Hôm nay,  

Từ Phở Đến “A Phở Love Story”

05/10/202113:16:00(Xem: 3382)


blank


blank




blank


blank


Với ba miền của đất nước, mỗi nơi có món ăn đặc sản ở các tỉnh thành lâu ngày thành món ăn truyền thống từ địa phương, dần dà phổ biến rộng rãi vì vậy khi nghe tên món ăn nào cũng biết gốc gác của nó. Có vài món được ca tụng, gọi là “quốc hồn quốc túy”, vừa phải thôi, phải chăng thái quá?.

Ngày nay ở trong nước món ăn nào cũng “tôn vinh” văn hóa ẩm thực… đến nỗi thịt chó, thịt mèo, vài động vật hoang dã… ở Mỹ và các nước văn minh cấm tuyệt, làm thịt bị tù, ở trong nước được gọi văn hóa ẩm thực! Chỉ có bánh chưng, bánh dầy theo sự tích từ đời Hùng Vương lưu truyền ở miền Bắc, ở miền Trung và Nam với bánh tét theo giai thoại từ thời Quang Trung… Sau nầy khi đến Tết Nguyên Đán hai loại nầy dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất, vì vậy trong dân gian mới gọi là “quốc hồn quốc túy”.

Nơi phố cổ Hội An thời xa xưa có cao lầu và mì Quảng (theo dân gian, mì Quảng xuất từ vài làng ở phía tây Hội An, nay thuộc xã Điện Phương, có nhà thờ tộc Trần của dòng họ tôi) … sau nầy cũng được phổ biến khắp nơi. 

Sau năm 1954 phở Bắc “du nhập” vào nơi phố cổ nầy rồi chiếm lĩnh thị trường, “lấn đất dành dân” với cao lầu và mì Quảng với các tiệm như phở Tân Tiến (góc Phan Chu Trinh – Nguyễn Huệ), phở Tân Lập (sau nầy phở Liến), phở Liễu trong đình Ông Voi… Thực khác nhí thuở đó thì thích rủ nhau nơi phở Liễu. 

Không có món ăn nào được đề cập nhiều qua các ngòi bút nổi tiếng trong văn chương như món phở (Hà Nội, Nam Định) làm “mê hoặc” thực khách từ cái nôi nầy đến khắp nơi. Món ăn nầy bay theo cùng chữ nghĩa vào vị giác của thực khách.

Với tôi, qua văn chương đề cập nhiều về phở nhưng không “mặn mà” bằng mỉ Quảng. Món ăn nầy độc đáo ở chợ Hội An và từ đó “tha phương cầu thực” từ trong nước ra hải ngoại vẫn thích nó, biết nơi nào có cũng tìm đến. Rất tiếc chỉ có người dân Quảng Nam mới viết về hai món ăn khi xa cố hương và sau nầy ra hải ngoại có vài bài viết để nhớ lại đặc sản quê nhà.

Khi ở Nha Trang, làm rể dân Hà Nội, bố vợ chỉ thích “hương vị quê hương” của 36 Phố Phường ngày xưa nên phải chiều cụ. Khi cụ lên Đà Lạt, trời lạnh, nhìn tô phở nóng bốc hơi, cụ lại khen “Không có nơi nào ăn phở thú vị bằng nơi nầy”.

Có 3 vị nhớ vanh vách Hà Nội là bố vợ (con vị thầu khoán ở phố Hàng Đào và làm Cảnh Sát) qua từng mẩu chuyện, tôi viết Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù (ký tên Hoàng Bích Yên), đăng trên đặc san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, hè 1973 (nhà thơ Tô Kiều Ngân làm chủ bút) dùng bài viết nầy với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn (quản đốc đài phát thanh Đà Lạt) làm chủ đề cho 2 chương trình cùng tên với các ca khúc viết về Hà Nội. Sau nầy ở hải ngoại, cùng uống cà phê với nhau có nhà văn Nguyễn Thạch Kiên và nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Lúc đó internet chưa phổ biến rộng rãi nên nhạc sĩ Nguyễn Hiền được xem như “tự điển sống” về Hà Nội. Cho đến bây giờ Hà Nội vẫn là “giấc mơ mịt mù” với vợ và tôi!

Trong cuốn Hà Nội 36 Phố Phường của Thạch Lam, NXB Đời Nay, Hà Nội năm 1943.

 Chương 2: Phở Bò – Món Quà Căn Bản:

“Phở là một thứ quà thật đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Hàng Cót, phố ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc v.v…

Kẻ viết bài này vẫn trung thành với lối phở cổ điển cũng như ưa nghe tuồng chèo giữ đúng điệu xưa”.

Chương 3: Phở Gà: “Ở Hà Nội, có hai ngày trong tuần mà những người “chuyên môn ăn phở” bực mình: thứ Sáu và thứ Hai. Hai ngày đó là hai ngày không thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ phở bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái.

Thật ra công việc so sánh phở bò và phở gà không thể thành được vấn đề, nhưng một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân - nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.

… Vì thế, những hàng phở gà ngon vẫn thường dùng gà mái, ăn thơm mà mềm. Về điểm này, có một hàng phở gánh, đỗ ở dưới một gốc si phố Huyền Trân Công Chúa đặc biệt lưu ý tới, mà cũng đặc biệt nữa là người hàng phở này quanh năm chỉ bán phở gà, nhất quyết làm khác hẳn phở Tráng, không bán phở bò, “dù có thể làm được phở bò ngon”.

Thạch Lam được mệnh danh là nhà văn viết tùy bút hay nhất, khi đọc mà không thèm mới lạ.

Nguyễn Tuân viết bài tùy bút Phở với nhiều phát hiện độc đáo. Nào là sự phân biệt giữa “xẩu” và “xương” trong nồi phở. Nhiều người cứ nghĩ “xẩu” cũng giống như “xương”, là một tiếng đệm mà thôi, nhưng thực ra “xẩu” có nghĩa là những đầu xương trong nồi phở có dính thịt và những cái xương chưa róc hết thịt... Nguyễn Tuân còn đề cập bát phở ngon nhất đối với ông luôn luôn là một “bát phở cổ truyền Hà Nội ăn ngay bên lò than quả bàng đỏ lửa giữa ngàn năm văn vật”.

Trong quyển tùy bút Miếng Ngon Hà Nội, Sài Gòn năm 1960. Với 15 món trong Miếng Ngon Hà Nội, nhà văn coi như các món “quốc hồn, quốc túy”. Bài viết Phở Bò - Món Quà Căn Bản. Ông nhớ về từng hàng phở của Hà Nội xưa như: phở Sứt, phở Nhà thương Phủ Doãn, phở Đông Mỹ ở phố Mới, phở Cống Vọng kéo xe, phở Mũ Đỏ đằng sau miếu chợ Hôm, phở Tàu Bay ở ngã ba phố Hàm Long… 

Vũ Bằng mô tả về Phở Tráng ở phố Hàng Than, được mệnh danh là “vua phở 1952”. Ông gọi bát phở ấy là một “bài thơ phở”: “Cứ nhìn bát phở không thôi cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…”.

Vũ Bằng ca ngợi món phở: “Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta...

Qua làn cửa kính đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm: chín có, tái có, sụn có, mỡ gàu có, vè cũng có...

Người bán hàng thỉnh thoảng lại mở nắp cái thùng sắt  ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu... Trông mà thèm quá!”.

Năm 1937, Tú Mỡ làm bài thơ Phở Đức Tụng:

“Trong các món ăn quân tử vị

Phở là quà đáng qúy ở trên đời

Một vài xu nào đắt đỏ mấy mươi 

Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ

Này bánh cuốn, này thịt bò

Này nước dùng sao nhánh mỡ

Ngọn rau thơm hành củ thái trên

Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm ớt điểm thêm

Khói nghi ngút đưa lên thơm điếc mũi

Như xúc động tới ruột, gan, tim, phổi

Như dục khơi cái đói của con tì

Dẫu sơn hào hải vị khôn bì

Xơi một bát thường khi chưa thích miệng

Kẻ phú qúy cho chí người bần tiện

Hỏi ai là đã nếm chẳng ưa?

… Sống trên đời, phở không ăn cũng dại

Lúc buông tay, ắt phải đưa kem

Ai ơi! nếm phở kẻo thèm”.

Cũng như phố cổ Hội An, sau năm 1954, món phở từ Bắc (Hà Nội) vào Sài Gòn. Lúc đầu chỉ đếm trên đầu ngon tay nhưng sau đó thịnh hành nhất. Theo ghi nhận, phở Tàu Bay có mặt ở Sài Gòn năm 1954 và nhanh chóng trở thành tiệm phở quen thuộc, phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, phở Minh nằm trong hẻm nhỏ (hẻm 63), đường Pasteur và phở 79 ở đường Frère Louis (sau đó đường Võ Tánh). Phở Cao Vân, không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) mà trên đường Mạc Đĩnh Chi (Massiges) chủ nhân từ Hà Nội vào bán xe phở rồi mở tiệm. Phở Hòa trên đường Pasteur năm 1960, khai trương mang tên Hòa Lộc chỉ có phở bò, thực khác chỉ gọi phờ Hòa. Thích phở gà có Hương Bình trên đường Hiền Vương, phở gà Nam Phiên ở đường Trần Quang Diệu. Phở Quyền trên đường Võ Tánh gần cổng phụ của Bộ Tổng Tham Mưu nên thu hút giới quân nhân. Phở Lệ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Bảng hiệu phở Lệ ghi (Tái Nạm - Gầu – Viên) kèm theo chữ Hán và tiếng Anh (Beef Noodle Soup Restaurant). Thời gian đầu phở Bắc không có rau, dần dà theo sở thích của người miền Nam nên có thêm loại rau thơm như rau húng quế, bạc hà, ngò gai, hành xanh và hành trắng, chén củ hành tây bào… và giá. Còn nhiều xe, quán, tiệm phở nhan nhản ở Hòn Ngọc Viễn Đông tôi đã đọc được sẽ có dịp đề cập.

Riêng phở không bản hiệu có mặt từ năm 1958 trong hẻm 288 đường Công Lý (trước năm 1954 là Mac Mahon, sau 1975 “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý”). Quán với mái tôn bên ngoài, bàn ghế thấp lè tè nhưng thu hút thực khách trong giới văn nghệ và quan chức… Tiệm không có bảng hiệu, có lẽ chủa nhân là bà Dậu nên gọi phở Dậu. Có nhiều bài viết, gần đây Phở Dậu của nhà văn Song Thao:

“… Phở Dậu thời của chúng tôi. Thời đó, bàn ghế trong tiệm lỏng chỏng không đồng đều. Hình như chúng được gom dần trong nhiều thời gian khác nhau. Trông chúng cũ kỹ, đơn giản. Có lẽ chủ nhân chẳng cần để ý tới chúng. Cứ có chỗ ngồi và chỗ để tô phở là được. Khách cũng chẳng cần câu nệ. Miễn ăn được bát phở. Nếu những tiệm phở khác thời đó dùng cái có thể gọi là “tô” thì phở Dậu chỉ có “bát”. “Bát là tiếng Bắc, “tô” là tiếng Nam, chẳng phân biệt lớn nhỏ. Nhưng bát phở Dậu nhỏ hơn hẳn những tô phở của các tiệm phở khác. Người ăn khỏe, một bát vẫn thòm thèm. Phải hai bát. Cỡ tôi thì hai bát thì quá bụng nhưng một bát vẫn thiêu thiếu. Thường tôi gọi thêm một bát tái nước có tiết. Tiết là thứ chỉ có ở phở Dậu. Tiết tươi chan vào nước phở nóng tạo thành những màng màu nâu đục là thứ ngọt ơi là ngọt.

… Không thể gọi phở Dậu là tiệm hay quán được. Nó không có được một cái tên. Dậu là tên mà hồi đó thực khách nghĩ là tên của bà chủ. Thực ra bà đứng bán tên là chi, chẳng ai biết. Dậu là tên bà chủ đầu tiên khi tiệm thành lập vào năm 1958. Sau vài năm bà nhường lại tiệm cho bà Uy là bà đang bán phở cho chúng tôi. Bà khoảng ngũ tuần, người nhỏ nhắn, phong thái Bắc kỳ rặt, bận tíu tít nhưng vẫn không bao giờ quên gu tô phở của từng thực khách quen. Những khách quen không cần phải order nhưng tô phở để trước mặt đúng là tô phở ưng ý nhất. Ngay những  ý thích nhỏ nhặt của khách bà cũng thuộc nằm lòng. Ngày đó khi bát phở của tôi được bưng ra không bao giờ thiếu một chén hành tây bên cạnh. Vắt múi chanh, thêm vào chút ớt, chén hành tây ăn kèm với phở ngon tuyệt vời. Cái tên “phở Dậu” chỉ là tên… bán chính thức, thực khách còn đặt cho tiệm này nhiều tên khác. Tác giả Đỗ Duy Ngọc bàn như sau: “Sài Gòn có một quán phở bán suốt mấy chục năm mà chủ nhân không đặt tên quán. Trong suốt một thời gian dài, quán đều do khách đặt tên. Đầu tiên là “Phở Công Lý” vì tiệm nằm trong hẻm thuộc đường Công Lý. Thời gian sau, quán thường có đám khách thường xuyên là các sĩ quan Không Quân. Thành ra quán được gọi là “Phở Không Quân”. Thời gian mang tên này ngắn ngủi vì sự xuất hiện một thực khách đặc biệt. Đó là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Từ đó người ta gọi là “Phở Ông Kỳ” hay “Phở Nguyễn Cao Kỳ”.

… Ông Kỳ là thực khách đình đám của phở Dậu nhưng còn có những thực khách khác, cũng đình đám vậy. Như ông Trần Minh Công. Ông này là bạn học với tôi tại Chu văn An. Ông đi du học bên Úc rồi về gia nhập ngành cảnh sát. Ông đóng tới lon Đại Tá và giữ chức Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Theo một ông dân cư xá Công Lý từ năm 1955 đến 1988, nơi có phở Dậu, thì “tôi thấy có ông Trần Minh Công tới ăn có ba bốn xe cảnh sát hộ tống”. 

… Nhà văn Phan Nghị, từng lê lết nơi phở Dậu, nhớ lại: “Phở Dậu có những đặc điểm không giống bất cứ một tiệm phở nào: không rau, không giá và rất sạch, và nhất là không có cái mùi phở kinh niên. Thịt thái mỏng và bánh phở to bản thích hợp với cái gu của người Hà Nội. Vì ở sâu trong hẻm, nên thoạt đầu khách tới ăn uống rất lơ thơ tơ liễu buông mành, chỉ có dăm bảy mống. Sau đó, nhờ sự cổ động của người Hà Nội, người ta mới bắt đầu chiếu cố tới hương vị không rau không giá đó”. 

Sau 1975, phở Dậu là ngã ba hẹn hò của giới ăn phở Dậu trước đó, khi thành phố chưa đổi tên. Ngày đó, bạn bè chúng tôi tan tác sau cơn bão dữ, ai còn, ai đi thoát, ai chưa “cải tạo” về, cứ tới phở Dậu là biết hết. Gọi là “ngã ba hẹn hò” cho thêm phần tình cảm chứ thật ra chúng tôi chẳng ai hẹn ai. Cứ thuận chân tới. Tới sẽ gặp. Gặp rồi đấu láo chửi thề. Thường chúng tôi mắng mỏ nhau sao chậm lụt thế. Trông thấy cái mặt nào còn trình diện là thêm một ngao ngán..”.. 

Sau nầy bà Uy định cư tại San Jose, mở quán Phở Dậu Phở số 1939 đường Alum Rock Ave Suite H. Song Thao viết tiếp: “Ông bạn thân nhất của tôi ở San Jose là ông ký giả Hà Túc Đạo đã bị cô Vy rủ đi mất tiêu, tôi nắm áo ông bạn chung của ông Hà và tôi là ông Nguyễn Xuân Phác, một cây sành ăn. Ông cho tôi một số tin tức: “Vào thời gian sau 2010, tin Phở Dậu mở ở San Jose đã khiến cho dân ghiền phở nơi đây xôn xao và kéo đến thưởng thức hương vị Sài Gòn cũ khá đông đảo… Tôi có hỏi dò bà cụ thường ngồi khiêm nhường ở một góc quầy thì bà xác nhận chính là chủ Phở Dậu ở Sài Gòn trước đây, nay qua San Jose truyền nghề cho đứa con (hay cháu?), tên Dũng đứng ra mở tiệm. Cô vợ ở quầy tính tiền là con gái một ông chủ tiệm vàng nổi tiếng trong vùng. Tiệm đang kinh doanh phát đạt thì đột nhiên bị xé đôi. Nửa tiệm ở lại tại chỗ vẫn mang tên "Phở Bà Dậu" nhưng bấy giờ do cô vợ làm chủ. Nửa kia do ông chồng mang qua một tiệm ăn mới sang nhượng nhưng trước đó có tên là "Quán Nhà Tôi". Sau khi sang nhượng, quán mang tên "Phở Công Lý". Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai tiệm đều đã "âm thầm đóng cửa" không biết lý do vì sao”.

Với tiệm phở mà vợ chồng xé đôi cũng có thể viết thành sách vì câu chuyện anh em với nhau với hai tiệm phở cạnh tranh nhau, cô Loan Le viết thành quyển sách “A Phở Love Story” sẽ đề cập dưới đây.

Trong khi Sài Gòn và miền Nam VN món phở “trăm hoa đua nở” thì Hà Nội và miền Bắc trong thời kỳ tem phiếu, bao cấp, thịt khan hiếm nên chỉ sống còn với phở quốc doanh, phở mậu dịch!

Bà Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ, chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu văn hóa viết về phở ở Hà Nội viết:

“Những quán phở mậu dịch như vậy thì nổi tiếng với món “phở không người lái”, tức là không có thịt gì cả chỉ có nước dùng trong veo và thậm chí rất nhạt cùng với bánh phở. Có một ít hành ngò và thịt bò, thịt gà thì không bao giờ thấy mà đôi khi chỉ có thịt heo, nếu có vài miếng thịt heo thì rất mỏng mà hồi đó bọn học sinh chúng tôi hay nói đùa là miếng thịt heo nó bay qua bát phở và biến đâu mất không kịp nhận ra cái mùi vị của miếng thịt như thế nào nữa.

Đi kèm với bát phở mậu dịch không người lái như vậy chúng tôi nhớ rất rõ có đôi đũa và cái muỗng bị đục thủng, bị cái đinh đóng thủng vào để ngăn chặn tình trạng người ta lấy cái muỗng về nhà mất.

Cái muỗng nó bị thủng nên khi múc một miếng nước phở lên để húp thì có khi nhiều khi nước nóng nó chưa đến miệng thì nước dùng trong cái thìa đã chảy xuống hết cái tô phở rồi… Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ, tương quan một cách lý thú với khái niệm “phở gia truyền” của người Hà Nội trong tư duy giữ chặt bí quyết nấu phở nhưng cũng từ đó mất đi sự sáng tạo cần có mà sau này người miền Nam đã mạnh dạn bổ khuyết”.

Bà Nguyễn Thị Hậu nổi tiếng trong giới khảo cổ ở VN, bà cũng là nhà văn và những dòng bà viết của thời sinh viên ở Hà Nội. Chao ôi! “Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ” không thể nào ngờ nhân cách, phẩm giá con người bị khinh rẻ đến mức đề phòng “bần cùng sinh đạo tặc” như vậy! Có ai gọi phở mậu dịch là “quốc hồn quốc túy”.

Ngày nay, phở trở thành món ăn phổ biến trên thế giới, nơi nào có đông người Việt sinh sống, nơi đó có bán phở. Ở Little Saigon được xem như “thủ phủ” của món phở. Càng nhiều thì càng cạnh tranh để sống còn nên vừa ngon vừa rẻ. Đồng hương có đến nơi nầy cũng hỏi thăm để thưởng thức món “quốc hồn quốc túy”, có vài tiệm bán thâu đêm.

*


Đứa cháu ngoại đang học High School, từ nhỏ đã thích đọc sách và cũng thích viết văn. Trong lớp học của cháu, ngoài Mỹ có vài sắc dân Nhật, Nam Hàn, Mễ… Cô giáo ra đề tài học sinh viết về món ăn em thích. Để có nội dung phong phú, cô giáo gợi ý thêm các học sinh sắc dân đề cập đến món ăn của xứ sở (ông bà, cha mẹ)… 

Cháu vào thư viện nhà trường tìm được cuốn A Phở Love Story của vây bút trẻ Loan Le. Quyển này dày 406 gồm 49 chương, phát hành vào Feb, 9, 2021 ở Mỹ cũng là dịp Valentine’s Day (Lễ Tình Yêu) vì nội dung liên quan đến đề tài nầy. Cô giáo trong chuyến du lịch Nhật và Việt Nam, có ăn món phở nầy nên khi cháu nói về phở cũng hợp ý.

Với Phở và Love Story, gợi nhớ lại tác phẩm Love Story của Erich Segal, ra mắt vào dịp Valentine’s Day năm 1970, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất ở Mỹ vào thời điểm đó và cuốn phim cùng tên với hình ảnh Ryan O'Neal (Oliver) và MacGraw (Jennifer), đẹp và dễ thuông trong cuộc tình bi thảm. Lúc đó nhà văn Erich Segal cùng độ tuổi của Loan Le sau nầy.

Nếu viết về phở, khi search vào internet có các bài viết bằng tiếng Anh đã mô tả nhưng dựa vào đó để viết thì thuần túy về ẩm thực nên có quyển sách xoay quanh chuyện tình để lồng vào đó thì có tính cách văn chương. 

Cuốc sách xoay quanh câu chuyện về Bảo Nguyễn (nam) và Linh Mai (nữ) tuổi teen, người Mỹ gốc Việt nầy có cha mẹ là chủ tiệm phở đối diện nhau bên kia đường và cạnh tranh nhau. Vì cạnh tranh chuyện làm ăn ở nơi chốn trên xứ người nên hai gia đình chủ tiệm phở cũng mang tính ích kỷ ảnh hưởng đến con cái.

Với Bảo làm việc tại nhà hàng phở của bố mẹ như nhân viên yêu thích thứ năm của bố mẹ mình và nghĩ về bản thân, chẳng có gì trong địa vị xã hội nên không lý tưởng. Với Linh thì có niềm tự hào về công việc của mình được bố mẹ giao phó… Linh là họa sĩ, có ước vọng theo đuổi nghệ thuật.

Qua nhiều năm Bảo và Linh đã mâu thuẫn với nhau, cạnh tranh trong trong công việc làm ăn của tiệm phở, không ưa và tránh mặt nhau… Rào cảng đố kỵ giữa hai gia đình, hai tiệm phở đã ảnh hưởng đến con cái.

Trong cuộc gặp gỡ tình cờ đưa Bảo và Linh gặp nhau, với tuổi trẻ có tầm nhìn thoáng hơn, không ôm ấp mâu thuẫn, hận thù của quá khứ mà cùng nhau nhìn về con đường phía trước.

Nhà văn Saint Exupery cho rằng “Khi hai người yêu nhau, họ không cùng nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” và “Khi một tâm hồn mở ra để đón tình yêu thì bỗng dưng có hàng ngàn cách để biểu lộ tình yêu ấy”. Câu nói của Saint Exupery cũng là ý tưởng của Loan Le trong phần cuối quyển sách.

Với món phở, cháu hỏi ông sao không có tiếng Anh như các món ăn của nhiều nước khác? Tuy các cháu được gởi học tiếng Việt ở các trường Việt ngữ vào cuối tuần nhưng nghe và nói cũng tốt rồi. Các cháu đều than viết tiếng Việt khó quá với các dấu hỏi ngã, có g, không g, cùng âm mà d, g ở đầu và c, t ở cuối có nghĩa khác nhau… 

Với phở, ông chỉ biết từ thời xa xưa trong tự điển Việt Nam như Việt Nam Tự Điển (1930) ghi “Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò” (không có thịt gà). Theo Wikipedia “Phở or pho is a Vietnamese soup dish consisting of broth, rice noodles, herbs, and meat, sometimes chicken. Pho is a popular food in Vietnam where it is served in households, street stalls and restaurants countrywide. Pho is considered Vietnam's national dish”. 

Chữ “rice noodle” không thuần túy là bánh phở nhưng cũng được giải thích chữ: “Banh Pho”  is traditionally made from rice flour, coated in thin sheets and then cut into fibers.

Loại gạo xoay nhuyển thành bột, tráng thành bánh mỏng rồi cắt ra thành sợi cũng dành cho các món như hủ tiếu, cao lầu, mì Quảng… Loại nầy sấy khô, đóng gói được bán ở supermarket có tên Việt/Mỹ rất thông dụng. Bún cũng làm bằng bột gạo nhưng chế biến khác nhau, món ăn nầy cũng thông dụng như phở ở trong nước và hải ngoại.

Nhân bài văn của cháu ngoại về phở nên “bàn hươu tán vượn” vể phở và cuốn sách “A Phở Love Story”, rất tiếc báo chí Việt ngữ ở Mỹ không khuyến khích giới thiệu nhiều về quyển sách nầy, cây bút trẻ Loan Le có ý nghĩ chọn món ăn của quê hương để viết cho độc giả Mỹ qua chuyện tình tuổi teen với bìa sách chân dung đôi bạn trẻ (trai, gái) với tô phở thật ý nghĩa.

Little Saigon, Oct 2021

Vương Trùng Dương

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.