Hôm nay,  

Rượu, Tuyết, và Hoa

29/01/202315:10:00(Xem: 2666)

Truyện

ao-dai 

Người đàn bà khuyết tật bán vé số, chạy chầm chậm chiếc Chaly được gắn thêm hai bánh xe nhỏ phía sau để được an toàn. Đầu đội nón bảo hiểm để được an toàn.

 

Hình như có cái gì đó cần phải suy nghĩ cho trọn vẹn kỹ càng? Tôi dừng lại. Bắt gặp ánh mắt của tôi, người đàn bà tấp xe vào lề, mời mua vé số. Tôi lục tìm tất cả những đồng bạc lẻ. Xác suất rất nhỏ cho hạnh phúc rất lớn, thậm chí có thể đổi đời. Xác suất rất lớn cho nỗi thất vọng rất nhỏ – nhỏ đến độ thường bị lãng quên đâu đó ở ngăn ngoài chiếc ví, trong túi áo quần… Nụ cười người đàn bà lấp lánh niềm vui: “Chúc cô may mắn!”

 

Hê hê… Vậy thì cần xét lại hai mươi viên seduxen mà tôi đã phải mua rải rác ở các tiệm thuốc tây suốt cả buổi chiều. Cần xét lại nỗi đau bị xúc phạm, bị tổn thương, bị phản bội đang cháy lòng bỏng dạ. Đằng kia là quán karaoke. Hộp đèn quảng cáo rực rỡ, liên tục nhấp nháy mời mọc. Tôi tiến đến. Anh chàng phục vụ mặc áo trắng thắt cà vạt đỏ đưa tôi vào thang máy. “Ít thấy phụ nữ đến đây một mình như cô.”  “Vậy à?” “Cô vào phòng hát cho nhau nghe nhé!” “Cũng được!” Cửa mở ra, tôi chóng mặt bởi những luồng đèn nhiều màu sắc quay tít mù, điếc tai bởi âm thanh hết cỡ. Quanh tôi, hầu như ai cũng có đôi có cặp, có bạn có bè. Trên sân khấu, một nường tóc vàng hoe đang lắc lư, giậm chân lia lịa như cố đuổi kịp điệu nhạc giật gân, coi giống đang bị kiến cắn. Màn hình sau lưng nường ta như cũng nhún nhảy theo. “Xin hỏi cô dùng gì ạ?”  “Rượu!”  “Sâm-banh ạ?”  “Ừ, đem nguyên chai ra đây!” “Cô có muốn rượu phun thật cao?” “Ừ! Chừa lại hai ly, tôi và anh!” Chai rượu được lắc mạnh. Tiếng nổ giòn tan. Tiếng vỗ tay. Tiếng huýt sáo… Những tia rượu loang loáng sắc màu. Mùi thơm nồng nàn ngọt ngào quyến rũ. “Xin hỏi, cô hát bài gì ạ?” “Một mình!”

Phía trái tôi, cặp tình nhân chụm đầu nhau thầm thì. Bên phải, hai thằng con trai được hai cô tiếp viên váy ngắn đến nỗi không còn có thể ngắn hơn nữa, nhiệt tình hầu hạ… Vắt vẻo trên hàng ghế cao nghệu bên quầy rượu cạnh sân khấu, mấy tên choai choai vỗ tay tán thưởng cô gái vừa hát xong. Họ vui hết mình! Họ đang tận hưởng cuộc sống hết mình! Trong bao nhiêu mái đầu đang kề nhau âu yếm kia, liệu có con người ấy không? Con người mà tôi từng hết lòng tin cậy, ngưỡng mộ và yêu thương.

 

Tôi thò tay vào túi, sờ gói seduxen. Hê hê… Nhắp ngụm rượu. Chao nghiêng và nóng bừng. Hừ, anh không xứng đáng để tôi phải bận lòng. Những viên thuốc ngủ này tôi sẽ… sẽ nghiền nát ra… nghiền nát ra… Rồi đem phơi sương ba đêm, phơi nắng bảy ngày. Rồi sao vàng. Rồi hạ thổ. Rồi trộn đều với mật ong. Rồi dụ lũ ruồi say ngủ chơi. Hê hê… Trong đời, ai lại không ít nhất một lần đắng cay đến phát rồ phát dại? Cám ơn người đàn bà khuyết tật trên chiếc Chaly an toàn, đội mũ bảo hiểm an toàn, vui mừng khi chỉ bán được vài tờ vé số.

 

Tiếng MC õng ẹo làm tôi ngượng quá xá: “Xin giới thiệu lời thủ thỉ tâm tình của một cô gái đang cô đơn. Giọng ca chắc chắn sẽ lay động tận sâu thẳm cõi lòng chúng ta…” Tôi bước lên sân khấu. Màn hình trên bức tường trước mặt hiện lên lời ca: Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên… Ngoái lại, màn hình sau lưng in rõ hình ảnh một mình tôi. Trời ơi! Sao mà thảm thương tội nghiệp thế này. Không! Không đời nào! Chẳng hợp với tôi tí nào. Thèm vào! “Xin lỗi các bạn, hình như có sự nhầm lẫn.” Tôi quay sang anh chàng điều khiển dàn máy. Điệu cha- cha- cha trỗi lên rộn ràng. Phấn chấn, tôi khoa tay múa chân. Vui lên đi ta với nhau! Cho trọn vẹn ái ân. Ta bên nhau trong nắng ban mai. Cho nhau nụ hồng ngây ngất!… Khán giả sôi nổi đồng điệu. Tiếng cụng ly lanh canh hào hứng. Mọi người gào lên chúc mừng nhau rôm rả: “Vui lên đi!” Phấn khích, thiên hạ kéo nhau ra sàn nhảy, say sưa cuồng nhiệt. Phấn khích, tôi cũng quay cuồng. Lạy trời! Nếu sống được vài trăm năm nữa chắc gì tôi có được giây phút hứng thú kinh khủng như thế này. “Vui lên đi…”

Chếnh choáng, tôi bước ra ngoài. Chà, vừa rồi chắc mình giống bị ong chích! Điên thật! Thôi kệ, nhằm nhò gì. Tôi thấm thía lời một triết gia, điều bất hạnh duy nhất của bạn chính là ở chỗ bạn cho rằng mình là người bất hạnh. Đường phố ken dày người. Len vào dòng đời đang tuôn chảy hối hả rộn ràng, giọng tôi đã khàn đặc: “Vui lên đi…”


*

Em gái út tôi mỏng manh và xanh úa như chiếc lá bị rợp nắng. Đẻ mót mà! Mẹ tôi bảo vậy. Sợ nó không đủ sức khỏe để vượt qua những kỳ thi gian nan trước mặt, mẹ tôi dẫn nó đi khám bệnh khắp nơi. Kết luận cuối cùng là nó chẳng mắc bệnh gì cả, chỉ tại học nhiều, ít hoạt động. Theo lời khuyên của thầy thuốc, nó nên đi bơi, tập thể dục… Và tôi là một trong ba cô chị được mẹ chọn lựa giao phó sứ mệnh lớn lao: Lo cho con Mót!


Cũng hay! Bởi từ sau vụ thất tình, tôi cứ từ từ lên ký. Buồn cười thật, người ta bị phản bội thì vóc hạc xương mai. Còn tôi? Dại gì! Ăn sướng miệng cho hết buồn. Ngủ no giấc cho hết buồn. Đi chơi xả láng cho hết buồn. Để rồi hễ rảnh tôi bước lên bàn cân. Cân tới lui mấy lần. Rồi không tin ở mắt mình, không tin sự chính xác của cái cân, chỉnh nút vặn mấy lần… Buồn năm phút! Vậy thì đưa Mót đi bơi là một công đôi việc.


Ngày đầu tiên, nếu không có Mót, chắc tôi không dám thay đồ bơi. Người đâu mà lắm, đa số lại là nam giới. Bộ đồ bơi kín đáo nhất trên đời nhưng tôi vẫn cảm thấy trống trải. Quàng kín người trong chiếc khăn tắm rộng, tôi líu ríu đi sát cạnh Mót như để được chở che. Hai chị em ghé ngồi chiếc ghế đá cạnh cầu thang xuống hồ bơi. Đội mũ bơi cho nhau. Cũng là lấy tinh thần trước khi bỏ chiếc khăn ra. Tênh hênh. Vừa ngập người trong nước, tôi thở phào nhẹ nhõm.


Nước ngang bụng. Hai chị em bíu chặt tay vào gờ. Tôi nhắc em bài tập đạp chân, thở nước. Tôi cúi mặt tập đạp, không dám nhìn đám đàn ông chỉ phong phanh cái quần bơi bé xíu, ngượng mắt chết được.

 

Sau vài tuần lễ, với tất cả các buổi chiều từ bốn giờ rưỡi đến bảy giờ lặn hụp đạp quẫy, vài lần uống no nê nước hồ bơi, rồi tôi cũng trườn người được trên nước, dồn tất cả sức lực quẫy đạp lũm chũm tung tóe. Tối mặt tối mũi, tôi chụp thành gờ đứng lên. Tưởng đã tới được bên kia chiều ngang của hồ. Ai ngờ mới chỉ vài sải tay, nhưng tôi sung sướng muốn reo to. Coi như tôi đã biết bơi. Bước cơ bản và khó khăn nhất tôi đã vượt qua.

 

Gã đàn ông đứng cạnh có nụ cười rất hóm: “Chúc mừng cô!” “Cám ơn ông!” Tối đó chị em tôi là những người sau cùng lên bờ khi người ta nhắc khéo bằng cách lấy sào vớt mấy chiếc lá. Tắm lại nước sạch, nhẹ thênh trong váy lụa, tôi sung sướng thưởng thức cuộc sống diệu kỳ. Hăm sáu tuổi, không đẹp không xấu, hai bằng đại học, một việc làm khối kẻ mơ ước, một mối tình vừa chết. Và bây giờ điều đáng nói là tôi đã biết bơi! “Chúng mình chia tay em nhé! Xin lỗi em…” Cóc cần anh xin lỗi. Đồ tồi! Nỗi ám ảnh trong tôi đã tựa khói sương.

*


Từ đầu này tới đầu kia và ngược lại, hai mươi lăm mét chiều ngang, một mét độ sâu. Cứ vậy tôi bơi với một kiểu duy nhất: bơi ếch. Dồn hết sức đạp chân, tay khỏa nước, bỏ lại sau lưng nỗi ê chề chua xót và vươn tới niềm vui nhẹ trôi của thân thể. “Bởi anh nghĩ chúng mình sẽ không hạnh phúc, vì…” Vì cái gì mặc xác anh! Đồ phù phiếm! Cảm xúc tinh khôi choáng ngợp ban đầu đã khiến tôi lầm lẫn tệ hại về anh.


Mấy hôm nay, một cô gái thân hình đẹp như người mẫu, bộ ngực bốc lửa, bơi giỏi kinh khủng, trông cứ như bay lướt trên mặt nước với đôi chân vịt màu đen. Cô ta kiêu hãnh biểu diễn đủ kiểu: bơi bướm, bơi sải, bơi ếch… Giờ cô tiên cá kia đang tựa lưng vào thành hồ ngoài xa tít, thỉnh thoảng lại hụp trồi thở nước. Có lẽ mọi đôi mắt đàn ông đều dồn vào cô ta. Tôi cũng chăm chú nhìn cô gái, ngưỡng mộ, ước ao và chút ganh tị. Gã đàn ông – vẫn là gã – hình như đọc thấu khao khát của tôi: “Cố gắng ít hôm cô sẽ ra được ngoài đó. Thoáng đãng và mênh mông. Tuyệt lắm!” Tôi buột miệng cám ơn nhưng gã thoắt biến mất.


Chừng vài tháng sau, men sát bờ hồ, luôn trong tư thế sẵn sàng bám vào gờ, tôi ra được nửa hồ. Dừng lại nghỉ, khoan khoái ngửa mặt hít thở, hài lòng khi nhận ra cuộc sống quá đỗi thú vị. Chợt nhìn xuống đáy hồ, cảm giác lạnh toát, rợn ngợp, sợ hãi xâm chiếm tôi. Nước sâu thăm thẳm, trong vắt, thấy rõ từng viên gạch men lát nền. Chân tôi hụt hẫng. Đang loay hoay tính quay vào thì gã đàn ông – vẫn là gã: “Cô gái ơi! Bơi ra đi, có tôi bên cạnh, đừng sợ!” Tôi tần ngần. Gã cười: “Dũng cảm lên! Cô sẽ có được niềm vui lớn. Niềm vui chiến thắng.” “Chiến thắng chiều dài bốn mươi mét, độ sâu hai mét rưỡi?” “Không! Chiến thắng bản thân mình!” Và vẫn nụ cười hóm: “Thật đấy! Cố lên! Tôi chắc chắn cô sẽ làm được!” Ánh mắt tin cậy của gã lan tỏa sang tôi. Tôi mím môi gật đầu, tiếp tục cuộc hành trình tưởng chừng xa lơ xa lắc. Yên tâm bởi có gã kèm sát: “Cố lên, cố lên!” Càng ra xa, thân thể càng nhẹ hơn. Và cuối cùng tôi đã tới đích! Sung sướng với cái bất ngờ tưởng chừng trong mơ, bám chặt hai tay vào gờ, tôi ngoái đầu nhìn vào trong bờ. Ủa, thì ra bốn mươi mét đâu có xa ngút. Giọng gã bên tai: “Xin chúc mừng!” Tôi xúc động: “Cám ơn ông!” “Nghỉ một lát tôi đưa cô vào. Nhớ đừng nhô mông lên cao quá. Không đẹp.” Tôi đỏ bừng mặt. Sự thẳng thắn bộc trực dẫu chân tình làm tôi thoáng ngượng. “Cô bơi không được bài bản lắm. Chắc cô tự tập? Nào, chúng ta vào thôi!” Tôi ngoan ngoãn bơi sát tường hồ, có gã bên cạnh, phía ngoài. Về được giữa đường, tôi đuối sức. “Cố lên, hễ vượt qua được lúc gay go này, cô sẽ vượt qua tất cả. Cô có thể bơi mãi… bơi mãi… đến tận ngoài khơi xa cơ đấy!” Tôi cố, cố, cố… Và sức mạnh không biết từ đâu dần dần len vào cơ bắp, tôi lấy lại phong độ lúc đầu. “Đó, cô thấy chưa, tôi biết mà. Hồi mới tập bơi, tôi cũng đã từng như cô bây giờ.”

 

Vào được điểm xuất phát, tôi đứng tựa lưng vào tường, thở đều. Gã lại lướt đi, những sải tay khỏe, dài và rộng, chân quẫy nhẹ, mái đầu nghiêng sang trái sang phải đều đặn. Tất cả đều nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Chàng cá kình!


Mót lướt tới: “Em biết rồi! Đừng giấu em à nghen!” “Biết gì hả Mót?” “Hai người tình trong như đã rồi phải hông?” “Bậy nà, chị chưa biết ổng là ai.” Ừ, tôi chưa biết gã là ai, bởi sau những lần chạm mặt dưới hồ, gã biến mất đâu đó giữa bao nhiêu người, rồi gã lên trước hay sau, tôi cũng không hay. “Xì, bày đặt giấu em hoài.” Mót lướt đi. Phải công nhận Mót bơi giỏi hơn tôi nhiều.

 

Gã là ai, tôi không tiện hỏi. Chỉ nhớ đó là khuôn mặt chữ điền ngăm ngăm đen, rắn rỏi nghị lực, cùng nụ cười hóm thường nở trên môi.


*


Tháng mười hai. Sáng sớm và chiều muộn trời se lạnh. Khuôn viên hồ bơi vẫn rộn rịp tưng bừng như ngày hội. Bọn trẻ con bên mấy cái hồ nhỏ reo vui í ới. Chị em tôi vẫn đều đặn đến hồ bơi. Mới xuống nước có nghe lạnh nhưng chỉ cần tung tăng vài vòng cái lạnh đã thành mát. Mọi nhọc nhằn mỏi mệt muộn phiền trong ngày như chuồi đi sau từng vòng tay khỏa nước thỏa thuê. Dạo sau này tôi dạn dĩ, đã dám nhìn những thân hình cơ bắp khắp hồ bơi. Gã đâu rồi? Cả tuần qua sao không thấy?


Xưa nay, tôi vẫn tin những gì đến và đi trong cuộc đời mình đều là may mắn. Hồi nhỏ, mỗi lần cùng bạn bè: “U ập! Tay trắng tay đen tay Chà Và đen thui tay Việt Nam trắng bóc.” thì y như rằng giữa những bàn tay ngửa chỉ mỗi tay tôi úp và ngược lại. Còn “tù tì” thì hễ đối thủ ra cái bao, tôi ra cái kéo, đối thủ cái búa, tôi lại cái bao. Cứ như có sự sắp đặt. Cuộc gặp gỡ thoáng qua trên chuyến bay, cú điện thoại nhầm, mẩu tin nhắn đi lạc… luôn gợi tôi mơ mộng… Có phải nhờ vậy mà hôm sinh nhật nhỏ bạn, chàng trai ngồi đối diện bảo tôi có niềm tin. Tôi hỏi vì sao? Chàng trai nói tại nét mặt tôi sáng tươi hớn hở. Phải! Cuộc sống tôi lúc nào cũng có ước vọng để đợi chờ. Và nếu ước vọng đó không thành sự thật, tôi không buồn mà lại tự nhủ rằng biết đâu lại là may mắn. Rồi nhanh chóng quên đi và chờ đợi. Cứ thế cứ thế… Cho nên nghiền ngẫm lại cuộc tình, tôi tin rằng trong cuộc “tù tì” này, hắn chìa cái kéo, nhưng tôi đã tung cái búa! Cho nên cả tuần nay, sự mất dạng của gã đàn ông vừa nhen nhóm trong tôi chút mộng ước chẳng làm tôi phải thở dài. Mót nhoài đến: “Về đi Tư ơi! Em lạnh!”

Ngồi sau lưng tôi, Mót chợt reo lên: “Tư ơi, ghé ăn chè đi! Có quán mới mở kìa!” Tôi tạt vào. Kiểu quán vườn, nhỏ và thanh lịch. Khách đông nghịt. Mót làm một hơi ba chén chè bưởi, xuýt xoa nước cốt dừa ngon quá, không đâu bằng. Tôi nhón từng muỗng nhỏ, chầm chậm để chế ngự bớt cái khoái khẩu sau hai tiếng đồng hồ hoạt động hết công suất. “Ừ, ngon thiệt. Để chị vô mua cho má.” Người đàn ông đứng cạnh quầy ngẩng lên. Lạy trời! Là gã. Phải, chính gã! Ánh mắt chạm nhau. “Tôi có nhầm không nhỉ? Cô gái ở hồ bơi đây phải không? Cô gái chiến thắng?” Tôi mỉm cười: “Vâng, nói như ông thì tôi đã chiến thắng được chính mình.” “Cuộc chiến gian nan nhất.” “Cám ơn ông!” “Cả tuần nay tôi bận quá, không đến hồ bơi. Thế… bữa nay cô bơi được mấy vòng rồi?” “Ông đoán thử xem!” “Ít nhất là bốn vòng” “Ông nói như thần!” “Nhà tôi bên kia đường kìa. Lúc nào cô rảnh, mời cô ghé chơi.”


*

 

Được hai vòng hồ, tôi dừng lại nghỉ. Sảng khoái không sao tả hết khi ta thỏa sức bơi. Hê hê… Nghĩa lý gì cái mối tình với kẻ tầm thường. Bạn bè thì thầm, hắn đang bám đuôi tiểu thư của ngài giám đốc công ty hắn.

 

Một cái đầu nhô lên cạnh tôi: “Hai vòng vừa rồi không tính nhé! Hãy bắt đầu lại, bốn vòng liên tục xem nào!” Là gã! Ối dào, chuyện nhỏ. Nhưng ông ta là gì của mình mà bày đặt nói giọng kẻ cả? Cái giọng tôi ghét cay ghét đắng. Tôi mím môi đứng im. Gã vẫn cười hóm: “Xin lỗi, tôi không có ý ra lệnh cho cô. Nhưng lúc nào người ta cũng phải uốn lưỡi đủ bảy lần trước khi nói thì cuộc đời hơi nặng nề. Tuy nhiên tôi rất trân trọng sự phản kháng cần thiết.”   

 

Gã có khả năng siêu nhiên chăng? Tôi cười thay lời đáp, sấp người trên nước, co chân đạp mạnh vào tường hồ, lướt ra xa, nhẹ thênh. Tôi khỏa tay, co duỗi chân, trồi hụp nhịp nhàng, cố không nhô mông lên cao. Bữa nay tôi không thèm men theo sát bờ hồ nữa mà ngang nhiên bơi giữa lòng hồ ra dáng ta đây. Khá nhẹ nhàng uyển chuyển. Gã vượt qua tôi bằng những sải tay khỏe khoắn. Nổi hứng, tôi thử bắt chước sải theo nhưng đành chịu thua. Ra tới bờ ngoài, gã tựa lưng vào thành hồ, ngước mặt lơ đãng nhìn trời mây. Gần đến chỗ gã, tôi tính lượn vòng trở vào. “Cô gái ơi, dừng lại chút để nghe ta nhẹ như mây nhờ ông Archimède.” Giọng gã mềm như nhung. “Cô tiến bộ vượt bậc. Không thể ngờ được.” Tôi e thẹn: “Có công lao của ông…” “Không, tôi chưa làm gì được cho cô hết!” Tôi thành thực: “Ông đã giúp tôi khám phá bản thân mình. Xưa giờ tôi chỉ biết tin vào sự may mắn, chứ chưa ý thức mình có thể vượt qua bản thân. Với tôi, điều này rất quan trọng…” “Nếu vậy tôi phải cám ơn cô. Cô đã cho tôi hạnh phúc khi thấy mình làm được chút gì cho ai đó. Vậy là huề nhé!” Cả hai cùng cười. Tiếng cười lăn dài theo từng gợn sóng nhỏ trên mặt hồ lung linh vài sợi nắng. “Chúng ta cùng bơi nhé. Đứng yên một chỗ lâu sẽ bị lạnh.” Gã cùng tôi bơi song song nhau, dọc chu vi hồ. Dòng sông cuộc đời đây chăng? Gã cũng bơi ếch, có lẽ cố tình đạp chân thật nhẹ để không vượt qua tôi.


Sáng chủ nhật, tôi chầm chậm đi qua đó. Giả bộ như vô tình, tôi liếc nhìn vào và lặng người. Gã cùng một phụ nữ đang chăm sóc giàn phong lan trước hiên nhà. Giả bộ bị tắt máy xe, tôi quan sát kỹ hơn. Thôi thì, mộng ước trở thành mộng ảo cũng là lẽ thường. Biết đâu lại là may mắn! Chuyện nhỏ nhằm nhò gì! Tôi tự an ủi và tin rằng rồi cuộc đời sẽ đem đến một cuộc gặp gỡ khác với kết thúc có hậu. Tôi rồ ga cho xe chạy thẳng. “Cô gái ơi! Bộ đang rượt bắt cướp hả?” Tôi lạ lùng cho xe chậm lại. “Cô gái ơi, ghé nhà tôi chút đi.” Giọng gã hiền dịu tha thiết, ánh mắt khẩn khoản: “Ước gì em gái tôi được làm bạn với cô!”


Phòng khách bài trí đơn sơ nhưng khá tinh tế. Những ca khúc mùa xuân rộn ràng niềm vui sống: “Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở, phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa…” Gã vào trong lấy nước. Tôi đến bên ô cửa sổ mở ra khu vườn nhỏ yên tĩnh, trồng nhiều hoa kiểng. Mấy vạt nắng ban mai tươi hồng óng ả trên thảm cỏ xanh mượt. Tất cả gợi cảm xúc trong lành, êm đềm dễ chịu.


Kìa bức tranh! Bức tranh câm lặng đầy bí ẩn. Tim tôi như thắt lại. Những cành cây khẳng khiu trụi lá dạt về một hướng, nhưng có một chú chim nhỏ xíu đậu ở cành dưới cùng, trông rất cô đơn, đang quay đầu hướng ngược lại, dõi trông. Bên dưới có mấy câu thơ, kiểu thư pháp: “Chim kankodor! Nỗi buồn sâu thẳm. Đọng vào tôi đi.” (Basho). “Cô có nhận xét gì không?” “Không! Thú thật tôi mù tịt về hội họa, thơ ca. Có điều, bức tranh gợi tôi cảm giác buồn, buồn lắm, đến muốn khóc mà không lý giải được.” “Cô nhìn kỹ lại xem! Có phải chú chim ngoái lại kiếm tìm và hy vọng? Bất chấp mọi nghịch cảnh. Vì vậy tuy rất buồn nhưng không hề tuyệt vọng!” Bắt gặp cái nhìn điềm tĩnh cương nghị của gã, tôi mỉm cười đồng cảm: “Vâng, một nỗi buồn đẹp!”


Tôi thẫn thờ trong dòng hoài niệm của gã. Năm bảy mươi, cha mẹ gã sang Nhật du học. Rồi định cư luôn. Anh em gã được sinh ra, lớn lên nơi xứ người. Và cách đây sáu năm, cha mẹ cùng người vợ mới cưới của gã đã ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn máy bay. Đọc nhật ký của mẹ, gã quyết định đưa các bình tro về quê nhà. Giọng gã trầm xuống, lắng sâu: “Giờ tôi chỉ còn đứa em gái mù lòa…” Gã nói về em mình bằng giọng thật ấm và nâng niu, như thể dồn vào tất cả yêu thương. Lòng tôi rưng rưng xúc động. “Nó rất thích chè đậu nước cốt dừa. Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được mẹ cho ăn món này.” Chợt gã chuyển đề tài: “Chiều mai cô muốn tập lặn không? Chuồi dưới đáy nước tuyệt lắm. Rồi cô lại có niềm vui chiến thắng. Hình như cuộc sống sẽ giảm đi ít nhiều ý nghĩa nếu chúng ta không còn những khó khăn, để mỗi lần vượt qua, lại thấy mình lớn hơn một chút… Tôi thực sự bị cô cuốn hút từ lần gặp đầu tiên khi cô mím môi, đạp nước bắn đầy người tôi… Khi cô đứng lên, vuốt nước trên mặt, để lộ đôi mắt sáng rực…”

 

Ai đó đang thì thầm: “Cùng đón chúa xuân đang giáng xuống trần. Thế gian lắng nghe tình xuân nồng… Nào ai hững hờ xuân vẫn ngóng chờ…” Gã bỗng đặt tay lên bàn tay tôi. Bàn tay to rộng ấm áp. Giọng gã dịu dàng: “Ngày mai tôi sang Nhật có công việc và sẽ trở về trước Tết. Cô thích chén rượu sakê đêm giao thừa?” Tôi ngoan ngoãn gật đầu. “Và nắm tuyết…” Bàn tay ấy siết chặt tay tôi. Trong khoảnh khắc, tôi cảm nhận được cái bền vững diệu kỳ trong sự hòa hợp giữa nồng say và dịu mát, mạnh mẽ và mềm mại: “Cùng nụ hoa đào ép giữa cánh thiệp xuân.”


– Trương thị Kim Chi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.