Hôm nay,  

Chuyện vãn [Trích đoạn]

06/06/202307:44:00(Xem: 2407)
Truyện

father-son

Con hơn cha l
à nhà có phúc (1)

Trưa chủ nhật tuần vừa qua, bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 83 của tôi đã được các con cháu xúm nhau tổ chức tại nhà gia đình đứa con thứ hai của tôi. Đếm sơ đầu người thì thấy vắng tới gần một nửa, thế mà cũng trên ba chục nhân mạng, gồm cả con trai con gái, con dâu, con rể, con kết nghĩa lẫn các cháu nội ngoại ríu rít lần lượt đến khoanh tay trình diện và thưa trình với tôi, ông nội, ông ngoại. Đang ăn uống thì nhiều cú phôn liên tiếp gọi về, của những đứa con và cháu đang bận việc bất ngờ hay vì nhà ở xa, những Bắc Cali hay San Diego, không kịp đến.
    Diễn tả dài dòng như vậy, mục đích là mong để quí vị cảm nhận được phần nào nỗi vui mừng lâng lâng dâng lên trong tôi, lúc ấy và ngay cả bây giờ khi tôi đang rỉ rả kể lại. Thôi thì thuận tiện nhớ tới đâu, kể tới đó, nghen.

Nhỏ không học, lớn lượm lon

Trên ba bàn lớn kê sẵn ở quanh phòng gia đình nối với phòng khách, những khay thức ăn quá nhiều món bầy kín mặt bàn. Nhưng tôi chỉ nhớ ngay đến món gỏi gà luộc xé nhỏ trộn với nào là bắp cải thái mỏng ngào hành tây - hành lá, rau mùi, dấp cá, rau răm...thêm tỏi sống băm nhỏ, hạt tiêu giã nhuyễn, nước chanh vắt tươi, và một đĩa muối ớt cho ai muốn ăn đậm đà vừa miệng hơn. Món này do chính đứa con dâu cả thực hiện. Tôi được mời là ăn liền món này, vừa chậm rãi nhai - nuốt vừa nhâm nhi để thấm vào và hòa trộn trong tiềm thức, từng vị ngọt của thịt gà đến mùi thơm của rau tươi.
    Sở dĩ tôi thích nhất món gỏi gà vì nó nhắc nhớ lại trong tận cùng ký ức đến thời xa xưa, hồi tôi còn bé ở quê, ngày giỗ ông bà tổ tiên hằng năm mới được thưởng thức. Bỗng dưng muốn khóc, tôi vội giả lả cười nói lớn với mấy đứa cháu đến ngồi cạnh. 
    Món thứ hai, cháo nấm. Đứa con dâu thứ hai nấu từ sáng rồi mà vẫn cứ để riu riu nguyên ở trên bếp, cho đến khi nào ai muốn ăn mới múc ra tô. Hỏi thì được nó thổ lộ: Nước hầm xương heo sẵn với gạo cho mềm tơi ra, nấm hương xào với tỏi - chút ít muối hầm cho săn lại, đổ vào. Và đương nhiên là phải có thêm thịt viên và thịt bằm mà bọn nhỏ ưa thích, "nhưng còn riêng ba vốn không còn muốn ăn nhiều thịt nữa nên chỉ múc có một vài viên 'hương hoa' trong tô đưa cho ba thôi…"
    Đấy. Quí vị nghe con dâu thứ hai của tôi nó nói nguyên văn như thế. Bảo sao mà tôi không “quí” nó cho được! Thêm nữa, chính tôi không sao quên cái cách ăn, nhai và nuốt thật chậm cái món cháo nấm này: Ngoài cái tác dụng phù hợp với cách thức ăn uống từ tốn tránh mắc nghẹn hay sặc ho của người lớn tuổi, thực tình tôi còn như cố để lưu lại chút ít gì cụ thể , càng lâu càng thú, trong miệng mà nhớ tới bà vợ tôi đã vội ra đi sớm hơn tôi, trước đây 8 năm rồi...
    Tuy nhiên, một chi tiết khiến tôi xúc động sâu xa hơn cả là khi cậu con rể tôi nguyên gốc người Hoa hứng khởi đứng lên chúc mừng sinh nhật tôi bằng tiếng Việt giọng của dân 'Nam Kỳ chính gốc', thật rõ, thật sõi. Rồi nó kêu đứa con gái ra đứng khoanh tay trước mặt tôi mà nói lớn câu: chúc mừng sinh nhật ông ngoại.
    Trong bụng đang thấy sướng mê đi.., tôi lại nghe nó hỏi thêm đứa con gái:
    – Hồi nhỏ ông ngoại đã khuyên con câu nào?
    – Nhỏ không học, lớn lượm lon!

bao 1Tôi ngồi giữa mấy đứa cháu nội, cháu ngoại.
[Hình chụp đâu hồi tôi mới về hưu, 2011- 2012.]

Phước ông trồng cây ăn trái (2)

Đề cập tới đứa con rể này, thì nhân dịp đây tôi cũng muốn 'khoe' thêm luôn một thể, nghen: Đứa con rể tôi nó vốn sinh trưởng ở Singapore, đậu MBA và được biệt phái theo công ty sang kinh doanh ở Sàigòn hồi giữa thập niên 1990. Đúng lúc ấy, con gái tôi vừa đậu xong trung học. Con nhỏ được cái thông minh lại bản tính chịu khó tìm tòi học vấn và có khiếu sinh ngữ: Từ bé, nhờ nhà tôi sống cạnh xóm nhiều người dân gốc Hoa cư ngụ, nó chơi thân với con cháu của họ nên nói sõi tiếng Quảng ( Quảng Đông) lẫn tiếng Tiều (Triều Châu). Sáu năm trung học, tự nó chứ chẳng ai bắt buộc hay gợi ý gì cả, nó xin đi học thêm những lớp tối tiếng Pháp lẫn tiếng Anh nữa. Thế là nó biết nghe, nói đến 4 thứ tiếng. Nhờ vậy mà khi dự tuyển vào công ty liên doanh Việt-Singapore, một mình nó đáp ứng nhu cầu cần nhân viên người Việt nói, nghe được nhiều sinh ngữ khác, nhất là tiếng Hoa, thế là nó được đặc cách nhận; nhưng phía bên quản trị Việt đã kêu ra gặp riêng kín đáo giao nhiệm vụ bắt phải vừa làm vừa nghe lén rồi để báo cáo với phía quản trị Việt!
    Vì gốc cha là tôi, vốn cựu tù học tập cải tạo, nó phải nín nhịn riết rồi cũng đến lúc bức bối quá và may gặp người nó trực cảm là có thể tin cậy được, nó trút hết ra sự tình với cậu sếp Singapore của nó, là con rể tương lai của tôi sau này. Anh ta thật tình thương xót hoàn cảnh mà chủ tâm kiếm cách cho con gái tôi thoát khỏi gông cùm làm ăng ten kinh tế kiểu ma giáo ấy: Năm 1999 anh con trai người Singapore này lại thêm một lần đối xử tốt nữa, giới thiệu con gái tôi thi tuyển vào làm nhân viên của phòng thông tin ( Information center) trong tòa Tổng Lãnh Sự Anh quốc (British Council). Đến năm 2001, gia đình tôi đi tái định cư diện HO. Vẫn còn đang làm cho công ty gốc Singapore tại Sàigòn, cậu con rể này cậy cục xin chuyển bằng được sang bộ phận đại diện hãng của nó ở Hoa Kỳ. Rồi khi sinh đứa con gái mà tôi vừa đề cập đến ở trên thì vợ chồng nó  mua được căn nhà ở Irvine.
    Cuối năm 2011, ban đầu làm thợ lắp ráp, sau đó chuyển sang tài xế lái xe giao hàng cho hãng, ròng rã như vậy đã mười năm có thừa, tuổi tác cũng vừa đủ để được hưởng quyền xin về hưu theo luật định, tôi bắt đầu thong dong mấy tháng nghỉ ngơi cho đã đời. Rồi trong bữa tiệc mừng sinh nhật của tôi, vợ chồng con cái cháu chắt quây quần ăn uống vui vẻ với nhau ở nhà đứa con đầu, tôi chính thức tuyên bố từ nay sẽ hằng tuần tự trao trách nhiệm chăm sóc vườn tược cho đủ sáu căn nhà của con cháu, chỉ nghỉ mệt có ngày chủ nhật hằng tuần thôi.
    Tụi nhỏ nhao nhao lên phản đối rằng cha già về hưu mà còn phải làm lụng nặng nhọc, ngộ nhỡ sơ sẩy tay chân thì khổ thân mà mọi người cũng áy náy không yên. Chúng nó năn nỉ vợ tôi phải can gián. Bà ấy bảo, tụi bay biết rõ cả rồi: Ổng muốn làm gì thì có trời cản! Hơn nữa, tụi bay thực tế từ tấm nhỏ tới giờ đã chứng kiến sinh hoạt của ổng rồi đó, ổng suốt đời lúc nào cũng mầy mò kiếm hết việc này thì lại làm sang cái khác, có bao giờ ổng chịu ngồi yên một chỗ đâu!
    Tới nước này tôi thấy bắt buộc mình cũng phải nhẹ nhàng lên tiếng giãi bầy, mong cho êm một bề: Suốt đời ba ngồi không là bịnh! Hằng ngày phải có cái gì đó làm lụng lai rai, như tập thể dục vậy thôi. Tụi con đừng quá lo. Ba hứa là gặp chuyện gì nặng nề quá, ba sẽ  kêu bọn chuyên môn chúng thực hiện, con cháu trả công cho họ. Hơn nữa, lương hưu trên ngàn một tháng, ba chỉ đủ chi dụng. Do đó, mỗi tháng các con cháu vốn sẵn đã biếu ba-má mỗi đứa tùy khả năng một vài trăm bạc để ba má sây sài dư dả; thì ngược lại, bây giờ ba về hưu mà chọn việc coi sóc vườn tược cho tất cả các con các cháu, cũng là một chuyện bình thường, tốt cho sức khỏe cơ thể lẫn cả cho tâm thần ba mà.
    Tôi nói đại khái như vậy, thật sự chẳng phải chỉ vì mục đích trấn an gì chúng nó, mà tôi bộc lộ chính thâm tâm tôi muốn thực hiện điều này. May mắn sao tất cả chúng nó đều xem ra thật sự thấu hiểu là tôi thực muốn thế, nên mặc dù gắng gượng trong bụng nhưng không có đứa nào kỳ kèo thêm nữa.
   Thế là tôi 'yên thân' một cách thỏa mãn, cứ thực hành những gì như ý muốn làm ở vườn nhà của chúng nó. Tụi nhỏ thì bàn tính sẵn với nhau: Từng gia đình chúng nó thay phiên, cứ trưa chủ nhật là một gia đình kéo vợ chồng con cái đến nhà tôi, nấu nướng gì đó để ăn chung với vợ chồng tôi. Thi thoảng mỗi tháng thế nào cũng có đứa đòi đưa vợ chồng tôi đi chợ chung, hay cùng con cháu ra công viên chơi, rồi tiện thể ăn ở nhà hàng một bữa.
    Mấy năm sau, gia đình đứa con gái tôi có chồng người Singapore, nhà ở Irvine đang gặp chuyện khó giải quyết: Chả là đứa cháu ngoại gái của tôi học lên trung học, cha mẹ nó muốn cho nó được theo học tại Oxford Academy trên thành phố Cypress. Trường nổi tiếng này chỉ nhận học sinh ngụ tại cùng lắm mấy thành phố quanh đấy thôi. Vợ chồng chưa biết phải làm sao thì tôi gợi ý rằng cứ ghi tên con chúng nó chuyển cư ngụ tại nhà tôi trên Garden Grove, còn tôi sẵn sàng hằng ngày xuống đưa cháu gái ngoại đi học tại trường này, chiều đón về. Không để chúng nó nghĩ ngợi nhiều, tôi 'phán ' ngay: Dứt khoát ba muốn làm tài xế đưa rước cháu ngoại ba, tụi bay phải trả tiền xăng mỗi tháng bốn trăm!
    Tôi lại còn nhớ thêm rằng trong bốn năm làm tài xế đưa cháu ngoại gái đi học, bạn cùng lớp cháu tôi cũng được ông nội nó làm tài xế nhưng có lần ông kia phải về Việt Nam có việc gấp cần giải quyết trong thời gian độ hai ba tuần; ông này thổ lộ than phiền thì tôi bảo ông ta: Tôi sẵn lòng thế chỗ ông vì đằng nào tôi cũng phải lo cho cháu gái ngoại mà, gắng thêm một đỗi đường tạt qua nhà cháu nội ông một chút, mỗi ngày chỉ tốn nửa tiếng đồng hồ nữa, nhằm nhò gì!
    Bất chợt tôi đề nghị như vậy, thế mà từ đó tôi được thêm niềm vui: Ông kia đòi tôi phải cho ông kết thành bạn. Rồi ông ta còn gợi ý với bố mẹ của bạn học cháu ngoại tôi để họ chính thức xin tôi làm ông ngoại 'nuôi' luôn đứa con gái đó, bạn cháu ngoại tôi!
    Tóm lại, tôi bây giờ luôn cảm thấy thật là thoải mái: Tự nhiên được thêm một đứa cháu ngoại 'nuôi', thêm bạn già chân tình, và túi quần mình thêm rủng rỉnh.
    Tôi vẫn hằng tuần thỉnh thoảng rảnh là hẹn cà phê, ăn sáng với bạn hữu. Nhưng tôi chưa bao giờ quên mua quà sinh nhật những thứ mà mỗi đứa cháu tôi thích nhất, thỉnh thoảng còn cùng chúng tiện đường tạt vào ăn kem, chè, bánh trái cây nữa.
    Tuy nhiên, trong thâm tâm điều mà tôi lấy làm hãnh diện nhất trong thời gian về hưu trí này chính là những kết quả học vấn của cháu nội, ngoại tôi. Như mới đây, cháu gái ngoại của tôi trong một buổi cá nhân học sinh lên thuyết trình để thực tập cho quen cách ăn nói, diễn tả ý tưởng trước cả lớp, nó kể lại chuyện tôi đã làm tài xế không những cho nó mà còn cả cho bạn nó nữa. Nguyên lớp lẫn cô giáo đều vỗ tay dài đặc biệt khen ngợi!
    Và giữa năm nay, đứa cháu ngoại gái này vừa tốt nghiệp ưu hạng ngành Thiết kế đô thị, nó nhận giải thưởng đồng thời còn được học bổng sang nghiên cứu kiến trúc cổ Nhật tại thành phố Osaka (4).
                                                                         
bao 2
Tôi, 15 tuổi, từ Sàigòn về quê nghỉ hè, cởi trần cưỡi trâu
(
Thứ hai từ phải, hàng ngồi), như hồi còn nhỏ ở quê.)

Có học mới nên thân

Các bạn có biết lý do tại sao tôi lại chịu khó hoạt động tích cực như trên không? Tôi thích rỉ rả kể chuyện mình, đôi khi lại hứng lên nhảy 'cóc' từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, bạn đừng sốt ruột nghen.

    Gia đình vốn quá nghèo lại đông con, ba má tôi chuyên đi làm tá điền (làm ruộng thuê) cho ông hội đồng giàu nhất xã. Nghe kể lại, lúc được một hai tuổi gì đó tôi đổ bệnh mê man thập tử nhất sinh, được bà nội tôi đốt ngải cứu khô được quấn thành khúc tròn to như điếu xì gà mà hơ vào huyệt Bách Hội ( trên đỉnh đầu). Thế mà tôi tỉnh lại, nên được đặt tên tục là Mạnh. Đến tuổi chạy nhảy nhanh nhẹn rồi – chẳng còn nhớ rõ, dường như độ 3, 4 tuổi – tôi đã theo ba má đến chăn trâu cho nhà ông Bá Hộ.
    Có lần chính tai tôi nghe ông Bá Hộ xỉ vả ba tôi bằng câu: "Vợ chồng mày mần ăn trong một năm chỉ bằng tao ngồi không chỉ tay năm ngón một ngày!"
    Suốt tuổi nhỏ theo ba đi làm cỏ, chăn trâu, cày bừa, nhổ mạ, cấy lúa, nhẹ nhất là hái trái cây mướn trong vườn ông Hội Đồng. Mỗi lần chẳng may gặp phải con ông chủ là y như rằng nó kêu lại sai bảo còn hơn con ở; có khi nó tinh nghịch bắt tôi phải bò để 'cậu chủ' cưỡi nhong nhong trên lưng, hai chân nó đá vào ba sườn tôi mà hét: " Sao bò chậm vậy!" Trong lúc ấy, bao giờ ba tôi cũng lầm lũi cúi mặt trên công việc.
    Chỉ khi nào cha con tôi ra làm việc ngoài đồng bên nhau mới thấy thật khuây khỏa: Trưa, rửa mặt tay chân để ăn cơm vắt nhà mang theo, ba tôi nằm nghỉ bên vệ cỏ, hai tay làm gối sau ót ngửa mặt nhìn trời nhưng cũng lặng thinh...
    Nhiều lần thấy ông nói mà như lẩm bẩm một mình.
    Như có lần ngó sang thấy tôi vừa ăn vừa đọc cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu, ông bâng quơ nói: "Đầu tư vào giáo dục, không bao giờ lỗi cả". Lần khác, ăn xong tôi mệt quá ngủ thiếp đi chẳng biết bao lâu. Tới khi chợt thức giấc, tôi lại nghe ông nói bên cạnh, giọng có vẻ ngậm ngùi: "Thằng lính phải gác cho sĩ quan ngủ." Chỉ có một lần thấy tôi không mang theo sách đọc khi ra đồng chăn trâu, ông kêu lại và đọc lớn câu lục bát: Nhà giàu học giỏi thường tình/ Nghèo mà học giỏi thành danh mới là!
    Chợt động tâm, tôi xuýt xoa trong bụng: "Cha! Ba tôi còn thuộc cả thơ phú nữa sao?!" Tôi thắc mắc, và cứ thế, lần lượt nhớ lại tất cả những lời nói, đại khái như vừa kể trên kia, cũng vẫn của ba tôi... Nối kết với thực tế của gia đình mình, tôi bỗng từ từ ngộ ra rằng trước đây các anh chị tôi cũng đã từng theo phụ việc cho ba má tôi nhưng người nào cũng cắm cúi làm xong, đến giờ nghỉ lao thì nằm dài ra ngủ, chưa có ai được như tôi: Tự động biết chịu khó đem sách theo, rảnh là đọc là học. Chứng kiến vậy, ba tôi ổng mới chủ tâm muốn gián tiếp chỉ dạy, để xem tôi có thật sự muốn học chữ hay không. Trời đất ơi! Xưa nay thấy ổng chỉ nín thinh, lầm lũi làm việc mà tưởng ổng 'cù lần'. Lầm to rồi! Ổng thế mà thâm thúy - tinh tế dữ thần đó à nghen!
    Và cũng chính nhờ từ kinh nghiệm này trở thành nếp trong tôi cho đến khi lớn lên, trưởng thành và về già, là gặp bất cứ thứ gì tôi tự mầy mò tìm hiểu cho ra lẽ, chẳng chịu hời hợt bao giờ.
Đến 7 tuổi, tôi chủ động đòi đi học. Ba tôi gật đầu liền. Qua vòng sát hạch, tôi được đặc cách chẳng những không phải học lớp mẫu giáo mà còn vượt một niên khóa (lớp Năm) vào học thẳng Lớp Tư trường tiểu học xã gần nhà. Tôi xin học buổi tối của những người lớn tuổi, để ban ngày vẫn có thể tiếp tục đi chăn trâu hay phụ việc với ba má.
    Đậu tiểu học xong, tôi xin lên Sàigòn thi tuyển vào Đệ Thất trường trung học công lập Pétrus Trương Vĩnh Ký, đậu luôn! Về báo kết quả, tôi chưa bao giờ thấy ông già ba tôi hể hả cười lớn như vậy!
    Đến năm 1961, tôi là đứa trẻ đầu tiên trong xã quê tôi đậu Tú Tài II. Và thi ngay vào học Đại Học Sư Phạm cấp tốc 2 năm vì tôi chủ trương  sớm ra đời đi dạy để tạo ngân quỹ gia đình giúp các em có cơ hội được học tiếp lên.

Sống , tôi luyện nhân cách (3)

Ra trường, tôi được bổ về dạy mấy lớp cấp hai trung học (các lớp 6 ,7 ,8 và 9 - tức Intermidate School bên Hoa Kỳ này) tại tỉnh Tây Ninh 2 niên khóa; sau xin về được dạy mấy trường ở tỉnh nhà, Long An, yên ắng thêm 5 niên khóa nữa. Về môn dạy thì tùy theo nhu cầu của từng trường, ông giám học cắt cử tôi lúc thì dạy  Sử-Địa, lúc Công Dân Giáo Dục, lúc thì vạn vật hay lý hóa... nhưng riêng tôi càng ngày càng thấy thích được dạy môn Toán nhất. Cho nên vừa đi dạy, tôi vừa ghi danh học môn chuyên Toán ở phân khoa Khoa Học sàigòn. Phần đông các sinh viên học toàn thời gian nếu chăm và giỏi, nhanh nhất cũng phải mất năm niên khóa mới lấy được bằng cử nhân Toán. Còn tôi ghi danh đấy nhưng ít khi sắp xếp được dịp trực tiếp vào lớp nghe giảng, chỉ mua những tập bài giảng của các giáo sư quay ronéo về nghiền ngẫm và xin sao chép lại những trang vở do bạn cùng lớp chịu khó ghi chép mà tốt bụng cho mượn để xem bổ túc kiến thức, tìm hiểu nội dung ý chính của từng giáo sư một, mục đích là đến kỳ thi viết bài hay vào vấn đáp thì trả lời đúng ý chính nội dung đề tài của từng giáo sư một. Ròng rã bẩy năm sau tôi mới kỳ khu giật được cái cử nhân giáo khoa Toán.
    Nộp bằng để được chuyển ngạch lên dạy mấy lớp cấp 3 (Lớp 10, 11, 12, High School), tôi nhân tiện xin đổi về dạy trường Nguyễn Thượng Hiền (Ngã Ba Ông Tạ, Gia Định) , ngay phía đông đông bắc ngoại thành Sài Gòn. Vì vợ tôi đã có việc làm tại đó và đã mua nhà ở gần đấy mấy năm rồi; hơn nữa, bọn trẻ con tôi chúng cũng đang học các trường tiểu-trung học quanh đó.
    Giữa năm 1973, tôi mới thấy sáng sủa rọi tới, cuộc đời mình đến thời gian này có thể được gọi là tạm ổn. Nhất là ba má tôi thật sự hài lòng: Chưa bao giờ mà tôi lại được chứng kiến cảnh ba tôi sáng diện bộ bà ba lụa Lèo,  tà tà bước ra đầu ngõ hẻm ngồi uống một ly "sây chừng" rồi nhâm nhi cái bánh bao mà ha hả cười với mấy ông bạn già hàng xóm!
    Nhưng xem ra cái phần số của đời tôi phải luôn quầy quật tích cực cố sức vươn lên mới may ra được sống còn hay sao ấy: Tạm ổn như vậy được chưa đầy ba năm sau, Ba Mươi Tháng Tư Bẩy Lăm 'xập tiệm'. Tôi khăn gói quả mướp cùng anh em vào ở tù.
    Đi tù, lao động tay chân, đa số là nhà giáo đều trầy vi sứt vẩy cả. Riêng tôi vốn gốc nông dân sẵn, quá quen việc mần ruộng - chăn trâu nên làm bất cứ việc gì tôi cũng thừa thì giờ vui vẻ phụ giúp các bạn trong đội, trong láng. Ăn ở cũng vậy, ai cũng than; chỉ mình tôi bứt mấy ngọn rau dại ngoài bãi, bắt con ếch con nhái hay mò con cua con rạn là nấu thành món canh, húp xùm xụp! Ngủ trên sàn đan bằng nan tre ọp ẹp, nghỉ làm ai cũng nằm trằn trọc không yên; riêng tôi ngồi lên sàn, xoa hai lòng bàn chân vào với nhau rồi ngả ra đánh một giấc tới sáng!
    Nhờ vậy, thời gian tù qua cái vù, gần hai năm sau tôi được kêu ra thả về đi dạy lại. Nhưng lương tháng chỉ được sáu chục đồng bạc mới, phụ với tiền vợ kiếm ngoài chợ không sao đủ cho cả nhà 6,7 miệng ăn. Còn thằng con cả của tôi vừa tốt nghiệp trung học, dù hạng ưu nhưng cha gốc 'ngụy' công nhân viên, khó được tuyển vào học đại học hay xin được việc nào làm kiếm cơm... Tôi đang loay hoay chưa biết phải tính sao, thì một anh bạn giáo sư cũ, không biết có họ hàng hang hốc hoặc nằm vùng hay nhờ giỏi chạy chọt thế nào, mà được bổ làm giám đốc Trung tâm giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp của quận Tân Bình. Anh ta nhìn ngó thế nào mà cứ nhất định mời tôi làm phó cho anh ta. Khấp khởi mừng thầm trong bụng, tôi hai ba tháng đầu lo sắp xếp người ngợm ban ngành vừa tạm ổn mà chưa thấy anh bạn giám đốc đề cập gì tới vụ lương lậu. Một hôm anh giám đốc kêu tôi đi cùng đến trụ sở một Hợp Tác Xã may mặc trong quận. Hai chúng tôi được đón tiếp long trọng, được mời ăn trưa thật thịnh soạn. Khi tiễn ra xe, ông chủ tịch hợp tác xã này trao tay một bao gạo cho anh giám đốc của tôi. Về đến cơ quan, hai người chúng tôi vào văn phòng, anh giám đốc giở bao tưởng là đựng gạo kia ra: một triệu rưởi! Anh liền bảo tôi thiết lập giấy tờ ký hợp đồng dài hạn chính thức giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã này phân phối cho các đầu mối tiêu thụ trong quận lẫn những cửa tiệm ngoài phố. Ngay hôm sau, anh ta trao cho tôi ba ngàn:
    – Lương ba tháng của anh đó nghen!
    Tôi chết trân: Với những gì tôi biết thì chức phó giám đốc thường được lương độ chừng cao lắm cũng chỉ trăm, trăm rưởi là xộp lắm rồi, đâu mà tới những một ngàn bạc lận!
    Thôi rồi! Tôi lặng câm. Tôi đột nhiên thấy mình như một con người thoát một cái là thấy mình đang sống trong một xã hội nào đó, không hề là cái xã hội mà tôi từng được sống qua..Nhưng vẫn là xã hội đấy chứ. Ô! thì ra cái mốc điểm tháng Năm 1975 đã từ từ biến xã hội này thành một xã hội nào khác hẳn trước đây.
    Thế là cùng lúc ấy, tôi đã liền dự định trong đầu, sớm muộn gì cũng phải kiếm cớ để rút lui. Nhưng cũng lúc ấy đứa con trai đầu của tôi nó vừa đậu xong trung học đang dự thi vào đại học Y-Dược, nó yêu cầu lấy giấy chứng nhận chức phó giám đốc Trung tâm giáo dục này, như một thứ chứng minh thư là công nhân viên công để có hy vọng qua khỏi cửa ải xét lý lịch. Một tháng sau, hồ sơ bị gửi trả lại, các phần nhận xét khác đều được cả, nhất là phần học vấn thì khá, chỉ có phần 'đối tượng dự thi' ghi là hạng thứ 11, tức là chót hạng vì cha vốn là giáo viên của chế độ 'ngụy' bị 'đánh giá' là không đủ tiêu chuẩn 'chính trị' để vào học.
    Tôi đang cố gắng sống còn để con cháu tôi được sống như thứ dân bình thường mà như vậy là hỏng! Toàn thân toát mồ hôi, tôi đổ bịnh bất ngờ: mê man lúc nóng lúc lạnh, mất cảm giác cân bằng, bước xuống giường là té, đứng dậy thì lao đao không sao đi được. Uống bao nhiêu thứ thuốc cảm, sốt, bao tử, không khỏi. Đi khám, y sĩ chẳng mò ra bệnh gì, chỉ khuyên về nghỉ ăn cháo cho dễ tiêu. Lụi đụi cả ba tuần sau tôi mới giảm  dần cơn sốt, nhưng mất tới trên mười ký lô trọng lượng cơ thể, người hốc hác hẳn.
    Lên trình diện cơ quan, ông giám đốc thấy tôi người ốm rạc đi nên bảo về tiếp tục dưỡng bệnh. Tôi trình bày rằng chức phó giám đốc trung tâm đang lúc cần thường xuyên có mặt để điều hành mà bây giờ nghỉ mãi đâu tiện, xin cho tạm rời chức vụ.
    Tháng sau, đi đứng người vẫn lao đao, tôi lên sở xin chuyển về dạy học lại, được dễ dàng chấp thuận. Thế là tôi về trường cũ dạy toán, tuần 18 tiếng (5), dồn lại trong ba ngày thôi. Bốn ngày trong mỗi tuần kia tôi chạy xe ôm mà tháng kiếm thường gấp bốn lần lương dạy học!
    Nhưng giai đoạn này vẫn có những chuyện gặp mà tôi rất thoải mái 'khoe' ở đây là cực thì có cực, tuy nhiên tôi lại nhận được những tình cảm chân thành của lớp học trò: Có nhiều đứa tình cờ gặp tôi chạy xe ôm, chúng ôm chầm lấy, cả thầy lẫn trò đều ràn rụa nước mắt trên mặt...Rồi bẵng đi một hai thập niên sau, tình cờ may mắn gặp lại bên này, chúng cùng tôi đều tái định cư, mấy đứa cả trai lẫn gái đều tìm đến và nhất định 'bắt' tôi phải nhận chúng làm con kết nghĩa. Thế là tôi bỗng dưng có thêm những đứa cháu nội - ngoại nữa. Của đáng tội, tôi chưa hề thực sự nuôi chúng một ngày nào!

Phạm Quốc Bảo
[Trích cuốn Chuyện Vãn, sắp xuất bản]

Chú thích:

(1) Tục ngữ Việt Nam.
(2) Phước ông trồng cây ăn trái/ Phước tổ ông bà dễ quậy nên hồ.
(3) Học nhi thời tập chi – Bất diệc duyệt hồ: Học mà thường xuyên luyện tập, há chẳng vui thích lắm sao? ( Luận ngữ).
(4) Những tin tức mới nhất về tình trạng học vấn của lớp thế hệ một rưỡi & hai trong cộng đồng người gốc Việt.
(5) Gấp đôi số giờ tiêu chuẩn ấn định tối thiểu cho một tuần lễ đi dạy của giáo sư đệ nhị cấp trung học thuộc bộ Quốc Gia Giáo Dục thời VNCH trước 75.


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.