Hôm nay,  

Quên Với Nhớ…

07/03/202500:00:00(Xem: 1170)
 
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
  
Trong cuộc sống hạn hẹp thời gian riêng tư, bỗng chợt nhớ đến một kỷ niệm đẹp sẽ vơi bớt muộn phiền khi hồi tưởng lại kỷ niệm đẹp đó. Có những kỷ niệm đẹp đến không thể nào quên nên người ta hoài niệm để trốn chạy bế tắc đang hiện tại. Tôi không nghiên cứu nhưng thỉnh thoảng đọc được những trang sách nói về tâm lý, về vô thường, lẽ vô thường trong trời đất, tôi thường đọc hết trang sách để hiểu biết thêm một khía cạnh không hiện diện nhưng hiện hữu trong đời người, trong đời sống ngày càng nhiều người bạn lớn tuổi hơn năm ngoái, năm trước nên họ thường nói, “già rồi, nhớ chi nhiều cho mệt…” Ý rằng, lớn tuổi rồi thì chuyện vui hay buồn cũng đã qua, để bụng làm gì cho khổ mình như mưa mùa trước nhiều nước hơn mưa mùa này hay mưa mùa này nhiều nước hơn mưa mùa trước cũng chẳng khác gì người yêu lần trước tha thướt hơn người yêu lần này, người yêu lần này bầy hầy hơn người yêu lần trước… thì trước sau gì cũng còn có mấy ông già ngồi cả phê tán gẫu với nhau cho hết qũy thời gian còn lại. Ai cũng nói tôi vui tính, tôi hài hước, nhưng ủ rũ được gì ngoài gương mặt xấu bẩm sinh còn xấu tệ hơn già đi chưa đủ sao lại còn buồn vu vơ…
  
Bàn cà phê sáng nay có ông bạn mới nhất của tôi nhưng lại già nhất. Ông bạn ngồi như củi mục trong rừng chưa thay lá.  Ông như hiện tượng siêu nhiên, vô nhiễm, miễm cảm với hoàn cảnh và tuổi tác làm tôi hay nghĩ đến những trang sách vô thường mà tôi từng đọc, cảnh giới vô thường không như cảnh giới siêu giàu là mua được nhiều thứ trên đời, người thấm thía vô thường không hỷ nộ ái ố như phàm tục, bình tâm trước được mất thì xá gì bon chen… Nhưng hãy nói về ông ấy đã, khá lâu rồi, tôi thấy ông vô làm thì biết là người mới nhưng không làm chung nên có gặp mặt thì chào buồi sáng nhau thôi. Lời chào buổi sáng của ông dành cho tôi chắc không vương sầu như lời chào của tôi dành cho ông vì cảm nghĩ trong tôi, “Tội nghiệp quá. Già khú còn phải đi làm.” Tôi đoán ông tám mươi tuổi là có chứ không nói thách đâu, tóc không còn được sợi nào đen, dáng ông gầy người, da trắng xanh, đi đứng chậm chạp theo tuổi tác, chỉ được ông ăn mặc tươm tất, sạch sẽ  nên dễ nhìn. Tôi buồn hiểu được chứ tôi không buồn không hiểu vì sao tôi buồn như thơ Xuân Diệu, tôi biết mình buồn vì nghĩ đến tương lai.
  
Rồi thiên biến vạn hoá còn trở ngại thì nói gì phong thủy không tai biến, sếp đưa ông đến chỗ tôi làm việc, sau hai nơi đã chê ông già yếu, chậm chạp. Tôi biết nói gì hơn là khen ông làm giỏi vì ai được khen chả cố gắng hơn để xứng đáng với lời khen, để chứng tỏ mình. Nhưng mấy ai trong trời đất biết tự lượng sức mình thì tôi là một! Lão ông này đã thành tinh, tôi mới tiểu qủy mà đòi múa rìu qua mắt thợ. Lão nói với tôi, “Anh đừng có giả vờ khen tôi giỏi cho tôi cố gắng làm việc, được mấy hôm tôi hết sức sẽ tự nghỉ việc chứ gì?!”
  
Kinh thật, tôi nói với ông, “Tôi biết rồi, biết người biết ta, bán nhà bỏ việc. Tôi xin đi chỗ khác, nhưng anh liệu kham nổi việc ở đây không?”
 
“Bố tôi sống lại cũng không nhớ hết việc ở đây, toàn máy móc với computer điều khiển. Hồi máy đứng tôi chả biết bấm nút nào cho nó chạy lại. Nó báo trục trặc gì đó trên màn hình thì có biết tiếng Anh đâu mà đọc…”
 
“Vậy anh làm ở đây là đúng việc rồi, vì tôi làm ở đây, màn hình nói gì tôi đọc được hết nhưng có hiểu gì đâu? Máy đứng thì gọi sếp, sếp đứng mỏi giò thì gọi kỹ sư. Mình đâu có ăn lương kỹ sư mà lo, sếp cũng không ăn lương kỹ sư, nên hãng này thay kỹ sư như thay áo còn đuổi việc công nhân thì hiếm như ly dị. Nên anh thấy ai cũng mấy chục năm thâm niên, chung tình với hãng đến động lòng…”
  
“Tôi không tin. Anh buông máy này bắt máy kia. Tôi đâu có mù.”
  
“Là tự anh nói anh có thị lực tốt đó nha, bây giờ tôi cần thị lực tốt của anh. Lỗi tại tôi không đọc mã số trước khi trút túi nylon ốc tán vào hộp. Hai loại ốc tán giống nhau y chang nhưng răng khác nhau, cái răng nhuyễn, cái răng thưa. Tôi trút nhầm hộp đựng rồi, bây giờ anh tỏ mắt thì ngồi lựa ra cho tôi. Mọi việc tôi lo.”
   
“…”
  
Lão vui vẻ làm việc, không một lời cự cãi. Tôi quên dặn lão thấy sếp đến thì lờ việc nhặt thóc ấy đi, giả vờ làm việc khác. Nên bà sếp đến tôi cũng không hay, bà bắt được lão đang nhặt thóc… Bà xử ngay vì tính bà cũng kỹ lưỡng lắm, “Ông phải đọc mã số trước khi cho vào hộp để xài. Ông còn phải lấy một con cũ trong hộp ra so với con mới xem có giống nhau không rồi hãy cho chung vào…”
  
“Xin lỗi bà. Tôi là người mới chưa có kinh nghiệm này. Xin cho tôi khoảng nửa giờ để lựa ra… Tôi sẽ nhớ việc này.”
  
“OK, nhưng lần sau ông phải cẩn thận.”
   …
  
Sếp đến để hỏi tôi việc hôm qua nên tôi theo bà đến nơi tôi đã làm xong cho bà lấy số liệu. Trên đường đi, bà hỏi tôi, “Ông ấy làm việc được không?”
  
“Ông này được. Để ông ấy làm với tôi, bà đừng đưa ông ấy đi đâu nữa...”
  
“Bạn chắc?”
  
“Chắc chắn. Thưa bà…”
  
“Đã hai chỗ…”
  
“Tôi biết rồi, nhưng bà nghĩ thử xem, ông ấy vừa nhận lỗi với bà, xin lỗi bà, nhưng là lỗi của tôi. Những người như thế đã rất hiếm…”
  
  
Sếp tôi cười thấu hiểu, bà hiền lắm, tốt bụng nữa. Tôi không nói chơi đâu, bà là người phụ nữ da đen thuộc loại đẹp, nhưng bà làm hãng này đã ba mươi năm rồi, không chịu đổi hình thẻ vì ba mươi năm trước bà đẹp thật. Còn lão già thấy trời gió phải xuống hầm trú ẩn để thôi gió thổi bay là đồng hương của tôi đã làm với tôi được một tuần, tới một tháng mới ghê, bây giờ là khỏi chê vì sắp giáp năm lão rồi! Ai cũng đòi lão đãi tiệc một tuổi chưa bị đuổi nhưng không ai hiểu vì sao tôi với lão lại thân nhau. Nhớ hồi quen mặt rồi nên lão cũng thích đùa, đang làm bỗng ngưng tay hỏi tôi, “Tôi hỏi anh câu này: trên người mình, cái gì khi mình nằm thì nó đứng và khi mình đứng thì nó nằm?”
   
Tôi trả lời, “Anh muốn tôi trả lời theo lớp mẫu giáo hay ngoài quán nhậu?”
  
“Nói nghe thử…”
  
“Theo lớp mẫu giáo là bàn chân của anh, còn ngoài quán nhậu là con cu của anh…”
  
“…”
  
Lão già cười như được thuốc cải tử hoàn đồng, “…tôi ít hỏi vì thấy anh bận quá, nhưng tôi nghĩ anh cũng không vừa đâu, nghe anh nói chuyện với người khác cũng vui nhộn lắm. Tôi thật là biết và thích câu đố đó từ khi còn bé, ông tôi đố tôi và tôi nhớ đến bây giờ. Không ngờ có câu trả lời khác, nghĩ cũng không sai.”
  
“Vậy là anh cũng đâu có vừa.”
  
“…”
  
Tôi thương lão giang hồ khả kính sau câu lão xin lỗi sếp chứ không nói là lỗi của tôi, dù tôi đã nói trước với lão là lỗi của tôi. Khi hỏi lão, tôi nghe câu trả lời thật huynh đệ, “Tôi là người mới, bà ấy dẫn tôi đi thử việc hai nơi đều bị từ chối. Tôi tự nói với bà ấy là tôi về, tìm việc khác. Tôi làm phiền bà ấy đủ rồi! Nhưng bà ấy là một người tốt, nghe tôi nói vậy bà bảo tôi chờ chút, có thể ra phòng ăn ngồi chờ. Chừng mười phút sau bà ấy đến phòng ăn, đưa tôi đến chỗ anh. Trên đường đi bà ấy chỉ nói với tôi về anh là người cẩn thận, làm việc với anh phải chính xác, đừng làm ẩu là được. Tôi làm với anh thấy đúng như bà sếp nói. Anh không phiền trách tôi chậm, yếu… Anh giúp tôi, chỉ tôi tận tình, thì tôi nhận một lỗi cho anh cũng đáng mà...”
  
  
Nhưng lão cũng không ngờ là lão đã làm việc với tôi được cả năm qua rồi. Bạn già tính sáng, sáng vô hãng không thấy mặt thì phải coi chừng đóng tiền mua vòng hoa, đi vườn trẻ chơi thăm nhau lần cuối. Sáng cuối tuần nào còn đi uống cà phê với lão được thì mừng cuối tuần ấy vui. Tôi bắt đầu có cảm giác thiếu lão sau giờ làm, đã về nhà, đi ra nghe tiếng dép mình rồi lại đi vào theo tiếng dép mình; những lúc đi câu một mình phải như có lão đi cùng sẽ đỡ buồn lắm nhưng lão thật là không đủ sức theo tôi đi câu cá. Đã nhiều lúc một mình nhưng tôi có cảm giác đang trò chuyện với lão - lão ngoan đồng. Nhớ những lúc đang làm lão bồng hỏi tôi, đố tôi môt câu đố vui trẻ nhỏ mà lão vui thật. Lão đố tôi: “một cây mà có năm cành/ tưới nước lại héo để dành lại tươi là gì?” Tôi trả lời rằng tôi chỉ biết “năm thằng bóp cổ một thằng” thì lão không hiểu. Nhưng hôm khác lại đố, tôi trả lời là cánh tay cho lão vui. Lão vui thật như trẻ nhỏ. Lão hưng phấn bỏ việc đang làm để đố, “trái gì trong đỏ ngoài xanh/ ăn vào mát lạnh ngọt ngay như đường?” Khi thì tỉnh giấc ngủ gục là hỏi ngay, “Con gì tám cẳng hai càng/ không đi mà lại bò ngang cả ngày…?”
  
Hầu như cả ngày lão sống với tuổi thơ, không có ông lão tám mươi trong lão. Nên tôi mừng cho lão không có buồn khổ tuổi già còn phải đi làm. Già đương nhiên chậm, yếu, nhưng lão không có bệnh nhờ tâm thoát khổ nên không sinh tâm bệnh, nhờ thân thoát tục nên không thế bệnh hay sao, cứ liu riu sống như đèn cạn dầu chờ gió đông. Lão ngày càng đậm quên quên nhớ nhớ, đôi khi không nhớ việc mới làm, điều mới nói mà nhớ chuyện đời nào. Như có lúc hỏi hồi nhỏ anh sống ở đâu lại không nhớ, những mốc thời gian quan trọng trong đời người dường như lão không nhớ chứ không phải không muốn cho ai biết như đi lính năm nào, lấy vợ năm bao nhiêu tuổi, có mấy người con… lão nhớ lung tung, không trả lời lần nào giống lần nào. Chỉ nhớ mấy câu đố tuổi thơ ở trường làng, sống và vui với những câu đố ấy.
  
Ơn lão giúp tôi hiểu thêm câu thơ vô thường mà tôi từng đọc được, “đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng…” Vô thường huyễn hoặc, kỳ bí trong kinh sách, thơ văn nhưng sống và làm việc với người bạn nhỏ tám mươi tuổi khiến tôi bớt âu lo vô bổ như mình từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu? Những suy tư màu chì chứ không màu hồng như lão vì tôi thường nghĩ về chuyện xưa, quá khứ, tương lai. Tôi hình dung ra một người không nhớ gì về quá khứ thì người ấy có thực sự còn sống hay không? Hay một người biết trước tương lai thì người ấy có nên sống tiếp hay không? Tại sao chúng ta buồn về quá khứ đã qua, chúng ta sợ tương lai chưa đến và hiện tại là nhân chứng sống càng đáng sợ khi chứng kiến từng người bạn đã không còn quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ bởi một tin nhắn vừa nhận được.
  
Đúng là nhớ nhiều chi cho mệt, nhưng quên hết chắc gì có bạn đố vui để học, mới thấm thía giá trị của hiện tại…
 
Phan 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
Nhân tuần lễ kỷ niệm 49 ngày Khánh Trường rời cuộc thế gian, tờ Ngôn Ngữ số đặc biệt tháng Hai dành trọn số báo tưởng niệm người họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa Khánh Trường, do nhà thơ Luân Hoán và bạn hữu nhóm Ngôn Ngữ ưu ái thực hiện. Mời đọc bài viết của Trần Yên Hòa trích nhà phê bình văn học Thụy Khuê như một nén nhang tưởng nhớ người họa sĩ/nhà văn tài hoa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.