Hôm nay,  

Sơn Tây Ngày Về

10/12/202423:10:00(Xem: 2318)
thành cổ sơn tây
Cửa Bắc Thành Cổ. Ảnh baotanglichsu.vn

 

(để tưởng nhớ đến Bố nhân ngày giỗ thứ 10: 12/20/2024)

Chuyến đi Sơn Tây dự tính cả năm nhưng mãi đến cuối thu 2010 chúng tôi mới thực hiện được. Bố tôi đã hơn 100 tuổi nhưng thể lực tương đối vẫn còn khoẻ do đó tôi dắt Bố về thăm lại cố hương trước khi có cơn gió mạnh nào đó chưa kịp thổi tắt ngọn nến vàng.

Bố mẹ tôi sống tuổi thơ ở miền quê nhỏ bé này, cùng đi học, đi làm, yêu nhau rồi lập gia đình và sau cùng di chuyển về thủ đô. Tôi sanh tại Hà Nội nhưng vì quê nội và ngoại đều gốc Sơn Tây nên mỗi khi nghe câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt” tôi hình dung ngay đến Sơn Tây mặc dù địa danh hữu tình này chỉ sống trong tâm khảm qua những câu chuyện gia đình.

Ngày về mang nhiều ý nghĩa, Bố sẽ thăm lại miếng đất cũ của gia đình, tuy đã 100 năm nhưng vẫn còn đó! Tôi muốn ngồi nghe Bố kể lại chuyện tuổi thơ và cả chuyện 100 năm của Bố với Mẹ nơi quê cũ... Hy vọng Bố còn khả năng nhớ lại kỷ niệm đã tròn 1 thế kỷ! Sự việc đó trên thực tế hẳn cũng không dễ dàng.

Từ Hà Nội theo quốc lộ 32 đi về hướng Tây Bắc, khoảng 40 cây số hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi đến Sơn Tây. Trung tâm thị xã là Thành Cổ, tọa lạc trên miếng đất vuông, bờ tường cao xây bằng đá ong. Đền Vọng Cung hay còn gọi là Điện Kiến Thiên ở giữa Thành được cất từ thời vua Minh Mạng thứ III để hàng năm cúng trời đất cho quốc thái dân an. Những năm chiến tranh, quan quân cố thủ trong Thành vì được bảo vệ bên ngoài bởi 1 con hào vừa dài vừa sâu. Hiện nay vẫn còn chứng tích và nước sông hào Tích Giang bao thế kỷ vẫn êm đềm chảy quanh.

Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay Cửa Hữu có phố Ngô Quyền. Cấu trúc đặc biệt này làm tôi liên tưởng đến thành phố New Haven thuộc bang Connecticut nơi có trường đại học Yale. New Haven cũng bắt đầu từ miếng đất vuông ở giữa tỉnh gọi là New Haven Green rồi tất cả đường phố hay cơ sở đều xây ngang dọc chung quanh giống như Thành Cổ Sơn Tây.

Bố Mẹ tôi lúc bé sống với Ông Bà ở Cửa Hậu, từ đó lại đưọc phân chia ra bốn khu: Hậu An, Hậu Ninh, Hậu Bình, Hậu Tĩnh. Gia đình Ông Bà ở phố Hậu An, lúc đó Bố Mẹ tôi là những đứa trẻ học trường làng. Hiện nay, nhà cửa ở khu phố này đã xây mới lại, chỉ còn 2, 3 căn lụp sụp, cửa ngõ xiêu vẹo, chắc chẳng bao lâu nữa cũng phải đập đổ nhưng đặc biệt ngôi chùa Hậu An vẫn đẹp, kiên cố, ngạo nghễ như thách đố với thời gian. Chùa toạ lạc ngay khu đất xưa, được bảo trì nên vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Phố Hậu An bây giờ đổi thành Lê Lai, cắt ngang phố chính Lê Lợi. Ở đây có tiệm phở Xê, nghe đồn ngon và rẻ nhất Sơn Tây. Ông Xê khi còn sống đạp xích lô, chán nghề nên mở tiệm phở, bây giờ giao cho vợ con nhưng quá đông khách nên chỉ làm đến giữa trưa là đóng cửa. Tiệm phở không có bảng hiệu nhưng cả tỉnh ai cũng biết.

Mỗi sáng tôi đi bộ với Bố ăn điểm tâm phở Xê hay bánh cuốn tráng tay rồi đi bộ đến quán cà phê gần ngôi chùa cổ, khu đất xưa của Ông Bà tổ tiên. Quán có một bàn nhỏ, đối diện với phố chợ. Ngồi bên nhau, nhiều lần tôi thấy Bố nhìn xa xăm, chẳng nói lời nào vì kỷ niệm quá dầy hay nghẹn ngào do tất cả đã lùi vào dĩ vãng hoặc đắn đo chẳng biết bắt đầu câu chuyện đời mình từ đâu? Bố thích hương vị cà phê đen, tôi để ý những lúc yên lặng, Bố hớp một ngụm đắng như muốn vơi đi nỗi buồn tha hương, nỗi buồn phu thê nay đã nghìn trùng xa cách... Tôi bỏ thuốc lá đã 10 năm nhưng hôm nay, tự nhiên tay quơ lấy bao thuốc trên bàn và đốt lúc nào không hay!

Giờ phút lịch sử này quay lại từ 100 năm, chẳng biết Bố đang nghĩ gì? Tôi thầm biết mình may mắn có đủ điều kiện, cả thời gian và sức khoẻ, giống như cá hồi bơi ngược giòng trở về nguồn cội. Hơn thế nữa, tôi còn được ngồi cạnh Bố già “Người về từ trăm năm” trên mảnh đất cũ sáng nay.

Ngày nào cũng có phiên chợ, người mua kẻ bán như trảy hội, đa số là các bà, các cô. Tôi ít thấy đàn ông Sơn Tây ở nơi này, họ thường la cà các quán nhậu, tán dóc với bạn bè nếu không thì trầm ngâm với điếu thuốc trên môi. Ở Sơn Tây, tôi dậy sớm lúc 5 giờ, tản bộ đường Quang Trung là đến Thành Cổ. Tôi gặp vài cô gái trẻ quét lá vàng trên phố. Khoảng 1 tiếng sau thì đèn đường tắt và loa phóng thanh rỉ rả tin tức từ quê ra tỉnh, mọi nhà vẫn đóng cửa ngủ yên như không có gì xẩy ra.

Có buổi chiều, khi ánh dương vừa khuất sau đồi, tôi đến khu đất nhiều cây lá, có tên là Vườn Ổi để uống cà phê với mấy bạn. Ngồi ở vườn, với không khí ảm đạm miền quê, ngọn đèn mờ ảo, từ trong nhà 2 thiếu nữ tuổi đôi mươi ra tiếp chúng tôi… Được biết mảnh vườn này ở khu Hậu Bình (gần khu Hậu An của Bố Mẹ tôi) đất quê của Trung Tướng Lê Nguyên Khang tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến miền Nam trước năm 75 và bây giờ những người cháu của ông làm chủ quán Vườn Ổi vừa rộng vừa hữu tình. Căn nhà cũ của Tướng Nguyễn Cao kỳ ở Cửa Hữu, phố Ngô Quyền. Nghe kể ông Kỳ có về thăm Sơn Tây chớp nhoáng, sáng đến chiều đi. Ông có người anh cùng cha khác mẹ tên là Nguyễn Cao Đăng qua đời mấy năm nay. Sinh thời, ông Đăng bán báo sống qua ngày, cuộc đời cơ cực bần hàn.

Ngày 30 tháng 4 năm 75, khi chiếc xe tăng đầu tiên cán dẹp cánh cửa sắt chạy thẳng vào Dinh Độc Lập; chiếc xe thứ hai từ phía sau lướt tới... Hình ảnh ấy chúng ta đã xem nhiều lần trên truyền hình nhưng truyện này có một chi tiết quan trọng tôi xin kể vì người Sơn Tây bất mãn...

Trên chiếc xe tăng đầu tiên có 3 bộ đội, họ đánh sập cửa sắt Dinh Tổng Thống nhưng cả 3 không hề được ghi công. Chiếc xe thứ 2 vượt lên, vị sĩ quan tức thì nhẩy ra, leo lên Dinh cắm lá cờ xanh đỏ vàng rồi sau đó hắn được gắn huy chương và công trạng đi vào lịch sử. Trong 3 người ấy, Phượng là nông dân Sơn Tây, bây giờ cắt tóc ở bờ hào, công an đuổi lên đuổi xuống vì làm việc nơi công cộng không có giấy phép, người thứ 2 lái xe Lam ở Saigon và người thứ 3 trở về thôn cầy ruộng.

Chợ Nghệ nằm ở Cửa Tả, lấy tên của làng Nghệ, cách xa tỉnh Sơn 1 cây số. Chợ vừa xây 2 tầng ngay bên bờ hào Thành Cổ; những ngày tôi đến thì chợ chưa khánh thành và người ta họp chợ tạm gần đó. Đi chợ có cái vui là thấy sinh hoạt của tỉnh, rau cỏ, trái cây đều tươi từ quê mang ra. Tất cả gà vịt, chim chóc, cóc nhái hay hải sản cá, cua, tôm, lươn đều còn sống. Khi chọn ăn con nào thì con đó chết! Người bán cắt cổ, giết ngay trước mặt mình rồi nhổ lông làm sạch tại chỗ. Có lần 2 chim bồ câu đã bị đập chết chỉ vì tôi chán thịt gà! Kể từ đó, tôi không muốn trở lại phiên chợ Sơn Tây 1 lần nào nữa.

Danh lam thắng cảnh ở xứ Đoài nhiều lắm: Đền Và, Chùa Mía, Chùa Tây Phương, Núi Ba Vì… Tản Viên là ngọn cao nhất của núi Ba Vì. Từ Thành Cổ, tôi có thể nhìn thấy ngọn Tản Viên khi trời quang mây tạnh. Tản Viên là nơi xẩy ra sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chúng ta đều đã học lịch sử. Tỉnh Sơn Tây xuất phát nhiều nhân tài tập trung ở 2 địa hạt quân sự và văn chương chẳng hạn như: Tản Đà Nguyển Khắc Hiếu, Quang Dũng, Chu Tử, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngọc Ngạn… ngoài những tướng tá tôi kể ở trên còn có Ngô Quyền, Phùng Hưng…

“Đôi mắt người Sơn Tây” là đôi mắt có linh hồn, không phải chỉ đẹp bề ngoài mà chứa đựng cả bầu trời tâm sự bên trong. Khi về đây, tôi hỏi vài trưởng lão để tìm “Đôi mắt người Sơn Tây” thì không ai có câu trả lời rõ ràng vì không thấy cô gái nào có đôi mắt đặc biệt ấy! Thỉnh thoảng tôi gặp vài cô gái đẹp nhưng không phải đôi mắt. Sau cùng, đọc lại bài thơ Quang Dũng: “Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn nguôi…” thì tôi không đi tìm nữa, đôi mắt ấy tôi đang sở hữu ở nhà và nhiều lần đã say đắm. Nỗi lòng này chỉ duy mình tôi hiểu…

Cuối cùng tôi đến viếng từng ngôi mộ, ông Bà Nội, ông Bà Ngoại, tôi cũng thăm tất cả họ hàng, có người chỉ biết tên chưa bao giờ gặp nhưng đã sớm nằm trong lòng đất. Nghĩa địa ở đây quạnh hiu không bút nào tả được, không khí lạnh lẽo bao phủ tận chân trời, từng ngôi mộ xanh cỏ đôi khi không bia đá, không hàng lối nổi lên ngổn ngang từ mặt đất tạo nên cảnh kinh hãi như người chết nhấp nhô trở về.

Đất xưa nên cảnh tượng hoang tàn, con người Sơn Tây nghèo khổ, đâu đâu cũng thấy đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo nên người chết phải sống trong lạnh lùng, ít ai dành thời giờ thăm viếng bảo trì vì thế khi bước vào mộ phải chặt cây, nhổ cỏ mới tìm đến nơi. Tôi nhớ nhất Bà Ngoại, năm 54 để Bà ở lại, Bố Mẹ tôi di cư vào Nam, cứ ngỡ xa cách chỉ vài tháng là đoàn tụ nhưng chiến tranh mỗi năm mỗi khốc liệt và mỗi ngày một cách xa. Bà già yếu khóc nhiều vì nhớ thương con cháu nên lòa cả 2 mắt rồi ra đi không một ai trong gia đình ở bên Bà. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tôi đều xuất phát từ tình yêu của Bà. Tôi đã đến, đốt nén hương lòng, ngậm ngùi tưởng nhớ những năm xưa, những ngày thơ ấu có bàn tay Bà nâng niu ấp ủ... Gió bão thời cuộc đã cuốn đi tất cả và cuộc đời vẫn nổi trôi!

Ngày mai tôi sẽ xa Sơn Tây, không biết bao giờ sẽ trở lại nhưng xứ Đoài với bao ân tình vừa sống lại trong ngày về bên cạnh Bố sẽ chẳng thể phôi pha trong lòng tôi. Quê hương tôi là Đất Việt, có tỉnh lỵ Sơn Tây với núi Tản sông Hồng “nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Sơn Tây ngày về là chuyến đi cuối của Bố tôi trước khi lìa trần. Dư âm ấy đã ghi đậm trong lòng để tôi viết nên nhiều tâm sự.

Vin CĐ

Irvine 12/07/2024 

Ý kiến bạn đọc
13/12/202400:00:51
Khách
Trích: “Bố tôi đã hơn 100 tuổi . . . tôi dắt Bố về thăm lại cố hương . . . .”
Tác giả Vin CĐ năm 2010 có cha trên 100 tuổi, tác giả tuổi nay đã hơn thất thập.
Bài viết khá hay, tuy câu trích tác giả “dắt Bố” không hợp cho người Việt, văn Việt. LGĐ
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng.
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Buổi sáng cuối tuần, mùa đông chớm về với những cụm mây xám nhạt, lơ lửng trôi trên bầu trời California, không khí se se lạnh, tôi và Hoàng ngồi ngoài hàng hiên quán Coffee Lovers của Thành phố Hoa vàng nhìn trời hưu quạnh. Bên hai ly cà phê sữa nóng và dĩa bánh Patechaud, Hoàng nói chậm dãi, nhỏ nhẹ, kể cho tôi nghe về quê ngoại của Hoàng thời niên thiếu.
Theo thông lệ trước đây, hằng năm vào đầu tháng 9, CVKer 65 Bok Thân có tổ chức buổi tiệc gây quỹ cho địa phận Kontum. Năm nào Bok Thân cũng thành công mỹ mãn, gởi về quê nhà nhiều số tiền lớn lao dùng cho các hoạt động bác ái của địa phận. Sau dịch cúm Tàu phù, kinh tế trì trệ, dân chúng cũng ngại đám đông nên Bok Thân phải uyển chuyển tổ chức 2 năm một lần; lần này là Đêm Tình Thương lần thứ Sáu.
Memphis là thành phố lớn của tiểu bang Tennessee, nổi tiếng là một trong những cái nôi của dòng nhạc Blues & Jazz của nước Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi lái xe đến thăm Memphis chỉ để được nghe nhạc Blues “nguyên chất” tại B.B King’s Blues Club, một trong những “việc đáng làm trong đời” đối với những người mê nhạc Jazz. Nghe nhạc Jazz ở Memphis sẽ thấy được dòng nhạc như chảy trong huyết quản của người da đen ở Miền Nam Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.