Hôm nay,  

Hai bà bán gà

14/11/202220:52:00(Xem: 2873)
Truyện ngắn

cho-an-dong-03_1630592814

Mỗi khi ông đi qua bà đi lại là Thịnh mời chào đon đả trong tiếng chợ búa huyên náo:

 

– Mua gà không bác ơi, chị ơi, anh ơi…

 

Thịnh cứ nhìn mặt đặt tên mà gọi, cô bác đi chợ đã dừng chân ngồi xuống bên lồng gà của Thịnh lựa chọn mua mua bán bán. Nghe giọng miền Trung của nó rao hàng bà Cam ngứa cả tai, bên này bà Cam cũng gân cổ lên réo mời:

 

– Gà ngon đây! Bảo đảm giá cả rẻ hơn những hàng gà khác đây!

 

Có bà nội trợ ghé lồng gà bà Cam xem không vừa ý bèn sang bên “con đó” mua làm bà Cam tức bà khách thì ít mà hận con Thịnh thì nhiều. Xưa nay bà Cam bán gà chợ An Đông nổi tiếng, khó có ai thoát khỏi tay bà một khi đã sà vào hỏi mua là phải mua xong mới đi khỏi được. Nay có những khách quen đã né mặt bà, họ đến thẳng hàng con Thịnh mua bán lẹ làng mau chóng hơn, vừa ý hơn. Rõ ràng là con Thịnh đã cướp khách hàng của bà.

 

Hôm anh quản lý chợ dắt con nhỏ này đến ngồi cạnh chỗ bà Cam, Thịnh đội nón lá sùm sụp và mặc áo ngắn trong áo dài tay ngoài che nắng trông luộm thuộm đã mất cảm tình. Thịnh xê dịch ba cái lồng gà to tìm chỗ đặt cho gọn gàng không xâm lấn sang chỗ bên cạnh. Bà đã liếc xéo và chỉ muốn Thịnh nhích sang phần đất của bà là bà sẽ sinh sự chửi té tát cho nó biết tay. Bà Cam thêm một đối thủ cạnh tranh buôn bán từ đấy.

 

Chợ An Đông không chỉ mình bà Cam bán gà nhưng xưa nay mức độ bán hàng của bà vẫn khấm khá đều đặn, từ khi có con Thịnh từ xó xỉnh miền Trung nào đến đây thì lợi tức của bà kém hẳn, vì Thịnh ngồi ngay bên cạnh, lời chào mời lanh lảnh và ngọt ngào chiều khách bảo sao khách chẳng mua gà của nó. Con Thịnh tuổi đáng con cái bà, kinh nghiệm ở đâu ra mà buôn bán giỏi thế. Bà ghét con Thịnh, ghét cả cái tên như con trai của nó. Cầu cho nó ế chồng tàn đời. Bà Cam rủa thế.

 

*

 

Tuấn đi xe đạp mang chiếc lồng gà nhỏ trong có mấy con gà ra chợ cho mẹ. Bà Cam không có đó, Thịnh bên cạnh thấy Tuấn đứng lóng ngóng liền nhanh nhẩu nói:

 

– Bà Cam đi tiểu đằng kia rồi, chốc bà quay lại.

 

Tuấn lễ phép:

 

– Chị cho em gởi mẹ em 3 con gà này, nói của bác Sính chung cư là mẹ em hiểu.

 

– Xời ơi! Sao anh ăn nói lịch sự quá vậy. Chẳng bù…

 

Thịnh định nói “chẳng bù cho mẹ anh chua ngoa lắm cơ” nhưng vội dừng lại kịp thời. Tuấn quay đầu xe đạp:

– Cám ơn chị. Em về.

 

Bà Cam lù lù đi tới:

 

– Tuấn hả con? Chị chị em em gì. Con nhỏ này thua con 1 tuổi.

 

Tuấn giao gà cho mẹ xong đạp xe về ngay không biết “cô em” bán gà thua 1 tuổi đang tủm tỉm cười nhìn theo. Hôm qua bà Sính ở cùng chung cư Ngô Gia Tự than thở với bà Cam mấy con gà nhà nuôi có vẻ lờ đờ, bà Sính đã nhét tỏi cho gà ăn, tỉnh lại, hôm nay nhờ bà Cam mang ra chợ bán tống táng giùm được đồng nào hay đồng ấy nên bây giờ Tuấn phải mang gà ra chợ cho mẹ. Vụ này khá béo bở, kiếm lời ngon lành, bà Cam vừa mồm mép vừa chèo kéo mọi cách sẽ bán được mấy con gà sắp rù này.

 

*

 

Bà Cam nghỉ chợ hai ngày vì bị cảm, nằm nhà bà lo cho mình thì ít mà lo cho mấy con gà nhốt trong lồng nuôi trong nhà sẽ xuống cân mất giá thì nhiều. Thịnh hỏi thăm ai đó nên đã biết địa chỉ nhà bà. Thấy “địch thủ” đến thăm bà Cam ngạc nhiên và… nghi ngờ cảnh giác hay là nó đến xem mình ốm đau thế nào, sắp chết chưa để nó ăn mừng? Nhưng bà cảm động quá khi thấy Thịnh mang túi quà tới và ân cần hỏi han. Hôm nay Thịnh ăn mặc đẹp, trông xinh đẹp hẳn ra, Tuấn không nhận ra “chị”  bán gà đầu đội nón lá lụp sụp ngoài chợ hôm nọ nữa và chàng cũng cảm động không thua gì mẹ. Thịnh còn biết nhà bà Cam chỉ có một mẹ một con trai, nên nàng đã mua đồ tới đây lăng xăng nấu bồi dưỡng cho bà Cam nồi cháo thịt bò kiểu miền Trung ăn thật ngon miệng, bà Cam phục tài con này nấu ăn ngon. Trước khi ra về Thịnh còn đề nghị mang mấy lồng gà của bà ra chợ bán giùm, chứ để ở nhà tốn thóc gạo lỗ vốn.

 

Bà Cam biết gia cảnh còn nhỏ miền Trung này thật đáng thương và đáng nể, em trai thi đậu đại học nhưng cha mẹ không có tiền cho con vào Sài Gòn học hành. Thịnh đã trải qua nỗi buồn này, học xong trung học Thịnh không dám mơ gì hơn vì biết nhà mình nghèo, nên hiểu em, thương em, quyết cùng em vào Sài Gòn, Thịnh kiếm đủ thứ nghề làm ăn buôn bán dù cực nhọc để nuôi em ăn học, khi xin được một chỗ bán gà trong chợ An Đông thì Thịnh đã kiếm tiền ổn định hơn và mỗi ngày mỗi đông khách, khấm khá thêm vì mua bán ngay thẳng thật thà.

 

Bà Cam cũng là người xông pha từ trong nhà ra ngoài ngõ, bà đã ra chợ An Đông buôn bán kiếm thêm tiền lo cho gia đình, chồng bà là nhà giáo sau 1975 được lưu dụng lương ba cọc ba đồng hiền lành an phận. Thời buổi bao cấp cuộc sống khó khăn nhưng bữa cơm nhà bà vẫn là cơm gạo trắng có tôm cá thịt thà đầy đủ. Ông qua đời khi thằng Tuấn vừa đậu vào đại học sư phạm.

Hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau thông cảm nhau hơn bao giờ, bà Cam và Thịnh không còn kèn cựa nhau ngoài chợ nữa mà trái lại Thịnh hay qua lại nhà bà Cam như chỗ thân tình. Bà Cam tinh ý biết Thịnh thích Tuấn và Tuấn cũng thích Thịnh. Hai đứa đã yêu nhau nên khi Tuấn đòi lấy vợ, lấy Thịnh, thì bà Cam không ngạc nhiên. Nay mai Tuấn ra trường là thày giáo cũng hiền lành an phận như bố, Tuấn cần có một người vợ lanh lợi giỏi giang bên cạnh như chồng bà đã có bà. Không ai khác ngoài Thịnh đủ tiêu chuẩn cho bà kén chọn để nên duyên với con trai bà. Thịnh tài giỏi tay trắng từ miền Trung nghèo khổ tha phương vào Sài Gòn nuôi em ăn học và có ít vốn liếng trong tay.

 

Lấy chồng, nhờ mẹ chồng giúp thêm vốn Thịnh đã sang được một sạp vải trong chợ An Đông, nàng ngồi chảnh chọe bên đống vải đủ màu sắc thơm tho không còn là con nhỏ bán gà phơi mặt ngồi ngoài chợ bên mấy lồng gà nhếch nhác nữa.

 

*

 

Với tài sản của nhà chồng và của nàng, Thịnh đã móc nối hùn vốn trong một chuyến vượt biên, mang được gia đình nhỏ của nàng gồm hai vợ chồng hai đứa con nhỏ, bà mẹ chồng và đứa em trai của nàng cùng theo.

 

Sang Mỹ trong khi Tuấn học lại thì Thịnh đi làm nail. Khi Tuấn ra trường kỹ sư thì Thịnh đã làm chủ một tiệm nail đông khách, nàng biết cách làm ăn, luôn giá cả hợp lý và chất lượng thì khách hàng sẽ tín nhiệm và lâu dài. Điều này chính bà Cam cũng phải phục con dâu, ngày xưa bán gà bà chuyên qua mặt khách hàng, gà sắp toi, sắp rù bà vẫn đẩy đưa hay bắt chẹt khách phải mua bằng được hèn gì càng về sau hàng gà của bà càng ế. Lúc còn ở Việt Nam Tuấn là thày giáo nàng bán vải ngoài chợ, nay Tuấn là kỹ sư nàng là chủ tiệm nail, thời nào vai vế nàng cũng không bằng chồng nhưng kiếm tiền không thua gì chồng.

 

Hiện nay chị em Thịnh đã bảo lãnh kẻ trước người sau tất cả gia đình còn lại sang Mỹ, đám người miền Trung ấy ai cũng đến tiêm nail của Thịnh khởi đầu kiếm tiền sau đó chăm chỉ học hành, chịu khó làm việc nên ai phận nấy đều có cuộc sống riêng đầy đủ.

 

Bà Cam sống chung với vợ chồng Tuấn-Thịnh. Hai bà bán gà chợ An Đông ngày xưa, một nhỏ tuổi, một lớn tuổi là đối thủ của nhau có ngờ đâu sẽ là tình thân ràng buộc và sống chung nhà mấy chục năm như thế này. Bà Cam hài lòng thấy con dâu cùng chồng nó nên nhà nên cửa, hai đứa cháu nội ngoan học giỏi, bà thầm cám ơn trời Phật, số phận đưa đẩy cho bà gặp Thịnh, dù thuở ban đầu ấy bà chỉ muốn băm vằm nó ra mấy chục mảnh mỗi khi mất khách hàng vào tay nó.


Nhưng cuộc sống không sao tránh khỏi những va chạm bất đồng. Bà Cam đã 90 sức khỏe vẫn tốt so với tuổi tác, thỉnh thoảng bà dở chứng, dở hơi, giận hờn sinh sự, lải nhải la mắng con dâu. Ngày xưa chỉ là người dưng cạnh tranh nhau buôn bán, bà Cam liếc nguýt, chửi cạnh khóe xỏ xiên Thịnh còn nhịn được, thì ngày nay Thịnh chấp nhất làm gì bà mẹ chồng tuổi già tính nết thất thường. Nàng thường nói:

 

– Ôi, cứ để bà đanh đá chửi cho sướng miệng. Thế mới đúng là bà Cam bán gà chợ An Đông ngày xưa chứ.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương

(August 21, 2022)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.