Một bài thơ Tân Hình thức của nhà thơ Dana Gioia: Đời sống những nhà viết nhạc đại tài

13/03/202000:00:00(Xem: 2499)

Cụ Bruckner thường thơ thẩn bước vào thánh đường

nhập bọn những người đưa đám.

Thân nhân Berlioz thất kinh.

“Hoà âm như vậy,” Shakespeare viết, “chỉ có nơi

những linh hồn bất tử . . . Chúng ta nghe không ra.” Nhưng

tiếng nhạc từ máy thu thanh, và bên ngoài

hạt mưa quất lên hè phố. Thi thoảng

làn sóng điện tắt ngúm. Những đêm như vậy Schumann

nhìn ánh chớp vạch lên kính cửa sổ.

Bên ngoài mưa rơi trên hè phố.

Mảnh giấy vụn tao tác cuối đường.

Những tối trời mưa Schumann ghi vội

giai điệu lên kính cửa sổ, “Hoà âm như vậy!

Chúng ta nghe không ra.” Máy thu thanh lúc nghe lúc không.

Tại buổi dợt nhạc Gustav Holst kêu lên,

“Tôi ớn nhạc quá rồi, nhất là nhạc của chính tôi!”

Thân nhân Berlioz thất kinh.

Vợ Haydn lấy nhạc lót chảo bánh.

Những đêm mưa bóng ma Mendelssohn

đem giai điệu đến cho Schumann làm nhạc.

“Hoà âm như vậy chỉ có nơi những linh hồn bất tử . . .

Chúng ta nghe không ra.” Chắc

Cụ Bruckner phải mỉm cười. Tại Tergensee

dân làng đứng nghe Paganini trẻ tuổi kéo đàn,

nhưng có tia chớp, và sấm sét rung chuyển.

Máy thu thanh lúc nghe lúc không. Mưa

rơi lên hè phố như tiếng vỗ tay.

Mảnh giấy vụn tao tác cuối đường.

Những đêm mưa Schumann nhìn ra ngoài

và viết nguệch ngoạc lên cửa sổ gian phòng kín.

“Hoà âm như vậy!” Xe bắn nước tung toé trong mưa.

Thân nhân Berlioz thất kinh

khi thấy bầy ngựa bứt khỏi đoàn người

và tế chạy kéo theo quan tài ông xuống huyệt mộ.

Liszt khóc khi nghe Paganini trẻ tuổi chơi đàn.

Vợ Haydn lấy nhạc lót chảo bánh.

*

Tác giả bài thơ này là nhà thơ Mỹ Dana Gioia trích trong cuốn Rebel Angels: 25 Poets of The New Formalism, nhà xuất bản Story Line Press, 1996. Tôi đặc biệt yêu thích bài thơ. Trào lộng nhưng không kém phần trữ tình. Ngay từ câu thơ đầu Gioia đã mở ra không khí đùa cợt, bông phèng và gọi Bruckner là Herr. Ở đây tôi dịch là “Cụ” với chủ đích thể hiện tinh thần trào lộng đó, thay vì thông thường phải dịch là “Ông.” Bruckner là tác giả những khúc Giao hưởng vĩ đại, ông đẩy Lãng mạn chủ nghĩa đến bến bờ sâu thẳm nhất; và thật thú vị khi Gioia vẽ hình ảnh ông già lơ đễnh lững thững đi vào thánh đường trong lúc người ta đang cử hành đám tang một người lạ, thản nhiên ngồi xuống với những người đưa đám không quen biết. Những thi ảnh về các thiên tài âm nhạc khác đều tương tự, những biếm họa buồn cười, vui vui. Ngoại trừ Schumann. Như chúng ta biết Schumann bị thác loạn thần kinh khi về già mặc dù thời tuổi trẻ ông có mối tình thật đẹp với nàng Clara. Hình ảnh ông đứng trước cửa sổ gian phòng kín mắt nhìn trừng trừng ra khoảng không gian sấm chớp bão bùng bên ngoài, lấy ngón tay vẽ nguệch ngoạc một giai điệu nào đó lên mặt kính cửa sổ đột nhiên khiến chúng ta thấy dấy lên nỗi bi thiết chứ không còn nét trào lộng khôi hài nào nữa! Schumann được nhắc đến hai lần trong bài thơ. Ở đoạn sau, từ cell trong bản tiếng Anh gây xúc động mạnh; nó gợi hình ảnh giam cầm, tù ngục. Giả như Gioia dùng chữ room thì chưa chắc chúng ta đã thấy chua xót như vậy. Rất tiếc ở đây tôi chỉ có thể dịch là “gian phòng kín.”

    Xen lẫn những thi ảnh ngộ nghĩnh đó là tiếng nhạc phát ra từ cái máy thu thanh. Gioia tiếp tục đùa giỡn. Nhạc của những nhà soạn nhạc đại tài, đỉnh cao văn hóa Tây phương, phát ra từ cái máy thu thanh rẻ tiền, tiếng được tiếng mất trong một đêm mưa!

    Bài thơ không ít những thi ảnh trữ tình. Hạt mưa quất lên hè phố. Mảnh giấy vụn bị gió cuốn bay bay về cuối đường. Bạn có thể bĩu môi, chê bai những thi ảnh này là sáo mòn; nhưng theo tôi, Gioia dụng ý đưa chúng vào bài thơ để tạo tương phản – đối điểm thì đúng hơn – giữa hai thi ảnh trào lộng và trữ tình. Gioia tận dụng thủ pháp đối điểm trong bài thơ như J.S. Bach tận dụng thủ pháp này trong âm nhạc. Ngoài ra, xin để ý từ quoth (câu thứ tư) trong bài thơ. Quoth là một từ cổ, và giữa bài thơ Tân Hình thức rất mới, từ này nằm lẻ loi như giữa bức tranh trừu tượng rối mù người họa sĩ thình lình ném lên một điểm nhấn hiền lành, chân phương. Đó là lý do vì sao khi dịch từ này, tôi dùng chữ “viết” như trong “Khổng tử viết.” Dù vậy nó chẳng thể nào có tác dụng độc đáo như trong bản tiếng Anh.

    Thi ảnh “mảnh giấy vụn” xuất hiện hai lần trong bài thơ. Hiển nhiên nó hàm chứa trọng lực nào đó. Sự hoang lạnh. Niềm cô độc. Vâng, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, tôi nghĩ thế. Và tôi chọn từ “tao tác” để dịch từ tumble không ngoài chủ đích diễn tả cảm xúc đó. Với tôi, chọn chữ trong thơ như vậy vẫn là hình thái tu từ gây nhiều thú vị cho người đọc thơ. Tôi vẫn lưu luyến trò chơi chữ nghĩa, vẫn thấy cái thú của đọc thơ khi bất chợt bắt gặp cái tài tình của những con chữ tri kỷ quấn quýt bên nhau trong bài thơ hay. Nó làm bật lên cái tài hoa của thao tác nghệ thuật độc đáo của người làm thơ.

*

 

Đôi điều về Dana Gioia: Sinh năm 1950, tác giả hai tập thơ và nhiều tiểu luận về thơ. Thường xuyên viết cho The New Yorker, The Hudson Review và các quý san văn chương khác. Nghề nghiệp chính là Tổng giám đốc Thương vụ, viết lách chỉ là nghiệp dư. Hiện sinh sống cùng gia đình ở California.

 

Trịnh Y Thư dịch & giới thiệu

 

 *****

 

Nguyên tác bản tiếng Anh:

 

Lives of The Great Composers

Herr Bruckner often wandered into church

to join the mourners at a funeral.

The relatives of Berlioz were horrified.

“Such harmony,” quoth Shakespeare, “is in

immortal souls. . . We cannot hear it.” But

the radio is playing, and outside

rain splashes to the pavement. Now and then

the broadcast fails. On nights like these Schumann

would watch the lightning streak his windowpanes.

Outside the rain is falling on the pavement.

A scrap of paper tumbles down the street.

On rainy evenings Schumann jotted down

his melodies on windowpanes, “Such harmony!

We cannot hear it.” The radio goes off and on.

At the rehearsal Gustav Holst exclaimed,

“I'm sick of music, especially my own!”

The relatives of Berlioz were horrified.

Haydn's wife used music to line pastry pans.

On rainy nights the ghost of Mendelssohn

brought melodies for Schumann to compose.

“Such harmony is in immortal souls. . .

We cannot hear it.” One could suppose

Herr Bruckner would have smiled. At Tergensee

the peasants stood to hear young Paganini play,

but here there's lightning, and the thunder rolls.

The radio goes off and on. The rain

falls to the pavement like applause.

A scrap of paper tumbles down the street.

On rainy evenings Schumann would look out

and scribble on the windows of his cell.

“Such harmony.” Cars splash out in the rain.

The relatives of Berlioz were horrified

to see the horse break from the cortege

and gallop with his casket to the grave.

Liszt wept to hear young Paganini play.

Haydn's wife used music to line pastry pans.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cõi thơ Viên Linh là cõi nhân sinh đầy hệ lụy của định mệnh. Định mệnh của một dân tộc điêu linh, lưu lạc. Định mệnh của con người bé nhỏ và yếu ớt trong dòng chảy cuồng lưu của kiếp sống. Định mệnh của tình yêu mệt mỏi, chán chường và bất trắc. Thơ Viên Linh là một biểu hiệu cho Con Người như là một hữu-thể-tại-thế với tất cả những khổ đau và hoan lạc. Ông vừa tạ thế hôm cuối tháng Ba vừa rồi, Việt Báo trân trọng đăng lại một số ít thơ của ông như một nén tâm hương gửi đến người Thi Sĩ quá cố.
tôi đã thấy đủ, nơi đây | những thay đổi làm chóng mặt | vũng nước xưa ễnh ương kêu khàn giọng | nay đèn thức trắng
Thơ Nguyễn-hòa-Trước được đặc trưng bởi sự tập trung vào tính sáng tạo của ngôn ngữ, sự giải cấu trúc của cú pháp và ngữ pháp thông thường, đồng thời khám phá những hạn chế và khả năng cố hữu của chính ngôn ngữ...
Đa tình ơi con mắt Phú Yên | Che trời suối tóc thả nghiêng nghiêng | Con gái nhà ai coi ngộ quá | Lòng Bình Định không đảo cũng điên.
kiêu hãnh những lằn roi / ma thuật quyến rũ ánh sáng / siêu vi những hạt bụi kết cấu hoa văn / hơi thở khẽ ẩn tàng trong vô thức lãng quên...
Một năm vù vèo lưng, phản / Cái nằm bẹp dí mùa đông / Thì cũng thèm nghe râu tóc / Liệng xuân trên những cánh đồng...
Tại Chương Trình Giải Thưởng Bankstown Poetry Slam trong tháng vừa qua, có sự hiện diện của thơ, dĩ nhiên – nhưng đặc biệt là sự hiện diện của Plestia. Những dòng thơ được đọc lên của Plestia đã thu hút hơn 2,000 khán giả đến tòa thị chính Sydney vào buổi tối đầu tuần thứ Hai trong tháng Hai, nhiều người mặc đồng phục “keffiyeh” để thể hiện hỗ trợ của họ dành cho ngôi sao mạng trẻ tuổi người Gazan, Plestia Alaqad, người bất thình lình trỗi dậy nổi bật trên toàn cầu từ một bối cảnh tàn bạo nhất trên thế giới.