Hôm nay,  

Mùa Xuân Đầu Tiên

11/02/202123:59:00(Xem: 2568)
 
MUA XUAN DAU TIEN_Tran C Tri

Hình tác giả cung cấp.

Tết càng cận kề, từ làng trên xuống xóm dưới, mọi người càng chộn rộn lo đủ thứ, y như cả năm chưa đủ lu bu vậy. Nhà bà hội đồng thì khỏi nói. Song le, năm nay bà hội đồng lại bận bịu một cách khác. Số là giữa bà và cậu Hai Đức đang có chuyện gây cấn. Sẵn dịp xuân về, bà muốn mời cô Tư Nhung qua nhà chơi vào ngày mùng hai Tết. Ngặt một nỗi, để cho đúng bài bản, cậu Hai Đức phải qua nhà cô trước, coi như là để coi mắt, rồi bà hội đồng mới tiện bề mời cô qua chơi nhà bà, không thôi làng xóm dị nghị. Ngặt một nỗi khác, cậu Hai Đức chẳng thiết tha gì chuyện coi mắt coi mũi này, bởi vì trong tim cậu đã có một hình bóng khác, đó là cô Nhàn ở xóm dưới mà cậu đã đem lòng thương yêu ngót một năm nay.
               
Chuyện ngó vậy mà thiệt khó. Cậu Hai Đức không thể ngày một ngày hai thẳng rẳng nói không với bà hội đồng được. Ông hội đồng qua đời lúc cậu Hai Đức còn đỏ hỏn trong tay bà hội đồng. Tình thương bao la của bà mẹ dồn hết cho đứa con sớm mồ côi mồ cút của mình. Đáp lại, cậu Hai Đức cũng thương yêu mẹ khôn xiết kể, cậu thương mẹ một mình đóng cả hai vai phụ mẫu để nuôi cậu khôn lớn, học thành thành tài như ngày hôm nay. Cậu sợ nhất là làm mẹ buồn. Từ nhỏ tới lớn, cậu chưa dám cãi lời mẹ lần nào. Vậy mà bây giờ…
               
Về phần bà hội đồng, bà có nghe phong thanh chuyện con trai mình đi lại với một con nhỏ nào ở xóm dưới. Qua nhiều người méc lại, bà biết con nhỏ đó gia cảnh không có gì làm bề thế cho lắm, còn nghèo là đằng khác. Trái lại, cô Tư Nhung mà bà đang dòm ngó cho con trai mình là con của ông bà đốc Khánh, một gia đình vừa nức danh học rộng vừa lắm tiền nhiều của, không thua gì cơ ngơi của bà hội đồng. Bà chưa biết mặt con nhỏ mà cậu Hai Đức đang dan díu ra sao, nhưng cô Tư Nhung này thì thiệt sắc nước hương trời. Đã vậy, cô còn là người con gái duy nhất trong làng được cha mẹ cho lên tỉnh học, mang về cái bằng tú tài làm ông bà đốc nở mày nở mặt với bao nhiêu người.
               
Ngày bà hội đồng hẹn cùng cậu Hai Đức qua nhà cô Tư Nhung lật bật đã đến gần. Trời còn sớm tinh mơ, bà hội đồng đã gọi cậu Hai Đức ra uống trà sáng, sẵn để nói chuyện dứt khoát về việc đi coi mắt. Cậu Hai Đức mấy hôm rày cũng suy trước tính sau nhiều lắm rồi. Cậu đã có sẵn một kế hoạch, đúng hơn là một cuộc thương lượng mà có thể hai bên đều có lợi.
               
Nhấp một ngụm trà còn nóng hổi, bà hội đồng thong thả mở lời:

- Sao? Con sẽ đi với má qua cho biết mặt cô Tư Nhung chớ?

Cậu Hai Đức cũng thủng thỉnh nói:

- Có phải sau đó má muốn mời cô Tư Nhung qua nhà mình chơi ngày Tết không?

Nói đoạn cậu đằng hắng một cái, thu hết can đảm nói với mẹ:
               
- Con tính như vầy. Con sẽ cùng đi với má qua nhà cô Tư Nhung. Nhưng má cho phép con cũng mời cô Nhàn bữa sau nữa tới nhà thăm má nghen!
Bà hội đồng giật thót người một cái. Thiên địa ơi, có phải thằng con mình nó vừa công khai nói ra tên của con nhỏ mà lâu nay nó vẫn thậm thụt tới lui đó không? Bà hội đồng nén xúc cảm xuống, cố lấy giọng bình tĩnh:

- Con Nhàn là con nào? Sao hồi giờ má không nghe con nói tới?

Cậu Hai Đức đã trấn tĩnh đôi chút, mạnh dạn trả lời:

- Dạ, tại chưa phải lúc thôi má ơi. Má cho phép cô Nhàn tới thăm má, rồi má sẽ thấy mến cổ liền. Cổ ở xóm dưới của làng mình đó má.

Bà hội đồng cố tình lần lữa:

- Nhưng mà bên mình chưa qua chơi nhà bên đó, nó là con gái tới nhà mình trước coi sao đặng?

Cậu Hai Đức xua tay:

- Má ơi, thời buổi văn minh này mà má còn câu nệ chi đàng trai đàng gái, ai tới trước ai tới sau làm chi cho mệt vậy. Má ờ một tiếng đi thì mình vui vẻ cả làng mà.

Bà hội đồng hứ một tiếng dài, nhưng cậu Hai Đức biết mẹ mình đã bằng lòng. Bà hội đồng vốn thương con, không muốn làm nó buồn. Gia dĩ, nó cũng đã chiều mình chịu qua nhà cô Tư Nhung chơi. Bà tin chắc rằng cậu Hai Đức sẽ mê cô Tư Nhung ngay khi được diện kiến cô ta. Lúc đó thì có mười con Nhàn cũng chẳng ăn thua gì. Nghĩ vậy, bà hội đồng đắc chí, tự cho mình đã thắng keo đầu, vui vẻ đứng lên bắt đầu một ngày mới.

Sau ngày hai mẹ con qua nhà cô Tư Nhung về, bà hội đồng thấp thỏm chờ Tết đến. Không phải bà tha thiết gì tết nhứt, mà chính là bà trông tới ngày mùng hai đặng tiếp đón cô Tư Nhung. Cậu Hai Đức cũng lóng ngóng chờ ngày mùng hai mau tới, mau qua, đặng cậu có dịp khoe cô Nhàn với mẹ. Tuy nhiên, cậu cũng hết sức hồi hộp, chỉ sợ cô Nhàn tranh đua không lại cô con gái con nhà giàu, đầy học thức kia. Hôm qua nhà ông bà đốc Khánh, lần đầu tiên cậu Hai Đức mới biết mặt mũi cô Tư Nhung ngày nay ra sao. Thiệt là thiên hạ nói không sai, cô Tư Nhung đẹp lắm. Tuy nhiên, cậu Hai Đức chỉ thấy cô đẹp một cách kiêu sa như một bức tượng nữ thần Hy Lạp, ai cũng thấy hay hay mà không dám chạm vào.

Còn cô Nhàn của cậu Hai Đức, học thức chỉ tới hết trung học đệ nhứt cấp, nhan sắc trung bình nhưng dễ mến. Có những người thoạt ngó vào không thấy có gì đáng để ý, nhưng khi họ nở một nụ cười thiệt khả ái thì người đối diện bỗng thấy bồi hồi rung động. Cô Nhàn chính là mẫu người đó. Cậu Hai Đức quen cô Nhàn cũng rất tình cờ. Một bữa ra tỉnh về, ngồi trên chuyến xe đò đông đúc, cô Nhàn ngồi kế bên cậu Hai Đức. Xe chạy một hồi, cậu mới để ý ngó qua cô gái ngồi bên cạnh, tay cầm một quyển sách. Thiệt tình là lúc đó cậu để ý tới cuốn sách hơn là người đang cầm nó, vì cậu vốn rất mê sách vở. Cậu Hai Đức liếc coi tựa đề cuốn sách là gì. Té ra đó là cuốn “Đắc Nhân Tâm” do nhà văn Nguyễn Lê dịch từ tác giả Dale Carnegie mà cậu cũng rất thích đọc. Từ cuốn sách, cậu Hai Đức len lén ngước lên nhìn sở hữu chủ. Cậu ngẩn người nhìn gương mặt thật phúc hậu, dễ thương của một thiếu nữ mang đậm chất thôn quê. Hắng giọng nhẹ một tiếng, cậu Hai Đức khẽ khàng nói với cô gái:

- Thưa cô, tôi hỏi cái này có hơi đường đột, cô đọc hết cuốn sách này chưa? Cuốn này tôi thích lắm.

Hình như cô gái có hơi giựt mình một chút. Vài giây sau cô mới nhẹ nhàng đáp:

- Dạ, tôi đọc lần này là lần thứ mấy cũng không nhớ, vì tôi đọc đi đọc lại cuốn này hoài mà vẫn thấy muốn đọc.

Thấy người đẹp khá niềm nở với mình, cậu Hai Đức tươi cười nói:

- Ủa, lạ quá, tôi cũng vậy đó cô. Cuốn sách này dạy mình những điều hay lẽ phải mà lâu lâu mình lại quên đi. Phải ôn lại thời mới nhớ mà thực hành, phải không cô?

Vậy là đoạn đường xe chạy về quê hôm đó dường như ngắn lại vì cả hai bắt đầu trò chuyện khá tương đắc, hết chuyện này qua chuyện khác. Cậu Hai Đức tự giới thiệu với cô gái mình là thầy giáo bực tiểu học, còn cô gái, tên là Nhàn, cho cậu biết cô không được học cao, nhưng hết sức mê sách vở. Hai cô cậu cứ vậy mà nói tới hết cuốn sách này tới cuốn tiểu thuyết khác, coi bộ tâm đầu ý hợp lắm. Từ bữa đó về sau, cậu Hai Đức và cô Nhàn thường tìm tới nhau, mối thâm tình càng ngày càng đậm đà tới nỗi biến thành tình yêu hồi nào mà cả hai đều không hay biết. Có điều là cậu Hai Đức chưa dám nói ra chuyện này với mẹ vì cậu biết bà hội đồng thích môn đăng hộ đối, mà nhà cô Nhàn lại chỉ là một gia đình nông dân bình thường ở xóm dưới.

Buổi sáng mùng hai Tết, bà hội đồng dậy thiệt sớm, hối cậu Hai Đức dậy theo bà để sửa soạn nghênh đón cô Tư Nhung. Vì cô và mẹ cô ghé qua lúc chín giờ sáng, bà hội đồng định thết đãi bánh tét nhưn mặn do chính tay bà gói cùng một ít mứt bà làm. Đúng giờ hẹn, hai mẹ con cô Tư Nhung tới. Hôm nay cô Tư Nhung còn đỏm dáng hơn bữa hai mẹ con cậu Hai Đức qua chơi bên nhà. Cô vận một bộ đồ màu hồng phấn, tóc cô bới cao, để lộ cái ót trắng nõn nà. Cậu Hai Đức kín đáo quan sát khuôn mặt trái xoan của cô, thấy đôi chưn mày của cô được tỉa tót sắc lẻm. Hai má cô dồi một lớp phấn mỏng, và in hình như cô có tô môi son nữa thì phải. Cô đeo một cặp bông tai vàng, đu đưa qua lại mỗi khi cô gật đầu hay lắc đầu. Móng tay cô cũng sơn màu hồng như bộ đồ cô đang mặc, và nhọn hoắc, khiến cậu Hai Đức hơi rờn rợn sợ. Cô yểu điệu thục nữ hết chỗ nói. Đi, đứng, nói, cười gì cô cũng làm ra vẻ thiệt cẩn trọng, tuồng như cô đã tập trước nhiều lần rồi vậy.

Khi bà hội đồng mời hai mẹ con ngồi xuống trước mặt mình và con trai, cô Tư Nhung khẽ gật đầu rồi đặt xuống mặt bàn gỗ cẩm lai một cái dĩa có đựng một món tráng miệng ngó thiệt màu mè, thỏ thẻ nói:

- Thưa bác, cháu có làm món đông sương này gọi là chút quà Tết nhỏ đặng bác và anh Hai thưởng thức.

Bà hội đồng ngắm nghía dĩa đông sương làm thiệt khéo, có năm lớp màu sắc khác nhau. Trên mặt có tỉa hình đôi uyên ương lả lướt, hết sức sắc sảo. Chẳng là ngoài lúc đi học chữ ở tỉnh, cô Tư Nhung còn học thêm lớp nữ công gia chánh nên làm ra những món bắt mắt này là nghề của cô. Bà hội đồng tấm tắc khen món đông sương, trong khi cậu Hai Đức cũng cố gắng cười phụ hoạ cho cô vui lòng. Thiệt tình lúc đó cậu chỉ chạnh nghĩ đến cô Nhàn, thấy thương người yêu bị thua thiệt, làm gì có thể phô bày ra những thứ hào nhoáng như vầy.

Bà hội đồng gọi người làm dọn cơm Tết ra đãi khách. Bữa ăn ngon mà sao cậu Hai Đức thấy vô cùng lạt lẽo. Những mẩu chuyện trao qua đổi lại tuồng như cho có, làm không khí bữa họp mặt thiệt lạnh lùng. Hai bà mẹ nói những chuyện bâng quơ, còn cậu Hai Đức và cô Tư Nhung cũng đối thoại hết sức rời rạc, nói những lời không hồn không vía. Cô Tư Nhung đâm ra mất hứng, chỉ mong sao cho mau hết buổi để ra về. Còn cậu Hai Đức cũng đang mắc nghĩ tới ngày mùng bốn cho lẹ, đặng mẹ con cậu được đón cô Nhàn qua chơi. Bốn người trong bữa ăn, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau, cuối cùng chào và đưa tiễn nhau khá gượng gạo trong tiếng pháo nổ lẹt đẹt đâu đó trong làng.

Rồi ngày mùng bốn đã tới. Bây giờ là tới phiên cậu Hai Đức quýnh quáng chuẩn bị chờ cô Nhàn qua chơi. Cậu hồi hộp không biết cô Nhàn có nghĩ đến lễ nghĩa mà mang qua biếu bà hội đồng món gì hay không mà không tiện nhắc nhở. Về phần bà hội đồng, bà đang như mất hứng về bữa ăn hôm mùng hai vừa rồi nên cũng chẳng thiết tha gì tới chuyện gặp cô Nhàn, người mà bà vốn coi thường khi nghe qua những người khác méc lại.

Gần chín giờ sáng, cậu Hai Đức thấp tha thấp thỏm đứng trong nhà ngó ra cổng coi cô Nhàn tới chưa. Cái gan cậu là chạy ra ngoài để đón cô vô nhà nhưng cậu không dám. May làm sao, bóng cô Nhàn đã thấp thoáng ngoài cổng. Cô khoan thai bước vào, hai tay bưng một cái nồi nhỏ. Cậu Hai Đức khấp khởi mừng thầm, quay vô phòng báo với bà hội đồng là cô Nhàn đã tới. Tự nhiên, cậu Hai Đức thấy buổi gặp gỡ hôm nay sao giống như một hồi kịch đã diễn hai hôm trước rồi, chỉ khác là cô đào thương lần trước là cô Tư Nhung, còn hồi này là do cô Nhàn đóng vai chánh.

Cô Nhàn kính cẩn chào hỏi bà hội đồng rồi thưa:

- Nhân dịp lần đầu tiên được phép gặp bác, con có kho một nồi thịt heo kho nước dừa để đặng và anh Hai dùng thử.

Nhìn cô Nhàn ăn vận giản dị, mặt mũi không son phấn, tóc thả dài xuống vai, ăn nói mộc mạc, tự nhiên bà hội đồng thấy trong lòng dịu lại. Bà xởi lởi mời cô ngồi xuống khiến cậu Hai Đức vừa ngạc nhiên, vừa mừng thầm. Bà kêu người nhà dọn cơm trắng và dưa giá lên để ba người cùng ăn với món thịt kho hột vịt của cô Nhàn. Thịt heo cô kho thiệt nhừ, phần mỡ vừa đủ để hoà vào cái béo của nước dừa. Hột vịt cô kho vừa mềm, nước thịt kho trong và phơn phớt mỡ. Cậu Hai Đức vừa ăn vừa kín đáo quan sát mẹ, thấy bà đang tận tình thưởng thức tài bếp núc của cô Nhàn. Vừa ăn, bà hội đồng vừa hỏi:

- Cháu ăn học tới đâu rồi?

Cô Nhàn vừa liếc nhìn cậu Hai Đức, vừa dè dặt trả lời:

- Thưa bác, nhà cháu không được thong thả nên cháu chỉ học xong lớp đệ tứ, nhưng sau đó cháu vẫn đọc sách để học hỏi thêm kiến thức và những điều hay lẽ phải.

Bà hội đồng coi bộ hài lòng với câu trả lời của cô Nhàn lắm. Bà vừa nói chuyện, vừa để ý tới những chi tiết khác của cô Nhàn. Bà thấy đôi tay của cô không được thuôn thả như bàn tay búp măng của cô Tư Nhung, nhưng được cái là cô Nhàn không để móng tay dài hay sơn phết gì hết, ngó hết sức giản dị. Khuôn mặt cô nhìn phúc hậu, cô ăn nói từ tốn, dịu dàng. Cậu Hai Đức càng quan sát mẹ càng thấy là bà đã ưng cô Nhàn lắm rồi. Ăn xong, cô Nhàn còn bưng hết chén dĩa xuống bếp, phụ người nhà bưng trà lên uống tráng miệng. Bữa ăn hôm nay khác hẳn với bữa ăn hôm mùng hai với mẹ con cô Tư Nhung. Không khí vừa ấm cúng, vừa thân mật. Ăn uống, trò chuyện xong xuôi, cô Nhàn xin phép về. Cậu Hai Đức ân cần đưa cô ra tới cổng.

Nhìn theo cô Nhàn từ từ khuất bóng sau rặng tre, cậu Hai Đức hân hoan trở vào nhà, hồi hộp ngồi xuống trước mặt mẹ. Bà hội đồng thong thả hớp một ngụm trà sen, nói với con trai:

- Má thấy con ưa cô Nhàn này cũng phải. Nó ăn nói, cư xử đúng là con nhà tử tế, có giáo dục. Cô Tư Nhung đẹp thiệt, nhưng má thấy cô Nhàn mới là người biết quán xuyến việc nhà cho gia đình con sau này.

Cậu Hai Đức xúc động thiệt tình, nhưng chỉ biết ấp úng mấy lời cám ơn mẹ rồi xin phép mẹ được ra ngoài sân một chút cho thoáng. Cậu bước ra trước hiên nhà. Tiếng pháo ngày mùng bốn đã thưa thớt lắm rồi, nhưng sao cậu lại nghe nó vui hơn hôm mùng hai. Không gian thơm thoang thoảng mùi khói pháo, gợi lại cho cậu những ngày tết tươi vui thuở ấu thời. Tết năm nay, cậu Hai Đức được một niềm vui mới, thiệt bất ngờ, thiệt viên mãn. Cậu đã ăn hai mươi cái Tết rồi, nhưng năm nay cậu mới thấy là mình đang hưởng một mùa xuân đầu tiên đầy ý nghĩa.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mới đọc tin ngày 13 tháng tư, 2023 một thằng nhỏ khi đi tìm đón người em đã bấm chuông cửa lộn nhà, bị ông chủ nhà bắn bị thương. Ông chủ nhà này chắc thuộc loại khó tính và đề cao cảnh giác quá độ đã hành xử nóng nảy vội vàng. May mà thằng nhỏ không chết, kẻo ông sẽ ân hận cả đời...
Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. / There was a small house used as a temple in the middle of a deep, deserted, and murky woodland, with very few people passing by and without a neighborhood around.
Trong đám kỹ sư mới Tám Côn là một nhân vật nổi bật, kể về tướng mạo lẫn cá tính. Đi với nhóm cán bộ đầu tiên vào tiếp thu nhà máy, Tám Côn đã thu hút một sự chú ý đặc biệt. Trong khi những người khác đều ra dáng cán bộ với trang phục “thời thượng” là áo trắng ngã màu cháo lòng, quần dài kaki vàng hay nâu, anh Tám đóng nguyên bộ quân phục cũ kỹ bạc màu, trên đầu nón cối mới tinh với huy hiệu ngôi sao vàng chói...
Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, tôi mới được một tuổi; đến nay, tôi 49 tuổi, coi như đã sống một nửa thế kỷ. Nhìn lại quãng đời vừa qua, tôi thấy đời tôi thật sung sướng, cho đến năm 48. Nhưng năm nay 49 thì, như nhiều người nói, bốn chín chưa qua năm ba đã tới, tôi gặp tai nạn, do chính tôi gây ra, khiến từ nay tôi không còn muốn chường mặt ra xã hội.
Sáng nay tôi thức dậy và tôi đã lên ba tuổi rồi. Mẹ đánh thức tôi bằng nụ hôn và ôm choàng lấy tôi. Mẹ đã làm bánh kếp(*). Ôi! Ngon quá! Trời rất đẹp và chúng tôi đi dạo bây giờ đây. Ánh nắng mặt trời chói lọi mơn man trên mắt tôi. Đến công viên, tôi gặp bạn bè của tôi. Cuộc đời đẹp làm sao!
Mẹ tôi, con gái quê Sơn Tây, sống cùng thời với thi sĩ Quang Dũng, nổi tiếng với bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Mẹ đi lấy chồng, gia tài vỏn vẹn một con lợn nái. Mẹ kể mỗi khi ăn no, nó lại nằm ịch ngay giữa nhà, ụt ịt chờ mẹ xoa bụng. Bà ngoại mua để mẹ nuôi, lớn lên bán được số tiền to làm vốn xem như của hồi môn lúc ra riêng...
Vấn là bạn sách đèn thân thiết với Thạnh từ thuở bé. Cha Thạnh với mẹ Vấn cũng là anh em cô cậu ruột. Do vậy, anh chị em Thạnh dù lớn hay nhỏ đều là vai trên của Vấn. Vấn lại rất hiền lành nên cả nhà Trúc đều thương mến. Suốt tuổi học trò Vấn vẫn hay đến nhà Thạnh, nơi đầy đủ tiện nghi cho hơn ở nhà để cùng Thạnh học hành...
Ngày cuối tuần nào cũng như ngày hội, đường phố khu thủ đô tỵ nạn nầy đông khách lạ lùng. Thiên hạ các vùng chung quanh đổ xô đến, thi đua cùng với du khách từ những tiểu bang khác về. Nam thanh nữ tú thướt tha. Áo quần màu mè đủ vẻ đủ dáng. Những tiếng cười dòn tan yêu đời khắp chốn...
Chiếc xe hơi chạy trên con đường hẹp, uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa mì hầu hết đã được gặt xong, đây đó những bó rơm, cỏ khô được cuộn tròn nằm rải rác, những cánh rừng thưa xanh ngắt, những bụi cỏ lau màu tím hồng phất phơ trong gió, những trang trại với hàng chục con cừu, bò, và cả ngựa đang thong dong gặm cỏ, những căn nhà, quán rượu, nhà thờ…hầu hết được xây bằng đá đã xỉn màu vì thời gian, với những cửa sổ bằng kính có khung sơn trắng và kiến trúc đặc thù của vùng Yorkshire...
Kéo dài được hai năm, cuối cùng thì hắn cũng quyết định bỏ trường để về nhà đi buôn. Đây là một việc cân não mà hắn đã dằn vặt vật vã suốt một thời gian dài. Hắn là sinh viên giỏi, vốn được tuyển thẳng vào trường sư phạm, thật tình mà nói thì hắn muốn vào Bách Khoa chứ chẳng phải sư phạm, chọn sư phạm vì được miễn học phí nên miễn cưỡng chấp nhận...
Em yêu dấu: Anh sẽ kiến giải câu nói thời danh của Marcel Proust (*) để qua đó em có thể cầm nắm được trái tim nóng bỏng của anh trên tay. Marcel Proust nói rằng "Tình yêu là đem không gian đổi lấy thời gian”...
Suốt cả tuần nay Tokyo chỉ có một ngày nắng, hôm nay mưa đã tạnh thì khăn gói về vùng Kyoto/Osaka. Hai tuần nữa khi về lại đây thì những cây đào mượt mà nầy chỉ còn những cành cây cằn cỗi, phủ đầy rêu, trơ trụi. Vì thế mà chuôi kiếm của người samurai thường khắc cánh hoa đào để biểu tượng cho cuộc đời hào hùng, đẹp đẽ mà ngắn ngủi, đầy bất trắc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.