, chúng tôi hoàn toàn bị hút hồn. Điều gì đó trong từng vũ điệu, sự diễn đạt qua những chuyển động, biểu cảm khuôn mặt, từng bộ phận thân thể dằn co như thể vừa tách rời vừa dính chặt, những đội hình biến chuyển, những động tác vừa cứng cỏi vừa mềm yếu, mạnh mẽ mà dịu dàng.
 
Vở Nevermore của Thắng Đào là tác phẩm hoàn toàn mới lần đầu tiên được trình diễn, được biên soạn dựa theo bài thơ “The Raven/Con Quạ, một tác phẩm kinh điển của Edgar Allan Poe, thể hiện sự đau khổ và tuyệt vọng của con người trước sự mất mát và cái chết. Cùng lúc, câu chuyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ được lồng vào.

hình 4 Hubbard Street Dancers Jack Henderson and Michele Dooley in NEVERMORE by Thang Dao. Photo by Michelle Reid edited
Vũ công Hubbard Street Dancers Cyrie Topete và Abdiel Figueroa Reyes
trong NEVERMORE của Thắng Đào. Ảnh Michelle Reid
 
Được hỏi về sự kết hợp này, Thắng Đào cho biết: “Tôi muốn sử dụng cơ hội sáng tạo này để tạo một chương trình có liên quan đến chính tôi (một người Mỹ gốc Việt), vì vậy tôi đã tìm hiểu về câu chuyện chiếc cầu Ô Thước, thấy có điểm tương đồng trong hình tượng và ý nghĩa so với tác phẩm “Con Quạ” của Edgar Allan Poe. Khi tôi đọc hai câu chuyện, tôi tưởng tượng hai văn bản này đối thoại với nhau, và cảm hứng sáng tạo đến từ đó.”
  
Anh nói thêm: “Sự kết nối mạch lạc giữa hai câu chuyện Đông và Tây cho thấy những kinh nghiệm của con người dù ở phương trời nào vẫn không riêng biệt mà có tính cách chung và phổ quát.  The Raven vẽ lên trải nghiệm của con người qua mất mát và cái chết trong khi Ngưu Lang Chức Nữ đưa ra nghi thức như một cách để vượt qua sự đau khổ bằng hy vọng và ký ức.”
 
Nevermore được mở màn với khung cảnh một ngày xa xưa trong đêm tối u uẩn, với hình ảnh vũ công Elliot Hammans, mặc quần trắng xếp li và áo sơ mi tay phồng kiểu nhà thơ, đóng vai nhân vật chính, ngồi trên chiếc ghế bành làm bằng các thân thể người, hiện ra ủ rũ trong bóng tối ở cuối sân khấu. Người ta thấy hình ảnh của Hammans từ từ dâng lên, tạo ra một chiếc bóng ma quái lơ lửng trên bức tường sau sân khấu. Từ trong đêm sâu, tiếng gõ bắt đầu, ngày càng dồn dập. Những câu thơ từ bài thơ “Con Quạ” xuất thần vang lên trên không trung, hòa nhịp với những cung bậc, nhạc rất ít, chỉ giữ nhịp tạo không khí huyền ảo. Đoàn vũ công nổi lên dưới hình thể một đàn quạ, trong bộ y phục đen tuyền điểm màu xám bạc trên cổ áo và bộ tất màu đỏ phía dưới. Ngay lập tức, người xem nhận ra tài nghệ của biên đạo của Thắng Đào và khả năng diễn xuất của các vũ công. Ở đây, người xem không chỉ trải nghiệm bằng mắt, bằng tai, mà thấy mình hòa nhập vào câu chuyện. Không còn là múa đẹp hay nhạc hay nữa, mà là sự hòa hợp và thăng hoa của thơ, nhạc, nghệ thuật, giọng kể chuyện, những chuyển động cơ thể, đội hình màu sắc, trang phục, tất cả tạo nên một cảm xúc ấn tượng không thể diễn tả bằng lời mà chỉ người ngồi ngay tại chỗ mới có thể hiểu và cảm.
 
Tuy những con quạ đen đại diện cho những điềm gở, đàn quạ ở đây được đặt vào vị trí trung điểm của câu chuyện, là điểm nối giữa con quạ đen của Allan Poe với đàn quạ trên chiếc cầu Ô Thước.  Thắng Đào đã dành nhiều thời gian và nhiều màn giới thiệu đàn quạ với những vũ điệu bay nhảy, điểm khuyết bởi kỹ thuật sử dụng đầu chuyển động theo nhịp ngắt, và tay vươn dài như những móng chim, tạo nên hình ảnh đàn quạ thật ấn tượng, nhất là khi chúng xoắn nhau xếp đội hình tạo nên chiếc cầu Ô Thước đưa Ngưu Lang Chức Nữ lại gần nhau.

 
Hình 2 Hubbard Street Dancers Cyrie Topete and Abdiel Figueroa Reyes in NEVERMORE by Thang Dao. Photo by Michelle Reid
Vũ công Hubbard Street Dancers Jack Henderson và Michele Dooley trong NEVERMORE của Thắng Đào. Hình Michelle Reid
 

Sự nối kết giữa hai câu chuyện được diễn đạt song song tài tình đến nỗi khi vũ công Jacqueline Burnett xuất hiện trong màu đỏ rực rỡ, người ta không rõ đó là nàng Lenore của Poe hay Chức Nữ của Ngưu Lang. Khi chữ “Nevermore” thốt ra cuối cùng còn âm u vang vọng thì nhạc thay đổi và vũ điệu cũng thay đổi.  Câu chuyện tự lúc nào chuyển sang chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ, và người xem bỗng nhiên nhận ra sự khác biệt giữa một không khí âm u tuyệt vọng bật lên hình ảnh cây cầu Ô Thước nối kết hai người yêu nhau.  Những vũ công đóng vai đàn ô thước trong trang phục nhiều sắc đen và xanh sẫm, với những bàn chân đỏ, bay lên, nối kết nhịp nhàng vào nhau, rồi tách ra, rồi lại xoắn vào nhau, đưa Ngưu Lang trong chiếc áo trắng và Chức Nữ trong chiếc áo đỏ đến với nhau, rồi quyến luyến không rời xa.
 
Điểm đặc biệt ở đây là sự chuyển đổi, đan kết khéo léo từ một thành hai câu chuyện, từ nỗi mất mát đau đớn tuyệt vọng tột cùng đến tình yêu và hy vọng đoàn viên trên chiếc cầu Ô Thước. Văn hóa Đông và Tây bỗng dưng hội nhập. Phải chăng con người dù ở đâu cũng không tránh được nỗi đau và sự mất mát. Tình yêu và khổ đau, hy vọng và tuyệt vọng, cảm xúc của con người là một ngôn ngữ chung - như nghệ thuật, như cái đẹp, thứ lay động tâm hồn, phá vỡ mọi ranh giới.

Hinh 3
Ngưu Lang Chức Nữ trên Cây Cầu Ô Thước. Vũ công Hubbard Elliot Hammans và Jacqueline Burnett
trong vở NEVERMORE của Thắng Đào

Đèn bật sáng, chúng tôi đứng lên, vỗ tay theo cả rạp mà lòng vẫn còn ngẩn ngơ xúc động. Vở Nevermore để lại trong nhóm chúng tôi mỗi người mỗi cảm xúc.
 
Theo Hanni Vũ:  “Đây là một kết hợp kỳ diệu của thơ, nhạc, vũ, âm thanh, ánh sáng. Tiếng nhạc khi thì thầm, khi chát chúa. Ánh sáng khi âm u, khi chói chan. Trong tiếng nhạc, trong lời đọc thơ, trong bóng tối, trong ánh sáng, chuyển động của những vũ công đã tạo thành một trải nghiệm nghệ thuật vừa sâu lắng vừa dữ dội. Tôi sẽ không bao giờ quên được!”

Chị Phương Hà cho biết: "Mình thường không thích xem Ballet cổ điển, nhưng lần này, câu chuyện, âm nhạc, sự diễn tả của các vũ công, ý tứ dàn dựng, tất cả đã khiến mình xúc động. Mình đặc biệt yêu vũ công người Á Châu bé nhỏ đã diễn đạt rất "tới"."
 
Họa sĩ Ann Phong, người không kiềm được xúc động khi nói đến Nevermore cho rằng: “Buổi trình diễn thật sự thu hút khiến tôi “đắm đuối” xem với thật nhiều xúc cảm. Tôi xem xong mà thấy hãnh diện quá! Những người trẻ làm nghệ thuật không ngại bất cứ rào cản nào. Thật mới mẻ, thật táo bạo, mà cũng thật lãng mạn. Hãnh diện nữa vì không chỉ có một tên họ Việt Nam trong danh sách sáng tác, Biên Đạo Múa Thắng Đào, mà còn có nhà thiết kế thời trang Calvin Trần. Tài nghệ của giới trẻ gốc Việt làm nghệ thuật thật lai láng và vượt trội, khiến một người sáng tác như tôi khi xem chương trình cảm giác như được bơi lội thỏa thích trong dòng sông nghệ thuật.
 
Trong đoàn vũ công có em người Á Châu tóc đen da vàng, có em người gốc Phi người nhỏ thó da ngăm đen, các em múa với cả tấm lòng nghệ thuật của mình, đẹp không thua gì mà còn hơn cả các em da trắng người cao ráo mảnh khảnh. Cùng với Thắng Đào, các vũ công đã khiến màn Nevermore trở thành một tuyệt tác. Thật lạ lùng và kỳ diệu, các vũ công lúc nhón gót đi từ từ tạo thành một nhịp cầu nối cho hai nhân vật chính, có lúc cả nhóm cùng chạy, cùng bay cùng xoáy như đang lượn trên mây. 
 
Tôi đặc biệt yêu thích màu sắc trang phục của nhà thiết kế thời trang Calvin Trần. Chỉ một màu xám bạc cho vòng cổ, màu đen cho áo quần ống rộng và màu đỏ của đôi vớ, nhà thiết kế thời trang Calvin Trần đã diễn tả được cái đẹp lịch lãm của "Less is more" (ít mà nhiều). Khi các vũ công cuối đầu múa, ta thấy vòng tròn màu xám của cổ áo. Khi các vũ công đứng thẳng, vòng màu xám biển dạng thành những hình bầu dục lơ lửng di động trong không gian. Những đôi vớ màu đỏ, chúng đã tạo sức sống trên sàn múa.  Lúc thì tất cả chúng lướt trên sàn một cách êm đềm, lúc thì chúng chạy, chúng nhảy, chúng bay vút cao trong màu đen của sân khấu…”
 
Theo ca sĩ Bích Liên: “Khi nghe giọng đọc thơ vang lên trong bóng tối, tôi hoàn toàn bị thu phục. Được biết đây là giọng đọc của của Peter Castaldi, một ca sĩ hát opera, tôi rùng mình và cảm nhận được từng cảm xúc buồn bã, kinh ngạc, khiếp sợ, khôi hài, hy vọng rồi tuyệt vọng của nhân vật trước và sau khi Con Quạ xuất hiện.”
 
Linh Kochan, một người bạn luôn có tấm lòng với nghệ thuật thốt lên:  “Mình làm sao đưa chương trình này về quận Cam?”
 
Riêng Biên Đạo Múa Thắng Đào khi được hỏi “anh hy vọng gì ở khán giả sau khi họ xem Nevermore” đã tâm sự:  “Tôi ước mong đem lại cho bọn trẻ cơ hội tiếp cận nghệ thuật múa, bọn trẻ - những người như cháu tôi, những người không đi xem múa ballet bởi vì các em không cảm thấy liên hệ, không nhận ra bản sắc gì giống mình, không rút tỉa được điều gì. Tôi hy vọng chia sẻ với khán giả tác phẩm phản ánh bản sắc của chính tôi, một biên đạo múa người Mỹ gốc Á, rồi để nghệ thuật làm công việc của nó, nối kết chúng ta, thay vì chia rẽ.”
 
Ước mong thì nhiều, khả năng thì giới hạn, chúng tôi ra về lòng bâng khuâng nghĩ đến dàn vũ công đa chủng tộc của Hubbard Street Dance Company, đủ các màu da, đủ mọi chủng tộc, đủ mọi bản sắc. Tất cả đều dùng tài năng và cảm xúc của mình nối kết khán giả với một câu chuyện từ phương đông xa xôi, cây cầu ô thước, bằng tình yêu và hy vọng.
 
Liệu khán giả người Mỹ gốc Việt quận Cam và những nơi khác có được xem chương trình này hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố.  Chúng tôi tin, cái đẹp, vượt ngoài mọi giới hạn, sẽ làm công việc kết nối. Nghệ thuật như sứ mệnh của nó, mở cửa tâm hồn, và Nevermore, hẳn sẽ mở nhiều cánh cửa cho những người nào may mắn như chúng tôi, được một lần “gõ cửa.”****
 
Nina Hòa Bình Lê & Nguyễn Bích Liên
 
*Nevermore cùng một số vở múa khác của Hubbard Street Dance Chicago sẽ được trình diễn vào những ngày sắp tới tại Harris Theater for Music and Dance (205 E. Randolph St, Chicago) vào hai ngày 20-21 tháng Năm, 2023. Hy vọng các độc giả Việt Báo ở Chicago sẽ có cơ hội thưởng thức.
 ** Ngưu Lang Chức Nữ: tương truyền, Ngưu Lang chăn trâu, lấy chức nữ là người dệt vải cho Ngọc Hoàng nhưng hai người vì yêu nhau nên lơ là công việc, bị Ngọc Hoàng đầy mỗi người ở một đầu sông Ngân (tức là Ngân Hà hay Milky Way).  Mỗi năm hai người chỉ đươc gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7.  Để hai người đến được với nhau, các chim Ô (Quạ) và Thước (chim Khách) phải kéo nhau kết thành một cái cầu để bắc qua sông Ngân. Có nhiều dị bản về chuyện này, chẳng hạn có bản thì nói chỉ có chim Ô, và có bản chỉ có chim Thước. Trong bản chương trình của Hubbard Street Dance Chicago, khi nói về nhịp cầu Ô Thước, Thắng Đào đã dùng “the Bridge of Magpies” hay Thước Kiều, tức là “Cầu Chim Khách” thay vì “Cầu Quạ.”
 *** The Raven/Con Quạ của Edgar Allan Poe. Ông sinh năm 1809 tại Boston, Hoa Kỳ, là một nhân vật lừng lẫy tuy có nhiều tranh cãi và tai tiếng, trong nền văn học thế giới, và có thể được xem là người dựng nền móng cho thể loại thơ ngắn và truyện ngắn đương đại Tây Phương. Mời đọc bài thơ The Raven/Con Quạ được Bích Liên dịch bên dưới.
**** Tiếng gõ cửa của Con Quạ trong đêm tối trong phần mở đầu bài thơ The Raven/Con Quạ.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 
con quạ
Nevermore- Không bao giờ nữa
*
 
Thơ của Edgar Allan Poe
Dịch ý sang tiếng Việt: Nguyễn Bích Liên
 


Vào nửa đêm, một ngày xưa u ám, lúc tôi đang suy tư, yếu ớt và mệt mỏi,
Về nhiều truyện thần thoại lạ lùng và kỳ dị mà người ta không còn nhớ đến—
Trong lúc tôi đang gà gật, sắp ngủ gục, thình lình có một tiếng gõ,
Như ai đó đang gõ nhẹ, gõ nhẹ vào cửa phòng tôi
“Chắc ai đến thăm,” tôi lầm bầm, “gõ cửa phòng mình—
Chỉ thế và không gì hơn nữa.”
 
À, tôi nhớ rõ đó là Tháng Mười Hai ảm đạm;
Và từng mảnh tro tàn in bóng ma trên sàn.
Tôi trông mong ngày mai; -- tôi đã cố vay mượn một cách vô ích—
Trong sách vở cách chấm dứt nỗi đau khổ --đau khổ vì mất Leonore—
Nàng thiếu nữ hiếm quý và rạng rỡ mà các thiên thần gọi tên là Leonore—
Vĩnh viễn không còn tên nơi này nữa.
 
Và tiếng lào xào lụa là, buồn bã, bấp bênh của từng bức màn tím
Làm tôi rùng mình—lấp đầy trong tôi nỗi lo sợ khủng khiếp chưa từng có;
Và rồi, để trấn an nhịp đập con tim, tôi lập đi lập lại
“Đây là người đến thăm tôi muốn xin vào cửa—
Người nào đó đến thăm trễ muốn xin vào cửa;--
Thế thôi, không có gì hơn nữa.”
 
 
Rồi tôi hoàn hồn; không còn ngần ngại nữa,
“Thưa ông” tôi nói,”hay thưa bà, cho tôi xin lỗi:
Thực ra tôi đang ngủ, và ông bà gõ cửa nhẹ quá’
Và gõ thật nhẹ, gõ thật nhẹ vào cửa phòng tôi,
Đến nỗi tôi tưởng đã không nghe gì”—đến đây tôi mở rộng cửa;--
Chỉ bóng tối và không gì hơn nữa.
   
Sâu trong bóng tối tôi đứng nhìn thật lâu, thắc mắc, sợ hãi,
Nghi ngờ, mơ màng giấc mộng con người không ai đã dám mơ:
Nhưng sự im lặng không vỡ, và sự tĩnh lặng không cho dấu hiệu nào,
Và chỉ có một tiếng nói là chữ thầm thì, “Leonore?”
Đó là tiếng tôi thầm thì, với một tiếng xào xạc vang lại, “Leonore!”
Chỉ có thế và không gì hơn nữa.   
 
 
Quay trở vào phòng, cả tâm hồn tôi cháy bỏng,
Tôi lại nghe tiếng gõ lớn hơn một chút.
“Chắc là,” tôi nói, “chắc là có gì ở song cửa sổ;
Để xem, xem chuyện bí ẩn này là gì—
Để tim tôi bớt hồi hộp rồi sẽ tìm xem; --
Chắc là gió và không gì hơn nữa.
 
 
Khi tôi mở tung cánh cửa sổ, với bộ điệu và cánh rung rinh,
Bước vào một con Quạ trang nghiêm của những ngày thần thánh xưa;
Nó không hề chào hỏi; nó không hề ngừng lại;
Nhưng với dáng vẻ của một ông hay bà quý tộc, nó đậu trên cánh cửa phòng tôi—
Đậu trên bức tượng Pallas ngay trên cánh cửa,
Đậu đó, ngồi đó, và không gì hơn nữa.
   
Note: Pallas: có lẽ  là Athena, Pallas Athena, một vị nữ thấn Hy Lạp tượng trưng cho sự khôn ngoan sáng suốt (wisdom). Poe còn nhắc lại đến bức tượng trong bài thơ, có lẽ như một ẩn dụ cho thần trí của người kể chuyện ở đây.
   
 
Rồi chú chim đen tuyền này quyến rũ nỗi buồn của tôi thành nụ cười
Vì dáng vẻ trịnh trọng và nghiêm khắc của chú.
“Dù lông mào chú cắt xén và bóng bẩy, chú,” tôi nói, “chắc không phải là
Con quạ hèn hạ, gớm ghiếc kinh khủng và xưa cổ, lang thang đến đây từ bờ đêm địa ngục—
Cho tôi biết tên chú là gì ở chốn địa ngục của Pluto!”
Quạ nói: “Không bao giờ nữa.”
 
Note: Pluto là vị thần Hy Lạp được xem là chúa tể của địa ngục
 
Tôi ngạc nhiên nghe chú quạ xấu xí nói năng rõ ràng,
Dù câu chú trả lời không ý nghĩa và không thích hợp gì;
Vì chúng ta đều đồng ý là không có người nào trên thế gian
Đã từng có phúc trông thấy chim đậu trên cửa phòng—
Chim hay thú trên bức tượng trên cửa,
Với cái tên “Không bao giờ nữa.”
 
Nhưng chú Quạ, ngồi cô đơn trên bức tượng yên lặng, chỉ nói
Một chữ đó, như trút tất cả tâm hồn nó vào một chữ.
Nó không nói thêm gì nữa—một cánh lông cũng không động đậy—
Đến khi tôi vừa lẩm bẩm”Các bạn khác đã từng bay đi—
Đến mai sẽ rời tôi, cũng như Hy Vọng của tôi đã từng bay đi.”
Thì Quạ nói: “Không bao giờ nữa”  
 
Giật mình vì im lặng đã bị phá vỡ với câu trả lời hợp lúc
“Chắc là” tôi nói, “nó chỉ nói một câu thuộc lòng
Học được từ một ông chủ không may mà tai họa không thương xót
Đã theo đuổi ngày càng nhiều cho đến khi những bài ca chỉ là gánh nặng
Cho đến khi bài hát đưa tang niềm Hy Vọng chỉ mang nỗi sầu
Của ‘Không bao giờ--không bao giờ nữa’.”
 
 Nhưng chú Quạ vẫn quyến rũ sự tưởng tượng của tôi thành nụ cười:
Tôi đẩy ghế ngồi ngay trước chim, tượng và cửa;
Rồi nằm sâu trong nệm nhung, tôi đưa mình vào
Tưởng tượng nối vào tưởng tượng, suy nghĩ xem con chim cổ xưa này—
Con chim ghê gớm, xấu xí, ma quái, khắc khổ, và mang điềm gở từ xa xưa này
Muốn nói gì khi kêu lên “Không bao giờ nữa.”
 
Tôi ngồi suy đoán, nhưng không nói được lời nào  
Với con chim có đôi mắt tóe lửa đang đốt cháy tận tâm can tôi;
Cứ thế tôi ngồi suy đoán, đầu tôi tựa thoải mái
Trên nệm ghế lót nhung lấp lánh ánh đèn,
Nhưng trên nệm ghế lót nhung lấp lánh ánh đèn này,
Nàng sẽ, ôi, không bao giờ tựa nữa!
 
Rồi tôi thấy không khí trở nên dày đặc hơn, với hương thơm từ một lò hương ẩn
Được lắc bởi thiên thần Seraphim mà bước chân đang rung nhẹ trên thảm.
“Hỡi kẻ khốn khổ,” tôi kêu lên”Chúa đã cho ngươi—bằng cách đưa đến qua các thiên thần
Sự nghỉ ngơi và nguôi ngoai khỏi những nỗi nhớ về Leonore;
Hãy uống, ôi hãy uống cho nhiều sự nguôi ngoai nhân từ này và quên đi Leonore đã mất!
Quạ nói: “Không bao giờ nữa.”
 
 
“Tiên tri!” tôi nói, “đồ ma quỷ!—vẫn là tiên tri, dù là chim hay quỷ!—
Dù Cám dỗ gửi đến, hay bão tố thẩy mày đến đây dạt bờ,
Cô đơn nhưng không lo sợ, trên mảnh sa mạc bị mê hoặc này—
Trên nơi chốn kinh dị ám ảnh này—nói thật đi, tôi van xin—
Có—có thuốc xoa dịu ở Gilead không? – nói đi—nói đi, tôi van xin!”
Quạ nói” Không bao giờ nữa.”
 
Note: Gilead là một vùng đất hứa của dân Do Thái trong Kinh Thánh. Nơi đó có thuốc xoa (balm) làm từ nhựa cây các loại thông.  Trong sách Jeramiah 8:22 có câu:” Không có thuốc thoa ở Gilead à? Không có y sĩ ở đó à? Vậy sao vết thương của dân ta không được chữa lành?” vết thương ở đây là vết thương tâm linh mà không có thuốc thoa hay y sĩ nào chữa được.
 
 
“Tiên tri!” tôi nói, “đồ ma quỷ!—vẫn là tiên tri, dù là chim hay quỷ!   
Vì Thiên Đường trên cao cúi xuống—vì Thiên Chúa hai ta kính yêu—
Hãy cho tấm linh hồn đau khổ này biết là trong Thiên Đường xa xôi kia
Nó sẽ được ôm lấy nàng thiếu nữ thần thánh mà các thiên thần gọi tên là Leonore
Ôm lấy nàng thiếu nữ hiếm quý và rạng rỡ mà các thiên thần gọi tên là Leonore.”
Quạ nói”Không bao giờ nữa”
 
 
“Câu nói đó là dấu hiệu chia tay, hỡi chim hay quỷ!” tôi thét lên, vùng dậy—
“Mày hãy trở lại cơn bão và bờ biển đêm Địa Ngục đi!
Không được để lại một cánh lông đen nào là dấu hiệu của lời mày nói láo!
Đừng làm tan vỡ cô đơn của tao!—hãy rời xa bức tượng trên cánh cửa của tao!”
Hãy lôi mỏ mày ra khỏi tim tao, và lôi mình mày ra khỏi cửa tao!”
Quạ nói “Không bao giờ nữa”
 
Note: “Địa Ngục” nguyên tác dùng chữ “Aidenn” là tiếng Ả Rập có nghĩa là “Địa Ngục”
 
 
Và con Quạ, không hề nhúc nhích, vẫn ngồi đó, vẫn ngồi đó
Trên bức tượng lặng thinh của Pallas ngay trên cửa phòng tôi;
Và đôi mắt nó đầy vẻ của một quỷ sứ đang mơ màng,
Và ánh đèn đổ người nó thành bóng tối trên sàn nhà
Và linh hồn tôi đang nằm bập bềnh trên sàn nhà, từ bóng tối đó
                Sẽ được nâng lên—không bao giờ nữa!
 
Thơ của Edgar Allan Poe
Dịch ý sang tiếng Việt: Nguyễn Bích Liên
*Tựa đề gốc của bài là “The Raven/Con Quạ).
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phát biểu của nhà thơ Trịnh Y Thư nhân dịp mừng thượng thọ, sinh nhật thứ 90 của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, hôm 10 tháng 6 năm 2023 tại Orange County.
Chiều Chủ Nhật 21/5 vừa qua chương trình nhạc “Tôi vẽ đời em: dòng nhạc Trần Hải Sâm” đã diễn ra trên sân khấu Elizabeth A. Hangs tại Santa Clara Convention Center với sự tham dự của gần 700 khán giả yêu thích văn nghệ vùng San Jose, trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Việt ở miền bắc California...
Santa Ana, California – Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) sẽ tổ chức Hội Chợ Sách “Viet Book Fest,” vào thứ Bảy, ngày 3 tháng 6, năm 2023 tại khu vực Downtown Santa Ana, nhằm giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt. Tất cả các sự kiện trong Viet Book Fest đều miễn phí và mở cửa cho công chúng.
Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH...
Trần Anh Hùng, đạo diễn gốc Việt nổi tiếng với phim "Mùa Đu Đủ Xanh" hay "Xích-lô" vừa đoạt giải Đạo Diễn Xuất Sắc Cannes thuộc về với cuốn phim “The Pot au Feu” tại Cannes Film Festival. Lấy bối cảnh thế giới ẩm thực Pháp năm 1885, bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết năm 1924 của Marcel Rouffe “The Passionate Epicure” kể về một nhân vật hư cấu sôi nổi, Dodin Bouffant, người được truyền cảm hứng từ nhà ẩm thực nổi tiếng người Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin.
Sự trân quý đối với nghệ thuật đã giúp Lê Văn Khoa có cái nhìn tích cực, cầu toàn trong quá trình sáng tạo của ông, và xuất phát từ đấy những hoài bão ông ôm ấp từ thuở thiếu thời. Ông có nhiều hoài bão. Riêng bên lĩnh vực âm nhạc, nó là một giấc mơ, giấc mơ làm thế nào nhạc Việt có thể đi sâu vào dòng chính của âm nhạc thế giới, làm thế nào nhạc Việt vang vọng – và lấp lánh qua đó là bản sắc văn hóa Việt – từ các đại thính đường trang trọng khắp nơi...
Là một người có học nhạc, chơi đàn, từ thuở nhỏ tui đã thích nhạc Phạm Duy. Nhạc của ông “nhạc sĩ của thế kỷ” này thì đã có nhiều người phân tích tại sao hay, hay chỗ nào… Tui không dám hó hé giải thích tại sao mình thích. Chỉ thấy là khi mình đệm đàn cho người khác hát thì thấy phê. Vậy thôi! Rồi già thêm một chút, tự dưng tui bỗng thích thêm “nhạc sến.” Đặc biệt mỗi khi cảm thấy tủi thân vì thất tình, tui thấy nhạc bolero giống như tâm sự “đời tôi cô đơn” của chính tui. Thích quá, tui bèn thử suy nghĩ xem có điều gì chung giữa nhạc Phạm Duy và “nhạc sến” khiến tui phải mê cả hai.
Ba tôi có đưa ra lời giải thích khá hợp lý về nguồn gốc của chữ “sến,” mà cho tới giờ tôi chưa thấy lời giải thích nào tương tự như vậy trên Internet.
Tháng Năm được chọn là tháng Hoa Kỳ vinh danh người Mỹ gốc Á. Các cộng đồng gốc Á tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật trong tháng này. Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) cũng có nhiều sự kiện giới thiệu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Chị Y Sa, Giám Đốc Điều Hành VAALA, có trò chuyện với Việt Báo về một số sự kiện nổi bật. VAALA là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1991 bởi một nhóm các nhà báo, văn nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt. Trong nhiều năm qua, VAALA hợp tác với nhiều cộng đồng khác nhau tổ chức nhiều sự kiện, nhằm giới thiệu nền văn hóa Việt, cũng như làm phong phú những sinh hoạt tinh thần của cộng đồng gốc Việt. Những sự kiện này bao gồm các hoạt động như Viet Film Festival, Cuộc Thi Vẽ Tết Trung Thu dành cho thiếu nhi, triển lãm nghệ thuật, giới thiệu sách, trình diễn nhạc kịch…
ANN PHONG: Triển Lãm Nghệ Thuật "Trải Nghiệm Môi Trường Và Con Người - Những Câu Chuyện Hồi Sinh", khai mạc vào ngày 6 tháng 5 tại Tòa nhà Santora (Santora Building)- Street Space Gallery, thành phố Santa Ana. Triển lãm sẽ khai mạc vào ngày 6 tháng 5 và kéo dài đến ngày 3 tháng 6 năm 2023. Lễ khai mạc: Thứ Bảy ngày 6 tháng 5 từ 6-8 giờ tối và bế mạc: Thứ Bảy ngày 3 tháng Sáu, 6 giờ chiều-8 giờ chiều.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.