Hôm nay,  

Nhớ và quên, những ngôi trường trên phố núi

02/02/202311:15:00(Xem: 2840)
Tùy bút

316103880_1101524307174669_2724044371073811711_n

Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm khôn nguôi. Chúng ta nghĩ về thuở xa xưa đó như nghĩ về sân đá banh, suối Đốc Học, suối Mu-ri (Maury), thác Nhà Đèn, hồ Piscine, hồ Trung Tâm hay cột đèn ba ngọn, kể cả con chim, con dế, một thứ keo dính chặt trong trí nhớ học trò. Hồi xa xưa đó chắc ai cũng nhớ những ngày đầu rụt rè theo cha mẹ đến trường, có đứa còn đái dầm, đứa ỉa đùn, có đứa khóc nhè, đứa thò lò mũi xanh. Bậc mẫu giáo là bậc đầu đời của tuổi thơ đi từ chỗ ê a vỡ lòng cho đến chỗ biết đọc, biết viết như một phép lạ thần kỳ. Học đường là những bậc thang tiến thân trên đó mỗi năm nhà trường đòi hỏi sức học của con em để bước lên lớp cao hơn hầu mai sau làm người hữu ích cho xã hội, cho nước nhà.

 

Trước năm 1975, thị xã Ban Mê Thuột có nhiều trường lớp, từ mẫu giáo tới tiểu học lên trung học, công tư thục. Thuở đó, Ban Mê Thuột không có trường đại học. Trường mẫu giáo thì hầu như ở địa phương nào cũng có. Một ngôi Đình, một ngôi Chùa, một ngôi Nhà Thờ, kể cả tư gia cũng có thể mở vài ba lớp học vỡ lòng. Thầy giáo thường là những ông thầy già nghiêm khắc dạy học trò chữ nghĩa kèm theo roi vọt.

 

Tôi còn nhớ như in về ngày đầu tiên của tuổi thơ đến trường mẫu giáo Rạng Đông. Đầu thập niên 1950, trên đầu dốc ngã ba Tôn Thất Thuyết - Ama Trang Long là nơi sinh hoạt nhộn nhịp của bến xe ngựa. Từ bến xe ngựa theo con đường đất đổ dài xuống suối Đốc Học, tới lưng chừng dốc phía bên trái là trường mẫu giáo Rạng Đông của thầy Phán, người Bắc lai Pháp, lũ học trò chúng tôi thường gọi là "ông thầy già" (về sau có thêm thầy Chiều, con trưởng của thầy Phán phụ dạy), phía bên phải con dốc có một dòng suối chảy ngầm dưới lòng vực sâu ngày đêm rì rầm đổ xuống suối Đốc Học.

 

Cái thời xa mịt mù xa trong quá khứ ấy, thầy giáo trị con nít học trò lười biếng, ngỗ nghịch bằng đòn roi. Tội nghiệp tuổi thơ ham ngủ đến trường trễ thường bị phạt, Trong giờ học, ngủ gục hoặc cười đùa, nghịch ngợm vô tư, không bị đứng khoanh tay trong góc lớp thì cũng bị quỳ sơ mít, chưa kể bị roi mây quất trên đầu, trên cổ, trên lưng hoặc bị thước bảng đánh vào lòng bàn tay, đánh trên mu bàn tay hoặc đánh trên năm đầu ngón tay chụm lại; về nhà tha hồ bà nội bà ngoại vừa xức dầu vừa xuýt xoa thoa bóp vết thương cho thằng cháu học trò mặt mũi còn ngờ nghệch, thơ ngây. Hiện nay, việc đánh đòn đã bị các nước cấm vì ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

 

Học xong mẫu giáo tôi lon ton lên tiểu học. Hồi xưa, lớp nhỏ nhất của bậc tiểu học là lớp năm (còn gọi là lớp Đồng ấu), rồi lớp tư là lớp Dự bị, lớp ba (Sơ đẳng), lớp nhì, cuối cùng là lớp nhất. Khác với ngày nay lớp năm là lớp một, lớp nhất là lớp năm. Năm năm mài đũng quần trên ghế nhà trường cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

 

Ngày đầu tiên đến trường, ngoài áo quần mũ dép mới, còn có chiếc cặp-táp nho nhỏ. Trong cặp đựng sách, vở, thước kẻ, cục phấn, bảng đen, cục gôm, giấy chậm. viết chì, viết mực và lọ mực xanh hoặc tím có khoen đeo vào ngón tay. Học trò đi học không có cây viết giống như Tề Thiên không có cây thiết bảng. Cây viết mực hữu ích biết chừng nào, nó góp phần quan trọng trong việc học vấn của học trò nói riêng và con người nói chung.

 

Cây viết chấm mực, từ thuở ra đời vào thế kỷ thứ XIX đến nay vẫn thủy chung theo ta đi vào kỷ niệm cho đến cuối đời. Cây viết này làm bằng gỗ sơn hai màu có lỗ gắn ngòi viết, khi viết thì chấm vào bình mực, nếu ngòi bị rè có thể thay ngòi khác. Về ngòi viết chấm mực, ở bậc tiểu học có ba loại ngòi viết: ngòi viết lá tre, ngòi viết bầu và ngòi viết bắp chuối. Hầu hết học trò tiểu học thường dùng ngói viết bầu và ngòi viết bắp chuối hơn là ngòi viết lá tre vì đầu ngòi nhọn hay bị xóc giấy. Bình mực còn gọi là lọ êke bằng nhựa. Bình có hai lớp, lớp trong đựng mực gắn liền với lớp ngoài hình phễu trên to dưới nhỏ. Khi vào lớp học trò đặt bình mực vào một cái lỗ khoét sẵn trên bàn học cho khỏi đổ mực ra bàn.

 

Cũng cần nói thêm bàn học gắn liền với ghế ngựa dài khoảng 2m vừa đủ để bốn trò ngồi chung một bàn. Bàn học có hộc để cặp-táp, sách vở, trên mặt bàn có khoét bốn lỗ để đựng bình mực êke. Học trò tiểu học thường hay nghịch ngợm, phá phách, sôi nổi với tiếng dội ngàn thu: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Tôi còn nhớ có lần tiếng trống trường báo giờ học, học trò sắp hàng hai trước sân lần lượt đi vào lớp. Đang lục đục ngồi xuống ghế chợt nghe có tiếng thét của một trò bưng đít nhảy dựng lên mếu máo khóc bù lu bù loa làm cả lớp giựt mình. Thì ra anh học trò chung bàn ngồi xuống trước với ý đồ cầm cây viết dựng đứng chờ bạn mình vô tình ngồi xuống để ngòi viết đâm lủng đít chơi cho vui. Tuổi thơ hồn nhiên đến thế là cùng. Thuở đó, học trò không được xưng mày tao chi tớ mà phải xưng với nhau bằng "trò".

 

Nổi tiếng nhất thị xã Ban Mê Thuột là trường tiểu học Nguyễn Công Trứ nằm ở góc đường Tôn Thất Thuyết và Phan Bội Châu, phía sau trường là Đình Lạc Giao và chợ Đê sát với chợ cá bên tay phải, giáp với đường Quang Trung. Trường cất theo hình chữ U gồm những dãy nhà trệt, tường gạch, mái ngói. Hiệu trưởng trường Nguyễn Công Trứ là thầy Lê Hữu Giáp (chồng cô Trang). Cô Nguyễn Thị Trang làm Hiệu trưởng từ năm 1957, sau khi thầy Giáp mất. Đến năm 1960 trường Nguyễn Công Trứ chia làm trường nam tiểu học và trường nữ tiểu học. Trường có hai buổi học (Kinh Thượng đề huề). Buổi sáng dành cho học trò nam, buổi chiều là học trò nữ. Sau đó trường nữ tiểu học dời về đường Bà Triệu (gần trường Trung học BMT) và đổi tên thành trường Nữ tiểu học Bà Triệu. Cô Nguyễn Thị Trang là Hiệu trưởng trường này cho đến ngày mất nước. Hiệu trưởng trường nam tiểu học là thầy Đỗ Minh Giảng và Lưu Quý Chiểu. Nét văn hóa dễ thương của ngày xa xưa đó là "tiên học Lễ, hậu học Văn" nên học trò rất ngoan, chăm chỉ học hành và biết kính trọng Thầy Cô (Tôn Sư Trọng Đạo).

 

Đặc biệt giữa sân trường tiểu học Nguyễn Công Trứ có một cây cầy trăm năm*. Gốc cây to khoảng sáu bảy người ôm, có nhiều rễ phụ chằng chịt, cành lá xum xuê vươn lên cao ngất, phủ mát cả một mảng sân trường. Giờ ra chơi hầu hết học trò đều tụ quanh gốc cây, nô đùa, chạy nhảy, cò cò, u mọi, nhảy dây, chọi banh, thảy lỗ và… uýnh lộn. Vào những đêm mưa to gió lớn, cây cầy thường bị sét đánh. Nghe đồn cây cầy trăm năm thường có ma quỷ nên người ta đặt trên chảng ba một cái miếu nhỏ trừ tà. Ngày nay, trường tiểu học Nguyễn Công Trứ và cây cầy không còn nữa, được thay thế bằng khu chợ búa.

 

Ngoài ra còn có các trường như trường tiểu học Nguyễn Du dành riêng cho học sinh người Thượng, nằm trên đồi hướng xuống suối Đốc Học, bên kia đường là Biệt Điện Bảo Đại. Trường tiểu học Thánh Tâm cất theo hình thập tự giá. Trường tiểu học La San nằm sau nhà thờ chánh tòa (giáp với trường nữ Vinh Sơn, sau dời về đồi Đức Mẹ). Trường tiểu học Độc Lập. Trường tiểu học cộng đồng Hưng Đạo. Trường tư thục Sông Hồng. Trường tiểu học quân đội Lam Sơn bằng gỗ dành riêng cho con em quân nhân v.v…

Học hết năm năm tiểu học thì lên trung học đệ nhất cấp. Lên trung học thì cây viết chấm mực được thay bằng viết máy bơm mực (bảnh nhất thời đó là viết parker); nhà trường cấm học sinh dùng viết nguyên tử vì ảnh hưởng đến chữ viết. Bậc trung học phổ thông có các trường như trường trung học Bồ Đề trên đường Phan Bội Châu, do các thầy Trụ trì chùa Khải Đoan thành lập, gồm các học sinh nam nữ không phân biệt tôn giáo. Trường trung học Bán Công ở cuối đường Hai Bà Trưng do thầy Lê Thanh Nhàn làm Hiệu trưởng. Trường nữ trung học Vinh Sơn (cấp I và II) nằm trên đường Phan Chu Trinh gần ngã sáu, do các Soeur đảm trách giảng dạy. Trường trung học Hưng Đức ở đường Độc Lập do linh mục Đặng Sĩ Bình làm Hiệu trưởng. Trường tư thục Bạch Đằng ngay ngã tư Tôn Thất Thuyết - Phan Bội Châu, ngó xéo qua trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, đặc biệt có nhà thơ Viên Linh dạy Việt văn. Trường Trung học Quận Ban Mê Thuột, thầy Nguyễn Văn Phúc làm Hiệu trưởng. Trường trung học Nông Lâm Súc nằm gần cây số 5 trên đường ra phi trường Phụng Dực. Trường trung học La San nằm trên đồi Đức Mẹ do các frères giảng dạy, có tiếng dạy giỏi và kỹ luật nghiêm khắc. Sau này vì cần mở rộng thêm trường nên xây thêm trường La San đồi, dời trường ra đó và nhận thêm nữ sinh. Trường Kỹ Thuật Y Ut dạy kỹ thuật cho các học sinh người dân tộc thiểu số , nằm cạnh trường tiểu học Nguyễn Du. Tất cả học sinh đều ở nội trú và được nuôi ăn học miễn phí. Trường Sư Phạm bổ túc gần phi trường L19 và trường Sư Phạm Cao Nguyên xây vào năm 1972 theo phong cách nhà rông của dân tộc thiểu số (nay là trường Đại Học Tây Nguyên)… Trước 1975 thị xã Ban Mê Thuột không có cấp đại học.

 

Trong các trường trung học kể trên, nổi tiếng nhất vẫn là trường Trung học Ban Mê Thuột. Đây là trường công nên năm đầu tiên học sinh phải qua một kỳ thi tuyển. Trường Trung học Ban Mê Thuột được thành lập vào đầu niên học 1959-1960 do sự sáp nhập hai trường Trung học Kinh và Thượng tại Ban Mê Thuột:

 

– Trung học Y Jut (trước đây tên là Collège Sabatier năm 1946-1958) là một trường trung học dạy tiếng Pháp dành riêng cho học sinh người Thượng, do thầy Đỗ Đức Riệu làm Hiệu trưởng.

 

– Trung học Nguyễn Trường Tộ thành lập năm 1955 là trường duy nhất chỉ có một lớp Đệ thất, do thầy Đỗ Trọng Thạc làm Hiệu trưởng. Ngôi trường đơn sơ này nằm ở khách sạn ông Nicolas, bên cạnh plantation café của dượng tôi là ông Jean Maury, sau để lại cho ông bà Huấn. Niên học 1957-1958, thầy Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng chung cho hai trường Y Jut và Nguyễn Trường Tộ, kết hợp học sinh Kinh Thượng dưới một mái trường chung là trường Trung Học Ban Mê Thuột. Năm 1968, trung học Ban Mê Thuột đổi tên thành trường Tổng hợp Ban Mê Thuột. Gọi là Tổng Hợp vì nhà trường khởi dạy thêm các môn như Canh nông, Kế toán, Mỹ thuật, Đánh máy chữ, Nữ công gia chánh… Trường vẫn tọa lạc số 57 đường Bà Triệu.

 

Đi học ai cũng biết đồng phục luôn gắn liền đời sống của mỗi học sinh, giúp tạo nên vẻ đẹp của tuổi học trò. Ở đây, đồng phục của trường Trung học Ban Mê Thuột cũng thật đặc biệt. Nam sinh trẻ trung trong đồng phục áo sơ-mi xanh dương, quần xanh đậm là ý thức truyền thống và là niềm tự hào độc nhất vô nhị của nhà trường (trừ những ngày lễ mới mặc áo trắng). Đặc biệt nữ sinh trong chiếc áo dài xanh quần trắng thướt tha, nổi tiếng với vẻ đẹp e ấp, hồn nhiên là biểu tượng tinh khôi, là hình ảnh riêng của miền đất huyền thoại.

 

Hiệu trưởng Trường Trung học Ban Mê Thuột qua các thời kỳ gồm có:

 

1959-1962: Thầy Phạm Văn Đồng.

1962-1964: Thầy Nguyễn Khoa Phước.

1964-1969: Thầy Nguyễn Khoa Tuấn.

1969-1971: Thầy Nguyễn Phước Quang.

1972-1974: Thầy Lê Văn Tùng.

 

Trường Trung học Ban Mê Thuột cũng là nơi xuất thân của những cây bút tên tuổi, như nhà báo Lê Thiệp (mất năm 2013 tại Hoa Kỳ), nhà thơ Triều Hoa Đại (Florida), nhà thơ Chinh Nguyên (San Jose), nhà văn Lê Hữu (Washington state), nhà thơ Y Cao Nguyên (California), nhà thơ Như Thương (Florida), nhà thơ Trần Huy Sao (San Diego), nhà văn Nguyễn Ngọc Chính (Việt Nam), nhà thơ Hùng Bi (Việt Nam)… Đồng thời ngôi trường này cũng lưu lại hình bóng những người lính Quân lực VNCH đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, như phi công trực thăng Dương Đức Luân Đôn, em của chị Dương Thu Hương, phi công Nguyễn Mạnh Dũng, con thầy Nguyễn Huy Quang dạy vẽ.

 

Trường trung học Ban Mê Thuột cũng là nơi tôi bỏ học rất sớm và trở về rất trễ dưới hình thù một người lính xuất thân từ trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Tôi còn nhớ, năm 1970, vào những ngày cuối tuần không kẹt ứng chiến trong đơn vị tôi hay tới trụ sở Du Ca Lòng Mẹ sinh hoạt với các bạn Du ca do trưởng Nguyễn Quyết Thắng hướng dẫn. Một ngày hè trời ui ui, anh em Du ca chúng tôi kéo nhau lên trường Trung học BMT sinh hoạt văn nghệ. Giăng bandroll trên hàng hiên nhà trường với hàng chữ Du Ca Lòng Mẹ BMT bên cạnh huy hiệu Du Ca Việt Nam, anh em đoàn viên hăng hái cất cao những khúc du ca đầy sức sống, thổi đến trái tim người nghe những lời tình tự dân tộc, yêu quê hương đất nước hùng cường.

 

Tôi học năm 1960, thời của thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Đồng. Mười năm sau, 1970 là thời của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phước Quang, anh học trò xưa trở về trường dưới hình thù một thành viên Du ca, cùng anh em hát những khúc hát Du ca vạm vỡ tác động lên cuộc sống con người.

Từ đó, chiến cuộc ngày càng leo thang khốc liệt, tôi giã từ bạn bè, anh em, một lần nữa từ biệt trường xưa tôi đi vào chiến tranh cho đến ngày mất nước. Nước mất, nhà tan, tôi đi tù Cộng sản đến năm 1979 vượt biên ra nước ngoài đến nay tôi vẫn chưa trở về cố hương lần nào.

 

Trường Trung học Ban Mê Thuột ngày xưa, với cổng trường xẹo xọ, bùn đeo bụi bám, với dãy nhà trường hình chữ U mái ngói cũ kỹ, tường gạch rêu phong, với phấn trắng bảng đen, với những cây phượng vỹ còn trẻ, với lá cờ vàng ngạo nghễ bay trong mưa nắng giữa sân trường và Thầy Cô và bạn học - ngày nay đã lùi sâu trong quá khứ xếp lại thành kỷ niệm khôn nguôi.

 

Tôi có một tật xấu, là ở tuổi về chiều tham dự "Ngày của Thầy Cô", ngày Tôn Sư Trọng Đạo, tôi hay thò tay vào sâu trong quá khứ lục lọi moi ra những hình ảnh kỷ niệm của thuở học trò. Chẳng làm gì ngoài việc ôn cố và âm thầm mang ơn Thầy giáo Cô giáo đã dạy dỗ mình… biết đọc biết viết. Dù mình chẳng là gì hay có là tướng tá, bác sĩ kỹ sư chi chi đó, nhưng biết "chăm sóc" lòng biết ơn Cha Mẹ, nhớ ơn Thầy Cô mới là người đáng quý trọng, mới đích thị là "nên người". Hơn nữa, những người học trò ngày xưa nay đã già hết rồi. Có người còn đó và có người đã mất đi, huống hồ là Thầy Cô. Thôi thì xin hẹn nhau mai này cùng về Việt Nam.

 

Hẹn một ngày mai tay nắm tay ta cùng lên đường

Cùng Thầy Cô xưa xin ghé thăm ngôi trường ta đó

Để cùng nghe ra hồn vẫn bay xanh ngoài lồng ngực

Để cùng nghe ra trường lớp như nghiêng vào câu thơ

Hẹn một ngày mai theo bước nhau ta cùng quay về

Tìm lại trên môi câu hát vang vang lời hành khúc

Tìm lại trong anh màu phấn phai rơi qua đời thường

Tìm lại trong em bài toán chia ra thành thân thương.

 

– Phan Ni Tấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu luyến muốn trở lại lần nữa.
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.