Hôm nay,  

Những vị quốc mẫu lộng hành phép nước trong sử Việt

14/03/202313:22:00(Xem: 2394)
Truyện sử

thai hau bw

Thái hậu Cù Thị

 

Cuối đời Tần nước Tàu bị đại loạn, viên quan Úy quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là Triệu Đà đã thừa cơ cát cứ tự lập. Trước tiên Triệu Đà đem quân đánh chiếm quận Quế Lâm (Quí Châu và bắc Quảng Tây ngày nay) và Tượng Quận (Vân Nam ngày nay) để mở rộng lãnh thổ. Tất cả các quan chức do nhà Tần bổ nhiệm đều bị ông giết sạch. Sau đó ông lại đánh bại An Dương Vương, chiếm luôn nước Âu Lạc, lập nên nước Nam Việt (207 trước Tây lịch). Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Đế, đóng đô tại Phiên Ngung. Lúc bấy giờ dân Nam Việt đa số vẫn còn mang nặng tính chất giống Bách Việt, chưa thuần Hán hóa, nên Triệu Vũ đế đã triệt để khai thác đặc điểm này để chống lại nhà Hán. Ông không hề kỳ thị hay coi thường dân Âu Lạc mà còn rất ưu đãi nhân tài Âu Lạc. Vì thế mà sau này nhiều vua chúa và sử gia nước ta vẫn coi nhà Triệu như một triều đại chính thống của nước Việt.

 

Đến khi nhà Hán ổn định xong trung nguyên, sứ Hán là Lục Giả mới sang Nam Việt thuyết phục Triệu Đà bỏ đế hiệu, trở thành Triệu Vũ Vương và chịu thông hiếu với nhà Hán.

 

Triệu Đà làm vua tới 71 năm, năm 136 trước Tây lịch ông mới qua đời. Người cháu nội ông là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy) đã 40 tuổi, lên kế vị tức Triệu Văn Vương. Để lấy lòng tin với nhà Hán, Triệu Văn Vương cho thế tử là Anh Tề sang Trường An, kinh đô Tàu, làm con tin. Anh Tề vốn đã có một vợ người Việt và một con trai tên Triệu Kiến Đức. Khi sang Tàu, ông lại cưới thêm một bà vợ người Hàm Đan, đó chính là Cù Thị. Cù Thị cũng sinh cho ông một con trai tên là Triệu Hưng. Có một điều Anh Tề không biết là trước khi lấy ông, Cù Thị đã là tình nhân thắm thiết của một người Hán tên An Quốc Thiếu Quí.

 

Khi Triệu Văn Vương mất, thế tử Anh Tề về nước kế vị tức Triệu Minh Vương. Cù Thị trẻ đẹp hơn bà vợ Việt nhiều nên cũng được Minh Vương cưng chiều hơn. Với lợi thế trên, Cù Thị đã thuyết phục được Minh Vương lập Triệu Hưng làm thế tử.

 

Đến năm 113 trước Tây lịch, Minh Vương mất, Triệu Hưng được đưa lên kế vị tức Triệu Ai Vương. Cù Thị đương nhiên trở thành thái hậu. Vua còn nhỏ nên trong các buổi chầu, Cù thái hậu luôn ở sau lưng vua để hướng dẫn vua xử trí công việc. Rất ít khi bà chịu nghe lời bàn bạc của các quan. Ngoài tể tướng Lữ Gia bà còn nể mặt một tí, các vị khác bà chỉ coi như tay chân để sai khiến. Mọi việc trong triều gần như chỉ do một mình Cù thái hậu định đoạt. Vì vậy các quan ai cũng chán ngán.

 

Tể tướng Lữ Gia người huyện Lôi Dương, quận Cửu Chân (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay). Ông là người ngay thẳng, cứng rắn, làm quan từ triều Văn Vương, tuổi đã ngoài bảy mươi, uy tín rất lớn. Họ hàng của ông có tới 70 người đang làm trưởng lại trong nước. Người em của ông là Lữ Hùng đang chỉ huy đội quân trấn giữ kinh thành. Cù thái hậu vẫn muốn cho ông về vườn nhưng chưa tìm ra cớ.

 

Nghe tin triều đình Nam Việt đang gặp chuyện lủng củng, nhà Hán đã không bỏ lỡ dịp may. Vua Hán liền triệu tập quần thần để bàn kế hoạch thu phục nhà Triệu. Sau đó một sứ đoàn được thành lập để đi Nam Việt thi hành nhiệm vụ. Lệ thường, trước khi sứ giả lên đường, hai kỵ sĩ được phái chạy ngựa trạm mang thư báo cho triều đình Nam Việt biết trước để chuẩn bị đón tiếp sứ đoàn. Khi thư báo được dâng lên, vua xem xong rồi trao cho thái hậu. Vừa nhìn vào thư báo mắt bà đã sáng rực lên, bà kêu:

 

– Trời đất! An Quốc Thiếu Quí!

 

Vua ngạc nhiên nhìn thái hậu hỏi:

 

– Có chuyện gì thế mẫu hậu?

 

Cù thái hậu hơi giật mình. Có lẽ biết thái độ vui mừng bất ngờ của mình không qua mắt được Ai Vương và các quan, bà nói:

 

– Không có gì đâu hoàng nhi. Chẳng qua là mẹ có người anh họ tên An Quốc Thiếu Quí, nay thấy sứ giả cũng tên như thế, biết đâu đó chẳng phải là người anh của mẹ? Nhưng dù ai đi nữa, đây là sứ đoàn của thượng quốc, hoàng nhi phải xuống chiếu cho dọn dẹp ngay một ngôi nhà riêng biệt, rộng rãi, thuận lợi mọi mặt để sứ đoàn trú ngụ trong thời gian lo công việc. Nếu không sẵn nhà, có thể cho xây dựng một ngôi nhà mới càng hay.

 

Chiều ý mẹ, Triệu Ai Vương đã hạ chiếu dựng gấp một dinh thự gần cung điện vua. Chỉ trong vòng bốn mươi ngày ngôi dinh thự đã được hoàn tất. Dinh thự vừa khánh thành xong thì sứ đoàn nhà Hán cũng vừa đến Phiên Ngung như dự tính. Vị chánh sứ An Quốc Thiếu Quí cũng quả là ông anh họ của Cù thái hậu như bà đã nói. Sau khi thông qua mọi thủ tục, lễ nghi ngoại giao, sứ đoàn được mời đến trú ngụ ở ngôi dinh thự ấy.

 

Theo lệ, khi có sứ nước ngoài đến giao hảo, trong triều thường đặt hai buổi yến để thết đãi sứ giả. Buổi thứ nhất tổ chức tại triều, khoản phí tổn do triều đình đài thọ, vua, sứ giả và các quan đều cùng dự để tạo sự thân mật với nhau gọi là công yến. Buổi thứ hai tổ chức tại cung vua, khoản phí tổn này do vua chịu, gọi là tư yến. Những buổi tư yến đãi sứ giả thường chỉ có một số trọng thần được vua mời dự. Đương nhiên trong buổi tư yến đó tể tướng Lữ Gia cũng có mặt.

Trong buổi công yến, vua cho các quan biết sơ về vị sứ giả cũng là người thân thích của thái hậu. Nhiều vị quan văn võ đã lên tiếng chúc mừng cuộc tái ngộ thú vị đó. Buổi yến đã diễn ra trong bầu không khí nồng thắm, vui vẻ. Tới buổi tư yến thì gần như chính thái hậu là người chủ trì. Khi hơi men đã ngấm ít nhiều, và có lẽ cũng do xuân tình đang bốc, Cù thái hậu quên cả lễ nghi phải giữ, tự mình bà đã mời mọc, săn sóc vị sứ giả thân mật quá đáng khiến nhiều người phải nghĩ ngợi. An Quốc Thiếu Quí thấy vậy cũng thù tạc đáp ứng rất nồng nàn. Lữ Gia và mấy vị quan được mời dự thấy khó chịu nên cũng lần lượt cáo say xin về nghỉ.

 

Từ đó, với cái cớ là anh em họ hàng, thái hậu cùng sứ giả tư công nhập nhằng, qua lại với nhau chẳng cần giữ gìn thể thống gì nữa. Việc đó diễn ra thường xuyên đã khiến quan dân Nam Việt thấy chướng mắt quá đến sinh lòng bất mãn.

 

Khi Cù thái hậu chính thức khuyên vua và triều thần nên chấp nhận nội phụ với nhà Hán trước triều thì tể tướng Lữ Gia lên tiếng:

 

– Tâu bệ hạ, tâu thái hậu, từ khi Nam Việt lập quốc đến nay đã gần một trăm năm. Các vị tiên vương ta đều chỉ thông hiếu với Hán triều chứ chưa bao giờ chịu nội phụ cả. Thỉnh thoảng vua ta cũng cho sứ giả hoặc con tin đi lại với Hán triều, chỉ dâng một số cống phẩm tượng trưng để củng cố niềm tin cậy lẫn nhau thôi. Việc này đã quen lệ. Nay bỗng dưng thái hậu lại khuyên bệ hạ và chúng thần tự nguyện đem giang sơn gấm vóc do các đấng tiên vương đã khó nhọc mở mang, giữ gìn chịu nội phụ Hán triều, chúng thần thấy mang lỗi quá lớn với các đấng tiên vương. Đã là nội phụ như các chư hầu ở trung nguyên thì cứ 3 năm vua ta lại phải thân hành về chầu thiên tử và nộp cống của cải, sản vật một lần. Từ đây đến Trường An quá xa xôi, đường sá lại khó khăn, nguy hiểm, như vậy dân ta sẽ chịu thiệt thòi, tốn kém biết bao nhiêu! Kính xin bệ hạ và thái hậu xét lại thật kỹ vấn đề này để khỏi ân hận về sau.

 

Thấy vua và các quan đều có vẻ bối rối trước ý kiến phản bác của Tể tướng Lữ Gia, Cù thái hậu tìm cách trì hoãn:

 

– Được rồi, vấn đề này sẽ tùy hoàng thượng suy xét lại rồi quyết định sau.

 

Thế rồi vua truyền bãi chầu. Hôm sau Lữ Gia lại vào chầu vua. Ông cố khuyên vua đừng chịu nội phụ. Vua lấy làm khó nghĩ nên vẫn chưa quyết định. Khi Lữ Gia đã lui ra, thái hậu nói với vua:

 

– Bàn chuyện với tên giặc già ấy chỉ mất công! Bệ hạ hãy tự làm sớ cũng xong! Chúng ta tự nguyện nội phụ với Hán triều, tự nguyện phá bỏ các thành ải phòng thủ ở biên giới hai nước, tự nguyện cứ 3 năm về chầu thiên tử một lần. Sứ giả sẽ dâng sớ của ta lên thiên tử. Khi thiên tử đã xuống chiếu rồi, chẳng lẽ bọn Lữ Gia còn dám không vâng? Nếu bọn lão đó vẫn còn ngoan cố ta sẽ tìm cách khử đi là yên.

 

Triệu Ai Vương bèn làm sớ theo ý mẹ. Sớ soạn xong, Cù thái hậu liền mời An Quốc Thiếu Quí đến trao tận tay và nói:

 

– Chàng đến Nam Việt lo việc cũng đã nhiều ngày rồi. Ngặt cái lão Lữ Gia đó cứ lôi thôi như thế biết bao giờ việc xong? Do đó mẹ con thiếp đành phải tự quyết định vậy! Đây là lá sớ của mẹ con thiếp mới soạn xong, bọn nó không hay biết gì đâu. Chàng hãy đọc thử xem. Nếu không có gì trở ngại, mong chàng thân hành mang nó dâng lên Hán đế cùng nói phụ giúp mẹ con thiếp một lời. Nếu Hán đế chuẩn y mà rộng ban chức tước, ban ấn tín cho mọi người, đặt chúng trước “chuyện đã rồi” chúng đâu còn dám không tuân mệnh?

 

An Quốc Thiếu Quí xem xong gật đầu:

 

– Soạn như vậy là được lắm. Chắc hẳn Hán đế chuẩn y thôi. Nhưng ta chưa cần về nước đâu. Ta về nước thì biết bao giờ mới gặp lại được nàng? Sẽ có người đi thay ta.

 

– Nhưng giao việc này cho người khác làm sao mẹ con thiếp được yên lòng? Lỡ bọn Lữ Gia nó xét càn lộ chuyện ra sợ chúng làm liều thì nguy hiểm lắm! Hơn nữa chàng ở đây lâu chúng sẽ sinh nghi. Vả lại, chỉ có chàng mới dễ dàng báo cáo tình hình nước Nam Việt với Hán đế và khuyên Hán đế làm thế nào cho tiện.

 

– Khỏi lo! Ta đã chuẩn bị bản báo cáo tình hình nước Nam Việt và sắp cho người chạy ngựa trạm mang về nước. Giờ mang luôn cả sớ xin nội phụ của vua Nam Việt lại càng tiện. Chạy ngựa trạm cả đi lẫn về cộng với thời gian gặp bề trên hay đợi giấy tờ cao tay chỉ mất chừng một tháng chứ nếu ta thân đi sẽ lâu hơn rất nhiều. Lính chạy ngựa trạm thường đủ bản lãnh, lại có thẻ bài đặc biệt không kẻ nào dám xâm phạm đâu! Nàng cứ yên chí.

 

Nghe Thiếu Quí giải thích như vậy Cù thái hậu cũng tạm yên lòng. Bà vẫn âm thầm tìm mưu triệt hạ Lữ Gia. Lữ Gia cũng biết việc đó nên rất dè dặt đề phòng.

 

Đúng như Thiếu Quí đã liệu, chỉ hơn hai tháng sau Hán đế đã cử một vị sứ giả khác mang chiếu chỉ sang, nội dung đại khái: Nước Nam Việt đã được chấp thuận nội phụ thiên triều. Vua Nam Việt cứ 3 năm sang chầu thiên tử và dâng cống phẩm một lần. Các cửa quan ngăn cách hai nước phải triệt bỏ hết. Triệu Ai Vương và tể tướng Lữ Gia được ban ấn bằng bạc cùng các ấn nội sử, trung úy, thái phó. Các chức tước khác được tự đặt lấy theo nhu cầu. Dùng pháp luật Hán triều, bãi bỏ các hình phạt cũ. Các sứ giả đều ở lại để trấn giữ, vỗ về.

 

Nhận được chiếu của Hán đế, Cù thái hậu mừng lắm. Bà thúc giục Triệu Ai Vương sửa soạn những lễ vật quí giá để về chầu thiên tử. Trước tình thế đó, Lữ Gia hết sức bối rối. Ông cáo ốm không chịu tiếp sứ nhà Hán để nhận sắc phong. Cù thái hậu thấy vậy bèn bàn với sứ giả, một mặt cho người về Trường An xin tiếp ứng, một mặt tìm kế giết Lữ Gia. Bà cho đặt một cuộc tiệc trong cung vua để đãi sứ giả cùng một số trọng thần. Lữ Gia bất đắc dĩ phải đến dự. Để phòng chuyện bất trắc, ông bảo người em là Lữ Hùng đem quân đóng quanh cung vua. Các sứ giả và các quan ngồi đối diện nhau.

 

Vừa vào tiệc Cù thái hậu liền hỏi Lữ Gia:

 

– Nam Việt nội thuộc thiên quốc là điều lợi cho nước ta, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện nghĩa là sao?

 

Hỏi câu này ý Cù thái hậu muốn khích cho các sứ giả nổi giận để triệt hạ Lữ Gia. Nhưng các sứ giả chưa kịp phản ứng thì Lữ Gia đã đứng dậy bước ra ngoài. Cù thái hậu định rút gươm của vua để giết ông nhưng vua ngăn lại. Lữ Hùng thấy ông ra liền cho quân đưa ông về nhà. Biết không còn cách nào ngăn được ý định nội thuộc của mẹ con vua, Lữ Gia bèn chuẩn bị làm một cuộc binh biến nhằm triệt hạ Cù thái hậu.

 

Khi Hán đế nhận được tin Lữ Gia không chịu nhận sắc phong và quyết chống lại ý định nội thuộc của vua và thái hậu, ông gọi tướng Trang Sâm đến nói:

 

– Hiện nay ở Nam Việt, Lữ Gia đã không chịu tuân mệnh nội thuộc. Vua và thái hậu thì bị cô lập không khống chế Gia được. Các sứ giả của ta thì nhút nhát không quyết đoán được gì. Chắc phải nhờ khanh ra tay một chuyến mới xong. Ta nghĩ vua và thái hậu Nam Việt đã chịu nội thuộc, chỉ có một mình Lữ Gia chống đối thì ta đâu cần phải dùng nhiều quân? Ta cho khanh 2 ngàn người sang sứ được không?

 

Trang Sâm tâu:

 

– Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ. Lấy vũ lực mà sang thì 2 ngàn người không làm gì được. Hạ thần không dám tuân mệnh.

 

Hán đế nổi giận bãi chức Trang Sâm. Tướng Tế Bắc là Hàn Thiên Thu thấy thế tâu:

 

– Một nước Nam Việt cỏn con, lại có vua và thái hậu nội ứng, chỉ có một mình tể tướng Lữ Gia làm loạn thì có gì mà ngại? Xin cấp cho thần 300 dũng sĩ, thế nào thần cũng chém được đầu Lữ Gia đem về.

 

Hán đế vui mừng cấp cho Hàn Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc 2 ngàn quân tiến vào Nam Việt.

 

Trong khi vua và thái hậu sắm sửa xong lễ vật để về chầu thiên tử thì một tờ hịch do Lữ Gia soạn cũng được truyền đi khắp nước đại khái: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đày tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời” (ĐVSKTT).

 

Thế rồi Lữ Gia cho đem quân đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả. Tiếp đó, ông lập người con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Triệu Kiến Đức lên làm vua tức Thuật Dương Vương. Khi ấy đội quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi chỉ cách Phiên Ngung 40 dặm. Lữ Gia lại đem quân đánh một trận giết luôn cả Hàn Thiên Thu lẫn Cù Lạc. Lữ Gia lại chia quân ra trấn giữ các nơi hiểm yếu.

 

Hán đế nghe tin Lữ Gia đã nổi binh chống lại thiên triều, lại giết luôn cả Hàn Thiên Thu nên vô cùng tức giận. Ông liền sai Lỗ Bác Đức, Dương Bộc và nhiều tướng giỏi khác đem hơn 10 vạn quân chia làm nhiều ngả tiến đánh Nam Việt.

 

Lữ Gia quân ít thế yếu chống không lại. Cuối cùng Thuật Dương Vương lẫn tể tướng Lữ Gia đều bị giặc bắt giết. Từ đó dân tộc Việt bị rơi vào ách cai trị của nhà Hán (111 trước TL).


(Kỳ sau: Thái hậu Dương Vân Nga)
 

Ngô Viết Trọng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.