Giới Thiệu Giả Thuyết Dịch Thơ - Thường. Thấm. Thấu

18/05/202111:57:00(Xem: 2595)

Untitled



(Cập nhật tháng 3, năm 2021.)

Ngu Yên

Edward Teller nói rằng: " Một thực tế là một phát biểu đơn thuần mà mọi người đều tin. Nó vô tội, ngoại trừ chứng minh nó có tội. Một giả thuyết là một gợi ý mới lạ, không ai tin. Nó có tội, trừ phi chứng minh được hiệu quả của nó."  Giải thuyết dịch Thường Thấu Thấm bắt đầu từ những ý niệm thực tế: 1- Thường: văn bản với ý nghĩa bình thường, 2- Thấu: văn bản với ý nghĩa thấu, (hiểu suốt một mạch bằng trực giác, cảm nhận, không cần phải lý luận phân tích.), 3- Thấm: văn bản với ý nghĩa thấm, (phải vận dụng trí tuệ, ý thức, luận lý để tìm hiểu ý nghĩa ẩn núp bên dưới văn bản).

Câu chuyện Thường Thấu Thấm.

Trước đây, Thường Thấu Thấm thuộc về giả thuyết thưởng ngoạn và sáng tác. Tuy nhiên, dịch thuật cũng mang cấu trúc  cơ bản của ngôn ngữ và ngữ pháp, được xác định minh bạch về bản chất, cá tính và chức năng, có tính toàn cầu trong hệ thống ngôn ngữ, có tính chung để thông đạt, nên giả thuyết này có thể áp dụng vào dịch thuật, song song với giả thuyết thưởng ngoạn và sáng tác.

Đã gọi là giả thuyết tức là cần thời gian để nghiên cứu thêm, để thực hành điều chỉnh, để bảo đảm giả thuyết có thể trở thành lý thuyết. Quan trọng hơn, trong dịch thuật, lý thuyết không bằng thực hành, nên để giả thuyết đi đến phương pháp dịch và kỹ thuật dịch. (Gọi tắt “Thường Thấm Thấu” là Phương Pháp Tam T. và Kỹ Thuật Tam T.)

Nhưng gọi là giả thuyết, không phải là hư cấu, mà là từ kinh nghiệm về thực tế, phát sinh do nghi vấn "...có thể nào hay không?" và quyết tâm, thử xem kết quả ra sao? "Có hai chuyện có thể xảy ra: Nếu kết quả khẳng định giả thuyết, nghĩa là, bạn đã đo lường được. Nếu kết quả ngược lại với giả thuyết, có nghĩa là bạn đã thực hiện một khám phá.." (Enrico Fermi.)

Kinh nghiệm đó bắt đầu từ ba tôi có một ngôi nhà cổ do họ nội để lại, ở tận Trường Thế, Bình Định. Căn nhà ngói nặng nề được chống lên bởi mười hai cây cột gỗ mun. Mỗi cây lớn bằng hai người ôm, thẳng đuột lên trần nhà cao. Nhà chia làm ba ngăn, có một cái lẫm lúa lớn, đen thui, đầy bí ẩn.

Khi dọn về Qui Nhơn, ba tôi quyết định dời nguyên ngôi nhà cổ về con hẻm ở đầu núi trọc. Ngôi nhà được một đám thợ lành nghề tháo gỡ, theo thứ tự từ mái xuống nền. Họ di chuyển từng phần, theo thứ tự, rồi ráp lại từ nền lên đến mái.

Ngôi nhà ở Trường Thế chỉ còn cái nền đất nung, nhô cao. Ngôi nhà ở hẻm núi trọc, bề thế. Mái đỏ, ngói kiểu xưa, dày và cong. Nền và vách cho dù cùng chu vi và chiều cao, vách được thay thế bằng xi măng, cốt sắt; nền tráng xi măng láng trơn. Cửa trước, cửa hông, cửa sau vẫn như vậy. Ba tôi trồng thêm hoa, cây ăn trái. Vài năm sau, ngôi nhà trông mỹ miều. Tôi lớn lên trong căn nhà này.

Ý niệm tháo gỡ theo cấu trúc từ trên xuống, rồi tái tạo cấu trúc từ dưới lên, cho tôi một cách nhìn về dịch. Bắt đầu với những bài thơ ngắn, tôi dịch.

Hóa ra không đơn giản, những ông thợ lành nghề mấy chục năm kinh nghiệm kia, đành phải bỏ nền bỏ tường để xây lại ngôi nhà. Nhìn thì giống, xét kỹ có chỗ khác biệt với ngôi nhà cũ. Nhiều chi tiết bên trong phải thay đổi theo đời sống. Phải xây thêm phần nhà bếp vì cần chỗ rộng để nấu nướng. Duy chỉ những cây cột gỗ mun là không thay đổi và cái lẫm lúa vẫn y nguyên như hồi nào, chỉ khác thời gian và không gian. Những bài thơ dịch của tôi cũng như vậy. Ba tôi không lo âu, còn tự hào về tác phẩm, “Dời Nhà” của ông. Còn tôi lại rất lo âu, vì e rằng mình dịch bài thơ sai lầm, vì không thể nào giống như bản chính. Nhưng nếu giống bản chính,  đọc lên đã thấy ngô nghê, khó hiểu và đôi khi nghe rất dị kỳ.

Mặc cảm này khiến tôi ngưng dịch thơ và đeo đuổi học thuật dịch. Ngạc nhiên thay, khi tôi tìm thấy những dịch giả tên tuổi ở Hoa Kỳ, dịch cùng một bài thơ, ra nhiều bản dịch khác nhau, có nhiều đoạn khác nhau hoàn toàn. Tôi không hiểu. Rồi tôi hiểu, nếu dời ngôi nhà của ba tôi một lần nữa, với những người thợ khác, chắc chắn sẽ khác ngôi nhà Trường Thế, khác luôn ngôi nhà hẻm núi trọc.

Nghiền ngẫm cái dịch, đưa đến những bài viết trong Ý Thức về Dịch Thuật. Chỉ có viết xuống mới có thể hiểu những điều đã thu thập. Chỉ có thực hành mới chứng minh những gì nhận thức là hữu dụng. Giả thuyết này là một phần trong tác phẩm Ý Thức Về Dịch Thuật. (Ngu Yên, 2016.)

Tóm lược giả thuyết Thường Thấu Thấm.

Giả thuyết rằng:

1-    Tất cả văn bản văn chương đều cấu tạo bởi đơn vị hành văn ngắn nhất, đơn giản nhất là mệnh đề. Một mệnh đề đầy đủ, đã là một câu. Thường khi, một câu gồm có mệnh đề chính và mệnh đề phụ.

      Mệnh đề/câu được cấu trúc bởi đơn vị từ vựng hoặc cụm từ trong diễn tiến của cú pháp, còn gọi là văn phạm.

      Trong một mệnh đề hoặc một câu sẽ có những từ ngữ chính hoặc cụm từ chính để làm mấu chốt xây dựng cả mệnh đề/câu. Từ vựng chủ lực thường là động từ, chủ từ, danh từ. Những từ này tạo ra văn cảnh, văn tứ, văn nghĩa của câu. Những loại từ khác tạo ra thẩm mỹ hoặc văn phong.


2-    Những mệnh đề/câu chia ra thành ba loại chính yếu:

-       Mệnh đề/câu THƯỜNG.

-       Mệnh đề/câu THẤU.

-       Mệnh đề/câu THẤM.


THƯỜNG:

Mệnh đề/câu thường bao gồm những từ vựng và cú pháp dễ hiểu. Đọc xong, hiểu liền. Không có ẩn ý, không có ám chỉ. Ví dụ: Trích Chinh Phụ Ngâm:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, (Thường)

Đường bên cầu cỏ mọc còn non. (Thường)

Đưa chàng lòng dằng dặc buồn (Thường)

Bộ khôn bằng ngựa,thủy khôn bằng thuyền.

      Ba câu đầu đọc xong, hiểu liền, thuộc về câu xây dựng với từ vựng và văn phạm bình thường, với ý nghĩa rõ ràng. Câu thứ tư, phải suy nghĩ mới hiểu, phải biết tiếng nôm mới có thể hiểu rõ: Chàng lên đường bộ, thiếp tự giận thiếp không bằng con ngựa / Chàng đi đường thủy, thiếp tự giận thiếp sao không bằng chiếc thuyền. Câu này thuộc về câu Thấm.

      THẤU:

Những câu nói, những câu viết phát sinh ra từ kinh nghiệm thâm thúy, từ trực giác của kinh nghiệm sống, có nội dung mở rộng kinh nghiệm chung từ một kinh nghiệm riêng. Bao gồm, ca dao, tục ngữ, và những câu có dạng trích ngôn (quote). Ví dụ, sai một ly, đi một dặm. Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư....v...v...

Thi ca là nơi sáng tạo nhiều câu nói "xuất thần", những câu nói để đời, những câu nói làm cho trí tuệ ngạc nhiên, thú vị được thỏa mãn, hoặc cảm xúc bị rúng động. Những câu nói đó thuộc về câu thấu.   

"Poetry is an echo, asking a shadow to dance. Thơ là tiếng vọng, mời chiếc bóng  nhảy múa." Carl Sandburg.

"Hít vào kinh nghiệm, thở ra thơ. Breath-in experience, breath-out poetry." Muriel Rukeyser

"Điều cao cả nhất để giữ chặt đời sống là có nhau. The best thing to hold onto in life is each other." Audrey Hepburn.

"Một người mẹ tốn 20 năm để hóa thằng bé thành đàn ông, còn người phụ nữ khác chỉ mất 20 phút để hóa người đàn ông thành kẻ dại khờ. A mother takes twenty years to make a man of her boy, and another woman makes a fool of him in twenty minutes." Robert Frost.

Bản tính Thấu thể hiện qua mệnh đề/câu, được xây dựng bởi từ vựng, cú pháp dễ hiểu nhưng tứ và ý  có thể đến từ một kinh nghiệm trực giác, có thể thuyết phục cảm xúc hoặc trí tuệ của người đọc ngay lập tức. Đôi khi tứ và ý đó như một cú sốc, như một tác động mạnh mẽ gây cảm xúc hoặc cảm động. Ví dụ, trích Chinh Phụ Ngâm:

Há như ai, hồn say bóng lẫn,

Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không.

Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,

Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo. (Thấu)

Câu thứ tư, khi vừa đọc xong, khiến lòng bối rối, bùi ngùi, thương cảm và nhận ra nét đẹp của văn chương, tả người thương nhớ, không màng đến nhan sắc, thân thể của mình.

THẤM:

1-  Mệnh đề/câu xây dựng bằng những từ vựng khó hiểu hoặc mang ẩn ý, khiến mệnh đề/câu hoặc khó hiểu hoặc mơ hồ.

2-    Mệnh đề/câu xây dựng bằng cú pháp/văn phạm bất thường, lắt léo, khiến mệnh đề/câu hoặc khó hiểu hoặc nghi vấn. Cần phải phân tích, chiết giải, tra cứu, hoặc nhờ sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn về lãnh vực khó hiểu đó. Ví dụ, trích Chinh Phụ Ngâm:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

 

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

Bốn câu đầu, đòi hỏi người đọc phải biết địa lý, phải biết Hàm Dương và Tiêu Tương cách nhau bao xa. Cũng có thể mườn tượng theo ý thơ, biết sự xa cách nhưng không rõ ràng. Trong bốn câu tiếp, " Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. / Ngàn dâu xanh ngắt một màu," người đọc phải biết điển tích bể dâu, nếu không phải tra cứu mới có thể hiểu.

3-    Những câu mang ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng ám chỉ, đôi khi dễ hiểu và kích động, thuộc về câu Thấu. Đôi khi khó hiểu, cần sự phân tích, tra cứu, thuộc về câu Thấm. Những câu thành ngữ, thông thường thuộc về câu Thấm.

Tóm lược căn bản của thuyết Thường Thấu Thấm cho thưởng ngoạn và sáng tác xây dựng trên thành phần cấu trúc của văn bản và cảm thức thông đạt ý nghĩa: 1- từ vựng, 2- cú pháp, và 3- trung tâm điểm là giá trị thông đạt, bao gồm sự diễn tả ý nghĩa và truyền tải thông tin.  Từ căn bản này, sáng tác sáng tạo hình thức và nội dung. Hai thành phần căn bản này hữu dụng cho dịch thuật, dùng làm phân tích văn bản gốc và giải quyết chữ nghĩa theo trật tự trong diễn trình dịch.

Nhưng trong khi đơn giản hóa để trình bày thuyết Thường Thấu Thấm, trên cơ bản xây dựng cấu trúc mệnh đề và câu, không cho phép nhìn thấy sự phức tạp trong cấu trúc của một văn bản văn chương. Để một văn bản văn chương đạt được giá trị, còn rất nhiều yếu tố và thành phần lớn nhỏ khác tạo lập cấu trúc từ hình thức đến nội dung.

Nhìn từ diện dịch thuật, tất cả những yếu tố, thành phần lớn nhỏ đều phải được nỗ lực tiếp cận dịch sang bản dịch. 

Ví dụ: Truyện cực ngắn của Andrew E. Hunt.

The Bus Station.

- One ticket to Hell please.

- I'm sorry, all departures going south are booked up.

- Anything else leaving tonight?

- We have one bus heading in the opposite direction.

- Any seats available?

- Plenty.

- Very long ride?

- No, not really, but you might want to take a good book along. I've heard it's mighty lonely trip.

(Moss 1995:168.)

Cấu trúc về từ vựng và bút pháp không có gì khó hiểu. Truyện xây dựng bởi đối thoại rất bình thường, xảy ra trong một trạm xe bus, giữa người mua vé và người bán vé. Nhưng ý nghĩa ám chỉ làm cho câu truyện có giá trị và không dễ hiểu. Trạm xe bus, người bán vé, là những tượng trưng. Nhân vật mua vé đại diện cho con người. Chìa khóa mở cửa vào ý nghĩa ám chỉ và thông điệp ẩn ý là từ ngữ "Hell", tức là "địa ngục." Nếu không có chữ này, câu truyện chỉ là câu truyện tầm thường, xảy ra hàng ngày ở trạm xe.

( Trạm xe bus.

- Làm ơn cho một vé đi Địa Ngục.

- Xin lỗi, những chuyến đi về Nam đã bán hết.

- Có chuyến nào đi trong đêm nay không?

- Chúng tôi có một chuyến đi ngược chiều.

- Còn chỗ không?

- Còn rất nhiều.

- Chạy lâu không?

- Không, không đến đổi, nhưng ông nên mang theo sách hay để đọc. Tôi nghe nói, đường đi rất cô đơn. )

Ví dụ này đưa đến sự mâu thuẫn giữa hình thức diễn đạt và nội dung thông đạt. Hình thức thuộc về Thường. Nội dung thuộc về Thấm.

Ví dụ này cũng đưa ra sự phức tạp của giả thuyết về mặt sáng tác lẫn dịch thuật: Tất cả từ vựng và ngữ pháp trong câu truyện này thuộc về Thường, vì rất dễ hiểu, ngoại trừ từ ngữ "địa ngục". Từ này làm thay đổi những câu dịch. Ví dụ, nếu không có từ địa ngục, câu truyện này bình thường, câu chót nên dịch: Tôi nghe nói, chuyến đi rất vắng vẻ. Nhưng vì là đường đi lên thiên đàng (ngược với hướng Nam, đi địa ngục), nên dịch: Tôi nghe nói, đường đi rất cô đơn, để chỉ trạng thái linh hồn hơn là tình huống ít người đi chung.

Khi thực tập giả thuyết Thường Thấu Thấm vào dịch văn xuôi và thơ, những kinh nghiệm riêng về đối phó và giải quyết những trở ngại trong lúc dịch, nhất là dịch thơ, đưa tôi đến việc đề nghị: 1- quan điểm dịch, 2- phương pháp dịch và 3- kỹ thuật dịch,  trong phạm vi Thường Thấu Thấm.

Những kinh nghiệm và tư duy này, thực chất là hiệu quả của liên văn bản, liên phương pháp, liên kỹ thuật mà tôi đang và tiếp tục tìm hiểu. Khi nói đến liên văn bản tức là nói đến một mạng lưới văn học khổng lồ, vô hạn và vô định của lịch sử và tinh túy của nhân loại. Xin ghi nhận, đây chỉ là nỗ lực của một cá nhân, có giới hạn và có khuyết điểm.

Bao nhiêu năm rời bỏ ngôi nhà hẻm núi trọc, khi trở về, nhìn lại ngôi nhà, lòng tôi dồn dập đầy thương cảm. Phong sương mưa nắng làm nổi bật nét già nua, tàn tạ. Cảnh phồn hoa chung quanh, khiến cho nhà và người vô cùng lẻ loi. Thời gian tạo ra biết bao điều kinh dị. Ngôi nhà đã được truyền bán qua nhiều chủ nhân: người Trung Hoa, người Pháp, người Hoa Kỳ, cuối cùng là một gia đình công nhân mua lại với giá rẻ. Tuy nhiên, thằng bé ngày xưa vẫn trèo cây ổi, vẫn chạy quanh trụ gỗ đen, vẫn núp trong lẫm lúa, vẫn bật cười vô tư, trong khi tôi đã đến tận cùng cảm động. Tôi bật ra ý nghĩ, muốn mua lại ngôi nhà và dời đi, như ba tôi đã từng làm.

(Trích trong tác phẩm Giả Thuyết Thường Thấm Thấu. 99 trang.)

 

Xin mời độc giả đọc tập thơ: Colors From The Dead’s Eyes. Dịch và sáng tác bằng phương pháp SLTA (Second Language Translation Aids.)

Colors From The Dea’s Eyes:

https://www.academia.edu/48832291/Colors_From_The_Deads_Eyes_Poetry_  (miễn phí)

Phát hành trên Amazon:  Giá 7.00 $

https://www.amazon.com/Colors-Deads-Eyes-Y%C3%AAn-Ngu-ebook/dp/B094S81BF9/ref=sr_1_1?dchild=1&keywords=Colors+From+The+Dead%27s+Eyes+by+Ngu+Y%C3%AAn&qid=1621290816&s=instant-video&sr=1-1

 SLTA: (Miễn phí)

https://www.academia.edu/45629061/SLTA_Second_Language_Translation_Aids

SLTA Bổ Túc (Miễn phí)

https://www.academia.edu/46929744/SLTA_B%E1%BB%95_T%C3%BAc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Ta. Ngồi một mình / Trên nóc nhà / Buổi sáng / Trước ngày bỏ đi / Khói thuốc tan trong mây/ Rượu. / Đổ đầy máng xối...
thầm thì mấy câu không nghe rõ / rồi tan theo con đường dọc hàng cây bạch quả / màu xanh nồng nàn / thành phố trú lạnh nhìn về hoang vu / lủi thủi những người đàn bà trong góc tối...
tháng này chợt ho khan tưởng chừng vỡ ngực / lê từng bước ngả nghiêng / đầu óc chấp chới trong cõi lặng / đâu đây nghe từ tận cùng xa vắng / lũ đười ươi cười buốt não thắt tim...
Treo cổ lên / Mặt trời đen / Đầu cúi xuống / Nhất điểm hồng...
Trang Thơ Thứ Bẩy tuần này hân hạnh có sự góp mặt của nhà thơ Hoàng Thủy Trâm, lần đầu đến với Việt Báo, cùng các nhà thơ khác Lê Hưng Tiến, Lê Chiều Giang, Trần Hạ Vi, mỗi người một phong vị thơ, một thể cách sáng tạo, cùng làm nên tiếng nói thơ của thời đại mình đang sống, cùng tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh. Việt Báo trân trọng giới thiệu...