Hôm nay,  

Tháng Ba nhớ Quang Du Ca

31/03/202316:42:00(Xem: 1715)
Tùy bút

quang du ca

         

Mùa xuân 2023. Ngoài chuyện nhớ lại mùa xuân cách nay 48 năm với “Tháng Ba Gãy Súng” (1) và “Tháng Tư Mất Nước” (2) tôi còn nhớ đến nhiều chuyện khác nữa, nhớ nơi tôi sinh ra, nhớ nơi tôi lớn lên và học hành, nhớ nơi tôi từng công tác, nhớ Sài Gòn, nhớ Đà Lạt, nhớ Nha Trang, nhớ Cần Thơ, nhớ An Giang, nhớ đèo Hải Vân, nhớ sông Vàm Cỏ…và nhớ nhớ nhiều lắm. Nằm trong bộ nhớ của tôi còn có rất nhiều người bạn – bạn thân – bạn rất thân nữa. Một người bạn rất thân là Nguyễn Đức Quang, cùng xứ, cùng trường, cùng chơi Hướng Đạo, cùng hát Du Ca…và cùng có máu giang hồ của một thời đi cùng khắp trên quê hương Miền Nam Việt Nam…
     Nguyễn Đức Quang, thường được gọi là Quang Du Ca để phân biệt với Quang Già Cơ cùng khóa I Chính Trị Kinh Doanh Dalat. Quang Du Ca sinh năm 1944 và mất năm 2011 vào cuối tháng ba, ngày 27. Nay là lần giỗ thứ 12 của Quang Du Ca. Tôi nhớ đến Quang vì chúng tôi có nhiều gắn bó từ những ngày mới lớn ở thành phố Dalat cho mãi về sau này. Khi Quang Du Ca ra đi, một nhóm thân hữu có thực hiện một tuyển tập mang tựa đề: “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở” gồm những bài viết về Quang Du Ca của hơn 20 tác giả trong đó tôi có đóng góp bốn bài văn và hai bài thơ kể lại những kỷ niệm của hai chúng tôi trong suốt thời gian ở Dalat cho lúc sinh hoạt tại thủ đô Sài Gòn, từ lúc chơi Hướng Đạo cho đến lúc thành lập Phong Trào Du Ca.
     Hôm nay tôi xem lại tuyển tập “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở” để đọc lại các bài viết của các tác giả về Quang Du Ca như là – giây phút để nhớ đến một người bạn, một người em kết nghĩa.
 
quang du tniem

Trang 21 anh Hoàng Ngọc Tuệ, hiện là chủ tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam viết: “…Cho đến tận bây giờ (2011), 45 năm sau, tài năng ấy cũng đã làm triển nở nhiều tài năng sáng chói khác để đóng góp cho tương lai đầy hứa hẹn của một Phong Trào Du Ca thời đại mới”.
     Trang 30 Hoàng Thái Lĩnh có đoạn: “…Là con chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca, Nguyễn Đức Quang đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, nhưng đáng chú ý nhất là những bài hát “nhận thức” – chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình…
     Trang 35 nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ghi: “Cho dù các ca khúc của Nguyễn Đức Quang được viết cách đây hơn 30 năm ở trong nước, âm nhạc của anh mỗi khi vang lên bao giờ cũng thổi đến trong lòng người nghe hơi nóng của một trái tim bốc lửa. Tuổi trẻ, đó là hơi thở trong toàn bộ những sáng tác của anh. Và quê hương là hình ảnh đẹp đẽ trong tiếng nói của anh. Các ca khúc Nguyễn Đức Quang có thể nói tràn ngập những lời tình tự dân tộc…”
     Trang 121 Trần Trọng Thảo đã viết: “Quang thường suy nghĩ và sáng tác rất nhanh. Hình như trời đã phú cho Quang một ngăn âm nhạc có sẵn trong đầu, khi cần chỉ lôi nó ra và sắp xếp lại... Mỗi khi đã ôm đàn lên là thành ca khúc. Lúc đó anh em Trầm Ca mới ngồi lại để nhận xét, mổ xẻ bài hát...Những lúc không vừa ý với những nhận xét, cậu ta chỉ nhe răng ra cười khì. Cũng từ đó, các ca khúc dù cũ hay mới sáng tác của Quang, sau mỗi lần đi trình diễn về, anh em lại thức thâu đêm trong căn phòng nhỏ, kẻ ngồi, người nằm...ồn ào mổ xẻ, phân tích từ lời ca đến tiếng hát: Đó là tiếng nói chung của Trầm Ca...
     Trang 141 có đoạn Nguyễn Quang Tuyến viết: “Tôi đưa Quang đến thăm trường trung học Trần Hưng Đạo, nơi đây 50 năm xưa chúng tôi cùng ngồi học một mái trường; mọi sự đã đổi thay nhiều. Người ta không muốn và không cho phép giữ một chút gì của quá khứ, làm như rằng người ta hiện hữu và có mặt mà chẳng cần chút gì của quá khứ. Cũng rừng thông cũ, cũng lối đi xưa, cũng gò đồi cao thấp, nhưng “ngõ cũ lâu đài” giờ đây tê tái trong câm nín, yên ắng đến lạnh người. Đâu rồi những Thầy xưa? Cô giáo cũ? Bạn bè ngày nào? Quang ngậm ngùi ‘sóng sau xô sóng trước, bãi bể nương dâu...cậu Tuyến có cố giữ ba chữ THĐ bên bệ hàng rào cũng chỉ là một chút lay lắt khói sương’. Ừ nhỉ, thật cũng là một chút lay lắt khói sương giữa trời hoang nắng bàng bạc hoàng hôn Đà Lạt...”
     Nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết ở trang 160 có đoạn: “Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố Miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia xẻ tâm trạng ‘thân nhược tiểu’này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau. Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Đức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8 ‘Hướng Đạo Sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi’. Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Đức Quang ngập đầy sức sống, không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào...”
     Ở trang 195 nhà thơ Trần Văn Lương có 8 câu:

Được tin anh giũ sạch trần sa
Biết trước, nhưng sao mắt vẫn nhòa
Ngạo Nghễ Quê Hương còn đứng đó
Âm thần cát bụi đã bay xa
Lòng son một mảnh luôn sừng sững
Nhạc cũ muôn đời mãi thiết tha
Lặng lẽ anh qua miền vĩnh cửu
Đất người mòn mỏi khúc Du Ca

Nhà văn Hoàng Khởi Phong viết đoạn cuối bài của anh ở trang 142 rằng: “Bạn tôi Nguyễn Đức Quang hôm nay nằm xuống, ngủ một giấc thiên thu. Anh không còn hiện diện với chúng ta, không còn cười đùa, trửng giỡn với chúng ta. Nhưng tâm hồn anh, tiếng hát của anh, lời ca của anh, tác phẩm của anh còn sống mãi với chúng ta, với cuộc đời. Đúng vậy, hơn lúc nào hết khi mà cuộc đời còn quá nhiều khiếm khuyết, quá nhiều bất công, quá nhiều cay đắng thì tiếng hát của anh vẫn vang lên từ hải đảo, nơi thời niên thiếu anh theo thân phụ ra làm việc ở nơi đây. Tiếng hát của thời niên thiếu đó vang lên to hơn nơi núi đồi Đà Lạt, to hơn nữa trong các quân trường. Dường như tiếng hát đó đang vang lên trong căn phòng này...”
     Nguyễn Đức Quang Già Cơ ở trang 391 nói về “Tình Quê Hương” của Nguyễn Đức Quang Du Ca như sau: “Quang đã thể hiện mối tình bằng lời nói, việc làm ngay từ lúc anh còn là một thiếu sinh cho đến ngày nay và có lẽ cho đến lúc hắn nhắm mắt. Quang thể hiện mối tình này với  con tim nồng cháy và bất vụ lợi. Điều này rõ ràng, chắc không ai phủ nhận, bài bác được. Ngày nay mọi người ai cũng nói như tôi Nguyễn Đức Quang là người đã có công với đất nước vì đã sáng lập ra Phong Trào Du Ca. Anh ta là một người yêu nước...”

     Bùi Ngọc Nga ở trang 272 viết: “Nhóm chủ lực của trại Suối Thông gồm anh Nguyễn Đức Quang, Hoàng Thái Lĩnh, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nghiên Hữu Ý…đều là những Hướng Đạo Sinh tại Đà Lạt rất có kinh nghiệm đi trại công tác. Tôi và chị Khánh Tuyết là hai người nữ trong trại suốt thời gian lo việc ẩm thực cho toàn trại. Ban ngày các anh phụ trách công việc dựng nhà. Công việc rất nặng nhọc như vác tre, vác gỗ, trộn hồ, chuyển hồ, dựng vách, lợp mái…Tối về, sau bữa cơm chúng tôi quây quần bên nhau ca hát, trời lạnh và mưa, ngổi trong nhà sàn “cao cẳng” có khi đến một hai giờ sáng. Anh Quang đàn hát liên miên, chúng tôi hát những bài ca của trẻ em, của Hướng Đạo và những bài ca lịch sử…Kết thúc những ngày trại, anh em chúng tôi, mỗi người có một tên mới: K’ Quang, K’ Lĩnh, K’ Châu, K’ Tuyết, K’ Ý, K’ Nga…theo cách đặt tên của một giòng tộc người miền núi cao nguyên.
     Về phần tôi, nhắc những mẫu chuyện của một thời tuổi trẻ với đầy ắp những kỷ niệm khó quên với Quang.
     Từ trang 57 cho đến trang 81 của tuyển tập nói trên là bài viết của tôi mang tựa đề “Tuổi Trẻ Chúng Tôi” trong đó ghi nhiều mẫu chuyện như: Gặp Nguyễn Đức Quang Lần Đầu, Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang, Năm Anh Em, Quái Kiệt Ăn Uống, Trứng Gà Scala, Dấn Bước Giang Hồ,Từ Chuồng Cu Đến Garage, Đường Sương Nguyệt Ánh, Gia Đình Trầm Ca…Tôi còn có ba bài “ Mười Ba Trại Sinh” ở trang 82; bài “Vịt Mồng Năm” trang 90 và bài “Chuyện Của Quang Không Nói Hết” ở trang 99, hai bài thơ: Bài Thơ Cho Quang (trang 252) và Tình Tôi Con Dốc Nhỏ (trang 254). Sau tôi có viết thêm bài thơ “Tình Tôi Căn Gác Nhỏ”. Hai bài thơ TTCDN và TTCGN đã được nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan phổ thành nhạc năm 2021 (3). Ngoài ra còn một số bài khác viết về Quang Du Ca nhân vào những ngày giỗ.
     Trang 58 đoạn “Gặp Nguyễn Đức Quang Lần Đầu” tôi viết: “…anh chàng này cỡ tuổi chúng tôi, nhìn mặt hơi ngố ngố, gầy gò, nước da trắng, có cái miệng vêu vêu ra phía trước…muốn xin gia nhập Hướng Đạo…”.

quang du ca 3                              
Trang 61 đoạn “Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang” tôi viết: “…Chúng tôi quyết định thả hai con ngựa cho chúng tìm đường chạy về Mang Linh và bắt đầu một trò chơi khác: chèo thuyền. Thấy một chiếc thuyền bềnh bồng ở mạn hồ, quan sát không thấy ai gần đó, chúng tôi bước xuống chiếc thuyền dài chừng hơn hai mét, rộng hơn một mét với một chiếc dầm chèo bên trong lòng thuyền. Bẻ thêm một nhánh cây làm dầm chèo, chúng tôi nhắm hướng bên kia hồ để chèo tới…

quang du ca 5
Trang 65  đoạn “Năm Anh Em” ghi rằng: “…Chúng tôi, mỗi người tự viết tên, ngày tháng năm tháng sinh của mình vào một mảnh giấy rồi gấp lại. Sau đó mấy cô bạn tuần tự mở các mẫu giấy và đọc ngày tháng năm sinh của từng người để biết thứ tự ai huynh ai đệ. Kết quả thứ tự anh em như sau: Nguyễn Ngọc Phước (Akela Ngàn Thông), Hà Thái Trường (Akela Lê Lai), Đoàn Chiêm (Baloo Lê Lai), Hoàng Kim Châu (thiếu trưởng Lê Lợi), Nguyễn Đức Quang (Bagheera Ngàn Thông). Tôi và Quang có nhiều thời gian sinh hoạt chung lâu hơn ba Trưởng đàn anh. Anh Nguyễn Ngọc Phước đi Thủ Đức và tử trận năm 1966, anh Hà Thái Trường đi Thủ Đức và tử trận năm 1973…”. Mới đây anh Đoàn Chiêm cũng đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 10 năm 2021 vì chích vaccine ngừa covid 19 nhản hiệu Trung quốc. Như vậy là năm anh em Hướng Đạo kết nghĩa, nay chỉ còn lại một mình tôi! Cũng cần ghi thêm ra đây là Ban Trầm Ca cũng là sáng lập viên Phong Trào Du Ca gồm năm người: Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Quốc Văn, Trần Trọng Thảo, Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh), Hoàng Kim Châu (khi về Sài Gòn có thêm Đỗ Phương Oanh) thì nay chỉ có ba người. Nguyễn Quốc Văn tử trận 1968, Quang ra đi 2011 vì bạo bệnh và mới đây Trần Trọng Thảo mất vào đầu tháng 12 – 2022. Còn tôi, Mai Thái Lĩnh ở Úc và Đỗ Phương Oanh ở Pháp.
     Trang 67 đoạn “Quái Kiệt Ăn Uống” có ghi: “…vì quá đói nên chúng tôi nấu một nồi cơm thật lớn và làm thức ăn xong trong vòng 45 phút. Thế là bốn anh em, sau khi làm thủ tục “đứng trước cơm canh” rồi mời nhau cùng ăn. Hà Thái Trường ăn xong sớm nhất khoảng năm sáu chén, khi ăn Trường vừa đếm xen ba đứa chúng tôi, mỗi đứa ăn được bao nhiêu. Ba đứa ăn rất nhanh và khi cơm trong nồi không còn nữa thì Trường cho biết mỗi đứa trong ba chúng tôi xơi được 16 chén…” (Ba đứa là Quang, Châu và Chiêm). Mùa hè 1961 thiếu trưởng thiếu đoàn Lê Lợi là Trưởng Lê Thuần đậu khóa Bằng Rừng nên đãi hai Trưởng Nguyễn Văn Võ và Nguyễn Minh Hoàng cùng ba đứa chúng tôi (Quang, Châu và Chiêm) tại tiệm mì Quảng Tân Bình ở hẻm Phan Đình Phùng bên hông rạp ciné Langbian cũ. Mỗi người ăn một tô. Ăn xong Trưởng Thuần bảo “mấy chú ăn nữa đi”. Ba đứa nhìn nhau cười, ba tô nữa! Ăn hết tô thứ hai Trưởng Võ bảo “mây chú ăn thêm đi” và tô thứ ba đưa ra. Chúng tôi “lặng lẽ làm láng”. Trưởng Hoàng vừa cười vừa bảo “mấy chú ăn nữa đi” (Trưởng Hoàng là người biết chúng tôi thuộc loại hảo hớn về ăn uống). Tô thư tư! Và cứ thế, các Trường có ý thách thì chúng tôi cũng cứ bình tĩnh xơi cho đến hết tô thứ bảy mới ngưng…
     Trưởng linh mục Nguyễn Tiến Lộc đưa chúng tôi đi thăm trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế và khi trở về Nhà Dòng, Trưởng Tiến Lộc xách theo một giỏ trứng gà để luộc và mời chúng tôi ăn. Hình như Trưởng Tiến Lộc có nghe đâu đó rằng chúng tôi những “hạm ăn” nên đã luộc hết cả giỏ trứng khoảng chừng sáu chục cái. Ăn khoảng bốn năm trứng thì Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Thạc (con giáo sư Nguyễn Đăng Thục) ngồi nhìn tôi và Nguyễn Đức Quang tiếp tục ăn cho đến hết giỏ trứng gà luộc chấm muối tiêu…”(Trưởng linh mục Nguyễn Tiến Lộc vĩnh viễn ra đi ngày 4 tháng 12 – 2022, trước Trần Trọng Thảo một ngày).
     Nhân ngày giỗ 100 ngày của Quang tôi viết bài “Chuyện Của Quang Không Nói Hết” có đoạn ở trang 107 như sau: “Sáng 11 tháng ba, tôi thấy hình ảnh cơn sóng thần mạnh khủng khiếp đánh vào miền Bắc nước Nhật. Liền sau đó nhận được tin Quang được các con đưa vào bệnh viện, nằm phòng ICU. Tin loan nhanh khắp thế giới. Tin loan trên báo chí, truyền thanh, truyền hình. Người quen thăm hỏi chờ đợi. Kẻ ở gần đến thăm. Người ở xa nghe ngóng. Lúc tỉnh lúc mê rồi vĩnh viễn ra đi ngày 27 tháng ba. Bàng hoàng và thương tiếc. Đám tang mấy ngày sau đó trời không có nắng cũng chẳng có mưa. Người tiễn đưa đông như đến để nghe Quang hát. Bài ca buồn không lời. Không ai khóc. Đầu bạc nhấp nhô. Mắt thoáng ngậm ngùi...”
     Những đoạn trích trên chỉ là một phần rất nhỏ trong số rất nhiều kỷ niệm của tôi và Nguyễn Đức Quang trong những ngày cùng sinh hoạt Hướng Đạo cũng như những năm tháng tham gia các công tác xã hội và thành lập Phong Trào Du Ca vào giữa thập niên 60 của thế kỷ 20.
     Thay vì viết một bài nói về Nguyễn Đức Quang, tôi mạn phép trích một số đoạn của một số tác giả trong tuyển tập. Chắc quý vị không buồn vì tôi không xin phép trước.

 

Phong Châu
Tháng 3/2023

(1)   Tựa đề một cuốn sách của Cao Xuân Huy

(2)   Một bài viết của Phong Châu về ngày 30 tháng tư

(3)   Nghe hai bài thơ phổ nhạc ở: https://youtu.be/svoEwxaCGKw

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.