Hôm nay,  

Tổng Quan Cuối Năm: Nghệ Thuật Thế Kỷ 21

17/12/202100:00:00(Xem: 2109)

Gần một phần tư trong thế kỷ 21, trải qua nhiều biến cố chính trị, quân sự căng thẳng trên thế giới, sôi sục trong nền kinh tế toàn cầu suy nhược vì hậu quả của vi khuẩn làm gián đoạn sinh hoạt mậu dịch bình thường, trên hết là ảnh hưởng trực tiếp tử vong của các vi khuẩn COVID 19, Delta và Omicron, giờ đây, chúng ta đang như thế nào?
 
Nghệ thuật xuất hiện trong đời sống để giải tỏa những ám ảnh, những áp lực, những căng thẳng đang đe dọa. Nghệ thuật là nơi những nhạy cảm diễn tả sự đen tối, lo nghĩ, sợ hãi của sáng tác, đồng thời là nơi thưởng ngoạn tìm đến để chia sẻ, đồng cảm và được an ủi. Nếu vậy, nghệ thuật 21 sẽ ra sao?
 
Một số người không mấy quan tâm đến nghệ thuật vì họ có kinh nghiệm riêng về vật chất mang giá trị cao hơn. (Nghệ thuật không mua được tiền, nhưng tiền luôn luôn mua được nghệ thuật), tuy nhiên, giá trị vật chất không phải hoàn toàn là phẩm chất của đời sống. Những hụt hẫng dần dần sẽ trở thành thương tích trong nội tâm.
 
Nghệ thuật thị giác đầu thế kỷ 21
 
Về nghệ thuật 21, Karl Zipser nhận định, “Tôi nghĩ, đây là một thời gian phấn khởi để làm nghệ sĩ. Chúng ta có cơ hội sử dụng tiềm năng để tạo ra những phong trào nghệ thuật trong tương lai, mặc dù nó chỉ có thể được định danh như vậy sau khi đã qua đỉnh cao trào. Dù những phong trào đó sẽ như thế nào, tôi tin chắc chúng sẽ sâu rộng, không giống bất kỳ thứ gì mà chúng ta đã thấy trước đây.” Lời nhận xét này có thể áp dụng cho tất cả mọi nghệ thuật, bao gồm nghệ thuật thị giác (visual art) và nghệ thuật sáng tác văn chương. (Art & Perception. What is the Art of the 21st Century. 2006. http://artandperception.com/2006/11/what-is-the-art-of-the-21st-century.html)
 
Bước vào thập niên đầu của thế kỷ 21, nhận định của Zipser cho chúng ta khái niệm về sự mở rộng, đa dạng và tự do của nhiều phong trào nghệ thuật mới sẽ xuất hiện hoặc những nghệ thuật tiếp nối và biến hóa từ những dòng nghệ thuật hiện diện trong thế kỷ 20. Chính vì không có một phong trào, trường phái, quan niệm nghệ thuật nào tiên chỉ, không gian nghệ thuật 21 mở trống, chờ đợi, trở thành thú vị và bất ngờ.
 
Thông thường, những bước chân tiến tới bắt đầu bằng quay lại nhìn lui: Sau một loạt các phong trào nghệ thuật đáng giá như Cubism, Surrealism, Abstract Expressionism, Pop Art, Conceptual Art, Minimalism, v.v… chiếm ngự thế kỷ 20, câu hỏi tiếp theo là “Còn thế kỷ 21 thì sao?”

Wangechi

Wangechi Mutu, The Contemporary Austin 2021.

Tong Quan Cuoi Nam_Bill Powers

Bill Powers: Tranh nghệ thuật đầu thế kỷ 21.

Wangechi 2

Wangechi Mutu: The End of Carrying It All


Nghệ thuật luôn luôn là hiệu quả của phản ứng đối với đời sống và phản ảnh văn hóa của sáng tác. Trong thế kỷ 20, nghệ thuật tập trung vào thẩm mỹ duy lý, tức là “Đẹp và hay có ý nghĩa” (Sự đẹp và đẹp có ý nghĩa, khác nhau.) Quan điểm này thẩm định giá trị của tác phẩm. Duy lý trong thời đại này khác với duy lý ngày xưa chỉ thuần về suy tưởng, lý thuyết và triết lý. Duy lý hôm nay liên quan trực tiếp đến suy tư với khoa học, với kỹ thuật điện tử. Nói một cách khác, thẫm mỹ và khoa học liên hệ với nhau mật thiết hơn bao giờ hết.

  • Word and play

    Work and Play With Light and Shadows by Japanese artist Kumi Yamashita.

  • Poor Rich

    Poor, Rich and Beauty, 21st Century Art

    by Vladinsky, 2018.


Một trong những hiện tượng rõ rệt nhất là sự ứng dụng trực tiếp các lập trình vi tính vào hội họa và điêu khắc. Điểm nhấn là sự cộng tác của A.I. (Artificial Intelligence) vào sáng tác, mở rộng lãnh vực sáng tạo và giúp gợi lên những tiềm tàng trong vô thức.
 
A.I.? Mới đọc giống như câu hỏi AI? Thật như vậy, ai nói? Ai tin? Dù chuyện này có thật, vẫn mang theo nỗi nghi ngờ. Liệu trí tuệ điện tử sáng tạo có phẩm chất hay không? Lịch sử đã chứng minh sự liên hệ giữa nghệ thuật và sản phẩm khoa học thực dụng. Ví dụ, dùng máy hình chụp phong cảnh hay chân dung rồi phóng lên khung bố, vẽ lại, vẽ lớn, từ đó, có thể vẽ thêm, biến hóa ra tranh Ấn tượng, Trừu tượng hoặc Lập thể, v.v… Sau này, máy in 3D, ánh sáng, video… đã góp phần lớn để diễn đạt nghệ thuật. Những năm gần đầy, các cuộc triển lãm tranh Van Gogh chuyển động với ánh sáng và âm thanh cho người thưởng ngoạn một cảm xúc khác hơn là chỉ xem tranh. Một loại tác phẩm tái tạo khác lạ từ những tác phẩm đã quen thuộc. Câu chuyện A.I. đang hiện diện sẽ còn mang đến nhiều kinh ngạc trong tương lai.

Bâm Allen

Tranh A.I. của Bama Allen.


Van-Gogh

Van Gogh – The Immersive Experience.

(Khuôn mặt tượng Van Gogh dưới ánh sáng di động.)


Đối với một số người có cá tính tôn trọng truyền thống, việc thưởng thức bức họa treo trên tường vẫn đúng đắn và thích hợp hơn bức họa đó xuất hiện di động với điện tử. Xem bức tranh vẽ bằng cọ bằng dao vẫn khoái hơn xem bức tranh vẽ bằng sơn xì, hoặc vẽ với kỹ thuật và phương tiện hiện đại. Thực tế, đây là những tác phẩm khác nhau, cho dù có cùng một tác giả, hoặc có cùng một bức tranh gốc. Nguyên bản và tái tạo là hai tác phẩm khác biệt. Nhưng quan điểm nhấn là thời đại và tương lai. Sự văn minh tiến bộ sẽ không chờ đợi một ai. Khi mọi người đi xe hơi mà minh đi xe ngựa, chắc chắc sẽ lẻ loi và lấm nhiều bụi bặm.  
 
Đối với một số người sáng tác có niềm tin khẳng định, sáng tác theo một phong cách riêng. Nỗ lực tự vượt qua bản thân. Không cần thiết quan tâm đến những nền nghệ thuật thế giới, những phát triển của nghệ thuật đương thời, thông thường, sau một thời gian họ sẽ bị lạc lõng, lạc đề, và lạc hậu, không còn theo kịp đà tiến của văn chương phù hợp với thời đại. Vì sao?
 
Nghệ thuật luôn luôn theo sát đời sống cá nhân và đời sống chung của xã hội và thế giới (nhất là hiện nay với những kỹ thuật điện tử mang tính toàn cầu). Nếu chỉ giữ sáng tác sát theo kinh nghiệm riêng và hiểu biết cũ, không màng đến nghệ thuật thế giới đang đi về đâu, dĩ nhiên sẽ như đi xe ngựa giữa xa lộ toàn xe hơi.
 
Bản tin của The Art Newspaper tháng 12, 2021 cho biết tổng số bán sản phẩm nghệ thuật đấu giá trên toàn cầu từ tháng Bảy, 2020 đến tháng Sáu, 2021 lên đến cao điểm 2.7 tỷ. Nghĩa là, sự yêu chuộng nghệ thuật vẫn nồng nàn và sự yêu chuộng này phân phối theo sản phẩm đa dạng (không một thể loại nào trong nghệ thuật thị giác được xem là độc tôn). Hoặc đã đến lúc, phong trào, trường phái nghệ thuật không còn là hấp lực lôi cuốn giới thưởng thức? Có hay không có, không phải là điều đáng quan tâm? Dù sao câu hỏi về các phong trào nghệ thuật trong thế kỷ 21 vẫn thắc mắc trong tâm tư sáng tác và thưởng ngoạn: Liệu đây sẽ là những phong trào đúng đắn, có phẩm chất hay chỉ là những nhóm hoa hòe mà thị trường lợi nhuận cố tìm ra rồi đánh bóng, đặt tên?
 
Những chú ý hiện nay hướng về nghệ thuật va chạm với đời sống, với lý tưởng, với quyền trí tuệ và cảm xúc của con người. Ví dụ, sau phong trào Black Lives Matter, một làn sóng ào ạt, các sáng tác của các nghệ sĩ da màu được đón nhận trên thị trường, vào phòng triển lãm và bảo tàng viện. Phong trào giới tính, phong trào nữ quyền, phong trào hậu thuộc địa, phong trào quyền thiểu số, v.v… cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo mà trước đây không thể có. Như vậy, phải chăng phong trào nghệ thuật của thế kỷ 21 là phong trào Chủ nghĩa Toàn cầu – Globalism – và phong trào chủ nghĩa Đa văn hóa – Multiculturalism?
 
Vài Khuynh Hướng Nghệ Thuật 21
 
Thật ra, Globalism và Multiculturalism là hai phong trào văn hóa, liên quan trực tiếp đến phong thái, hành vì và suy nghĩ hằng ngày. Nghệ thuật chỉ là một phần của văn hóa. Sự thể hiện tính toàn cầu và tính đa văn hóa vào tác phẩm nghệ thuật, không chỉ là sự lựa chọn của sở thích, mà bộc lộ trình độ thuần hóa nhân bản, và mức độ đồng cảm giữa người và người khi hai phong trào văn hóa này du nhập vào sản phẩm nghệ thuật, tạo ra một lãnh vực chuyên môn, có tên gọi là “Văn hóa thị giác” (Visual Culture).
 
Nghĩa là nghệ thuật thị giác hòa lẫn truyền thông bày tỏ những chủ đề gay cấn trong xã hội. Họ sử dụng bất kỳ những phương tiện nào khả thể để thực hiện tác phẩm. Kề cả việc hòa nhập nghệ thuật cổ điển vào nghệ thuật tân kỳ, ví dụ vẽ tranh Gà Lợn bằng kỹ thuật Tân Lập thể hoặc Trừu tượng.
 
Đối với những nghệ sĩ từ những quốc gia chưa phát triển như các nghệ sĩ Việt ở Hoa Kỳ, luôn luôn có sự tương tranh văn hóa giữa văn hóa quê hương và văn hóa bản xứ. Thể hiện được tính nết và cái đẹp văn hóa Việt vào văn hóa ngoại quốc, làm tăng giá trị sáng tạo, là một nghệ thuật khác hơn là nghệ thuật sáng tác. Đây là nghệ thuật đặc thù của những nghệ sĩ lưu vong, di dân, di trú. Đòi hỏi khả năng tinh tế, nhạy cảm, sắc bén, và sự xuất thần của vô thức. Cũng có thể xem đây là một quyền lợi (hoặc ân sủng) sáng tác mà các nghệ sĩ bản xứ không có dày kinh nghiệm.
 
Một vài khuynh hướng nghệ thuật sáng tác lộ diện trong hai thập niên đầu của thế kỷ, gây ra sự chú ý của giới yêu nghệ thuật.
 
1. Thẩm Mỹ Giao Tiếp (Relational Aesthetics, thẩm mỹ quan hệ)
 
Do nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Nicolas Bourriaud đề xuất từ năm 1998. Khuynh hướng này không nhắm vào việc tạo ra các đối tượng, tác phẩm nghệ thuật thông thường, mà họ nhắm vào sự sinh hoạt chung của các nghệ sĩ để tạo ra sự giao tiếp với người thưởng ngoạn. Họ cùng nhau tạo ra những tình huống, những trường hợp nghệ thuật để thu hút, lôi cuốn người tham dự. (Khái niệm này đã manh nha từ những phong trào trước đây trong các lãnh vực sân khấu, kịch nghệ, trình diễn như phong trào Happening, 1959, của Allan Kaprow; phong trào Situationists, 1957-1962; nhóm Fluxus, 1959-1978. Nhưng trước hết là quan điểm nghệ thuật của phong trào Dada ngày xưa.) Nói một cách ngắn gọn, sự giao tiếp là sản phẩm nghệ thuật.

Tham my giao tiep

Thẩm mỹ Giao tiếp.


2. Tân Dada (Neo-Dadaism) và Nghệ thuật Phi lý (Absurdist Art)
 
Phong trào Dada xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, rồi qua đời sau một thời gian ngắn, để hậu duệ của nó nổi bật lâu dài, đó là trường phái Siêu thực (Surrealism).
 
Gần đúng một thế kỷ sau, Dada sống lại với những hình thức mới, gia tăng khuynh hướng “phản nghệ thuật một cách thách thức”. Sự phát triển văn hóa thị giác và nghệ thuật hoạt hình (animanated) đưa ra nghệ thuật châm biếm, hài hước và phi lý. (Nhiều nhất và dễ nhận là trong chuyện tranh và video). Căn bản của nghệ thuật Dada được sinh ra từ những xã hội cần trút bỏ nỗi thất vọng về thế giới, vì những tệ nạn khủng hoảng không cần thiết bởi những cuộc đại chiến. Những nghệ sĩ Dada hôm nay cũng đang chiến đấu với những cuộc chiến tương tự và sự mê muội của xã hội con người.
 
Nói đến phong trào Dada, người Việt thường gọi là phong trào thơ “hũ nút”, dường như là một phong trào mơ hồ trong kiến thức chung của dân ta. Từ “hũ nút” nhắm vào kỹ thuật sáng tác thơ, mà khi người mình nói lên đã đính kèm theo một chút chê bai. Thực tế, tầm quan trọng của phong trào Dada nằm ở quan niệm. Vì vậy, khi kỹ thuật chết đi, quan niệm đó tồn tại, đã làm nền tảng cho trường phái Siêu thực lừng lẫy. Và sau này trỗi dậy thành hình Tân Dada.
 
Quan điểm chính của Tân Dada là tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và chuyện đời bình thường hằng ngày. Một sự kết hợp giữa nghịch ngợm, đả phá thần tượng, và chiếm hữu đời sống. Nghệ sĩ Tân Dada sử dụng các vật liệu hiện đại, hình ảnh phổ thông, để trình bày sự tương phản theo chủ nghĩa phi lý. Phản ứng ngược lại phong trào Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionalism) và phủ nhận các khái niệm truyền thống về thẩm mỹ. Phong trào này phổ biến mạnh ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu.
 
Nghệ thuật Neo-Dada:

Tan Dada
Nghệ thuật Tân Dada (1)

Tan Dada 2

Nghệ thuật Tân Dada (2)


Tan Dada 3
The History and The Awakening, Widewall, Tân Dada.

Một người lấy chiếc tô thủy tinh khá rộng, bỏ đầy những viên đá lớn khoảng trái banh quần vợt. Ông hỏi, “Đã đầy chưa?” Hầu hết người xem đều trả lời, “Đã đầy rồi.” Ông lấy mấy chén cát biển đổ vào, cát chảy lấp đầy các khoảng trống giữa các viên đá, cho đến lúc cát tràn. Ông hỏi, “Đã đầy chưa?” Mọi người đồng thanh, “Đầy quá rồi.” Ông lấy vài ly nước, đổ vào. Nước thấm vào cát cho đến khi ngập đến miệng ly. Ông hỏi, “Đã đầy chưa?” Không nghe ai nói gì.
 
Gần ba năm nay, tôi nghĩ về câu chuyện này. Biết đây là một ẩn dụ cụ thể, vì tôi chứng kiến tận mắt, nhưng nó có khả năng trừu tượng hóa cho nhiều quan điểm, khái niệm và ý tưởng. Tôi nghĩ, nghệ thuật là như vậy: không bao giờ đầy. Theo thời gian, nghệ thuật này hòa vào nghệ thuật kia trở thành nghệ thuật khác. Tiếp diễn không ngừng. Chỉ có lòng người không mở rộng kịp thời nên bị tràn đầy, hoặc không hiểu biết đủ nên tưởng đã đầy.
 
Tiến vào một phần tư của thế kỷ 21, cũng như các thế kỷ trước, luôn luôn sẽ bắt gặp nhiều câu hỏi, mà câu trả lời chỉ có thể chờ đến cuối thế kỷ mới có thể giải quyết. Những câu trả lời vào cuối thế kỷ 20 về những thao thức nghệ thuật, đã nhắc nhở người nghệ sĩ thế kỷ 21 nhìn lại dòng sáng tạo, kiểm tra kinh nghiệm sáng tác của thế kỷ trước. Vì sao nghệ thuật có thân xác và linh hồn như hôm nay? Mỗi người nghệ sĩ chân chính sẽ phải tự kiểm điểm lại quá trình sáng tác của bản thân. Đừng để như tác phẩm của Sally Rooney, “Beautiful World, Where Are You?” mà nhân vật chính, Alice, đã băn khoăn, “Tôi nghĩ về thế kỷ 20 như một câu hỏi dài, để đến cuối thế kỷ, chúng ta đã có câu trả lời sai lạc.”
 
Ngu Yên
(12/2021) 
 
 
Ghi chú:
 
Bài viết mang tính sơ lược, trong khuôn khổ ngắn, không thể giới thiệu hết những khuynh hướng nghệ thuật chưa phát triển mạnh trong đầu thế kỷ 21 và cũng không thể đính kèm đầy đủ hình ảnh biểu tượng cho nghệ thuật đương đại. Xin cáo lỗi.
 
Tài liệu:
 
1. The Art Newspaper. December 02, 2021: “The end of 'isms': is the art market the most powerful movement of the 21st century?”
 
2. Art & Perception: “What is the Art of the 21st Century.”
 
3. Predict, November 28, 2017: “The 21st Century Art Movement. What Is It?”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hát Rong thường quy tụ một nhóm năm bảy người đi hát từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt họ có những buổi trình diễn do các nhà quý tộc, lãnh chúa hay những kẻ giàu có tổ chức trong các lâu đài dinh thự...
Nói chung, nghệ thuật muôn đời là bị kiểm duyệt. Đó là số phận bất khả tách rời của một tác phẩm. Thời xưa, tác giả có thể bị rơi đầu, thời nay thì bị tường lửa. Trước tiên, một bài thơ, một bức tranh, một pho tượng, một tiểu thuyết, một bộ phim… ban đầu là lựa chọn của tác giả, được chọn lọc để trình bày những gì tác giả tin là đẹp nhất có thể, và nêu lên được nhận thức của tác giả đối với cuộc đời. Người độc giả, người xem tranh, người xem phim sẽ có những phản ứng khác nhau. Và rồi, phía chính quyền, phía dư luận nhà trường, phía các giáo hội… sẽ dòm ngó xem có vi phạm cấm kỵ nào hay không để sẽ phải vùi dập, nếu cần. Ngay cả tại Hoa Kỳ, những phản ứng cấm kỵ vẫn xảy ra, bất kể Tu Chính Án số 1 là quyền Tự do phát biểu. Có những cuốn sách này vẫn bán được tại các tiệm sách hay trên mạng, nhưng lại bị cấm đưa vào thư viện công cộng nhiều nơi, nhất là tại các tiểu bang bảo thủ.
Những buổi học này không chỉ là về đường nét và màu sắc, mà còn mở ra một hành trình đáng yêu với câu chuyện, tạo ra những kí ức bền vững và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa. Hãy đưa gia đình của bạn đến trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt này, nơi không chỉ học về nghệ thuật mà còn kết nối qua sự sáng tạo và khám phá về biểu đạt nghệ thuật.
Vào những năm (1226-1258) đời vua Trần Thái Tông, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, nước ta vẫn luôn được đặt trong tình trạng chuẩn bị cho chiến tranh. Sống cạnh một đế quốc hùng mạnh, đã từng xâm lấn và san bằng một nửa thế giới đâu có dễ dàng. Có lẽ điều ấy đã thúc đẩy vua Trần Thái Tông giao trọng trách viết sử cho Lê Văn Hưu, gia sư của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải...
Nếu “cà phê muối”, như là phát minh của đất Huế mặn mà, có thể thoải mái kết bạn với giới trẻ của đất ngọt Sài Gòn suốt mười năm qua mà không gây nên gợn sóng nào thì “trà muối”, chỉ mới là công bố khoa học của một người Mỹ thôi, lại chọc giận hầu như cả nước Anh, khiến giới ngoại giao Mỹ phải nhấp nhổm vào cuộc, sợ rằng chuyện bé sẽ xé ra to, làm sứt mẻ quan hệ thâm tình giữa nước. [1] Chuyện diễn ra sau khi nữ Giáo sư Michelle Francl, thuộc Bryn Mawr College ở tiểu bang Pennsylvania, lên tiếng rằng để có ly trà ngon thì phải… nêm muối.
Giáp Thìn đang tới. Theo truyền thống mừng Tết Nguyên Đán, hình ảnh linh vật rồng đã xuất hiện nhiều nơi trên phố chợ và truyền hình, với ước mơ cho năm mới, người người sẽ an vui hơn, sẽ hạnh phúc hơn. Bất kể, thực tế là năm 2024 có thể sẽ bất an nhiều hơn, tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Bài viết này, trong dịp đưa tiễn năm cũ để đón năm mới, sẽ kể chuyện rồng, với lời chúc an vui và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh nơi cõi này.
Rồng là con vật đứng đầu trong bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Và như chúng ta biết, Rồng là con vật không có thật trên thế gian và Rồng do trí tưởng tượng của con người mà có trong chuyện cổ tích. Trong 12 con giáp, Rồng đứng thứ Năm và có thể nói là con vật cao quý nhất vì lúc nào Rồng cũng ở trên… mây.
Con rồng không phải là con vật có thực trong giới sinh vật mà chỉ là thần linh hư cấu, hình ảnh con rồng được tạo dựng bởi sự tổng hợp đặc trưng loài động vật theo óc tưởng tượng của con người, nên hình ảnh con rồng thay đổi ở mỗi bản vẽ và phức tạp: Rồng giống hươu, đầu rồng có lúc giống lạc đà. Mắt rồng giống quỷ. Cổ rồng giống cổ rắn. Bụng rồng giống bụng con tằm. Vẩy rồng giống cá, vuốt rồng giống vuốt chim. Chân rồng giống chân hổ, có người lại cho là chân rồng giống chân rùa. Tai rồng giống tai trâu bò. Con rồng giống tất cả mọi chi tiết của nhiều loại động vật khác nhau, do đó, người ta quý trọng con rồng.
Đó là ngày 26 tháng 4 năm 1937. Tây Ban Nha đang hỗn loạn cùng cực: Tướng Franco và một phần của quân đội phản đối cuộc bỏ phiếu phổ thông giao chính quyền Cộng hòa Tây Ban Nha cho các đảng cánh tả. Đất nước bị chia cắt tơi tả, xâu xé bởi một cuộc nội chiến đẫm máu...
Đạo Phật do đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni Buddha) khai sáng ở Ấn Độ. Căn bản của giáo pháp là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo. Nhờ sự uyển chuyển của giáo pháp mà đạo Phật thích ứng với mọi giai tầng trong xã hội, khế hợp với nhiều nền văn hóa khác nhau, phát triển mạnh ở các quốc gia khác nhau. Ngay cả những nước tân tiến nhất hiện nay như Mỹ, Canada, Tây Âu… Đạo Phật vẫn thích ứng và cùng đồng hành với những tôn giáo khác...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.