Hôm nay,  

Dòng Sông Vắn Số

04/06/202120:37:00(Xem: 2844)

 

1

 

Những tàng cây ngả nghiêng trong gió. Lá me xanh rải đầy đường. Cơn đói bò lan ra cả ngoài da. Chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hẹn. Không còn cách nào khác. Hắn đạp xe vòng quanh con phố. Bụng quặn lên ngàn con sóng. Biển động cấp năm trong bao tử và ruột non ruột già. Nhưng cơn đói hùng hổ như thế cũng chẳng thấm thía gì so với nỗi lo âu đầy nanh vuốt của cái việc phải làm. Hắn quẹo gắt vào con hẻm. Tay lái xe vướng vào quang gánh một người đàn bà bán hàng rong. Cú giật ngược làm hắn lao đao và người đàn bà nhùng nhằng sắp ngã. Chén bát xô vào nhau loảng xoảng hai đầu quang gánh. Người đàn bà trợn ngược con mắt.
 
Có mắt hay mù vậy cha nội.
 
Xin lỗi, xin lỗi. Hắn lắp bắp. Giây phút này mọi chuyện hơn thua đều vô nghĩa.
 
Xin lỗi mụ nội tui á.
 
Câu chửi thật hiền so với những câu chửi mọc hoang như cỏ dại quanh đời sống. Lâu lắm mới lại nghe được câu chửi thật hiền.
 
Chút xíu là bể hết đồ của người ta rồi.
 
Hắn chống chân xuống đất, liếc vội hai cái thúng ở hai đầu quang gánh của người đàn bà. Những chiếc lá me xanh. Giờ này vẫn còn những chiếc lá me xanh. Đám lá me xanh rất học trò. Và gió đảo quanh những tàng cây. Gió vẫn mang hơi hướm những mùa màng đã úa. Hiếm lắm mới lại có một khoảnh khắc nắng và gió dịu dàng đan nhau. Và con người nữa, cũng dịu dàng, nhân hậu.
 
Xin lỗi chị. Hắn nói, mắt liếc thật nhanh những cái bát sành úp ngược trên mặt chiếc rổ xề. Chiếc rổ bên kia có cái nồi đen xỉn. Vài cái chai  nhỏ đựng thứ nước gì đó đen  thẫm. Chắc không là gánh bún riêu. Dạo này làm gì còn bún riêu. Ý nghĩ thoáng qua đầu hắn.
 
Xin lỗi. Hắn nhắc lại cái lời cũ rích. Tôi vội.
 
Và hắn chống chân lên bàn đạp, phóng đi. Người đàn bà sửa lại những chén bát chen chúc nhau trên mặt rổ, miệng lẩm bẩm gì đó.
 
Hắn đạp xe vẹo cả xương sống. Gió vù vù bên tai. Tiếng loa phóng thanh đổ ngập không gian. Chuyện gì lại xảy ra ở Angola đây nhỉ. Những dòng thác cách mạng. Tháng Mười, tháng Tám, tháng Ba, tháng Tư... riết rồi ngày nào cũng là ngày kỷ niệm. Hôm nào cũng là ngày lễ lớn. Ngày nào cũng có phong trào tổng nổi dậy; không chỗ này thì chỗ kia.
 
Vẫn chưa lãnh gạo à, Tuân?
 
Câu hỏi đầu tiên mẹ hắn hỏi khi vừa nghe tiếng lạch cạch của bàn đạp chiếc xe cọc cạch.
 
Hắn đẩy xe vào nhà. Không bận tâm tìm chỗ, hắn dựng đại xe vào vách tường.
 
Gạo đâu. Mẹ hắn lại hỏi.
 
Đã có đâu.
 
Hắn trả lời qua quắt rồi lủi nhanh ra nhà sau. Qua căn bếp đầy những soong chảo ám khói, tới một nếp nhà vuông vức như cái hộp xám ngắt, hắn mở khóa, đẩy cửa lách vào. Tiếng cót két nghe rợn cả người, nhưng hắn nghe đã quen. Đến mòn nhẵn cả thính giác. Căn phòng nhá nhem. Hắn đưa tay bật công tác điện. Mùi hôi mốc quen thuộc quyện quanh hắn như con chó trung thành, quẩn quanh chân chủ mỗi khi chủ vừa đi xa về tới.
 
Hắn xoay người khóa trái cửa lại.
 
Gạo không có, bo bo cũng không; lấy gì mà nấu cơm đây. Tiếng bà mẹ già thở than ở nhà trên.
 
Khóa cửa xong, lắc lắc cánh cửa cho chắc ăn, nhét chùm chìa khóa vào túi quần, hắn đi luồn ra phía sau chiếc giường gỗ, vạch tấm màn xanh cũ qua một bên, lách người vào khoảng chữ nhật đóng khung bởi ba bức tường loang lổ xi măng và lưng gỗ chiếc tủ sách mối mọt. Một chiếc kệ co ro dựa vách tường trống trải. Trên ấy bày đầy những chai lọ bằng nhựa xám, những keo thủy tinh xanh nhạt. Hắn đứng thẳng người, nhìn lướt những chiếc keo đựng bên trong toàn một thứ xám ngoắt. Không nhìn kỹ nhưng hắn vẫn cảm giác được rằng những thứ kỳ dị kia cũng nhìn lại hắn. Cả mấy năm trời sưu tầm. Kín đáo chọn lựa, tỉ mỉ cắt, tỉa, lược, lọc. Lén lút đem về nhà. Nâng niu, chăm sóc. Nhỏ to chuyện trò, thì thầm trấn an với từng thứ một. Một thứ viện bảo tàng khoa học đang thành hình. Bây giờ sắp phải xa tất cả rồi. Giấc mơ không thành. Nhưng lại là khởi điểm của giấc mơ liều lĩnh khác. Năm ăn năm thua. Lòng hắn chùng xuống như sợi dây đàn không được chỉnh đúng độ căng.
 
Những thứ lặt vặt này thì bỏ ra bãi rác được. Những thứ lặt vặt này khó có thể phân biệt được là của chủng loại nào. Những ý nghĩ chạy vòng quanh trong óc hắn. Chỉ còn cái ấy. Hắn không dám nhìn vào chiếc keo thủy tinh đựng cái ấy. Phải nghĩ ra cách nào thật hiệu quả và nhanh chóng. Hai tiếng đồng hồ nữa. Hắn đưa tay nhìn đồng hồ. Không. Chỉ còn một giờ bốn mươi phút nữa là phải đi rồi. Xuống ghe vượt biên đâu phải chuyện nhỏ. Đến trễ người ta đâu có chờ. Cơ hội không đến hai lần. Sống chết gì cũng chỉ một lần. Thiệt tình. Còn cái của nợ này không biết tính sao. Ô, xin lỗi ông. Cháu không có ý nói thế. Chẳng ai là của nợ của ai. Mình sẽ phải tìm ra cách giải quyết. Hắn xoay chiếc keo thủy tinh, thì thầm. Hãy chỉ cho cháu cách nào. Cháu muốn tìm cho Ông nơi an nghỉ thật an bình.
 
Hai mí mắt nặng nề bung lên. Hai con ngươi xám ngắt đăm đăm nhìn hắn. Hai con mắt không còn được lông mi, lông mày viền quanh. Hai con mắt đục lờ. Tim hắn thắt lại. Hai con mắt trong chiếc keo thủy tinh. Hai con mắt nhắm nghiền bấy lâu nay. Nhắm nghiền từ ngày hắn đem cái đầu của ông lão ăn mày ấy từ phòng Cơ Thể Học về nhà. Bỗng dưng hôm nay đôi mắt mở ra nhìn hắn. Tiếng bà mẹ léo nhéo ở nhà trước. Hắn nhắm nghiền hai mắt. Ánh sáng nhá nhem vẫn lẩn quẩn trong tầm nhìn của hắn. Hắn mở mắt ra thật vội. Không. Hai con mắt ấy vẫn nhắm. Hai con mắt ấy vẫn ngủ. Ông lão ăn mày ấy chết khô bên lề phố. Người ta đem xác ông vào trường Y Khoa. Ông già ấy đã nghỉ yên từ ngày thành vật thí nghiệm cho đám sinh viên trường thuốc. Sống có mái nhà, chết có nấm mồ. Thiên hạ vẫn ví von. Nhưng người này khi còn lê lết được, vẫn gửi thân trên vỉa hè cái thành phố đã chẳng còn tên, và lúc buông thõng hai tay, đã gửi xác trong phòng thực tập Cơ Thể Học. Ông già ơi. Ông hiến dâng thân thể cho khoa học. Chúng tôi, những người sống mang ơn bạn.
 
Mình sẽ tìm cho ông già một nơi chốn bình yên. Hắn xoay nhẹ nắp keo và xoay cái mặt người vào phía trong vách tường. Hắn cảm thấy như Người chết bắt tay hắn. Cái bắt tay ấm áp, dù bàn tay ngâm trong formol đã gần cả năm trời. Bỗng dưng người hắn nổi gai. Bao nhiêu năm trời ăn nằm bên xác chết, vậy mà hôm nay người hắn nổi gai.
 
Con ra tới đây mẹ à. Làm gì mà rối lên thế. Hắn vểnh cổ, nói vọng ra ngoài.
 
2
 
Chị ngồi nhặt rau. Dạo này rau muống lên giá quá. Mà toàn rau già ăn dai như đỉa. Chị cố dung hòa giữa việc ngắt bỏ những cọng rau già và đừng bỏ phí đi nhiều quá. Đầu óc chị tẩn mẩn với những thứ cây, thứ lá, thứ củ, thứ hạt nào đó có thể nấu thành món ăn cho cả nhà. Cả tháng trời nay mẹ chị ốm đau. Những chén cháo loãng chẳng làm sao có thể giúp mẹ ngồi dậy mà đi tới đi lui như lúc chưa ngã bệnh. Cũng may. Hôm mẹ mổ ruột dư chị còn chiếc nhẫn đính hôn. Bây giờ thì mười ngón tay trống trơn. Mai mốt anh về chắc anh sẽ ngạc nhiên khi nhìn ngón tay đeo nhẫn không có nhẫn của chị. Nhưng giải thích thì chắc anh sẽ hiểu. Mà biết rồi anh có về được không. Chị không nghĩ thêm nữa.
 
Thằng Ngôn về chưa hở Hạnh? Tiếng mẹ chị vọng ra từ nhà sau.
 
Chưa đâu mẹ ạ.
 
Hôm nay chắc nó được lĩnh gạo đấy nhỉ.
 
Vâng. Chắc hôm nay. Chị nói cho mẹ yên lòng.
 
Sinh viên học sinh, đáng lẽ phải cho người ta lĩnh gạo sớm. Mẹ chị càu nhàu.
 
Chị trấn an mẹ. Chắc hôm nay có đấy mẹ ạ.
 
Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau mà. Mẹ chị nhắc lại câu trong một bài hát của cái thời xa lắc xa lơ. Dạo này mẹ vẫn lẩn thẩn như thế. Chị mỉm cười. Những lời trấn an vu vơ của con gái bao giờ cũng đem lại cho người mẹ sự bình yên. Nhà chỉ còn ba mẹ con. May mà thằng Ngôn còn cái chân sinh viên. Nếu không thì chắc là đói quá. Lạy trời cho chiều nay nó được lãnh gạo. Muộn cả tuần lễ rồi. Không có gạo thì lấy gì nấu cháo cho mẹ đây chứ.
 
Tiếng xe đạp cót két cắt ngang dòng suy tưởng của chị. Chị ngước lên, ngạc nhiên.
 
Kìa Tuân.
 
Chống chân xuống đất cho xe ngừng lại, người thanh niên cất tiếng chào. Chị Hạnh.
 
Ừ, em.
 
Thằng Ngôn có nhà không chị. Người thanh niên hỏi không kịp thở.
 
Nó đã về đâu. Chị nhìn những giọt mồ hôi đọng trên cánh mũi rám nắng thằng bạn em trai chị. Hình như hôm nay trực bệnh viện gì đấy mà.
 
Người thanh niên sựng lại. Ô, vậy à.
 
Có chút gì đó như sự thất vọng, xen lẫn chút mừng vui, chút hả hê trên khuôn mặt và trong giọng nói hắn. Hắn xăm xăm đẩy xe lên thềm dù chị chưa bảo hắn đem xe vào trong cho khỏi mất như vẫn thường nói.
 
Chị lùa tay vào thau nước rồi đứng vội lên, lính quýnh tránh chỗ cho người thanh niên đẩy xe vào nhà. Chị nhìn vẻ xớn xác của hắn. Hai mắt hắn ngó trước ngó sau. Hàng ngày Tuân và một thằng bạn nữa vẫn đến rủ Ngôn xuống phố. Trong ngôn ngữ của tụi nó xuống phố có thể là đi uống cà phê, đi xem phim, đi xuống bệnh viện hay la cà đâu đó ngắm nghía những cô gái Sài Gòn còn sót lại chút dấu vết của Sài Gòn.
 
Mắt chị dừng lại ở cái bao tải nhỏ cài ở yên xe hắn. Vậy là thằng này được lãnh gạo sớm hơn thằng em của chị. Tuân vẫn thường được lãnh gạo sớm hơn hai đứa kia như thế. Có lần chị thắc mắc và được chúng nó giải thích là Tuân ở lại trường làm nhân viên giảng huấn nên được ưu tiên hơn những đứa khác.
 
Em được lãnh gạo rồi à. Chị hỏi.
 
Tuân ngơ ngác một giây rồi nhìn mông ra ngõ. Ngõ cụt nên ít người qua lại. Hai đứa trẻ tóc vàng cháy và rối bù chơi nhảy lò cò trên sân đất, cãi nhau ỏm tỏi vì đứa này tố cáo đứa kia ăn gian.
 
Hở Tuân. Chị lại hỏi.
 
Hắn ậm ừ. Rồi lảng qua chuyện khác, Thằng Ngôn có nhà không, chị.
 
Chị nhìn hắn. Cái thằng lẩn thẩn. Mới hỏi xong đã lại hỏi y hệt câu ấy. Dạo này người ta bị lẩn thẩn hơi nhiều. Chị thầm nghĩ.
 
Đột nhiên Tuân đưa tay xem đồng hồ, rồi nhanh nhẹn tháo cái bao tải ở yên xe. Hắn nhấc cái bao lên, xách vào tận khoảng giữa căn nhà, len giữa những chiếc ghế lỏng chỏng kê quanh chiếc bàn gỗ trầy trụa những vẩy véc ni nâu thẫm.
 
Chị cho em gửi cái này cho thằng Ngôn. Em có việc phải đi bây giờ.
 
Chị nghĩ đến những hạt gạo trắng chen chúc với những hạt thóc và sỏi sạn mầu nâu hoặc mầu ngà. Mất công nhặt thóc, nhặt sạn một tí nhưng rồi sẽ là những bữa cơm ngon. Mẹ sẽ có những bữa cháo đặc ăn với muối thật là đặm đà.
 
Để chị nói với nó cho.
 
Chị không dám hỏi thêm điều gì. Thằng này chắc trúng mánh nên muốn nhường phần gạo cho bạn bè. Chị sợ nó đổi ý. Dạo này con người xoay như chong chóng. May mà thằng em chị có những đứa bạn tốt. Trên đời này chơi được với những đứa bạn tốt như chúng nó thật là khó khăn. Những ý nghĩ đuổi bắt nhau xớn xác trong đầu chị.
 
Không sao, nó biết mà chị.
 
Tuân trấn an chị rồi dắt xe đạp ra sân, phóng lên xe, đạp đi như tên trộm xổng khỏi tay cảnh sát. Vụt một cách chị đã không thấy tăm tích hắn nữa.
 
Chị nhanh nhẹn bước tới góc nhà. Hơi thở chị đổ dồn con dốc. Chị ngồi xuống vỗ nhẹ vào cái bao tải. Cái bao cứng ngắc. Cái này cũng phải chục ký gạo chứ không ít. Chị loay hoay tháo sợi dây buộc miệng túi. Tháng này vậy là trúng mánh. Hai chục ký gạo thằng Ngôn lãnh ở trường cộng thêm bọc gạo này, tha hồ mà ăn uống no say, tha hồ mà vỗ nhau cho béo. Chị nhắm mắt lại hình dung những chén cơm nghi ngút khói, trong khi những ngón tay vẫn mau mắn tháo gỡ sợi dây. Những chén cơm trắng thơm nồng trong không gian chị. Thằng này làm gì mà buộc kỹ thế không biết. Nồi cháo trắng sôi lụp bụp trên bếp củi. Những mối dây cứ rối vào nhau. Củi nỏ, than nổ lách tách văng ra những vẩy lân tinh vàng rực. Cuối cùng rồi sợi dây cũng phải tuột ra. Mắt vẫn nhắm nghiền với ước mơ, chị luồn tay vào bọc gạo ân tình.
 
Những ngón tay chị chạm vào vật gì đó ẩm và lạnh. Chẳng lẽ nhà trường bán gạo hẩm cho sinh viên. Chị luồn những ngón tay xuống dưới bọc. Những thứ gì đó gồ ghề vừa mềm vừa cứng vừa nhão vừa khô làm người chị sần sùi gai ốc. Chị thành con cóc cụ. Chị khẽ lắc đầu để xô đi cái cảm giác khó chịu, rồi tuột hẳn lớp vải bao tải xuống. Những chén cơm trắng bốc khói tỏa ra một thứ mùi gì đó gây gây tanh tanh và nồng như mùi thuốc sát trùng chị bắt gặp khi săn sóc mẹ trong nhà thương tuần trước. Những chén cơm trắng mờ đi. Và chị mở choàng mắt. Chị hét lên kinh hoàng. Hai con mắt nhắm nghiền đang nằm ngay trước mặt chị. Hai con mắt trên chiếc đầu teo tóp, với khóe miệng méo xệch và sống mũi xiên xẹo như mũi con búp bê cao su bị móp. Thân thể chị mềm nhũn.
 
Lạy Chúa tôi. Chị thở hắt ra.
 
Và chị đổ rục xuống nền nhà như thân cây chuối bị đốn ngang.
 
3
 
Tao đã nói rồi. Mày phải đi với tao. Ngôn nói bằng giọng quả quyết.
 
Phải biết là đi đâu đã chứ.
 
Đi đâu thì mày cũng phải đi với tao.
 
Chúng tôi ngồi trong quán cà phê cô Thảo. Hai ngày nay chúng tôi nghĩ nát óc tìm một giải pháp cho vấn đề chúng tôi đang rối trí đương đầu. Giải pháp nào nhân đạo cho người ấy và an toàn cho chúng tôi. Cả chục ly cà phê thơm mùi gạo rang cháy. Hàng chục điếu thuốc mỗi lần hút lại tốn một que diêm để mồi. Những đầu ngón tay bắt đầu nhuộm vàng. Nếu mẹ tôi trông thấy mẹ tôi sẽ lo lắng. Nếu cô bạn bắt gặp, cô bạn sẽ không vui. Cái loa phóng thanh ở đầu con hẻm cứ rối lên suốt ngày Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn. Vậy mà cả hai đứa con trai - vốn thầm tự cho mình là thông minh - vẫn không tìm ra được giải pháp nào.
 
Tao áy náy quá. Ngôn lẩm bẩm.
 
Tôi ngoái cổ nhìn quanh – thói quen mới tập được. Cẩn thận vẫn hơn. Có mất mát gì đâu cái ngoái cổ - rồi quay lại, nhìn thẳng vào mặt bạn, nói thật nhỏ, vừa đủ cho hắn nghe. Áy náy gì nữa, mình đã đem vào nhà thờ rồi.
 
Đem đâu mà đem. Mới chạy xe vù qua cổng nhà thờ, có kịp đọc câu kinh nào đâu.
 
Những kẻ ngoan đạo quá nhiều khi cũng là trở ngại cho sự tiến bộ. Ai đó đã nói câu ấy nhỉ. Buổi tối hôm trước, chúng tôi đem bọc gạo mà thằng Tuân gửi chị Hạnh, nhờ Ngôn giải quyết giùm, định ghé nhà thờ, đọc cho Người ta một câu kinh rồi tính tiếp. Trước khi lên đường đến xứ đạo, cả hai đứa cùng hăng hái và nhiệt tâm như hai chàng hiệp sĩ lao mình vào cuộc thập tự chinh đầy gian khổ. Vậy mà đến trước cổng nhà thờ, chẳng ai bảo ai, cả hai cùng đảo xe qua hướng khác.
 
Tại tao thấy có nhiều đứa lảng vảng ở ngoài cổng nhà thờ quá. Tôi gạt tàn thuốc xuống đất, nói nhỏ.
 
Thì giáo dân đi nhà thờ cầu kinh. Ngôn lầu bầu.
 
Tôi nhìn Ngôn ngờ vực. Những khuôn mặt phẳng lì bia đá ấy không thể là chân dung của bầy chiên ngoan đạo. Nhưng tôi không cãi cọ với Ngôn. Từ lâu, tôi có thói quen bỏ ngoài tai những điều gây tranh luận.
 
Thằng khốn Tuân hên thật. Ngôn nheo mắt, nhìn chất nước đen nâu trong lòng ly, nói như nói cho một mình nó nghe. Giờ này chắc tới hải phận quốc tế rồi.
 
Tôi cũng lẩm bẩm, như cho một mình tôi nghe thôi. Những thứ còn lại kia không biết nó đem đi đâu. Đem lại trường thì đâu có kịp.
 
Những thứ còn lại kia. Những bàn tay với đủ thứ lặt vặt như xương ngón, xương thuyền, xương nguyệt, xương đậu, xương thang... nọ kia. Những bàn chân với xương bàn chân, xương ngón chân, xương gót... lung tung đủ thứ. Rồi những xương đùi, xương ống chân, xương bánh chè, xương cánh tay, xương ức, xương sườn, xương sống, xương hông, xương bả vai, xương đòn gánh, xương hàm. Những thứ còn lại kia. Nhà khoa học dở điên dở khùng. Tên bác sĩ chuyên khoa Cơ Thể Học. Mơ ước thực hiện viện bảo tàng cơ thể học của riêng mình. Mỗi khi sinh viên thực tập mổ xong một xác chết, trước khi nhân viên nhà xác đem đi thiêu, nhà khoa học lén tháo, gỡ, cắt, lóc… đem mấy cái xương về nhà. Bộ sưu tập chỉ còn thiếu cái xương sọ. Nếu như không có chuyến đi bất ngờ này thì bộ sưu tập đã kể như hoàn tất.
 
4
 
Chúng tôi nghĩ ra chỗ ấy thật tình cờ. Lúc chiếc máy phát thanh quán cà phê cô Thảo-Tóc-Dài vang vang lời ca có đoạn Ở tận sông Hồng anh có nhớ, quê hương em cũng có giòng sông, Vàm Cỏ Đông gì gì đó thì hình ảnh chỗ ấy chợt sáng lên trong đầu hai đứa.
 
Ấy là khúc sông vắng chảy qua lưng khu di cư chen chúc những nhà thờ Công Giáo. Đêm xuống bên này sông lập lòe ánh nến những bàn thờ xóm đạo, bên kia sông le lói ánh đèn ẩn hiện trong những tàng cây rậm lá. Hình như ấy là sông Bến Cát. Hồi Mậu Thân, máy bay ném bom lung tung phía bên kia sông. Loáng thoáng những bóng khăn rằn chạy lăng quăng dưới những khóm dừa. Hồi còn bé và ngay cả khi đã lớn và đất nước không còn chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ dám mạo hiểm qua bên kia sông. Nhưng tôi thích ngồi ở bờ bên này nhìn những thân dừa ngả nghiêng bờ bên kia.
 
Gần, thật gần mà cũng xa quá là xa.
 
Hai thằng con trai. Thì chúng tôi nào đã đủ để trưởng thành được coi là hai gã đàn ông. Hai thằng con trai chọn đêm hôm ấy bởi đêm hôm ấy không trăng. Chúng tôi lầm lũi đạp xe qua những con phố vàng vọt ánh đèn. Trái tim động cỡn trong lồng ngực. Những vì sao nhấp nháy trên cái nền đen kịt của đêm như tín hiệu cầu cứu của đám vượt biên giạt vào hoang đảo. Gió sông luồn qua cổ áo làm gai lạnh sống lưng. Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Tôi thầm hát lời thánh ca quen thuộc để sóng gió dịu xuống trong lòng. Chúng tôi cong lưng đạp xe lên dốc cầu. Ông Già ơi, hãy nghỉ yên nhé. Hãy nghỉ yên. Chúng cháu không thể làm gì khác. Chúng cháu không còn cách nào khác.
 
Hai đứa dừng xe, dựa sát thành cầu. Hãy thong thả đi bên nhau. Dặn dò như thế. Như một đôi tình nhân. Từ xa nhìn lại, người ta sẽ tưởng đó là cặp tình nhân dẫn nhau lên cầu tính chuyện ầu ơ. Gió vi vu. Mặt sông cau có giận hờn. Những ngọn đèn mù lòa hai bên bờ. Con sông có tên không. Hình như tên nó là Bến Cát. Chẳng biết có phải là Bến Cát không. Hai bên bờ chả thấy nơi nào có cát. Mình sắp thủy táng cho Ông lão ăn mày. Cái bọc nặng trĩu trên cánh tay. Nhìn quanh xem có ai để ý mình không. Nhập nhòe đàng kia có một cặp tình nhân. Phải là tình nhân bởi họ đang ghì sát vào nhau. Không ai để ý đâu. Sao mà nặng thế nhỉ. Thằng khốn nạn Tuân. Làm khổ người ta. Giờ này chắc nó đang ở Mã Lai hay Nam Dương rồi. Nhà bác học điên điên khùng khùng. Chẳng bao lâu nó sẽ định cư ở một xứ sở xa xôi nào đó, nơi con người được hít thở hồn nhiên.
 
Xin lỗi, xin lỗi. Tôi miết những ngón tay vào chỗ xi măng vỡ tạo thành vết lõm ở thành cầu, miệng thì thầm cầu khấn. Và vung mạnh cánh tay trĩu nặng. Sức nặng buông ra làm tôi lao đao muốn ngã.  
 
Một tiếng ùm vang lên. Mặt nước đen cau lại, giận dữ.
 
Thôi về. Chúng tôi ngó trước nhìn sau. Không ai thấy chúng tôi. Đôi tình nhân thong thả đạp xe, lên cầu hóng gió. Hãy an nghỉ nhé, Ông Già ạ. Tôi thì thầm với cái đầu của người đã chết. Tôi thì thầm với gió, với những vì sao le lói trên tấm màn nhung đen, tôi thì thầm với cả dòng sông. Đêm nay chúng tôi trao Ông Già cho dòng sông giữ hộ.
 
Lễ thủy táng âm thầm.
 
5
 
Cho tôi lại sông Bến Cát.
 
Bến Cát hay là Bến Hải.
 
Bến Cát.
 
Chú có chắc là Bến Cát không.
 
Hình như vậy. Hồi trước ở khúc này có một con sông nhỏ, tên là sông Bến Cát.
 
Chú nhớ nhầm đó. Làm gì có sông Bến Cát. Sông Bến Hải thì có. Đọc trong sách sử có thấy nói tới nhưng sông Bến Cát của chú thì cháu chưa bao giờ nghe ai nhắc tới.
 
Con đường kéo lên đoạn dốc, tiếng máy xe rầu rĩ. Người đàn ông nhận ra cây cầu. Nhưng phía dưới không phải là lòng sông loang loáng nước.
 
Dừng lại đây một chút được không.
 
Được chứ.
 
Người đàn ông xuống xe. Những mái nhà cao thấp ngả nghiêng trong gió. Nắng bốc lửa trên da. Người đàn ông miết tay lên thành cầu. Chỗ xi măng vỡ này. Hai mươi mấy năm trời rồi nhưng còn quen quá là quen. Những mái nhà chen chúc nhau. Ngói đỏ đủ mọi sắc mầu. Có cả những mái nhà mầu tím. Những dinh thự. Và bao nhiêu là mái tôn vênh vẹo. Những mái nhà cố vươn lên tìm khoảng không gian trống trải để hít thở chút không khí ngột ngạt. Mặt trời xoay vòng trên cao. Người tài xế trẻ cặp xe sát lề đường, bước xuống bên người đàn ông. Người đàn ông gật gù. Những sợi tóc bạc rũ xuống vừng trán ông ta.
 
Đây là cây cầu. Ở dưới kia lúc trước là con sông. Tôi nhớ như vậy.
 
Cháu chẳng biết đâu. Nếu là sông thì người ta đã lấp đi để có chỗ xây nhà. Chú không thấy nhà cửa san sát đó sao.
 
Người đàn ông ngóng cổ nhìn xuống phía dưới chân cầu. Một con hẻm nhỏ vừa đủ chỗ cho một chiếc xe gắn máy chạy lọt. Tiếng rao hàng ơi ới. Người đàn ông cố lắng nghe tên món hàng nhưng không thể nào đoán ra được. Mái nhà ngói nâu chìa ra khỏi lề con hẻm, tưởng chừng đứng trên này, đưa tay ra, nhoài người tới, ông có thể chạm vào những viên ngói khô bốc khói trong cái nóng nung người.
 
Dưới này ngày xưa là con sông Bến Cát mà tôi nói đó.
 
Cháu không biết sông Bến Cát. Nhưng chú có chắc chắn không.
 
Người đàn ông nhắm hai mắt lại. Hình ảnh cái đêm lén lút với thằng bạn đem cái đầu người chết ném xuống sông hiện rõ ra trong trí. Mặt nước đen mun cau lại trước mặt ông. Một tiếng ùm xé toang đêm tối. Cái người thủy táng năm xưa giờ vùi dập nơi nào.
 
Thôi mình về chú ơi. Chẳng có sông Bến Cát Bến Đất gì đâu.
 
Ừ mình về thôi. Người đàn ông lẩm bẩm với cái đầu xanh xám, nhơn nhớt formol, với hai con mắt nhắm nghiền trong trí nhớ. Cái người được thủy táng năm xưa đã tan theo dòng sông vắn số mất rồi.
Trong tập “Và Không Ngày Nào Tôi Thấy Hình Tôi.”
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi dịp tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên cùa các gia đình VN hay trên bàn phòng ăn đều không thể thiếu một khay hay một mâm hoa quả. Người ta thường nói đến “mâm ngũ quả”. Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ước muốn những điều tốt đẹp, tươi tắn, đầy hương thơm đem lại bình an cho gia đình. Người ta chọn những quả ngon, quí, đặc biệt trong địa phương hay trong mùa, đặt cho nó nhiều ý nghĩa, và đem chưng trên bàn thờ cách nào cho đẹp, không cứ chỉ giới hạn có 5 thứ quả mà thôi
Chả là ông bà có ba người con, cô gái đầu lòng rồi đến hai cậu con trai. Cô con gái lập gia đình theo chồng qua Texas làm việc từ mấy năm nay. Hai thằng con trai còn đang học Đại Học ở xa, thằng anh hết năm nay là ra trường còn thằng út mới lên năm thứ hai. Mùng Một Tết vào ngày thường nên bà đã tưởng là Tết năm nay lại chỉ có hai ông bà già nên đã buồn héo cả người.
Ở Đào bang, hoa đào bạt ngàn, trái đào nhiều không đếm xuể. Hoa đào có nhiều loại: Đào thắm, đào phai, đào bạch, đào đơn, đào kép, đào nhiều màu… Mùa xuân hoa đào nở rực hồng cả một góc trời của Hoàng Hoa trang nói riêng của Đào bang nói chung, cảnh tượng đẹp như cõi thiên thai. Trái đào cũng có rất nhiều loại: Đào vàng, đào trắng, đào tiểu, đào đại, đào lông, đào láng, đào vườn, đào rừng… Trái đào đủ độ già ăn giòn, chua chua ngọt ngọt ngon hơn là đào chín. Mùa xuân hoa đào nở, mùa hạ trái đào rụng, những nhà vườn chuyên môn thì hái bán, những người trồng tài tử thì… trái rụng đầy đất. Nếu mùa xuân hoa đào tạo ra cảnh quan thiên thai thì mùa hạ đào rụng, chín nhũng ra, côn trùng kéo đến trông bầy nhầy như “ Địa ngục”. Thế mới biết thiên đường với địa ngục không hai, cũng từ một tâm niệm mà ra.
Thận Nhiên là một trong những nhà văn thành danh ở hải ngoại vào cuối thiên niên kỷ trước. Cuốn tiểu thuyết “Những ghi chép ở tầng thứ 14” được Văn Đoàn Độc Lập trao giải Sách Hay bộ môn Văn, năm 2018. Gần đây, từ lối viết hiện thực anh chuyển sang siêu hư cấu, mà hai truyện “rất ngắn” đăng trên Việt Báo Xuân Nhâm Dần vừa qua là điển hình. Nhà văn Thận Nhiên đến với Việt Báo lần này với một truyện “chớp”, trong đó cảm xúc như một tia chớp, nhoáng lên rồi tắt ngúm, nhưng để lại dư ảnh đậm đà trong tâm tư người đọc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
"Chiều nay, Khang ngồi bờ đá lắng nghe sóng vỗ lần cuối vì ngày mai anh sẽ ra đi đến nước thứ ba. Khang đang nghe tiếng vọng bao kỷ niệm từ ngày bước vào mê lộ lịch sử, mang tuổi trẻ đi mải miết mà không tìm thấy lối ra trên chính quê hương mình. Khang nhớ ánh nắng chiều thoi thóp quê nhà luôn cho anh ý niệm dở dang, muộn màng số phận cho đến ngày gặp Lĩnh cùng hai đứa học trò trên chiếc sân nhà. Nơi ấy một thời chứa chấp một con người mà linh hồn đã chết nhưng cố bám víu trần gian, tận tụy mãi võ để kéo dài sự sống cho dù mỗi ngày xiêu vẹo, nghiêng ngả trên chính bước đi của mình." -- Một truyện ngắn mang nặng tâm sự hoài niệm một thời trai trẻ nơi quê nhà, của nhà văn Lê Lạc Giao, Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Có xa quê hương đất nước nhiều năm, mỗi khi Tết đến Xuân về, người ta mới cảm nhận không khí chung quanh mình như thiếu thiếu một cái gì rất quan trọng? Không phải vì đất lạ, người không quen biết, không cùng chủng tộc. Cũng không phải vì những đồ ăn, thức uống khi mua về thiếu đi cái hương vị đất nước của quê hương bản quán mà có lẻ chỉ vì... cái không khí chung quanh mình nó khác biệt và cả cái mùi vị của mùa xuân cũng nhiều lạ lẫm.
Tôi bao giờ cũng hình dung Tết gắn liền với đất Bắc, nơi đi trước mùa Xuân phải có một mùa Đông. Mùa Đông ở nơi này mỗi năm mỗi khác, nó có thể lạnh nhiều hay lạnh ít, độ ẩm có thể cao hay thấp, nhưng nhất thiết không thể không có gió bấc và mưa phùn. Không khí se lạnh làm cho con người phải co ro một chút, rùng mình một chút, chính là sự chuẩn bị không thể thiếu để cho ta bước vào cái mốc thời gian mới đối với mỗi người mỗi nhà.
Ông cụ thường ca cẩm anh con trai nuôi mèo từ một con đến cả đàn, từ đời cụ mèo đến chắt mèo trong khi chuyện vợ con chẳng hề nghĩ đến. Nhiều năm trước đám bạn anh phải tranh nhau mà xin mèo về làm thú cưng. Giờ thì họ không muốn xin nữa vì ngại chăm, hoặc dẫu có muốn chăm thì đã đến lúc chăm cháu nội cháu ngoại chứ không đến lượt thú cưng. Thế là lũ mèo của anh hiện tại còn những bốn con, được cái ông cụ thương anh con trai nên anh có việc đi đâu thì lại cặm cụi cho chúng ăn.
Truyện này viết về một người anh, và nhiều phần là hư cấu. Nghĩa là, chỉ một phần có thực. Nhưng tôi không thể nào nói rõ là phần nào thực, phần nào hư. Nói rõ có khi lại hỏng. Đã viết truyện thì, chẳng tác giả nào nói rõ đâu. Ngay như nhan đề “Bên Trời Đại Lý” cũng thấy là bên kia sự thật rồi, vì Việt Nam mình làm gì có thị trấn Đại Lý, nơi sẽ là bối cảnh của truyện ngắn này. Nhưng, nếu nói thiệt ra là Chợ Lớn, thì lại trần gian quá, chẳng thơ mộng tí nào. Thêm nữa, có một số độc giả có thành kiến với người Tàu -- làm ơn, xin sửa lại, gọi là người Hoa mới đúng và lịch sự hơn – nếu thành kiến, khi đọc, có thể mất vui. Do vậy, trong truyện này, chúng ta đồng ý rằng địa danh Chợ Lớn sẽ được mã hóa thành Đại Lý, một vương quốc cổ trong truyện Kim Dung. Các độc giả không ưa cường quốc phương Bắc xin tưởng tượng rằng Đại Lý chỉ có trong truyện, chớ đừng nhớ rằng nơi này đã bị nhà Minh thâu tóm từ thế kỷ 14.
Cho đến thời đại này, chuyện bói vẫn được tôn trọng, không chỉ trong dân gian, mà còn xảy ra sau lưng sân khấu chính trị, kinh tế. Hầu hết các nhà lãnh đạo ở Đông phương đều xem bói, có khi đã tuyển dụng một thầy bói nổi tiếng để hỏi việc thành bại mỗi lần gặp khó khăn và thầy bói đó chỉ đạo thay vì vị lãnh tụ được lòng tin của dân chúng. Ở Tây phương cũng vậy, ngày xưa họ tin dùng các thầy phù thủy; ngày nay họ dùng những kỹ thuật khoa học để dự đón tương lai. Bất kỳ thứ gì, nếu có chữ “đoán” đều thuộc về dòng họ “Bói”. Bói là những hành động và lời lẽ làm cho “mê” và “tin” một cách “tín” nhiệm. Hầu hết những người có học đều xem bói là mê tín, nhưng cái thứ mê tín này ẩn núp tận xương tủy thần kinh, chỉ chờ đúng dịp sẽ xuất hiện. Từ những chuyện quan trọng như đầu tư kinh doanh, xuất quân viễn chinh, quyết định chính trị, cho đến những chuyện vui chơi: Khi vào một đám đông, bạn chỉ cần bắt đầu xem chỉ tay của một người, lập tức, kẻ lạ người quen kéo đến ngồi chung quanh, chờ đến p
Hồi còn nhỏ, tôi nghe nhạc xuân với tinh thần “kỳ thị” cao độ. Nghe “…tình xuân chớm nở đêm qua, khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời…” thì thấy phê quá xá! Nhưng lại hết sức bực mình khi nghe bên hàng xóm vẳng sang “… trên đường đi lễ xuân đầu năm… chách chách chách chách bum chách bùm chách bum (tiết tấu habanera) Qua một năm ruột rối tơ tằm…”. Tôi càu nhàu trong đầu “nhạc xuân gì mà buồn thế!...” Sau này lớn lên, tôi mới thấy mình vô lý quá cỡ. Thực ra bài Xuân Thì của Phạm Duy giai điệu buồn cũng không kém gì bài Câu Chuyện Đầu Năm của Hoài An. Vấn đề chỉ là tại mình thích thì khen hay, còn không thích thì chê là buồn, thế thôi!
Những cánh mai đua nở giữa mùa đông, xác rơi phủ mặt đất màu vàng tươi của cái chết còn rất mới. Mới như tuổi thơ của tôi ngày hôm qua. Suốt tuổi trẻ, Tết vẫn đem cho tôi một hạnh phúc buồn bã khi sống lại kỷ niệm, thứ cảm giác hao hao như gốc mai gọi mùa xuân bằng những cánh hoa rơi. Tôi yêu những tập tục ngày xưa mà bây giờ có sự cảm thông rằng không mấy ai đủ sức làm theo. Người ngoài nước thay đổi để hội nhập vào văn hóa mới, cả người trong nước cũng vậy. Tôi hoài niệm sự yên bình của đời sống và sự đơn giản của con người trong mắt tôi ngày ấy.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.