Hôm nay,  

Tình Mẹ Tuyệt Vời

04/05/202115:27:00(Xem: 2754)




blank
Mẹ Kiều Mỹ Duyên và cô Hoàng Minh Thúy, Chủ báo Xây Dựng, Houston

                                                  

Mẹ tôi đã qua đời năm 1996. Mẹ tôi đã đi xa nhưng mẹ tôi vẫn còn ở đây, trong trái tim của tôi. Tôi cứ tưởng mẹ tôi đi du lịch, và mẹ tôi sẽ trở về. Nhiều khi tôi nhìn những bụi cây trước nhà, tôi cứ tưởng mẹ tôi đang chăm sóc  hoa và cây kiểng.

Sáng nay trời rất đẹp, gió dìu dịu, những con chim sẻ ngoài vườn vô tư nhảy nhót và hót líu lo, chuyền từ cành cây này đến cành cây khác. Đời rất đẹp, thanh bình, vui tươi với nắng ấm chói chang cho một ngày đẹp bắt đầu.

     Cháu tôi, Hưng Nguyễn, con của em ruột hỏi:

- Cô hai uống cà phê không?

- Uống, nhưng cà phê phải thật nhạt. Tôi đáp.

Hưng Nguyễn nói tiếp:

- Có trái cây nhiều lắm, cô hai ăn đi.

     Giọng nói của cháu lúc nào cũng reo vui. Ai mà giận Hưng nhưng nghe thấy tiếng nói reo vui và tiếng cười giòn tan vô tư của cháu là hết giận ngay. Hưng đang học Tiến Sĩ, vất vả còn hơn cày bừa. Buổi sáng cháu thức dậy thật sớm, ăn sáng, uống cà phê rồi lên đường, đường từ Orange County đến Los Angeles không xa nhưng nếu kẹt xe thi phải đi thật sớm hoặc sẽ bị  kẹt xe trên xa lộ hàng giờ. Một chuyến đi mỗi ngày mất 3- 4 giờ thật quá nhiều. Cái bằng Tiến Sĩ phải trả bằng tiền, thì giờ, và sức lực.

      Hưng cầm trái chuối vàng óng ả đưa cho tôi và nói:

- Cô hai ăn đi. Con nhớ bà nội nói thứ gì ngon mới mời người khác, nhà mình ngày xưa nhiều trái cây lắm.

                                                                                                                                                                                                 

blank
Hưng Nguyễn, Tiến Sĩ kinh tế


Tôi nhớ nhà chúng tôi trên khu đất rộng. Trước nhà có hàng dừa xanh mướt, lúc nào cũng quằn trái, cành lá xanh mướt làm cho căn nhà trở thành màu xanh. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này, hàng ngày uống nước dừa ngọt lịm, hái xuống ăn ngay, ăn cơm dừa và uống cả nước. Nước dừa ngọt lịm, bên hông nhà là hàng rào trúc, sau nhà và xung quanh nhà lá ổi xanh rì, mãng cầu, đu đủ, mía lau, xoài cát, và chuối. Trước nhà có cây vú sữa thật to, cao, cành lá xum xuê, quanh năm có trái ngọt lịm.

     Hồi nhỏ tôi thường trèo lên cây vú sữa hái trái. Trước sân nhà mẹ tôi trồng nhiều loại hoa: thược dược, hoa cúc, hoa mai cao hơn đầu của tôi, mùi thơm ngào ngạt. Tôi không ở nhà, tôi sống với cô của tôi gần trường, gần quận, mỗi tuần về một lần. 

     Hồi chị em tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường hái trái cây, rửa thật sạch để cúng Phật ở trên bàn thờ và bàn thiên, đem trái cây vào chùa. Mẹ tôi đi nhiều chùa khác nhau, thường là những ngôi chùa nhỏ và nghèo. Mẹ tôi thường giúp nhiều người, đem cháu về nhà nuôi. Anh tư Tốt, con của cậu tư chúng tôi, mẹ anh mất sớm nên mẹ tôi đem về ở với chúng tôi. Rồi chị Thức, con của người cậu khác cũng về ở với chúng tôi.

     Ba mẹ tôi thương cháu như con ruột của mình. Lòng thương yêu của ba mẹ tôi được những người cháu này đáp lại bằng cách học hành rất giỏi, dễ thương, các anh chị lớn hơn chúng tôi nhưng không ai ăn hiếp chúng tôi, một lòng nhường nhịn và thương yêu nhau. 

Mẹ tôi thường dạy chúng tôi:  

- Mình tặng trái cây cho ai thì phải chọn thật ngon, thật tươi, khi mời ai ăn cũng vậy.

Một nồi bắp vừa chín, đổ ra khỏi nồi, mùi thơm ngào ngạt bốc lên, người nào bưng dĩa bắp mời từng người trong nhà, phải để người ta chọn trước, mình chọn sau. Và người chọn trước bao giờ cũng chọn trái nhỏ nhất, để người sau trái lớn nhất. Chúng tôi sống trong gia đình vui vẻ từ sáng đến tối. Buổi tối, mẹ tôi thường nấu chè khoai môn, có nước cốt dừa, em gái tôi gần gũi với mẹ tôi thường hơn tôi nên sau này em tôi nấu chè và nấu ăn rất ngon.

Tôi học được tính của cha mẹ tôi là giúp gì cho người khác là làm ngay không đợi người ta năn nỉ nhưng không hiểu sao tôi không học được tính nấu nướng rất ngon của mẹ tôi, có lẽ tôi thiếu tính nhẫn nại và tỉ mỉ. Nấu một nồi phở 6- 8 giờ, nấu cho bắp cải, củ cải thành nước lèo thật ngọt, ngọt vị xương thịt hay vị rau cải, tôi không làm được. Có lẽ trời sinh ra người nào thích ở ngoài đường, thích ở vận động trường, thích ở hồ bơi, ở sân tennis, bàn ping pong thì không thể nào nấu ăn ngon, không biết có đúng hay không? Có lẽ vì thế tôi nhận thấy phụ nữ nào nấu ăn cũng ngon, tôi thường được mời đến nhà bạn bè ăn. Tôi ăn xong, lúc nào tôi cũng khen chưa bao giờ chê, bởi vì các bà, các cô người nào cũng giỏi hơn tôi gấp vạn lần. Tôi ăn uống rất dễ, ăn cho xong một bữa, sống không phải để ăn tôi quan niệm như thế.

Mấy chục năm nay ăn chay, lại càng dễ hơn, một chút nước tương, một dĩa rau tươi, một chén cơm trắng là xong một bữa ăn. Dễ quá ai cũng có thể mời tôi ăn tối dễ dàng cho một ngày.

Mẹ tôi thường dạy chúng tôi rằng phước đức là do mình làm nên, chứ không phải phúc đức là đi xin. Mẹ tôi cũng dạy rằng nên làm việc từ thiện. Hạnh phúc là giúp đỡ cho người khác, chứ không phải nhận sự giúp đỡ của người khác.

Khi tôi sinh ra, ông bà ngoại đã qua đời, tôi chưa một lần được nhìn thấy ông bà ngoại, bà nội cũng qua đời, chỉ còn ông nội, nhưng một thời gian sau rất ngắn thì ông nội cũng qua đời, lúc tôi được mấy tháng gì đó. Tôi là cháu nội đầu tiên của ông bà nội tôi. Ba tôi là con trưởng trong gia đình có 2 anh em, tôi không được diễm phúc  như những đứa trẻ khác có ông bà nội, ông bà ngọai để được hưởng tình cảm của ông bà dành cho mình. Tôi chỉ còn tình cảm của ba mẹ tôi và dì tôi. Mẹ tôi sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em. Dì sáu tôi lập gia đình rất sớm, chồng chết, dì đem một người con gái con của dì bảy về nuôi, dì thương chúng tôi vô cùng. Dì là người mẹ thứ hai của chúng tôi, chúng tôi cũng thương dì nhiều lắm.

     Dì thương chúng tôi lắm, cháu nào dì cũng thương, nhưng có lẽ trong những người cháu của dì, tôi gần gũi dì nhiều nhất. Mỗi lần muốn làm việc từ thiện, tôi không có tiền thì tôi xin tiền mẹ tôi và dì tôi. Dì tôi hiền như mẹ tôi, ít nói, dễ thương và phúc hậu. Mẹ tôi hiền lắm, hay giúp người. Mẹ tôi và dì tôi làm việc từ thiện thường xuyên. Ba tôi dạy võ miễn phí cho trai trẻ trong làng. Mẹ tôi hay thương người, nhà tôi có cái giếng đào quanh năm nước trong vắt, mỗi lần có tân binh quân dịch tập luyện ở bãi tập, mẹ tôi gánh nước cho anh em uống. Sau này khi tôi lớn lên hình ảnh làm việc thiện tuyệt vời của mẹ tôi in vào đầu tôi, một người phụ nữ hiền lành, ốm yếu, nụ cười thật tươi gánh nước cho tân binh quân dịch uống. Quý vị khó tưởng tượng được nhưng đây là sự thật đã xảy ra thập niên 50 quý vị ạ. Những tân binh này còn sống sót cũng lớn tuổi hơn chị em chúng tôi nhiều.


blank
Mỗi lần có tân binh quân dịch tập luyện ở bãi tập thì mẹ tôi gánh nước cho anh em uống.


     Kỷ niệm về mẹ tôi nhiều lắm. Chúng tôi sống trong ngôi nhà rộng, đất rộng. Nhà đầu tiên được xây trên đất của ông nội chúng tôi để lại. Sau này, ba mẹ tôi mua một miếng đất khác rộng rồi xây nhà. Xung quanh là cây xanh, yên tĩnh, chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà này, bình yên và hạnh phúc, ngôi nhà có tiếng cười suốt ngày. Nhà chúng tôi nuôi nhiều chó, có những con chó thật to, chó giữ nhà, chó thương chủ nhà, chó đưa chủ nhà ra tận cổng khi chủ nhà đi chợ hay đi đâu đó, chó đón chủ nhà trở về. Có một điều rất lạ mà chúng tôi không hiểu nổi khi thấy một đàn chó chạy ra cổng mừng rỡ đón chủ nhà trở về mà không có tiếng sủa, nhưng nếu có người lạ đến là chó cất tiếng sủa rất to.

Mẹ tôi chỉ cần nói một tiếng rất nhỏ:

- Đi vào các con.

Đàn chó ngoan ngoãn đi vào sau vườn ngay. Mẹ tôi không bao giờ lớn tiếng với con cháu và các con. Các cháu đều nghe lời mẹ tôi, không ai cãi lại một lời.

      Trước khi vào lớp học gặp người lớn là chúng tôi cúi đầu chào, và rời khỏi lớp học cũng vậy, gặp người lớn cũng cúi đầu chào hỏi rất lễ phép.

      Mẹ tôi thường cúng Phật ở nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có trái cây tươi, hoa tươi và nước lọc.Trái cây ngoài vườn, hoa ngoài vườn hái đem vào cúng Phật. Mẹ tôi thường đi chùa đem trái cây, hoa quả cúng Phật và mẹ tôi cũng làm công quả ở chùa. Mẹ tôi là Phật tử thuận thành, mẹ tôi cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện cho gia đình, cho người thân và cầu nguyện cho người nghèo, mẹ tôi ăn chay ngày rằm, ngày lễ.

     Nói về mẹ tôi nói hoài không hết. Mẹ tôi hay giúp người đó là điều đặc biệt không bao giờ tôi quên. Tôi giống tính mẹ tôi nhất ở điểm này. Vào chùa, mẹ tôi thấy việc gì làm việc đó, từ trong nhà bếp ra ngoài vườn, mẹ tôi thích nấu nướng, dọn dẹp trong bếp, ngoài vườn. Mẹ tôi thích chăm sóc cây cỏ, nên đến chùa nào mẹ tôi cũng có nhiều việc lắm.

     Mẹ tôi thường nói:

- Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết, nên giúp người.

     Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi cũng biết xung quanh mình cũng có nhiều trẻ em không cha không mẹ, có người vừa sinh ra là mất cha, có người vừa sinh ra là mất mẹ, ít có ai được một gia đình có ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại,và cha mẹ đầy đủ bên cạnh cho đến khi khôn lớn.

Gia đình nào đầy đủ mọi người là điều hạnh phúc nhất trần gian, là phúc đức. Tôi không được như thế cho nên thấy gia đình nào còn ông bà thì tôi thèm lắm, thôi thì kiếp sau vậy.

    Mẹ tôi nhỏ người, gầy nhưng sức chịu đựng và làm việc không thể tưởng được. Tôi vượt biên trước, sau đó có thẻ xanh, tôi bảo lãnh mẹ tôi và em tôi sang Hoa Kỳ. Tôi cầu nguyện cho mẹ tôi và em tôi được định cư thì tôi ăn chay để trả ơn Trời Phật gia hộ. Sau đó mẹ tôi bệnh, tôi cầu nguyện cho mẹ tôi hết bệnh và sau này mẹ mất, tôi cầu nguyện cho mẹ tôi siêu thoát và tôi ăn chay luôn cho đến bây giờ, thoáng mà đã mấy chục năm rồi.

    Những ngày ở Việt Nam, sau 1975, gia đình tôi khổ, mọi người cùng khổ. Tôi có cháu, con của người anh họ du học ở Pháp, tôi nhờ cháu chuyển tiền về Việt Nam để giúp gia đình, nhưng sau này tôi biết được gia đình tôi cũng ăn bo bo, khoai sắn trộn cơm như mọi người vì mẹ tôi không dám xài tiền, vì không biết ngày mai ra sao? Người phụ nữ Việt Nam nào cũng lo xa, sợ con cháu của mình đói, nhất là sống trong xã hội chủ nghĩa không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên dành dụm là tốt nhất.

     Tôi có 4 chị em gái, chết 2 còn lại một em và tôi. Sau này, mẹ tôi sinh được một đứa con trai. Em trai của tôi rất thông minh, thích binh chủng Không Quân nên sau này vào Không Quân được du học ở Mỹ 2 lần sửa máy bay F5. Em trai tôi cưới vợ làm nghề dạy học và sinh được 2 con, một trai một gái. Đứa con trai đầu lòng của em tôi mẹ tôi nâng niu như trứng. Nó cũng biết là được bà nội thương lắm, cho nên nó nhớ nhiều nhất là bà nội. Bà nội ẵm bồng cháu trên tay khi cháu còn nhỏ xíu. Cháu trai này mang tính nhà binh của bố, khi nó vừa ra đời tôi ẵm nó ở nhà thương. Tôi nói:

- Mai này con lớn lên đi nhiều như cô hai nghen con.

Không ngờ lời nói của tôi thành sự thật. Sau này, nó đi làm nhiều quốc gia khác nhau: Á Châu, Anh, Úc. Nó sinh con ở Úc, và hiện nay ở Hoa Kỳ, đang học Tiến Sĩ ở Los Angeles mà chúng tôi vừa kể đến ở trên là Hưng Nguyễn. 

Nó nhớ bà nội và nói:

- Mời người ta ăn phải chọn thứ gì ngon nhất, cho người ta trái cây cũng phải chọn trái cây nào ngon nhất.


blank
Hưng Nguyễn trong lễ tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh tế ngày 22/06/2018



blank
Hưng Nguyễn bên gia đình trong lễ tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh tế ngày 22/06/2018


Bây giờ, Hưng đỗ Tiến Sĩ kinh tế. Ngày nhận bằng tốt nghiệp, đầy đủ mọi người trong gia đình đến chúc mừng: cô hai, cô ba, mẹ, vợ và con gái, nhưng chỉ thiếu bà nội. Hưng nói ước gì bà nội còn sống đến dự lễ và chung vui với con hôm nay. Con muốn tặng bà nội bó hoa này để cảm ơn bà nội luôn thương yêu và khuyến khích con cháu học hành. Tấm bằng danh dự này có công sức của bà nội và gia đình luôn bên cạnh ủng hộ con. Con cảm ơn bà nội và nhớ nội nhiều lắm, nội biết không?

      Cha mẹ nào cũng có nhiều đề tài để con cháu viết truyện, viết sách. Mẹ tôi cũng vậy, sự mộc mạc chất phát của mẹ tôi, tình thương người của mẹ tôi cũng đủ để tôi viết dài dài.

       Tôi chờ đợi hơn 10 năm, mẹ và em tôi mới được định cư ở Hoa Kỳ. Ngày mẹ đến phi trường, chúng tôi đón mẹ tôi và em gái tôi, trên đường về nhà mẹ tôi nhìn hai bên đường chăm chú, mẹ tôi không nhìn thấy những cánh đồng xanh mướt như ở Việt Nam. Mẹ tôi không nói gì, nhưng về nhà tôi, mẹ đi ngoài vườn và nói:

- Nhân viên của con về thăm mẹ, nói con khá lắm, vườn rộng lắm, nhưng đi bộ có chút là đụng bức tường.

      Đất gần 1/4 mẫu, mẹ tôi vẫn thấy nhỏ so với đất rộng mênh mông nhà của tôi ở Việt Nam. Vậy là đúng rồi.

  Mẹ tôi là người hoạt động, không bao giờ ngồi yên, thấy nhà tôi cỏ xanh mướt, mẹ tôi muốn trồng rau, trồng cây ăn trái cũng không nói.Sau này, mẹ tôi ở nhà riêng tôi mới biết điều này, vì sau này mẹ tôi trồng mía, đu đủ, giàn nho, đào, ớt, cam, quýt, khế.

    Ai đến nhà thăm mẹ tôi cũng hái trái cây tặng, hái ngay ngoài vườn tươi lắm, tặng liền, mẹ tôi rất hiếu khách, ai đến nhà mẹ tôi ân cần niềm nở như người thân trong gia đình. Bạn tôi rất thương mẹ tôi nên có những người bạn của tôi như vợ chồng Hoàng Minh Chính, Lê Hiếu Nghĩa thăm mẹ tôi nhiều hơn thăm tôi. Gia đình Báu Nguyễn ở Riverside cũng thường xuyên thăm mẹ tôi. Mẹ rất thương mến bạn của chúng tôi, ai đến nhà mẹ tôi và em gái tôi hay mời dùng cơm và cho trái cây đem về. Những người già ngày xưa là như thế, như đến ăn đám giỗ, sau đó mỗi người đều xách thức ăn đem về.

    Mẹ tôi và em gái tôi có nhà riêng ở Little Saigon, đi bộ ra Bolsa và Magnolia. Nhà này tôi mua lâu lắm rồi để đợi mẹ tôi và em gái tôi sang có nơi trú ngụ. Mẹ tôi và em gái của tôi sang ở với chúng tôi hơn một năm trước khi ra ở riêng.

     Mẹ tôi lúc nào cũng tươi cười. Tôi rất biết ơn thầy Minh Mẫn, viện chủ của chùa Huệ Quang, thành phố Santa Ana, đã bảo bọc cho mẹ và em gái tôi. Tôi cũng không quên cám ơn các cụ trong chùa chăm sóc cho mẹ tôi, dù ở trong chùa 1 tuần lễ nhưng mẹ tôi nhớ mãi những ngày mới sang. Ngày nào cũng có người đến chùa làm công quả, tiếng cười tiếng nói reo vui suốt ngày.

       Người nào trong cũng rất tử tế với mẹ tôi, ân cần thăm hỏi vì họ biết mẹ tôi mới định cư ở Hoa Kỳ.

Tôi còn nhớ ngày mẹ tôi vừa đến phi trường John Ways, chúng tôi đi đón, rất cảm động. Lê Châu Trí, một chuyên viên địa ốc của chúng tôi thu hình mẹ tôi và em gái tôi ốm nhom, ốm ngoài sức tưởng tượng của tôi, nhưng những bước đi vẫn thoăn thoắt và trí óc vẫn minh mẫn.

  Mẹ tôi có trí nhớ rất tốt. Anh Trần Bảo ở Úc sang chơi có mua tặng mẹ tôi một cây ăn trái, khi có trái chín, mẹ tôi nói với em tôi:

- Gởi trái cây này cho chú Bảo.

     Và một  anh  sinh viên khóa 4 trường đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt tặng cho mẹ tôi một cây ớt. Ớt quằn trái suốt năm tháng, mẹ tôi thường nhắc đến người sĩ quan này. 


blank
Mẹ tôi cùng 2 cháu Quý và Thu từ Úc sang thăm. Cây hoa phía sau do mẹ tôi trồng.


Một bà Phó Đại Sứ Niagara ở Jamaica ghé thăm ở lại vài ba ngày, bà chọn ở lại nhà với mẹ tôi hơn là ở nhà tôi, có lẽ gần Little Saigon để tiện cho bà thăm phố Bolsa một mình. Ngôn ngữ bất đồng nhưng hai người rất vui vẻ, ngôn ngữ bằng tay cũng đưa đến sự cảm thông. Bà Phó Đại sứ thường ăn sáng và ăn tối với mẹ tôi, còn trưa thì bà đi dạo phố. Bà đòi dẫn mẹ tôi đi phố, mẹ tôi lắc đầu vì còn chăm sóc vườn tược. Mẹ tôi tụng kinh mỗi ngày từ 3-6 giờ chiều, bà cụ vừa tụng kinh vừa lần tràng hạt, đều đặn như thế mỗi ngày chờ đến khi em tôi đi làm về.

     Kỷ niệm về mẹ thì nhiều lắm. Những ngày mẹ tôi bệnh, em tôi và một chị họ túc trực bên giường bệnh 24/24. Em tôi về thì tôi đến, tôi ở lại ban đêm ngủ trên cái ghế nhỏ, bệnh viện cũng tốt không đuổi tôi ra khỏi bệnh sau giờ hết cho thăm viếng bệnh nhân.

     Bây giờ, mỗi lần đi ngang bệnh viện Fountain Valley tôi nhớ mẹ vô cùng.

Mỗi lần nhìn các cụ trong chợ, ngoài phố, người nào ốm nhom là tôi nhớ mẹ tôi.


blank


Hồi nhỏ, Mẹ dạy chúng tôi bài thơ Con Cò. Tôi thấy hình ảnh Mẹ trong đó: tần tảo, chịu thương, chịu khó, lặn lội nuôi con, nhưng luôn giữ tấm lòng trong sạch và thanh cao.

“Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Ông ơi! Ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Niềm vui của người già là đi lễ, và đi mua quà để gửi về Việt Nam cho thân nhân còn ở lại quê nhà. Mẹ tôi rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Bao giờ mua quần áo mới, xong về nhà phải giặt, ủi cẩn thận, rồi mới tặng cho người nhà. Quần áo trẻ con để một bên, người lớn để một bên. Cháu nội còn ở Việt Nam. Mẹ tôi thương cháu nội lắm. Cháu là "cục vàng" của bà nội. Chúng tôi thường tặng tiền cho mẹ tôi, để mẹ tôi cần gì thì cứ mua. Bao giờ mẹ tôi cũng dành dụm để mua quà gửi về Việt Nam. Mẹ tôi thích đi chùa làm công quả. Vào chùa, thấy việc gì cũng làm, như lặt rau, bào cà rốt, quét rác ở sân chùa. Mẹ tôi làm việc liên tục, không nghỉ ngơi. Tôi nhớ ơn Hòa Thượng Minh Mẫn, Viện Chủ chùa Huệ Quang. Khi mẹ và em tôi mới sang, tôi vẫn phải đi làm cả ngày. Tôi sợ mẹ tôi và em tôi buồn, nên đưa mẹ tôi và em tôi vào chùa Huệ Quang. Tôi vừa ngỏ ý, tôi muốn mẹ và em tôi vào chùa để làm Phật sự, thầy Minh Mẫn nhận lời ngay không một chút do dự, mặc dù chùa lúc đó rất nhỏ. Thầy mua một ngôi nhà nhỏ bên cạnh cho thiện nam, tín nữ ở xa đến viếng chùa, có thể ở lại chùa. Tôi rất cảm động vì sự giúp đỡ của thầy.

Mẹ tôi đi chùa Huệ Quang, Huê Nghiêm, Hương Tích, Bát Nhã, Minh Quang tịnh xá, A Di Đà, Bảo Quang, chùa Việt Nam, tu viện Hoa Nghiêm, Trúc Lâm, chùa Phật Tổ, chùa Vĩnh Nghiêm, Như Lai Tự ở San Diego, Quốc Tế Học Viện ở Venture, và đi nhiều chùa lắm.

      Mẹ tôi hay rầy tôi:

- Ở nhà lúc nào cũng có thức ăn chay, sao con không ăn mà vào chùa ăn làm chùa tốn kém.

  - Mẹ đừng lo, con hay ăn vậy chứ hễ thầy nhờ điều gì con làm việc tận lực lắm.

     Nói như thế cho mẹ tôi vui, chứ ăn hay không ăn ở chùa nhưng bất cứ chùa nào nhờ thông báo lễ lạc hay bất cứ điều gì mà tôi có thể làm được không bao giờ tôi từ chối.

    Viết về mẹ viết ngàn năm cũng không hết, suốt đời con gắn liền với mẹ, mẹ tôi qua đời nhẹ nhàng, một tay tôi nắm tay mẹ tôi như muốn níu kéo không cho mẹ tôi đi, nhưng chân mẹ tôi đã lạnh tôi cũng biết việc gì sẽ đến, một tay tôi gọi điện thoại để gọi em tôi trở vào bệnh viện.

       Mẹ tôi đi thanh thản, bác sĩ Hùng Nguyễn vào bệnh viện tức khắc, đầu mẹ tôi còn ấm, thế là chị em tôi đứng lặng người, không khóc, không có tiếng nói. 

Mẹ tôi đi nhưng hình ảnh mẹ tôi vẫn còn đây, vẫn còn ngồi trước bàn Phật tụng kinh mỗi buổi chiều, và tiếng reo vui của mẹ tôi khi tôi hỏi:

- Má đi chùa không?

- Đi. Để mẹ sửa soạn.

      Tiếng của mẹ tôi thật to, reo vui và rất hạnh phúc.

    Mẹ tôi đi chùa bao giờ cũng mặc áo dài rất trang nghiêm, hái trái cây và rau tươi đem vào chùa, mẹ tôi trồng 37 loại rau và trái cây, vườn nhỏ nhưng xum xuê bóng cây xanh mướt.

Mẹ tôi hiền từ, không bao giờ lớn tiếng với bất cứ người nào. Mẹ tôi thường xuyên đi chùa. Mẹ tôi gật đầu đi chùa ngay mỗi khi tôi hỏi:

- Mẹ đi chùa không ?

Không kể trời nắng hay mưa, mẹ tôi nhanh nhẹn trả lời :

- Đi chứ!

Thế là mẹ tôi thay áo dài ngay lập tức. Hình như mẹ  tôi sợ chậm một chút là các con đổi ý. Lúc nào mẹ tôi cũng hái rau, trái cây, rửa thật sạch,đợi tôi đến hay gọi em gái  tôi đi làm về là đi chùa, chỉ cần chúng tôi mở miệng hỏi:

- Mẹ đi chùa không ?

Chỉ một câu thôi là mẹ tôi lập tức đi mặc áo dài, có lẽ cả ngày, cả tuần mẹ tôi chỉ chờ đợi có thế! Mẹ tôi biết chúng tôi bận rộn với công việc làm, nên không bao giờ bảo chúng tôi chở mẹ tôi đi chùa. Mẹ tôi chỉ chờ chúng tôi hỏi mẹ có đi chùa hay không? Khi được hỏi câu mẹ có đi chùa không? Chỉ cần câu hỏi ngắn và gọn đó là mắt của mẹ tôi rực sáng, chứa chan hạnh phúc, đong đầy trên mặt của mẹ tôi.

Nếu mẹ tôi còn sinh tiền, chắc chắn ngày nào tôi cũng hỏi mẹ câu này. Tôi muốn thường xuyên đưa mẹ tôi đi chùa hơn! Đi chùa như một nhu cầu cần thiết của những tín đồ Phật giáo, trong đó có mẹ tôi.

Mẹ tôi thường đem rau, trái cây do chính mẹ tôi trồng, đến chùa hàng tuần. Mẹ tôi trồng đủ loại rau: rau húng cây, rau dền, rau lang, rau muống, ngò, cần tây, và nhiều loại cây trái khác, như là nho, mía, táo, đu đủ, tắc. Tổng cộng hơn 36 loại rau trái.

Mẹ tôi nâng niu từng trái một. Trái nào thì đem cúng, trái nào nhỏ xíu thì để ở nhà ăn. Mẹ tôi thích từ tay mình hái trái cây, tự tay mình rửa rau, rửa trái cây. Mẹ tôi làm việc này với hạnh phúc. Việc gì làm được cho người khác thì mẹ tôi không bao giờ từ chối.                                        

Bây giờ thì mẹ tôi đã đi rồi, không còn ở với chúng tôi, nhưng tôi thương mẹ tôi lắm.

   Mẹ tôi qua đời gần 26 năm nhưng tôi cứ tưởng mẹ tôi vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Tôi thương mẹ tôi lắm, tôi cũng biết mọi người thương mẹ của mình lắm, hạnh phúc thay những ai còn cha còn mẹ? Thương cha mẹ nên làm việc phúc đức để hồi hướng công đức cho cha mẹ của mình.


Orange County, 4/5/2021

KIỀU MỸ DUYÊN

  


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.