Hôm nay,  

Trái tim nhiều ngăn

20/10/202210:37:00(Xem: 2175)
Truyện ngắn

Tuổi ngọc-Tranh Đỗ Duy Tuấn
Tuổi ngọc -- Tranh Đỗ Duy Tuấn.


 

Em đa tình lắm nên anh chẳng,
Có được ngăn nào trong tim em.

Em vô tình quá nhưng anh vẫn,
Kiên nhẫn nghe em kể chuyện tình
.

                                                                                                                                   

Không kể thời tiểu học có giờ tập chép, cô đã bắt đầu tự nguyện bận rộn với giấy bút từ khi chập chững vào trung học. Cô tập chép thơ, chép văn, chép các danh ngôn... Cô ghi ghi, chép chép bất cứ thứ gì cô nhìn thấy mát mắt, cô đọc nghe êm tai. Cô còn có thời kỳ chép tranh nữa. Cô bắt chước mấy ông họa sĩ của Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, vẽ các cô bé mắt to, tay chống cằm, tay cầm cọng cỏ, hoặc vẽ các thiếu nữ dáng gầy guộc, trông đúng như những cây gậy biết suy nghĩ. Thuở cô chưa biết trái tim con người nằm ở bên phải hay bên trái của lồng ngực, cô đã trích dẫn đâu đó: Trái tim là vật duy nhất, mà người ta có thể làm vỡ nhiều lần. Rồi cô lại sưu tầm câu khác: Con tim có lý lẽ riêng của nó, mà lý trí chẳng bao giờ hiểu được. Thiệt ra, nào có phải cô thấm ý những câu nói ấy đâu. Mà, hình như cô có tật “sính” chữ nghĩa có liên quan đến trái tim, con tim. Cứ vậy, cô thơ thơ, thẩn thẩn với những ý tưởng gần xa, có dính dáng đến chữ tim.

 

Biến cố 1975 xảy ra, khi cô đang năm cuối trung học đệ nhất cấp trường Nữ Trung Học. Bấy giờ, ai nấy có cảm tưởng như đang bên bờ vực thẳm. Có bộ ba chàng thanh niên hay đi chung với nhau đến quán cà phê nhà cô: chàng-nhanh-nhẩu, chàng-trầm-lặng và chàng-tươi-vui. Họ là bạn trang lứa với ông anh cô. Những ngày tháng đó, bao người trong tâm trạng nhấp nhỏm, sắp sửa phải từ biệt quê nhà. Một chiều, chàng-nhanh-nhẩu đến sớm, đến một mình, báo tin là chàng sẽ rời thị xã để đi thật xa. Chàng hỏi, cô có lời nào cho chàng không. Thường, tính cô nghịch ngợm, có dịp, cô khuân ngay cái tủ đứng, kê vào miệng người ta, cho họ tắt tiếng luôn. Nhưng hôm đó, không hiểu sao, cô chỉ hiền từ chúc chàng đi bình yên, may mắn. Đến tối, chàng-nhanh-nhẩu trở lại quán, đi chung với bộ ba như thường lệ. Chàng-trầm-lặng, thường ít nói, bỗng dưng bắt chuyện với cô. Dường như chàng-trầm-lặng được lòng cô hơn, nhờ tính ít nói của chàng. Chàng cũng đôi lời từ giã và hỏi cô có chúc gì chàng không. Vừa lúc ấy, chàng-tươi-vui cười cười, góp lời chào. Chàng-nhanh-nhẩu cắt ngang liền:

 

– Trễ rồi mấy ông bạn ơi! Bao nhiêu lời chúc đẹp nhất của trái tim, cô ấy đã dành cho tôi rồi. Mà mỗi người chỉ có một trái tim thôi mấy ông ạ!

 

Thấy chàng-trầm-lặng có vẻ tiu nghỉu, trong khi chàng-nhanh-nhẩu đang nhơn nhơn, cô bèn thỏ thẻ:

 

– Mỗi người chỉ có một trái tim. Nhưng mỗi trái tim lại có nhiều ngăn.

 

Thiệt ra, cô chỉ muốn “cứu bồ” cho chàng-trầm-lặng thôi. Chứ lúc ở tuổi đó, cô nào đã biết được chức năng của con tim đâu. Vậy mà, sau này, có lần tình cờ gặp lại, nhanh-nhẩu-công-tử còn nhắc chuyện xưa. Rằng, thuở ấy, chàng chỉ là một cậu bé mới lớn chưa hiểu đời. Nghe cô nói, tim cô có nhiều ngăn, chàng rét quá. Bởi, ngay trong đời sống bình thường, chàng đã cảm thấy vất vả tranh đua, nhưng vẫn thua kém bạn bè. Thì, dẫu có may mắn chiếm được một ngăn nhỏ trong tim cô, trước sau gì chàng cũng không giữ được. Cô đã cười khật khừ, bảo chàng: “Trời đất! Sao mà nghiêm trọng hóa lời con trẻ”. Cô “tuyên bố” có vẻ ngông nghênh, vì hồi đó cô có hiểu biết gì về tim đâu. Vì, kiểu điếc không sợ súng. Chớ tới khi biết, thấy sự khác biệt giữa trái tim và quả tim, cô nào dám mau miệng, lanh mồm như vậy.

 

Thời gian vừa mới sau tháng tư năm 1975, không biết vì lẽ gì, tập thơ chép tay của cô lọt vào mắt một ông thi sĩ bộ đội. Ông dán mắt trên những trang của cuốn vở có bìa hình con nai, với các đường kẻ màu xanh nhạt. Ông chăm chú đọc những câu thơ cô nắn nót:

 

Yêu có phải suốt đời níu giữ

Một điều gì không có trong tay

Yêu có phải là cần thay thế

Những cơn buồn vô cớ trong tôi

 

Sau bài thơ dài của thi sĩ Cao Thoại Châu, cô vẽ vài ba khúc cây ngoằn ngoèo, khẳng khiu. Rồi tiếp thêm mấy câu của thi sĩ Phùng Quán:

 

Yêu ai thì bảo rằng yêu

Ghét ai thì bảo rằng ghét...

 

Ông bộ đội nhìn cô, đăm chiêu nhíu mày:

 

– Ối giời! Còn bé thế, mà sao lãng mạn quá!

 

Mặc dầu ngan ngán cái vỏ “cách mạng” của ông thi sĩ bộ đội, cô vẫn nghinh nghinh nhìn ông:

 

– Thứ nhất, tui không phải bé thế. Thứ hai, lãng mạn thì đã sao!

 

Nói cho ngay, ông bộ đội gắn nhãn lãng mạn cho cô là hơi hố. Thật ra, cô chép mấy câu thơ, vì cô nghe êm tai. Chứ cô đã yêu hồi nào đâu, mà đòi định nghĩa này nọ.

 

Dù đã “trang bị” cho mình bao nhiêu là văn xuôi, văn vần của cổ kim đông tây, nhưng trái tim cô dường như chỉ biết “học”, chứ chưa biết “hành” những kiến thức về hoạt động của trái tim.

Một hôm, nhỏ bạn cùng lớp, rù rì:

 

– Ông bạn của ông anh tao đó, ổng biểu tao đưa bài thơ này cho mày nè.

 

Em rực rỡ giữa phố chiều đô thị

Mỉm môi cười thơm ngát nụ tin yêu

Đời mở cửa và thiên đường mở cửa

Em đã vào xao xuyến biết bao nhiêu

....

Giờ đã biết tim em bằng đá cuội

Buổi quay về sám hối nhuộm vàng tay

Ngồi thật lâu bên tách cà phê cuối

Xin vẫy chào khói ảo vọng bay bay

(Trầm Thụy Du)

 

Cô đọc, cười khúc khích với nhỏ bạn:

 

– Mày coi, tao có cần đi bác sĩ chụp quang tuyến, coi thử tim tao bằng đá cuội trắng, cuội vàng, cuội xám...

 

Nhỏ bạn, (chắc hơi bực bực giùm cho ông bạn của anh mình), lườm cô dài ngoằng, gắt:

 

– Khỉ đâu không! Ảnh nói thiệt, mà mày còn giỡn gì đâu à.

 

Cô không trả lời, trả vốn với nhỏ bạn, để nó về trình lại với ông anh. Cô cũng không kể cho nó nghe, rằng, cô đã gò bút trong màu mực tím, chép bài thơ của “ảnh” vào cuốn tập của cô. Đọc lui, đọc tới bài thơ, cô nghe, hình như những viên cuội trong tim cũng lao xao...

 

Những năm tiếp theo đó, nhiều biến động không ngừng của cuộc sống đã buộc cô xao nhãng thú vui ghi chép của cô. Cô bước lên xe hoa khi tuổi cô được một phần tư thế kỷ. Cô hết là cô bé mơ mộng, thơ thẩn. Cô yên vui chuyện nhà. Cô thôi không chép thơ. Cô không còn tẳn mẳn, tìm tòi các danh ngôn có chữ tim. Nhiều năm, cô chẳng quan tâm đến “sinh hoạt” của trái tim cô. Nếu có, họa chăng, cô để ý đến những lời khuyên của bác sĩ, để giữ cho quả tim khỏe mạnh mà thôi. Thỉnh thoảng bạn bè nhắc chuyện ngày xưa. Cô nghe hờ hững. Có lúc như muốn buột miệng hỏi: “Ủa, mày chắc không? Cái con nhỏ mà mày đang diễn tả nãy giờ là tao hả? ” Cuộc sống của cô êm thắm, đơn giản. Cô hình như nhuần nhuyễn chia động từ “sống” ở thì hiện tại và tương lai. Thật ra, quan niệm sống của cô chẳng hề liên quan đến những kế hoạch năm năm, mười năm vớ vẩn của thời cô xất bất, xang bang chạy gạo ở quê nhà. Cuộc sống nơi quê người hối hả quá. Cùng chồng con, cô lăng xăng với những dự tính đường gần, đường xa trước mặt. Bao giờ trả dứt nợ mua nhà. Bao giờ con cái học hành xong. Thậm chí, bao giờ cô sẽ lên chức bà nội, ngoại...

 

Tình cờ cô gặp một người quen xưa. Gọi là người quen, nhưng chỉ là quen... một chiều. Cô mù tịt, không thể nhớ anh là ai trong cái thị xã bé tí, nơi cô đã sống thời thơ ấu gần bốn thập niên trước. Nơi xứ lạ, có người nhắc đến quê nhà, bỗng nhiên, cô nao nao, tiếc nuối vẩn vơ. Anh biết cô, biết gia đình cô, biết bạn bè cô. Hỏi ra, anh và cô có rất nhiều kỷ niệm chung ở chốn xưa xa lắc, xa lơ đó. Hỏi ra, anh nhớ những bài thơ mà cô vẫn còn thuộc lòng. Hỏi ra, những bài hát anh thích là những lời nhạc cô thương. Giữa những bận rộn của hành trình vào tương lai cô đã vạch sẵn, cô chậm chân, lắng nghe con tim mình như có những nhịp nhộn vui, bất ngờ. Qua những lời kể của anh, cô như thấy lại những ngày tháng thật êm đềm trong không gian thân thiết. Nơi đó, hầu như ai cũng quen biết nhau. Bởi thế, có người dám đùa rằng, dân cư của thị xã này, nếu không là bà con họ hàng, thì hẳn là... bồ nhau. Thuở đó, nữ sinh chỉ măc áo dài khi đến trường trung học. Đi học thêm, đi công chuyện, đi chợ... thì các cô bé thường mặc đồ bộ. Quần tây, áo sơ mi chỉ mặc vào dịp tết hoặc đi dự đại tiệc. Anh kể, anh hay thấy cô đi ngang qua nhà anh, trên đường đến các lớp ngoại ngữ học thêm buổi tối. Cô không xuất hiện với tóc dài tà áo vờn bay, mà gọn gàng trong trang phục của đồ bộ,  áo quần may cùng loại vải. Thời trang hiện đại, người ta có thể lầm tưởng đồ bộ là pyjamas, áo quần mặc ngủ. Nhưng thời của cô, được mặc đồ bộ thay thế áo đầm, là đã có cảm tưởng mình sắp sửa làm người lớn. Đáp lễ với các chuyện “cổ tích” của anh, cô thỉnh thoảng kể chuyện ngày xửa, ngày xưa. Nhớ đến đâu, kể đến đó. Cô nghĩ, giống như giờ tập làm văn. Hồi nhỏ, cô giáo ra bài tả cảnh ngày khai trường, tả người nông dân. Bây giờ, cô ghi lại cảnh ngày cô bỏ trường mà đi, cô tả anh hàng xóm... Cô huyên thuyên kể chuyện trường lớp ngày xưa. Cô tưởng anh sẽ vỗ tay tán thưởng, khen cô tập làm văn giỏi. Mà sao cô chẳng nghe anh ừ hử như thường lệ. Cô khựng lại, ủa sao vậy. Anh lừng khừng:

 

– Anh nghẹn.

 

Cô hỏi han:

 

– Có đau ốm, cảm cúm gì không?

 

Anh không trả lời câu hỏi, mà lại uể oải cắt nghĩa:

 

– Tiếng Hán có chiết tự, tiếng Việt của mình cũng vậy đó.

 

Cô chống cằm suy nghĩ. Sao hè, để coi, mình thử chiết tự. Sau một hồi mằn mò, lật xuôi, lật ngược mấy con chữ, cuối cùng cô nghe mình đang lẩm nhẩm đánh vần lúc còn học... mẫu giáo. Anh-nờ-ghen-nặng nghẹn. Cô vội lập cập đính chính:

 

– Ui thôi mà! Chấp nê chi ba cái chuyện trời ơi đất hỡi hồi còn nhỏ dại.

 

Rồi lâu lâu, cô sực nhớ chuyện này, chuyện nọ, người ấy, người kia... Cô rỉ rả kể tiếp. Nghĩ, mình như người viết sử. Nhớ sao, biết sao, thì kể vậy, thuật nhi bất tác. Chớ cô có hề sử dụng chiến lược, chiến thuật “cách sơn đả ngưu” gì đâu. Cô đang đều giọng đọc “sử”, anh bỗng ra dấu cắt ngang. Anh xưng là Gã Khờ Đến Chậm. Ủa, anh đổi tên họ hồi nào vậy kìa. Cô chưa kịp nêu thắc mắc của mình về chuyện danh xưng của anh, thì lại nghe lời bàn của anh về công việc “sử học” của cô:

 

Em đa tình lắm nên anh chẳng,

Có được ngăn nào trong tim em.

Em vô tình quá nhưng anh vẫn,

Kiên nhẫn nghe em kể chuyện tình.

 

Ôi chao, ngó bộ cô làm ơn mắc oán rồi. Cô suy nghĩ lung lắm. Cô chợt nhớ mẩu đối thoại có liên quan đến trái tim của mấy thập niên trước. Ô, hình như hồi đó cô tiên đoán đúng. Trái tim cô có rất nhiều ngăn. Có những ngăn lớn cô dành cho đại gia đình và tiểu gia đình của cô. Rồi lủ khủ bao nhiêu ngăn cho bạn bè, người quen, (cho dù một nhạc sĩ rất nổi tiếng, đã ưu tư rằng triệu người quen có mấy người thân). Bỗng nhiên, cô phát giác ra mình có cái tật mê chuyện ngày xưa. Mà đã là tật, đâu bao giờ bỏ được. Nghe anh thuật chuyện, hồi đó thế này, hồi đó như vầy... Cô thương thương cái con bé ngày ấy trong bộ đồ ca-rô nhuyễn mầu xanh da trời, có nút vải thắt hình con bướm. Cô như thấy con bé đang bước vội trên con đường chính của thị xã, đường Quang Trung. Trong nhà bước ra, đi hoài phía tay phải sẽ thấy sông Trà Khúc. Đi miết phía bên trái sẽ thấy sông Vệ. Con bé đi dọc bao nhiêu cửa hiệu. Nào là nhà sách, tiệm thuốc tây, tiệm tạp hóa, nhà may... Con bé cẩn thận băng qua đường ở ngã tư chính, rồi đi qua nhà anh. Con bé rẽ vào đường Võ Tánh, rảo bước cho kịp giờ học tối. Có lẽ, anh chẳng hề huýt sáo, gây sự chú ý của con bé. Mà thuở ấy, anh cũng chưa biết đến bài hát... chàng lặng đi theo nàng hát vu vơ mấy câu nhạc tình... Cho nên, nhiều ngày tháng đi trên con đường đó, ngang qua nhà anh, cô chưa lúc nào bối rối vì ánh mắt trông theo... Bỗng nhiên, trong trí cô vang lên những lời nhạc tuyệt vời ....

 

Con tim tha hương thiết tha mong chờ

Một nhịp cầu duyên nối qua đôi bờ....

 

Cô ngồi yên thật lâu. Trái tim nhiều ngăn của cô như đang chông chênh lỡ nhịp...

 

Có đến.... con đường đó.... trao giùm đôi lời.

Rằng phương xa.... vẫn nhớ.... một người ....

 

Hoàng Quân

 

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

 

Bài Không Tên Số 4 của nhạc sĩ Vũ Thành An

Gặp Nhau Làm Ngơ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Mưa Lệ của nhạc sĩ Lam Phương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.