Thơ Trần Yên Hòa

02/04/202009:54:00(Xem: 2470)

Ghi lên đá

 

Ghi lên đá một thuở áo sờn vai

Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng

Nợ máu xương, nợ người lận đận

Của một thời vàng tím trẻ trai

 

Ngó lên núi thấy thân mình hắt bóng

Nỗi cực cùng vò xé những mầm xanh

Treo lơ lửng đầu cành ngày nóng bỏng

Mộng ban đầu tiêu tán, mong manh

 

Ngó xuống biển loài san hô bạch tuột

Ngoi đầu lên hớp hắc khí nặng nề

Mưa thấm đất rắc đôi bờ nhật nguyệt

Cùng sương mờ che khuất bãi sơn khê

 

Tháng tư về nhớ tháng tư hung hãn

Hàng hàng người như kiến giữa chảo rang

Lặn ngụp giữa trùng trùng vây khốn

Núi non nào ghi khắc đá giải oan

 

Ghi lên đá ngày năm xưa vật vã

Để đời sau nhớ mãi tháng tư nào

Cái ảo vọng của lợi danh lắng xuống

Còn lại mình tịnh độ giữa lao xao


*** 


Xa chỗ em nằm

Dù cũng biết tháng ngày qua là gió

Là mây trôi mải miết phía đồi xa

Nhưng có lúc lòng bừng cơn dị mộng

Em đâu rồi một thuở đã lìa xa

 

Tháng thốt nhớ những ngày êm dịu ấy

Lắng sâu vào tâm thức những ngày xanh

Cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà, có lẽ

Suốt một đời mong ngóng, rất mong manh

 

Như gió thoảng mây bay về phía núi

Cùng em trôi theo mãi tháng năm rồi

Cũng đã mấy năm ròng không nhìn thấy

Em bây chừ cũng trở bạc như vôi

 

Thấy thấp thoáng mù sương em ngày cũ

Giấc nồng phai hơi hướm lúc em còn

Dang díu với những ngày tình ấm áp

Còn hương hoa, còn bụi đỏ em qua

 

Cơn đồng thiếp giấc mơ ân ái cũ

Đã xa rồi phế tích suốt trăm năm

Hương quanh quất như là em hội ngộ

Bến bờ xa đã rời chỗ em nằm

 

Trở lại đây trên bãi sông vọng nguyệt

Một lần thôi hồn phách có quay về

Xin hãy giữ niềm yêu thương tận tuyệt

Suốt một đời ngó mãi bến trời quê.

*** 


quạnh hiu tôi

 

Quạnh hiu quá ngày em từ bỏ tôi

Đi xa như về phía chân trời

Mây bay trên núi chừng ngưng lại

Tôi lại mồ côi em xa khơi

 

Cũng như vết lửa khô nứt nẽ

Xước bầm cô quạnh phía không em

Thì ra em chính là đao phủ

Chém xuống đời ơi những vết đau

 

Để lại trong tim hiu quạnh lớn

Trăm năm không biết có mờ phai

Như bóng chim trời bay lởn vởn

Một đời nhỏ lệ cơn mưa mau

 

Em có là loài hoa hướng dương

Mưa còn ướt cả lối đi mòn

Tay lật lại từng trang cổ sử

"Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương"*

*(Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha)


*** 


Nằm nghe gió hú

 

Nằm nghe cơn gió hú

Ngoài hiên mưa bụi bay

Thế giới đầy mưa lũ

Lòng ta cũng loay hoay

 

Tháng ba lòng chùng thấp

Những nhớ thương vơi đầy

Một ngày nao hớt hãi

Một ngày nao không may

 

Gió hú ngoài bãi xa

Gió hú quanh triền núi

Gió hú suốt ta bà

Ơi đất trời quạnh quẽ

 

Tháng ba nghe gió hú

Những cơn mê mệt nhoài

Trở mình tim nhức nhối

Tháng ba ơi tháng ba

 

Tháng ba rời Đà Nẵng

Tình cũng đã biệt tăm

Đà Nẵng tháng ba buồn

Mắt trừng cơn thịnh nộ

 

Nằm đây nghe gió hú

Tưởng vọng một ngày xưa

Ta quay tròn thân thể

Nước mắt buổi chia lìa

 

***

Tịnh không

Lòng chập choạng nỗi vô hồn

Cơn thức tỉnh bỗng như cồn cào tôi

Thôi tôi hết đứng lại ngồi

Trơ thân phiền muộn rồi thôi em à

Miền quê cũ bỗng hiện ra

Trơ thân lữ thứ hồn xa vọng về

Thời gian khuất nẽo sơn khê

Mây và nước cũng trôi về có nhau

Tôi ì ạch giữa vàng thau

Thân như mỏi những nát nhàu thời gian

Trở về bến vắng tịnh không

Thân trơ quán tưởng mênh mông sắc chiều

Trở về bóng đổ liêu xiêu

Cơn mê cũ cũng nhẹ hèo trôi đi

Tôi nghe tiếng gọi thầm thì

Tịnh không vàng đá ôm ghì lấy thân

Thì thôi bỏ mặc căn phần

Trở về lòng tịnh phân vân nỗi gì

 

 

Trần Yên Hòa
(Anaheim,  30.3.2020)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tuyến lệ bây giờ | rừng cây đêm quên thở | con suối nằm im trong vách đá | cho đau thương chiến tranh | cho khốn cùng bên cạnh xa hoa | vài giọt hiếm hoi
Thơ của Trần Hoàng Vy, Hoàng Xuân Sơn, San Phi.
một chút lãng mạn / một chút mộng mơ / một chút buồn rầu / vơ vẩn / không đâu...
Ba thi khúc của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn...
Con cúi đầu kính lễ Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1945-2023) mang theo kho tàng trí tuệ vô tận, lòng từ bi vô biên và hùng lực vô úy đã hiện thân vào thế giới này. Từ gia tộc Phạm thế mà chủng tánh Bồ-đề đã ăn sâu trong lòng đất khô cằn nơi miền Trung nước Việt, Thầy lớn lên trong chốn Già-lam tịnh địa. Nhờ thiện căn túc thế nhiều đời, Thầy được thế phát xuất gia nhập đạo từ thuở ấu thời theo bước chân siêu tuyệt của Như Lai, “đến mà không đến, đi mà không đi.”(1) “Ba cõi bất an như nhà lửa,”(2) đất nước chìm trong chiến cuộc điêu linh, Thầy không tiêu phí tuổi thanh xuân chỉ một lòng miệt mài kinh sử. Tri thức thường nghiệm thế gian không cản nổi chí cầu trí tuệ siêu việt của người Tăng sĩ trẻ cưu mang cốt cách xuất trần thượng sĩ.
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Quờ tay chạm tháng mười hai / Nghe ta lành lạnh, nghe ngày run run...
Anh còn nhớ một ngôi nhà cuối phố? Ngõ chè tàu xanh biếc lối đi quen...
Hơi lạnh đâu lén ùa về / Ngoài hiên tối đã tràn trề từ lâu...
Xác ai trong túi vải / Làm sao nhận ra nhau / Màu trắng một màu trắng / Ôi Mẹ, ôi Con đâu!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.