Hôm nay,  

Tôi là cái thây ma

18/11/202200:00:00(Xem: 1508)

 

Ferit
Nhà Văn Thổ Nhĩ Kỳ FERIT ORHAN PAMUK và cuốn sách của ông.

 

FERIT ORHAN PAMUK (sinh 1952) là nhà văn danh giá nhất của xứ Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại. Năm 2006, ông trở thành nhà văn đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được trao giải Nobel Văn chương. Tác phẩm của ông được dịch ra 63 ngôn ngữ, phát hành trên 13 triệu ấn bản và được cả thế giới đón đọc. Ông dạy kỹ thuật viết văn và Văn học Tỉ giảo tại đại học Columbia, New York. Năm 2018, ông được bầu vào Hội Triết học Hoa kỳ. Trích đoạn dưới đây là từ tác phẩm My Name is Red (Tên tôi là Đỏ), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đã đoạt những giải thưởng danh dự sau: Prix du Meilleur Livre Étranger (2002); Premio Grinzane Cavour (2002); và International Dublin Literary Award (2003).
   

Không có nhân vật chính diện nào trong tác phẩm tiểu thuyết này của Pamuk, mà là một tập hợp những nhân vật và đồ vật – một cái thây ma mới bị giết oan uổng, một đồng tiền, ác quỷ Satan, màu đỏ, hai chức sắc Hồi giáo, v.v… – mỗi “thứ” như thế chiếm phần tự sự mỗi chương sách. Bối cảnh lịch sử là Đế quốc Ottoman thế kỷ XVI, và nền tảng triết học Hồi giáo dĩ nhiên là trọng điểm của cuốn tiểu thuyết, nhưng cũng có những phân đoạn thấm đẫm tính kỳ bí và trữ tình. Đọc tác phẩm, độc giả người Việt có thể nhận ra một điểm tương đồng giữa Hồi giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam là, sau khi chết, linh hồn con người vẫn tồn tại trên thế gian và có thể nghe ngóng những gì người sống nói.
   

Kỹ thuật viết văn của Orhan Pamuk có thể được xem là chịu ảnh hưởng Jorge Luis Borges, lối viết siêu hư cấu, với những ý thức thường xuyên nhắc nhở người đọc rằng hắn đang đọc một tác phẩm hư cấu. (TYT).
 

Giờ đây tôi chỉ còn là cái thây ma, cái xác chết nằm dưới đáy giếng. Mặc dù tôi hít vào hơi thở cuối cùng cách đây khá lâu và tim tôi đã ngừng đập, không ai, ngoại trừ tên sát nhân đê tiện đó, hay biết chuyện gì xảy đến cho tôi. Cái thằng khốn kiếp, gã bấm mạch tôi, nghe ngóng hơi thở xem tôi còn sống hay thật sự chết rồi, đoạn gã đá vào bụng tôi, lôi tôi lại bờ giếng, nhấc tôi lên rồi ném tôi xuống đáy giếng. Trong lúc rơi xuống, đầu tôi, cái đầu bị gã dùng tảng đá nện vỡ, bứt lìa khỏi thân mình; mặt tôi, trán, hai má nát ngướu, xương trong người gãy vụn, và miệng thì đầy máu.
   

Suốt gần bốn ngày trời tôi mất tích: Vợ con tôi chắc hẳn đang bổ ra đi tìm tôi; con gái tôi, kiệt lực vì khóc, chắc đang ném cái nhìn lo âu ra ngoài cổng. Vâng, tôi biết tất cả mọi người trong gia đình tôi đang ngồi bên cửa sổ, chờ đợi tôi về nhà.

   
Nhưng có thật gia đình tôi đang chờ tôi không? Ngay cả chuyện đó tôi cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn. Biết đâu mấy người đã quá quen với cảnh tôi vắng nhà – thật đáng buồn! Bởi nơi đây, nơi bến bờ bên kia, người ta có cảm tưởng như kiếp trước mình vẫn đeo đẳng khôn rời. Trước khi tôi ra đời, thời gian dài vô tận, và sau khi tôi chết, thời gian chẳng bao giờ chấm dứt. Trước đây tôi chẳng bao giờ nghĩ vậy: tôi sống một đời sống sáng láng lèn giữa hai vùng miên viễn của bóng tối thâm đen.

   
Thuở đó tôi hạnh phúc lắm; bây giờ tôi mới nhận ra tôi đã sống cuộc đời thật hạnh phúc. Tôi là tay minh họa giỏi nhất trong xưởng in Quốc Vương Ta; tài nghệ tôi không ai sánh kịp. Qua công việc làm tư, mỗi tháng tôi kiếm chín trăm đồng quan bạc, và điều này chỉ khiến nỗi đau đớn trong tôi tăng bội phần.

   
Trong xưởng in, tôi phụ trách phần minh họa. Tôi vẽ lên rìa trang sách những hình ảnh sống động nhất, lá cành, hoa bướm, chim muông. Tôi vẽ mây kiểu Trung hoa trông như con sò biển, tôi vẽ những rặng nho lớp lớp chất chồng, và những rừng màu sắc ẩn giấu hươu nai, lũng trảng, vua chúa, cây cối, lâu đài, ngựa và thợ săn. Thuở còn trẻ, tôi cũng tô vẽ dĩa ăn, mặt sau gương soi, hòm gỗ, hoặc đôi khi trần nhà một dinh thự, đại sảnh Bosphorus, hoặc một cái thìa gỗ. Tuy thế, những năm về sau, tôi chuyên chú vào việc vẽ bản thảo vì xưởng Quốc Vương Ta trả lương hậu hĩ cho công việc này. Tôi không thể bảo điều đó giờ đây có vẻ tầm thường quá. Bạn biết giá trị đồng tiền ngay cả sau khi bạn qua đời.

   
Sau khi nghe ra phép nhiệm màu của giọng nói tôi, có lẽ bạn sẽ nghĩ, “Ai thèm để ý đến chuyện ông làm bao nhiêu tiền lúc còn sống? Hãy nói cho chúng tôi nghe những gì ông chứng kiến. Có thật có đời sống sau khi chết? Linh hồn ông trôi về đâu? Thiên đường và địa ngục? Thế nào là chết? Ông có đau đớn không?” Bạn đúng đấy, con người ai cũng vô cùng tò mò, muốn biết về cái Kiếp Sau. Có lẽ bạn từng nghe câu chuyện kẻ bị tính tò mò đó thôi thúc đến nỗi gã chạy quàng xiên giữa đoàn quân đang giao tranh ngoài chiến địa. Giữa những vũng máu của đám quân lính bị thương đang bám víu lấy sự sống, gã sục sạo cố tìm ra kẻ chết đi sống lại, một người lính có thể kể lại những bí mật của thế giới bên kia. Nhưng một chiến sĩ phe Tamerlane, lầm tưởng gã là quân địch, vung nhát kiếm sắc lịm bổ dọc gã làm đôi, khiến gã đi đến kết luận rằng ở Kiếp Sau con người bị chẻ làm đôi.

   
Thật tầm bậy! Ngược lại là đằng khác, tôi có thể minh chứng linh hồn bị chia cắt lúc còn sống sẽ được tái nhập ở Kiếp Sau. Trái với những gì bọn vô đạo đầy tội lỗi bị Quỷ nhập phán bảo, quả có thế giới khác, đội ơn Thượng đế vô cùng, và bằng chứng là từ nơi đây tôi đang chuyện trò cùng bạn. Tôi chết rồi, nhưng như bạn thấy rõ ràng tôi vẫn hiện hữu. Được rồi, tôi đành thú nhận rằng tôi vẫn chưa nhìn thấy dòng sông chảy bên cạnh đền đài vàng bạc của Thiên đường, vẫn chưa thấy hàng cây với tàn lá rộng trĩu nặng mận ngon, và vẫn chưa thấy trinh nữ nào như điều ghi chép trong quyển kinh Koran Sáng Láng – mặc dù tôi nhớ rất rõ không biết bao lần tôi say sưa tô điểm những nàng tiên nữ mắt mở lớn miêu tả trong chương “Cái Đang Đến.” Cũng chẳng có dấu vết gì của những dòng sông sữa, rượu, nước trong và mật ngọt cuộn chảy, miêu tả đầy văn hoa, không phải trong kinh Koran, mà bởi những tâm hồn mơ tiên như Ibn Arabi. Nhưng chủ đích của tôi không phải thách đố lòng tin những ai sống đời sống công chính qua hy vọng và cái nhìn của họ về Thế Giới Bên Kia, vì thế hãy để tôi dõng dạc lên tiếng rằng tất cả những điều tôi trông thấy chẳng qua chỉ là cái gì liền lạc với cảnh huống rất riêng tư của tôi. Bất kỳ tín đồ nào, ngay cả người hiểu biết rất ít ỏi về cõi đời sau, cũng biết rõ kẻ bất mãn trong trạng huống như tôi đều cố sức tìm cách trông thấy dòng sông trên Thiên đường.

   
Nói tóm lại, tôi, người được mệnh danh là Thầy Effendi Thanh Lịch, đã chết, nhưng tôi chưa bị chôn vùi vào hư vô, vì thế linh hồn tôi chưa rời khỏi thân xác. Cảnh huống vô cùng kỳ diệu này, mặc dù trên đời không phải lần đầu xảy ra, đã gây nên nỗi đau đớn vô biên cho phần hồn bất tử trong tôi. Mặc dù thân xác tôi chẳng còn cảm giác gì nữa, xương sọ vỡ nát, thịt da đầy thương tích đang thối rữa dần, xương trong người gãy vụn và nước giếng lạnh như nước đá ngập gần kín người, tôi vẫn cảm thấy nỗi thống khổ sâu thẳm của linh hồn tôi, nó đang cố hết sức vùng vẫy trong tuyệt vọng mong thoát ra khỏi phần thân xác. Tưởng như cả thế gian này, kể cả thân xác tôi, đang co rút lại thành khối đặc khổ não.

   
Tôi chỉ có thể so sánh sự co rút này với cảm giác giải thoát lạ lẫm tôi cảm thấy trong lúc đón nhận cái chết. Vâng, tôi hiểu ngay tên khốn kiếp đó muốn giết tôi khi bất ngờ gã cầm tảng đá đập vỡ xương sọ tôi, nhưng tôi không tin gã có thể tiếp tục ra tay hoàn tất những gì sau đó. Đột nhiên, tôi nhận ra tôi là người hy vọng, một điều tôi không hề hay biết khi còn sống dưới bóng mát con đường từ xưởng vẽ về nhà. Bằng tất cả ý chí, tôi bám víu vào sự sống, móng tay tôi, ngón tay tôi, hàm răng tôi, cắm sâu vào da thịt tên sát nhân. Tôi sẽ chẳng để bạn nhàm chán với chi tiết những cú đánh, cú đập chí tử tôi nhận lãnh sau đó.

   
Trong lúc lãnh chịu nỗi đau đớn tột đỉnh này và tôi biết tôi sẽ chết, cảm giác như đang được giải thoát thật lạ lùng bỗng xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy như vậy trong lúc thăng thoát; chuyến đi của tôi sang bến bờ bên này thật êm ái, dễ chịu, như trong giấc mơ nhìn thấy chính mình đang ngủ. Đôi giày lấm đầy tuyết và bùn của tên sát nhân là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy. Tôi nhắm mắt lại như thể tôi sắp ngủ, và tôi nhẹ nhàng chết.

   
Tôi than thở bây giờ chẳng phải vì răng tôi rụng như đống đinh ốc trong miệng đầy máu, chẳng phải vì mặt tôi nát ngướu không còn ra hình thù gì, cũng chẳng phải bởi tôi bị bỏ rơi trong lòng cái giếng sâu này – mà bởi mọi người nghĩ tôi còn sống. Linh hồn khốn quẫn của tôi cứ day dứt mãi khi nghĩ gia đình tôi và những người thân quen – vâng, họ thường xuyên nghĩ đến tôi – tưởng tượng tôi đang bận dăm ba việc lặt vặt ở Istanbul, hay cũng có thể đang chạy theo tán tỉnh mụ đàn bà nào khác. Đủ rồi! Hãy lập tức đi tìm xác chết tôi, hãy cầu nguyện cho tôi và cho tôi một nấm mồ. Quan trọng hơn hết, hãy tìm ra kẻ giết tôi! Bởi ngay cả nếu tôi được chôn cất tử tế, mồ yên mả đẹp, mà tên giết người đó vẫn ung dung tự tại ngoài đời thì tôi sẽ trăn trở không ngừng dưới đáy mộ, đợi chờ, và gieo mầm độc vô đạo lên tất cả mấy người. Hãy tìm ra tên sát nhân chó đẻ đó và tôi sẽ kể mấy người nghe những gì tôi trông thấy ở Kiếp Sau – nhưng hãy biết thêm điều này, khi bắt được gã, phải tra tấn gã bằng cách đập từ từ đến nát ngấu tám hay mười khúc xương của gã, tốt nhất là xương sườn, dùng kềm vặn mà bẻ, sau đó hãy đâm thủng da đầu gã bằng những mũi kim sắt nhọn người ta chuyên dùng trong việc tra tấn, rồi nhổ từng sợi tóc ghê tởm bê bết dầu của gã cho gã thét lên từng hồi.

   
Tên sát nhân làm tôi khổ sở dường vậy là ai? Tại sao gã thình lình giết tôi chết? Hãy chú tâm và để ý những dữ kiện như vậy. Bạn chẳng bảo thế gian đầy dẫy những tên tội phạm bất hảo chuyên hãm hại người lành đấy ư? Không chừng chính tên này là thủ phạm, biết đâu tên kia? Trong trường hợp đó, hãy cho tôi nhắc chừng bạn: Cái chết của tôi che đậy một âm mưu kinh khiếp chống phá tôn giáo, cắt đứt truyền thống của chúng ta, ngăn trở cách thế chúng ta nhìn vào thế giới. Hãy mở mắt cho to, hãy nhìn ra lý do vì sao kẻ thù của kiếp sống bạn đang tin tưởng, của cuộc đời bạn đang sống, và của tôn giáo bạn đang tôn thờ, lại giết chết tôi. Hãy tìm ra lý do vì sao một ngày kia chúng sẽ làm điều đó với bạn. Lần lượt, tất cả những gì tiên đoán bởi nhà truyền giáo đại tài Nusret Hoja của miền Erzurum, người tôi chảy nước mắt khi nghe nói chuyện, đều trở thành sự thật. Hãy cho tôi nói thêm giả như cảnh huống chúng ta đang lâm vào đó được miêu tả trong một quyển sách thì ngay cả người tế họa tài ba nhất cũng chẳng bao giờ hy vọng có thể minh họa nổi. Với quyển kinh Koran – đó là ý Trời nếu tôi bị hiểu lầm – một quyển sách như vậy hàm chứa sức mạnh vô song chỉ vì không ai có khả năng miêu tả được nó. Tôi không chắc bạn thấu triệt được điều này.

   
Hãy nghe tôi nói đây. Hồi mới ra ràng, tôi cũng ôm ấp nỗi sợ hãi và vì thế tôi giả lờ như không biết đến sự thật cơ bản và những tiếng nói vọng về từ cõi xa xăm. Tôi còn đem mấy chuyện đó ra bông đùa. Nhưng cuối cùng tôi bỏ xác dưới đáy giếng thảm hại này! Coi chừng, có ngày bạn cũng bị như vậy đấy. Giờ đây, tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài hy vọng xác thân tôi sẽ tan rữa thật kỹ và bốc mùi hôi thối để người ta tìm ra tôi. Tôi chỉ còn biết hy vọng như vậy thôi – và tưởng tượng cảnh tên sát nhân bị tra tấn như thế nào sau khi có người lương hảo nào đó tóm được gã.

 

Orhan Pamuk

Trịnh Y Thư dịch

 

(Trích đoạn tiểu thuyết My Name is Red, NXB Alfred A. Knopf, 2001.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.