Hôm nay,  

Một ngày ở nhà với con

05/02/202309:01:00(Xem: 2361)

Truyện

Nông_dân_Việt_Nam

Vừa thức giấc, Ngọc vội vàng nhảy xuống hé cửa nhìn ra ngoài. Chết cha! Hình như trời đã muốn sáng! Chưa kịp lo chuyện vệ sinh cá nhân Ngọc đã lật đật thắp đèn, lấy củi nhóm bếp. Nàng nhóm cùng lúc hai lò, một bên nấu cơm, một bên nấu nước. Bao giờ nàng cũng lo sẵn một nồi nước khá lớn nấu với những thứ lá uống được do nàng tự hái lấy. Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày.

 

– Trưa mất rồi! Tới không kịp vừa bị mất điểm vừa bị chúng nhằn!

 

Suốt tuần nay gặt cấy xong xuôi nên hợp tác xã không còn đánh kẻng báo thức. Đêm qua đội họp kiểm điểm thành tích vụ vừa qua và vạch kế hoạch làm ăn vụ tới kéo dài tới mười hai giờ khuya, quá mệt nên Ngọc đã ngủ quên.

 

Dù sao, sáng nay Ngọc cũng cảm thấy có chút thoải mái hơn mọi ngày. Có thể nàng đã ngủ được một giấc hơn sáu tiếng – một giấc ngủ khá dài kể từ khi nàng làm ăn trong hợp tác xã. Bình thường Ngọc vẫn thức dậy khoảng bốn giờ. Nàng nấu cơm nước, chia phần ra cho từng đứa nhỏ. Cả cơm lẫn thức ăn mỗi đứa, Ngọc đựng vào một tô riêng đậy đằn kỹ càng. Nàng đã chỉ rõ sẵn phần của đứa nào, để ở chỗ nào. Khi thức dậy, mỗi đứa sẽ tùy tiện lấy phần ăn mẹ đã dành cho mình ra để ăn trong ngày. Nói là cơm cho thuận miệng dễ nghe chứ bao giờ cái tô cũng chỉ có một ít cơm độn lổm ngổm khoai sắn. Thậm chí vài lúc, chỉ có khoai sắn ròng.

 

Thằng Tý lên bảy, thằng Sửu lên sáu, cả hai đứa đều có một thời được cha mẹ ôm ấp cưng chìu sung sướng. Riêng con Hoa lên ba, sinh ra nhằm lúc chiến tranh quá khốc liệt, Ngọc phải bế nó trên tay mà chạy giặc. Cha nó lại mất bất ngờ khiến gia đình lâm vào cảnh neo đơn đói túng. Bé Hoa không hề được hưởng một chút tiện nghi nào trong tuổi ấu thơ cho nên Ngọc thấy thương nó lắm. Khi chia chác, bao giờ Ngọc cũng lưu ý ưu tiên cho bé Hoa. Nàng vẫn nhắc nhở hai thằng anh: "Các con phải thương bé Hoa mới phải, vì nó là kẻ chịu khổ nhiều nhất trong nhà. Tụi con đã có một thời muốn chi được nấy rồi, còn nó vừa dứt sữa là ăn độn triền miên!"

 

Thường khi đi làm về, việc đầu tiên là Ngọc xem lại ba cái tô chia cơm cho lũ trẻ. Nếu có tô nào còn thừa mứa ươn ế là dứt khoát trong ngày đã có chuyện, hoặc có đứa ốm, hoặc có đứa giận lẫy không ăn. Thế là Ngọc phải mất công kiếm thuốc men hoặc năn nỉ dỗ dành. Thỉnh thoảng Ngọc vẫn nghe bé Hoa kêu đói. Bé phàn nàn là má thường để phần cho bé quá nhiều khoai sâu. Ngọc đoán, dù được chia phần cẩn thận, nhưng đứa nào đó dậy trước đã lén bớt xén hoặc đổi phần của nó. Nhiều lần bé giận lẫy bỏ ăn cả ngày. Nàng hết sức bực bội nhưng không biết làm sao...

 

Tối nào khỏe người, Ngọc tranh thủ tắm rửa cho lũ trẻ, nấu cái gì cho chúng ăn thêm. Nếu có họp hành bận rộn, hoặc quá mệt nhọc, Ngọc cứ việc rửa sơ tay chân rồi đi ngủ.

Nhằm vào vụ gặt vụ cấy, công việc căng hơn nhiều. Cứ bốn giờ sáng là Ngọc mắt nhắm mắt mở dậy lo sửa soạn ra đồng. Đêm nào cũng xảy rơm xúc lúa tới khuya muốn rã cả người. Về nhà có lúc Ngọc chỉ còn kịp kiểm soát xem mấy đứa nhỏ đã đi ngủ đủ chưa. Có điều tức cười, mẹ với con ở một nhà, ngủ một giường thế mà hàng tháng không nói chuyện với nhau được một lời. Lúc Ngọc ra đi thì lũ con chưa thức dậy, lúc Ngọc trở về thì lũ con đã ngủ cả rồi! 

 

Thường thường tiếng kẻng nó ám ảnh Ngọc đến hãi hùng. Ngọc tưởng như hễ nàng chợp mắt là nó chuẩn bị vang lên. Mà nó đã vang lên, dù cặp mắt còn cay sè, Ngọc không bao giờ dám nằm gắng. Ngồi trước bếp lửa, Ngọc vẫn còn ngủ gà ngủ gật. Nàng phải kịp lo cơm nước cho lũ con, cho nàng ăn trong suốt một ngày. Trên đường đi ra đồng, nhiều lần Ngọc bước xiêu vẹo đến sỉa chân xuống bùn hoặc vấp ngã mới hay. Mãi đến khi thực sự vật lộn với công việc Ngọc mới tỉnh hẳn...

 

*         

 

Chia thức ăn cho bọn nhỏ xong, Ngọc rợt thêm một ít cơm vào tô bé Hoa và nhặt bớt thức độn bỏ vào phần bới theo của mình. Trời càng lúc càng sáng tỏ khiến Ngọc nôn ruột. Hôm nay đội bắt đầu dọn đất trồng khoai lang. Theo ước định của đội, bảy giờ sáng mọi người phải có mặt tại chỗ làm. Giờ ít nhất cũng sáu rưỡi rồi. Liếc nhìn mấy đứa con đang nằm ngủ ngon lành mà phát thèm, Ngọc lẩm bẩm:

 

– Biết bao giờ mình lại có được một giấc ngủ như chúng?

 

Từ ngày thành lập đội sản xuất, chưa đêm nào Ngọc ngủ được thẳng giấc. Ngày nào Ngọc cũng gần như nằm sấp trên cánh đồng, tối lại họp hành tới khuya. Nói cho cam, đội làm cũng có nghỉ giải lao, nhưng Ngọc bao giờ cũng dùng thì giờ ấy để giặt cái áo, khâu lại cái quần... Ngày nào đi làm nàng cũng có mang theo một mớ đồ linh tinh để giải quyết những việc vặt đó trong giờ thiên hạ nghỉ. Về nhà, đặt lưng xuống giường là nàng không mơ không mộng gì nữa, cứ ngủ như chết. Đến bốn giờ lại nghe tiếng kẻng choang choang phải chống mắt mà dậy. Ngày nào cũng như ngày nào, không lễ lượt, không chủ nhật thứ bảy...

 

Thế nhưng đêm rồi, Ngọc mơ hồ có được một giấc mộng khá đẹp. Ngọc nghĩ là giấc mộng khá đẹp vì Ngọc biết chắc rằng mình có mộng gì đó mà đến khi tỉnh giấc nàng thấy còn vướng vất một cảm giác lâng lâng sảng khoái. Ngọc cố nhớ xem nhưng không tài nào nhớ ra được mình đã mộng thấy gì.  

 

Ra khỏi cửa Ngọc vẫn tiếc rẻ ngoái nhìn ba đứa con đang ngủ. Bỗng nàng thấy thằng Sửu nhảy bật ra khỏi giường. Ngọc im lặng nghiêng mình chờ thử xem nó làm gì. Nàng thấy nó nhanh nhẹn bước lại chỗ nàng để phần cho chúng, giở tô của cả hai đứa đang ngủ ra bốc mấy miếng bỏ vào miệng rồi đi tiểu tiện. Ngọc toan kêu Sửu mà mắng thì lại thấy thằng Tý, con đầu của nàng, cũng thức dậy. Nó cũng vội lại giở tô của hai đứa kia mà bốc bớt mấy miếng bỏ vào miệng. Trời ơi, như thế này thì con bé kêu đói là phải rồi! Cái phần ăn nhỏ nhoi của nó cũng không còn trọn vẹn nữa!

 

– Thôi được, tối về hãy hay. Giờ phải tới chỗ làm đã, trễ rồi!

 

Ngọc muốn giả lơ mà đi cho xong, nhưng nàng bỗng nghe tiếng cãi nhau dữ dội của mấy đứa trẻ. Có cả tiếng của bé Hoa nữa, nó đang gào khóc. Nổi giận, Ngọc toan trở lại đét cho mỗi đứa một roi. Nhưng Ngọc chưa kịp làm gì thì thấy bé Hoa vùng chạy ra khỏi nhà khóc bù lu bù loa. Nó ở trần, chỉ mặc một chiếc xì líp dơ bẩn, hai dãy xương sườn lộ ra đếm được.

 

– Má ơi! Má ơi! Sao ngày nào cũng bắt con ăn toàn khoai sùng thế? Cá của con cũng ăn hết cả rồi...

 

Thấy Ngọc trở lại, bé Hoa nằm lăn ra mà khóc. Ngọc thấy đau ruột quá. Lần này nàng đã thấy tận mắt. Thôi đành liều trễ dạy chúng một trận may ra chúng chừa. Thế là Ngọc chạy lại hàng rào bẻ một cành roi. Nhưng nàng chợt điếng hồn khi thấy hai thằng con mình lăn xả vào nhau tính ăn thua đủ. Thằng Tý tay cầm con dao dài cán, thằng Sửu thì cầm cái "mỏ xảy" nhọn hoắc. Ngọc hoảng hốt cố can chúng ra, nhưng nàng suýt ăn nhằm một cái mỏ xảy. Thằng nào cũng nhanh như sóc, Ngọc không thể nào bắt được chúng... Ngọc ngừng lại mà thở trong khi hai thằng nhỏ tiếp tục đuổi nhau sát sạt. Ngọc rát cả cổ kêu la làng xóm nhưng hoàn toàn vô hiệu. Nàng bất lực nằm lăn xuống đất khóc ầm lên khiến bé Hoa cũng đang nằm vạ tròn mắt thôi khóc đứng dậy chạy lại bên mẹ. Thấy án mạng dễ xảy ra như chơi, kinh sợ tột cùng, Ngọc gào lên:

 

– Bây giết tao đi đã rồi đánh nhau! Tý ơi! Sửu ơi! Bây giết tao đi rồi chém nhau!

 

Mặc kệ, hai thằng nhỏ vẫn coi như pha, vẫn dao quơ mỏ xảy gạt như hai kiếm khách tranh tài. Sùng máu quá mà không làm gì được, Ngọc đập đầu xuống đất nghe bình bịch làm bé Hoa lại khóc ré lên. Thình lình Ngọc ngồi bật dậy, chạy thẳng vào bàn thờ chồng, lôi cái tấm khăn đỏ phủ trên cái ảnh thờ quăng xuống đất, để lộ ra khuôn mặt một thanh niên đẹp trai mặc quân phục, nàng hét:

 

– Anh ơi là anh, sao anh ngồi tỉnh bơ như thế? Mấy đứa con nó đang đâm chém nhau sao anh cứ ngồi tỉnh bơ như thế anh ơi là anh ơi!

 

Rồi Ngọc lại lăn xuống đất mà cheo khóc. Bé Hoa cũng chạy vào ôm lấy mẹ mà kêu đến khản giọng:

 

– Má đừng khóc nữa má ơi! Má đừng khóc nữa!...

 

Gào chán, hai mẹ con ôm nhau mà nằm tại chỗ. Ngọc đưa tay vỗ vỗ thoa thoa vào lưng đứa con gái bé bỏng. Chốc sau chỉ còn nghe rơi rớt vài tiếng thở dài của Ngọc và tiếng nấc khóc của bé Hoa. Bé Hoa đã ngủ. Ngọc nhẹ nhàng nâng đầu bé lên kê vào cánh tay mình rồi nằm yên.

 

Bỗng Ngọc nghe tiếng lục cục phía đầu bếp rồi tiếng thằng Tý:

 

– Tổ mẹ bữa nay mà còn ăn cắp đồ ăn của tao nữa tao chém chết cha mày!

 

Tiếng thằng Sửu nối theo:

 

– Tổ mẹ từ nay mày còn rớ tới tô đồ ăn của tao, tao đâm thủng ruột!

 

Lúc này Ngọc mới biết chắc tình hình đã yên, nàng không còn hồi hộp lo sợ nữa. Nàng tiếp tục nằm im lặng, không mấy khi nàng có cơ hội nghỉ ngơi thoải mái như thế này... Chốc sau, Ngọc mở mắt nhìn cái thân trần đen điu bé bỏng của bé Hoa, nàng rờ mấy cái xương sườn của bé, nước mắt nàng lại trào ra. "Khổ thân con tôi! Nếu cha con còn thì con đâu đến nỗi!". Ngọc nhủ thầm rồi bất giác nàng ôm bé mà hôn túi bụi. Bé sung sướng xúc động nũng nịu:

 

– Má, con đói bụng!

 

– Khi nãy con chưa ăn à? Nằm chốc nữa rồi má dậy lấy cơm cho ăn.         

 

– Hôm nay má không đi làm hả má? Má ở nhà với con nhé! Khi nãy con chưa ăn chi hết má à. Con thức dậy thấy anh Tý đang giở tô của con mà bốc, con bắt đền thì anh Tý nói anh Sửu vừa bốc bớt của con nên anh bắt chước! Rồi hai anh đánh lộn nhau...

 

– Thế ngày thường má để cơm ở nhà con ăn có no không?

 

– Má để ít quá, khi nào cũng lưng nửa tô nên con bị đói hoài... Mà sao má cứ hay lựa khoai sâu và sắn mà để cho con vậy? Khoai sâu đắng lắm má ơi.

 

– Thôi, chốc nữa má cho con ăn nhiều xôi với trứng nữa.

 

Hôm kia chia được mấy lon nếp, Ngọc định vài hôm nữa nấu cho lũ con ăn một bữa. Hôm qua tình cờ đi qua cánh đồng người ta cho vịt ăn, nàng lại lượm được một cái trứng đẻ rơi. Quá lâu rồi lũ con không được ăn trứng, Ngọc coi như một món quà quí. Nàng trù hấp lên cơm rồi chia cho bé Hoa một nửa, hai thằng anh một nửa.

 

Nghe nói sẽ được ăn xôi với trứng, bé Hoa mắt sáng rỡ lên, vội vàng đứng bật dậy vói nắm tay mẹ mà kéo:

 

– Thế má dậy cho con ăn đi!

 

Ngọc thở dài. Nàng uể oải đứng dậy theo con. Nàng tần ngần ngắm nhìn bức chân dung chồng trên bàn thờ, miệng lẩm bẩm:

 

– Anh tha thứ cho em, nhiều lúc em quá khổ muốn nổi khùng. Vì nghĩ tới các con nên em phải gắng sống thôi.

 

Bé Hoa giương mắt chờ đợi. Ngọc cúi xuống lượm cái khăn đỏ rũ sạch bụi rồi phủ lại ngay ngắn trên bức ảnh chồng. Bé Hoa nắm lấy tay nàng lôi đi:

 

– Má cho con ăn cơm trắng với trứng gà đi má!

 

Ngọc lại thở dài:

 

– Thả tay ra rồi má làm cho con ăn!

 

Nàng đi tới chạng bếp lựa lấy một cái soong nhôm, nhưng lục xáo mãi không ra được cái nắp. Trước kia, nhà Ngọc vẫn hay kỵ giỗ sắm rất nhiều soong lớn nhỏ đến hơn mười cái. Từ ngày ra làm hợp tác xã, nàng chỉ dùng một cái nấu cơm và một cái nấu nước uống, còn bao nhiêu đều lau chùi sạch sẽ úp lại trên chạng, không mấy khi đụng tới. Quái lạ nhỉ! Thế nàng đã cất những cái nắp ở đâu? Nàng giở tất cả những cái soong lên và càng ngạc nhiên không thấy một cái nào còn nắp đậy...

 

– Sao lâu thế má? Má tìm cái gì thế? – Bé Hoa nôn nóng hỏi.

 

– Má tìm mấy cái nắp soong mà đậy chứ!

 

Bé Hoa xịu mặt xuống, nói nhỏ:

 

– Con nói má đừng nói lại anh Tý đánh con nghe, nắp soong anh Tý bán hết rồi!

Ngọc giận sôi lên, đánh đét một bàn tay vào mông con bé: 

 

– Thế này thì tôi chết mất, không thể sống với nhà này được!

 

Nàng lại nằm xuống giẫy giụa kêu khóc. Con bé bị đánh đau điếng nhưng không dám hé miệng. Nó đứng trân trân nhìn mẹ nó, đứng mỏi nó lại ngồi. Lúc ấy cũng đã khoảng mười giờ trưa, thằng Tý thằng Sửu vẫn còn lặn đâu mất. Bỗng từ xa vẳng lại tiếng rao lanh lảnh kéo dài của một người đàn bà:          

 

– Chai bao nhôm nhựa dép đứt bán... khôông...?

 

Bé Hoa nãy giờ nghĩ mình có lỗi làm mẹ giận, bụng đói mà không dám kêu, giờ nghe tiếng rao liền liến thoắng lập công:

 

– Anh Tý bán cho bà đó đấy má ơi!

 

Ngọc nghe nói vội vàng vùng dậy. Nàng bảo bé Hoa:

 

– Con ra kêu bà ấy vô đây má bán cho!

 

Bé Hoa muốn làm vui lòng mẹ, lật đật chạy ra ngõ. Trong khi đó, Ngọc gom tất cả những cái soong mất nắp lại một chồng nặng, mang tất cả ra sân. Người đàn bà buôn chai bao nhôm nhựa đang hớn hở quảy một gánh theo chân bé Hoa vào thấy một chồng soong thì mừng húm lên nhưng không khỏi ngạc nhiên, bà ta đon đả:

 

– Soong đâu mà chị bán nhiều thế! Sao lại bán đi? Tôi mua theo giá phế thải rẻ lắm chị à!

Ngọc thấy cái mặt bà ta thì giận sôi gan, xẵng giọng:

 

– Bà phải mua hết tất cả số soong này cho tôi! Không mua cũng chết với tôi! Mua không? Bà nói đi cho tôi nghe!

 

Người đàn bà thoáng kinh ngạc rồi chợt hiểu, nhưng bà làm bộ ngơ ngác:

 

– Chị nói phải giá thì tôi mua, không phải giá thì thôi, chứ việc gì mà dữ vậy?

 

Ngọc chỉ tay thẳng vào mặt người buôn bao chai:

 

– Chị buôn bán cũng phải có lương tâm một chút chứ! Chị lại phỉnh mấy đứa con tôi bao nhiêu nắp đem bán cho chị hết rồi bây giờ cả chục cái soong này tôi làm sao mà nấu nướng đây? Bây giờ chị bảo tôi làm chi với số soong này?

 

– Đứa nào nó nói bậy vậy chứ tôi mua bao giờ? Hay nó bán cho ai đó chứ?

 

Ngọc càng tức giận quay sang bé Hoa:

 

– Thằng Tý bán cho mụ này hay bán cho người khác?

 

Bé Hoa sợ hãi nói:

 

– Anh Tý bán cho mụ này má à! Không phải bán cho người khác.

 

Trong khi hai bên đang to tiếng thì bà già Lành nhà hàng xóm chạy sang. Bà già Lành cũng chỉ tay vào mặt người buôn ve chai cay cú:

 

– Con mụ này đanh ác lắm! Bữa kia mụ cũng dụ thằng cháu tôi bao nhiêu dép trong nhà mụ mua sạch. Báo hại cả nhà đi làm tối về không ai còn một chiếc để rửa chân. Bất nhân đến thế thì thôi. Vùng này chỉ có mụ mua chứ còn ai tới đây nữa!

 

Người buôn ve chai thấy chối không được xuống nước:

 

– Thiệt tình tôi không biết. Thấy tụi nó bán tôi tưởng đồ bỏ rồi tôi mới mua chứ! Thôi lỡ rồi, từ nay gặp trẻ con bán gì tôi phải cẩn thận. Khi nào thấy có nắp còn dùng được tôi sẽ đem tới cho chị lựa...

 

Nói xong, bà ta nhè nhẹ bước ra ngõ. Ngọc nói với bà già Lành:

 

– Phải nói cho con mụ biết chứ còn khuya mụ ta mới đem nắp tới cho mà lựa. Khi nào cần thì nhờ thợ gò cái khác cho rồi.

 

Bà già Lành tiếp lời:

– Nguyên do cũng tại mấy thằng bán cà rem nữa! Coi chừng tụi nó còn xúc gạo mà đổi nữa đó. Ai chứ thằng cháu tôi bị bắt một lần rồi. Mình không đủ gạo ăn, thế mà nó đem một lon đổi một cây cà rem mới khổ chứ!

 

Ngọc lắc đầu ngao ngán:

 

– Thời buổi đói khổ nó sinh ra thế bác ơi. Tôi chán lắm rồi. Con mình nó quá thèm đi nó phải làm bậy. Bác nghĩ như tôi cả tháng nay ngày nào cũng đi từ buổi khuya, tối mịt mới về, suốt ngày chúng muốn làm gì thì làm, giữ chúng sao được? Tệ đến nỗi cả tháng nay tôi không hề tắm rửa được cho chúng, cũng không nói được với chúng một lời. Mình về tới nhà thì chúng ngủ cả rồi biết làm sao!

 

– Thế sáng nay cô được nghỉ à?

 

– Đâu có, sáng nay đội bắt đầu dọn đất trồng khoai lang, tôi dậy quá trễ nên liều nghỉ luôn đó chứ! Thôi sao thì sao, cũng là dịp để tắm rửa cho mấy cháu một bữa.

 

Nàng chỉ bé Hoa:

 

– Bây giờ ban ngày ban mặt mới thấy rõ, lưng cổ chi cũng đóng cả một lớp đất dày! Thôi, để má vô nấu cho ăn nghe! Chắc con đói lắm rồi há?

 

Bé Hoa mắt sáng lên nhưng im lặng, khẽ gật đầu.

 

*

 

Ngọc lột quả trứng cắt làm đôi, bỏ vào chén bé Hoa một nửa. Nửa quả còn lại, Ngọc lại cắt làm hai bỏ vào hai chén xôi của Tý và Sửu. Bé Hoa nhìn miếng trứng để trên chén xôi không chớp mắt. Ngọc vừa thích thích vừa tội nghiệp theo dõi thái độ của bé. Đối với vùng quê này, dù nghèo ngặt mấy, người ta thỉnh thoảng vẫn có chút thịt để ăn. Con chim, con chuột đồng, con ếch ở đâu cũng có, đôi khi không tìm mà được. Mấy đứa nhỏ vẫn có thể câu được vài con cá nhỏ. Nhưng trứng thì lại thuộc loại xa xỉ phẩm, nhất là dưới mắt trẻ con.

 

– Con ăn đi!

 

Nghe mẹ nói, bé Hoa kéo ngay chén xôi về phía mình. Bé chưa ăn xôi mà gắp ngay miếng trứng đưa lên miệng. Nó liếm từng chút vụn vỡ trên phần ngòi đỏ rồi liếm phần ngòi trắng láng trơn như mỡ. Nó chép miệng vài lần rồi bắt đầu khới từng chút.

 

– Ăn đi kẻo đổ hết!

 

Bé Hoa bỏ tõm cả miếng trứng vào miệng rồi nhìn mẹ mà cười. Bé ngậm nó một chốc rồi nhá nhè nhẹ mà nuốt. Nuốt xong, hình như bé tiếc rẻ mình đã ăn quá vội. Nó đưa đũa lừa gắp từng chút vụn đỏ vỡ rơi trên chén xôi mà nhâm nhi. Ngọc bắt đầu ăn, mùi cơm nếp thơm tho hấp dẫn lắm nhưng bé Hoa vẫn chưa ăn. Đôi mắt bé thòm thèm liếc nhìn hai miếng trứng trên chén của hai thằng anh. Ngọc thấy thế nói:

 

– Không được hư như vậy!

 

Nàng toan lấy dĩa đậy hai chén kia lại mang để vào chỗ khác. Nhưng rồi cầm lòng không đậu, nàng nói với bé:

 

– Thôi, cho gắp luôn cả hai miếng đi! Chốc tụi nó về nhớ không được nói chi hết mà ồn!

Bé Hoa sung sướng gắp ngay mấy miếng trứng. Nó ăn vội vàng như để thủ tiêu tang tích, sau đó bắt đầu ăn xôi.

 

Cũng may cho bé, nếu chậm hơn một tí thôi là nó mất phần bồi dưỡng phụ trội. Mấy phút sau hai thằng bé vừa reo cười hồn nhiên vừa chạy sồng sộc vào nhà.

 

– Má không đi làm à?

 

– Ở nhà có bây nuôi! Từ nay bây lo đi làm để nuôi tao!

 

Không để ý đến lời mẹ, cả hai đứa lập tức sà xuống, mỗi đứa bưng một chén. Chúng ăn hồng hộc như sợ chạy không kịp tàu. Ngọc nhìn từ đầu đến chân từng đứa. Đứa nào trông cũng như dân Thượng, từ thân thể đến áo quần không có gì coi được. Ngọc lắc đầu:

 

– Ăn xong rồi ra tôi tắm cho!

 

Trong khi tụi nhỏ tiếp tục ăn, Ngọc chuẩn bị trước hai thùng nước và xà bông.

 

– Ra đây cậu cả!

 

Thằng Tý bị mẹ lôi ra tắm đầu tiên. Nàng dội nước, xát xà phòng khắp thân nó rồi bắt đầu kỳ cọ. Nàng kỳ thật kỹ khắp mọi nơi trên thân khiến thằng bé đau nhột cứ tức cười né qua tránh lại liền liền. Vài lúc nó phải hét lên. Nhiều lần Ngọc phải phác vào mông nó bem bép. Nước dội chảy xuống đen ngòm. Ngọc kỳ cọ đến mỏi tay mà không sao làm sạch được cái thân hình bám đầy đất quá lâu ngày ăn vào lớp da chai nắng đến khét. Tắm gần hết thùng nước mà cái cổ thằng Tý vẫn còn nhơm nhớp đen bẩn. Ngọc lắc đầu kêu:

 

– Muốn tắm sạch tụi bây phải nghỉ thêm ngày mai nữa! Đất bám cả lớp dày trơn như da lươn tao không cách chi kỳ cho nổi!

 

Bà già Lành hàng xóm đi ngang nhà nghe vậy đứng lại nói:

 

– Này, cô Ngọc ơi, tôi bày cho! Cô hãy kiếm một miếng giẻ nhúng vào dầu hỏa thì cái gì cũng kỳ đi được hết.

 

Ngọc quay lại nhìn hai đứa kia:

 

– Sửu, vô xách chai dầu hôi ra đây. Con Hoa đi lấy cái áo rách!

 

Quả thật khăn nhúng dầu hỏa rồi chùi ghét cáu trên thân người hiệu nghiệm vô cùng, chùi đến đâu nó sáng ra như da mới cạo đến đó. Ngọc chùi một chốc thì thân hình thằng Tý hoàn toàn đổi khác. Nhờ cách dùng giẻ nhúng dầu hỏa để lau, việc tắm cho thằng Sửu và con Hoa dễ dàng hơn. Vừa tắm xong, hai thằng nhỏ lại vội lặn mất. Bé Hoa coi bộ thoải mái hơn hết, nó ngồi bệt trên tấm gỗ tắm trước mặt mẹ, tay cầm ống chân lật bàn chân trắng hếu lên nhìn rồi nói như khoe:

 

– Cái bàn chân nó "mới" quá chừng chừng!

 

Ngọc tức cười, cúi hôn đầu bé Hoa một cái rồi nói:

 

– Thôi, con đi chỗ khác chơi, để mẹ còn giặt quần áo, lâu lắm mẹ mới ở nhà được một ngày.

 

Ngô Viết Trọng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.