Hôm nay,  

Chỉ vì mê nhạc Bolero

26/09/202307:37:00(Xem: 2379)
Truyện

woman-listening
Tôi không biết hát nhưng thích nghe nhạc và thuộc cả một “kho tàng” nhạc đủ loại của nhiều tác giả như Phạm Duy, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Trịnh Công Sơn…( còn nhiều nữa, không thể kể hết) và đặc biệt tôi cũng mê dòng nhạc Bolero.
    Tuổi lên 10 chẳng biết gì thế mà tôi đã biết yêu nhạc Bolero rồi. Bản nhạc đầu tiên tôi thích là “Mấy độ Thu về”. Hôm theo bố mẹ đến nhà người bác chơi ở Thị Nghè, trước khi đi vào con hẻm nhà bác, tôi thấy một tiệm sách báo ngay vỉa hè để một kệ gỗ kẹp những tờ bản nhạc, thế là trong lúc người lớn mải chuyện trò tôi xin tiền mẹ và đi ra tiệm sách báo ở ngoài đường để tìm mua bài hát “Mấy độ Thu về” và còn ngắm nghía lật xem những bài hát khác, tôi không hiểu nhạc, chẳng quan tâm đến những nốt nhạc cao thấp trên những dòng kẻ ấy là gì mà chỉ đọc lời, hết bài này đến bài kia và ước gì có nhiều tiền thì sẽ mua thêm nhiều bài hát nữa cho đến khi mấy chị con bác phải chạy ra ngoài ngõ tìm tôi vì tưởng tôi đi lạc.
    Thời đó chưa có ti-vi, chỉ có radio mà sức lan truyền âm nhạc đến với thính giả cũng thật mãnh liệt. Tôi “già” trước tuổi, không biết, không thuộc một bản nhạc thiếu nhi nào mà nhạc tình cảm Bolero đi thẳng vào tim tôi từ lúc bé. Hàng xóm cách nhà tôi một con hẻm có mẹ con anh Ngâu, nhà chỉ có hai mẹ con. Anh Ngâu lớn hơn tôi đúng một con giáp, tôi gọi anh bằng “Chú” vì anh Ngâu bằng tuổi chú ruột của tôi chứ tôi chưa biết đến bài hát “Đừng gọi anh bằng Chú”.
Là hàng xóm từ lâu nhưng năm 15 tuổi tôi mơí phát giác ra chú Ngâu biết đàn biết hát nhờ một hôm đi qua nhà chú chợt nghe tiếng đàn vọng ra một điệu nhạc quen quen: “Đường về đêm nay vắng tanh. Dạt dào hạt mưa rớt nhanh…” Tôi thấy chú Ngâu ngồi bên chiếc bàn con cạnh khung cửa sổ, dáng chú gầy gầy với mái tóc lòa xòa đang cắm cúi với cây đàn. Tôi đẩy cánh cổng thấp bằng gỗ, hấp tấp bước vào nhà đến bên chú ngạc nhiên và mừng rỡ:
    – Cháu không ngờ chú Ngâu đàn hát hay thế. Xong bản “Kiếp nghèo” chú đàn cho cháu nghe bài “Mấy độ Thu về” đi.
    Chú Ngâu cũng ngạc nhiên vì tôi xông vào nhà bất ngờ, nhưng chú vẫn nhớ ra và bảo tôi:
    – Cháu ra khép cổng lại kẻo chó vào nhà chú, con chó con nhà bác Tài đối diện hay lẻn sang nhà chú ăn vụng lắm.
    Tôi thật đoảng, tự nhiên vào nhà người ta mà còn quên đóng cổng. Khi tôi trở vào chú Ngân từ chối:
    – Chú không có bản nhạc ấy nên không đàn hát được.
    Thế là tôi chạy về nhà lấy tờ nhạc “Mấy độ Thu về” mua đã mấy năm nay mà tôi vẫn giữ gìn cất làm kỷ niệm, thỉnh thoảng mang ra hát một mình và đưa cho chú Ngâu rồi ngồi nghe chú đàn hát say sưa. Tiếng đàn  guitar réo rắt êm đềm và tiếng chú hát trầm ấm rất hay. Nhà có bài nhạc nào tôi lần lượt mang sang đưa cho chú Ngâu đàn hát cho tôi nghe mà không biết chán. Nhưng chú Ngâu đã chán:
    – Cháu à, chú còn phải đi làm chứ có rảnh ở nhà đâu mà đàn hát cho cháu nghe chơi hết bài này đến bài kia, mà cháu lại tốn tiền mua nhạc nữa. Đài phát thanh Sài Gòn có mục “Tân Nhạc Yêu Cầu”, cháu tha hồ yêu cầu bản nhạc nào mình muốn.
    Tôi thích quá hỏi chú cách gởi thư về tiết mục nhạc yêu cầu này. Đến bây giờ tôi mới biết chú Ngâu làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, xưa nay hằng ngày tôi vẫn thấy chú Ngâu đi làm bằng chiếc xe mobylette rồi tiến tới chiếc xe Honda cũ mèm mua lại của ai, nhưng tôi không biết chú làm gì ở đâu. Chắc thấy tôi mê nghe nhạc quá chú Ngâu thông cảm “giúp đỡ”:
    – Cháu muốn yêu cầu bài hát nào đưa chú khỏi phải tốn tiền tem thư,  bạn chú làm ở phần này sẽ “ưu tiên” sớm cho cháu.
    Thế là tôi yêu cầu liên tiếp mấy bài hát ruột: Mấy độ Thu về, Giòng An Giang, Nhớ Bến Đà Giang, Lối về Xóm nhỏ, Trăng rụng xuống cầu. Bài nào cũng ghi “Thân tặng chú Ngâu” ngầm để trả công chú đã đưa thư tôi đến mục nhạc yêu cầu này. Lần đầu tiên tôi nghe từ đài radio đọc tên Nguyễn Thị Bông yêu cầu bài hát này để tặng chú Ngâu tôi đã sung sướng vui mừng như trúng sổ số. Tuần nào tôi cũng có những bài hát để yêu cầu và chờ đợi nghe, chờ đợi tên tôi được đọc lên cùng với lời tặng tên chú.
    Tôi lớn thêm 1 tuổi tôi càng yêu thêm nhiều bản nhạc Bolero. Thời chinh chiến tôi yêu những bài tình ca về người lính và những bản nhạc tình yêu đôi lứa mơ mộng , lãng mạn. Chưa yêu ai, chưa thất tình mà tôi đã u sầu với: Tình yêu trả lại trăng sao, Sao chưa thấy hồi âm, Lẻ bóng…. Tôi vẫn đưa tận tay chú Ngâu lá thư gởi cho mục “Tân nhạc yêu cầu” của đài phát thanh Sài Gòn, như thói quen thường lệ bấy lâu nay, bài nào dù nhạc lính hay nhạc tình yêu tôi cũng ghi tặng chú Ngâu vì ngoài chú ra tôi chẳng biết tặng ai. Nhưng hình như chú Ngâu có vẻ ngại ngùng chú nhắc nhở tôi:
    – Từ giờ đừng ghi tên chú trong bản nhạc cháu yêu cầu nữa.
    Tôi cụt hứng và không hiểu tại sao hơn một năm nay tôi vẫn ghi tặng chú mà bây giờ chú mới lên tiếng chối từ? tôi có làm gì sai không? Có làm chú buồn gì không? Người ta yêu cầu nhạc ai cũng ghi lời tặng người yêu hoặc bạn bè, tôi cũng thế, tôi xem chú Ngâu vừa là tình hàng xóm vừa là tình chú cháu. Bây giờ chú không thích thì tôi sẽ tìm cách khác để tặng vậy. Tôi liền nghĩ ra cách, vẫn yêu cầu những bài hát Bolero trữ tình và với lời ghi tặng mơ hồ là “Cho một người anh trong mộng” hay “Gởi tặng anh giấu tên” cho thêm phần lãng mạn, cho giống người ta, cho lửng lơ bí mật chứ người anh ấy, người trong mộng ấy tôi nào có.
    Thế mà vẫn không yên, chú lại nhắc nhở:
    – Cháu mê nhạc thì không sao nhưng ghi lời tặng… chỉ làm khổ người ta.
    Tôi vẫn chẳng hiểu sao chú bỗng khó tính thế, ít lâu sau chú bảo tôi:
    – Bạn chú không còn phụ trách mục “Tân Nhạc yêu cầu” nữa. Từ giờ trở đi cháu gởi thư thẳng tới đài phát thanh Sài Gòn.
    Chắc chú bận không muốn đưa thư giùm tôi nên nói thế, lúc này tôi đã 16 tuổi, viết vài dòng thư, ghi địa chỉ, dán một con tem gởi đi quá dễ dàng, tôi  không làm phiền chú Ngâu nữa. Nhưng một hôm tôi đi qua nhà chú lại thấy chú ngồi đàn bên khung cửa sổ, với mái tóc lòa xòa ấy. với dáng dấp gầy gầy ấy, bài hát mà tôi đang yêu thích: “Ai cho tôi tình yêu”, tôi lặng người đứng yên ngoài cổng, đến câu cao trào tha thiết lâm ly: “Nhưng biết chỉ là mơ, nên lòng nức nở…” tôi  mở cổng xồng xộc vào nhà làm chú Ngâu bừng tỉnh giật mình vì bị phá vỡ phút giây đang thăng hoa cảm hứng với bài hát. Thấy mặt chú ngơ ngẩn tôi vội trấn an chú:
    – Cháu đã đóng cổng rào, con chó nhà bác Tài không vào được đâu.
    Chú Ngâu gắt nhẹ:
    – Cháu vào đây làm gì?
    Tôi trả lời dõng dạc như một điều đương nhiên:
    – Vào nghe chú hát. Chú hát nốt bài “Ai cho tôi tình yêu” đi. Đến câu “Thương còn đi, yêu thì chưa đến. Tên gọi tên tình chưa đỗ bến, nẻo mô mà tìm”.
    Chú Ngâu bỗng nghiêm trang:
    – Chú hết hứng hát rồi, cháu về đi. Lần sau đừng tự tiện vào nhà chú nữa.
    Rõ ràng là chú Ngâu đuổi tôi. Tôi có làm gì lỗi đâu? Tôi vẫn từng vào nhà chú như thế này mà, chú vẫn từng đàn hát cho tôi nghe mà. Tôi ấm ức vì bài ca dang dở, vùng vằng bước nhanh ra cửa, cố tình mở toang cánh cổng và cầu mong con chó nhà bác Tài chạy sang để trả thù chú Ngâu.
 
***
 
Tôi lấy chồng, rời xa xóm. Hai năm sau gia đình cha mẹ tôi cũng rời xa xóm, dọn lên ở vùng Khánh Hội. Khi tôi có dịp về thăm xóm cũ, nhà chú Ngâu đã đổi chủ, chủ mới xây nhà hai tầng, làm hàng rào song sắt cao hơn hàng rào gỗ thấp ngày xưa. Tôi hỏi thăm bác hàng xóm thân quen thì được biết chú Ngâu lấy vợ muộn màng lúc ngoài 40 tuổi dù có vài mai mối, ai cũng tưởng chú ấy tuổi vừa già vừa xấu nhà lại nghèo mà kén chọn  nhưng hóa ra chú Ngâu thất tình. Mãi sau mới chịu lấy vợ. Tôi mỉm cười:
    – Bác đùa chứ? Ngày xưa cháu thấy chú ấy rất yêu đời lúc nào cũng đàn hát bên song cửa.
    Bác hàng xóm quả quyết:
    – Thì bởi yêu đàn yêu hát và yêu cả người con gái nào đó cũng thích nhạc như mình nhưng mặc cảm chênh lệch tuổi tác, nhà lại nghèo rớt mồng tơi nên chẳng bao giờ dám ngỏ lời, đành ôm mối tình câm. Chính bà mẹ kể tôi nghe thế đấy.
    Tôi bàng hoàng. Không lẽ ngày ấy chú Ngâu đã yêu tôi?! Sao ngày ấy tôi không đọc trong đôi mắt buồn buồn của chú, không lắng nghe trong giọng nói ngại ngùng của chú đã ẩn chứa những gì? Tôi đã vô tình và ngây thơ đi vào cuộc đời chú, thân mật gần gũi, từ tình hàng xóm chú đã nảy nở tình yêu và biết đâu chú ngộ nhận tưởng rằng tôi cũng có cảm tình với chú qua những lần đến nhà nghe chú đàn hát và qua những lời tôi tặng nhạc yêu cầu. Chỉ vì mê Bolero mà tôi là người có tội, đã cho chú Ngâu một tình yêu vô vọng.
    Dưới mắt tôi chú Ngâu chưa bao giờ xấu, tôi thích dáng vẻ nghệ sĩ của chú khi ôm đàn cất tiếng hát, tâm hồn chú trẻ trung đầy năng lượng. Nhưng chú Ngâu ơi, xin lỗi chú, cháu không hề yêu chú. Tôi đi qua căn nhà chú Ngâu lần nữa. Bỗng ước rằng căn nhà này vẫn là căn nhà năm cũ với tôi tuổi 16 mới lớn và với chú Ngâu 28 tuổi.  Chú Ngâu đang ôm đàn hát bên khung cửa sổ, tôi sẽ đẩy cánh cổng rào thấp bước vào nhà, nhất định tôi sẽ bắt chú hát hết bài “Ai cho tôi tình yêu” mà hôm ấy chú đã mặc cảm ngại ngùng chối từ và đuổi tôi về. Chú sẽ hát với cả nỗi niềm và tôi sẽ hiểu, sẽ bâng khuâng xúc động. Xúc động vì tình yêu chú dành cho tôi, vì ân hận đã làm trái tim chú bị thương.
    Từ bé đến lớn tôi đã yêu dòng nhạc Bolero và tôi sẽ yêu đến hết cuộc đời những bài hát tình cảm quê hương, tình đời, những bài hát sầu thương bao chuyện tình hợp tan, chuyện tình đơn phương không trọn vẹn của muôn triệu người trên thế gian này trong đó có chú Ngâu hàng xóm của tôi.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cơn mưa bất chợt đến mang theo nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn chầm chậm len vào tim vào phổi rồi thoát ra thành hơi thở nóng hòa nhịp tiếng mưa rơi. Tiếng hát Thái Thanh vút lên, dội lại những hình bóng nhập nhòa kỷ niệm. Những hình bóng cũ, những hò hẹn xưa. Ngày mưa tháng nắng theo nhau qua...
Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời...
Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm. Hôn lễ sẽ tổ chức ngày… tại nhà hàng… Trân trọng mời ông bà, cô bác… đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
Nghe tin tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được Người Việt Books cho in lại 2 tập: Nguyễn Đình Toàn – Tiểu thuyết 1 & 2. Tôi chỉ đọc những giới thiệu trên nhật báo Người Việt và Web Diễn Đàn Thế Kỷ, nhưng tôi chưa được nhìn qua hai đứa con tinh thần này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt. Định trong lòng một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến thăm ông, vấn an sức khoẻ của ông, và sẽ mua 2 cuốn sách này...
Đã hơn cả tuần nay, chiều nào mây cũng giăng xám một góc trời. Mưa không lớn chỉ lất phất bay, đủ ướt phủ mặt đường. Những hình ảnh chập chùng, bao kỷ niệm hiện về lẫn lộn...
Tôi ngồi thừ trước cửa sổ mở rộng trước mặt trong căn bếp không mở đèn; qua tấm kiếng những chiếc lá thu vàng rơi xuống là đà theo cơn gió thổi, có những chiếc lá vàng thật đậm màu bị sâu ăn lỗ chỗ, có những chiếc vàng ươm rất đẹp cũng…lìa khỏi cành cây...
Hôm ấy là ngày mùng một Tết, không khí trang trọng và linh thiêng của ngày đầu năm như rạng rỡ và đầm ấm bao quanh Quảng Hương Già Lam, chùa mang tên Quảng Hương, là tên của một vị tăng đã hy sinh vì đạo pháp năm 1963...
Thường một nghệ sĩ được gọi chỉ một danh xưng, nhưng đối với Nguyễn Đình Toàn thì phải gọi là nhà văn nhạc sĩ mới đầy đủ; vì ông có nhiều tài năng về văn nghệ. Bao nhiêu người nhắc đến giọng đọc cùng lời văn của ông trong chương trình giới thiệu nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, đã quyến rũ nhiều thính giả...
Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh...
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.