Hôm nay,  

Lời Tỏ Tình Đã Cũ

02/07/202120:43:00(Xem: 3955)


“Thưa cô, tôi có một ngạc nhiên dành cho cô.” Một ngạc nhiên; một ngạc nhiên kỳ thú. Người đàn ông ngả người ra phía sau, hít một hơi dài, khoan khoái. Phi cơ đang đảo vòng cuối cùng trước khi đáp xuống phi trường. Hắn nhìn qua khung cửa hẹp hình chữ nhật phía bên trái. Những cụm mây trắng bị xé rách, loãng ra dưới cánh máy bay. Nắng rực rỡ chung quanh. Những phố xá, xe cộ nhỏ li ti phía dưới. Nỗi xôn xao vướng vít trong lòng. “Thưa cô, tôi có một ngạc nhiên dành cho cô.” Bây giờ, nói ra câu ấy, hắn cảm thấy ngượng miệng biết bao nhiêu. Cái câu chôn kín trong lòng từ hai chục năm nay. Thưa cô (hay thưa bà nhỉ, hai chục năm đã trôi qua kể từ cái ngày cậu-thiếu-niên-hắn phạm một lỗi lầm mà hắn không bao giờ tha thứ cho mình được;) thưa cô, tôi có chuyện này muốn nói với cô. Đúng ra là một ngạc nhiên kỳ thú. Cô có nhớ hồi cô học lớp đệ tứ trường trung học Lê Bảo Tịnh không? Người đàn ông kín đáo mỉm cười với hình ảnh người thiếu nữ trong trí tưởng. Hắn đưa tay, rút cuốn sách gài ở phía sau lưng ghế của người ngồi phía trước, thong thả mở ra. Ở giữa những trang giấy, một bức hình trắng đen lớn gần bằng bàn tay, bày ra chân dung một người con gái tóc xõa ngang vai. Hắn cầm tấm hình lên sát mặt, ngắm nghía. Người con gái có đôi mắt tròn, với cái nhìn tinh khiết của những giọt nắng đầu một ngày mùa xuân ấm áp. Đôi môi mỏng vạch hờ một nụ cười thấp thoáng, như nụ cười dành cho một người quen mặt nhưng chưa biết tên. Hắn nghiêng đầu ngắm cô gái trong cõi màu sắc thô sơ đen trắng ấy. Hắn như lịm dần vào cõi mê ảo diệu của một thời đã qua.

“Hình con gái ông phải không?” Bà cụ người da trắng ngồi bên cạnh hắn lên tiếng hỏi. Hắn giật mình, sửa vội lại thế ngồi cho ngay ngắn, bàn tay phản ứng bằng cách gấp vội cuốn sách lại như lúc bị bắt gặp nhìn trộm một tấm hình khiêu dâm, rồi bối rối mở rộng trang sách, cho tấm hình trải rộng ra trước mặt hai người. Hắn bẽn lẽn quay qua nhìn bà cụ. “Sao bà lại nghĩ đó là hình con gái tôi?”

“Thấy nét trẻ thơ của cô ấy, nên tôi đoán vậy...”

Ừ, con gái tôi, nếu thực sự chúng tôi có với nhau một đứa con, chắc cũng có những nét giống hệt người trong hình này. Con làm sao không giống mẹ cho được. Hắn mỉm cười, ngẫm nghĩ, nhưng không nói ra.

Bà cụ vẫn không hết thắc mắc, “Tôi đoán có đúng không?”

“Sai rồi...” Hắn ngập ngừng, “Đây là hình một người quen. Tôi đã có gia đình đâu mà có con...”

“Cũng lạ đấy chứ. Thời tôi còn trẻ, người ta lập gia đình sớm, người ta nghĩ tới gia đình trước khi nghĩ đến xã-hội, bây giờ thì ngược lại...”

Bà cụ bắt đầu kể lể. Hình như đó là một thói quen cũ kỹ. Hắn để ý lúc phi cơ sắp cất cánh, và trong chuyến bay, mỗi lần phi cơ bị lắc vì gặp vùng không khí loãng, bà cụ đều quay qua hắn, nói chuyện huyên thuyên, như để đánh lạc hướng nỗi lo sợ đang quấn quanh những sợi thần kinh già nua, mỏi mệt.

“Có gì đâu. Đó là ý thích mỗi người.” Hắn kết luận, mong bà cụ sẽ ngưng cái đề tài không mấy hấp dẫn ấy. Có gì đâu. Bà nghĩ thế-hệ chúng tôi lo công danh sự nghiệp trước chứ gì. Không đúng mấy đâu. Chỉ tại chưa gặp được một người có nhã ý chia xẻ với tôi phần đời còn lại. Thế thôi. Người con gái trong bức hình trắng đen này đã một lần khóc vì tôi, bà biết không. Khóc như mưa, như gió. Rồi quên đi cũng mau như gió thoảng, mây trôi. Hắn ngước nhìn dấu hiệu cấm hút thuốc và yêu cầu gài dây an toàn, vừa bật sáng trong lòng máy bay. Những khung chữ màu đỏ ấy cũng thắp trong lòng hắn nỗi xôn xao của cậu học trò, sắp nói cho một người con gái nghe những lời tình tự thứ nhất.

Người nữ tiếp viên hàng không có mái tóc bạch kim bước lại nhắc hắn gài dây an toàn. Nụ cười khả ái của cô làm hắn thấy ngượng ngùng. I am sorry. Hắn lắp bắp câu xin lỗi thông thường. Không sao, năm phút nữa ông có thể gỡ thắt lưng an toàn ra được rồi. Người thiếu nữ đi rồi, nụ cười còn vương lại trong không gian. Hắn nhìn theo đôi chân thon dài của cô ta. Đôi chân mang vớ màu đen thấp thoáng những gọi mời mờ ảo. Tiếng nhân viên phi hành cám ơn hành khách đã chọn hãng máy bay của họ để du lịch vang vang trong loa phóng thanh.

Chẳng bao lâu nữa, hắn sẽ gặp người con gái năm xưa.

“Chuyến này ông ở California lâu không?” Bà cụ lại hỏi.

“Ba tuần.”

“Chúc ông vui.”

“Cảm ơn.” Hắn nói, lúc những bánh xe dưới lườn phi cơ rầm rộ lăn trên mặt phi đạo. “Cũng xin chúc bà như vậy.”

Bà cụ cảm ơn hắn. Hắn quay qua trả lời không có chi, và bắt gặp bàn tay bà cụ bóp chặt lấy chỗ dựa tay của ghế ngồi. Lưng bàn tay vồng lên những sợi gân xanh thẫm dưới làn da lấm tấm những vết đồi mồi trắng đục.

Chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ già như thế. Rồi sẽ chết. Cũng may mà tìm gặp lại được người mình mơ tưởng bấy lâu nay. Hắn xoay đầu nhìn qua khung cửa nhỏ. Bãi cỏ xanh ngắt bên ngoài phi đạo vùn vụt dạt ra phía sau. Vài chiếc máy bay nhỏ đang thong thả lăn bánh trên những khoảng sân rộng thênh thang. Hắn ngước nhìn mây ở trên cao. Những đám mây gần gũi tưởng có thể vói tay ra, vốc đầy một nắm lúc nãy, giờ này đã xa lơ xa lắc. Phi cơ chạy vào bãi đậu. Chẳng còn bao lâu nữa. Tay hắn run bắn lên vì hồi hộp. Thưa cô (hay thưa bà? tại sao phải là bà nhỉ. Nàng chưa bao giờ là đàn bà trong trí hắn. Mãi mãi, nàng chỉ là cô gái học chung trường dễ mến, là hình bóng hắn ấp ủ trăm năm) vâng, thưa cô, tôi từ Canada tới. Tôi có một ngạc nhiên dành cho cô. Chắc cô còn nhớ...

Good-bye!” Bà cụ lại chào hắn. Hắn gật đầu chào lại, rồi cúi nhìn thêm một lần nữa tấm hình người con gái năm xưa. Hắn đưa tấm hình lên sát mặt. Những vết nước loang trên khuôn mặt người thiếu nữ. Dấu vết của những môi hôn ướt mèm rượu nếp than, rượu đế và cà phê dạo trước. Hồi đó, thất tình, hắn đâm ra rượu chè be bét. Rượu thấm đầy lục phủ ngũ tạng, hong khô niềm nhung nhớ trong lòng, và bốc hơi ngập trí nhớ hắn, và hắn hôn nàng mềm môi. Những cơn say ấy còn hoài trên mặt nàng; người con gái trắng đen trên giấy, mà rực rỡ sắc màu trong tâm linh hắn. Lúc nào đó, hắn nghĩ, mình sẽ chỉ cho nàng coi những nụ hôn tội nghiệp này.

Hắn nhìn một lần chót tấm hình, trước khi gấp cuốn sách lại. Chuyến này gặp lại, hắn sẽ tỏ tình, sẽ ngỏ lời cầu hôn. Được thì tốt, không thì hắn cũng sẽ trả lại nàng tấm hình ngày xưa. Hắn phải sống cho mình nữa chứ. Mắc mớ gì đuổi bắt mãi một hình bóng. Nàng bây giờ ra sao. Hắn không thể hình dung được. Hồi đó, (hắn chỉ nhớ chuyện hồi đó,) hai người học chung lớp. Nàng ngồi ở bàn ngay trước mặt hắn. Mái tóc dài phủ xuống khoảng lưng thon. Hắn nhớ, thỉnh thoảng nàng kẹp tóc bằng chiếc kẹp đồi mồi mầu nâu thẫm, để hở ra một miếng gáy trắng ngần. Học sinh lớp đệ tứ hồi đó thì đã biết gì đâu.
Hồi đó, nàng lên Sài Gòn học, ở trọ nhà bà con. Hắn yêu thầm nàng từ năm đệ ngũ. Nhà nàng nghèo, dành dụm được mấy chục bạc, nàng đi tiệm, chụp một tấm hình, dự tính gửi về quê cho mẹ. Đứa con trai (hắn đó!) ngồi bàn sau mê nàng quá, lấy trộm bức hình trong một giờ ra chơi, khi sân trường chói lòa ánh nắng mùa xuân. Lúc ấy, những ngày đầu tháng Giêng, mặt trời lúc nào cũng trải xuống vạn vật thứ nắng trong vắt như được đãi lọc qua tấm màn pha lê trong vắt. Ban đầu, hắn dự tính giấu tấm hình, rồi tìm cách trao lại cho nàng để có cớ làm quen.

Khi khám phá tấm hình bị mất, người con gái khóc như mưa gió. Nỗi khổ đau vật vã ấy làm cho người con trai sợ hãi cuống cuồng, và hắn giấu bặt tấm hình ở đáy ngăn tủ sách của mình. Hắn nghe nàng mếu máo kể với bạn rằng đó là tấm hình duy nhất vì nàng không có tiền rửa hình nhiều, và điều làm nàng khổ tâm hơn hết là tấm phim của bức hình nàng đã đánh mất. Nàng theo bạn ra Lăng Ông Bà Chiểu vái van, xin cho tìm lại được tấm hình. Nàng đi coi bói xem tấm hình thất lạc phương nào. Nhưng không ai có thể tìm lại cho nàng tấm hình duy nhất ấy, ngoài hắn. Nhưng nàng thì có bao giờ để ý đến hắn. Con gái mười lăm mười sáu tuổi ở Việt Nam, lòng lúc nào cũng trong vắt như khung trời mùa hạ. Từ đó tấm hình trở thành bảo vật bí mật của riêng hắn. Nhưng bao giờ hắn cũng tự nhủ có dịp sẽ trả lại cho nàng, kèm theo một lời tỏ tình muộn, nhưng còn hơn không trong ý nghĩ của hắn. Thưa cô, thưa cô...

Hắn thong thả đứng dậy, bước ra theo người hành khách cuối cùng. Niềm hân hoan nhảy múa trong lòng. Ơ, mà làm sao anh biết Sương ở đây? Chắc nàng sẽ hỏi như thế. Hắn hình dung ra nụ cười có núm đồng tiền bên má trái của nàng. Tình cờ, (hay duyên nợ không biết nữa,) tôi đọc một tờ báo tiếng Việt, thấy quảng cáo một nhà hàng mang tên Sương. Biết bao nhiêu người cùng tên, làm sao anh biết Sương nào là Sương nào. Nàng sẽ cười rộn rã, như ngày xưa hay cười lúc tụm năm, tụm ba với những cô bạn cùng lớp. Nếu chỉ có một chữ Sương không thôi thì đâu dám chắc, đàng này cả ba chữ trong tên đều trùng, làm sao mà lầm được. Thế anh tìm Sương có chuyện gì không. Dân Canada qua chắc phải có quà đặc biệt. Hắn sẽ ngập ngừng khi nỗi ngậm ngùi ôm cứng lấy trái tim. Tôi có một ngạc nhiên dành cho Sương. Ngạc nhiên thật không? Những cô nữ sinh trung học ở Sài gòn dạo trước nói chuyện duyên dáng, đưa đẩy khôn khéo biết chừng nào. Hắn sẽ loay hoay hoài, với câu nói ngập ngừng ở cửa miệng. Sương có nhớ hồi mình học chung lớp ở Lê Bảo Tịnh không? Chuyện ngày xưa; chuyện ngày xưa bao giờ cũng làm lòng người rộn rã, xôn xao.

Hắn xách túi hành lý, lững thững đi lẫn vào đám hành khách. Không có ai đón hắn. Đã bảo là phải dành cho nàng một ngạc nhiên. Tôi có một ngạc nhiên cho Sương. Những tờ thư trao đổi sáu tháng trời nay, hắn còn giữ kỹ trong cái túi hành lý đeo trên vai. Phi trường rộng mênh mông. Lần đầu tiên bước chân vào đất Mỹ, hắn cảm thấy như đi lạc. Hắn ngoắc và hoang mang chờ đợi. Nhưng những chiếc taxi cứ bị kẻ khác dành mất. Sau cùng hắn cũng có được một chỗ trên chiếc taxi có người tài xế gốc Mễ. Hắn đoán là người Mễ, vì anh ta chào hắn bằng tiếng Tây Ban Nha, “Buenas tardes, señor.”

“Cho tôi tới khách sạn này.” Hắn nói, tay chìa tờ giấy có ghi tên một khách sạn loại rẻ tiền cho người tài xế. Anh ta gật đầu và sang số cho xe chạy vút đi. Los Angeles. Lòng hắn ngập ngụa cảm xúc. Thành phố nổi tiếng của nước Mỹ. Hắn nhìn ra ngoài khung kiếng xe, cố tìm dấu vết của vụ bạo loạn năm nào, nhưng không thấy. Có lẽ xe không chạy qua những khu có bạo động về sắc tộc dạo trước. Hắn liếc nhìn chiếc đồng hồ tính tiền gắn trong xe. Rồi chăm chú nhìn những phố thị lướt đi bên ngoài khung kính. Sương đó phải không? Ngôn đây. Nhớ không? Ngôn học chung trường, chung lớp với Sương hồi đệ tứ, đệ ngũ đây. Ngôn ở Canada qua đây. Nhớ không? Sương có biết là hồi đó tôi yêu Sương không. Hồi đó hả, còn bây giờ thì sao. Bây giờ; bây giờ... cũng thế, Sương à. Phải làm chủ được lời nói của mình.

Bởi vì mấy khi có người chịu ngồi nghe một câu tỏ tình đã cũ.

Xe ngừng trước khách sạn. Hắn trả tiền cho người tài xế, và vội vã lao đi vào cõi hẹn hò huyên náo của thời mới lớn. Chao ơi là nhớ cái lần đi cắm trại ở Lái Thiêu. Sự tình cờ nào đó đã xui khiến cho lũ bạn kéo nhau đi mua trái cây, bỏ lại Ngôn và Sương với công tác trực nhà bếp và an ninh trại. Chao ơi là nhớ con sâu ổi màu xanh béo trục béo tròn co rút, đo đạc cái lưng thon của người con gái. Sương đừng nhúc nhích nghe. Tại sao? Người con gái hỏi với giọng đầy nghi hoặc. Người con trai biết nàng sợ sâu đến ngất đi được, nên không dám nhắc đến tên con vật xanh mướt màu lá mạ đang uốn éo trên lưng cô bạn. Đứng yên, Ngôn làm cái này... Người con trai rón rén bước lại gần người con gái. Không được nghe Ngôn. Không được làm Sương sợ đâu đó. Không đâu, Sương cứ đứng yên, Ngôn... ấy xuống cho.

Hồi đó hắn chưa thể hình dung đến một nụ hôn. Nhưng tay hắn run bắn lên vì hồi hộp. Không biết hắn run vì con sâu hay vì người con gái hắn thương thầm nhớ trộm. Vậy mà lúc hắn đến gần, người con gái tuông chạy như đang trong cuộc chơi trốn tìm hứng thú. Có con sâu sau lưng Sương, biết không. Người con gái cuống cuồng, quay vòng lại, ôm cứng lấy người con trai. Sâu đâu, bắt xuống dùm Sương đi. Bắt đi. Quăng nó đi dùm. Đừng cho Sương trông thấy. Hắn vòng tay qua vai cô bạn, phủi mạnh cho con sâu rụng xuống cỏ. Hắn nhớ thân thể nàng mềm và ấm áp như miếng bánh ướt vừa lấy trong nồi hấp ra. Đó là lần đầu tiên hắn ôm trong tay một vóc dáng con gái.

Nhận chiếc chìa khóa từ tay người quản lý khách sạn, hắn hấp tấp bước vào thang máy. Hắn muốn điện thoại cho nàng lắm rồi, nhưng hắn ngại. Những tờ thư gửi đi, những lá thư nhận về. Tất cả hắn đều mang theo. Tình trạng có vẻ khả quan. Hình như nàng chưa có gia đình. Hay cũng có thể nàng đã ly dị. Cầu trời cho nàng đã ly dị. Hắn xin nàng nửa phần đời còn lại. Sương ơi, nếu như Ngôn ngỏ lời cầu hôn... Ý tưởng làm những ngón tay hắn lúng túng trên ổ khóa. Chiếc chìa khóa màu vàng rơi xuống thảm. Hắn cúi xuống lượm lên, tra lại vào lỗ khóa. Cái xách tay trĩu nặng trên vai. Đói bụng rồi đây. Khách sạn ở ngay trên con đường có cửa tiệm của nàng. Lát nữa, hắn sẽ đến, gọi một món gì đó ăn cho đỡ đói. Xong xuôi đâu đó, hắn sẽ nói với cô (hay cậu) bồi bàn rằng tôi muốn gặp cô chủ tiệm. Nói dùm với cô chủ là có tôi; tên tôi là Ngôn, từ Canada qua thăm cô ấy. Hắn soạn sẵn bản nháp cuộc đối thoại trong đầu. Lát nữa, tắm rửa xong xuôi, hắn sẽ đi bộ lại thăm nàng; như ngày xưa đã đi bộ theo suốt quãng nàng về nhà trọ, năm học đệ tứ.

Hắn đảo một lượt trong căn phòng khách sạn. Căn phòng vuông vắn, bày biện sơ sài một chiếc giường trải khăn trắng, một chiếc bàn và một chiếc ghế dựa kê sát tường. Chiếc máy truyền hình kê trên chiếc kệ gỗ. Hộc tủ treo quần áo. Bồn tắm trong nhà vệ sinh. Những cửa sổ bằng kính hình chữ nhật đóng kín. Sự yên tĩnh trùm lấy đầu óc hắn như tấm mền dày phủ lên đầu người bệnh. Sương có gia đình chưa nhỉ. Hắn nghĩ ngợi vu vơ. Nếu nàng có gia đình rồi, chả bao giờ nàng lại thư đi tin lại với hắn một cách nồng nhiệt suốt sáu tháng trời nay như vậy. Dù sao thì hắn cũng không muốn gỡ bỏ niềm hy vọng mỏng mảnh đang bám cứng lấy hồn hắn như con ốc sên dính queo vào khung cửa kính, để lại những vệt chất nhờn lóng lánh như dấu chân của một thời đã qua, chỉ còn sót lại trong trí nhớ cùn mằn, thô thiển. Nếu nàng có gia đình rồi thì sao nhỉ. Hắn không muốn nghĩ tiếp. Xin phép nghỉ hai tuần không lương. Bỏ tiền mua vé máy bay khứ hồi, lặn lội từ cái xứ sở ngập ngụa tuyết trắng mùa đông, bay qua vùng nắng ấm, tìm lại dấu vết của một thời đã qua, hắn không mong ước gì khác hơn là gặp lại được người của thời mới lớn. Nếu nàng đã có một đời sống riêng, và đời sống riêng ấy ấm êm, hạnh phúc, hắn sẽ chẳng còn lý do nào khác để nói ra một lời tỏ tình đã cũ. Hắn sẽ trả lại nàng tấm hình; cùng với một câu tạ lỗi chân tình. Sương ơi, tôi xin lỗi. Ngôn xin lỗi. Sương có lẽ đã quên tấm hình; Sương chắc không còn xót xa tê tái khi nghĩ tới tấm hình đã mất. Còn tôi, tôi áy náy bao nhiêu năm trời nay. Tôi xin lỗi, xin lỗi... Anh xin lỗi Sương, Sương ơi... Hắn lầm thầm trước tấm gương phòng tắm. Có nên tắm rửa cho tỉnh táo trước khi tìm đến cõi hẹn không nhỉ. Hắn đắn đo suy nghĩ. Sau cùng, hắn quyết định rửa mặt mũi qua loa, cạo râu thêm lần nữa cho mặt mũi sáng sủa, rồi sẽ thong thả cuốc bộ xuống phố, tìm nàng. Tìm người con gái đã đeo đuổi trí nhớ hắn suốt hai chục năm trời nay. Làm sao để Sương tin là anh chỉ nghĩ tới Sương suốt hai chục năm qua nhỉ? Nàng có thể hỏi hắn như thế. Dễ quá Sương ơi. Dĩ nhiên đã có rất nhiều bóng hình những người nữ đã lướt thướt kéo đi qua đời Ngôn; Ngôn cũng đã từng vật vã vì những cuộc tình ngắn hạn đã lỡ. Những đổ vỡ, những vui, những buồn, những hẹn hò, những thèm muốn. Nhưng tất cả cuối cùng cũng như những cơn gió thoảng qua. Chỉ còn lại hình bóng Sương, người con gái có mái tóc đen mướt ngồi trước mặt Ngôn trong lớp học, hồi đệ tứ. Hắn khoác cái áo choàng mỏng lên người. Nhìn mình một lần nữa trong gương, và lững thững bước ra cửa. Tấm hình trắng đen của người con gái nằm gọn trong lòng cuốn sách, cất kỹ trong chiếc túi xách đeo vai nhỏ nhắn bằng da giả thô cứng. Hắn khóa cửa phòng, thong thả bước về phía thang máy. Sương ơi, Ngôn sắp dành cho Sương một ngạc nhiên đây. Ngôn qua thăm bất ngờ, Ngôn sẽ trao tấm hình bất ngờ, Ngôn sẽ nói cho Sương nghe một cách bất ngờ lời tỏ tình đã cũ. Sương sẽ choáng ngợp cảm xúc, Sương sẽ rưng rưng chớp vội cặp mi cong trên đôi con-mắt-biết-liếc-tình-ngay-từ-thuở-còn-đi-học. Mình sẽ ngã vào tay nhau như những đôi tình nhân xa cách bao năm, vừa gặp lại nhau. 

Gió vuốt nhẹ lên má hắn như những ngón tay mềm của một người con gái hiền thục. Không khí mát rượi hơi nước, chẳng bù cho thứ không khí ngột ngạt mùa hè của xứ sở hắn đang sống. Qua khỏi ba ngã tư nhộn nhịp xe cộ, hắn thấy lòng xôn xao như sắp bước vào phòng thi, hồi thi tú tài hai thuở trước. Những hình ảnh lạ lẫm đập vào mắt hắn. Phố xá cũng không khác bên Canada là mấy, nhưng hắn bắt gặp những người đàn ông đeo tấm bảng vẽ nguệch ngoạc những chữ “I will work for food” trên ngực. Những hình ảnh làm tím ngắt lòng hắn. Tôi xin việc làm, để có cơm ăn. Bất chợt, chuyện hắn bỏ bao nhiêu tiền bạc ra, để đi tìm lại một vóc dáng quá khứ trở thành lố bịch. Ý nghĩ làm những bước chân hắn sượng lại. Nhưng hắn đã đứng ngay trước cửa tiệm nàng. Cửa tiệm mang trọn vẹn cái tên của người con gái ngồi trước mặt hắn trong lớp học ngày xưa. Mùi chả nướng bắt ngay lấy mũi hắn, thứ mùi thơm có một chút vị khét của thịt xém lửa than, làm bao tử hắn cồn cào. Tiếng nhạc Việt sống động vọng ra ngoài đường phố. Hắn loay hoay trước cửa mất vài giây. Hai mắt hắn xớn xác tìm kiếm. Loáng thoáng những bóng dáng Á châu bên trong. Chỗ của Sương đây rồi. Phải tiến tới, phải chững chạc bước vào quán, như một vị khách quý. Bởi vì hắn đem đến cho nàng một tin vui. Sương ơi, Ngôn vẫn còn độc thân, và quan trọng nhất là Ngôn vẫn còn yêu Sương như dạo trước. Hắn loay hoay di mũi giày trên lề đường. Đám khách bộ hành lướt qua trước mặt hắn như những chiếc bóng nhệ tênh. Hắn bối rối quá lắm. Tim hắn đập hung hăng như trống trận. Tay hắn bóp ghì lấy cái quai túi xách. Một người thiếu nữ chạy bàn phía bên trong chợt ngó ra, nhìn hắn chăm chăm. Chẳng còn lối thoát nào khác, hắn lúng túng bước vào nhà hàng.

Hắn lựa chỗ khuất phía sau chậu cây cảnh ở góc quán. Mùi đồ ăn thơm nức mũi hắn. Lâu lắm rồi mới được ngửi mùi thịt nướng. Ở Canada, một vài lần ghé phố Tàu ở cách nơi hắn ở hơn một trăm cây số, hắn cũng có ăn thử món thịt nướng, nhưng dường như món ăn bên ấy ít hương vị hơn bên này. Chẳng biết hắn có thiên vị hay không, nhưng món thịt nướng ở đây, nơi quán ăn của Sương, chỉ ngửi mùi thôi là đã thèm đứt ruột.

Cô gái chạy bàn đặt tấm giấy ghi thực đơn lên mặt bàn, khẽ gật đầu với hắn, rồi lặng lẽ bước đi. Hắn xớn xác nhìn theo cái eo thon của người con gái. Gái Cali có thân hình đẹp. Đó là cảm nghĩ đầu tiên của hắn về miền nắng ấm nổi danh vì những cơn địa chấn ấy. Rồi hắn ngập ngừng nhìn xuống tấm giấy bìa cứng ghi tên các món ăn. Tờ giấy bọc plastic có in lộng lẫy những màu sắc lòe loẹt cái tên ba chữ của nàng. Hắn chọn món phở. Tiếng hát của một ca sĩ quen tên rót vào tai hắn những lời ru ngọt.

Lũ kỷ niệm chợt ùa vào lòng hắn. “Thưa ông, dùng gì ạ?” Cô gái chạy bàn đánh thức hắn, ngay khi hắn vừa mới sắp sửa cơn mộng du.

“Cô cho phở tái...” Hắn lúng túng.

“Tô lớn hay tô nhỏ?”

Hắn ướm thử khoảng trống trong cái bao tử chê những món ăn lạ trên máy bay suốt bốn tiếng đồng hồ qua, rồi mạnh dạn trả lời, “Cô cho tô lớn đi.”

“Ông uống gì không?” Cô chạy bàn lại hỏi, tay vẫn chăm chú ghi ghi chép chép vào xấp hóa đơn.

“Cô cho cà phê sữa đá.” Hắn trả lời thật vội.

Người con gái bước đi, lấy theo tấm bìa cứng ghi tên thực đơn. Hắn lại được dịp nhìn theo khoảng lưng tròn và mỏng, đong đưa chiếc váy đầm rộng, xẻ ở phía trên đầu gối, làm cho mỗi bước chân nàng đều lấp ló một chút thịt da trắng muốt. Cô gái biến đi sau khung cửa, hắn buồn tình nhìn thoáng chung quanh. Quán vắng. Không có ai để hắn phải cảm thấy ngượng ngập. Ở góc quán, hai người đàn ông đang lao xao cười nói quanh những chai bia đã cạn trên mặt bàn. “Cho một đĩa tiết canh nữa đi.” Một người gọi với vào phía trong. Hắn nhìn về phía quầy tính tiền. Một người đàn bà ngồi ở đó, lạnh lùng, nghiêm khắc. Chẳng phải Sương đâu. Hắn không tin đó là Sương của gần hai mươi năm về trước. Hắn sợ đôi mắt và chiếc sống mũi sửa quá lố của người đàn bà, khiến nàng có cái nét đanh ác của một bà phủ thủy trong truyện cổ. Chắc đó là người làm thuê, ngồi két tính tiền. Cứ mong là như thế. Nhưng sao lòng hắn sôi lên những cảm giác dị kỳ. Thưa cô, thưa bà... Sương phải không. Tôi có một ngạc nhiên dành cho Sương đây. Tôi là Ngôn. Đầu óc hắn trộn trạo, như chiếc máy xấy trái cây cán ép những mảnh trí tưởng rời rạc. Hắn thấy những ngón tay xương xẩu của mình run rẩy trên mặt bàn.

Cô gái bưng tô phở ra cho hắn. Mùi thơm ngậy bám lấy khứu giác hắn. Nước miếng hắn ứa ra, thèm khát. Lâu lắm mới ăn được một tô phở bắc. Hắn loay hoay ngắt những cọng rau thơm cay nồng.

“Tại sao lại hết nhỉ!” Giọng gay gắt của người đàn ông đập vào tai hắn. Hắn quay qua nhìn. Hai gã đàn ông đang gây gổ với cô gái chạy bàn. Cái giọng lè nhè của gã đàn ông ngà ngà say xuyên vào lỗ tai hắn, như cái dùi nhọn xuyên qua miếng da mỏng. “Thôi thì trả tiền vậy.” Và cả hai cùng đứng dậy, khật khưỡng đi về phía quầy tính tiền.

“Để tôi trả cho.”

“Không, tôi trả mới phải.”

“Để tôi.”

Hai người dành nhau trả tiền bữa nhậu. Hắn thấy nét cau có hằn lên trên cặp lông mày của người đàn bà ngồi trước quầy hàng.

“Để tôi.”

“Tôi mời ông mà. Để tôi trả mới phải.”

“Để cha nó cho người ta trả đi ông ơi,” Người đàn bà chợt ném vào cuộc cãi vã nhì nhằng bằng cái giọng sắc và lạnh, như gió trong cơn bão tuyết ở xứ sở tạm dung của hắn, “Ăn tiền trợ cấp xã hội mà còn bày vẽ quân tử Tầu!”

Người đàn ông bị mắng chợt sựng lại như vừa bị kẻ cướp thúc một họng súng lạnh ngắt vào lưng. Người bạn sững sờ nhìn gã, rồi vội vàng móc bóp, đặt một tờ giấy bạc màu xanh lên mặt bàn. Khi gã lấy lại được bình tĩnh thì người đàn bà đã thối xong tiền cho người bạn. Gã gầm lên uất ức, “Bà đừng ỷ có tiền mà khinh người nghe không. Tôi ăn trợ cấp xã-hội có phiền gì đến bà không? Tôi... tôi sẽ... tôi sẽ...” Lưỡi gã líu lại không biết vì quá giận hay vì quá say.

“Ông muốn tôi gọi cảnh sát không?” Giọng người đàn bà lanh lảnh. Bàn tay nàng vươn ra đặt lên cái điện thoại màu kem trên mặt quầy tính tiền. Gã đàn ông còn toan nói nữa, nhưng bạn gã đã xềnh xệch kéo gã ra cửa.

Lúc hai cái bóng gật gưỡng ấy khuất đi sau khung cửa, hắn nghe tiếng người đàn bà chua chát, “Người ngợm như ăn mày mà cũng lên giọng thầy đời. Cái thứ trên răng dưới dái ấy!”

Hắn không tin được tai mình. Không thể nào tin những điều hắn vừa nghe thấy. Nhưng rõ ràng người đàn bà đã nói những câu ấy. Hắn đâu có nằm mơ. Hắn nghe rõ ràng.

“Cái bọn khố rách áo ôm...” là câu nói sau cùng hắn nghe được từ cái miệng thoa son tím ngắt của người đàn bà. Bất chợt, hắn đặt tay lên cái túi xách có cuốn sách kẹp tấm hình của Sương năm nào. Cái túi xách nằm yên ổn trên mặt ghế bên cạnh hắn. Bây giờ hắn chỉ mong một điều. Lạy trời cho đó không phải là Sương. Không thể là Sương. Đó chỉ là người giúp việc cho Sương. Sương là chủ nhà hàng, ai lại ngồi dài người ra ở quầy tính tiền như thế.

Nhưng cô gái chạy bàn đã đánh tan cơn huyển mộng của hắn, “Chị Sương ơi, thằng chả có trả đủ tiền không vậy?”      

“Sao không.”

“Vậy mà em tưởng...”

“Cứ thử không mà xem. Tao chỉ búng tay một cái...”

Người đàn bà nói bâng quơ, nhưng câu nói của nàng như lưỡi mã tấu, chém nát từng khúc ruột hắn. Tô phở bốc khói trước mặt hắn. Đĩa rau thơm xanh mát mắt. Chai tương đỏ đứng cạnh chai tương đen lơ láo. Đôi đũa nằm ngay ngắn trên miệng tô. Lọ đựng tăm xớ rớ như đứa bé ăn xin không chen vào được đám phát chẩn. Tất cả trở nên lạnh lẽo, ôi mốc trước mặt hắn. Hắn cũng chỉ là một kẻ khố rách áo ôm. Mùi nước béo thơm phức ám lấy mũi hắn, nhưng bao tử hắn không còn thấy cồn cào. Bao tử hắn no ứ những câu tỏ tình của mười mấy năm về trước. Hắn cảm thấy khó chịu như người no hơi. Hắn cần uống ngay một viên thuốc tiêu, để ợ bớt ra những lời tỏ tình đã cũ.

“Cô ơi, làm ơn tính tiền.” Hắn gọi khẽ.

Không ai nghe tiếng hắn. Và lẫn trong cái giọng e dè của chính hắn, dường như có tiếng của người đàn bà, rỉ rả, “Nó muốn yên, tao cho yên. Nó muốn về chầu ông bà ông vải thì tao cho về chầu ông bà ông vải... Liên ơi, ra tính tiền cho khách kìa...”

Đầu óc hắn cuống cuồng làm việc. Hắn cố tìm cho ra lý do tại sao hắn không nếm đến ngay một giọt nước trong tô phở của quán ăn nàng. Thưa cô, thưa cô...

Lúc cô gái chạy bàn đi vào trong lấy tiền ra thối, hắn cúi gầm đầu nhìn chăm chăm vào những cọng rau thơm xanh mướt.

“Tô phở của thằng cha đó còn y nguyên chị Sương à.” Hắn nghe rõ ràng tiếng thì thào của cô gái, lẫn trong tiếng cọt kẹt của chiếc ngăn kéo hộc tủ và tiếng nhạc sập sình. Tim hắn ngưng hẳn lại để tai hắn lắng nghe câu trả lời của bà chủ quán.

Nhưng hắn không nghe được gì ngoài những lời hát nỉ non của người nữ ca sĩ đã lừng danh một thời, về một cuộc tình đã lỡ.

 31/07/94

Trong tập truyện “Lời Tỏ Tình Đã Cũ”, Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.