Hôm nay,  

Đại hạn trùng phùng

04/12/202220:37:00(Xem: 2768)
Tạp ghi

songranh

Những dòng sông khô cạn trơ đáy làm
thuyền bè khó qua lại.


Hôm nay ở nhà một mình, tôi mở máy CD, nghe bài ca Malaguena Salerosa, bản nhạc gốc Mexico được hát bởi giọng ca khàn khàn nhưng mạnh mẽ của nữ ca sĩ Bạch Yến với phần đệm nhạc guitar flamenco. Âm điệu vừa trầm buồn vừa giục giã như cuốn hút người nghe vào cơn đam mê đầy lãng mạn của một chàng thanh niên nghèo yêu một cô gái trẻ đẹp. Cuộc tình một chiều đầy vô vọng nhưng không đắng cay, không oán hận vì chàng biết thân phận của mình và điều mà chàng muốn là hát lên những lời ca tụng vẻ đẹp huyền diệu của nàng:

 

Que eres linda y hechicera
Como el candor de una rosa.

 

Em đẹp và huyền diệu
Như hoa hồng tinh khiết (TĐH dịch)

 

Bài hát chấm dứt, đưa tôi trở về thực tế. Tôi nhìn qua khung cửa sổ, ngoài đường vắng tanh, không một tiếng động, không một bóng người, không một chiếc xe qua lại, không cả đến những con thú vật thường hay lảng vảng quanh đây, như con mèo con của bà hàng xóm bên cạnh vẫn thường qua chơi. Dưới ánh mặt trời gay gắt của một trưa hè, cảnh vật tưởng chừ như đứng yên, không gian như đọng lại. Nước Đức vào cuối tháng bảy nắng hừng hực, nóng gần tới 40°C (102°F). Cái nắng nóng gay gắt, khô ran cả tháng, không một cơn mưa nhè nhẹ rơi xuống vào buổi tối trời, không có đến một ngọn gió hiu hiu thổi vào lúc trưa hè oi ả. Cái nắng nóng không mưa, không gió sao mà khắc nghiệt. Những cánh đồng cỏ xanh rì bây giờ ngả qua màu vàng úa, những dòng sông đầy ắp nước giờ đây khô cạn. Tôi thèm thuồng được có cái “hiu hiu rét” như nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết trong bài “Mùa Thu Năm Ngoái”:

 

Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung

 

Cho vừa nhớ nhung mà mới cách đây hơn 1 năm thôi, năm 2021, dòng sông Ahr êm đềm ở miền trung nước Đức đã nổi cơn thịnh nộ dâng nước cuồn cuộn lên cao, cuốn phăng đi hàng chục cây cầu, hàng trăm con đường, hàng ngàn ngôi nhà ở thung lũng Ahrtal và rồi còn kéo theo 133 mạng sống con người. Sự tan hoang của cơn lũ vẫn còn để lại dấu vết trên làng mạc, trên những khuôn mặt nặng trĩu của người dân nơi đây. Thế mà năm 2022, chưa đầy hai năm sau, cơn hạn hán kéo đến biến những dòng sông ngập nước thành khô cạn đến trơ đáy. Sông Rhein, con sông lớn, quan trọng của châu Âu, con sông lịch sử từng chia đôi bờ Pháp Đức mà người Pháp gọi là sông Rhine, nơi đây đã chứng kiến bao nhiêu trận đánh đẫm máu giữa hai quốc gia để giành giật con sông này. Rhein, con sông Cửu Long của nước Đức, dài 1.232 km, có đến 5 phụ lưu lớn là sông Main, sông Mosel, sông Neckar, sông Lahn và sông Ruhr đổ vào, đã phải báo động vì mực nước xuống quá thấp khiến những con tàu chở xăng dầu, chở than đá, chở những container đầy ắp hàng hóa xuôi ngược từ thành phố này qua thành phố khác, từ cảng này qua cảng khác giờ đây đã phải nằm ụ chờ con nước lên. Nước Đức có tổng cộng 7.350 Km đường thủy, huyết mạch của nền kinh tế Đức. Sự chuyên chở khó khăn trên sông ngòi, đã đưa đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, xăng nhớt, than đá, giá cả theo đà vọt lên cao. Như một cuộc trùng phùng, mùa hè nóng cháy da đến đúng lúc khi nước Đức đang gặp khó khăn về nguyên liệu vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.


*
 

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 không báo trước cũng như không một lời tuyên chiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin cứ thế mà xua quân ào ào qua nước láng giềng Ukraine. Đây là một cuộc chiến đầu tiên ở châu Âu giữa hai quốc gia sau 77 năm sống chung hòa bình, kể từ Đệ nhị thế chiến, mặc dù trước đó cũng có những lúc căng thẳng đến độ tưởng chừng như sắp đánh nhau đến nơi. Nhưng may thay các cường quốc trong đó có Nga Mỹ đã biết dừng lại ở “chiến tranh lạnh” (1947-1991). Có nghĩa là đánh nhau chủ yếu bằng “võ mồm” nên chẳng có ai sứt đầu, bể trán, chỉ làm khổ lỗ tai của người dân vì phải nghe tuyên truyền hơi nhiều, nhưng nhờ thế mọi người được sống yên ổn, bình an. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine không phải là chiến tranh lạnh mà cũng không phải kiểu “quân tử tàu” như bên Trung Quốc ngày xưa. Tướng hai bên dàn trận xong rồi nhào vào nhau đánh đấm, múa đao, đánh kiếm lia lịa, tướng nào thua quay đầu bỏ chạy thì coi như bên đó xếp giáp quy hàng, thắng thua không cần bắn một mũi tên, không tốn một viên đạn. Quân lính đứng hai bên la hét cổ võ như các cổ động viên đi coi đá banh ủng hộ đội nhà. Nhờ thế lính tráng bớt chết mà thường dân cũng đỡ bị vạ lây vì binh đao. Chiến tranh vào thế kỷ 21 lại khác, có xe tăng bọc thép, có súng đại bác bắn tầm siêu xa, có hỏa tiễn thông minh cứ thi nhau rót xuống nổ chụp đầu vào đám dân lành vô tội. Cái đau khổ của chiến tranh hiện đại là không được thấy mặt địch thủ, không được tỷ thí võ công cao thấp với kẻ thù, bom đạn là thứ vô tình từ xa rót xuống, cứ đùng một phát là lăn quay ra chết. Người chết như rạ, nhà cửa đổ nát, tan hoang mặc dù vậy ông Putin nhất định không dùng danh từ “chiến tranh” mà chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt” (Military special operation). “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông đã đẩy số người tị nạn của Ukraine lên cao đến 6,5 triệu người tính tới giữa tháng 5 năm 2022 theo thông cáo của Cao uỷ Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), mà tổng số dân Ukraine chỉ có 44 triệu nghĩa là cứ 6 người thì có 1 người phải bỏ nhà bỏ cửa chạy lấy thân. Chưa kể số người bị chết,  bị thương mà hai bên đều cố gắng giữ bí mật, coi như bảo vật quốc gia, chắc chắn rất lớn. Cái tai họa do chiến tranh cho con người là như vậy nhưng cái di họa cho kinh tế còn nhiều hơn nữa. Trước chiến tranh, Nga và Ukraine là hai nước cung cấp đến 30% lúa mì và 50% dầu hướng dương cho toàn cầu. Nay một phần vì Nga bị Mỹ và các nước Tây Phương phong tỏa nên một số lượng lớn ngũ cốc xuẩt cảng của Nga bị ảnh hưởng cùng lúc đó các tầu buôn chở ngũ cốc của Ukraine cũng bị Nga chặn lại ở Biển Đen. 25 triệu tấn ngũ cốc để xuất cảng của Ukraine từ vụ thu hoạch năm ngoái đang bị mắc kẹt ở các hải cảng. Để trả đũa lại Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than đá của Nga từ tháng 8 năm 2021 và đang dự định cấm nhập cảng dầu từ Nga, Nga đã tìm cách giảm số lượng bán khí đốt cho châu Âu. Đến nỗi ông Robert Habeck phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức đã phải than là “Nga đã dùng năng lượng như là một vũ khí“. Bởi hơn ai hết ông Habeck hiểu rằng nước Đức là một khách hàng lớn nhất thế giới của Nga về khí đốt nên dễ bị Nga làm áp lực. Nước Đức tiêu thụ hơn 55% lượng khí đốt, 35% dầu và 50% than nhập cảng từ Nga. Một câu hỏi được đặt ra là nền kỹ nghệ Đức đứng hàng đầu thế giới sẽ đi về đâu nếu không có khí đốt. Các viện kinh tế Đức dự đoán nếu nước Nga ngừng cung cấp khí đốt, nước Đức sẽ bị thiệt hại khoảng 238 tỷ USD, các hoạt động kinh tế Đức sẽ bị giảm sút rõ rệt và lạm phát sẽ tăng gia mạnh. Hậu quả là rất nhiều hãng xưởng, công sở phải đóng cửa đưa đến chuyện sa thải nhân viên, nạn thất nghiệp sẽ gia tăng nhanh chóng và có thể đưa đến tình trạng bất ổn xã hội. 

 

Sự biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính tạo nên hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt là các nước Đông Phi đang phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, không có cả đến một trận mưa dù nhỏ trong 4 năm cuối cùng. Hạn hán mất mùa rồi lại cộng thêm chiến tranh ở Ukraine đã đưa đến sự khan hiếm lương thực trầm trọng trên thế giới và đẩy giá cả ngũ cốc lên cao. Theo FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc) thì giá lương thực trên thế giới tăng lên 30% so với 1 năm trước. Hậu quả là các quốc gia nghèo như Sri Lanka, Bangladesh và Afghanistan tại châu Á và một số nước ở châu Phi phải đối phó với nạn đói kém, dân chúng không có tiền mua thực phẩm hoặc không có thực phẩm để mua. Tháng 5 năm 2022 Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh Ukraine.

 

Người Đức có câu “Sự bất hạnh hiếm khi tới một mình“ (das Unglück kommt selten allein). Mà sự bất hạnh kỳ này không phải chỉ tới hai lần là hạn hán và chiến tranh mà còn tới thêm lần thứ ba là đại dịch Covid 19. Nếu tính sổ thì từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 5 năm 2022 đã có 523 triệu người bị lây nhiễm và có hơn 6,5 triệu người đã chết vì Covid trên thế giới, riêng ở Mỹ trên 1 triệu người, ở Đức có 140 ngàn người. Một sự mất mát quá to lớn. Đến đầu năm 2022 Covid giảm dần, nhờ tìm ra thuốc chích vắc-xin, con virus Corona đã bắt đầu hạ hỏa, bớt ngo ngoe như trước. Mọi người thở phào một cách nhẹ nhõm, hy vọng tương lai sẽ khá hơn, nghĩa là sẽ được tự do đi đây đi đó, sẽ được gặp lại bạn bè thân thương, không phải lo cách ly, ngắn thì 2 tuần lễ, dài thì vài ba tháng đến một năm (long covid) và cũng không lo sợ lây nhiễm, nóng lạnh phiền phức lôi thôi rắc rối. Bây giờ thì từ từ bỏ được “ba cái lăng nhăng nó quấy ta“ (Tú Xương): đi đâu chơi cũng phải trình giấy tiêm chủng Vắc-xin, ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và vô tiệm phải giữ khoảng cách. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang“ (Kiều), thì đùng một cái, ông Karl Lauterbach bộ trưởng Y tế Đức cảnh báo mùa thu năm nay nên cẩn trọng hơn với sự xuất hiện của những biến thể mới của SARS-CoV-2. Đúng là “Họa vô đơn chí“, ta và tây đều cùng chung một quan điểm về bất hạnh.

 

*

 

Chiến tranh, hạn hán và đại dịch đều là những đại hạn cho con người mà nghĩ cho cùng thì cũng từ con người mà ra. Chiến tranh bắt nguồn từ lòng tham vô đáy của loài người, tham quyền lực, tham danh vọng, tham của cải, vật chất, tham đi chinh phục dân tộc khác mà bất chấp đến nỗi đau khổ của kẻ khác, cha mất con vợ mất chồng, thịt nát xương tan. Hạn hán cũng do loài người đã khai thác trái đất quá mức, thán khí CO2 được thải từ xe hơi, máy bay, nhà máy điện, v.v… đã hâm nóng trái đất lên với tốc độ nhanh chóng, làm tan rã các băng đảo ở Bắc Cực, nước từ đó đổ tràn ra biển khơi và khi mực nước biển dâng cao có nguy cơ nhận chìm các đảo, các thành phố nằm ven biển. Trong suốt thế kỷ 20, nhiệt độ trái đất chỉ tăng 0,6 độ C nhưng với tốc độ hiện tại trái đất sẽ tăng lên 1,4-5,8 độ C ở thế kỷ tới và nước biển sẽ dâng cao hơn bây giờ khoảng 1 m. Rồi đến đại dịch Covid 19 cũng từ con người mà ra. Loài người càng ngày càng xâm lấn thiên nhiên, lấy mất đi môi trường sống của động vật, làm mất đi sự quân bình sinh thái. Con virus Corona cũng do con người vì quá gần gũi với động vật hoang dã được bầy bán ở chợ thú rừng ở Vũ Hán Trung Quốc.

 

Ba cái “đại hạn trùng phùng” này làm cuộc sống ở Đức đã khó khăn trở nên khó khăn hơn vì lạm phát gia tăng, vật giá leo thang. Tỷ lệ lạm phát của nước Đức vào tháng 5 năm 2022 là 7,9% , trong đó giá năng lượng tăng 38,3 %, thực phẩm 11,1 % theo cơ quan Thống Kê Liên Bang Đức. Cuối năm nay, lạm phát dự đoán sẽ còn lên trên 10%, giá cả tăng vọt dân Đức bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng điều đó không làm người Đức lo ngại bằng không có dầu khí để đốt lò sưởi khi mùa đông lạnh lẽo sắp tới. Nguy cơ Nga sẽ đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí Nord Stream 1 chắc chắn không phải là nhỏ. Trong một chương trình trên màn truyền hình, ông Robert Habeck thuộc đảng xanh, bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng có nói đến thảm họa của sự cấm vận dầu khí Nga. Ông khuyên mọi người nên bớt lái xe, giảm đi chơi, hạ nhiệt độ  lò sưởi thay vì 20 độ C xuống còn 19 độ C. Cẩn thận hơn, ông còn chỉ cách tắm làm sao cho bớt tốn nước, tốn dầu khí đun nước nóng. Ông Winfried Kretschmann, thủ hiến tiểu bang Baden-Württemberg ở Đức, cũng đăng đàn, khuyên nhủ mọi người nên bớt tắm, bớt sưởi để tiếp kiệm năng lượng. Các nước trong Liên Hiệp châu Âu (EU) cũng không khá hơn nước Đức, lạm phát đã nhẩy vọt từ 0,3% vào tháng 9 năm 2020 lên 8,8%  tháng 5 năm 2022. Khí đốt cũng là một vấn nạn đối với EU, trong năm 2021 EU đã nhập cảng từ Nga khoảng 35% tổng số lượng khí đốt. EU cũng “đồng thanh tương ứng” với nước Đức kêu gọi dân chúng và các doanh nghiệp nên tiếp kiệm khí đốt, tiết kiệm xăng dầu, nói chung là tiếp kiệm năng lượng. Ông Pedro Sanchez, thủ tướng Tây Ban Nha, còn đi xa hơn nữa đề nghị các nhân viên công tư sở không nên đeo cà vạt để tiết kiệm điện trong cái nóng đang đạt kỷ lục ở châu Âu.

 

Chưa bao giờ thấy các chính trị gia châu Âu lại lo lắng cho dân chúng như vậy, liên tục nhắc nhở mọi người sống tiếp kiệm để thích ứng với hoàn cảnh mới. Lý do đơn giản, EU đưa ra chỉ tiêu từ đầu tháng 8 năm 2022  đến cuối tháng 3 năm 2023 sẽ giảm sử dụng khí đốt xuống 15%. Nước Đức đã liên tục đưa ra những biện pháp để nhằm tiết kiệm năng lượng trong mùa đông sắp tới như ở những tòa nhà công cộng chỉ được sưởi đến 19 độ C thay vì 20 độ C như trước, các bảng quảng cáo và cửa hàng sẽ bị bắt buộc tắt đèn từ 23:00 giờ tối đến 6:00 giờ sáng, hồ bơi của tư nhân không được đun nóng bằng điện và khí đốt, v.v…

 

Trong hoàn cảnh ngày hôm nay, sự tiếp kiệm năng lượng là chuyện phải làm dù muốn dù không bởi vì nếu chúng ta không bớt lại mà vẫn phung phí như xưa thì một ngày nào đó sẽ có nguy cơ không còn năng lượng nữa để tiêu dùng. Tôi nhớ đã có một lần được đọc ở đâu đó câu “Ít mới là nhiều” (Less is more). Làm sao bớt đi để được nhiều hơn. Đơn giản hóa cuộc sống để không bị lệ thuộc vào vật chất phù phiếm chung quanh, sống chậm lại để có nhiều thì giờ hơn hưởng từng giờ từng phút của cuộc sống. Cha ông ta có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, chỉ cần “co” lại một chút thì vẫn đủ ăn no, đủ mặc ấm. Muốn “co” lại chỉ cần phải làm phép trừ thay vì phép cộng như cộng nghiệp chẳng hạn thì cuộc sống của chúng ta đỡ stress đi nhiều lắm. Trừ đi những cái gì không cần thiết, những lãng phí vô ích, những vật chất dư thừa, những áp lực phải mua và phải kiếm nhiều tiền. Mà trân trọng hơn cuộc sống hữu hạn của chúng ta bằng cách gìn giữ sức khỏe, tôn trọng thiên nhiên và dành nhiều thời gian hơn  để vun bồi hạnh phúc cho gia đình, cho bản thân.

 

Tôi còn nhớ một câu trong cuốn sách “Quẳng gáng lo đi mà vui sống” (How to Stop Worrying and Start Living) của tác giả người Mỹ Dale Carnegie, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Ông viết “Định mệnh chỉ cho ta một trái chanh, hãy pha thành một ly nước chanh ngon ngọt”. Mà kỳ này, “đại hạn trùng phùng” mang đến cho chúng ta những 3 trái chanh, chúng ta sẽ có 3 ly nước chanh ngon ngọt để uống bằng cách đơn giản hóa lại cuộc sống “ít mới là nhiều”.

 

-- Lương Nguyên Hiền

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đăng lại nhớ chuyện con chó bơi qua sông trong một truyện ngắn của sư Giới Đức. Con chó ở chùa nghe chuông, ăn cơm chay, quanh năm quấn quýt với thầy. Một hôm kia nó nghe mùi thịt nướng bên kia sông nên bơi qua bên ấy, bơi đến giữa giòng thì nghe tiếng sư phụ gọi nên bơi quay về, gần tới bờ thì lại thèm mùi thịt nướng nên lại bơi ngược qua sông, cứ như thế nó bơi qua bơi lại đến khi kiệt sức thì chết đuối giữa giòng.
Tôi vẫn tin rằng tương lai một dân tộc, một đất nước sẽ khá hơn khi những công dân trẻ tuổi đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi vì những bạn trẻ đã tự vấn như vậy sẽ không để cho cuộc sống quí giá của mình trở nên lãng phí.
Khi nó mở mắt tỉnh dậy thì có cảm giác cả thân mình nó bị lôi ngược. Nó cố vùng vẫy nhưng cái đuôi có sợi dây buộc. Nó nhướng mắt nhìn về sau thì thấy hai con tàu màu xanh với những sọc đỏ chạy dọc hai bên lườn đang kéo nó ra khơi. Muosa cũng được hai con tàu khác lôi ngược ra xa. Khi cả thân mình to lớn của nó vẫy vùng dễ dàng trong làn nước biển thì sợi dây buộc ở đuôi được tháo ra. Nó ngoái đầu lại kêu “hoop hoop hoop” liên hồi. Nó không biết nói tiếng của loài người, nó cảm ơn những con tàu đã kéo nó về biển sâu bằng âm thanh của nó.
Vốn đã đóng góp nhiều cho một số tổ chức thiện nguyện hàng năm, đặc biệt là tổ chức "Raise Hope for Congo"(Phi Châu), trong đại dịch Aaron Rodgers đã trích một triệu đồng từ tiền túi của mình để giúp đỡ cho 80 cơ sở thương mại ở sinh quán của anh, thành phố nhỏ Chico ở miền Bắc California.
Vẫn như có sẵn định mệnh cho từng người, không ai chọn lựa được đâu! Ai mà biết được mình sẽ chết vì cái gì, chết lúc nào và chết ra sao? Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều người chết nên Ái có một cách nghĩ cho riêng mình. Đó là làm việc bằng tinh thần của một người lính. Giường bệnh là chiến trận. Người lính chỉ có một con đường là chiến đấu.
Ngoài sân tuyết lất phất bay, tôn tượng bổn sư bằng đá trắng như hòa vào trong tuyết trắng, những dây cờ ngũ sắc như viền quanh chùa một vòng kiết giới an lành. Trên đường lài xe về, Sơn nghe ca khúc “ Xuân này con không về” mà khóe mắt cay cay. Bản nhạc tha thiết đầy ắp nỗi niềm của những người con xa quê.
Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên. Nhưng, Trang đưa tay đón, chiếc xe đò dừng lại.
Tôi lớn lên, quên ưu phiền ba tháng biết lẫy, bảy tháng biế bò, chín tháng lò dò biết đi. Bà dạy tôi gọi chị là Vú và Vú với tôi là Mẹ. Cô Út tôi kể lại là tôi vui ngay ít ngày sau khi có Vú và tôi chỉ biết có Vú thôi. Tối tối tôi ngủ với Vú. Ban ngày Vú làm việc trong bếp, tôi thơ thẩn ngoài sân chơi với mấy cái vỏ ngao, vỏ sò, vỏ hến quanh đâu đó vừa dòm chừng Vú.
Các thiên thần áo trắng làm việc thời đại dịch, ngoài khẩu trang, còn có face shield, blouse, và cả PPE, chỉ có cặp mắt lộ rõ, và họa sĩ Krishnan đã diễn tả được những ánh mắt của từng người trong các bức vẽ các nhân viên tuyến đầu (front line worker) là "những đôi mắt biết nói".
Bà khụy chân xuống nhìn sát vào mặt mẹ, bà thấy đầu Cụ như nghiêng về một bên, hai mắt vẫn nhắm và những giọt nước mắt nữa… và hình như Cụ không còn thở. Bà vòng tay ôm đầu Cụ ngã vào vai mình. Bà yên lặng, vùi cái đầu đã hoa râm của mình vào mái tóc bạc phơ của mẹ. Tiếng Thái Thanh vẫn cất lên: Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…Nước Ơi!
Hãy nghe một bà mẹ trẻ (Christine Derengowski, một người viết báo) an ủi khuyến khích con mình: "Con sẽ không bị phạt, và con sẽ không bị ở lại lớp một. Mà thật ra, chính con là một anh hùng. Con có biết là chưa có một đứa trẻ nào trong lịch sử phải học lớp một ở nhà qua màn hình computer, ngồi trong phòng ngủ, nhìn cô giáo qua màn hình. Con và các bạn của con đã làm nên lịch sử."
A Lượng lạch bạch chạy laị chỗ máy thằng Dĩnh giật lấy cái máy quạt tí hon của mình. Trời nóng như đổ lửa, cộng với nhiệt độ cao của dàn máy sản xuất túi nylon toả ra làm cho không khí càng ngột ngạt hơn, cái nóng như nung nấu laị như rang mấy mươi con người trong xưởng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.