Hôm nay,  

Giã Từ Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

22/02/202117:02:00(Xem: 2619)
THO CUA TRAN NHAN TONG 03
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. (nguồn: Việt Báo)

Lời giã biệt niềm chi đau gió hú

Khép lòng tay nghe nắng cũ thầm thì (NLV)


Tháng 10 2019, nhà thơ Du Tử Lê ra đi. Chúng tôi những người bạn của anh ở Orange County làm buổi tưởng niệm cùng ra mắt tập sách “Người Về Như Bụi” vào dịp kỷ niệm trăm ngày (15-1-2020). Ai cũng có có mặt buổi tưởng niệm ấy trừ Nguyễn Lương Vỵ vì lý do sức khỏe. Phải nói từ khi còn quán ăn Tài Bửu (trước năm 2018) mỗi sáng chiếc bàn trước cửa quán hầu như ngày nào cũng có mặt hai nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Lương Vỵ. Tôi thỉnh thoảng đến uống café với hai người. Đến cuối năm 2017, Nguyễn Lương Vỵ qua trận phẫu thuật tim cùng căn bệnh tiểu đường khiến anh phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Từ đấy sức khỏe anh ngày một mong manh hơn. 


Năm 2020 trôi qua, trận đại dịch Covid 19 làm gián đoạn sự gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên tôi vẫn thường gọi điện thoại thăm Nguyễn Lương Vỵ (NLV) và bao giờ cũng được cho biết sức khỏe Ok. Anh vẫn tiếp tục làm thơ vì làm thơ với NLV như hơi thở để sống và anh đã hoàn tất Tuyển tập thơ 50 năm vào tháng 11 năm 2020. Văn Học in Tuyển tập gồm hai tập, mỗi tập hơn năm trăm trang. Nhìn công trình đồ sộ này, tôi hiểu NLV cố hoàn tất tổng thể sự nghiệp thi ca của mình. Vào tháng 12, NLV gọi điện thoại giọng buồn bã cho tôi biết nhà thơ Võ Chân Cửu, người bạn thân của anh vừa mới mất tại VN. Sau đó anh kêu gọi bạn bè đóng góp chút tiền gửi về VN cho gia đình Võ Chân Cửu. Hôm tôi chở NLV đi gửi tiền về VN và chia buồn với gia đình Võ Chân Cửu là lần cuối cùng tôi gặp anh. Hôm ấy chia tay trước nursing home, Nguyễn Lương Vỵ cho biết đang chờ được chích mũi vaccine đầu tiên. Về nhà tôi cứ cầu mong cho anh may mắn được sớm chích vaccine vì tình trạng tràn lan nguy hiểm của virus covid 19 và cũng vì sự khó khăn trong việc phân phối vaccine lúc bấy giờ. Hình ảnh ốm yếu xanh xao và run rẩy từng bước đi của NLV khiến tôi lo lắng, nhưng chỉ biết thế thôi. Tất cả đều ngoài tầm tay trước cuộc vô thường! Nửa tháng sau được tin từ Tô Đăng Khoa, Nguyễn Lương Vỵ phải nhập viện UCI cấp cứu. Con gái anh qua Facebook kêu gọi bạn bè cầu nguyện nhưng cũng không cho biết tình trạng cụ thể của anh như thế nào? Mọi người đều cho rằng anh bị Covid 19. Ba tuần lễ trôi qua, bệnh tình không thấy tiến triễn tốt vì anh vẫn chìm trong coma. Chừng một tháng từ Facebook, con gái NLV cho biết các bác sĩ bảo anh quá yếu sức và khó có thể tỉnh lại. Chiều 16 tháng 2 Tô Đăng Khoa yêu cầu tôi tìm một số hình của Nguyễn Lương Vỵ gửi cho Lê Giang Trần để chuyển cho con gái NLV theo yêu cầu. Tôi biết việc gì đến cũng sẽ đến. Chiều 17 tháng 2 lúc ba giờ rưỡi, Lê Giang Trần gọi cho biết hai giờ nữa bệnh viện sẽ rút ống vì cơ thể anh hoàn toàn không có cơ may phục hồi. Và NLV ra đi giữa mùa đại dịch trong sự buồn bã thương tiếc của bạn bè thân quen. Kỷ niệm với từng người bạn trong tôi là từng cột mốc thời gian. Chỉ hơn một năm, đã ba người bạn làm thơ (Du Tử Lê, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ) lần lượt biến mất  trên cõi đời này. Tôi ngồi hồi tưởng sinh hoạt bạn bè ngày cũ thoảng như hôm qua, và nắng chiều làm như úa màu khi nhớ lại.  


Tôi và Nguyễn Lương Vỵ quen nhau hơn năm mươi năm. Gặp lần đầu tiên năm 1970 qua Nguyễn Quốc Kỳ, người bạn học Văn Khoa năm thứ nhất ban Triết. Lúc bấy giờ tôi được đọc một số bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ trên báo Khởi Hành và rất thích cách xử dụng từ mới lạ của anh. Chúng tôi quen nhau và thường trò chuyện ở quán café. Tiếp theo cũng qua Nguyễn Quốc Kỳ tôi quen với Võ Chân Cửu và sau đấy mới biết bộ ba này cùng học năm cuối Trung học Kỹ thuật Qui Nhơn. Thời gian này tuy tình hình chiến tranh ác liệt, sinh hoạt văn nghệ miền Trung lại tưng bừng với nhiều khuôn mặt trẻ như Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Hồ Ngạc Ngữ, Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Võ Chân Cửu… và Nguyễn Lương Vỵ không ở ngoài vườn hoa văn nghệ trẻ này.


Tuy quen biết Nguyễn Lương Vỵ nhưng lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của anh ngoài ấn tượng là một nhà thơ trẻ miền Trung đang học đại học ở Sài Gòn. Nguyễn Lương Vỵ nhỏ con, gầy ốm nhưng tiếng nói có âm vang và nhiệt tình sôi nổi khi đề cập đến thơ văn. Đến khóa quân sự học đường năm 1970, tiểu đoàn sinh viên biểu tình xô xát với quân cảnh, Nguyễn Lượng Vỵ bị đánh dùi cui gãy xương sườn phải nằm bệnh viện Sùng Chính ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi và Nguyễn Quốc Kỳ đi thăm anh hai lần. Năm tiếp theo tình hình chiến sự leo thang và tổng động viên tăng thêm một tuổi nên đa phần sinh viên đều phải vào lính. Tuy nhiên Nguyễn Lương Vỵ không bị ảnh hưởng lần tổng động viên này. Sau khi vào lính và được biệt phái trở về làm công chức năm 1973, tôi không có dịp gặp lại Nguyễn Lương Vỵ lần nào nữa dù vẫn thường đọc thơ anh trên trang báo văn nghệ. 


Sau khi sang Mỹ, vào năm 2008 tôi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ cũng thật bất ngờ. Tại quán ăn Tài Bửu, Khiêm Lê Trung, một người bạn đang ngồi ăn sáng với một người đàn ông lạ mặt, tuy nhiên khuôn mặt tôi mường tượng ra có chút quen thuộc. Thấy tôi, Khiêm đứng lên vồn vã giới thiệu, “Đây là Nguyễn Lương Vỵ chắc ông biết”. Tôi bước tới bắt tay anh nói ngay, “Hơn bốn mươi năm mới gặp lại ông bạn!” Vỵ cười không nói tiếng nào. Vì thời gian xa cách quá lâu nên tôi nghĩ rằng nếu gặp ngoài đường cả hai đều không nhận ra nhau. Khi nhắc đến tên tôi, Vỵ lúc này à lên một tiếng, tôi nói tiếp, “ông có gặp Nguyễn Quốc Kỳ hay chưa?” Anh lắc đầu và chúng tôi tiếp tục nhắc lại chuyện xa xưa. Vỵ cho biết đang sống một mình tại Orange county sau khi ly dị vợ. Tôi sau đấy thường cùng anh đi uống café nói chuyện đời rất tâm đắc. Vỵ phong phú trong sinh hoạt văn nghệ quá khứ có lẽ vì định mệnh anh chính là sự nghiệp thi ca. Có lần tôi nói với Vỵ, “Sau ba mươi tháng tư năm 1975, cửa cuộc đời tôi đóng lại thế nên không biết việc gì xảy ra phía sau cánh cửa … “ Vỵ cười  bảo, “Tôi sẽ kể cho ông nghe…” Từ  đó Vỵ cho tôi biết ít nhiều những gì xảy ra liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc đời của anh trước khi sang Hoa Kỳ. Và chuyện đời hình như buồn nhiều hơn vui, tôi nghiệm như thế. 


Nguyễn Lương Vỵ làm thơ đều đặn thoải mái như việc ăn uống hằng ngày. Thơ in ra đều tặng cho tôi. Đọc thơ anh, tôi mới thấy nội dung thơ không hề giống như thái độ biểu hiện khi sáng tác của anh. Mỗi tập thơ đều là cuộc đấu tranh khốc liệt tâm hồn theo từng giai đoạn của hành trình cuộc đời. Chỉ đọc tên từng tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ mới thấy được những thác ghềnh cuộc sống theo thứ tự thời gian. Rất nhiều khác biệt hiện diện trong các bài thơ, nhưng tất cả lại trong một thể nhất quán. Tôi cho rằng đó là cội nguồn, gốc rễ một niềm đau, nỗi bất hạnh khôn nguôi của cuộc đời, và nó được diễn tả như một dòng chảy tâm thức không dứt trong từng bài thơ của anh. Tôi có lần ví von, “bài thơ là những giọt mưa rớt từ một cõi thiên đường bất hạnh…”, nghe tôi nói anh suy nghĩ cuối cùng gật đầu. Tôi mượn ý niệm đối kháng để nói về nỗi đau con người vì ai cũng thế, không bao giờ có một điều bất hạnh, hay không-hạnh phúc tuyệt đối cả. Con người ta khi nhận ra nỗi đau đớn thường đã có một kinh nghiệm bình an. Thế nên thơ Nguyễn Lương Vỵ là một khát vọng, đôi lúc huyễn hoặc (dù nhiều bài thơ mang tính triết lý Phật giáo đi nữa) nhưng cái huyễn hoặc ấy rất tuyệt vời để diễn tả cuộc xung đột không ngơi nghĩ của nội tâm:

 

rất nhiều quán không ở trong mỗi chữ

rất nhiều bóng đời ở trong mỗi câu

rất nhiều sinh linh ở trong mỗi tứ

chẳng biết mần sao chẳng biết mần sao

. . . . . 

ta mồ côi em ngồi khâu mộng ảo

những vết thương tâm chưa ráo sắc màu

năm tháng trong veo treo một tà áo

náo nức thiên thanh bay vút lên cao

. . . . . 

ta đã gửi suốt một đời lầm lũi

đời mồ côi thương hạt bụi điêu linh

bụi ca hát cùng ta mơ chín suối

mộng mười sông đông đủ gió thâm tình

. . . . .

(Trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian - NLV)


Nhưng dù bao nhiêu khát vọng đi nữa, nó không hề giải quyết được những đau đớn buồn khổ khôn nguôi trong tâm tưởng của anh. Nó biến thành thứ Âm vọng, Sắc màu của giấc mơ dài cuộc đời để rồi anh sáng tác chính là anh đang sống, đang minh chứng sự tồn tại gắn liền ước mơ khát vọng của mình. 


Âm Tuyết Đỏ Thời Gian là tập thơ cuối của Nguyễn Lương Vỵ. Tuy nhiên Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) là công trình cuối cùng. Cầm hai tập của Tuyển Tập mà anh tặng, tôi nhìn dòng chữ ký tặng nhận ra sức mạnh ý chí vô cùng của anh. Tôi từng hi vọng rằng thể chất của anh có thể nhờ ý chí mạnh mẽ này mà hồi phục dần. Nhưng ngày 17 tháng 2 năm 2021 Nguyễn Lương Vỵ đã ra đi, rất lặng lẽ âm thầm như ngày nào anh rời khỏi gia đình để mưu sinh và bắt đầu cuộc đời sáng tác thi ca bằng vào cõi lòng yêu thương định mệnh (amor fati) của mình. Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.  


2/22/2021

Lê Lạc Giao


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.