Hôm nay,  

Kỷ Niệm và Tỵ Nạn

29/11/202109:16:00(Xem: 2942)
Tran Mong Tu
Cho tôi lại ngày nào

Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu
- Phạm Duy


Bây giờ là tháng 6, năm dương lịch 2017. Tôi sống ở đất nước này đã 42 năm. Thời gian tôi sống ở đây, lâu hơn thời gian tôi sống ở cả hai miền Bắc, Nam cộng lại. Frank (chồng tôi) có tổ chức một buổi nói chuyện di dân với bạn bè. Anh có một nhóm bạn người Mỹ thuộc nhà thờ St. Louise, nơi chúng tôi tới dự thánh lễ hàng tuần. Nhóm bạn trên dưới mười người, họ đến nhà chúng tôi, có khi mỗi tuần, có khi một tháng hai lần tùy theo thời khóa biểu của cả nhóm.

Tuần qua theo thời sự toàn cầu, Frank mời một vài người bạn di dân, một vài người tỵ nạn như tôi, đến chia sẻ với nhau về kinh nghiệm của một người tỵ nạn. Anh có hỏi tôi là có muốn chia sẻ không? Tôi lắc đầu, tôi chỉ tham dự, ngồi nghe và sẵn sàng mời các bạn anh một bữa ăn sau buổi họp.

Tại sao tôi từ chối không nói? Tôi biết tôi dễ xúc động, khi nhắc về những hồi ức tỵ nạn trước mọi người, thế nào tôi cũng khóc.

Tháng Tư đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng, nhất là tiếp theo cuối tháng 5, kỷ niệm ngày Trận Vong Chiến Sĩ. Dù có tiệc tùng hàng tuần, bận rộn cả ngày thu dọn nhà cửa, nấu nướng cho con, cháu hay mời bạn, hoặc đến nhà bạn, bao giờ cũng là thời điểm nỗi buồn xa xứ trở về với tôi. Nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, nhớ tuổi trẻ đẹp đẽ thơ ngây ở quê nhà, nhớ những mối tình ngắn, mối tình dài đi qua trong đời mình. Tất cả những thứ đó làm tôi khóc. Kỷ niệm như viên kẹo đắng bọc đường, khi ngậm trong miệng, đắng ngọt cùng tan trên lưỡi.

Cả nửa năm nay nước Mỹ xôn xao với những tin tức liên quan đến tỵ nạn. Những tin xấu cho những người tỵ nạn bất hợp pháp (con số này không nhỏ) và làm hoang mang không ít những người hợp pháp. Cái hoang mang của chính những người cũng thuộc thành phần “tỵ nạn” như tôi. Không biết việc mình “chống” có làm tổn thương những người vô tội và việc mình “ủng hộ” có làm thêm rối việc quốc gia.

Như tuần trước, khi ở chợ ra, trời đang nắng, bỗng dưng mưa xuống, nhìn trời mưa cám cảnh xa quê, nước mắt tôi cứ ứa ra không sao cầm được, chạy vội vào trong xe ngồi, một mình thổn thức. Tự nhiên câu thơ viết năm đầu tiên đến Mỹ trở về trong đầu. Mình em một ngôn ngữ / mình em một màu da / mình em một màu mắt / mình em một lệ nhòa.

Tôi không phải là người tỵ nạn duy nhất trên đất nước này, tôi biết rất rõ như thế. Chung quanh tôi, nếu ngay lúc này, tôi níu lại một người vừa ở trong chợ bước ra, hỏi bạn từ nước nào tới, tôi sẽ gặp ngay một người tỵ nạn giống tôi.

Nước Mỹ là một nước hợp chủng và có thể nói truyền thống của họ là mở cửa đón người mọi nơi trên thế giới, bằng cách này hay cách khác đã đến định cư trên quê hương họ. Và chính cung cách mở tay đón nhận này, danh sách nhân tài trên thế giới trong mọi lãnh vực mang quốc tịch Hoa Kỳ được kể là dài nhất (mặc dù gốc của họ thuộc về nước khác.)

Mỗi một người bỏ xứ sở của mình, đến định cư trên một miền đất lạ bằng bất cứ nguyên do nào cũng mang theo bao nhiêu kỷ niệm của quê nhà với mình. Sống xa quê bao nhiêu năm, miền đất mới bao dung hay hắt hủi mình, mỗi người bằng ngọt ngào hay cay đắng đều canh cánh mang trong lòng đầy ắp ký ức của kẻ “lưu vong”.

Chị Maria một phụ nữ Mễ Tây Cơ nói, năm đó chị 16 tuổi, chị sang Mỹ qua đường vượt biên không chính thức, chị được nhét lên một chiếc xe ca, phải đợi 17 năm mới được hợp thức hóa và có giấy tờ cư trú hợp pháp.

Trong 17 năm đó chị sống trong một tình trạng bấp bênh, mặc dù một thời gian sau, chị xin được số An Sinh, chị đi làm, chị đóng thuế, nhưng chị vẫn chưa có thẻ xanh. Chị vẫn là người sống bên lề Xã Hội. Chị mới được thẻ xanh năm ngoái, và chị đã trở về quê nhà một lần thăm mẹ và bà ngoại.

Chị nói khi cầm tấm thẻ xanh trên tay, chị bật khóc. Chị nói thêm, tôi không thể nào quên được cái cảm xúc này, cái kỷ niệm này sẽ theo tôi suốt đời.

Một người khác nói, anh sanh ở Mỹ, nhưng cha mẹ anh là người gốc Canada. Thỉnh thoảng anh cũng theo cha mẹ về Canada thăm họ hàng, nhưng anh không có một chút gì quyến luyến với xứ sở đó khi anh chia tay. Anh có sống ở đó ngày nào của thời thơ dại đâu mà có kỷ niệm. Kỷ niệm tuổi thơ của anh là ở nơi này. Các ngôi trường anh đi qua, để lại trên sân trường dấu giầy, cái bóng tuổi thơ hắt xuống trên bãi cỏ của những trận bóng chày, bóng rổ. Những thành phố gia đình anh cư trú, những liên hệ thâm giao với nhà hàng xóm, rồi mối tình đầu thời mới lớn. Anh kết luận: Đây mới đích thực là quê hương tôi nhưng thật tình trong thâm tâm tôi vẫn nhớ ông nội, ông ngoại của mình là người Gia Nã Đại.

Một người bạn gốc Đức ở tuổi 80 cho biết gia đình anh sang Mỹ từ thời ông nội của anh. Nghĩa là cách đây cả thế kỷ. Vợ anh cũng là người Đức, sang Mỹ từ năm lên 6. Hồi còn cha mẹ, anh có nói một ít câu tiếng Đức ở nhà, bây giờ thì quên hết hoàn toàn, vì không có dịp thực hành. Anh nói, trong cuộc sống hàng ngày, tôi quên hẳn tôi là người Đức, mặc dù tôi chưa bị Alzheimer. Nhưng nếu có ai hỏi tôi về gốc gác của tôi, thì tôi sẵn sàng kể lể cội nguồn, gốc gác mình.

Nước Mỹ có tên là Hiệp Chủng Quốc quả không sai. Những người cư ngụ trên đất này tùy theo ở vào tuổi nào họ tới để họ có thể hòa mình vào thổ ngơi phong tục, văn hóa được bao nhiêu. Càng hòa đồng được nhiều họ càng thấy gắn bó, bén rễ với phần đất này.

Những đứa trẻ lớn lên đầy ắp kỷ niệm với thành phố với trường học, với bạn bè, làm sao mà bắt nó phải tìm về một nơi khác được, nhất là nơi nó chưa được biết bao giờ. Nếu cha mẹ nhắc nhở từ nhỏ, rồi dẫn dắt tìm về, thì đó là tìm về nguồn gốc của tổ tiên chứ không phải tìm về kỷ niệm.

Kỷ niệm là những gì đáng ghi nhớ người ta đã có trong quá khứ, chứ không phải là điều người ta tưởng tượng ra.

Những cha mẹ lưu vong này mang con về thăm quê, cho con học tiếng nước mình, dậy con văn hóa, sử, địa của quê hương mình. Nhiều đứa trẻ lớn lên biết yêu mến tha thiết với nguồn gốc của ông bà, cha mẹ, nhưng chúng cũng lớn lên với kỷ niệm tuổi thơ của vùng đất chúng trưởng thành.

Sức mạnh của kỷ niệm khuyến khích chúng vững mạnh tiến tới tương lai trước mặt.

Trong nhà chúng tôi ngồi quây quần nói chuyện, những cánh cửa sổ mở rộng ra vườn sau, một đàn chim không biết từ đâu kéo tới chúng ríu rít vang cả sân. Tiếng gọi nhau tràn cả vào buồng đang họp mặt, đến nỗi mọi người phải ngưng nói, nhìn ra ngoài sân. Những con chim tìm về vườn cũ, chúng tìm về kỷ niệm. Chúng xa vườn lâu quá rồi.

Bao giờ tôi mới lại trở về quê? Tôi nghe tiếng đập cánh của chúng lao xao trong lồng ngực xa xứ của mình.


Trần Mộng Tú

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.