Hôm nay,  

Lính Mỹ Ăn Uống Ra Sao

01/07/202116:40:00(Xem: 4484)

                                                                 

blankblank

                     Lương khô lính Mỹ thời nay, không có thuốc hút. Hình internet.

blankblank

                   Lương khô lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Hình internet.

 

Quân đội nước Mỹ gồm cả lực lượng hiện dịch và dự bị khoảng một triệu quân và là lực lượng chiến đấu bảo vệ quốc gia. Để nuôi ăn một số lớn quân lính như vậy là một trong những quan tâm hàng đầu của Ngũ Giác Đài và không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khi đóng quân trong nước hoặc ở các căn cứ hải ngoại, người lính được phục vụ những bữa ăn nóng hổi, ngon miệng mới có đủ sức khỏe mà làm việc. Khi phải đi hành quân xa, chiến đấu ngoài mặt trận thì họ phải đem theo lương khô gọn nhẹ nhưng đầy đủ dinh dưỡng và bảo đảm cho sức khỏe. 

Tôi là một nhân viên dân sự hay đi công tác xa nhà để hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị lính chiến Mỹ đóng đồn ở các nơi tiền tuyến xa xôi, nguy hiểm, và gian khổ như Iraq, Afghanistan, Châu Phi. Dĩ nhiên khi sống trong các trại lính, tôi cũng phải sống kỷ luật như lính và đương nhiên ăn, ngủ trong lều bạt cũng như lính. Không có một sự ưu đãi nào hơn lính. Hôm nay tôi kể bạn nghe về việc ăn và uống của họ khi được ăn những bữa ăn nóng hổi hoặc khi phải nhai lương khô, để bạn thấy được khi xa nhà, họ nhớ và thèm đến thế nào những bữa ăn bốc khói ngon lành của mẹ, của vợ nấu khi ngồi quây quần chung quanh bàn ăn gia đình dưới ánh đèn ấm áp tràn đầy tiếng cười vui.

Thuở xa xưa khi quân đội còn chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như gươm giáo, cung nỏ, bất cứ đoàn quân nào, khi chinh chiến xa, chỉ có xe lừa, ngựa chuyên chở chậm chạp, người chỉ huy đều phải tính sao cho có đủ lương thực nuôi quân thì mới mong đánh thắng được kẻ thù. Mỗi người lính ngày xưa chỉ đem theo mình cao lắm là khoảng 10 ngày lương thực trong những cuộc hành quân dài hằng tháng trời, sau đó phải bắt buộc người dân vùng mình đi qua nộp lương thực hoặc cướp lấy bất cứ nông phẩm, gia súc nào có được của dân vùng đó cho lính mình. 

Tôi nhớ lúc còn nhỏ học lịch sử, khi đoàn khinh binh của vua Quang Trung tiến quân ra Bắc theo chiến thuật thần tốc, ngày đêm đi không nghỉ, 2 người gánh võng 1 người, cứ thay phiên nhau. Một số sử gia viết rằng lương khô của lính Tây Sơn là bánh tráng khô nhúng nước, hay một loại cốm khô vừa đi vừa ăn và uống nước cho nở ra nên lính vua Quang Trung tiến quân rất nhanh đánh tan quân triều đình miền Bắc làm họ trở tay không kịp. 

Ngày nay, ở bất cứ trại lính Mỹ nào cũng có nhà ăn được gọi là DFAC (phát âm là Đi Phác) do chữ “Dining Facility mà ra, hay tiếng lóng của lính hay xài với nhau là “Chow Hall”. Nhà ăn này do nhà thầu cung cấp và nấu nướng cho lính để họ có được những bữa ăn nóng sốt cho lính đỡ nhớ những bữa cơm gia đình; nhưng một điều chắc chắn là họ nấu không ngon như ở nhà, nếu không muốn nói là dở ẹc, ráng mà nuốt nếu không thì đói. May được nhà thầu có lương tâm thì đỡ, còn không thì cứ một hai món nấu riết, còn dư lại, họ sẽ xào đi nấu lại trộn với các món mới, sẽ thành ra một thực đơn khác, phải ráng mà ăn. Tuy vậy, họ vẫn phải bảo đảm có nhiều thực đơn khác nhau, đủ năng lượng, calories, vitamin theo yêu cầu.

Để có lời nhiều, nhà thầu mướn những tay phụ bếp không chuyên nghiệp hay người địa phương chưa bao giờ biết nấu ăn là gì. Những người này cả đời họ, chưa bao giờ ra khỏi quê hương, và may ra chỉ nấu nướng cho gia đình họ mà thôi. Nhà thầu chỉ mướn một người đầu bếp chính, chef cook, để coi sóc, quan sát và sai bảo phụ bếp. Như ở căn cứ tôi đang làm việc, mấy ông đầu bếp Ấn Độ nấu các món Mỹ, mấy “ông thần Chà Và” này món gì cũng cho thêm cà ri vô thực đơn khiến lính Mỹ ngửi mùi đã không muốn ăn. 

Là người Việt Nam đã từng sống trong “thiên đường Cộng Sản”, đã qua thời kỳ đói vàng cả mắt và qua mấy trại tù ở trong nước, nên tôi không kén ăn, bất cứ con gì nhúc nhích, ngo ngoe trên mặt đất là tôi có thể xơi tái ngay. Vậy mà mỗi khi ăn món cá nướng hay cá hấp, mấy ông đầu bếp không biết cách làm cho cá bớt tanh, khi ướp cứ cho bột cà ri; cá vẫn tanh và nhạt nhẽo như đang nhai rơm; vì thế lỡ ăn một lần, lần sau thấy lại món cá, tôi không dám ăn nữa.

Vì ở xa xôi nên thỉnh thoảng lương thực cung cấp bị trễ vì tình hình chiến sự hay vì phuơng tiện vận chuyển không thuận lợi, chúng tôi phải ăn lương khô một hai tuần lễ là chuyện thường. Tội nghiệp! Nhiều người lính ăn vài miếng rồi bỏ vì nó khô khan và chẳng có mùi vị gì nhiều. Tôi vẫn tỉnh bơ ngồi nhai lương khô một cách chậm rãi như đang ăn cơm gạo lức, để thức ăn tan nhuyễn thành bột loãng rồi nuốt xuống mà vẫn cảm nhận được mùi vị của thức ăn như đang ăn thực phẩm tươi. Tôi học cách nhai này khi còn ở trong tù để tận hưởng cái ít oi mà mình đang có.

Nước uống thì chúng tôi được cung cấp nước đóng chai được sản xuất bởi nhà thầu ngay trong trại lính đóng quân để ngừa việc bị đầu độc. Còn các thức uống có đường, gas khác như Coke, Pepsi, và đủ loại đủ cỡ thì không bao giờ thiếu. Lại có cà phê pha sẵn nóng hổi hay cà phê bột, instant coffee, và trà gói. Nói chung thì thức uống dư thừa, chỉ không được phép uống bia rượu mà thôi. Một vài căn cứ ở Phi Châu hay Á Châu cho phép chúng tôi mua rượu bia dễ dàng từ bên ngoài, miễn sao uống say đừng quậy phá.

Ngày còn nhỏ trong thời chiến Việt Nam, gia đình tôi sống trong khu gia binh nên đám con nít chúng tôi hay được những người lính Mỹ cho quà là những hộp lương khô mà họ được cung cấp; trong đó có gạo sấy, đậu phộng xay, bột pha nước cam, bánh crackers, kẹo chocolat và nhiều thứ bánh kẹo khác nhau. Gói thuốc điếu nhỏ và hộp diêm, chúng tôi cho lại những anh lớn để hút. Sao mà lương khô thời đó ngon lạ lùng. Chúng tôi thường chia đều cho nhau ăn chung, thật là vui.

Sau năm 1975, khi vào rừng làm rẫy, ông anh tôi đào được một số đồ hộp, lương khô lính Mỹ bỏ lại khi họ rời đi nơi khác. Hai anh em hì hục đào sâu thêm và đem về chòi được một ít lương khô đủ loại. Chúng tôi đục những lon đồ ăn, ngửi thử, vẫn thấy thơm, không chút do dự, anh em tôi đem về chòi và nấu được những bữa ăn ngon lành dù lon đồ ăn đã quá hạn nhiều năm mà hương vị vẫn còn thơm “điếc cả mũi”. Xong bữa, anh em tôi tráng miệng bằng bánh kẹo “đế quốc Mỹ”. Ôi cái hương vị đồ ăn của “bọn tư bản giãy chết” thật tuyệt vời làm sao trong khi cả “thiên đường” đang giãy dụa vì đói ăn! Tiếc rằng chúng tôi đã không đào được nhiều. 

Những ngày đi công tác khi lương thực tươi chưa đến kịp, phải ăn lương khô, tôi mới tò mò tìm hiểu lịch sử coi thực phẩm cho quân đội Mỹ được bắt đầu từ bao giờ và phát triển ra sao. Người lính ăn uống hợp vệ sinh và khỏe mạnh, không bị bệnh đường tiêu hóa thì họ mới có đủ năng lượng để chiến đấu. Xin ghi xuống đây để bạn đọc hiểu thêm một chút về lương thực người lính ăn uống ngoài trận mạc ra sao.

Khẩu phần lương thực của quân đội Mỹ được bắt đầu từ những ngày kháng chiến chống thực dân Anh để dành độc lập trong 8 năm từ tháng 4, 1775 cho đến tháng 9, 1783 (1). Khẩu phần chỉ gồm thịt bò, đậu, và cơm cho một người lính ăn một ngày ở ngoài mặt trận. Rồi qua trận Nội Chiến giữa miền Bắc và Nam, quân đội được cung cấp đồ ăn đóng hộp gồm thịt bò, heo, bánh mì, cà phê, đường và muối. Cả hai cuộc chiến này đều phải có một đội hỏa đầu quân là những người lính chuyên lo lương thực và nấu nướng đi theo đơn vị. 

Trong Thế Chiến thứ nhất, WWI, thịt hộp được thay thế bằng thịt khô hoặc thịt ướp muối để giàm bớt cân nặng cho người lính có thể mang được nhiều hơn và di chuyển nhẹ nhàng hơn. Đến Thế Chiến thứ hai, WWII, để tiết kiệm và thuận tiện cho việc di hành ở mặt trận, quân đội Mỹ mới bắt đầu được cung cấp lương khô trong những hộp giấy được gọi là C-Rations. Những hộp lương khô này cũng được dùng trong cuộc chiến Triều Tiên và cuộc chiến Việt Nam cho đội quân viễn chinh Mỹ và quân đội đồng minh ở địa phương.

Hiện nay, với kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, quân đội Mỹ có lương khô được gọi là MRE, Meals-Ready-to-Eat, gồm 24 loại món ăn khác nhau, bao gồm cả loại dành cho người ăn chay. Lương khô được sấy khô hoặc hút chân không (Vacuum) cho nhẹ ký để mang được nhiều và mùi vị dễ ăn hơn, mỗi bịch cân nặng khoảng 510-740 grams (18-26 oz) tùy theo thực đơn. Giá mỗi bịch MRE của quân đội là $7.25, nhưng nếu bán ra ngoài, có thể lên đến $30-$40 một bịch. Luật pháp không cho phép mua bán MRE ra ngoài dân chúng vì đây là tài sản quốc gia do tiền thuế người dân đóng góp. Amazon và một vài trang mạng khác có bán MRE, nhưng đây là hàng tồn kho, dư ra do quân đội bán đấu giá, theo giá bán sỉ, và bán theo từng bành lớn. 

Gói MRE có thể để lâu được 5 năm trong nhiệt độ trung bình 75F, còn nếu giữ ở nhiệt độ nóng như vùng Trung Đông, có thể để được 3 năm. Trên lý thuyết để bảo đảm phẩm chất và sức khỏe người lính là như thế, nhưng nếu bạn giữ 10 năm rồi lấy ra ăn cũng chẳng sao, miễn là bao bì không bị rách hoặc thủng như trường hợp kể trên của anh em tôi. Sau cuộc chiến Việt Nam, quân đội Mỹ đóng quân trong rừng, họ bỏ về nước năm 1972, khi đào lên, những hộp thịt không bị hư hại, những bịch bánh cracker không bị rách, chúng tôi ăn uống mà chẳng bị làm sao.

Mỗi bịch lương khô MRE phải bảo đảm có đủ năng lượng cho người lính chiến đấu: Từ 1200 calories cho một phần ăn; họ có loại đặc biệt cho các toán lực lượng đặc biệt mà mỗi phần ăn có thể lên đến 4200 calories một khẩu phần. Lực lượng này thường phải đi hành quân rất xa trong nhiều ngày, ngoài vũ khí, đạn dược, họ phải mang nhiều lương khô hơn nên trọng lượng mang theo càng nhẹ càng tốt, nhưng vẫn phải đầy đủ dinh dưỡng để họ có đủ sức chịu đựng gian khổ mà vẫn chiến đấu hữu hiệu.

Ngày trước, lương khô phải ăn nguội lạnh; ngày nay lương khô quân đội Mỹ có thể được hâm nóng mà không cần lửa hoặc nấu chín bằng nồi niêu hay gà mên. Trong gói lương khô, có một bịch nylon chứa một chất hóa học (coi hình 2, gói giữa hàng trên cùng, màu xanh nhạt), người lính chỉ cần cho một chút xíu nước lạnh và lắc qua lại cho đều, nó sẽ kích hoạt làm tăng sức nóng lên đến 94 C, gần độ đun sôi. Họ chỉ cần bỏ món ăn vào trong bịch rồi vất nó xuống một mặt phẳng như mặt đất cũng được, trong vòng 5-10 phút. Sức nóng sẽ hâm món ăn nóng như mới nấu xong. Gói này gọi là FRH, “Flameless Ration Heater”. Rất tiên lợi và giúp cho người lính ăn ngon miệng hơn, khi ngon miệng, họ sẽ ăn hết nguyên phần ăn và có thêm sức khỏe và năng lượng để tiếp tục hành quân.

Trong gói nhỏ (accessory package, hình 2 trên cùng bên phải) gồm đường muối cà phê, giấy lau miệng, còn kèm theo 1 hộp diêm nhỏ nhưng không có gói thuốc lá kèm theo. Đặc biệt có hai cục kẹo cao su nhai cho thơm và sạch miệng sau khi ăn. Bạn phải cẩn thận vì nếu 2 viên kẹo được gói trong giấy kiếng trong, cứ tự nhiên thoải mái nhai; nhưng nếu 2 viên kẹo được gói trong giấy kiếng trong, màu hồng đỏ, thì không nên, ngoại trừ bạn bị táo bón lâu ngày mới cần đến chúng. Mục đích dành cho lính đi trận mạc lâu ngày, chỉ ăn lương khô, khó cho việc tiêu hóa, sau khi nhai hai viên kẹo này thì có quyền kiếm chỗ mà chạy cho nhanh vì rất nhuận trường.

Trong chiến tranh, một trận chiến thần tốc, cần di hành nhanh, đến địa điểm sớm, đánh bất ngờ khiến địch trở tay không kịp thì lương khô là rất cần thiết khi không có phương tiện nấu nướng và thiếu thốn đồ ăn tươi. Người lính ăn lương khô sẽ chậm tiêu hóa sẽ giảm bớt thời gian không cần thiết, đơn vị sẽ linh hoạt hơn. Lúc đóng quân một nơi cố định, lính Mỹ không dùng lương khô mà luôn có những bữa ăn nóng hổi để giúp người lính phục hồi sức khỏe và ít bị các bệnh đường tiêu hóa. 

Nói chung cơm lính thì chẳng thế nào bằng cơm nhà, nhưng khi bạn còn trẻ, mới ăn xong thì một lúc sau có thể ăn thêm một bữa nữa thì cơm lính cũng không đến nỗi nào. Lính Mỹ là lính con nhà giàu nên thịt cá không thiếu và chẳng bao giờ phải đói khát, thiếu thốn như lính các nước nghèo. Cuộc chiến tranh nào cũng có gian khổ, chết chóc, nhưng muốn đánh thắng một cuộc chiến, ngoài vũ khí, phương tiện tối tân và binh lính tinh nhuệ; lực lượng tiếp liệu, hậu cần phải lo vấn đề lương thực đầy đủ cho người lính ngoài mặt trận. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất và vitamin thì tinh thần người lính cũng nâng cao, sức chiến đấu bền bỉ hơn. 

Nguyễn Văn Tới. Tháng 6/2021. Viết từ Iraq.

REFERENCES:
https://en.wikipedia.org/wiki/American_Revolutionary_War

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi ta làm chuyện gì không phải ta đều sợ người khác chê cười. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nhưng cũng có khi ta ngẫm việc đời thì phó mặc, cười hở mười cái răng. Cười hở mười cái răng thì hở cũng hơi nhiều thật, nhưng khi cười có ai kìm hãm được niềm vui bộc lộ. Cười thì cứ thoải mái cho nó muốn hở bao nhiêu cái thì hở, cho thấy nụ cười gắn liền với hàm răng...
Cô bé bỗng nghẹn lời làm Bách ngạc nhiên, anh mở hẳn cửa bước ra ngoài chưa kịp hỏi thêm thì Chinh đã quay ngoắt đi y như lúc nãy để bước lên thang lầu, nhưng lần này cô đứng gần Bách quá, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh vùng vằng đã hắt vào mặt Bách, sự dỗi hờn vô cớ làm Bách càng thêm ngạc nhiên...
Chuyện vợ chồng Hạnh-Bằng cãi nhau, rồi goánh nhau (thực ra là chị bị goánh), rồi lại huề nhau vui vẻ “như chưa hề có cuộc… goánh nhau” xảy ra như cơm bữa, riết rồi trong con hẻm này, chẳng ai còn để ý nữa...
Chuyến về quê của tôi chỉ là đi từ Nam ra Bắc, vì tôi là một cư dân của Sài An, tức là Sài Gòn, nói văn vẻ dựa hơi Tràng An một tí. Đối với tôi, thành phố hoa lệ một thời mà tôi đã sinh sống từ thuở thơ ấu đến ngày bạc tóc hôm nay vẫn mãi là Sài Gòn. Và chỉ là Sài Gòn thôi...
Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc...
Tương truyền đây là những lời thơ Nôm mà vua Quang Trung phê vào sớ tâu của dân làng Văn Chương. Tờ sớ khá dài, trong đó nêu lên sự hư hoại gãy đổ bia tiến sĩ ở văn miếu. Người dân đồ đoán văn miếu bị tàn phá là do quân Tây Sơn trong lúc đánh dẹp họ Trịnh đã gây ra vừa đưa thêm giả thuyết do Trịnh Khải cho người phá hoại để đổ vấy cho Tây Sơn. Điều đáng nói ở đây là khi nhận sớ, vua Quang Trung chẳng những không giận dữ mà còn đích thân dùng chữ Nôm để phê với thái độ cầu thị vô cùng đặc biệt của ngài...
Mấy người khác đều thay nhau thử bồng nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu và cứ một mực đòi sư Khánh Vân. Sư Khánh Vân gọi chú tiểu Công Sơn lại bế thử thì người ta lại ngạc nhiên thấy đứa nhỏ nín khóc chịu cho bồng. Mọi người đều cười...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá, vì tháng Hai vẫn là mùa đông, nhiệt độ vẫn ở độ âm dưới zero, tuyết vẫn rơi bao la, vậy tàn đông cái nỗi gì!
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.