Hôm nay,  

Cuộc chiến chưa tàn

25/05/202313:03:00(Xem: 2180)
Truyện

alley-in-saigon

An lớn lên bên cạnh mẹ từ tấm bé, đến khi có trí khôn hiểu biết em cũng chỉ thấy có mẹ. Em không thắc mắc dù trên khai sinh của em tên cha là vô danh. Một đôi lần hiếm hoi lúc mẹ con gần khít bên nhau, rảnh rang như đi hè, ngồi trên bãi biển, trời cao gió mát, biển mênh mông, An vô tình hỏi mẹ vô danh là gì? Mẹ trả lời là không có tên, rồi mẹ cũng giải thích thêm là, ba đi buôn bán xa, tận ngoài Bắc hay đâu đó, bên tàu bên tây, đi lâu quá là lâu rồi, cũng quên liên lạc về nhà nên phải khai như vậy, đặng con có giấy khai sinh đi học.
    Thời gian qua An học xong tiểu học, lên trung học cũng không thấy ba em về, em đã quen và không hề nhắc tới, cũng không nhớ tới cái ông vô danh đó nữa. Ngoài mẹ ra, An còn có bà ngoại và cậu mợ Ba là em má và hai em trai, con của cậu mợ. Gia đình gồm bẩy người, cũng khá đông vui.
    Căn nhà mẹ con An ở sát một bên nhà cậu mợ và ngoại, đi qua đi lại như chung một gia đình. Hai em trai, Tuấn và Tú học chung trường tiểu học với An suốt sáu năm. Lên trung học thì phải học riêng, hai em vào trường nam, còn An thi đậu vào trường nữ Gia Long. Tuy nhiên cuối tuần và ngày hè, má vẫn mướn một gia sư về dậy kèm thêm cho An và Tuấn, Tú, những môn học chính như toán, lý, hóa. Riêng Anh và Pháp văn, má An tự đích thân dậy kèm con và cháu. Bà có vốn kiến thức và ngoại ngữ rất khá An cũng chẳng biết bà học hành tới đâu, nhưng từ lúc nào đã thấy bà bươn chải đi làm viêc ở cái công sở, tư sở mang tiền về nuôi gia đình một cách vững vàng sung túc. Bà là mẫu người hoạt bát, năng động ngoài xã hội hơn là loanh quanh trong nhà. Vào những năm 1965-1970, khi thấy đồng lương kém cỏi so với giá cả sinh hoạt đời sống xã hội, bà đi học để bổ túc thêm ngoại ngữ một thời gian ở hội Việt Mỹ, rồi xin việc làm trong các cơ sở ngoại quốc. Bà thành công trong việc kiếm tiền nhất là thời gian xin được vô làm cho tòa đại sứ Hoa Kỳ ở đại lộ Thống Nhất, bà khá lanh lẹ, hỏi làm gì trong đó? Bà nói bà làm thoại chương viên điện toán các hồ sơ. Càng kiếm ra tiền, mẹ An càng bận rộn với công việc làm. Bà cũng ít khi giao tiếp bạn bè, việc nhà, kể cả áo quần, đồ gia dụng, đồ trang sức riêng, những tiện nghi vật chất thời thượng bà cũng ít quan tâm đến, gần như nhờ vả cậu mợ Ba mua sắm giùm. Kể cả đồ ăn uống đã có ngoại lo.
    Những người bên cạnh lo cho má An và An rất chu đáo, nên đi ra ngoài, lúc nào mẹ cũng tươm tất, đoan trang và lịch sự, bà khá xinh xắn. Cái gì mẹ cũng đầy đủ, tính tình mẹ khá quyết đoán và hơi lạnh lùng. Bà rất một mình, buổi sáng ra đi một mình, buổi chiều tối cũng về lại một mình. Bà không có một người bạn thân, nữ hay nam, bà lủi thủi kể từ khi đi làm sở ngoại kiều. Bà cũng không có một người bạn Mỹ nào.
    Lúc nhỏ An không để ý, nhưng khi dần dà khôn lớn lên, An thương mẹ, cho là mẹ rất chung tình với ba, nên không có lấy một ý trung nhân trong suốt một quãng thời gian dài, nhưng không thấy bà buồn, thản hoặc, nhìn mưa rơi bà thở dài kín đáo rất nhè nhẹ. Vậy thôi, rồi lại lo vào công việc lo kiếm tiền. Chẳng vậy mà má An mua được ba bốn căn nhà giáp liền với khu nhà của ngoại vẫn ở từ đời nào.
    An không có ba ở bên, nhưng ăn học không hề thiếu thốn, phải nói là đầy đủ đến có phần vương giả, thầy, sách, vở, áo quần phủ phê. Xe nhà trường đến tận cửa đưa rước hàng ngày. Gia đình An sống cứ yên bình như thế hàng bao năm ở đường Trương Minh Giảng, nhìn lên phía trước là cầu, xế bên là đường Trương Tấn Bửu. Nhưng rồi những năm 1965-1970 Saigon rộn ràng chao đảo nhiều hơn những tin chiến sự, cộng quân liên kết với mặt trận phía nam áp lực ngày càng nặng. Việt Cộng pháo kích bừa bãi vào các trường học ở các tỉnh và pháo kích luôn cả vô thành phố Saigon. Nhà An phải làm hầm. Ngay tại thủ đô, các thế lực tôn giáo, giới sinh viên học sinh, các đảng phái chống chính phủ, rồi những tư tưởng phản chiến bị Việt Cộng trà trộn cũng lan tràn khó kiểm soát, Saigon những năm cuối của tự do đầy hỗn độn đầy chao đảo, vừa bị tấn công vừa bị lợi dụng. Tội nghiệp Saigon.
    Gần đến tháng 3, tháng 4 năm 1975, nói chung là sau hòa đàm Paris, nhiều gia đình có bề thế có tiền của đã rục rịch di cư ra ngoại quốc. An thấy mẹ, ngoại và cậu mợ ba bàn soạn với nhau nên đi đâu, đi thế nào, sang Singapore hay sang Mỹ. Mẹ cô có chút thế lực ở sở và có tiền, nên từ đầu năm 1975 cả đại gia đình đã có đủ giấy tờ xuất cảnh. Dự trù là họ sẽ lên máy bay vào cuối tháng hai. Nhưng phút chót ấy, mẹ An tiễn gia đình đi trước. Mẹ tình nguyện ở lại đi chuyến cuối, sẽ đi cùng sở làm. Mẹ có hỏi ý An muốn đi với cả nhà hay ưng ở lại chờ mẹ. Dĩ nhiên là cô quyết định ở lại, để được sẽ đi với mẹ. Vì cái quyết định không ngờ này mà An gặp lại ba.
    Tại sao mẹ không giải thích trước thì có trời mà hiểu. Chỉ biết ngày 10-5-1975 bà mừng rỡ đón chồng gõ cửa rồi vào nhà. Em vẫn chờ anh. An cảm động được biết ông là ba cô, nhìn vội trong tấm kiếng lớn trong phòng khách, An thấy mình giống cha khá đậm nét, khuôn mặt trái xoan hơi vuông, cặp lông mày khá dài.
    Hai tuần lễ đầu tiên, nhà ba mẹ thật vui. Mẹ không đi làm và có thì giờ ở nhà lo toan, thăm hỏi ba, cả hai người đã kể cho nhau nghe nhiều điều và đã nói với nhau khá nhiều bà dặn ông sáng sáng có lên cơ quan, thì về ăn cơm chiều. Họ cũng có lúc thì thầm nhắc lại kỷ niệm cũ xưa rồi dắt nhau đi mua sắm cho ông. Bà mua cho ông khá nhiều, đồng hồ tự động, bút máy hiệu Parker, kiếng lão, kiếng râm là những thứ cần thiết. Bà cũng may cho ông một mớ áo quần mới, mà ông rụt rè không dám mặc ngay. Ông nói sợ các đồng chí ở cơ quan cười ông là bị hủ hóa, mất lập trường. Chữ hủ hóa, và chữ mất lập trường, ông lặp đi lặp lại hai ba lần, sau cùng bà như nổi cáu, bà bảo: “Thôi sợ hủ hóa sợ mất lập trường… thì cứ lấy mấy cái áo quần cũ me cũ mét ấy ra mà bận!” Đúng như An đã nhận xét về mẹ, mẹ cô cho là tư tưởng, ý nghĩ trong đầu mới là quan trọng, chứ cái vỏ ngoài bề mặt thì không kể, nhưng ông chồng mới về, lại cho là cái bề ngoài nó thể hiện cái chiều sâu méo xẹo “ngụy quân ngụy quyền” bên trong. Hai người cố né, mỗi người né về phía cực đoan của mình, vậy mà cũng có lúc đụng chạm. Má hỏi ba:
    “Méo xẹo ngụy quân ngụy quyền là cái gì ông nói rõ tôi coi”.
    “Thì đi theo Mỹ đó!”
    “Ý cha, vậy phe ông Bắc kỳ đi theo Tầu, theo Nga bộ hay ho hơn tụi tôi sao?”
    Ba An làm hòa, nói ở ngoài kia, họ dùng xe đạp đi khắp nơi, tiện lợi, không phải mua xăng dầu và thành phố không ô nhiễm, không ồn ào náo động. Mẹ bảo là, toàn là thành phố đều đi xe đạp, lạ nhỉ, mẹ không thể tưởng tượng ra một thành phố ai ai cũng đạp xe. Rồi bà nói thêm, theo ý bà phải có đủ loại xe, xe máy, xe hơi, xe Honda, mới đẹp. Đi xe đạp, đạp lâu quá, mất thì giờ, mẹ không chịu được.
    Rồi ở bên nhau lâu ngày hơn, nửa tháng, một tháng… Người bên này, kẻ bên kia, cả hai cùng có ấn tượng mạnh trong đầu, nói nhiều về quan điểm riêng tư, có lúc đụng độ đến bất hòa. Mẹ An cho là bà bị đàn áp chứ bà có thua ai bao giờ, ba An cho là bà có nhiều lấn cấn trong tư tưởng mà ông phải giải thích! Nhưng bà không theo. Có lúc họ cũng tương đắc, vì chiến tranh lâu quá, giờ cần tái lập lại hòa bình, nhưng hòa bình hiểu như đem tất cả dâng biếu cho nhà nước là má của An không đồng ý, bà lặp lại nhiều lần và rất nhiều lúc với ông chồng là, nhà cửa, cơ ngơi này, bà cong lưng làm việc gần 20 năm mới tạo ra, chứ có ai cho không bà một viên gạch nào đâu? Bắt đầu những mâu thuẫn bực mình.
    Ấy tại vì ở bên nhau lâu, lâu ngày, thành sinh ra bất hòa, đấu khẩu, cứ kể mà họ ít gặp nhau lại hay hơn. An nghĩ là nếu đừng bao giờ gặp lại khỏi mất công cãi lộn. Có lần họ đứng bên nhau uống trà trong hiên nhà, tưởng là tương đắc lắm, nhưng tự nhiên ông bà lại đưa ra nhận xét riêng tư:
    “Nhà này rộng rãi quá, có hai mẹ con, cộng thêm bà ngoại và cậu mợ Ba ở, thì phí quá, như ngoài đó, cả mười gia đình ở được đấy!”
    “Nhà ai nấy ở chớ! Ở chung vậy sao tiện? Vả lại em thích mai này, nếu con gái có gia đình khi cần về đây ở luôn… Mẹ con quầy quần”.
    “Ờ, tư sản là vậy, anh nói vậy thôi…”
    Áo quần bà sắm cho ông khá bộn, ông không ưng mặc ngay, mà ông có ý mang theo ít bộ, bà cũng đồng ý, ba cái lẻ tẻ, bà không quan tâm, vì có đáng gì đâu. Nhưng rồi một lần khác quan trọng hơn là lúc hai người đang đứng trong khuôn viên cửa trước, trồng đầy bông hồng đủ màu, đang đua nở, gió đưa hương thơm ngào ngạt, bà cứ nghĩ là ông đang thưởng ngoạn, nhưng mà bất ngờ, ông đưa ra một nhận xét rất cộng sản:
    “Cứ ba cái luống đất trồng cây trồng bông hoa này, mà để trồng bắp hay khoai, thì ăn mệt không hết. Bông bắp lên cũng đẹp mà lại có ăn, kể có lúc khỏi đi mua lương thực!”
    “Bộ ông không thấy bông hoa tươi đẹp sao? Lúc nào cũng nghĩ tới chuyện ăn. Chán quá!”
    “Mà rồi em coi, bây giờ em không còn đi làm sở này sở nọ, ở nhà phải trồng tỉa thôi, củ để ăn, rau nhợ ta nuôi heo”.
    “Ô, heo, ông thích nuôi thì ông nuôi. Khoai lang, bắp, khoai mì, ông muốn trồng ông trồng. Ba thứ đó, ghê quá, dơ hầy, tôi không có kham nổi. Ông điên hả?”
    “Đồng chí Liên, đồng chí ấy làm được tất đấy! Hay ta cho đồng chí Liên một góc nhà và một góc vườn, đồng chí ấy sẽ sản xuất”.
    “Đồng chí Liên là ai mà ông đòi cho một góc nhà này?” Má trợn tròn hai mắt.
    “À, đồng chí ấy công tác ở chung cơ quan kiểm tra văn hóa và sách giáo khoa với tôi. Họ mới vô, chưa xin được chỗ ở riêng”.
    “Không được, ông điên nặng lắm rồi, nhà tôi, tôi ở một mình, không thể cho ai vô ở chung”.
    “Mình cũng không thể giữ được cho một mình nhà này đâu”.
    Ba còn nhỏ nhẹ giảng, khuyên nhủ theo kinh nghiệm riêng tư mới mang theo vô Nam, nhưng má của An, bà chán nản, bực bội và thất vọng, thêm nghi ngờ tràn ngập. Bà nhắc lại với An, lúc ông đã đi khỏi, bà kể lể với con gái, giọng điệu đầy uất ức:
    “Ổng khoe đồng chí Liên của ổng sản xuất được ngay, cô ta đa năng đa hiệu, ối, tụi nó toàn hết thẩy là đồ ăn cướp. Có mà đa bặm đa trợn thì có”.
    Ít bữa sau, vào tháng bẩy, bà đề nghị với ông Ba là ông lên cơ quan ở đỡ vài ba tuần lễ, vì má bận công chuyện, phải về Long Xuyên khui hụi góp hụi lần cuối. Má hứa hão là góp được hụi bà về lại nhà ngay. Ba thu xếp đi rồi, má khóa trái cửa nhà và cửa cổng vườn trước, hai mẹ con theo cửa sau nhỏ hẹp ra vô kín đáo. Việc đầu tiên là bà khóc, khóc đã nư, bà đề nghị An lên cơ quan, đường Bà Huyện Thanh Quan của ba, gặp ba đòi nợ giùm má.
 
***
 
    “Ba à, ba cho má xin lại đồng hồ, radio và bút máy đi, má nói má cần xài”.
    “Ủa, sao lạ lùng vậy? Cho rồi giờ đòi lại là sao?”
    “Đúng vậy, má xin lại tất cả đồ… cả áo quần mà má đã mua sắm cho ba”.
    “Rồi ba lấy gì ba dùng?”
    “Thì hồi xưa ba dùng những cái gì, thì nay ba lại xài cái đó”.
    “Thiệt là mấy tuần trước, ba có cái gì đâu, có mà toàn đồ hư cũ không à, khi má con sắm cho lô đồ mới, thì ba đã liệng bỏ đồ cũ đi rồi còn đâu”.
    “Con cũng không biết tính sao, mà má nói ba phải trả đồ lại cho má, má đã nói chắc như vậy”.
    “Trời, vậy con không thương ba sao?”
    “Ơ mà, dễ mà, đồ trên người ba, ba tháo ra trả cho má, không thôi bà lên giằng co kỳ lắm. Má con từ hồi nào, bà chắc chắn lắm, ba à”.
    “Tại sao khi không lại đòi?”
    “Tự là má về quê, rồi bị bệnh, má cần tiền uống thuốc hay đi bác sĩ”.
    “Con có tiền riêng không?”
    “Con không có một xu, bị là từ hồi nào tới giờ, má lo mua bán tất cả. Thôi ba, thương con, thì ba trả đồ cho má con đi! Không thôi, mất công má bắt con đi tới đi lui theo ba hoài để đòi, mệt quá!”
    An phải đi đòi nợ cho mẹ như thế tới đâu năm, bẩy lần. Nhưng ba cô có đời nào trả lại. Ông cứ khất lần, khất lần, tuần sau, rồi tuần sau, tuần sau nữa. Má khuyên An cứ kiên nhẫn theo tìm ông mà đòi nợ, để cho ông né tránh và đừng tìm cách trở về nhà của má An. Cứ nói với ba là má còn đau dưới quê, chưa lên Saïgon lại. Như vậy má sẽ có rộng thì giờ, đi tìm đường tìm nẻo, mà mẹ và con ra đi thoát, theo ngoại và cậu mợ ba. Má An rất hối hận đã ở lại, trong danh sách ra đi di tản sau cùng của sở, ai cũng ngạc nhiên tại sao tên của bà lại bị bôi đen, xóa đi.
    Đúng thế, má ân hận đã quyết định sai lầm, đã ở lại chờ đợi một người chồng kỳ quặc, không thể nào giải thích được. Một người chồng cộng sản. Nhưng bà không còn tâm trí nào để khóc lóc như đã khóc mấy bữa đầu. An ôm mẹ và chỉ nghe mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần trong bóng tối: “Ba con hết xài được rồi. Ổng chết rồi.”
    Rồi bốn tuần lễ sau, mẹ đã lo xong công chuyện, mẹ để lại giấy tờ nhà cửa, mẹ lo luôn hộ khẩu cho một người bà con từ miền Trung chạy giạt vô Nam. Lần chót, để tránh gặp mặt ba, mẹ lại sai An lên đòi nợ, như để cho cha con vĩnh biệt từ giã. Vẫn giọng điệu ỉ ôi năn nỉ cũ:  “Ba ơi, ba có thương con thì ba trả lại đồ cho má con đi.” Nói xong, An để nhẹ vào tay ba một tờ giấy 100 đồng tiền mới rồi nhẹ nhàng đi thoát ra cửa cantine. Ba của An ngạc nhiên, vừa đứng lên đi tới vài bước chân, thì con bé đã khuất bóng sau bờ tường, bờ tường đường Bà Huyện Thanh Quan, bên đối diện vẫn là trường nữ trung học Gia Long, trường đang reng chuông báo hiệu giờ ra chơi… ra chơi…

 

– Chúc Thanh

(Paris, mai 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.