Hôm nay,  

Hương vị quê nhà

02/12/202220:21:00(Xem: 3535)
Tùy bút

cach-nau-che-dau-xanh-danh
Chè đậu xanh đánh.


Huế có nhiều loại chè ngon tôi rất thích, như chè đậu ngự, chè đậu ván, chè bắp, dù không cần thêm nước cốt dừa như chè miền Nam. Gia đình chúng tôi chuyển nhà từ Huế vào Phan Thiết, rồi định cư tại Sài Gòn lúc tôi 6 tuổi. Tôi quen ăn các loại chè miền Nam có nước cốt dừa béo ngậy, nhưng vẫn thích chè Huế ở vị bùi của đậu, hương thơm của lá dứa. Có dịp ra Huế, tôi thường dạo chợ Đông Ba thưởng thức chè đậu xanh đánh, uống nước đậu rang đậm mùi Huế; hoặc cuốc bộ qua cầu Đập Đá ăn chén chè bắp nếp dẻo đầu mùa. Có lẽ những chén chè Huế là lý do tôi thích chè. Không biết có phải tôi thích ăn ngọt hay không, nhưng chắc chắn không phải là “phường hảo ngọt!”

 

Món chè tôi thích nhất và có nhiều kỷ niệm nhất là chè đậu xanh đánh, là loại chè rất quen thuộc với dân xứ Huế, nhưng tên gọi “đậu xanh đánh” hơi lạ với dân trong Nam và ngoài Bắc.

Lúc nhỏ ở với mẹ, những ngày kỵ, ngày Tết, mẹ tôi hay nấu chè đậu xanh đánh để cúng; và thường xuyên như vậy. Có lần tôi hỏi tại sao mẹ chỉ cúng chè đậu xanh đánh mà không thay đổi loại chè khác. Mẹ trả lời, vì chè đậu xanh đánh dành cho những ngày đặc biệt, những chè khác, chỉ nấu để ăn bình thường. Tôi thật sự không hiểu nó đặc biệt chỗ nào, chỉ biết, muốn nấu cho ra nồi chè đậu xanh đánh mịn-màng-vàng-bóng thiệt là rất mất công.

 

Hồi đó còn nhỏ, nhà có người giúp việc, chị em chúng tôi chưa biết nấu ăn nên tôi ham chơi hơn để ý tới chuyện bếp núc. Lớn lên, ngoài việc nhà, chúng tôi học nghề nấu nướng từ mẹ, kể cả món chè đậu xanh đánh đặc biệt của bà, chứ không phải là chè Cung Đình. Đậu xanh lúc đó chỉ bán loại nguyên hột hoặc nửa hột còn vỏ. Muốn nấu chè phải ngâm đậu trước một đêm, qua hôm sau vỏ tróc ra, đãi hết vỏ mới nấu được. Viết tới đây, tôi không nhớ chị tôi và tôi có “ký thỏa thuận” gì không mà chị luôn là người đãi đậu, còn tôi nấu chè.

 

Nhìn chị kê chiếc đòn ngồi dưới đất với ba cái thau, hai lớn, một nhỏ, và một cái rổ tre đan khít, tôi mất hết kiên nhẫn! Đậu ngâm đêm qua đã nở cao gần miệng thau, vỏ xanh nổi lên dày đặc một màu. Đầu tiên, chị tôi vớt bỏ hết lớp vỏ bên trên, trong thau còn những hột đậu vàng lẫn lộn vỏ xanh. Tiếp theo chị xúc một ít đậu vào rổ, bỏ qua thau nước trong rồi chà, lắc, lóng cho vỏ nổi lên tràn ra ngoài. Khi đậu trong rổ không còn vỏ, chị đổ qua thau nước nhỏ, lúc này những hột đậu vàng đều trông khá đẹp mắt. Thường thì tôi hay làm gì đó trong khi chị đãi đậu nên tôi không biết mất bao nhiêu thời gian chị xong việc, chỉ biết chị đãi đậu rất “điệu nghệ” và vui vẻ. Bù lại, tôi nấu chè cũng gọi là “có tay nghề”.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, nấu chè thời chưa có máy móc tân tiến, việc nấu đậu là quan trong nhất. Nấu sao cho hột đậu chín đều, mềm không bị nhão hoặc bị cháy. Thứ nhì là đánh đậu khi vừa tắt bếp, đậu còn nóng. Khuấy nhanh tay cho đậu tơi ra, đặc mịn như bột nhồi, trước khi nó nguội. Đậu mà nguội khô rồi thì dù lực sỹ đánh bằng hai tay cũng không làm hột đậu mềm được. Vì vậy, nấu đậu chín đều cũng giúp việc đánh đậu dễ dàng hơn.

 

Thời gian cứ trôi cho đến năm 75, nếp sống giản dị của gia đình chúng tôi từ trước, nay có phần thay đổi, càng đơn giản hơn. Mẹ đang đi làm bình thường bỗng “được” cho nghỉ việc. Anh cả theo chiến hạm rời quê hương. Em trai út dang dở chương trình Đại Học. Duy chỉ có tập quán ngày kỵ, ngày Tết của mẹ là không thay đổi. Chúng tôi vẫn nấu chè đậu xanh đánh theo kiểu “truyền thống” vì trong nhà chưa có máy xay sinh tố. (Đồ đạc mẹ tôi đã bán bớt lấy đâu nghĩ tới việc mua thêm?) Tôi nhớ tiệm chè Hiển Khánh từ lâu đã dùng máy, xay đậu xanh nấu chè để tiết kiệm thời gian và nhân lực. Dù đậu xay ra đều hơn, không bị lợn cợn hột sượng nhưng chè không mịn thơm như đánh bằng tay kiểu Huế. Nói vậy chứ, dân Huế lúc đó có lẽ cũng dùng máy xay đậu nhiều rồi.

 

Khoảng năm 79-80, trong khi chúng tôi vẫn nấu chè đậu xanh đánh kiểu cũ thì chị tôi đã mua máy xay sinh tố. Chị lập gia đình, ra riêng nên việc đãi đậu do em gái và tôi chia nhau. Coi vậy chứ hai chị em xúm lại đãi hết thau đậu, kết quả cũng không bằng mình chị với đôi tay điệu nghệ bẩm sinh. Nấu chè thì vẫn là việc của tôi.

 

Chị tôi cũng xay đậu xanh để nấu chè đậu xanh đánh. Chén chè đậu xanh đánh bằng máy đầu tiên tôi được “nếm” vào dịp cúng đầy tháng con gái đầu lòng của anh chị năm 1983. Chị bấy giờ không cần ngồi dưới đất đãi đậu với ba cái thau và một cái rổ tre, vì đậu bán ra đã được chà sạch vỏ (đậu xanh cà); không cần đánh đậu mỏi tay với cây đũa cả, vì đã có máy xay sinh tố khuấy giùm; nấu chè bằng nồi cơm điện nên cũng không cần canh lửa to nhỏ. Khỏe thiệt đó nhưng chị tôi chắc “lụt nghề” rồi!

 

Mẹ tôi có một bộ chén kiểu nhỏ, dành riêng múc chè cúng. Chè phải múc lưng chén, không đầy, không dính lên mép chén, v.v... Gì chứ chuyện cúng kiến mẹ tôi nguyên tắc lắm! Xôi, chè cúng  được nấu cẩn thận. Đậu nấu chè sau khi đánh mềm phải khuấy từ từ với đường cát trắng, tiếp theo thêm nước sôi nấu trên bếp lửa nhỏ cho đến khi sôi lại. Vậy nên những chén chè để bên ngoài năm ba ngày vẫn chưa hư. Sau này chè được giữ trong tủ lạnh càng lâu hư hơn, gần rằm tháng giêng, chuẩn bị nấu nồi chè khác, chè mồng 1 lúc đó tới chén cuối cùng vẫn còn ngon. Nhớ nhất nồi chè của mẹ luôn để dành lại chút ít dưới đáy để chúng tôi “vét nồi”. Phần chè vét này rất ngon vì nó đã hơi đặc và vì… quá ít!

 

Lúc đã lập gia đình và có con, tôi vẫn hay nấu chè, đủ loại, có thêm nước cốt dừa như người miền Nam. Nhưng Tết luôn luôn là chè đậu xanh đánh cổ điển, tôi không xay đậu bằng máy. Thời gian xa xỉ dành để nấu cho xong nồi chè, tôi thường tận hưởng niềm vui đó cùng với âm nhạc. Tôi thích mùi đậu thơm mịn như bột khi đánh bằng cây đũa cả. Tôi thích nhìn hai đứa con vui vẻ vét sạch nồi chè mẹ chừa lại.

 

Cho đến bây giờ, dù đôi tay hơi yếu, chén chè tôi đánh ngày càng có nhiều hột chưa nhừ; hai con đã có gia đình riêng, nhưng mỗi dịp đoàn tụ, chúng vẫn muốn ăn chè đậu xanh đánh do mẹ nấu.

 

– Hồ Thị Kim Trâm

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.