Hôm nay,  

Nói lái mà chơi, nghe lái chơi

30/03/202323:58:00(Xem: 2430)
 chui-nhau
– Đúng bọi rồi, dừng chân ơm căn đi thôi.
 
– Nếu anh không ngại, tôi sẽ mời anh đến quán mộc tồn gần đây, quán lão Điền đó.
 
– Điền nào, Điền đô người Bắc phải không?
 
Trong mỗi câu của đoạn đối thoại trên đều có nói lái, một hình thức sử dụng ngôn ngữ khá phổ biến, người quen dùng, nghe nói là hiểu ngay. Đơn giản như đang giỡn, nói lái chỉ là cách hoán đổi phụ âm đầu của hai từ (đói bụng => đúng bọi), ai cũng thực hành được, chẳng những trong đời thường mà còn đưa vào tác phẩm văn chương như là một biện pháp chơi chữ khá thú vị.
 
Nếu chưa quen nói xin mời bạn nghe lái trước đã.
 
NÓI LÁI TRONG ĐỜI THƯỜNG
 
Có thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá” hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn nói “điện sao lu quá chừng”, người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật. Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
 
Ngoài những lúc vô tình như vậy, mọi người đều cố ý nói lái nhiều lắm. Từ nhỏ, ai cũng biết nghịch ngợm trêu chọc bạn với những cái tên. Thái thì Thái dúi, Thái giếng, Thọ thì Thọ lỗi, Điền thì Điền đô, Đức thì Đức cống, v.v… Còn những tên như Thu, Tốn, Bắc… sẽ có rất nhiều cách gán ghép để nói lái lại nghe không thanh nhã chút nào. Chưa kể những người có tên bắt đầu bằng chữ Đ, trẻ đến mấy cũng bị gọi bằng Cụ ! Học giả Vương Hồng Sển, lớn tuổi còn dạy học, sinh viên có khi gọi Thầy, có khi gọi Cụ để tỏ lòng kính trọng. Thầy dặn: Gọi tôi bằng họ, Cụ Vương, hay bằng tên, Cụ Sển, đều được, nhưng với thầy Vi Huyền Đắc thì nhớ chỉ được gọi là Cụ Vi.
 
Có khi các văn nghệ sĩ nói lái tên mình để đặt bút danh. Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, Lê Đức Vượng biến thành bút danh Vương Đức Lệ. Và, bạn có tin không, văn hào VOLTAIRE của Pháp (1694-1778 ), tên thật là François Marie AROUET, lấy tên thành phố quê hương là Airvault (thuộc vùng Deux Sèvres) nói lái là Vault-Air để có bút danh Voltaire đó!
 
Tuổi nhỏ nghịch ngợm trêu chọc nhau bằng những câu như “Mi là cái đồ ức căn bồng sơ chuối đỏ lọ cháy” hoặc “Ai đi đó?” và trả lời “O đi…” Có khi nói lái chỉ để đùa chơi, không có hậu ý gì (Ôm nhiều thì yếu, yêu nhiều thì ốm, chà đồ nhôm chôm đồ nhà) nhưng cũng có lúc nói lái có ý nghĩa phê phán chỉ trích (đấu tranh thì tránh đâu, thủ tục đầu tiên là tiền đâu, Nguyễn Y Vân, vẫn y nguyên, Vũ Như Cẩn, vẫn như cũ, Bùi Lan, bàn lui…)
 
Có thể nói lái bằng cách dùng cả chữ Hán rồi dịch ra. Mộc tồn là cây còn tức là con cầy, vậy quán mộc tồn là quán thịt chó! (Nhiều nơi cũng gọi là Cờ tây, dễ hiểu hơn). Còn nói đại phong để chỉ lọ tương thì phải đi lòng vòng một chút: đại phong là gió to, gió to thì chùa đổ, chùa đổ thì tượng lo, tượng lo là lọ tương! Cũng có khi bịa ra những câu, có vẻ như câu đối, dùng từ Hán Việt, nghe rất kêu: Giai nhân tái đắc, giai nhân tử, Anh hùng khai đống, anh hùng tiêu. Thật ra chỉ để cài vô mấy chữ "tái đắc", "khai đống", nói lái lại là hiểu liền!
 
Mấy ông bạn nhậu thường hay nói: Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Chẳng cần quan tâm đến ý nghĩa cả câu, chỉ tách riêng hai chữ cuối rồi giải thích: bôi thiểu => biểu thôi ( biểu = bảo): Uống rượu gặp bạn hiền có Trời mới biểu thôi! Nhắc đến mấy ông này phải nói đến tài nói lái, nhất là mấy ông trong hội “hoàng gia”, nhậu món mực mấy ông hỏi có mực ngò không, món lươn thì hỏi lươn sao không có rau dền, gọi dưa leo thì dặn nhớ thái dọc đừng thái ngang, ăn món lẩu thì đòi phải đun bằng cồn lỏng, tốt nhất là cồn nhập từ bên Lào! Lúc uống trà thì dặn đừng lấy trà Thái đức.
 
Có kiểu nói lái tưng tửng, có mà không, không mà có, ai hiểu thì cười, không hiểu cũng chẳng sao. Con gái thời nay thích nhất những chàng trai có chỗ đứng/ Đừng nói tui hay đánh vợ. Tui có đánh thiệt đâu, chẳng qua là đánh mẹo thôi! Tui không làm ăn chi nữa, chỉ sống nhờ lương thôi. Nếu không biết làm sương cho sáo thì cứ thử lấy tóc mà may...
 
Một ứng dụng độc đáo là dùng nói lái như một thứ mật mã, chỉ người nói người nghe hiểu với nhau. “Lôi thi lừng đì lói ní lữa nĩ, lụi tị lỏ nhỉ lô vi lìa kì”. Nói kiểu này, người ta dùng quy ước chọn một từ và thêm dấu thanh – sắc huyền hỏi ngã – đặt trước từ muốn nói và nói lái lại; trường hợp này từ được chọn là li và thêm dấu thành lí, lì, lỉ lĩ, lị. Vậy giải mã câu trên là: (Lôi thi) li thôi (lừng đì) lì đừng lí nói lĩ nữa lị tụi lỉ nhỏ li vô lì kìa = Thôi đừng nói nữa, tụi nhỏ vô kìa.
 
NÓI LÁI TRONG DÂN GIAN
 
Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những sản phẩm nói lái, hoặc câu đố, câu đối, hò vè, thơ ca không rõ tác giả.
 
Câu đố
 
Những câu đố sử dụng nói lái không khó giải vì thường lời giải đã có sẵn:
 
– Khoan mũi, khoan lái, khoan khứ, khoan lai…
– Bò la, bò liệt đố ai biết gì? (Đáp: khoai lang).
– Con gì ở cạnh bờ sông, Cái mui thì nát cái cong thì còn. (Đáp: con còng – cong còn nói lái thành con còng).
– Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng? (Đáp: ngón chưn cái).
– Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn? (Đáp: con ngựa).
– Miệng bà ký lớn, bà ký banh, Tay ông cai dài, ông cai khoanh? (Đáp: canh bí, canh khoai).
– Ông cố ngoài Huế ông cố ai? (Đáp: cái ô).
– Ông đánh cái chen, bà bảo đừng? (Đáp: cái chưn đèn – chen đừng).
 
Câu đối
 
Phần lớn câu đối có sử dụng nói lái đều không đạt những yêu cầu nghiêm ngặt (đối ý, đối nghĩa, đối thanh… ) của loại hình này, chỉ thể hiện sự dụng công nói lái thôi.
 
Nhiều câu ai cũng biết:
 
– Kia mấy cây mía
– Có vài cái vò
– Con cá đối nằm trên cối đá
– Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
 
Thời kỳ đời sống khó khăn, hình ảnh người thầy giáo phải tháo giày, giáo chức phải dứt cháo là cảm hứng cho nhiều câu đối :
 
– Kỹ sư đôi lúc làm cư sĩ
– Thầy giáo lắm phen cũng tháo giày
– Thầy giáo tháo giày đi dép lốp
– Nhà trường nhường trà uống nước trong
– Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo;
– Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, dùng lương hưu lưu hương
 
Một câu khác, cũng nói lái liên tiếp như vậy :
 
– Chê số đời, chơi số đề, cầu giải số, cố giải sầu, càng cố càng sầu
– Cầm cái đuốc, cuốc cái đầm, soi đầy ốc, xốc đầy oi, càng soi càng xốc
 
Rất ngắn gọn, mà không kém thú vị:
 
– Chả lo gì, chỉ lo già
– Nỏ muốn chi, chỉ muốn no
 
Thơ ca, hò vè
 
Trong loại hình thơ ca, hò vè cũng có thể tìm thấy nhiều câu nói lái:
 
– Mắm nêm ăn với quả cà, Vắng anh Tử Trực đâu mà biết ngon.
 
(Không kể chuyện Lục Vân Tiên đâu! Chơi chữ đó: ăn mắm nêm với cà mà thiếu quả ớt
thì không ngon. Ớt? Thì tử là con, trực là ngay, con ngay => cay ngon, là ớt chứ gì nữa!)
 
– Bụi riềng trồng ở bờ ao, Chú Mộc Tồn quấn quít ngày nào cũng xin.
 
(Mộc tồn: cây còn, con cầy, đã nói ở đoạn trên).
 
Bài hò đối đáp sau đây phát triển từ cách nói lái cá đối cối đá:
 
Nữ: Hát tình hát nghĩa đã qua/ Bây giờ hát lái mới biết là hơn thua/ Mẹ mua con cá đối lúc trưa/ Để trên cối đá sao bây giờ mất tiêu/ Chàng chỉ giùm con cá đối ở đâu/ Hay mèo tha giấu ngoài rào sau mất rồi!
 
Nam: Cá mắm chuyện của nữ nhi/ Bậu còn vô ý thì chuyện gì cho nên/ Con mèo đuôi cụt nhà bên/ Biết mẹ đi mua cá nó leo lên mút đuôi kèo/ Mẹ xách con cá đối nó nhìn theo/ Thấy để trên cối đá nó khều liền tay/ Lần sau nhớ lấy lần này/ Thấy mẹ mua cá đem ngay cất liền.
 
Bài khác, xin để ý từng cặp nói lái ngay trong mỗi câu:
 
Cá có đâu mà anh ngồi câu đó
Biết có không mà công khó anh ơi?
Anh ra đây em vẽ cho một nơi cá nhiều.
Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt
Biết mất công mong cất con cá diếc lên
Để anh về làm giống nhân trên ruộng đồng.
 
Một câu hò ở Nam Bộ, giải rõ ra thì tục, nhưng mới nghe qua khó nhận thấy:
 
Thằn lằn đeo cột thằn lằn trốn
Cá nằm trong đăng, cá mắc kẹt đăng
Anh với em nhân ngãi đồng bằng
Dù xa duyên nợ nhưng cột lằn đừng xa.
 
Có những bài không rõ tác giả; trong bài sau đây, cách nói méo trời méo đất thật là tài tình:
 
Yêu em từ độ méo trời
Khi nào méo đất mới rời em ra.
 
Bài này đọc lên nghe rất tục:
 
Ban ngày lặt cỏ tối công phu
Đậu ủ lâu ngày hóa đậu lu
Ngày ta địa chủ, đêm tu đạo
Đạo chi lạ rứa: "Đạo ù ù".
 
Từ thập niên 50 của thế kỷ trước bài sau đây được nhắc đến nhiều, hẳn là phản ảnh thời cuộc:
 
Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi
Chiến khu thu cất chú khiêng rồi
Thi đua thắng lợi thua đi mãi
Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi.
 
NÓI LÁI TRONG VĂN HỌC
 
Trong văn xuôi hình như ít thấy nói lái, hoặc tản mác nên khó phát hiện. Tác giả sở trường món này chắc phải là Vương Hồng Sển (1902-1996). Rải rác trong tác phẩm "Hơn nửa đời hư" ông chen vô mấy chữ "ủ tờ", "mống chuồng" , dễ thấy là tiếng lái của "ở tù", "muốn chồng". Khi nhắc lại kỷ niệm chuyến du lịch thăm Đài Loan và Nhật Bản, ông kể chuyện cùng người bạn Pháp trọ ở một khách sạn, mặc tạm áo kimono để sẵn trong tủ: "Đến cái áo kimono màu sặc sỡ, mỗi phòng trọ đều có treo sẵn cho khách mượn, Menken và tôi chưa quen, vừa xỏ tay vào, tấm thân bồ tượng áo che không khuất, trống trước trống sau, đứa "lù coi", đứa "lắc cọ", áo nhột nhột, cảnh thật buồn cười".  Cũng chính tác giả của "Saigon năm xưa", "Saigon Tạp pín lù" đã đặt tên cho xe thổ mộ là “xe u mê”, và giải thích: "Vì sàn xe bằng gỗ cứng, khách ngồi bệt trên sàn, ê ẩm bàn trôn, nhứt là khách phụ nữ đều phải “ê mu”, nói lái cho bớt tục".
 
Còn trong thơ ca thì nói lái không thiếu. Tác giả đầu tiên phải nhắc đến tất nhiên là HỒ XUÂN HƯƠNG.
 
... Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo. (Kiếp Tu Hành)
 
... Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo.
Chày kình, tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. (Chùa Quán Sứ)
 
... Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
Rủ chị em ra tát nước khe. ( Tát nước )
 
... Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo. ( Quán Khách )
 
Nhà thơ trào phúng TÚ MỠ (Hồ Trọng Hiếu, 1900-1976) có bài "Lỡm cô Ngọc Hồ" với hai câu nói lái phong cách Hồ Xuân Hương:
 
HỒ tù ngán nỗi con rồng lộn
NGỌC vết thương tình kẻ cố đeo
(Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá
Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo.)
 
THẢO AM NGUYỄN KHOA VY (1881-1968) nhà thơ miền Sông Hương Núi Ngự cũng rất nổi tiếng với những bài thơ nói lái:
 
Lũ quỷ nay lại về lũy cũ
Thầy tu mô phật cũng thù tây.
 
Trông khống vô phòng thấy trống không
Chứa chan sầu lệ chán chưa chồng
Dòng châu lai láng dầu chong đợi
Bóng nhạn lưng chừng, bạn nhóng trông
Nhòm ngó đã cùng nơi ngã đó
Mơ mồng bên cạnh gối mền bông
Đêm thâu mưa gió đâu thêm mãi,
Xông lướt đi tìm phải xước lông.
 
Còn BÙI GIÁNG , có người gọi là nhà thơ Bán Dùi vì là Ông ưa nói lái. Kiểu nói lái của Bùi Giáng thật khác người, không cần người đọc có hiểu hay không. Ông thường dùng những từ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp…
 
Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra
(Mưa nguồn)
 
Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều.  
(Bờ trần gian)
 
Bài "Trong bàn chân đi" đầy dẫy những chỗ nói lái nhưng thật khó mà hiểu được:
 
Có mấy ngón
Năm ngón
Mười ngón
Món người
Non ngắm
Nắm ngon
Hoặc là năm ngón nón ngăm
Màu đi trên nước cá tăm chuyên cần
Nón ngăm dặm bóng xoay vần
Đọng nơi góp tụ và chần chờ đưa.
 
Có nhiều nhà thơ lúc cao hứng cũng lái ngay một bài, tinh nghịch và bất ngờ thú vị. Đó là NGUYỄN THÁI DƯƠNG:
 
Mực ngò, mực ngó, mực ngằn
Mực, bao nhiêu mực chẳng bằng mực nghi
Chao ôi bất luận mực gì
Vẫn thua mực ngút li bì sớm hôm.
 
Và cả BÙI CHÍ VINH, người có thể "khạc ra thơ" (chữ dùng của chính tác giả trong hồi ký) mọi nơi mọi lúc mọi đề tài, có bài Đảo Ngữ Hành lái từ đầu đến cuối:
 
Hành đảo ngữ kể từ GIẢI PHÓNG
Thi ca làm PHỎNG DÁI niêm vần
Muốn in báo phải làm đầy tớ
Nhưng ta nào phải kẻ lòn trôn
 
Ta nào phải là ông Hàn Tín
Phò Lưu Bang phản bạn lừa thầy
KỸ SƯ vì thế thành CƯ SĨ
THẦY GIÁO từ đây chịu THÁO GIÀY
 
Họp ĐỒNG CHÍ thấy toàn ĐÌ, CHỐNG
XÔ VIẾT ngày nay khoái XIẾT VÔ
Hình treo LỘNG KIẾNG như LIỆNG CỐNG
Để thằng TO DỰ hét TỰ DO
 
Chú đeo BẢNG ĐỎ mà BỎ ĐẢNG
Mượn SAO VÀNG che đậy SANG GIÀU
CĂNG BỒNG nhờ nói CÔNG BẰNG nhỉ
LƯU MANH nào lại chẳng LANH MƯU?
 
Theo CHÍNH PHỦ ai ngờ CHÚ PHỈNH
Vào CHIẾN KHU thì bị CHÚ KHIÊNG
Mồm ĐÁNH MỸ mà tâm ĐĨ MÁNH
TIỀN ĐÂU? chú chặn họng ĐẦU TIÊN
 
GIÁO CHỨC đói meo đành DỨT CHÁO
Làm NHÀ THƠ vô bót NHỜ THA
THIÊN TÀI không đủ THAI TIỀN hả?
CẤT ĐUỐC về quê CUỐC ĐẤT à!
 
KHIẾN CHÁN ta làm thơ KHÁNG CHIẾN
Gào THI ĐUA chú bịp THUA ĐI
LÀM THƠ mà LỜ THAM mới nhục
THÌ CẤY cày mất đất THẤY KỲ
 
LÃNH TỤ sạch nhờ ôm TỦ LẠNH
BẨN NGƯỜI DO bác BỎ NGƯỜI DÂN
BÁC ĐI quá sớm thành BI ĐÁT
NGHỆ SĨ tụi con NGHĨ XỆ quần.
 
Nói lái qua vài câu, vài bài thơ đã là thú vị, vậy mà nhà thơ VÕ QUÊ xứ Huế dai sức, dài hơi, làm luôn một tập gần 50 bài. Khởi đầu là một bài cảm tác từ trận lụt kinh hoàng năm 1999 ở Huế:
 
Trời lụt ca nhi cũng trụt lời
Trời đong mưa lũ xuống trong đời
Vái lạy lụt tan lành váy lại
Đời cho du khách dạo đò chơi.
 
Bài thơ nhanh chóng được "xuất bản miệng" rộng rãi trong thân hữu, tạo cảm hứng cho tác giả tiếp tục sự nghiệp thái lơ của mình, gom góp lại thành tập NGƯỢC XUÔI THẾ SỰ, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2011.
 
Đầu năm thi tứ nằm đâu?
Sắc màu nhân thế đượm sầu mắt ai?
Ngược dòng thế sự láng lai
Lang thang nhặt lái một vài câu chơi!
 
Có nhiều bài bỡn cợt vui vui kiểu như bài đùa các bợm rượu:
 
Một chai mai chột, coi chừng!
Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà
Ba chai là bai nghe cha!
Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn
Ngũ chai ngai chủ hùng hồn
Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!
 
Hoặc là TỰ HỎI:
 
Viết câu chi đó?
Có viết chi đâu!
Trống rỗng tim, đầu
Tìm đâu chữ nghĩa...
 
Và TỰ TRÀO:
 
Mùa lễ hội thơ hoa lỗi hệ
Lục bát đành lạc bút từ khuya
Đợi lâu mới biết đâu có lợi
Bìa treo đây mai ruột đầy bia?
 
Nhiều nhất là những trăn trở của nhà thơ trước những vấn đề thời sự:
 
Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu
Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu
Giật gấu vá vai theo vật giá
Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau!
 
Hoặc:
 
Biến chất điếm đàng đi chiếm đất
Cánh đồng xoang bởi quán đồng xanh
Hối mại chức quyền gieo mối hại
Lanh mưu thoái hóa thật lưu manh!
 
Và:
 
Dân mình hiến đất xây trường
Quan tham lấn đất trầy xương thầy trò
Học đường lắm nỗi sầu lo
Quan tham thì vẫn trùm sò dài lâu.
 
Lần vô danh lợi hại dân lành
Tranh thùng tranh thủ mới trung thành!
Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy
Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh
 
Thơ lái Võ Quê, thông minh, dí dỏm, thâm trầm và sâu sắc, không chỉ là những lời cười cợt mua vui.
 
Tóm lại, nói lái là một hình thức sử dụng ngôn ngữ khá thú vị nhưng phải lưu ý một điều là, cũng như chuyện tiếu lâm, nói lái thường có yếu tố tục. Vấn đề là phải nói sao cho đúng nơi, đúng lúc, đúng liều lượng, nhẹ nhàng dí dỏm. Nói lái thể hiện tính khôi hài, óc châm biếm, đôi khi rất thông minh, sáng tạo bởi có nhiều cách nói lái. Nói lái nhiều lần liên tiếp theo kiểu Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo là lái dồn. Nói lái mà gây phản cảm, làm khó chịu người nghe là lái dở, lái dỏm. Còn lái giỏi là nói kín đáo, bất ngờ, có khi không nhận ra được ngay. Chẳng hạn khi ăn thịt chồn, bạn chỉ cần nói con chồn có cái lạ là không bao giờ đi tới trước (để cho mọi người suy ra là chồn đi lùi!) Chẳng hạn khi đứng trước nhiều giống hoa lạ, có ai hỏi tên bạn cứ trả lời đây là hoa “khiết bông” chứ đừng vội thú nhận là bạn không biết, thế nào người ta cũng nói cái hoa lạ quá mà tên nghe cũng lạ. Cũng là hoa, nhưng nên nhớ đừng nói với bạn gái là “em rạng rỡ như hoa dã quỳ”. Người ta giận đó! Lái kiểu này là lái (giả) đò.
 
Trong một truyện ngắn, nhà văn Y BAN kể chuyện một bà vợ chạy chữa bệnh liệt dương cho chồng bằng đủ loại thực phẩm, thuốc men đều không hiệu quả, nên mới nghĩ tới một bài thuốc dân gian. “Bài thuốc này gồm 3 vị: Hà thủ ô, cỏ thiên, và trứng vịt lộn”. Người đọc cứ thắc mắc, hà thủ ô với trứng vịt lộn thì ai cũng biết, nhưng cỏ thiên là cỏ gì? Tác giả bật mí: Ba vị thuốc đó gọi tắt là HÀ THIÊN LỘN, có thể do tâm lý ông chồng không thấy hứng thú khi gần vợ, cho ông đi tìm… may ra hết bệnh! Nói lái kiểu đó chắc phải gọi là lái (bóng) gió!
 
Vậy thì, bạn cứ thử nói lái đi, nhiều kiểu lắm và kiểu nào cũng có luật của nó. Nếu bạn không ngại luật nói thế tức là bạn đã biết nghệ thuật nói lái rồi đó.
 
Đọc xong bài này, nếu bạn thấy nóng trong người vì những chỗ (có vẻ) không thanh tao lắm thì tôi xin tạ tội bằng cách mời bạn một ly nước "bất hiếu". Chẳng có gì bí mật khi tôi bật mí thế này: tôi mời một ly đá chanh!  Ủa, đánh cha mà không phải bất hiếu sao?
 
– Thân Trọng Sơn
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhạc sĩ Đan Thọ qua đời ngày 4 tháng Chín năm 2023, thành phố Houston, Texas, hưởng đại thọ 99 tuổi. An giấc nghìn thu ngày 18 tháng Chín, tại Nhà Quàn Vĩnh Cửu (Chapel of Eternal Peace at Forest Park), Houston, Texas. Với tuổi ta, nhạc sĩ được bách niên (100 tuổi) tuổi hạc đại thượng thọ trên cõi trần...
Vào giữa thập niên 1980s, phổ biến trong nước Triệu Đóa Hoa Hồng, tuy là bản nhạc trữ tình với mối tình dang dở nhưng lời Việt, nhạc Liên Xô nên tôi bị “dị ứng” nên chẳng để ý, dù sau nầy với ca sĩ hải ngoại…
Chúng ta không biết phải dịch chữ “immersive art” như thế nào. Khái niệm này chỉ mới xuất hiện vài năm nay, mặc dù đã xuất hiện, phần nào, trong các loại hình nghệ thuật khác, từ cả nhiều thế kỷ trước. Hình như triển lãm “immersive art” lần đầu tiên ở Los Angeles và Las Vegas là đầu năm 2022, với tranh Van Gogh. Phòng triển lảm sử dụng hình ảnh, âm thanh, không gian, sự chuyển động của màu sắc để làm cho bạn, người khán giả, trở thành một người đang tắm gội trong không gian nghệ thuật của họa sĩ Van Gogh (1853-1890). Tại sao chọn Van Gogh để triển lãm đầu tiên cũng chưa rõ, có lẽ vì tranh họa sĩ này sống động, dữ dội hơn nhiều họa sĩ khác, hấp dẫn hơn với dân Nam California. Có thể dịch chữ “immersive art” là hội họa “trải nghiệm hòa nhập” hay “trải nghiệm nhập vai” – bởi vì, khán giả tự thấy mình trở thành một phần của tác phầm đang chuyển động giữa thế giới màu sắc của họa sĩ.
“Đẹp là gì?” Người đầu tiên chính thức đặt ra câu hỏi căn bản này có lẽ là Socrates (469-399 TCN), và chính ông đã trả lời: “Đẹp là cái thích thú do tai nghe mắt thấy”. Plato (427—347 TCN) cho rằng “Vẻ đẹp là hình ảnh nhất quán và không thể thay đổi của những điều tốt nhất, tinh tế nhất.” Ông cũng là người đầu tiên đưa ra một nền tảng siêu hình về cái đẹp: không dừng lại ở cái đẹp hữu hình, mà đi tìm những giá trị siêu cao vô hình. Theo Immanuel Kant (1724-1804), vẻ đẹp là sự hài hòa giữa hình dáng và nội dung, là thứ khiến chúng ta cảm nhận sự tinh tế và thỏa mãn. Kant cho rằng cái đẹp gồm hai cảm nhận: cảm quan về sự cao cả và cảm quan về thẩm mỹ. Trong cả hai trường hợp, sự xúc động đều gây thích thú nhưng theo hai cách khác nhau: ý nghĩa cao cả khiến trái tim cảm động, còn mỹ thuật làm say mê trí óc của cặp mắt. Với tôn giáo thì vẻ đẹp còn liên quan đến niềm tin.
Ales Pushkin là một họa sĩ độc đáo. Anh là người đã yêu đất nước Belarus nồng nàn, tới mức nhiều lần đứng ra biểu tình đòi cho Belarus gia nhập NATO khi nhìn thấy Nga chiếm vùng Crimea của Ukraine, đã vẽ nhiều họa phẩm chống Tổng Thống Nga Vladimir Putin, bất kể có những cuộc biểu tình chỉ có đơn độc một mình anh ra phố đứng. Anh cũng là người yêu thương Ky tô giáo nồng nàn, đã thực hiện những tác phẩm trang trí nhà thờ, và sau khi nhiều lần vào tù, ra khám anh tâm sự với bạn hữu rằng đời anh chỉ sợ duy nhất có Chúa Trời. Bây giờ, Ales Pushkin (1965 - 2023) đã từ trần trong nhà tù Belarus. Bản tin hôm 12/7/2023 của AP ghi rằng, Ales Pushkin, một họa sĩ và là một nhà hoạt động chính trị người Belarus, người thường xuyên chỉ trích vị Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko, đã chết trong tù hôm thứ Ba 11/7/2023 khi đang thọ án 5 năm.
Nhạc sĩ Trần Lê Việt, tác giả của bản nhạc tù quen thuộc, được mọi người nhắc đến, nghe lại vào các dịp kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm: Tháng Tư Đen (hay còn được nhớ nhất với cái tên Tháng Tư 29 ngày 31 đêm) trong dịp sinh nhật thứ 72 đã “được” ngồi xe lăn đi chầm chậm về phía cuối đường (đời). Chàng lãng tử với cây đàn nay không còn có thể “lãng tử” được nữa, dù cây đàn vẫn còn đó, vẫn còn là niềm vui của mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây chàng không phải đánh vật với bệnh tật...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Trước sự hâm mộ cuồng nhiệt nhưng không mấy ngạc nhiên, bức chân dung cuối cùng được vẽ bởi họa sĩ Gustav Klimt đã được bán hôm nay với giá bán đấu giá kỷ lục ở châu Âu, 85.3 triệu bảng Anh (tính luôn cả lệ phí giao dịch) tại buổi bán đấu giá nghệ thuật của Sotheby's ở London chiều 27 tháng 6, tờ báo nghệ thuật The Art Newspaper đưa tin.
Cuộc cách mạng không tiếng súng của phong trào dân chủ Thái Lan đã thành công trong cuộc bầu cử giữa tháng 5/2023, với phiếu của giới trẻ và những người có tinh thần dân chủ đã vượt xa phiếu của những người thân chính quyên quân sự. Một trong những người dẫn đầu phong trào đòi thay đổi thể chế, đòi giảm vai trò chính trị của quân đội, đòi xét lại một đạo luật gây tranh cãi chống lại việc xúc phạm chế độ quân chủ… là doanh nhân trẻ Pita Limjaroenrat (sinh năm 1980), từng du học tại Hoa Kỳ và bây giờ là lãnh đạo Đảng Move Forward (Đảng Tiến Lên). Với liên minh nhiều đảng, Pita dự kiến sẽ là Thủ Tướng tương lai, nếu chính quyền quân đội Thái Lan không tìm được cớ gì để cản trở nữa. Nhưng bây giờ, Pita đang bị điều tra về thủ tục. Ủy ban bầu cử Thái Lan đang xem xét liệu Pita có cố ý không đủ tư cách để ghi danh ứng cử viên quốc hội hay không, bởi vì Pita có sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông, vốn là bị cấm theo quy tắc bầu cử.
Trên Việt Báo cách đây mấy tuần có đăng bài viết so sánh hai ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (Phạm Duy) và Cô Hàng Xóm (Lê Minh Bằng), làm nhóm bạn mê nhạc bolero của tôi phấn chấn quá! Có người nói rằng còn nhiều trường hợp nữa để chứng minh rằng nhạc sến phổ biến hơn nhạc Phạm Duy. Một so sánh khác nữa về hai bài nhạc, một Phạm Duy- một bolero, còn thú vị hơn nữa, đó là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy và Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh. Lời đề nghị này có lý! Bởi vì cả hai đều là ca khúc phổ từ cùng một bài thơ Màu Tím Hoa Sim của cố thi sĩ Hữu Loan. Và cả hai bài đều thuộc những ca khúc phổ biến vào bậc nhất của dòng nhạc bolero và nhạc Phạm Duy thời Miền Nam trước 1975.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.