Hôm nay,  

Chuyện Tháng Bảy

14/07/202115:12:00(Xem: 3830)
Chiều tháng bảy năm ấy, một  buổi chiều mưa rả rích; trong thơ văn gọi là mưa ngâu, với những hình ảnh rất lãng mạn.... Bầu trời giăng mây tím, có đàn quạ bắt cầu cho Ngưu Lang Chưc Nữ gặp nhau… đó là trong truyền thuyết.

Mùa mưa ngâu năm 1978 có cả những giọt nước mắt tức tưởi của Mẹ con chúng tôi, khi chiếc xe ô tô loại jeep lùn và chiếc “ba càng” đỗ xịch trước cỗng nhà.

Ba tôi, hai tay bị trói ra phía sau, bộ áo quần bảo hộ lao động màu xanh thẩm còn vương cát bụi công trường, nét mặt phờ phạc...từ ghế sau xe Jeep nhảy xuống, bên cạnh là hai cán bộ ngành công an, áo vàng, cùng với tài xế cũng đồng phục công an... tất cả bước vào nhà. Họ đọc lệnh và lục soát mọi nơi trong nhà, từ phòng ba má tôi đến phòng học của anh chị em, nhà bếp... nói chung là mọi ngõ ngách. Để kiếm tài liệu!

Vợ con ngơ ngác, không biết tài liệu gì? Kết quả ... không có gì để ghi vào biên bản, họ cũng đưa ba tôi ra xe với tội: Tình nghi tham gia Đảng phái phản động chống phá chính quyền.

Hình ảnh cuối cùng cả nhà được  thấy là ba nói nhỏ; đúng hơn là xin phép được ngồi xuống để đứa con gái út 4 tuổi đến gần, ôm ba một cái. Ba xin được lột chiếc đồng hồ hiệu Titani dây vàng đang đeo trên tay để lại nhà, dường như ông đã linh tính được một tương lai trăm bề khó khăn của vợ con sau này.

Với những bước chân vô hồn năm Ba 49 tuổi, Ba tôi đi giữa hai cán bộ công an ra xe. Trời đã tối, trăng tháng bảy le lói, như tương lai mù mịt  của đàn con tám đứa sau ngày ba bị bắt.

Cũng như bao nhiêu gia đình có người thân bị bắt đi tù cải tạo không rõ ngày về, gia đình tôi như rắn mất đầu. Má tôi chạy vạy, khóc lóc, van xin những dì, những bác, những người thân bên tộc nhà Ngoại tôi; kẻ làm cán bộ cao cấp, người làm trong ủy ban... người xênh xang áo mũ dù trước kia họ đều là thành phần “nằm vùng” hoặc du kích đã từng chịu ơn ba má tôi trước sự lùng bắt của chính quyền VNCH ở miền nam.

Tất cả đều vô vọng; không ai biết Ba tôi bị đưa đi đâu. Những cái lắc đầu, những cái nhìn vô cảm không chút lương tâm. Chồng một bà dì ruột thì lên giọng đạo đức: “Đảng sẽ có chế độ khoan hồng nếu chú chịu hợp tác...”

Trong khi đó, tất cả những máy móc dùng trong nghề nghiệp của Ba tôi đem theo khi lên công trường làm việc cũng bị niêm phong. Đó là những cái máy Trắc địa nhập cảng từ Pháp, rất quý giá, Ba tôi dùng để ngắm tọa độ trước khi thi công một đoạn đường hay cây cầu, cái đập nước ... Cho đến những lô củi Ba tôi chặt trong rừng, chờ có dịp là chở về ĐN để gia đình dùng... Tất cả đều bị tịch thu, không có giấy tờ.

Sau nhiều tháng biệt tăm, Má tôi hỏi thăm thì được biết thời là từ trại giam Kho Đạn các tù nhân sẽ được đưa vào trại giam Hội An rồi mới chính thức đưa vào các trại lớn khác rải rác khắp cả nước. Không nhớ bằng cách nào Má tôi biết là Ba đang ở Hội An; Má liều mạng đi Hội An; may quá, được gởi chút thực phẩm chứ họ không cho gặp mặt. Theo thông lệ, sau khi bị giam ở Hội An thì tuỳ theo tội lỗi, phạm nhân sẽ bị chuyển giao đến một trong nhiều trại tù đang có rải rác từ  Bắc vào Nam mà không hề có một thông báo nào cho gia đình biết. Có người khi biết thì chỉ là một nấm mồ nơi rừng núi hoang vu hoặc may lắm có bạn đồng tù nhắn với gia đình báo dùm.

Tình cảnh gia đình tôi thời đó thật bế tắc. Tôi đang ở Sài gòn, trọ tại nhà một người bạn của Ba để chờ đi vượt biển. Anh trai lớn nguyên là học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng Đà Nẵng, anh vỡ mộng làm chàng   sinh viên Bách Khoa Phú Thọ vì nạn lý lịch. Anh tôi ôm ba lô đi làm công nhân cầu đường. Chấp nhận đi khuân gạch đá, cưa bom, vét cống khi tuổi đời vừa chạm 20. Đứa em gái kế tôi, tuổi xuân phơi phới như các bạn cùng lứa thì theo đoàn thanh niên đi đào kênh Phú Ninh để giảm bớt miệng ăn ở nhà. Mặc dù nơi đó cũng chẳng hơn gì. Những bữa ăn “một cục sắn gắn 3 hột cơm”. Ở thì tù túng trong các lán trại mà suốt ngày phải chạy theo chỉ tiêu, năng suất và luôn miệng hát hò ngợi ca sự sáng suốt của lảnh đạo.

Đàn em còn lại của tôi, đứa đi bán bánh mì, đứa bán cà rem, bán thuốc lá, đi đổi nước (không phải bán nước😂), những đứa lớn hơn thì đạp xe thồ… Má tôi thật sự trong tình thế bước vào con đường cùng. Buôn bán khó khăn và không có vốn liếng. Vì ba má tôi vừa xây nhà xong là biến cố 1975 ập đến.

Gia đình tôi lây lất sống còn nhờ… Chợ Trời xuất hiện. Không buôn, chỉ có bán những thứ trong nhà: từ quạt máy, tủ lạnh, máy giặt … đến TV, tủ bàn, chén bát … rồi áo quần, xe cộ … tất cả lần lượt ra đi. Những cánh cửa sổ, cửa kính cũng không cánh mà bay… Gia đình tôi đương nhiên gia nhập vào hội vô sản. Không còn gì cả ngoài ngôi nhà to đùng, trong đó có người phụ nữ mới trên 40, hai vai gánh đàn con tám đứa không tương lai, chồng biền biệt lao tù không biết nơi nao?

Một ngày mùa hè, anh trai lớn của tôi từ công trường xây dựng cầu đường Tam Kỳ, đón xe đò về Đà Nẵng, anh hớt hải tuyên bố: “Ba bị đưa lên trại giam Tiên Lãnh”, (lúc đó hình như còn là huyện Tiên Phước QN.)


Má tôi ngơ ngác, anh Hai gở kính cận lau bụi rồi từ từ kể:

“Con đang ngồi đập đá ở công trường, có một thằng bé bán cà rem mặt mày nhem nhuốc vì nắng và bụi đất đỏ, bước vào rụt rè hỏi:

- Dạ, đây có phải Đội Cầu số 1 không?

- Mi hỏi làm chi?
(Buồn cười cho kiểu nói của dân Xứ Quảng. Luôn luôn trả lời bằng một câu hỏi)

- Dạ con lượm được tờ giấy ni, con đi kiếm chú Tuấn ở Đội Cầu 1.

Ngay lúc đó anh Hai tôi bỏ cái búa xuống bước tới. Thằng bé tiếp:

- Dạ, con đọc ở đây nè chú: Ai lượm được giấy này nhờ đưa cho con trai tôi là: Nguyễn … Tuấn…, đang làm ở Đội Cầu 1 Tam Kỳ QN, chú coi đi!


Anh Hai tôi lật qua lật lại tờ giấy, thấy nét chữ bằng bút chì của Ba tôi, mặt sau ông viết chỉ một dòng: “Ba đã bị đưa đi trại 1 Tiên Lãnh.”

Ôi, thì ra Ba tôi tuy ngồi trong xe bịt bùng nhưng cũng biết “nhắm tọa độ” khi xe chạy ngang vùng đất Tam Kỳ. Không biết sao ông đã chuẩn bị sẵn “tờ rơi” này và thả xuống ngay đoạn đường mà ông nghĩ may ra có người lượm được sẽ chuyển dùm cho con trai ông đang làm công nhân ở đây.

Viết tới đây thì tôi cũng rùng mình vì sự nhiệm màu của niềm tin với ơn trên. Không ai có thể tưởng tượng được, Trưa hè, một mảnh giấy nhỏ thả xuống dọc đường; một cậu bé bán cà rem với sự tử tế, có tâm có lòng… tất cả như có phép lạ đưa đến một kết quả như ý.

Mảnh giấy đã đến tay người nhận không những chính xác mà còn đúng lúc. Càng khâm phục Ba tôi đã xuất sắc như một điệp viên chuyên nghiệp 😃. Mọi diễn biến như có sự sắp đặt từ bàn tay của thượng đế; điều mà chúng ta gọi là kỳ tích.

Sau này, khi Ba đã được thả về, tôi thường tò mò hỏi lại “vụ án” này, Ba tôi thường trả lời rằng: “Ba cầu xin nên Trời Phật cho thôi. Thử hỏi mảnh giấy bằng bàn tay thả bay trong nắng gió trên quốc lộ 1, chỉ có Trời Phật đưa đẩy thì mới gặp chú bé bán cà rem cũng biết chữ và có lòng của một vị Bồ tát… chứ chẳng ai tài giỏi gì! Mình có cầu khẩn thì có niềm tin, có hy vọng mới đạt được chứ buông xuôi thì … sống sao nổi?” Quan niệm sống này của Ba tôi đã giúp ông vượt qua những tháng bị bỏ đói, biệt giam, hai chân bị cùm, tiêu tiểu tại chỗ, không ánh sáng, không cử động… một cách giết từ từ rất thâm độc của phe thắng cuộc.

Những chuyến thăm nuôi được tiếp tục ròng rã hơn mười năm. Niềm tin và những suy nghĩ tích cực giúp Ba tôi vượt qua những gian lao thử thách trong trại tù Tiên Lãnh. Một trại tù khét tiếng của miền trung Việt Nam do công an quản lý.

Ba tôi rời trại tù một ngày giáp Tết. Cụ ông sáu mươi tuổi sau những ngày bịnh hoạn được hồi phục nhờ sự giúp đỡ của những người thân trước kia từng xem Ba tôi là ân nhân, thời Ba còn huy hoàng. Ba tôi có công việc làm, kiếm được tiền và dường như bắt đầu có tiếng tăm trở lại trong lãnh vực xây dựng cầu đường và nhà cửa. Nhiều chú thầu khoán đã giúp Ba tôi có đủ tiền để làm hồ sơ xuất cảnh theo diện HO. do chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ.

Tháng bảy, ngày 12 năm 1994 Ba cùng 4 người con và 1 cháu ngoại giã từ người thân từ Sài Gòn chúng tôi bay sang Hồng Kông; ghé qua đảo Guam để máy bay được tiếp nhiên liệu và đặt chân đến Los Angeles tối ngày 13 tháng 7. Được tổ chức Di Cư Quốc Tế (IOM) đón tiếp vào ngủ lại ở Hotel, đêm đó có 6 phần Fried Chicken được mang tận phòng cho bữa tối nhưng cả nhà không dám ăn vì sợ không có tiền trả, hơn nữa cũng chưa quen với mùi bơ chiên.

July 12 2021, hôm nay, hai mươi bảy năm đúng, con của ba từ những đứa đi cùng ba cho đến 3 gia đình ba bảo lảnh sau này tất cả đều có cuộc sống ổn định. Người làm việc ở Hãng xưởng thì được thăng tiến, đứa kinh doanh thì đều là chủ nhân Tiệm Nail, salon Tóc, tiệm ăn ...

Những đứa cháu ra đời trên quê hương thứ hai có bàn tay ba chăm bón, nay đã tốt nghiệp đại học, trung học. Mọi thành công mà thế hệ con và cháu đang có được, trước hết là nhờ vòng tay rộng mở của đất nước và người dân Hoa Kỳ, nổ lực của bản thân còn phải nhớ đó là công đức của Ba, là đánh đổi hơn mười năm tù tội của một cụ ông bây giờ đang ngày ngày ngồi nhìn ra cửa, không vui không buồn, không biết ngóng trông gì?....và luôn luôn có một người phụ nữ đứng sau lưng ông: Má tôi, thân cò… lặn lội nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Người mẹ, người vợ đã chịu rất nhiều thiệt thòi mất mát như bao người phụ nữ Việt Nam từ thời chiến đến thời bình… Nay cũng bắt đầu quên hiện tại mà chỉ nhớ những gì không đáng nhớ trong quá khứ.

Tháng bảy đối với gia đình tôi có nhiều chuyện không thể nào quên: vui buồn, đau khổ, tuyệt vọng rồi thành công….

Xin tri ân tất cả những gì đã trải qua, những ơn phúc được ban bố, những kết quả trong hiện tại.  Xin tri ân cơ hội làm lại cuộc đời tại quê hương thứ hai này.

Và tận trong lòng tôi, mãi mãi câu chuyện mảnh giấy nhỏ Ba tôi thả từ xe bịt bùng báo tin: Ba đã bị đưa đi trại 1 Tiên Lãnh và cậu bé Bồ Tát nhặt được đem giao tận tay anh Hai tôi luôn là câu chuyện nhiệm màu không giải thích được.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
July 12 2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta đã gọi Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm bằng nhiều danh hiệu, và lời nào cũng đúng, cũng trang trọng: nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật… Nhưng có một cách gọi khác. Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần từ Paris viết rằng Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là Người Giữ Hồn Nước. Và thực tế, xuyên suốt tất cả những tác phẩm của GS Nguyễn Văn Sâm là một tấm lòng thiết tha muốn tìm về cội nguồn, để lắng nghe những chữ nghĩa sâu thẳm nhất của tiền nhân...
Nghe chương trình 70 Năm Tình Ca của nhà báo Hoài Nam là một trong những tiết mục giải trí giúp tôi “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Đi làm về, vội vàng cho xong những việc thường nhật ở nhà, tôi mở máy nghe nhà báo Hoài Nam kể chuyện. Nhà báo Hoài Nam dẫn dắt thính giả đi qua mấy chục năm tình ca Việt Nam...
Tôi và Hùng học chung lớp với nhau suốt thời cấp ba, nhà hai đứa cùng xóm cách nhau nửa cây số. Nhà Hùng mặt tiền phố chợ, má Hùng bán một xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt rất đông khách...
Hôm nay ở nhà một mình, tôi mở máy CD, nghe bài ca Malaguena Salerosa, bản nhạc gốc Mexico được hát bởi giọng ca khàn khàn nhưng mạnh mẽ của nữ ca sĩ Bạch Yến với phần đệm nhạc guitar flamenco. Âm điệu vừa trầm buồn vừa giục giã như cuốn hút người nghe vào cơn đam mê đầy lãng mạn của một chàng thanh niên nghèo yêu một cô gái trẻ đẹp. Cuộc tình một chiều đầy vô vọng nhưng không đắng cay, không oán hận vì chàng biết thân phận của mình và điều mà chàng muốn là hát lên những lời ca tụng vẻ đẹp huyền diệu của nàng...
Nhân chuyến về thăm ba má bệnh, tôi ghé thăm ngôi chùa xưa ở chốn làng quê ngày trước. Dân quanh vùng xưa nay quen gọi tên thông dụng là Bàu Lương, chẳng có mấy ai gọi tên chữ Khánh Lâm. Chùa được tổ Toàn Tín khai sơn vào năm Tân Sửu đời Cảnh Hưng 1781, năm 1941 được vua Bảo Đại sắc tứ và đến 1952 thì Pháp dội bom phá hủy hoàn toàn. Năm 1955 hòa thượng Tấm Ấn từ tổ đình Hưng Khánh đứng ra tái thiết lại...
Huế có nhiều loại chè ngon tôi rất thích, như chè đậu ngự, chè đậu ván, chè bắp, dù không cần thêm nước cốt dừa như chè miền Nam. Gia đình chúng tôi chuyển nhà từ Huế vào Phan Thiết, rồi định cư tại Sài Gòn lúc tôi 6 tuổi. Tôi quen ăn các loại chè miền Nam có nước cốt dừa béo ngậy, nhưng vẫn thích chè Huế ở vị bùi của đậu, hương thơm của lá dứa...
Khi tôi viết bài này thì giải World Cup Qatar 2022 đang vào đoạn cuối hồi hộp căng thẳng. Dù chưa kết thúc, nhưng biết bao cảm xúc buồn vui đã đến với người hâm mộ (cũng như các cầu thủ) qua từng trận đấu. Tôi xin viết lại những chuyện bên lề xung quanh World Cup của tôi.
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng
Tôi mới được người bạn gửi cho một câu hát, gợi nhớ đến một bài ca từ lâu đã trốn vào quên lãng: “Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần…” Than ôi! Lâu rồi sao không còn thấy ai hát bài "Chú Cuội" của Phạm Duy nữa?...
Hễ nghe một đứa báo động, bọn trẻ con lại túa ra vừa cười vừa chạy vừa chỉ trỏ vừa bắt đầu hát lên bài "Vè vẻ vè ve..." Đằng kia, một người đàn ông rách rưới, hốc hác, chân nam đá chân chiêu nghênh ngang đi lại. Miệng gã cứ lầm bầm chửi rủa...
Những ngày tháng hai, cô luôn nhớ anh da diết. Và cô không hiểu tại sao. Một số năm về trước, cũng vào một ngày tháng hai, cô đã bắt đầu một câu chuyện về anh trên blog của mình, tựa đề "Mối tình thứ nhất", nhưng với tính dông dài tỉ mỉ cố gắng ghi lại như nhật ký của mình cô chưa bao giờ kể được qua cái lần họ đi Crown xem phim với nhau, bộ phim "Một vụ giết người hoàn hảo" dù cô vẫn nhớ như in bầu trời Melbourne trắng nhợt lúc mười hai giờ đêm đó...
Ba ơi, chúng con cảm ơn ba đã cho chúng con niềm hạnh phúc đó. Và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi ba là niềm tự hào của chúng con, là Tấm Chắn vững chãi cho mỗi chúng con. Tấm Chắn đó được nung đúc bằng chất liệu yêu thương, nhân từ, độ lượng, tin cậy. Tấm Chắn đó vững chãi đến độ, dù chúng con đứa đã có con có cháu, vẫn cảm thấy bé bỏng khi chạy về ôm lưng ba, dụi đầu vào đó mà hít thở hương thơm tình phụ tử...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.