Hôm nay,  

Biết rồi... khổ lắm...

29/01/202315:07:00(Xem: 3124)
Truyện

IMG_4697
Con gái của tôi, làm Registered Nurse trong một bệnh viện. Bữa đó, nó bước vào phòng thăm một bệnh nhân nam, cỡ tuổi gần 70, đang truyền đạm truyền nước vì gặp vấn đề tiêu hoá, đúng lúc bác ấy đang facetime nói chuyện với người ở nhà bằng Tiếng Việt. Nó sinh ra ở Canada, nhưng có khiếu Tiếng Việt, nghe và nói khá rành rẽ, chỉ có đọc và viết thì nó không biết. Hai bố con ông bệnh nhân nói qua nói lại những gì, nó nghe và hiểu hết. Người con gái hỏi bố:

 

– Ba thấy có gì khó chịu hay thắc mắc thì cứ hỏi “mấy con y tá” ở đó nghen ba, xứ này không phải bên Việt Nam, y tá hay bác sĩ gì đi nữa đều chiều chuộng bệnh nhân hết lòng với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, ba đừng ngại gì hết á!

 

– Ba biết rồi, nhưng tiếng Anh của ba nửa nạc nửa mỡ, thậm chí mỡ còn nhiều hơn nạc, chả biết họ có hiểu không?

 

– Vậy “con y tá” phòng của ba là người già hay trẻ, người da trắng, da đen hay Châu Á mình?

 

– Ba cũng không biết vì cô ấy đeo khẩu trang kín mít, nhưng có vẻ còn trẻ…

 

– Thôi ba cho con nói chuyện với “con nhỏ y tá” xem sao!

 

Nó cầm phone, tưởng người con nói chuyện thay bố của mình vì ông bố khả năng English yếu kém, ai dè tiếng Anh của chị này cũng chẳng khá hơn là bao, phát âm sai tùm lum tè le, không đầu cũng không đuôi, nói chung là broken English mà nó thường nghe của các bà các bác người Việt lớn tuổi (trong đó có… má nó), nên nó thấy tội và đành để lộ “thân phận”:

 

– Dạ cô cứ nói Tiếng Việt, con hiểu được ạ!

 

– Dữ ác hôn! Sao nãy giờ hổng nói, làm cô mỏi cái miệng quá trời hà!

 

Hỏi han tình hình của bố xong xuôi, cô ấy bắt đầu mục… tám tám, em bao nhiêu tuổi, làm đây lâu chưa… Nó bèn lịch sự đáp rằng, trong giờ làm việc nên không nói nhiều được cô nhé, dạ bye bye, chúc cô một ngày an lành. Vừa dứt phone, nó quay sang bác bệnh nhân đang nhìn nó mỉm cười thân ái:

 

– Con nói Tiếng Việt giỏi ghê! Con có đi học lớp Việt Ngữ hả?

 

– Dạ không, chỉ là ba má con nói tiếng Việt ở nhà, con cũng có đi nhà thờ người Việt, dạy giáo lý, nên con cũng biết chút đỉnh.

 

Thế là bác ấy… có đà, rồi tiếp tục “sứ mệnh tám dang dở” của người con hồi nãy, bắt đầu chương trình điều tra lý lịch ba đời, nào là ba má con bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, hồi ở Việt Nam thì ở đâu, qua đây năm nào, vượt biên hay bảo lãnh… bla… bla… bla. Nó vừa làm việc vừa cố gắng trả lời ngắn gọn tất cả vì nể nang người lớn, chớ nó sanh ra bên Canada, chưa quen với việc “hỏi thăm kỹ càng” từ một người xa lạ, và cuối cùng thì cũng đến cái câu… quen thuộc của người Việt Nam:

 

– Con làm lương bao nhiêu dị?

 

– Dạ, đủ sống!

 

– Đủ sống là sao?

 

– Dạ, là không dư không thiếu!

 

– Nhưng cụ thể là bao nhiêu?

 

– Dạ đây là “bí mật” của con! (lẽ ra nói “riêng tư” nhưng nó không rành lắm, nên dùng chữ “bí mật”).

 

Nghe nó nói “bí mật” rồi mỉm cười tiếp tục làm việc, coi bộ khó điều tra được “số lương” của nó, bác ấy cũng hơi ngại, nên một lát sau, trước khi nó ra khỏi phòng, bác ấy chuộc lỗi bằng một câu chúc:

 

– Thôi, nhân dịp năm mới Quý Mão đã đến, bác theo phong tục của dân tộc mình khi gặp người mới quen, bác chúc con luôn thành công trong công việc, mọi sự như ý nhé!

 

Gì chớ chúc nhau bằng tiếng Việt thì nó rành từ bé (hồi đó mỗi lần Tết đi lễ nhà thờ, nó biết chúc Tết những người lớn tuổi trong giáo xứ bằng Tiếng Việt, ai cũng thích và tặng tiền lì xì), nó liền vui vẻ đáp lễ, chúc bác ấy một lời chúc rất thực tế:

 

– Con cám ơn bác, con chúc bác nhiều sức khoẻ, và mau rời khỏi bệnh viện.

 

Câu chúc này là thật lòng, nó sinh ra lớn lên xứ này, không biết móc mỉa gì đâu nhé!

 

Nhỏ em xóm cũ bên Việt Nam nghe tôi kể lại mẩu chuyện trên, nó góp chuyện:

 

– Té ra, dân Việt mình ở đâu cũng giống nhau chị hén? Không tò mò không… ăn cơm được hay sao á! Để em kể chị nghe, con gái em cũng mới lấy chồng, đi làm, mà bà hàng xóm bên cạnh cứ theo hỏi suốt: lương vợ chồng mày nhiêu? Dạ đủ sống! Đủ sống là sao? Dạ là đủ ăn, khi nào tăng ca thì mới dư chút đỉnh. Vậy tăng ca được nhiêu tiền? Dạ tuỳ tăng ca ngày thường hay cuối tuần! Ngày thường bao nhiêu cuối tuần bao nhiêu! Con gái em đành phải nói ra cho xong nợ: cuối tuần thì 500, ngày thường thì 200 (ngàn), vậy mà chưa thoát nghen chị. Vậy có thường xuyên tăng ca không? Dạ tuỳ mùa. Mùa này tăng ca nhiều không, tuần mấy lần …Con gái em mất hết kiên nhẫn, nổi đoá, tóm lại là bác muốn biết gì nói thẳng ra luôn đi !? Thì tại mày bảo “đủ sống” không rõ ràng nên tao phải hỏi tới, làm gì dữ vậy, quan tâm thôi mà, nếu mày nói ngay từ đầu thì đỡ mất thời giờ cả đôi bên!

 

– Trời đất! Vậy là bà tám đó dí con em vào đường hẻm cụt luôn hả?

 

– Thì đó! Bên nước ngoài thì người Việt cũng tò mò nhưng còn biết dừng lại như cái bác bệnh nhân của con gái chị, còn bên đây thì khỏi nói chị ơi, tò mò mới là cuộc sống! Không tò mò… hổng phải Dziệt Nam!

 

Hỏi thăm nhau, quan tâm lẫn nhau là phép lịch sự, là một nét đẹp truyền thống của người Việt chúng ta. Nhưng đôi khi, sự quan tâm quá mức cần thiết, không hợp người hợp cảnh, thì sự quan tâm sẽ trở nên …tò mò, làm cho người đối diện khó chịu, không tự nhiên.

 

Không biết người Mỹ người Canada thì sao, chớ dân Việt mình hễ biết ai là muốn biết đầy đủ ngọn ngành, gia đình bao nhiêu người, chồng con ra sao, mấy đứa con học hành như nào, lấy chồng lấy vợ ra sao, bên sui gia làm gì, bên đó có mấy người con, học hành tới đâu… Nói chung là bất tận cái vòng câu hỏi muôn đời không dứt.

 

Ngoài câu hỏi “phổ biến”: lương bao nhiêu, còn có vài câu hỏi khác, cũng rất ư là “quan tâm sâu sa” vào đời tư người khác. Đó là câu hỏi: “Có người yêu chưa, bao giờ cưới”. Chu choa ơi, gặp nhau một lần cũng hỏi, năm sau gặp lại nhau cũng hỏi lại y chang câu hỏi cũ, năm sau nữa cũng lại hỏi nữa, cứ làm như đời này không còn gì để hỏi.

 

Người ta lấy nhau rồi, thì có ngay câu hỏi tiếp theo: “bao giờ có baby”, năm nay hỏi, năm sau hỏi tiếp, năm sau nữa hỏi nữa, quẩn quanh mấy điệp khúc “quan tâm sâu sắc” quen thuộc ấy.

 

Thời đại ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người chọn lựa cuộc sống độc thân vui vẻ, và nhiều cặp vợ chồng, cũng vì nhiều lý do khác nhau, chọn lựa đời sống hôn nhân không con cái (no kidding). Do vậy, nếu không là những người ruột rà trong gia đình, thì đừng nên có những câu hỏi làm khó nhau như thế.

 

Giờ đây khi mùa dịch phai tàn, chúng ta trở lại cuộc sống bình thường như trước đây, được tụ tập tiệc tùng ăn uống. Nếu gặp ai đó (lâu quá chưa găp từ mùa dịch), tay mắt mặt mừng, bốn mắt nhìn nhau không có gì để nói, thì xin nói về thời tiết, nói về thức ăn, bâng quơ chuyện đó đây, rồi rủ nhau chạy ra dàn karaoke ngân nga vài bản nhạc, chớ đừng tỏ ra quan tâm bằng những câu hỏi “nhạy cảm” như vừa kể ở trên, vì có thể sẽ làm người khác không thoải mái, và biết đâu, lại chạm vào vết thương đau của người ta …

 

Yêu nhau như thế bằng mười ghét nhau!

 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.