Hôm nay,  

Tiệc Cưới Ở Phương Đông

14/05/202100:00:00(Xem: 3023)

dem tung manh

Trong tập Đêm, từng mảnh…




Sau khi lượn quanh co qua bao nhiêu là đường phố, đám rước dâu trở về, qua nhà cô dâu, đến nhà chú rể. Mọi người lục tục xuống xe. Những tà áo lướt thướt làm rụng mấy bông hoa giấy gắn vội bên cửa xe. Đám trẻ con xô đẩy nhau để nhặt. Mấy người đàn bà tụ tập đầu con hẻm xì xào. Lúc đi ngang cái đám lùi xùi ấy, cô nghe kẻ nào đó nói lớn, “Lỡ bỏ tiền ra mướn xe phải chạy cho nó đáng!”

Cô muốn quay lại, nhìn thẳng vào mặt từng người, dằn từng chữ; vâng, từng chữ, vào những cái mặt câng câng đang hóng chuyện ở góc hẻm. Nhưng sao câu nói ấy nghe quen quen.  Và cô nhớ ra mới hồi sáng nay, anh ruột cô, lúc khệnh khạng đi tới đi lui trên nền xi măng xám xịt, sửa đi sửa lại cái cà vạt đang siết cứng lấy cổ, đã ề à câu ấy. Ừ, lỡ bỏ tiền mướn xe phải chạy cho nó đáng chứ. Đàng nào cũng trả tiền rồi. Xe đã bao trọn buổi sáng chả lẽ chỉ chạy từ nhà cô dâu thẳng qua nhà chú rể coi sao được. Làm vậy mất giá con gái người ta chứ bộ.

Chú rể đã nói thế thì phải như thế. Đời người chỉ có một lần. Lòng cô chợt lắng xuống, như phím đàn bị ngón tay ai đó bấm trúng một nốt thật trầm. Anh cả thay đổi quá. Mới có mấy năm trời mà anh đã nói năng như bị ai đó nhập vào. Cả câu nói chỉ còn hai chữ “chứ bộ” là của anh, là của cái thời cắp sách đến trường. Cũng may là chỉ hai chữ đó thôi, đã làm lòng cô lắng xuống và hình ảnh bao nhiêu trường lớp nhập nhòe trước mắt cô.

Rồi quan viên hai họ kéo nhau nhập tiệc.

Tiệc kéo dài tưởng không bao giờ dứt. Đến khi hai đầu gối cô muốn rụng ra và hai mắt cô muốn hoa lên thì những chai rượu nếp than, rượu đế, những chai bia cuối cùng cũng cạn. Mẹ con cô gom chai lọ hết lớp này đến lớp khác, xếp đầy một góc vườn mà thực khách vẫn hung hăng thách đấu.

Cuối cùng, mẹ nói nhỏ vào tai cô, “Để tao nói cho anh mày biết.”

“Thì mẹ nói đi.”

Mẹ lầm lũi bước, cái bóng nhỏ bé loắt choắt luồn giữa đám người nhung nhúc quanh những bàn tiệc. Mẹ tới sát sau lưng anh, ngập ngừng. Rồi lặng lẽ quay lưng, lủi thủi luồn giữa những tấm lưng cánh phản, nồng nặc mùi mồ hôi, ra nhà sau.

“Sao hở mẹ?”

“Nó có nghe tao nói đâu.”

Cô hăng hái, “Để con đi với mẹ.”
 
Cô nắm lấy những ngón tay xương xẩu của mẹ. Những ngón tay khô và lạnh vạch lên trong lòng cô cái nhói buốt của một thâm tình. Và vô tình, cái cảm giác xót xa của một chia ly cuối đời; cái chia lìa không ai tránh được.

Hai mẹ con đi luồn quanh những ghế ngồi. Đắm trong mùi hành xào, mùi thịt nướng, mùi tỏi cay nồng, mùi hoi nồng của bia rượu. Một người đàn ông bất chợt vòng cánh tay ra sau chặn mẹ con cô lại. Cái tay vung vẩy đánh nhịp cho câu nói. Hai ngón tay cùn mằn sỗ sàng chạm vào ngực cô.

“Còn cô út, chừng nào mới lấy chồng đây?”

Cô đứng sựng lại, co người tránh né. Mẹ từ sau bước tới, đâm sầm vào cô. Cô âm thầm nuốt nước miếng, nuốt theo cái ngượng ngập của một cánh hoa bỗng dưng phai chất mầu mơn mởn của xuân thì.

“Thì cháu nó cũng đang tính đây.” Mẹ đỡ lời con gái.

Vậy là ổn rồi. Vậy là yên rồi. Có mẹ, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng cái mặt tím bầm và cặp môi bóng nhờn không tha. “Định làm hàng tồn kho đấy à!”

Cô kéo mẹ lướt đi. Nụ cười nứt rạn trên môi mẹ. Khóe cười méo xệch trên môi cô. Mẹ thì thầm vào tai cô, “Bạn của anh mày toàn những thứ cô hồn các đẳng...”

Hàng tồn kho. Bụng cô quặn lên như cơn đau sau lần ăn phải thức ăn đã ôi. Cô nhớ đến người con trai cô vẫn thường hò hẹn. Chẳng biết chuyện rồi sẽ đến đâu. Người ấy rủ cô đi nhà thờ, thuyết phục cô học đạo. Người ấy kể cho cô nghe những phép lạ của Chúa. Cô bảo hai nhà cùng nghèo, lấy gì lo đám cưới. Người ấy hăng hái kể cho cô nghe cái lần Chúa đi dự tiệc cưới ở Cana. Lúc chủ nhà hết rượu, Chúa bảo chủ nhà sai gia nhân mang những bình nước lên và Chúa đã làm phép lạ cho nước thành rượu. Chỉ cần có niềm tin. Người ấy vỗ về cô. Người ấy làm cô hăng hái đi học giáo lý mỗi chiều thứ Bảy.

Tới chiếc bàn trải khăn nhựa mầu đỏ, hai mẹ con cô len lỏi giữa khoảng trống hẹp, nhích từng bước tới sau lưng ghế chú rể. Những ngón chân cô bấm xuống chiếc giầy hở mũi. Giầy không đúng cỡ, bước đi chỉ sợ tuột. Cô dừng lại sau lưng anh.

Chị dâu vẫn khóe cười chúm chím, như cánh hoa chưa nở tròn những cánh mịn màng. Cô cầm bàn tay mẹ đặt lên vai anh và lay anh như cố đánh thức một kẻ đang chìm sâu trong giấc ngủ ngày.

“Gì thế này?” Hơi thở anh vỡ bùng hơi bia.

Cô thấy mẹ nhăn mặt. Rồi mẹ cúi xuống, ghé sát tai anh.

Trong cái hỗn độn, nhào nháo của âm thanh, cô nghe được tiếng mẹ thì thào, “Nhà hết rượu rồi con ơi.”

Anh cô không nói gì, lẳng lặng quay lại bàn, đưa tay nhấc đại một chai rượu còn sấp sánh chừng vài ba ngụm. Anh lắc chai, đưa lên trước mặt, nheo mắt chăm chăm ngó vào cái vạch chất lỏng bập bềnh trong lòng chai.

“Hết làm sao được mà hết!”

Cô ấn lên tay mẹ, lắc mạnh vai anh. Cô ghé sát tai bên kia của anh, thì thầm, “Hết rượu thật rồi anh hai à.”

Sinh ra và lớn lên ở địa phương này, cô quen gọi anh cả là “anh hai” như đám bạn trong xóm. Anh hai thân với em gái út hơn bất kỳ ai trong dòng họ. Vì vậy anh là người duy nhất cô dám kể cho nghe chuyện tình cảm riêng tư. Cô kể cho anh nghe bao nhiêu lần những dụ ngôn của Chúa. Và anh là người đầu tiên bênh vực cô chuyện tình yêu không cùng tôn giáo.

Thấy anh lặng thinh, cô lại lay nhẹ vai anh.

Anh cô bật vai lên như cố ném ra một cái nhún vai nghi hoặc, “Ai bảo mày là hết?”

Và để minh chứng cho điều nghi hoặc của mình, anh vồ lấy một chai khác nằm ngay trước mặt, đưa lên cao, dốc ngược xuống miệng mình. Cô hồi hộp nhìn anh, tưởng như mình đang nhìn ai đó, rất xa, rất lạ. Anh cả đó. Nhưng mặt anh cả không còn như ngày xưa. Mặt anh ngày xưa không bao giờ có mầu gấc chín như bây giờ. Ngôn ngữ anh không có những mày tao với cô em út. Hơi thở anh ngày xưa, cùng lắm là có chút mùi cà phê.

Bất giác, cô sợ hãi, rút bàn tay khỏi vai anh. Trước khi rút tay về, cô còn kịp nhận ra mảnh xương tròn nhô lên ở vai anh. Không một giọt chất lỏng nào rụng ra từ miệng chai. Anh ngơ ngác nhìn sâu vào lòng chai, rồi lặng lẽ đặt cái chai xuống bàn, giữa những chén bát ngổn ngang.

“Anh hai!” Cô uốn giọng cho mềm, cho du dương, như lúc hát giúp vui trong đêm văn nghệ nhà trường.

Cái cổ xoay ngược lại, hai con mắt máu bầm trợn lên nhìn cô. Nhất định không còn là ông anh học trò rụt rè, lúng túng thuở nào. Hai con mắt bắn ra trăm ngàn tia lửa nóng.

“Hết rượu rồi anh hai ơi.” Cô hoảng hốt thổi vào tai anh câu năn nỉ.

Anh quay phắt đi, đập bàn tay xuống bàn, gầm gừ trong cổ họng, “Để tao lo!”

Bát đũa chạm nhau lanh canh, cùng với ly tách ngân nga khúc đồng ca trong vắt pha lê.

Cô dâu nhỏ bé níu lấy tay anh. “Gì vậy anh? Gì vậy anh?”

Không còn gì để nói. Cô tất tả kéo mẹ bước đi.

“Cái thằng bây giờ sao mà lỗ mãng!” Mẹ lắc đầu, cắm cúi luồn lách giữa những chai không, ly cạn ngổn ngang trên nền nhà; giữa tiếng gõ muỗm vào thành ly lanh canh, những nhắc nhở sỗ sàng.

“Con út đâu rồi?”

Vừa ngồi xuống ghế, cô đã lại nghe tiếng anh hai gọi. Lẫn trong mớ âm thanh hỗn độn cười nói, lao xao, tiếng gọi của anh nghe văng vẳng như vọng lên từ đáy một vực sâu hút hồn. Cô làm ngơ. Anh bây giờ thay đổi. Ngày xưa anh đâu có gọi cô là con nọ con kia như vậy.

“Con Hạnh đâu rồi.” Cái miệng tím bầm ở giữa cái mặt tròn mầu gấc chín lại gào lên.

Mẹ bấu lấy cánh tay cô, “Anh mày nó gọi gì kìa.”

“Mặc anh ấy.” Cô mím môi.

“Lại xem nó cần gì.”

Cô vùng vằng. “Con không biết.”

Mẹ đẩy ghế đứng dậy. Cô liếc theo cái bóng nhỏ bé của mẹ. Tuổi già đeo cứng trên vai mẹ. Dáng mẹ xiêu xiêu. Cô cau mày nhìn kỹ một bên vai mẹ. Dường như vai bên phải của mẹ thấp hơn bên trái. Cái áo the thẫm mầu như thể làm những bước chân của mẹ sượng lại. Hay vì đôi guốc anh mua về từ thành phố biển nào đó. Đôi guốc có cái quai nhựa trong vắt, coi đẹp mắt nhưng cứng như miếng sừng, cộm những đầu ngón chân. Cô nhớ mấy hôm trước đám cưới anh cả, mẹ phải cắt móng chân thật sát để khỏi bị cộm.

Mẹ dừng lại sau lưng anh. Mẹ ghé sát mặt anh. Trong màn khói thuốc mờ đục, những nếp nhăn hai góc mắt mẹ hằn xuống và môi mẹ mấp máy. Cô thấy cái mặt gấc chín vác lên. Cặp môi dầy mở ra, khép lại. Hai mắt mẹ mở lớn. Mẹ nghiêng đầu nhìn vào mắt anh. Cô thấy mũi mẹ nhăn lại. Cô thấy mẹ lắc đầu. Những đường gẫy trên trán mẹ trùng xuống. Cái nhìn trong hai con mắt mẹ lạc đi, như đôi mắt con chim bay lạc vào căn phòng chật hẹp, bị lũ trẻ hung hăng săn đuổi.


Cô nhìn thấy cả cái nhìn trẻ thơ trong đôi mắt vợ mới cưới của anh. Cô dâu níu lấy cánh tay chú rể. Chú rể gỡ tay cô ra. Những con mắt bắt đầu đổ về phía chiếc bàn dài trải khăn ny lông mầu đỏ. Những cái muỗm, những chiếc đũa gõ vào thành ly xáo động cả không gian nồng nặc khói thuốc.

Bất chợt anh đứng dậy.

“Tôi xin hát một bài mừng cô dâu chú rể.”

Ngực cô thắt lại. Anh hai say quá rồi. Anh không còn nhớ hôm nay anh là chú rể nữa sao, anh hai. Cô khóc thầm trong đầu. Mắt cô ráo hoảnh, nhưng nước mắt nước mũi cô đầm đìa trong ruột, gan, phổi, thận.

Mọi người vỗ tay. Bọn thanh niên nhốn nháo dzô dzô. Ly tách chạm nhau hỗn độn.

Cô thấy chị dâu níu cánh tay anh. Những móng tay bấu chặt tới mức lúc anh đứng dậy, cánh tay chị cũng kéo theo. Chị dâu không buông tay anh. Cô thấy con mắt chị xớn xác như kẻ gian sợ lộ tẩy một điều phi pháp. Cái miệng nhỏ xíu chu lại, đầu cánh môi nhòn nhọn, như những cái miệng búp bê thường thấy trong tủ kính cửa tiệm bán đồ kỷ niệm.

Cô đăm đăm nhìn về phía bàn cô dâu chú rể. Bàn tiệc sắp biến thành sân khấu ca nhạc. Cô thấy mẹ lui ra phía sau. Mặt ngước nhìn vào khoảng không. Cô biết mẹ đang nhìn như không nhìn gì hết. Mẹ chăm chú nhưng sẽ chẳng thấy gì. Cô biết mẹ đang nhẫn nhịn chờ đợi, nhưng chắc chắn chính mẹ cũng chẳng biết mình đang chờ đợi điều gì.

Tiếng vỗ tay, cười nói, ly chén khua động một khoảng không gian chật hẹp.

Cô nghe cái giọng khàn khàn của anh cất lên giữa vũng âm thanh nhầy nhụa. Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Anh lên giọng, xuống giọng. Anh nghiêng đầu làm duyên. Hai cánh tay vung vẩy giữ nhịp. Thỉnh thoảng anh lại luồn ngón tay trỏ vào cổ áo, nới rộng cái vòng cà vạt ra một chút cho dễ thở hơn. Cô thấy hai má chị dâu đỏ bừng. Cô thấy hàng lông mi giả của chị dâu nhấp nháy như muốn rụng xuống gò má xanh xao. Rồi anh ngừng ngang khi hát lại lần thứ nhì tới hai chữ đại thắng. Mọi người vỗ tay rầm rộ cách trình diễn đầy sáng tạo của anh. Cô nghe lòng xốn xang. Cô thấy tội nghiệp chị dâu cô. Hai mươi bốn tuổi. Không lấy chồng thì sợ muộn màng. Tự nhiên cô thấy anh chọn đúng bài hát. Lấy được chị, cũng là đại thắng cho riêng anh.

Cô thấy mẹ đứng sau lưng anh, mặt nhăn nhúm nho khô và môi căng cứng một khóe cười tượng đá.

Tiếng vỗ tay lắng xuống, mẹ lại đứng sát vào anh.

Anh lúc lắc cái đầu, anh gật gù cái cổ. Rồi cô thấy rõ ràng anh đẩy mẹ ra. Cái mặt anh hầm hừ. Hàm răng anh nghiến lại. Anh xua tay vẫy mẹ đi như người ta đuổi một kẻ ăn mày.

Tiếng chó cắn lộn nhào nháo trước sân kéo theo sự chú ý của mọi người.

“Con khoang cắn con vàng. Tam khoang tứ đốm. Cứ bỏ vào nồi hết là xong.” Tiếng một người đàn ông vang động.

Mọi người cười hùa theo ầm ĩ.

Mẹ tất tả trở về bên cô, “Lại anh mày nó nhờ cái gì đó.”

“Con không lại đâu.” Cô phụng phịu.

Mẹ nhìn cô đăm đăm. Cái nhìn làm tim cô hụt đi vài ba nhịp. Cô thấy rõ ràng óng ánh trong ánh sáng ban ngày hai viền nước mỏng mảnh dài theo mi mắt mẹ. Cô vội vã đứng lên.

Anh xoay hẳn người lại ngay khi cô vừa tới phía sau lưng như thể đã chờ sẵn. Cô gật đầu với chị dâu. Chị mỉm cười với cô. Chị dâu dễ thương. Ý nghĩ thoáng qua đầu cô. Chị dâu hiền ơi là hiền. Chị em mình sẽ không bao giờ lo chuyện chị dâu em chồng. Chỉ trong vài giây đồng hồ, chừng ấy ý nghĩ lướt qua tâm tư cô. Và cô mỉm cười với chị.

Anh đưa ngón tay trỏ ngoắc cô cúi xuống nghe anh nói. Cô ngoan ngoãn làm theo. Mùi rượu xoáy vào óc cô. Cô nín thở. Một cơn nhức vắt ngang thái dương. Cô thở trở lại, nhưng chậm và thận trọng. Chiếc quạt xoay phía trước rải gió lên mặt cô, những sợi tóc lòa xòa trên trán.

“Mày còn đi nhà thờ không?”

Cô nghiêng đầu nhìn anh rồi khẽ gật đầu.

“Học đạo đến đâu rồi?”

Cô ngần ngừ tìm câu trả lời. Anh ngước nhìn cô, con mắt van nài, long lanh ngấn nước, “Mày nghĩ bây giờ Chúa có còn làm phép lạ không?”

Cô cắn môi suy nghĩ. Không biết Chúa có nề hà việc làm một phép lạ ở phương đông.

“Biết mấy cái hũ ngày xưa mẹ làm mắm không?”

Cô ngơ ngác, “Dạ biết, nhưng...”

“Rửa sạch đi.”

Cô cau mày.

“Nghe không?” Anh gắt.

“Dạ nghe.”

Anh hạ thấp giọng, như thì thầm vào tai cô, “Rồi đổ nước vào, đem lên đây cho tao.”

Cô sững sờ ngước lên. Những đầu người lố nhố trước mắt cô. Những bóng người nghiêng ngả. Một lũ sâu rượu. Bao nhiêu rượu cũng hết. Bao nhiêu két bia cũng cạn. Không có rượu thì chúng nó làm loạn. Mẹ nhằn vào tai cô từ sớm tới giờ.

“Nghe không mà còn đứng lì ra đấy.”

“Nhưng...”

Bàn tay anh vồ lấy cái chai không, “Đi ngay!”

Cô hốt hoảng bước đi. Cô luồn trong khoảng trống hẹp giữa đám bàn ghế lỏng chỏng, giữa những đầu người gật gưỡng, giữa những thân hình ngả nghiêng. Cô đi vòng ra xa để tránh người đàn ông đã gọi cô là hàng tồn kho.

Cô ngồi xuống, kéo mẹ sát lại gần, ghé vào tai mẹ, tức tưởi kể cho mẹ nghe cái điều tai quái. Cô lập lại từng câu từng chữ những điều anh hai nói với cô. Rồi cô ngừng lại, nhìn mẹ, chờ đợi một cơn thịnh nộ.

Nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng đặt cái bàn tay xương xẩu lên vai con gái út. Giọng mẹ khô nhưng quá đỗi dịu dàng, “Thôi, cũng cứ làm theo cho nó vui. Ngày vui của nó. Cả đời người chỉ có một lần. Để mẹ phụ với con một tay.”

Cô theo mẹ ra sau bếp. Đám lu hũ da lươn mẹ để dành làm mắm nằm lỏng chỏng bên hàng giậu. Con chó vàng hàng xóm lẩn quẩn theo bước chân cô. Cô xua nó đi chỗ khác rồi cúi xuống những chiếc hũ đã cùng với mẹ bán buôn một thời.

Một con ếch trong lòng hũ lõ mắt nhìn cô. Cô tự hỏi không biết con ếch nghĩ gì khi thấy bóng cô che lấp cả một khoảng trời nhỏ bé đang có. Cô nghiêng hũ cho con ếch nhảy ra. Con ếch xanh lốm đốm những chấm vàng quăng mình vào bụi cây dâm bụt, mất tăm.

“Anh ấy say lắm rồi mẹ à!” Cô nhỏ nhẹ.

Mẹ im lặng cầm miếng giẻ rách chăm chú lau lớp da lươn trơn bóng.

“Con làm cho mẹ vui đấy thôi.” Cô cằn nhằn.

“Mai kia tới đám cưới con...”

Cô tò mò, “Đám cưới con thì sao?”

Mẹ lặng thinh. Chắc mẹ không có câu trả lời. Đời sống này có trăm ngàn câu hỏi không có câu trả lời.

“Đời người chỉ có một lần.” Mẹ lẩm bẩm. “Chỉ cần nó vui là mẹ mừng.”

Cô khệ nệ bưng cái hũ da lươn đựng đầy nước mưa vào nhà. Anh hai cô đứng dậy, loay hoay dẹp chén đĩa qua một bên, lấy chỗ cho cô đặt hũ xuống bàn. Anh cố nhướng hai mí mắt dầy như hai miếng mo cau lên, ném tia nhìn ra đám quan khách đang ngả nghiêng trên những chiếc ghế xộc xệch không còn hàng lối. Giọng anh ề à, “Rượu tới rồi, nhậu tiếp nghe bà con.”

Tiếng vỗ tay rời rạc nổi lên.

Cô đi ra đi vào như người máy. Cô thấy những cái đầu gật gù. Cô thấy những con mắt dán vào cô. Cô nghe những cái miệng nồng nặc hơi men đếm nhịp cho cô bước đi. Một hai ba bốn. Một hai ba bốn.

Khi đặt chiếc hũ thứ sáu lên bàn, cô lủi ra sau. Mẹ nắm tay cô, kéo cô về chỗ ngồi.

Cô cúi gầm đầu xuống bàn. Cô không muốn nhìn ai. Cô không dám chứng kiến bất cứ điều diệu kỳ hay tai họa nào sắp xảy ra. Cô tự hỏi Chúa có bao giờ làm phép lạ cho đứa con gái yêu một người là con chiên ngoan đạo. Cô nghe tiếng anh hai lè nhè, “Để mừng cô dâu chú rể, tôi xin...”

Rồi giọng anh im bặt.

Cô đứng bật dậy, luồn lách giữa những bàn ghế, chai lọ, tuông chạy ra sân. Cô nghe tiếng mẹ xớn xác, đi đâu thế, con bé này. Cô quăng mình vào khoảng sân hẹp. Gió thổi vù vù bên tai. Gió mát vỗ lên da mặt tươm mồ hôi làm cô nổi gai vì lạnh. Cô phóng ra ngõ, chìm vào đám đông xe cộ. Tiếng còi xe xé gió xuyên thủng lỗ tai. Cô đâm sầm vào bao nhiêu người đi đường. Cô chạy vào sân nhà thờ xứ đạo. Cửa nhà thờ mở hé. Cánh cửa gỗ nặng nề. Cô đẩy cửa bằng hết sức lực mình có được. Cô chuồi người vào khoảng tối nhá nhem. Cô đứng lại ở lối đi giữa hai hàng ghế. Cô nhìn người đàn ông trên thập giá. Vệt máu bầm đọng trên gò má. Hai con mắt đầy tròng trắng nhắm hờ. Cô cắn môi. Máu ứa ra trên cánh môi hồng. Cô cố tìm một câu gẫy gọn để cầu nguyện. Người ấy dạy cô học đạo mà quên dạy cô cách vái van. Cô ngập ngừng. Cả đời người chỉ có một lần. Bỗng dưng cô nghe mình lập lại trọn vẹn câu mẹ nói với cô trong bàn tiệc. Và nước mắt cô tuôn theo những lời thì thầm. Chúa ơi. Cả đời anh hai con chỉ có một lần...
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.