Nguyễn Thị Khánh Minh , Nguyễn-Hòa-Trước, Trịnh Y Thư

1/20/202300:00:00(View: 2887)

 

Minh-họa-Đinh-Trường-Chinh
Minh họa Đinh Trường Chinh.

 

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Muôn dặm xuân xanh

  

Thưa người nước mắt bình minh

Cái trong veo để phục sinh lại đời

Thưa người những bước rong chơi

Đưa nhau ngàn dặm nụ cười tung tăng

 

Sóng cao vực thẳm thưa rằng

Chân con kiến bé cứ lằng lặng đi

Mùa nào hút cánh thiên di

Qua sông núi biếc. Sợ gì nắng mưa

 

Mộng nghe anh vũ gọi mùa

Táo lên chín đỏ về thưa thốt rừng

Tháng năm ai trẩy hội mừng

Theo chân nhau bước cỏ từng ngọn xanh

 

Thưa người nước mắt long lanh

Là ánh trăng. Là đêm thanh. Nguyệt rằm

Nhẹ lòng. Ru hết tháng năm

Vì nhau. Muôn dặm xuân xanh. Thưa rằng...

 

*

 

Đồng dao ta

 

 

Đồng dao ta, tập tầm vông

Ỡm ờ có có không không. Hẹn hò

Xòe hai tay… một tẽn tò

Đồng dao ta, tập tầm vó

Tìm chi không không có có. Đùa chơi

Xòe hai tay… một ngậm ngùi

 

Mỏi cổ ngẩng theo tầm với

Trời trên cao mây cứ nổi trêu ngươi

Xin cùng con gió, dài hơi…

Ú tim đất trời hú gọi

Bóng nhân gian chắn một cõi u sầu

Mây xa vực thẳm ngang đầu… 

 

Hóa ra mình đã lạc nhau

Bao năm tìm bóng mà đâu với hình

Cho ta giờ lại có mình…

Ngồi xuống với nhau tình tự

Cõi buồn xưa nhập cõi chữ âm thầm

Tạ nhau, hai cõi tình thâm

 

Nông nỗi lệ dài lệ ngắn

Xóa làm sao cái bóng đậm đêm thâu

Để dài bước tới mai sau

Năm mười… ta trốn đi đâu

Mở con mắt hát ví dầu ầu ơ

Buông đi mà mộng bất ngờ

 

Chiêm bao Nhân Gian Kỳ Ngộ

Dải lụa xanh bay duyên nợ bềnh bông

Bước ra với ngọn cỏ hồng

Thôi nhân gian, thôi có không. Thôi, hòa…

Tầm vông, chờ bông nở hoa

Dài hơi tiếng gọi nhau. Và gió bay

 

– Nguyễn Thị Khánh Minh

 

*

 

NGUYỄN-HÒA-TRƯỚC

 

xuân theo chim đêm về trên đồi

 

hương xa phân phất vò viên mảnh

khảnh bụi giao thừa lư cọ bóng

thở bảy nhịp ra thăm cõi ngoài

chim đồi hô tụng xuân đang ngai

 

chỉnh trang sửa mũ đê đầu đón

cánh trắng len vào bây bẩy đêm

bay ngang nửa chạm gờ tim ấm

biết bám vào đâu tơ chẳng chìm?

 

ngất ngây đất sỏi khoanh vồng cỏ

đai áo phùn rươi hồng gót thỏ

thẻ nhúm thông tua vẩy vuốt lời

tụng phù phép cặm đầy ngách gió

 

suốt vật vờ lau khung dệt bụi

bặm lim dim mắt lỗi khe nào?

ngây thơ suốt kén râm ran hỏi

ân nợ chi luồng biên sợi nhau!

 

bột kem ken ẩm chín mương tay

đắp ngực chăn cừu nhốt vũ mây

sướt sượt chỉ bào se gãi dột

ngôi nghiêng tóc chải rợn trần ai

           

nương dốc ê hề luống đánh sẵn

thông thiêng mù vẩy tháp bình minh

chon von vọng gác cây rừng nhắn

chớ máy động môi trầm giọng kinh

 

chống gậy lần leo thời vĩnh thọ

hân hoan xa giá gửi theo hầu

chèo hao hức khoắng nheo nhằn sóng

khói độn cong hồ buồm tốc nâu

 

sơn ca hẹn mở màn nghi lễ

đuôi đóm mày liềm ló hạc nai

đào bích câu vườn mưng mứt nhựa

chiết sương cất rượu rịn nhầy khay

 

thả sao dầy là vụ sẽ mỏng

cởi nhạc thiều thì khí sẽ yên

đủ mộng du rồi gà gáy rạng

tết vần treo tranh cổ thi thiên

 

nặn vú gái soan rìn rịn phấn

mặt hoa chổi múa tinh tươm ngấn

gân tanh tách lục diệp khuyên tròn

trà ấm sôi tăm hồn kiện tráng

 

– Nguyễn-hòa-Trước

(2023)

 

*

 

TRỊNH Y THƯ

 

10 bài Hokku Xuân

 

1.

Tầm xuân một nụ hé

     Sướt mướt đêm hôm vũ mộng

          Long lanh hạt nước tròn.

 

2.

Vú xuân mây mẩy

     Đóa hương phong nhị hớ hênh

          Ngẩn ngơ hồn bóng quế.

 

3.

Giấc mơ xuân u hiển

     Trời xanh và đá vàng

          Góc buồn lệ nhỏ tan.

 

4.

Bốn bề xuân khóa mộng

     Không thấy nàng bên trong

          Một mình ta u cư.

 

5.

Xuân tiêu nhất khắc

     Một cơn gió thoảng qua

          Ngọn nến chừ muốn tắt.

 

6.

Mưa xuân vân vi hạt

     Tơ trời mong manh lắm

          Vân mòng làm sao rồi.

 

7.

Ngờ cõi này không thực

     Ta nương náu xuân miên

          Chỉ thấy hoang cổ mộ.

 

8.

Xuân tàn trên hoa tàn

     Nắm cỏ huyên còn nhớ

          Một đời người đã qua.

 

9.

Nhớ xuân trong cổ tích

     Bên kia giồng bờ bụi

          Bóng hình chẳng còn ai.

 

10.

Xuân khứ… Ừ, biết rồi

     Thôi thôi, đừng nói nữa

          Nói nữa cũng vậy thôi.

 

– Trịnh Y Thư

(2023)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tôi khuyên ông tạm dừng ra quán uống rượu uống cà phê / bạn ta theo đảng Dân Chủ cũng nhiều mà Cộng Hòa cũng lắm / động tới chuyện bầu cử, vaccine, covid, khẩu trang / thế nào cũng có khả năng choảng nhau văng nước miếng / lúc say máu ngà có tránh trớ virus gì đâu?
“Đôi khi Chàng gần, đôi khi Chàng xa / Chàng vẫn ngồi đâu đó từ hôm qua / Cho đến hôm nay, và ngày mai nữa / Dòng sông vẫn đầy và trôi đi xa.”
Cả Trung Quốc, một cõi người đông như cỏ, mới có một tài năng thần kỳ như Bào Đinh, cắt thịt như gió xuyên qua lá, tưởng chừng là loạn đao, mà lại thứ tự lành nghề, đạt đến kỹ thuật cao, và nghệ thuật độc nhất vô nhị. Nhưng vài mươi năm sau, ông ta qua đời. Từ đó, không còn ai thừa kế. Tài năng vượt thời gian trở thành truyền thuyết. Về sau, biết bao nhiêu người vì truyền thuyết đã mơ tưởng tu luyện để tiến đến nghệ thuật kỳ tài. Vì không thể nào lưu truyền, tài năng cắt thịt không mang lại ích lợi chung là bao nhiêu.
khi tôi ngước mặt trả lời / bà đã quay lưng / nắng sớm vươn theo lấp lánh / trên tóc trên vai / áo phất phơ bay trong gió
chút ánh sáng của núi rạng đông / phương đó quê hương là mặt trời / rót chén rượu ân tình nắng ấm / lòng xao xuyến như lần đầu tìm nhau / tấm lòng như con nước dâng cao / hạnh phúc như đến từ vũ trụ / giấc mơ vẽ lên bức tranh trăm nỗi / cuộc tương phùng cuối đời
Thơ ông có bí mật ma thuật ra sao? Xin đọc Howl (Hú), bạn đọc sẽ thấy chữ nghĩa biến hóa, phẩm chất văn chương văn học, cách mạng văn học, hòa tan vào nhau, cuồn cuộn bất ngờ, như múa lân, không biết lúc nào nó ngóc đầu, đập đuôi, xàng xê, nhảy cao, trồn đồn, lăn chiên. Đám muá lân đó, có Bùi Giáng đóng vai tề thiên đầy phép tắc và huyền thoại.
Saigon mẹ tôi không miếng trầu tươi / Không miếng vôi nồng, môi miệng biếng cười / Mẹ ngồi lặng nghe từng con số tới / Số cứ tăng dần, mắt Mẹ lệ rơi
bất kể dự báo thời tiết hôm nay & mười ngày tới / ở một nơi rất riêng tư ̶ ̶ ̶ trước không hề có tên / nay gọi vùng vịnh bóng đè / đối mặt một đại dương chưa bao giờ phẳng lặng
Ba bài thơ trên được trích từ tập sách "Không Đứng Mãi Trong Tranh" của Lê Chiều Giang, sách gồm những bài tùy bút ngắn tác giả viết "Mà như vẽ lại... không hề tẩy xóa, chẳng tô vẽ thêm..." và những bài thơ "hiện thực đầy ẩn dụ". "Không Đứng Mãi Trong Tranh" của Lê Chiều Giang là cuốn sách đầu tay và duy nhất được tác giả gởi tặng đến những người bạn của Nghiêu Đề và bạn Cô, với lời Nguyễn Thị Thụy Vũ viết thay đề tựa: "Chúng tôi sẽ đọc Lê Chiều Giang, những giòng chữ chảy lui về quá khứ. Một quá khứ không thể nào không nhắc tới, nhớ tới... Những quá khứ của thời đã "Chết đi, sống lại." Đọc Lê Chiều Giang là đứng lùi lại, ngắm nhìn những bức tranh vẽ lại kỷ niệm, bạn bè, tình yêu, những điều rất xa xưa, bằng cặp mắt của hiện tại, bức tranh của những tháng ngày cũ ẩn hiện bằng cảm xúc riêng của tác giả, nhưng rất chung như chính trăn trở của bạn bè, thế giới, thời đại của Cô. Đọc thơ Lê Chiều Giang, là để ngọn khói trong lòng mình bay lên, là "Mổ trái tim.
Thơ ba dòng là một thứ “hố đen” trong vũ trụ thơ. Đó là thứ “thơ còn lại” sau khi thiêu rụi những rườm rà, những quy cách, những lối mòn của những đường lối thơ đã trở nên chán ngắt mà, trong đó, nổi bật nhất, là sự mượt mà du dương của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ ba dòng, do đó, là thơ để nghĩ hơn là để ngân nga như những nhạc điệu êm tai và, trong tương tác với người đọc, như là một thứ thơ đã nén chặt, nó sẽ bùng nổ theo những liên tưởng và suy tưởng không ngờ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.