Hôm nay,  

Tháng Tư Về

28/04/202116:28:00(Xem: 2925)

Minh thuy Thanh noi


  Nhìn lịch giật mình, ngày tháng trôi nhanh quá, mới đó đã đến tháng tư đen. Từ khi bị dịch Vũ Hán tôi không được đi dự ngày buồn 30 tháng Tư năm 2020, năm nay với tình hình này chắc ban tổ chức cũng khó thực hiện. Dù vậy nhưng ký ức tôi sống dậy mãnh liệt những ngày tháng ấy ...


   Khắc Khoải       

Đến tháng tư đen nhắc nhở rồi 

Gương nhìn quá khứ trở về thôi

Ai đi tù ngục sâu rừng núi 

Kẻ trốn ghe thuyền đắm biển khơi

Tê tái chia tay buồn thấm cảnh 

Xót xa giã biệt khổ đeo người 

Bao nhiêu chuyện tủi sầu non nước 

Trăn trở đêm dài thả mộng trôi 

                   MTTN 


Còn nhớ năm 2019 ...Chị Phương Hoa và tôi đi xem cuốn phim “30 Tháng 4 Năm Đó Bác Ở Đâu” do đài Dân Sinh và hội IRC phối hợp tổ chức.

 

Phim tài liệu ghép lại với các hình ảnh sưu tầm từ những phút cuối tháng Tư năm 1975...Nhìn ngày cuối các anh lính vẫn ôm súng ở nhiều địa phương, chung sức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, áo rách sờn vai, mặt mày hoang mang như chim lạc tổ... Cảnh chiếu tiếp những người tù lao động trong rừng núi, trong trại, thân hình tiều tuỵ, nét mặt buồn xo khắc khổ...Tiếng thuyết minh nhắc nhở về những vị anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Long, Hồ Ngọc Cẩn ... Không khí lắng đọng, hình như mọi người đang xúc động tâm tư, đang khóc với hình ảnh đau thương đất nước miền Nam ngày cuối 30 tháng 4 năm 1975.

 

Sau buổi chiếu phim, nhân chứng sống là Trung uý Lê Ngọc Danh, Tùy viên Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Quân đoàn 4 vùng 4 Chiến thuật), người đã sát cánh bên tướng Nam, lên có đôi lời kể về những giờ phút cuối của vị Tướng anh dũng này. Ông kể trong nỗi xúc động nghẹn ngào...


  Chiều cuối tướng Nam đi vào Quân y viện thăm anh em thương phế binh, các anh em khóc nói “Thiếu Tướng đừng bỏ chúng tôi“.

Ông an ủi vỗ về:

- Tôi không bỏ, tôi ở lại với anh em ...

Trở về tư thất, ông thắp 3 nén hương trước bàn Phật, sau đó người Tùy viên nghe tiếng súng nổ..........


Để kết thúc buổi chiếu phim, người xướng ngôn viên nêu lên câu hỏi:

“30 tháng Tư ngày ấy bác, anh ở đâu? chị ở đâu?....

 

Ra về lòng tôi nặng trĩu… Bốn mấy năm trôi qua, cuộc sống đã thay đổi, nhưng những người dân miền Nam khó thể quên chuyện ngày ấy. Tiếng Trung uý Lê Ngọc Danh kể về vị anh hùng Nguyễn Khoa Nam vẫn vang trong đầu cho đến giờ phút này. Đêm trăn trở, tôi thức dậy tràn nghiên theo thi hoạ:

 

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam

 

Thiếu Tướng hiên ngang ở lại thành

Quân hoài quý mến lớp đàn anh

Giờ cùng ước nguyện còn thơm tiếng

Phút chót câu thề mãi sáng danh

Nước mất buồn đau tìm lối tử

Nhà lìa khổ nhục thoát đường sanh

Can trường súng nổ ngàn thu biệt

Họ Nguyễn Khoa Nam sử sách dành

Minh Thuý Thành Nội 


    Giờ phút cuối nghe đài thông báo năm nay (2021) buổi tưởng niệm sẽ tổ chức tại khu Century thuộc thành phố San Jose do Bác Sĩ Phạm Đức Vượng đảm trách. Tôi thấy lòng phấn khởi như máu chảy về nguồn, cùng tâm trạng của những kẻ lưu vong tìm về tổ ấm tưởng nhớ đến ngày Quốc Hận cho vơi bớt nỗi niềm buồn tủi.

***


Hôm nay ngày 25 tháng 4 năm 2021. Buổi sáng trời âm u không có nắng, mây đen từng vùng. Đến nơi đã thấy hàng cờ vàng nối dọc ngoài đường story. Các hội đoàn tề tựu chuẩn bị mọi thứ. Đúng 11 giờ buổi lễ bắt đầu, tôi thấy có sự hiện diện của Thị Trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí và luật sư Nguyễn Quốc Lân từ Nam Cali lên tham dự. Chương trình bắt đầu buổi lễ chào Quốc Kỳ Mỹ, Việt Nam. Mỗi lần được hát bản Quốc Ca VN thì kỷ niệm ùa về những buổi sáng thứ hai trong sân trường, cả lớp được đứng hát trước cột cờ, ngày xưa hát với tâm trạng bình thản vô tư, bây giờ hát nhưng tim đập mạnh..., nửa vui vì được hát và nửa như se thắt con tim. Kế tiếp lễ dâng hương Tổ Quốc và Lễ tưởng niệm các vị anh hùng “Sinh vi Tướng, Tử vi Thần” đã tuẫn tiết trong những ngày mất nước. Đèn hương nghi ngút vinh danh các anh hùng vị quốc vong thân, đúng là “Anh Hùng tử, khí hùng bất tử”.

    

   Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng

  

   Bình Long trận đánh diễn oai hùng, 

   Quyết dẹp quân thù núp ẩn bưng.

   Nếm mật, bùn dơ cùng rắn rít, 

   Nằm gai muỗi độc với sâu rừng.

   Yên bề trở lại dân chào đón, 

   Vững bước quay lui vợ tủi mừng.

   Nước loạn, nhà tan thề tuẫn tiết,

   Anh hùng đáng phục Tướng Lê Hưng.

                         MTTN



Thiếu Tướng Phạm Văn Phú 


Tướng Phạm Phú gương đầu 

Uống liều thuốc tử mau 

Anh hùng lời hậu thế 

Dũng khí tiếng đời sau

Tỵ nạn ông tràn hận

Lưu vong bạn ngập sầu 

Bàn vong người tuẫn tiết

Tưởng niệm nỗi buồn đau

                MTTN



Chuẩn Tướng Trần Văn Hai


Chiến sự nguy nàn cảnh bỏ đi

Lời mời tổng thống chẳng ngờ nghi

Sư đoàn bảy bộ binh tư lệnh

Chuẩn Tướng Trần Hai vẫn đảm vì 


Ngày cuối tháng tư đất nước tan

Hai mươi viên thuốc quyết không hàng 

Đồng Tâm căn cứ nơi làm việc 

Cái chết uy nghi đã chuẩn dàn 

                 MTTN



Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ 


Tử thủ vùng Lai Khê phút cuối 

Anh Hùng chẳng sợ đuổi đoàn quân

Bữa cơm măng vịt tình thân

Là giờ phút cuối nghĩa ân trọn kề


Viên đạn súng Colt thề quyết giữ 

Can trường “Vị Quốc Tử Theo Thành”

Bởi đau đất nước tan tành

Xem thường cái chết sử sanh nhắc hoài


Quốc hận tháng Tư đài tưởng niệm 

Bàn di ảnh khói điểm làn hương

Lòng dân đau xót mến thương

Âm thầm giọt lệ kính tương ngày buồn 

                              MTTN 



         

        Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn 


   Tổ quốc mang ơn lịch sử bù 

   Anh Hùng Hồ Ngọc Cẩn bao thu

   Hăng say quyết tử gìn quân đội 

   Nhiệt huyết can trường giữ chiến khu 

   Ngạo nghễ hiên ngang khi nhốt ngục

   Oai nghi thách thức lúc giam tù 

   Bị đem xử bắn không nao núng 

   Điểm mặt la to bọn giặc thù 

                            MTTN


    Trung Tá Nguyễn Long Cảnh Sát


   Nhớ buổi đau lòng chuyện bảy lăm

   Tháng tư phút cuối phận con tằm 

   Anh hùng mạnh dạn nào lo hãi

   Tướng tá can trường khó dọa hăm

    Chẳng đợi quân thù hành đạn súng

    Đâu chờ bọn giặc xử dao găm

    Nguyễn Long Cảnh Sát không nao dạ

    Tuẫn tiết hiên ngang dáng thẳng nằm

                                   MTTN

           

   Nhìn di ảnh tôi thấy lạnh toàn thân khi nghe đọc tiểu sử các vị đã tìm cách chết hiên ngang quyết không đầu hàng quân giặc. Mọi người đứng yên chờ đến phiên mình để được thắp cây nhan với tất cả lòng thành kính xúc động. Đang lúc làm lễ trời đổ cơn mưa như nhỏ lệ dùm niềm đau của những người con xa xứ, lưu lạc khắp nơi đã về đây,  cùng chung tâm trạng của kẻ mất nước với nỗi buồn dấy động mạnh lên mỗi khi tháng tư về. 

Tiếp tục chương trình các vị đại diện trong guồng máy chính quyền, đại diện các đoàn thể lên có đôi lời .....về ngày 30 tháng Tư. 

Phần văn nghệ với những bài hùng ca như “Việt Nam Tôi Đâu” (Việt Khang), “Đáp Lời Sông Núi” (Trúc Hồ), “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) v...v...Đến bài hát “Tấm Thẻ Bài” (Huyền Anh) 


Sau cuộc chiến này còn chi không anh?

Còn chi không anh?

Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài

Đang lạnh lùng trên tay em


Giọt máu nào là của Mẹ 

Niềm tin nào là của em 

Ôi trên tấm thẻ bài này

Tấm thẻ bài này, đã từng

Ấp ủ tất cả giấc mộng yêu đương


Mộng yêu đương không bao giờ đến 

Không bao giờ đến nữa vì anh

Không còn mang tấm thẻ bài 

Trở về bên em ....


Lời nhạc làm hồn tôi miên man hồi tưởng về quá khứ, hình ảnh những anh lính Việt Nam Cộng Hòa hiện rõ, những người lính Thương Phế Binh, những chiếc xe cứu thương chạy vào Quân Y Viện trong Mang Cá hàng ngày trên đường Đinh Bộ Lĩnh, những hình ảnh cô nhi quả phụ đội khăn tang đầy các phố, những thước phim tài liệu chiếu lính đi hành quân ngâm nửa người dưới nước băng rừng lội suối, hay những lúc hành quân trở về với tấm thân tàn ma dại... Tại sao đã có hiệp định Geneva 1954 chia đôi đất nước mà miền Bắc cứ muốn xâm lấn miền Nam? trong khi các anh lính chiến miền Nam chỉ đánh giặc để tự vệ, bảo vệ làng mạc thôn xóm, lo cho người dân an ổn sinh sống trong thanh bình...Càng nghĩ mắt tôi càng mờ dần thấm thía với bản nhạc “Tấm Thẻ Bài”.


Thương Người Chiến Sĩ VNCH


Cộng Hoà anh lính thuở xa xưa

Hình ảnh oai phong kể mấy vừa

Chiến tích quay về ngang ruộng rẫy 

Hành quân ngừng nghỉ dưới cây dừa

Chiều thu đã thắm tình chia sẻ 

Phố hạ chưa phai cảnh đón đưa 

Áo trận sờn vai đời gió bụi

Thương người đội nắng với dầm mưa 

                     MTTN


Buổi lễ kết thúc vào lúc 3 giờ chiều, bước ra xe lòng tôi nhẹ nhõm bớt phần nào sự buồn rầu, vì được gặp gỡ đồng hương, cùng ngồi lại với nhau dưới bóng cờ vàng, những tấm lòng cùng chung cảnh ngộ, cùng đau chung cho vận mệnh của đất nước, tuy không nói nhưng đã được chia sẻ thật nhiều bằng ánh mắt. Nơi đâu có dân tỵ nạn là nơi đó có ngọn Cờ Vàng, cờ chính nghĩa bay phất phới trong gió, cờ trong tim ấp ủ nỗi niềm hy vọng, và cũng sưởi ấm biết bao nhiêu cho những người con đã lưu lạc mất quê hương ...


Tháng Tư Tưởng Niệm 


Tháng Tư cúi mặt ngậm ngùi 

Bao nhiêu ký ức đẩy lùi đau thương

Tỏ lòng kính cẩn nén hương

Anh hùng khí tử nặng vương lòng người


Tháng Tư đã tắt nụ cười 

Bởi giặc miền Bắc lấn trời phương Nam

Hung tàn cướp bóc gian tham

Đọa đầy mọi chốn dân oan thảm sầu


Tháng Tư súng bắn vào đầu

Can trường các vị Tướng câu “tử thành”

Lê Hưng, Nguyên Vỹ quyết hành 

Khoa Nam, Ngọc Cẩn thanh danh bỏ mình


Tháng Tư Phạm Phú quyên sinh

Trần Văn Hai cũng chọn vinh quyết thề 

Nguyễn Long đã chết giờ kề 

Trầm ngâm nhớ lại quặn tê nỗi buồn 


Tháng Tư máu nóng dâng cuồng 

Tháng Tư khắc khoải lệ tuôn mắt mờ 

                    MTTN


Ngày Buồn 


Quốc hận tháng Tư nỗi nhục buồn 

Dù trời đổ lệ giọt mưa tuôn

Đồng môn hải ngoại lòng đau uất 

Bạn hữu lưu vong máu hận cuồng 

Tướng dũng khuôn dung, nào khuất phục 

Người hùng di ảnh, chẳng hàng buông

Bàn hương khói tỏa người thành kính 

Tỵ nạn Cờ Vàng giữ vững luôn

                         MTTN


Dù bệnh dịch vẫn chưa chấm dứt, mọi người đi dự đều mang khẩu trang, trời mưa gió lạnh nhưng tinh thần người Việt ở hải ngoại thật mạnh mẽ, ban tổ chức chung góp bàn tay chuẩn bị thời gian dài vất vả. Chúng tôi vô cùng biết ơn ban tổ chức của Bắc Cali. 

               

Minh Thúy (Thành Nội) 

Mùa Quốc Hận 2021


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.