Hôm nay,  

Cái ổ gà ấp

5/8/202217:41:00(View: 3055)

Truyện ngắn -- Ngày Của Mẹ

baby chick



Cái ổ gà ấy tôi quý lắm, bây giờ nhớ lại vẫn quý mà mơ hồ như những chú gà con mới nở, đẹp như những nắm bông gòn, tròn trịa, trắng tinh ấy vẫn còn loanh quanh luẩn quẩn xung quanh tôi, kêu chiếp chiếp. Nó gọi tôi, chúng nó gọi chúng tôi đi giã gạo thành tấm, mang tới cho chúng ăn. Ôi những cái mỏ xinh xinh mổ mổ những hạt gạo tấm tinh khôi, tất cả đều tinh khôi như là những thiên thần.

 

Nay lại là cái tháng 4 năm ấy. Tôi nhớ lắm, trong cái buồn cũng có lẫn lộn tí chút cái vui mơ hồ còn trẻ! Sau 30/04/1975 thì bố tôi bỏ hàng ngũ chiến binh, về nhà, rồi trình diện đi học tập. Học tập bảo 10 ngày, rồi ròng rã lâu quá không về… lâu quá là lâu, nhà còn gì ăn đâu, nên mẹ tôi phải lăn ra đi bán chợ trời kiếm ăn cho 5 anh chị em tôi. Mới đầu là bán buôn chợ trời, sau dần bị áo vàng đuổi lên đuổi xuống, mẹ tôi chán nản theo bạn hàng đi Cam Bốt buôn hàng chuyến, chủ yếu là gạo, bột ngọt, thuốc men về bán chui ở Sài Gòn. Mẹ tôi đi có khi 3 ngày, có lần cả 1 tuần lễ nếu có hẹn lấy được nhiều hàng mang về. Mẹ tôi cũng lần lần lanh lẹ và khôn ra so với ngày trước có khi lơ mơ, không cần so đo tính toán. Thế mới biết « đi một ngày đàng học được một sàng khôn » là đúng.

 

Năm 1978, là năm cạn kiệt, khan hiếm gạo nhất, nhiều người đói lắm, gạo bị cấm ở xa cảng miền tây khó vào lọt nội thành, đói, đói lắm, có nhà cứ phải ăn cháo, nhà nước cộng sản bán gạo tổ, gọi là gạo chứ toàn là bo bo hầm hoài vừa tốn củi lửa và vừa đau bao tử. Nhưng may ơi là may, có một lần mẹ tôi trở về nhà vào lúc gần 5 giờ sáng, bà mang về cho chúng tôi một bao gạo, quý ơi là quý, gần 40 kí gạo trắng. Vì là gạo quý nên mẹ và anh Hai tôi khuân lên lầu trên cất giấu dưới gầm giường và lấy một tấm mền phủ lên. Mẹ dặn để mấy đứa ăn dần, mỗi ngày 3 lon thôi, đừng nói cho ai hay. Ngay cả bác Trùm là chị của ba tôi, hay dì Trường là em mẹ tôi, cũng không được, nghĩa là tuyệt đối cấm kị không một ai biết nhà mình có gạo!

 

Mẹ tôi còn dọa: « Ai mà biết nhà mình có gạo, là mẹ sẽ bị công an bắt bỏ tù và 5 đứa con sẽ chết đói ». Rồi mẹ hứa: « Nếu các con ngoan, vâng lời, ở nhà trông nom lẫn nhau, không đánh lộn cãi lộn… nhất là giữ cái bị mật gạo ấy thì tuần tới mẹ sẽ mang về cho một bao gạo nữa… »

 

Từ hôm đó, thì 5 chúng tôi không phải ăn bo bo nữa, đồ quỷ này hồi xưa là để cho ngựa ăn, giờ cộng sản nó cho ngưòi ăn, nhưng anh trai và chị Ba tôi vẫn hằng tháng mang sổ ra tổ dân phố và ra cửa hàng mua bo bo  theo quy định, rồi đổ gom vào cái lu sành ngay lối cửa xuống bếp, cũng đậy nắp lại cẩn thận. Hằng ngày anh chị em tôi lặng lẽ lên lầu lấy gạo nấu cơm, ăn như thường lệ và ăn kín đáo với trứng gà hấp chín trong nồi cơm, trứng gà, mẹ cũng chu đáo mua sẵn để giấu dưới mấy cái chăn mền trong placard. Mỗi bữa ăn xong, chị Ba mang nồi cơm cọ rửa sạch sẽ, treo lên giá treo đồ trong bếp, chẳng ai biết tụi tôi có cơm nguyên ăn, không ăn độn.

 

Dì Trường ở cuối xóm, mỗi lần đi ngang nhà tôi, có ghé vô thăm các cháu, lần nào dở cái nắp lu sành đựng bo bo  cạnh ngạch cửa, dì cũng kêu lên:

 

« Ô hay, thế chúng mày nhịn ăn à, tao thấy khạp lương thực lúc nào cũng như vậy là sao ».

 

Tụi tôi 5 cái miệng lao nhao, trả lời dì, nói láo như ranh:

 

« Dì khỏi lo, tụi cháu đều ăn cơm nhà bác Trùm! »

 

 

« Ờ, vậy cũng được, bác Trùm lo cho tụi bay, tao yên trí, chứ tụi bây nấu nướng củi lửa sợ có ngày cháy nhà ».

 

Rồi dì tong tả đi luôn.

 

Một hôm, hình như gần tết, dì lại dòm cái lu đựng bo bo nhà tôi, rồi bảo anh Hai và chị Ba tôi đứng nghe cạnh đó:

 

« Hay là các cháu không ăn bo bo, cho dì vay tạm một nửa thùng đi, dì đang kẹt có khách ở ngoài bắc vô ăn, tốn lắm ».

 

Anh Hai còn đang ngần ngừ, thì chị Ba tôi mau miệng nói:

 

« Vay mượn cái gì… Hay là nhà dì có cái gì hay hay mang lại đây… đổi lấy bo bo nhà cháu! »

 

« Mẹ mày về thì sao? »

 

« Ối, dì đừng ngại, mẹ cháu đi cả tuần mới về. Với lại ở nhà, cái gì thì tùy tụi cháu lo lắng cả, dì cứ về ôm cái gì lại đây, cháu đổi cho, chừng đây bo bo dì ăn mệt nghỉ ».

 

« Tao có cái ổ gà đang ấp, con gà mái hoa mơ đang ấp một ổ trứng 16 trứng, ấp 10 ngày rồi, khoảng hai tuần lễ nữa sẽ nở ra gà con. »

 

Tụi tôi mừng khôn xiết, bảo dì:

 

« Ồ, vậy thì tụi cháu bằng lòng đổi, đổi gà ấp lấy bo bo, dì lấy bo bo, tụi cháu lấy ổ gà đang ấp. Hoan hô dì Trường, hoan hô! »

 

« Khẽ khẽ cái mồm chứ, suỵt, nói nhỏ thôi! »

 

Nói xong dì thoát ra cửa và nửa giờ sau dì khệ nệ hạ cái rổ có úp cái nón lá từ trên đầu xuống, dì cũng cẩn thận đóng cửa ra vào, rồi dậy tụi tôi, nào là mang nước đến, một cái bát nước nhỏ đặt bên ổ ấp, nào là một bát gạo hay bắp giã nhỏ cũng để bên ổ gà, ổ gà để nơi kín đáo, không ai thấy và không có gió lùa. Rồi dì sung sướng mang bọc bo bo đi.

 

Tụi tôi, 5 anh chị em cũng sung sướng ngồi quanh, ngắm cái ổ gà ấp. Ôi đây là một bà mẹ gà hoa mơ xinh đẹp và bà đang ấp ủ cái ổ trứng trìu mến quá.

 

Từ hôm có cái ổ gà ấp trong nhà, tụi tôi 5 anh chị em ít đi ra ngoài, có hôm có đứa trốn học không tới trường lớp, cô giáo chiều có ghé qua hỏi thăm biết tôi không đau ốm, cô yên tâm ra về. Cả ngày, mấy đứa tôi ngồi vây quanh cái ổ gà, con gà mẹ sung sướng biết là được cưng quý, thỉnh thoảng kêu cục cục rồi nghiêng đầu qua phải ngó anh Phương, chị Huyền, chán rồi lại nghiêng má qua trái nhìn Chương và Uyên âu yếm lắm. Tôi nghịch ngợm thò nhẹ tay vào ổ xoa xoa cái trứng bé nhỏ lộ ra. Bốp! Gà mẹ mổ vào cổ tay tôi một cái thật nhanh, đau điếng người, tôi rụt tay lại. Anh Chương, chị Uyên đồng thanh bảo:

 

« Út ơi, đừng đụng tay vô trứng của nó, nó bảo vệ con nó đó, một lần đau cho mầy tởn ».

 

Cả ngày và những ngày sau, chúng tôi cũng ít khi đi ra ngoài, chỉ ở nhà, ngồi xổm, vây quanh cái ổ gà ấp, bàn tán chỉ chỏ. Có những lần bác Trùm vào thăm chừng chúng tôi, nhưng chúng tôi đóng cửa cài then trong kín mít, gọi hoài không đứa nào trả lời, bác cậy được cửa sổ, hỏi vọng vào:

 

« Ô, chúng mày làm sao trong ấy vậy, bác gọi cửa không mở là sao? »

 

Chúng tôi đồng thanh trả lời bác, cũng cái kiểu nói láo như thần:

 

« Chúng cháu đang tập đóng cải lương, tuồng cải lương Lá Sầu Riêng. Bác vô đây, kỳ lắm, bác về đi! »

 

« Cải lương à, chúng mày mà biết đóng cải lương? Mở cửa mau tao coi! »

 

Thấy gay go quá, chị Uyên, chị thứ ba vội tiến ra cửa sổ thưa với bác Trùm:

 

« Tụi cháu không có ốm đau gì đâu mà bác lo, tụi cháu mạnh cùi cụi à, sáng nay tổ lương thực bán bánh mì thay gạo, tụi cháu ngốn bánh mì với chuối, no căng bụng rồi. Bác về đi, tụi cháu bận đóng tuồng Lá Sầu Riêng giống cô đào Kim Cương. Thiệt mà, bác mà vô tụi cháu mắc cỡ lắm ».

 

« Thôi được, chiều tao vô lại, tuồng với chẳng kịch, « sầu chung » còn đang chết dở đây, tụi mày làm tuồng « sầu riêng » mần chi. Chiều tao vô lại coi chừng nhe ».

 

Bác hăm he rồi cũng phải bỏ đi vì tụi tôi nhất định tử thủ không mở cửa, tụi tôi tự nấu cơm ăn rồi suốt ngày loay hoay xung quanh ổ gà ấp, sung sướng và thú vị nhìn những con gà đụng đụng cái vỏ trứng rồi thò cái đầu xinh xinh ra chào tụi tôi. Gà mẹ thì được tụi tôi mở cửa sau cho ra sân bếp hứng ánh sáng một đôi khi, cho khỏi cuồng cẳng. Nó đi loanh quanh qua chỗ rửa chén bát, leo lên bể nước kêu « cúc cúc » vài tiếng rồi lại trở về ổ.

 

Mấy ngày sau đàn con đẹp như những nắm xôi vò nhỏ nhỏ, xinh xinh đã cúc cúc theo gà mẹ đi loanh quanh trong nhà, anh chị em tôi dẹp gọn bàn, ghế, tủ, vô một bên cho gà mẹ gà con dắt díu nhau cúc cúc. Chúng tôi cứ thế ngắm nghía mẹ con nó hàng giờ, hàng giờ không chán mắt. Chúng tôi thay nhau bốc từng nắm gạo, mang giã nhỏ, vãi đầy ra nhà, mẹ con gà tiện đâu ăn ở đó, và chúng cũng phóng uế tùm lum. Thú vị nhất là khi có một tiếng động nhỏ, lũ gà con vội chạy lại núp gọn dưới bụng và đôi cánh của mẹ.

 

Không hiểu vì sao chuyến này mẹ tôi đi lâu thế, dễ đến hơn 10 ngày, mà anh chị em tôi có để ý gì đâu, cứ mải vui với gà mẹ gà con. Rồi thì mẹ cũng về. Hôm mẹ về, nghe đập cửa, chúng tôi cũng tưởng bác Trùm hay dì Trường, nên không mở cửa. Mãi sau nghe ra tiếng mẹ gọi, chị Huyền ra tháo then cài cửa:

 

« Ô mẹ, mẹ về, mẹ về! »

 

Mẹ tôi vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, mẹ tôi nhìn dáo dác và kinh ngạc thấy một bầy gà mẹ gà con chạy lăng xăng khắp nhà:

 

« Ơ hay, gà ở đâu ra vậy? Tại sao các con lại nuôi gà ở đây? Ôi, nhà cửa gì mà dơ bẩn, kinh tởm quá? »

 

Mẹ tôi thất thần khi nghe chúng tôi kể lại chuyện mang bo bo đổi cho dì Trường ổ gà ấp. Chuyện lỡ rồi, bà chỉ biết lắc đầu:

 

« Con với cái, con với cái ».

 

Sau đó bà bắt chúng tôi mang gà mẹ gà con đi trả lại cho dì Trường, bà cũng ra lệnh là không được đòi lại bo bo. Chị em tôi buồn mất mấy ngày sau đó vì rất tiếc đàn gà. Rồi suốt hai ngày sau, bà bắt chị em tôi mang chăn, màn, chiếu, gối ra giặt, rồi lau nhà, nghĩa là tổng vệ sinh nơi ở. Bà luôn miệng lặp lại câu « Ghê quá! Ghê quá! Tao mà tìm ra cái chổi lông gà thì tụi bay sẽ ốm đòn, no đòn với tao » Tụi tôi tức và sụt sịt khóc… tiếc gà!

 

Tôi quên bẵng đi cái đàn gà con ấy cho tới ngày sang Mỹ này, nghĩa là ra ngoại quốc rồi. Một hôm tôi đi thăm trại ấp gà của chú tôi ở Atlanta, tôi thấy cả trăm, cả ngàn con gà trong trại gà ấp, tôi se sắt trong lòng nhớ những con gà con của tôi khi xưa. Tôi bần thần, hai má nóng ran. Ồ, sao gà con nó giống nhau thế, chắc hẳn có những con gà con của tôi lẫn lộn vô đây! Tôi điên rồi, gà của tôi đã mấy chục năm rồi mà, nhưng chúng đó, chúng như những nắm xôi di động, cũng đẹp như những nắm bông gòn! Rồi đèn ấp, sưởi ấm bật, tắt, bật, tắt… Hàng trăm con gà con chạy giạt qua, giạt lại tìm hơi ấm vì chúng không có gà mẹ. Ôi chao ôi, thân phận con gà cũng như con người, sinh ra đời không có mẹ thì khổ làm sao, bơ vơ và chơ vơ làm sao?

 

Nếu như khoa học có một ngày nào đó -- giả thử khoa học họ nổi điên -- họ làm clône ra những con người, những con người không cha không mẹ, những con người mồ côi và bơ vơ này, nhiều nhiều lắm, những con người do clône này sinh ra, thì người ta sẽ gọi họ là gì? Là người hay là gà?

 

Có khi nào clône ra người để cầm súng đi bắn giết nhau không? Khi người ta chiến đấu không vì tự do, không vì dân tộc, không vì quê hương… chỉ vì xâm lược, họ có phải là đều được clône ra không?

 

-- Chúc Thanh

(8/5/2022)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Đây là chuyện tình yêu xưa, xa xưa lắm rồi, nhưng dư âm vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ chúng ta hôm nay… hình như con người sống nương tựa rất nhiều vào tình yêu… tình yêu cho con người nhiều ý nghĩa thiêng liêng, nhiều gia vị đậm đà đáng sống. Nếu hỏi tại sao là vậy, thì thưa rằng bên cạnh tình yêu và cuộc mưu sinh, ta còn có những gì? Bầu cử ư, bầu cử đã qua rồi, ngã ngũ rồi, không còn gì để bàn nữa. Nhưng nếu bạn muốn theo dõi hậu bầu cử, đó cũng là ưu điểm, coi thế sự cuộc đời sẽ diễn tiến ra sao những ngày sắp tới. Trước mắt, bên cạnh, xung quanh còn vây phủ đe dọa đầy chiến tranh tàn khốc hủy diệt đe dọa sự sống còn của nhân loại bằng những vũ khí của khoa học hiện đại tân tiến, cộng với lòng ác độc của tham vọng, của chính trị không phương giải quyết.
Một người bạn nói với tôi rằng có những bài thơ hoặc những đoạn văn nằm hoài trong đầu của mình từ hồi còn nhỏ, nên khi được nhắc tới thì tự động tuôn ra. Tôi thấy có lý. Mỗi khi có dịp nói chuyện với ai về lòng biết ơn, tôi cứ như theo quán tính, chia sẻ một bài thơ ngày xưa tôi học ở bậc Tiểu Học. Không hiểu vì sao! Vì mình có tính hoài cổ? Hay vì đầu óc tuổi nhỏ dễ khắc ghi? Hay vì đây là bài học bắt buộc trong sách giáo khoa? Hay chỉ đơn giản là vì bài thơ có lời lẽ giản dị mà sâu sắc?
Nắng đã tắt từ lâu. Trời đen thẫm bên ngoài. Mùa đã về qua những chiếc lá vàng rơi rải rác theo những câu thơ trong những tạp chí văn chương của thành phố. Mùa thu nằm co trên trang giấy. Heo may lẩn quẩn đầu môi những kẻ gạ tình. Không có mùa thu ngoài đời sống ở nơi này. Hơi nóng vẫn râm ran không khí. Bên ngoài vắng gió. Trong này, chiếc quạt trần lờ lững quay. Và cuộc đối thoại nhì nhằng mãi chẳng đi đến đâu.
Đi dạo trong công viên Vigelandsanlegget, trời rét căm căm. Bỗng dưng, tôi nghe tiếng nhạc réo rắt. Một nhạc công phong cầm ngồi giữa băng tuyết, đang chơi bài Sóng Nước Biếc. Thật là tình cờ kỳ diệu. Mới hôm qua, hôm kia, ở Đức, khi chậm chân nghe nhạc công chơi phong cầm ở nhà ga, trí tôi lao xao nhạc điệu bài Sóng Nước Biếc. Bươn bả chạy nhanh cho kịp giờ xe, tôi tiếc, định bụng hôm nào thuận tiện sẽ đến yêu cầu. Hôm nay, ở Oslo, tôi được nghe Waves of the Danube của nhà soạn nhạc người Lỗ-Ma-Ni, Iosif Ivanovici. Lời Việt Sóng Nước Biếc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật tuyệt vời. Trong cái lạnh cắt da, giữa công viên rộn ràng du khách, tôi mơ màng.
Bạn bè hay nói tôi khó chịu từ khi còn nhỏ, như ngẫu hứng ghé nhà người bạn học nào đó trên đường đi học về. Dĩ nhiên tuổi nhỏ đâu có tính trước chuyện gì, nhưng khi tôi cảm thấy không tiện ở lại thì tôi tự ý ra về và chưa bao giờ hiểu được cảm giác đó từ đâu đến để tôi có quyết định trái ý bạn bè, mang tiếng khó chịu.
Tôi ở đâu mà tôi đến đây | Ngày xưa ai đứng ở chỗ này | Hạt sương Trời khóc ngàn năm trước | Sao còn ướt trên lưng bàn tay (tmt)
Thành phố ven quốc lộ cách đó năm cây số, trong khách sạn nhỏ, Hồng chờ người yêu đến hẹn. Đã muộn gần một ngày. Từ hồi hộp sung sướng chuyển sang lo lắng nghi ngờ, giờ đây, thất vọng hoàn toàn xâm chiếm với cảm giác rủ liệt.Trước khi rời Sài Gòn, Dũng nhắn tin cho nàng, sau đó biệt tích. Không ai trả lời điện thoại. Hồng đã viết thư để lại cho Ali, giải thích sự ra đi. Vì mẹ, nàng lấy Ali, vì tình, nàng theo Dũng. Không thể quay trở về.
Mục đích duy nhất của chúng tôi muốn viết bài này, là chỉ để thuật lại và chia sẻ cho các độc giả đọc những lời tâm sự từ đáy lòng của ông bạn chí thân cao niên này của chúng tôi, về nỗi buồn đơn độc, đêm ngày ông ra vô căn nhà ở của ông, cũng chỉ thấy có một thân một mình ông thôi.
Buổi chiều ra cổng nghĩa trang, nắng thu vàng còn đậu lại ngang tường đất thánh, những cây hạt dẻ lá đỏ lá vàng vẫn như đứng đó để chào tạm biệt, mười cây vẫn đó không thiếu một cây.
Có thể nói không ngoa, rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ được cả thế giới quan tâm, huống chi Canada là hàng xóm kế bên, hỏi sao không “hot”?
Thiện là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, thường mang lại an vui cho người, cho mình có khi là cho cả hai phía và cho tất cả mọi người xung quanh. Thí dụ việc là của cơ quan Médecin du Monde, luôn cứu giúp tài chánh cho những người nghèo khó, hoạn nạn ở khắp năm châu lục. Việc làm gần đây của thầy Minh Thiền ở Đức Hòa Dĩ An, thầy và các phật tử đi cứu trợ thiên tai bão lụt Yagi ở miền Bắc Việt Nam, ở Lào Cai, Yên Bái và các vùng, miền người thượng, miền cao do bão lũ gây ra. Họ đói, khổ, lạnh, mất người thân. Phái đoàn chùa Đức Hòa tới tận nơi, lội nước bì bõm ngang bụng mang tặng nạn nhân mì gói, áo quần, tiền và lời vấn an cho những người còn sống sót, đem lời cầu nguyện vãng sanh cho những người đã bị nước lũ cuốn đi, A Di Đà Phât. Người làm việc thiện luôn mang lại niềm vui hạnh phúc và dĩ nhiên được mọi người thương mến, thích gần gũi.
Là trả lời cho bốn mươi năm, cứ vào thu, hắn chưa bao giờ quên gởi đi một lời chúc sinh nhật, để sau đó thẫn thờ dặn lòng đừng làm thế nữa vì không có ích gì cho cả hai. Hãy để ngày ấy lụi tàn sẽ nhẹ nhàng hơn cho cả hai trong cuộc sống không có đường quay lại mỗi lần nhìn thấy lá vàng rơi là thêm một mùa thu xa cách.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.