Hôm nay,  

Tôi Đi Nam Cực

15/02/202514:01:00(Xem: 4251)

 

IMG_8418

                                                                         

Chuyến hải hành của chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện tình yêu thương vô bờ bến của loài chim Cánh Cụt (Penguins). Ngày đó, tôi được coi một bộ phim tài liệu ngắn, gọn, nhưng chi tiết, tràn trề xúc động và thật ấm áp nói về loài chim có một không hai này. Tôi nuôi mộng một ngày không xa, sẽ thực hiện một chuyến hải hành để một lần được nhìn tận mắt loài chim dễ thương nhất địa cầu này. Và hôm nay, giấc mơ đã trở thành hiện thực.

Chúng tôi, nhóm 10 người bạn thân, thường hẹn gặp nhau với những chuyến đi du lịch khám phá dài ngày. Quỳnh-Thái là cặp vợ chồng trẻ nhất cũng vừa tròn 62 tuổi, nhanh nhẹn, tháo vác, ứng biến lẹ làng, xứng đáng với chức vụ trưởng đoàn. Thái là người lên kế hoạch từng chi tiết trong việc mua vé máy bay, đặt khách sạn, đi chơi ở đâu; Quỳnh, ngoài lanh lẹ trong việc tìm kiếm hướng dẫn viên địa phương, ăn uống đặc sản gì, còn là người có tài trả giá, sẵn sàng kéo cái giá từ trên trời rơi xuống đất mới thôi, đến thánh thần cũng phải chào thua, tiết kiệm cho cả đoàn rất nhiều tiền. Kế đến là vợ chồng tôi, Hòa-Tới, cặp vợ chồng Chi-Châu, cặp vợ chồng Ngôn-Bình, và cuối cùng là cặp vợ chồng Sinh-Lý. Xin quý bạn khoan cười vì cái tên đáng yêu, hấp dẫn, và cực kỳ dễ thương của cặp vợ chồng rất vui vẻ, hòa đồng, dễ mến này tương xứng với cái tên cũng cực kỳ lôi cuốn, hấp dẫn, và tràn trề yêu thương. Chúng tôi vẫn thường cười đùa với nhau, chuyến đi chơi này mà thiếu “Sinh-Lý” thì chuyến đi sẽ nhạt nhẽo, kém phần thú vị bội phần.

Chuyến hải hành 18 ngày đi khám phá miền xa xôi, cô đơn, hẻo lánh và lạnh lẽo nhất địa cầu, nơi nhiệt độ trung bình -58 F, mùa Đông xuống đến -85 F, gió lạnh thổi ào ào đến 120 MPH và phần quan trọng nhất là đổ bộ lên hoang đảo đi ngắm chim Cánh Cụt rất gần bên mình, có người may mắn có thể sờ và vuốt ve bộ lông óng mượt, mềm như tơ của chúng. Chuyến đi được tóm gọn theo thứ tự như sau:

  1. Hai ngày khám phá Bueonos Aires, thủ đô nước Cộng Hòa Argentina.
  2. Rời cảng Buenos Aires.
  3. Ba ngày lênh đênh trên sóng nước, trực chỉ Nam Cực, Antartica.
  4. Ghé bến Punta Arenas, Chile.
  5. Bến Ushualaia, bến cảng cuối cùng của Argentina và thế giới.
  6. Trực chỉ vùng băng đảo Nam Cực, Antartica. Du hành 4 ngày dọc theo các đảo băng sơn phủ đầy tuyết trắng, ngắm nhìn các chú chim Cánh Cụt, Penguins và các loại sinh vật hoang dã khác.
  7. Lênh đênh trên biển.
  8. Bến Stanley, đảo Falkland, thuộc lãnh thổ Anh quốc. Coi tận nơi hang và nơi sinh sống chim Cánh Cụt Magellanic Penguins.
  9. Hai ngày lênh đênh sóng nước.
  10. Bến Montevideo, Uruguay.
  11. Chuyến hải trình kết thúc, trở về Buenos Aires.

Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.

Chim Cánh Cụt là một loại chim quý hiếm được bảo tồn, bảo vệ rất đặc biệt và nghiêm ngặt. Chúng có cánh mà không biết bay. Chúng đi bộ bì bạch, cả thân hình nghiêng ngả theo từng bước chân, khi mệt mỏi, chúng sẽ nằm dài bằng cái bụng to tròn trắng muốt trên băng tuyết, trượt đi bằng đôi cánh cụt và đôi chân ngắn cũn cỡn của chúng. Nhờ bộ lông không thấm nước nên cở thể chúng không bị lạnh khi chạm với băng tuyết.

Trên trái địa cầu, có nhiều vùng đất rất khó đi đến, con người vẫn đặt chân đến; nhưng vùng đất khó sống nhất là vùng Nam Cực, nơi niệt độ trung bình -58 F, nơi những cơn gió lạnh cắt da thổi mạnh nhất đến 120 MPH, nên vùng đất này trở thành nơi đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt nhất cho bất cứ động vật nào. Nơi đây lại là nơi các loại chim Cánh Cụt chọn làm quê hương, dù cho điều kiện sinh tồn cực kỳ khó khăn, chúng vẫn từ chối không bao giờ muốn lìa xa nơi chôn nhao cắt rốn mà tổ tiên chúng đã muôn đời gắn bó.

Mỗi năm, vào khoảng cùng thời gian, chúng rời xa vùng biển nước, nơi chúng săn cá, ăn uống, và chơi đùa, để cùng nhau đi kiếm một vùng đất yên ổn hơn, chúng đi kiếm bạn tình, chúng yêu nhau và ríu rít sống bên nhau trong những ngày thần tiên ấy.

Đến một ngày, khi mặt trời bắt đầu đi ngủ sớm, ngày ngắn và đêm dài hơn, những cơn gió rét buốt tháng Năm đang dần đến, báo hiệu mùa Đông tới gần; chúng lại cùng nhau đi kiếm một vùng đất xa hơn trong lục địa, chúng tìm kiếm phương hướng theo bản năng, cùng nhau lầm lũi bước đi không ngừng nghỉ trong đêm tăm tối. Đến nơi, chúng nghỉ ngơi và những mầm sống bắt đầu nảy nở trong cơ thể các con chim cái. Mỗi con chim cái đẻ được một trứng và trao trứng cho chim đực ấp ủ chờ ngày chào đời của những chú chim nhỏ tương lai.

Trên mênh mông tuyết trắng xóa một màu cô đơn lặng lẽ, chúng quần tụ lại với nhau thành một vòng tròn chặt nhẽ để sưởi ấm nhau mặc cho phong ba bão tuyết bủa vây cả 3 tháng ròng rã mà không hề có một chút thức ăn nào. Bên ngoài, gió lạnh vẫn thổi như những mũi dao lạnh cắt da, cơ thể tròn trịa càng áp chặt với nhau, những cặp mắt tròn xoe ánh lên sự dịu dàng, yêu thương, đầu cúi xuống, dụi mỏ vào nhau, truyền hơi ấm cho nhau và che chở lẫn nhau.

Các con chim đực vẫn kiên trì đứng vòng ngoài, lấy thân hình run rẩy của mình làm bức tường thành vững chãi che cho cả bầy. Các chú chim non ra đời nhờ chim cha tận tụy, trông nom, bảo vệ, sưởi ấm; đây cũng là lúc chim mẹ đang kiệt sức sau khi sinh nở, chúng phải trở lại con đường chúng đã đi qua, tìm về lại biển khơi để săn mồi, đem về mớm lại cho bầy con. Chim cha ở lại, tiếp tục sưởi ấm cho bầy con thơ.

Sau đoạn đường dài gần trăm dặm, bầy chim mẹ trở về, cất cao tiếng kêu gọi bầy, các con chim cha vui mừng đáp lại; chúng nhận ra nhau qua những tần số đặc biệt. Cuộc trùng phùng vui mừng, ngắn ngủi, chim cha âu yếm trao lại đứa con độc nhất cho chim mẹ để mớm mồi cho chim con. Chim cha cũng đang kiệt sức vì không có chút thức ăn gì trong bụng đã hơn 3 tháng, thân thể chúng gầy đi phân nửa, chúng bắt đầu chuyến trở về đầy gian nan, nguy hiểm, nơi chúng đã bỏ đi; chúng lao xuống biển tìm thức ăn để sống còn và mang về cho bầy con. Có những con kiệt sức, nằm lại vĩnh viễn dọc đường, mãi mãi không bao giờ thức dậy.

Khi no nê, bầy chim cha rộn ràng lo trở về trong đất liền tìm lại gia đình đã bỏ lại sau lưng. Gia đình tiếp tục vui vầy chung sống bên nhau cho đến khi những tia nắng đầu tiên của tháng 11 sưởi ấm nơi chốn chúng đã được sinh ra. Chúng chờ đợi để mùa đông dần biến mất, cho gió đông ngừng thổi, và cho băng giá bớt khắc nghiệt.  Bầy chim cha, chim mẹ vui mừng chia sẻ những miếng thức ăn cuối cùng trong cổ họng cho bầy con thân yêu của mình và tập cho chúng quen dần với cuộc sống mới. Khi các chú chim con cứng cáp, cả bầy lại bắt đầu chuyến di cư hằng năm tìm về nơi nguồn thức ăn phong phú, sẵn có mà thiên nhiên ban tặng cho mình. Cứ như thế, cái chu kỳ đời sống của loài chim Cánh Cụt cứ lập đi lập lại không ngừng từ hằng triệu năm trước cho đến bây giờ vẫn không bao giờ thay đổi.

Đó cũng là lúc chúng tôi đáp chuyến tàu đến vùng đất huyền thoại Nam Cực này. Đang mùa đông ở Bắc Mỹ, chúng tôi bay đến Argentina đang là mùa hè, khí hậu ấm áp, dễ chịu nên ai nấy cứ phong phanh quần sọoc, áo ngắn tay. Càng đi về phía Nam, chúng tôi lại mặc áo dày hơn một lớp.

Con tàu vượt qua eo biển Magellan nơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương giao nhau. Càng đi về phía Nam, bình minh lên sớm và hoàng hôn càng xuống trễ hơn: buổi sáng mới 04:00 giờ trời đã sáng tỏ và mặt trời chỉ đi ngủ lúc 22:45 tối. Ngày dài hơn, cho chúng tôi thêm thời gian chiêm ngưỡng kỳ công của tạo hóa. Những cảnh sắc độc nhất chỉ có ở vùng biển Nam Cực. Thời tiết bắt đầu mang hơi hám lạnh lẽo vùng Nam Cực. Trời thấp dần với những áng mây xám giăng ngang tầm nhìn.

Là một loại động vật không được trang bị bất cứ vũ khí nào để chống lại các loài vật mạnh hơn, chúng chọn sống ở một nơi cô quạnh, lạnh giá nhất trên địa cầu, nơi ít sinh vật nào có thể chịu đựng được cái lạnh âm độ và những cơn gió gào rít, rét cắt da. Các loài săn mồi khác không thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt nhất nơi đây nên chim Cánh Cụt sẽ được an toàn hơn để xây dựng tổ uyên ương và một cộng đồng riêng của chúng.

Ngược lại với cái vẻ bề ngoài yếu đuối hiền lành, loài chim Cánh Cụt có một ý chí và bản năng thích nghi sống mãnh liệt trong thiên nhiên khắc nghiệt nhất hành tinh này. Dù vụng về trên băng tuyết, chúng lại là loại chim lặn dưới nước cừ khôi khi phải đối diện với cá Voi hay Hải Cẩu đang săn đuổi chúng. Chúng có thể lặn sâu đến 170 feet và nín thở đến 15 phút.

Cứ như vậy, chúng tôi lần lượt ghé lên vài băng đảo với các điều kiện sinh sống, khí hậu, địa hình và các loại chim Cánh Cụt khác nhau; chúng tôi càng hiểu thêm về loài chim đặc biệt, có một không hai này và càng yêu chúng hơn.

Chiếc du thuyền chạy rất chậm dọc theo những triền núi tuyết phủ quanh năm hoặc những gềnh đá hiểm trở không thể đổ bộ lên được, cho chúng tôi có dịp quan sát từ xa những “bộ tộc” chim Cánh Cụt khác nhau. Chúng thường đứng im sát vào nhau, vài đôi bạn tình cọ mỏ và âu yếm nhau trong lúc một bầy “thanh niên” ồn ào đùa giỡn, hết rượt nhau trên bờ, chúng lại lao xuống nước bơi lội, kêu réo nhau chíu chít.

Lúc ghé bến Punta Arenas, Chile và bến Ushuaia, Argentina. Trên tàu rao bán những chuyến đi dã ngoại ngắm chim Cánh Cụt, vé $425 một người, vẫn có người chấp nhận cái giá cao ngất ngưỡng đó để thỏa mãn niềm ước ao được đến gần các chú “lùn” có cánh mà không biết bay này. Ai nấy háo hức chen nhau xuống tàu.

Vốn là con cháu của bác “Hiền-Tạ” (Hà -Tiện), chúng tôi đợi khi đặt chân lên đất liền, mới lân la đi kiếm những hướng dẫn viên địa phương để kỳ kèo trả giá, mong kiếm được giá hời. Nhưng kỳ này, trời cao lại phụ kẻ “lòng gian” như chúng tôi. Đón Uber đến bến phà mất 4,900 Pesos, khoảng gần $5, không còn vé nào sót lại cho chúng tôi, họ chỉ chấp nhận vé đặt trước trên mạng. Nếu mua được vé chính thức chỉ 150,000 Pesos, khoảng $150/một người. Tôi biết chắc tàu cruise đã đồng lòng, “ăn rơ” cùng chính quyền địa phương, không cho bán vé ngày con tàu cặp bến, để họ có thể bán vé giá cao ngất ngưỡng chuyến thực địa cho khách trên tàu.

Thất bại toàn tập ở cả hai bến cảng, đám con Rồng cháu Tiên không được ngắm nhìn chim Cánh Cụt, lên núi cao không được mà đi xuống biển cũng không xong, đành phải đi vòng vòng nhìn quê hương của chúng vậy. An ủi một điều cho đám con bà Âu Cơ, lại thêm “tư duy” sáng tạo của những năm buôn bán chợ trời, Quỳnh trả giá với đám con buôn ngay bến tàu, chúng tôi chỉ phải trả $35/một người, thay cho giá ban đầu bị hét từ $120/một người. Một nhóm 8 người khách nói tiếng Tây Ban Nha, phải trả $50/một người, họ hỏi chúng tôi phải trả bao nhiêu; không muốn làm đau lòng họ, tôi trả lời rằng các ông bà đã trả một giá khá là cao hơn chúng tôi.

Ngồi trên xe buýt đi coi các thắng cảnh và công viên quốc gia của hai nước này, chúng tôi không mấy thích thú với những loại động vật hoang dã nơi đây như chim Đà Điểu, các loại Diều Hâu, chim Ưng, hay Đại Bàng. Chúng không có những bộ lông màu sắc đẹp đẽ như loài chim ở Bắc Mỹ, quê huơng chúng ta. Thời tiết nơi đây nghiệt ngã, mùa hè ngắn mà mùa đông thì dài, lương thực hiếm hoi, các loài chim tìm cách sống sót đã là may mắn, nói chi đến làm đẹp.

Còn tàu tiếp tục lướt đi êm ả trong cảnh trời bao la, nắng đẹp, mây cao, trời xanh biếc, dưới nước, vài con Cá Voi khổng lồ bơi dọc theo tàu, thỉnh thoảng lộn nhào, vươn cái đuôi tuyệt đẹp của chúng lên cao trên mặt nước, rồi lại biến mất vào nước biển xanh màu ngọc bích. Tiếc rằng chúng bơi hơi xa nên ai có ống dòm mới có thể coi rõ được. Chúng tôi chưa thấy một con cá Heo (dolphins) nào, hình như chúng không có hoặc không thích hợp với nhiệt độ nơi đây, tuy mùa Hè nhưng nhiệt độ khoảng 32-35 F.

Chiều ngày thứ 7 của chuyến hải hành, sau khi rời bến Ushuaia, con tàu trên đường đến bán đảo Nam Cực, Antartica Peninsula, mọi người trên tàu đều mong muốn con tàu xả hết tốc lực, chạy cho nhanh đến nơi cho mau. Đây là điểm đến quan trọng nhất của chuyến đi mà ai nấy đang mong đợi. Con tàu tăng tốc độ lên 55 hải lý một giờ. Biển bắt đầu nổi sóng, gió mạnh, con tàu lắc lư, chao đảo, nhồi lên nhồi xuống, một số hành khách say sóng, phải vịn tay nắm trên tường khi di chuyển. Nhóm chúng tôi có anh Bình và bà xã tôi bị say, đi đứng không vững, chỉ chực “cho cá ăn chè”. Số còn lại, tuy không say nhưng đi đứng nghiêng ngả, y như đang khiêu vũ điệu Tango Argentina. Đã vậy, trên tàu, họ còn bày ra trò chơi Spin To Win, như chơi quay xổ số; họ mời chơi, tôi nói với họ “I am spinning myself right now”. Cả đám toét miệng lên cười tới mang tai.

Biển tiếp tục động mạnh, sóng dâng cao, cả đêm thân tàu vặn mình, con tàu chao đảo không ngừng; trong phòng ngủ, tôi có thể nghe tiếng căn phòng vặn mình nghe kẽo kẹt. Nằm ngủ mà tưởng chừng đang nằm võng đong đưa trong những buổi chiều vàng nhạt nắng ở vườn quê. Người không say thì thấy hay hay, còn người say thì thấy như mình đang bay.

Qua một đêm chuyển mình, thay hình đổi dạng, sáng hôm sau, biển mềm mại, lặng im ngoan ngoãn như những ngày trước đây. Chúng tôi chính thức đi vào vùng cực Nam của trái đất. Trời-Biển gần nhau hơn, mây xám giăng ngang lưng trời. Điểm nối giữa trời biển là những dãy núi phủ đầy tuyết trắng nằm gần kề nhau nhưng không liền nhau. Càng tiến về phía Nam, chúng tôi càng đến gần bán đảo Nam Cực.

canh cut 2
Magellanic penguins

                                                                   

canh cut 3
Ảnh: Tác giả chụp


Sau mấy ngày lênh đênh, con tàu giảm tốc độ, chạy len lỏi rất chậm giữa các tảng băng sơn đang lững lờ trôi qua hai bên hông tàu. Chúng tôi có thể cảm nhận được cái lạnh từ những núi băng và cả những tảng băng vỡ ra từ nhiều con sông băng. Thỉnh thoảng vài chú chim Cánh Cụt có máu phiêu lưu, đang bơi lội, bám vào các tảng băng trôi, để giấc mộng giang hồ của chúng được dịp dọc ngang đây đó.

Tàu cặp bến cho chúng tôi lặn lội đi vào coi các tổ chim Cánh Cụt, đến thật gần quan sát cuộc sống của chúng. Chúng đi lại bằng những bước chân lạch bạch rất đáng yêu, với thân hình tròn trịa nghiêng qua lắc lại, đôi cánh cụt vẫy nhẹ giữ thăng bằng, và đôi mắt tròn xoe, đen láy, hiền lành pha chút vẻ tinh nghịch, nhìn chúng tôi với vẻ ngạc nhiên và tò mò. Loài chim Cánh Cụt mang tên Emperor Penguins là loại đẹp và tiêu biểu nhất của vùng này vì chúng cao đến 3 ft. , đầu và lưng đen tuyền, hai bên má và cổ màu cam, ngực trắng tinh hài hòa một sắc màu sắc rực rỡ.

Bây giờ, đang giữa mùa Hè Nam Cực, băng đã và đang tan dần, một vài tảng băng khổng lồ trôi nổi giữa những hàng ngàn tảng băng to nhỏ, bập bềnh, nhẹ trôi. Những con sóng nhỏ chạm vào chân các tảng băng trôi tung bọt trắng xóa, rồi chúng nhẹ nhàng, mơn man, vỗ về những giấc mơ tang bồng của các tảng băng lạc loài đang vỡ dần, rụng rơi, tách rời ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ chúng. Cứ như thế, chúng tỏa ra khắp nơi, làm một chuyến viễn du không bờ bến, không nơi đến, để rồi tan chảy dần vào đại dương mênh mông.

canh cut 4
Ảnh tác giả chụp.



Những khối sông băng màu xanh ngọc bích pha lẫn màu trắng của tinh khôi đã tồn tại nơi này hằng triệu năm. Biết bao nhiêu lớp tuyết rơi nằm đè lên nhau, áp suất bầu khí quyển nén chúng dính chặt với nhau tạo nên những bức tranh hùng vĩ, thiên nhiên. Nơi này, chúng tôi thấy được hàng ngàn, hàng vạn chim Cánh Cụt ở một khoảng cách rất gần và ngửi được mùi phân tanh nồng của chúng. Hàng ngàn con đứng tụm lại với nhau, vui đùa, cãi lộn, dường như chúng đang bàn tán về “con vật” khổng lồ, trên đó rất nhiều “sinh vật” đang khoác lên mình đủ mọi thứ quần áo màu sắc rực rỡ với ống dòm, máy hình, và Iphone, cũng đang quay phim và bàn tán và về chúng.

Một vài con chim Cánh Cụt tách đoàn và di chuyển dần về phía bờ biển, những chú chim này có vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn, gan dạ và năng động, chúng muốn tiến gần hơn để coi cho rõ đám sinh vật đang đứng trên con vật khổng lồ này là ai. Một nhóm nhỏ hơn chợt vượt lên phía trước, một con không còn kiên nhẫn, bỗng lao cả thân hình ra phía trước, rơi phịch xuống trên mặt băng và trườn thật nhanh bằng đôi cánh cụt, lao nhanh xuống biển, các con khác cũng bắt chước, cả đám theo nhau nhảy ùm xuống nước. Chúng bơi xa xa và thỉnh thoảng trồi đầu lên ngó dáo dác có vẻ đề phòng. Trên bờ, tuy đứng im, nhưng cha mẹ chúng vẫn thỉnh thoảng dõi mắt trông theo mấy đứa cứng đầu không nghe lời, thỉnh thoảng lại phát lên tiếng kêu to như nhắn nhủ hãy coi chừng bọn “con người” chỉ biết đi bằng hai chân xa xa đằng kia.

Đến đảo Falkland, địa hình thay đổi khác hẳn với các vùng đảo khác, nơi đây, chúng tôi phải khổ cực bước trong lớp cát lún sâu, len lỏi giữa những bụi cỏ Tussac xơ xác, thưa thớt vì gió lạnh và cát bay. Ai nấy phải mang khẩu trang và kính râm mà vẫn bị cát thổi vào mặt buốt rát. Chúng tôi càng thương các chú chim Magellanic Penguins hơn, chúng đứng im lặng cả ngày, thỉnh thoảng lại cọ mỏ vào nhau, phát ra những tiếng ríu rít nho nhỏ, chúng cứ đứng không nhúc nhích như vậy, mặc cho gió cát thổi rào rạt, lạnh buốt mà khuôn mặt chúng vẫn ánh lên nét hiền hòa nhẫn nại, pha chút ngơ ngác và đơn sơ.

Một buổi, thức dậy sớm, con tàu vẫn lặng lờ trôi thật nhẹ trong sương mù, quay mũi về hướng đất liền, khi mọi người còn say ngủ, tôi lên mũi tàu, tầng 18, nơi cao nhất của con tàu, đứng lặng nhìn vào khoảng trống mênh mông bao la biển rộng, tôi chợt nghe được âm thanh của sự im lặng quanh tôi và nghe rất rõ nhịp đập của trái tim mình. Trong sâu thẵm của không gian tuyệt mỹ, chỉ nơi này, con người mới cảm nhận được sự ngưng đọng của thời gian. Cứ thế, tôi để tôi bập bềnh trôi đi trong khoảng không gian nửa thực nửa mơ đó.

Rồi trời dần sáng, một màu trắng mờ ảo của sương mù, lãng đãng như chốn thần tiên, cảnh vật như thực như mơ, như đang nắm ghì lại vòng quay của trái đất. Tôi vẫn đứng im lặng nhìn cuộc giao hoan êm đềm của đất trời và biển khơi; mây trời mềm mại ôm ấp, len lỏi vào các lối ngoằn ngoèo khe núi, vuốt ve từng đường cong nét lượn trên thân thể mạnh mẽ đầy sức sống của các băng sơn. Mặt trời bắt đầu e ấp những tia sáng yếu ớt phía sau núi, con sông băng vĩnh viễn trước mặt chia thành hai nhánh song song đổ xuống triền đồi, chạy đến sát bờ biển. Tôi lặng lẽ thu những hình ảnh đó vào sâu trong tâm khảm mình.

Qua những gì mắt thấy, tai nghe về loài chim Cánh Cụt, chuyến đi miền cực Nam của trái đất để lại trong tôi sự ngưỡng mộ, cảm phục trước tình yêu thương gia đình vô bờ bến và sự kiên cường bền bỉ trước thiên nhiên khắc nghiệt của chim Cánh Cụt, tôi lại càng trân trọng hơn tình yêu thương trong cuộc sống của chính mình, cũng như cảm nhận được sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Nhưng các bạn ơi, khi nhóm chúng tôi rời chiếc du thuyền, đặt chân trở lại trên đất liền, ai nấy đều bước đi với dáng dấp cũng lạch bạch, nghiêng qua nghiêng lại như các chú chim Cánh Cụt vì ăn, ngủ nhiều, và lên cân quá nhanh.

NGUYỄN VĂN TỚI. 02/2025

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
Nhân tuần lễ kỷ niệm 49 ngày Khánh Trường rời cuộc thế gian, tờ Ngôn Ngữ số đặc biệt tháng Hai dành trọn số báo tưởng niệm người họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa Khánh Trường, do nhà thơ Luân Hoán và bạn hữu nhóm Ngôn Ngữ ưu ái thực hiện. Mời đọc bài viết của Trần Yên Hòa trích nhà phê bình văn học Thụy Khuê như một nén nhang tưởng nhớ người họa sĩ/nhà văn tài hoa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.