Tùy bút
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Đó là một buổi sáng ba tôi nằm trên võng và nói: “Ben! Thi lại đại học kiến trúc Sài Gòn đi con, vô trong nớ mới có tương lai”, dù rằng lúc đó tôi đang là sinh viên năm nhất kiến trúc của Đại học Khoa Học Huế. Và quyết định “cưu mang viễn xứ” đã đưa tôi đến Sài Gòn hơn 15 năm. Để rồi biết bao lần về thăm Huế tôi cũng có cảm giác tê cóng cảm xúc không nói được, như mình đang mất một cái gì đó quý giá vừa tìm lại được.
Ba mẹ tôi không bao giờ ngạc nhiên mỗi lần tôi về thăm nhà và thả cái ba lô xuống một góc phòng. Ba nhìn tôi bình nhiên như thuở bé chạy đi chơi trong xóm mới về rồi nói “Ben vô thưa ôn mệ đi con!”.Ôn mệ cũng nhìn tôi rồi cười, không nói gì. Mẹ tôi vẫn nấu ăn cho buổi cơm chiều như mọi ngày vẫn diễn ra. Bởi cả nhà tôi tin rằng Huế là quê hương đi để mà nhớ, mà đã là nhớ thì phải trở về cho thỏa nỗi ngóng chờ của kẻ tha hương lẫn người cố quận như một lẽ tất nhiên.
Huế đày đọa người Huế ly hương mà không cho quên Huế!
Hơn 10 năm trước ngồi cà phê với đứa em còn là cộng tác viên của một tờ báo, sau một hồi im lặng nó nói: “Em thấy anh giống cái bánh”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao em so sánh anh lạ vậy?” Nó nói: “Bởi anh sinh ra trong một cái khuôn, cái nếp, cái gia giáo xưa của Huế”. Bất chợt mới thấy không chỉ riêng mình mà những người con Huế khác dù có lưu lạc tứ xứ vẫn gìn giữ những nếp nghĩ xưa cũ, vẫn “dạ thưa”, vẫn khiêm cung lễ độ trong cách ăn nói, vẫn thường soi mình trong mắt người khác để coi mình cư xử có làm phật lòng người khác hay không. Cũng như cảnh Huế đã “trơ gan “ giữa thời đô thị hóa để giữ gìn những thành quách, đền đài lăng miếu hoang rêu. Cảnh Huế và tình Huế đã đồng điệu trong việc lưu giữ, lắng đọng xuống bề sâu những giá trị thuộc về ngày cũ.
Tôi vẫn có thói quen im lặng và thả mù khói thuốc xám bay khi nghe ai đó than phiền hay chưa vừa lòng với Huế. Những lúc đó tôi dấu được nỗi buồn trong mắt người đối diện nhưng không sao dấu được tiếng thở dài. Bởi kỷ niệm ký ức mới làm nên cái tình cái hồn cho nơi chốn, nếu nhìn Huế qua hình ảnh và hiểu Huế bằng chữ nghĩa thì chỉ thấy màu tàn phai lẫn tiếng thở than của thành quách đã nhuốm đời hoang phế. Người ta làm sao có thể hiểu được nỗi niềm, tình cảm của một đứa bé lớn lên ở Huế. Tôi làm sao quên những ngày rét căm của Huế ngồi sau xe mẹ chở tới trường, hay những tối muộn màng ba vẫn đi về để trả nợ áo cơm. Những đêm mưa dột hết cả chỗ nằm mà vẫn ấm hơi cha mẹ, hay những mùa lụt tận năm nào vẫn còn ngập sũng lòng tôi. Có mấy ai biết mỗi lần gần Tết Nguyên Đán là nỗi nhớ quê nhà cứ tự nhiên thấm đẫm trong tận cùng sâu thẳm của mỗi tấc lòng, giữa đoạn trường đời nhau chờ ngày sum họp…
Huế bình thản ngày tạ từ mà đau đáu ngày đoàn viên. Huế để người ta đi xa ngái mà day dứt thương nhớ cố quận khôn nguôi. Với tôi Sài Gòn là nhà mà Huế là quê hương!
Những người bạn đi du lịch Huế về gặp tôi thường nói: “Huế buồn quá Linh ơi, mưa dầm dề mãi”. Tôi không ngạc nhiên bởi tôi biết Huế đủ nỗi buồn để chia đều hết thảy cho mọi người. Huế buồn từ thuở khai sinh bởi tiếng thở dài của người Chiêm lưu vong đã giao thoa với những người từ phía đàng Ngoài đi mở cõi, đã trải qua thất thủ kinh đô với những miễu âm hồn như vết tích, qua bao đời hưng phế của triều Nguyễn chỉ còn lại đền đài một thuở sương phai. Huế buồn bởi nắng sớm mưa trưa chiều tím đều mang vẻ khắc khoải hoài vọng quá khứ, lặng lẽ với hiện tại và mong chờ ở ngày mai sẽ hội ngộ tương phùng. Có người thì thắc mắc sao Huế đi ngủ sớm vậy, mới có 9 giờ tối mà đường phố vắng tênh. Thực ra Huế không thức khuya ngoài đường phố mà thức dưới mái nhà, bên cạnh cha mẹ anh em với những câu chuyện đời chuyện người bất tận như những cơn mưa. Những cơn mưa dầm như một món đặc sản đã làm cho tình cảm Huế ít phát triển hướng ngoại mà thường hướng về chiều sâu của nội tâm, âm thầm mà chung thủy. Thế nên, người ở lại thì vẫn năm tháng đợi chờ gót lữ hành của kẻ “khăn gói đi xa”. Người viễn xứ thì luôn có một “góc Huế” trong mớ hành trang của ký ức để luôn canh cánh trở về mỗi khi thấy nhớ.
Huế cũng như bao bà mẹ quê trên đất nước này: giản dị, chất phác đơn sơ nhưng luôn bao dung, cảm thông, nhớ thương những đứa con luân lạc của mình. Làm sao ra đi cho đành đoạn mà không khắc khoải ngày trở về thăm Huế: nơi chốn lưu giữ một phận đời tôi.
– Bùi Hoàng Linh
Gửi ý kiến của bạn